Ba năm sau sự kiện người ta khai quật được ngôi mộ cổ cùng hai chiếc quan tài chôn đôi của vị Hoàng Hậu bí ẩn, thành phố A lại đón nhận một sự kiện quan trọng.
Ba năm trước sau khi qua kiểm chứng, người ta kết luận quan tài của vị Hoàng Hậu này thuộc về một tiểu quốc tồn tại ở thời kỳ Lưỡng Tấn-Nam Bắc triều, nhưng Hải Lam lại biết, thực ra phía chính phủ đã nói dối.
Theo như thông tin đội khảo cổ khám nghiệm quan tài tìm thấy, kỳ thực hai cỗ phượng thi này đến từ một quốc gia có tên gọi là Tây Lương, quốc gia này lại nằm trên một đại lục có tên là Vân Thương.
Đó là một triều đại trong lịch sử chưa từng được ghi nhận, lần này phát hiện ra không tránh khỏi việc phải sửa lại lịch sử, ví dụ như phải sửa lại Thời không luận chẳng hạn.
Chính vì lo lắng về nhiều phương diện, nên cuối cùng chính phủ lựa chọn đem bí mật này vùi lấp vĩnh viễn.
Chỉ là thời điểm ba năm sau, thành phố lại đón nhận thêm một phát hiện mới nữa.
Liệu lần này sự thật có tiếp tục bị chôn vùi?
Lần này vẫn là do đội khảo cổ thành phố A, nhưng không phải ở trong thành phố, mà là ở sâu bên dưới sa mạc Đôn Hoàng phát hiện một lăng mộ cổ khổng lồ.
Bọn họ khai quật được thi thể vạn nhân tuẫn táng bị chôn sống, đồ vật bồi táng cùng tế văn, theo đó biết được quốc gia này tồn tại chưa đạt cường thịnh, nhưng nó cũng tồn tại trên Vân Thương đại lục, tên gọi là Đông Lăng.
Điều khiến cho tim người ta hồi hộp chính là, giống như thời điểm khai quật mộ của vị vua Ai Cập cổ đại Tutankhamen, phía trước cửa Đông Lăng mộ thất thứ mười chín cũng rải đầy cánh hoa tươi, nhưng khác với đóa hoa khô héo của vị vua Ai Cập chính là, hoa ở mộ này cho dù trải qua ngàn năm vẫn không tàn lụi, lại còn tươi mới tựa như tang lễ chỉ vừa mới được tiến hành, giống như một nữ tử sâu sắc nhìn chăm chú vào tình nhân ngủ say nằm bên trong.
Thông qua giải mã tế văn trước cửa mộ, người ta biết được đây chính là lăng mộ duy nhất của Đông Lăng vương.
Vị đế vương này khi sống từng lập được công trạng to lớn, nhưng lại chết vào tuổi trung niên.
Trên tế văn ghi, nguyên nhân cái chết còn chưa được làm rõ.
Đông Lăng rốt cuộc là ở đâu? Đông Lăng đế vương vì sao lại chết, chết vì bệnh tật hay vì mưu sát? Mặt khác, vì sao bên trong mộ thất có đủ hơn mười thi hài của phi tử, bao gồm cả Hoàng Hậu, nhưng lại không một người nào có thể cùng vương hợp táng? Và ai là người đã đem hoa tươi đặt trước cửa mộ, lặng lẽ dõi theo suốt ngàn năm?
Tất cả những bí ẩn đó có lẽ phải vào sâu bên trong hầm mộ mới có thể giải mã, nhưng có 1 điều khiến cho đội khảo cổ phải chùng bước chưa thể vào: trên Tế văn có ghi, kẻ nào làm kinh động đến giấc ngủ của Đế vương đều sẽ bị nguyền rủa.
Nhưng đến hôm nay thì không thể trì hoãn nữa, bởi vì người bên phía tài trợ đã tới và họ yêu cầu phải vào bên trong vương mộ.
Đội khảo cổ chịu sự quản lý của Viện bảo tàng nghiên cứu thành phố A, Viện trưởng chính là giáo sư lịch sử học_ tiến sĩ Ngải Uy.
Mấy năm trước, ở Đôn Hoàng từng đào lên được cổ mộ của Đường đại quý tộc, tiến sĩ Ngải Uy căn cứ vào trang phục không phù hợp với triều đại nhà Đường, cùng đồ gốm sứ được chế tác cao siêu hoa mỹ liền suy luận, xung quanh mộ thất này nhất định còn có mộ lớn hơn.
Quan chức thành phố cũng không xem trọng việc tiến sĩ Ngải Uy trình bày muốn đi Đôn Hoàng khảo sát, chỉ chi chút ít tài chính hỗ trợ.
Thực sự người âm thầm giúp đỡ tài chính cho đội khảo cổ chính là Lâm Vân Thông, ông ta vốn rất ham mê cổ sử, con gái Lâm Tư Vi của ông lại còn là học trò của tiến sĩ Ngải Uy.
Mà tiến sĩ thật không phụ lòng kỳ vọng của ông ta, sau này quả nhiên đã tìm ra được Đông Lăng vương mộ.
Hải Lam biết những điều này, bởi vì cô cũng là học trò của tiến sĩ Ngải Uy, cũng đồng thời là một thành viên trong đội khảo cổ.
Không rõ vì cái gì, ngay lúc nhìn thấy những cánh hoa rơi đầy trước cửa mộ này, trong lòng cô đột nhiên sinh ra một cảm giác sợ hãi và đau lòng.
Vì sao lại sợ hãi? Rõ ràng cô không sợ phiền phức gì, mà vì sao lại đau lòng? Có lẽ là vì đúng lúc cô một tay cầm xẻng Lạc Dương, lúng ta lúng túng vác bao đựng dụng cụ nặng nề trên vai thì mắt thoáng thấy Tần Ca đang cùng Lâm Tư Vi đi tới.