Phía Sau Nghi Can X

Chương 6




Như mọi khi, lớp học hôm đó vắng tanh. Phòng học này có thể chứa được một trăm người nhưng hiện tại nhiều nhất cũng chỉ có chừng hai mươi sinh viên. Phần lớn những sinh viên này đều ngồi ở phía dưới để có thể về ngay sau khi điểm danh hoặc có thể tự do làm việc riêng.

Có rất ít sinh viên muốn theo ngành toán. Thậm chí có thể nói là chẳng có ai ngoài Ishigami . giờ học mà phải ngồi nghe về bối cảnh lịch sử của vật lý học ứng dụng như thế này chẳng có gì hấp dẫn sinh viên.

Ishigami cũng không mấy hứng thú với giờ học này, tuy nhiên hôm đó, theo thói quen, anh vẫn ngồi ở hàng thứ hai phía bên phải. giờ học nào anh cũng ngồi chỗ đó hoặc gần đó. Lý do anh không ngồi ở giữa là vì muốn nghe giảng cho rõ ràng. Anh biết, ngay cả những giáo sư dù giỏi đến mấy không phải bao giờ cũng nói những điều chính xác.

Thường chỉ có mình anh ngồi chỗ đó nhưng thật lạ là hôm nay lại có người ngồi ngay sau anh. Tuy nhiên anh cũng không lấy làm bận tâm. Trong khi chờ thầy giáo đến, anh còn có việc phải làm. Anh lấy vở ra và chăm chú giải toán.

- Cậu cũng là tín đồ của Erdos à?

*Paul Erdos: nhà toán học người Hungary.

Ban đầu Ishigami không nhận ra giọng nói đó hướng về mình. Nhưng sau đó, do tò mò vì có người nhắc đến tên Erdos nên anh muốn ngẩng lên xem thế nào. Anh ngoảnh đầu lại.

Một cậu sinh viên tóc dài đến vai, mặc áo khoác để phanh ngực, hai tay đang chống cằm. trên cổ cậu ta đeo sợi dây chuyền màu vàng. Thỉnh thoảng Ishigami có nhìn thấy mặt cậu ta. Anh còn biết cậu ta muốn theo ngành vật lý nữa.

Trong lúc Ishigami còn đang nghĩ có phải cậu ta gọi mình không thì anh chàng tóc dài này lên tiếng, hai tay vẫn chống cằm:”Chỉ giấy và bút chì thôi thì hạn chế lắm. à, nhưng dù sao bản thân việc thử làm cũng có ý nghĩa rồi.”

Ishigami ngạc nhiên vì vẫn là giọng nói đó.

- Cậu biết tôi đang làm gì à?

- Tôi có thoáng nhìn thấy. tôi không có ý định nhìn trộm đâu. – Anh chàng tóc dài chỉ vào bàn của Ishigami.

Ishigami quay lại nhìn vở của mình. Có rất nhiều công thức trên đó nhưng tất cả vẫn còn đang tính dở, anh mới chỉ làm được một phần. nếu chỉ nhìn qua mà đã biết Ishigami đang giải bài gì thì chứng tỏ anh ta đã từng giải loại bài này rồi.

- Cậu từng làm rồi à? – Ishigami hỏi.

Cuối cùng thì anh chàng tóc dài cũng bỏ tay khỏi cằm, mỉm cười:

- Tôi là kiểu người không làm những điều không cần thiết. vì tôi có ý định theo ngành vật lý. Tôi chỉ sử dụng các định lý mà các nhà toán học tạo ra thôi. Việc chứng minh lại là của các anh.

- Nhưng cậu lại quan tâm đến cái này? – Ishigami cầm quyển vở lên.

- Vì nó được chứng minh xong rồi. biết những thứ đã được chứng minh cũng chẳng hại gì. – Anh ta tiếp tục nhìn vào mắt Ishigami. – Bài toán bốn màu đã được chứng minh. Tất cả các loại bản đồ đều có thể vẽ được bằng bốn màu.

- Không phải tất cả.

- ừ, với điều kiện là mặt phẳng hoặc trên mặt cầu.

đây là một trong những bài toán nổi tiếng nhất của ngành toán học. Năm 1879, nhà toán học người anh A.Cayley đã nêu ra bài toán:” Liệu có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào trên mặt phẳng hoặc mặt cầu bằng bốn màu hay không?”. Cách giải là chỉ cần chứng minh có thể vẽ được hoặc đưa ra loại bản đồ không thể vẽ chỉ bằng bốn màu, thế mà phải mất gần một trăm năm mới có người chứng minh được. hai người đó là Kenneth Appel và Wolfgang Haken thuộc trường Đại học Illinois, Mỹ. với sự trợ giúp của máy vi tính, sau khi xác nhận rằng tất cả các loại bản đồ đều có thể xếp loại thành một trăm năm mươi loại bản đồ cơ bản, hai ông đã chứng minh rằng tất cả các loại bản đồ đều có thể vẽ được bằng bốn màu. Đó là năm 1976.

- Tôi không nghĩ chứng minh đó là đầy đủ. – Ishigami nói.

- Có thể. Vậy nên cậu mới dùng giấy và bút chì thế này?

- Cách chứng minh đó quá đồ sộ, con người không thể kiểm chứng lại bằng tay. Chính vì thế, mặc dù đã sử dụng máy tính để chứng minh nhưng không có cách nào để khẳng định hoàn toàn rằng chứng minh như vậy là đúng hay sai. Nếu kiểm chứng lại cũng phải dung đến máy tính thì không còn là toán học nữa rồi.

- Đúng là tín đồ của Erdos. – Anh chàng tóc dài mỉm cười.

Paul Erdos là nhà toán học người Hungary. Ông nổi tiếng vì đã đi khắp thế giới, công tác nghiên cứu với các nhà toán học ở khắp mọi nơi. Ông tin rằng những định lý hay chắc chắn sẽ có cách chứng minh ngắn gọn, tự nhiên và đẹp. ngay cả bài toán bốn màu kia, mặc dù ông cho rằng cách chứng minh của Appeal và Haken có lẽ cũng chính xác nhưng theo ông, cách chứng minh đó chưa đẹp.

Anh chàng tóc dài đã nhận ra chính xác bản chất của Ishigami. Anh đúng là tín đồ của Erdos.

- Hôm kia tôi có đến chỗ giáo sư để thắc mắc về bài thi phân tích số trị. – Anh chàng tóc dày thay đổi đề tài. – Đề bài thì không có vấn đề gì nhưng lời giải không được tao nhã lắm. đúng như tôi nghĩ, có một lỗi nhỏ ở khâu in ấn. nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là có một sinh viên khác cũng đến thắc mắc giống hệt tôi. Nói thật là tôi hơi thất vọng. tôi cứ nghĩ chỉ mình tôi giải hoàn chỉnh được bài đó.

- Bài đó thì… - Ishigami ngừng lại.

- Đương nhiên giải được, nếu là Ishigami. Giáo sư đã nói thế. Đúng là giỏi rồi còn có người giỏi hơn. Toán học quả là quá sức đối với tôi.

- Cậu bảo là muốn theo ngành vật lý à?

- Tôi là Yugawa. Rất vui được gặp cậu. – Anh ta chìa tay ra bắt tay với Ishigami.

Ishigami đưa tay ra, thầm nghĩ:”Một anh chàng không bình thường”. nhưng ngay lập tức, anh cảm thấy điều gì đó rất lạ. anh luôn nghĩ chính mình mới là người bị cho là không bình thường.

Ishigami và Yugawa không hẳn là chơi với nhau theo kiểu bạn bè nhưng mỗi khi gặp nhau thế nào cũng nói chuyện. Yugawa là người hiểu biết rộng, ngoài vật lý và toán học, anh còn biết nhiều thứ khác. Yugawa am hiểu cả về văn học và nghệ thuật – những thứ mà trong thâm tâm Ishigami rất coi thường. Ishigami không biết Yugawa am hiểu những thứ đó đến đâu bởi bản thân anh cũng chẳng có tiêu chuẩn gì để đánh giá. Ngoài ra, không rõ có phải biết Ishigami không quan tâm đến gì khác hay không mà về sau Yugawa cũng thôi không nói đến chuyện gì khác ngoài toán học.

Nói vậy nhưng Yugawa là người bạn đầu tiên Ishigami có thể nói chuyện, đồng thời cũng là người duy nhất anh thừa nhận tài năng kể từ khi vào đại học.

Sau đó hai người ít gặp nhau hơn. Lý do là một người theo học ngành toán, còn một người theo ngành lý. Có thể chuyển đổi giữa hai ngành nếu đạt một điểm số nhất định nhưng cả hai đều không muốn thay đổi. Ishigami cho đó là lựa chọn đúng đắn đối với cả hai. Mỗi người đều chọn cho mình con đường thích hợp. anh và Yugawa đều có tham vọng xây dựng mọi thứ trên thế giới này bằng những học thuyết nhưng lại chọn cách thức hoàn toàn trái ngược nhau. Để đạt được mục đích, Ishigami dùng từng viên gạch là những công thức toán học. còn Yugawa lại bắt đầu từ việc quan sát, phát hiện ra vấn đề và giải quyết vấn đề. Ishigami thích sự mô phỏng trong khi Yugawa lại thích thử nghiệm.

Tuy ít gặp nhau nhưng thỉnh thoảng Ishigami vẫn nghe về Yugawa. Học kỳ cuối năm thứ hai khóa học thạc sĩ, anh có nghe một công ty của Mỹ tới mua phát minh “Bánh xe từ trường” của Yugawa. Ishigami vô cùng khâm phục.

Học xong thạc sĩ, Ishigami không biết Yugawa làm gì bởi bản thân anh đã rời trường đại học. họ đã không gặp nhau trong suốt hơn hai mươi năm.

- Ồ, vẫn chẳng có gì thay đổi! – Yugawa thốt lên khi nhìn thấy giá sách lúc bước vào nhà.

- Cái gì không thay đổi cơ?

- Anh vẫn miệt mài với toán. Có lẽ ngay cả những người nghiên cứu toán ở chỗ tôi cũng không ai có nhiều tài liệu thế này đâu.

Ishigami không nói gì. Trên giá sách của anh không chỉ có những cuốn sách về toán học mà còn rất nhiều tập tư liệu của các buổi hội thảo ở nhiều nước khác nhau. Phần lớn thông tin anh lấy từ trên mạng. anh tự hào rằng mình am hiểu ngành toán học hiện đại hơn bất kỳ nhà nghiên cứu nửa mùa nào trên thế giới.

- Cứ ngồi xuống cái đã. Tôi sẽ đi pha cà phê.

- Cà phê cũng được nhưng tôi có mang cái này tới. – Yugawa rút từ trong túi giấy ra một cái hộp. một loại rượu nhật nổi tiếng.

- Gì thế? Anh không phải khách khí thế đâu.

- Thì lâu lắm mới gặp nhau, chẳng lẽ lại đến tay không.

- Cảm ơn anh. Để tôi gọi sushi nhé. Chắc anh cũng chưa ăn tối.

- Ồ, đừng khách sáo thế.

- Tôi cũng chưa ăn mà.

Ishigami nhấc máy điện thoại và mở tập giấy quảng cáo anh hay dùng mỗi khi đặt đồ ăn qua điện thoại. khi nhìn danh sách món ăn của cửa hàng sushi, anh hơi phân vân. Loại anh hay gọi là sushi tổng hợp cỡ thường.

Anh gọi tới cửa hàng đặt một đĩa sushi tổng hợp cỡ to và sashimi. Nhân viên điện thoại có vẻ hơi ngạc nhiên. “Có phải mấy năm rồi ngôi nhà này mới có khách đến chơi.” Ishigami thầm nghĩ.

- Thật ngạc nhiên vì Yugawa lại đến đây. – Ishigami nói khi ngồi vào bàn.

- Tôi tình cờ nghe về cậu qua người quen nên bỗng thấy nhớ lại ngày xưa.

- Người quen? Có người như vậy sao?

- Ừ, nghe có vẻ hơi lạ nhỉ. – Yugawa đưa tay lên gãi mũi ra vẻ khó giải thích. – Điều tra viên của sở cảnh sát đã đến đây đúng không? Một người tên là Kusanagi ấy.

- Điều tra viên?

Ishigami giật mình. Tuy nhiên anh cẩn thận để điều đó không biểu lộ ra mặt. anh nhìn lại gương mặt của người bạn học ngày xưa. “Không rõ hiện anh ta biết những gì?”.

- Cậu điều tra viên đó học cùng khóa với chúng ta.

Điều Yugawa vừa nói là điều Ishigami không ngờ tới.

- Cùng khóa?

- Cậu ấy ở câu lạc bộ cầu lông… cậu ấy cũng học ở đại học Teito ra nhưng bên xã hội.

- À….vậy à? – Đám mây bất an đang lan tỏa trong long Ishigami nhanh chóng biến mất. – Hôm đến nhà tôi,anh ta cứ nhìn mãi cái bì thư gửi cho tôi. Hóa ra vì thế mà anh ta có vẻ quan tâm tới dòng chữ “Đại học Teito” trên bì thư. Lúc đấy anh ta nói luôn với tôi là cũng học ở đại học Teito thì có phải tiện không.

- Với cậu ấy, những sinh viên tốt nghiệp ngành tự nhiên ở Teito chẳng là gì cả đâu. Cậu ấy nghĩ đó là một loại người khác.

Ishigami gật đầu. giống nhau cả thôi. Anh cũng thấy hơi lạ khi nghĩ tới việc một người học cùng khóa, cùng trường với mình giờ lại đang là điều tra viên.

- Tôi nghe Kusanagi nói giờ cậu dạy toán ở một trường cấp III? – Yugawa nhìn thẳng vào Ishigami.

- Ở một trường gần đây.

- Tôi cũng nghe nói thế.

- Chắc cậu làm ở trường đại học hả?

- Ừ. Phòng nghiên cứu số 13. – Yugawa nói với vẻ thản nhiên. Qua cách nói đó, Ishigami hiểu rằng Yugawa không đóng kịch mà có lẽ thực sự anh cũng chẳng lấy gì làm tự hào.

- Cậu là giáo sư à?

- Không. Tôi còn đang long đong lắm. trên tôi còn ối người. – Yugawa bình thản trả lời.

- Tôi cứ nghĩ cậu đã có nghiên cứu về “Bánh răng từ trường” kia thì chắc giờ cũng phải là giáo sư rồi.

Yugawa cười, đưa tay xoa xoa mặt.

- Chỉ có cậu là còn nhớ tới cái tên đó. Cuối cùng thì nó chẳng được đem ứng dụng. giờ nó chỉ là những lý luận trên giấy thôi. – Yugawa mở nắp chai rượu.

Ishigami đứng dậy lấy hai cái cốc ở trên giá.

- Tôi thì nghĩ chính cậu mới là người làm giáo sư ở trường đại học nào đó và đang chiến đấu với giả thiết Riemann chứ. – Yugawa nói. – Thế rốt cuộc là có chuyện gì với Daruma Ishigami đây? Hay là cậu vẫn trung thành với Erdos, ca ngợi những nhà toán học lang thang nay đây mai đó?

- Không phải vậy đâu. – Ishigami khẽ thở dài.

- Thôi chúng ta cứ làm một chén đã. – Có vẻ Yugawa không muốn hỏi kỹ thêm. Anh rót rượu vào cốc.

Đương nhiên Ishigami muốn dành cả đời mình cho toán học. sau khi học xong thạc sĩ, cũng giống như Yugawa, anh quyết tâm ở lại trường để học tiếp lên tiến sĩ.

Nhưng điều đó đã không trở thành hiện do anh phải chăm sóc bố mẹ. bố mẹ anh đã có tuổi và đều mang bệnh. Anh không thể kiếm tiền đủ cho bố mẹ dù vừa học vừa đi làm thêm.

Đúng lúc ấy, anh được giáo sư giới thiệu cho một trường đại học mới thành lập đang cần tìm trợ lý. Anh nhận lời vì trường đó cách nhà anh không xa và nghĩ làm ở đó thì vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu toán. Kết quả là việc làm này đã phá hỏng cuộc đời anh.

Không thể làm được một việc gì gọi là nghiên cứu tại trường đại học đó. Các giáo sư chỉ nghĩ đến tranh giành quyền lực và giữ chỗ của mình. Họ chẳng hề nghĩ tới việc đào tạo những học giả ưu tú hay thực hiện những nghiên cứu mang tính đột phá. Những báo cáo Ishigami nhọc công viết ra mãi mãi chỉ nằm trong ngăn kéo của các giáo sư. Trình độ của sinh viên thì thấp. thời gian nghiên cứu của Ishigami cũng bị lấy mất do phải hướng dẫn những sinh viên còn chưa hiểu hết toán cấp III. Phải chịu bao nhiêu chuyện như vậy nhưng tiền lương ở đó lại ít đến mức khiến người ta muốn bỏ làm.

Ishigami định xin việc ở một trường đại học khác nhưng hy vọng của anh khó mà thành hiện thực. rất ít trường đại học có ngành toán. Nếu có thì cũng chẳng đủ để thuê trợ lý. Khác với ngành kỹ thuật, các doanh nghiệp không tài trợ cho ngành toán.

Anh buộc phải chọn con đường khác cho cuộc đời mình. Anh chọn con đường mà tấm bằng sư phạm anh lấy hồi còn là sinh viên sẽ là miếng cơm cho anh. Điều đó đồng nghĩa với việc anh phải từ bỏ con đường trở thành một nhà toán học.

Có kể cho Yugawa nghe chuyện này cũng không giải quyết được vấn đề gì. Những người buộc phải từ bỏ con đường nghiên cứu hầu hết đều có hoàn cảnh giống nhau. Anh biết mình không phải là một trường hợp quá hiếm hoi.

Sushi và sashimi đã được mang đến. hai người ăn và tiếp tục uống rượu. rượu Yugawa mang tới đã hết nên Ishigami lấy thêm rượu whisky ra. Anh ít khi uống rượu, nhưng mỗi lần giải xong một bài toán khó, anh thích nhấm nháp một chút để thư thái đầu óc.

Cậu chuyện giữa hai người không hẳn là sôi nổi nhưng vừa ôn lại những kỷ niệm thời sinh viên vừa nói chuyện về toán quả là rất thú vị. ishigami cảm thấy anh đánh mất những khoảng thời gian vui vẻ thế này từ rất lâu rồi. có lẽ đây là lần đầu tiên anh có thể nói chuyện vui vẻ như vậy kể từ khi rời trường đại học. Ishigami nhìn Yugawa và nghĩ:”Ngoại trừ người đàn ông này, chắc không có ai hiểu mình và không có ai để mình có thể thừa nhận ngang tầm với mình”.

- À, tôi suýt quên một chuyện quan trọng. – Yugawa bất ngờ nói rồi lấy từ trong túi giấy ra một cái phong bì khổ to màu nâu, đặt trước mặt Ishigami.

- Gì vậy?

- Thì cậu cứ xem bên trong đi. – Yugawa cười.

Bên trong là mấy tờ giấy A4 chuyên dùng để viết báo cáo ghi đầy công thức toán. Thoáng nhìn vào tờ giấy thứ nhất Ishigami đã hiểu đó là cái gì.

- Phản biện lại giả thiết Riemann?

- Vừa mới nhìn mà cậu đã biết à?

Giả thiết Riemann được cho là bài toán khó nhất hiện nay. Dù chỉ cần chứng minh được giả thiết của nhà toán học Riemann là đúng thôi nhưng vẫn chưa có ai làm được điều đó.

Nội dung báo cáo Yugawa mang đến là một nghiên cứu chứng minh giả thiết Riemann sai. Ishigami biết trên thế giới này có những học giả đang cố gắng chứng minh điều đó nhưng tất nhiên là chưa ai thành công.

- Tôi photo lại của một giáo sư bên ngành toán. Bài này chưa được công bố đâu. Mặc dù chưa chứng minh được nhưng tôi nghĩ là nó đang đi đúng hướng.

- Nghĩa là giả thiết Riemann sai?

- Tôi chỉ nói là đi đúng hướng thôi. Nếu giả thiết đó đúng thì nghĩa là bài báo cáo này vẫn còn sai sót.

Đôi mắt Yugawa trông như của một chú tiểu nghịch ngợm đang kiểm tra lại toàn bộ trò đùa của mình. Ishigami nhìn đôi mắt đó và thầm đoán mục đích của Yugawa. Cậu ta đang khiêu khích mình và muốn xem xem “Daruma Ishigami” đã suy yếu đến mức nào rồi đây.

- Cho tôi xem qua nhé.

- Tôi mang đến để cậu xem mà.

Ishigami đọc bài nghiên cứu. sau đó anh ra bàn làm việc và bắt tay vào giải bài. Anh đặt bên cạnh một tờ giấy mới, cầm chiếc bút bi trên tay.

- Đương nhiên là anh biết bài toán P ≠ NP rồi nhỉ. – Yugawa nói với theo Ishigami.

Ishigami ngoảnh lại:

- Một trong những bài toán mà viện nghiên cứu toán học Clay đang treo giải thưởng cho ai chứng minh được việc tự giải một bài toán và việc kiểm tra xem lời giải của người khác, việc nào dễ hơn, hoặc chứng minh việc đó khó ở mức độ nào.

- Đúng là Daruma Ishigami. – Yugawa cười, uống nốt chỗ rượu còn lại trong cốc.

Ishigami quay lại bàn tiếp tục giải bài. Anh cho rằng toán học cũng giống hành trình đi tìm kho báu. Đầu tiên phải xác định xem nên nhằm vào điểm nào, sau đó sẽ vạch ra lộ trình để đi tìm lời giải. theo cách làm này, mình sẽ tập hợp các công thức lại để tìm ra dấu vết. nếu không tìm thấy dấu vết nào thì phải thay đổi lộ trình. Cứ thế, bằng tính trung thực, kiên nhẫn và cả liều lĩnh nữa, mình sẽ tới được kho báu, nói cách khác mình sẽ tìm ra được lời giải mà không ai tìm thấy.

Nếu sử dụng cách so sánh như trên thì việc kiểm tra lại cách giải của người khác sẽ chỉ còn là việc đi theo lộ trình của họ. nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. có những trường hợp họ đi sai đường, vật họ tìm thấy là kho báu giả nên chứng minh kho báu đó là giả đôi khi còn khó hơn cả đi tìm kho báu thật. chính vì vậy mới có những bài toán ngớ ngẩn kiểu như P ≠ NP.

Ishgami quên cả thời gian. Khao khát chiến đấu, mong muốn tìm tòi, và cả lòng tự hào nữa đang khiến anh trở nên phấn khích. Mắt anh không hề rời khỏi các công thức. tất cả các tế bào não đều được huy động cho việc vận dụng các công thức toán.

Đột nhiên Ishigami đứng dậy. anh cầm bản báo cáo trên tay và ngoảnh lại phía sau. Yugawa đang co tròn nằm ngủ với chiếc áo khoác trùm lên người. anh lay vai Yugawa.

- Dậy đi. Tôi hiểu ra rồi.

Yugawa từ từ ngồi dậy, mắt vẫn còn ngái ngủ. anh lấy tay xoa mặt, ngước nhìn Ishigami.

- Cậu bảo sao?

- Tôi hiểu ra rồi. đáng tiếc là cách chứng minh này có chỗ bị nhầm lẫn. mặc dù đây là một thử nghiệm rất thú vị nhưng có lỗi sai cơ bản trong cách sắp xếp các số nguyên tố.

- Đợi đã! Đợi tôi chút đã. – Yugawa đưa tay ra trước mặt Ishigami.- Tôi không tài nào hiểu được cách giải thích khó hiểu của cậu với cái đầu mới ngủ dậy như thế này đâu. Không, ngay cả khi tỉnh táo tôi cũng không hiểu được. nói trắng ra là tôi đầu hàng với cái gọi là giả thiết Riemann này. Tôi nghĩ cậu sẽ thích nó nên mang tới thôi.

- Cậu chả bảo đi đúng hướng còn gì.

- Đó là lời giáo sư bên bộ môn toán. Thực ra, phần chứng minh này có lỗi nên nó không được công bố.

- Thế thì việc tôi tìm ra được chỗ sai cũng là điều đương nhiên à? – Ishigami thất vọng.

- Không, cậu quá giỏi. ngay cả những nhà toán học có chút tiếng tăm có lẽ cũng không nhận ra ngay chỗ sai đâu. Giáo sư kia đã nói vậy. – Yugawa nhìn đồng hồ trên tay. – Trong vòng sáu tiếng đồng hồ, cậu đã tìm ra lỗi sai. Thật xuất sắc!

- Sáu tiếng? Ishigami nhìn ra ngoài cửa sổ. bên ngoài đã bắt đầu hửng sáng. Đồng hồ chỉ gần năm giờ.

- Cậu vẫn vậy. thế là tôi yên tâm rồi. – Yugawa nói – Daruma Ishigami vẫn còn tráng kiện lắm. tôi đã nghĩ thế khi nhìn dáng cậu ngồi giải bài.

- Xin lỗi. tôi quên mất là cậu đang ở đây.

- Không sao. Cậu nên ngủ một chút đi. Hôm nay cậu cũng phải đi dạy, đúng không?

- Ừ. Nhưng tôi đang rất phấn chấn nên khó mà ngủ được. lâu lắm rồi mới tập trung được như vậy. cám ơn cậu. – Ishigami chìa tay ra.

- Đúng là tôi nên đến đây nhỉ. – Yugawa cũng chìa tay ra.

Ishigami ngủ đến khoảng bảy giờ. Không biết có phải tại mệt hay bởi cảm giác được thỏa mãn về mặt tinh thầy hay không mà trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, anh ngủ rất say. Khi tỉnh dậy, anh thấy đầu óc tỉnh táo hơn hẳn mọi khi.

Trong lúc Ishigami đang sửa soạn chuẩn bị đi làm thì Yugawa nói:

- Hàng xóm nhà cậu dậy sớm nhỉ!

- Hàng xóm?

- Ban nãy tôi nghe có tiếng người đi ra ngoài. Lúc khoảng hơn sáu rưỡi.

Có vẻ như Yugawa không ngủ. Ishigami đang nghĩ xem nên nói gì thì Yugawa tiếp tục:

- Theo như cậu điều tra viên Kusanagi mà tôi kể với cậu lúc trước thì hàng xóm nhà cậu đang là nghi can của một vụ án. Thế nên điều tra viên mới sang cả bên này để dò hỏi.

Ishigami vẫn ra vẻ bình thản, khoác áo khoác lên người.

- Cậu ta kể cho cậu nghe chuyện các vụ án à?

- Thỉnh thoảng thôi. Đôi khi cậu ta ghé qua chỗ tôi tán chuyện, phàn nàn này nọ rồi ra về.

- Không hiểu đó là vụ gì nhỉ? Cậu điều tra viên đó, tên là….Kusanagi đúng không nhỉ… cũng không kể cho tôi nghe chi tiết.

- Nghe nói là vụ một người đàn ông bị giết. người đàn ông đó là chồng trước của hàng xóm nhà cậu.

- Vậy à?- Ishigami vẫn không bộc lộ cảm xúc gì.

- Cậu có quan hệ gì với chị hàng xóm đó không? – Yugawa hỏi.

Ishigami suy nghĩ trong giây lát. Xét từ giọng điệu của Yugawa thì có vẻ Yugawa không có ý gì sâu xa khi hỏi vậy. mình có thể trả lời cho qua chuyện. nhưng Ishigami chú ý tới việc Yugawa và tay điều tra viên kia có mối quan hệ mật thiết. chắc Yugawa sẽ kể cho Kusanagi về buổi gặp gỡ hôm nay. Xét đến yếu tố đó nên Ishigami nghĩ mình phải trả lời ngay tại đây.

- Quan hệ thì không nhưng thỉnh thoảng tôi có tới cửa hàng cơm hộp nơi chị Hanaoka ấy làm việc. tôi quên mất chưa nói điều này với Kusanagi.

- Quán cơm hộp à? – Yugawa gật đầu.

- Không phải tôi đến mua cơm hộp vì cô hàng xóm làm việc ở đó mà chẳng qua tình cờ cô ta lại làm ở cửa hàng mà tôi hay đến mua. Cửa hàng đó ngay gần trường tôi.

- Vậy à? Dù chỉ quen biết thế thôi nhưng biết chị ta là nghi can một vụ án thì cảm giác cũng không được hay lắm nhỉ.

- Chẳng sao cả. Vì chẳng liên quan gì tới tôi.

- À…ừ…

Yugawa không có vẻ gì là nghi ngờ.

Bảy rưỡi, hai người rời căn hộ. Yugawa không đi ra ga Morishita là ga gần nhất mà đi bộ cùng Ishigami đến gần trường cấp III nơi Ishigami dạy học. như vậy sẽ ít phải chuyển tàu hơn.

Yugawa không nhắc đến vụ án cũng như đến Hanaoka nữa. bay nãy Ishigami còn nghi ngờ Yugawa đến gặp mình là do Kusanagi nhờ dò hỏi tin tức nhưng sau đó anh nghĩ có lẽ tại mình nghĩ quá lên thôi. chắc Kusanagi chẳng có lý do gì phải dùng đến cách đó để điều tra về Ishigami.

- Thật là một con đường đi làm thú vị! – Yugawa nói như vậy trong lúc xuống dưới cầu Shin-ohashi, bắt đầu rảo bộ men theo bờ sông Sumida. Có lẽ do anh nhìn thấy chỗ ở của những người vô gia cư.

Người đàn ông với mái tóc điểm bạc buộc túm sau gáy đang phơi quần áo. Tiếp đến là người Ishigami đặt tên là “Ông vỏ hộp” đang ngồi ép vỏ hộp như mọi khi.

- Lúc nào cũng một cảnh tượng thế này. – Ishigami nói. - Suốt cả tháng nay chẳng có gì thay đổi cả. họ sống chính xác như đồng hồ ấy.

- Con người sẽ trở nên như vậy khi được giải phóng khỏi cái đồng hồ.

- Tôi cũng cảm thấy thế.

Hai người lên cầu thang chỗ cầu Kyobashi. Ngay cạnh đó là một toà nhà văn phòng. Nhìn bóng hai người in trên cánh cửa tầng một, Ishigami khẽ lắc đầu:

- Trông anh vẫn trẻ nhỉ. Khác hẳn với tôi. đầu anh vẫn còn bao nhiêu tóc.

- Không, thế này đã là rụng nhiều rồi đấy. với cả đầu óc tôi cũng chậm chạp đi nhiều.

- Anh còn mong gì hơn nữa!

Ishigami đùa, đồng thời cảm thấy hơi căng thẳng. cứ thế này có lẽ Yugawa sẽ đến tận quán Mỹ Nhân mất. anh cảm thấy hơi lo vì có thể nhà vật lý vốn luôn xuất sắc nhìn thấu bản chất sự việc này sẽ nhận ra điều gì đó trong mối quan hệ giữa anh và Hanaoka Yasuko. Ngoài ra, nhìn thấy Ishigami và một người đàn ông lạ đến quán, không chắc là Yasuko sẽ không tỏ ra bối rối.

Khi nhìn thấy tấm biển của quán cơm hộp, Ishigami nói:

- Kia là quán cơm hộp tôi kể ban nãy.

- Quán Mỹ Nhân à? Tên hay nhỉ.

- Hôm nay tôi cũng đến đó mua cơm hộp.

- vậy à? Thôi tôi đi đến đây thôi. – Yugawa dừng lại.

tuy cảm thấy hơi bất ngờ nhưng Ishigami vẫn thầm cảm ơn Yugawa.

- Xin lỗi vì không đón tiếp cậu được chu đáo.

- Tôi đã được đón tiếp chu đáo nhất rồi đấy. – Yugawa nheo mắt. - Thế cậu còn muốn quay lại trường đại học nghiên cứu không?

Ishigami lắc đầu.

- Những việc có thể làm ở trường đại học thì giờ tôi có thể làm một mình được. hơn nữa đến tuổi này rồi chắc chẳng có trường nào nhận tôi đâu.

- Làm gì có chuyện đó. Mà thôi, tôi không thúc nữa. cậu cứ tiếp tục cố gắng nhé.

- cậu cũng thế nhé.

- rất vui vì được gặp cậu.

sau khi bắt tay, Ishigami còn nhìn theo cho đến khi Yugawa đi khuất. không phải do anh quyến luyến. mà vì anh không muốn bị nhìn thấy đi vào quán Mỹ Nhân.

Sau khi Yugawa đã khuất hẳn, Ishigami quay người lại, rảo bước thật nhanh.