Phất Hiểu - Nam Bắc Tây Đông

Chương 13




69.

Ta vẫn không cùng Tiêu Thuật trở về Trường Bình Cư.

Ta nói muốn ở lại.

Việc đi đi về về sẽ có nguy cơ mang theo mầm bệnh. Ta ở lại đây không chỉ có thể thuận tiện hơn trong việc kiểm tra tình hình dịch bệnh mà còn tránh để bản thân trở thành nguồn lây lan.

Biết ta muốn ở lại nên Tiêu Thuật cũng nhất quyết muốn ở lại cùng ta. Ta bất lực, chỉ có thể nhẹ giọng khuyên nhủ:

"Ở đây có ta là đủ rồi. Chàng ở bên ngoài có thể giúp ta nhiều hơn."

"Hỗ trợ như thế nào?"

Ta nghĩ một lúc, rồi nói:

"Chàng có thể giúp ta vận chuyển vật tư, mua thuốc... hoặc..." Ta dừng lại: "Giúp ta làm một việc quan trọng hơn."

Lúc này Tiêu Thuật mới chịu đồng ý nhưng vẫn ở lại bên ta một đêm. Hai chúng ta tựa vào nhau cùng ngắm trăng.

Sáng hôm sau, Tiêu Thuật rời đi nhưng không lâu sau ta lại gặp hắn. Hắn còn dẫn về những lưu dân thất lạc bên ngoài.

Hiện giờ con phố này đã hoàn toàn bị tách biệt với bên ngoài. Nhưng do số lượng lưu dân quá đông nên kinh thành không thể tiếp nhận thêm. Điều đó đồng nghĩa rằng ngoài những bức tường thành cao chót vót kia thì vẫn còn rất nhiều lưu dân đã lang thang mấy tháng trời, giờ đây chỉ có thể nằm dưới những chân tường vô danh, vừa đói vừa kiệt sức.

Khi ta nhận vật tư từ tay Tiêu Thuật thì Lương Hoài Tự đứng cách đó không xa đã nhìn thấy, nét mặt hắn ta đầy méo mó.

Ta phớt lờ sự hiện diện của hắn ta rồi chỉ đi qua đi lại giữa trong và ngoài nhà để chuyển đồ. Có vài người trong trại lưu dân đến giúp ta, ta chọn những ai còn chút sức lực mà nhờ vả.

Khi mọi thứ gần xong thì Tiêu Thuật chuẩn bị rời đi. Hắn đứng ở một khoảng cách như thể có một ranh giới vô hình nào đó, ánh mắt đầy lưu luyến:

"Phất Hiểu, hãy chăm sóc bản thân cho tốt. Có việc gì thì dùng tín hiệu ta để lại, ta sẽ lập tức tới."

Ta gật đầu, trấn an hắn:

"Chàng cứ yên tâm."

Lúc này hắn mới quay đầu rời đi. Khi đi ngang qua Lương Hoài Tự, hắn dừng lại một chút. Ta nhìn thấy môi Lương Hoài Tự mấp máy nhưng khoảng cách quá xa, ta không nghe rõ bọn họ nói gì.

Nhiều năm sau, khi cuối cùng ta cũng biết được Tiêu Thuật đã nói gì, trong lòng vẫn không tránh khỏi chua xót.

70.

Người dân trong thành biết ta đang chữa trị dịch bệnh ở khu dân chạy nạn, ai nấy đều bày tỏ lòng cảm kích. Mỗi sáng sớm khi ta bước ra ngoài doanh trại luôn thấy ở đầu ngõ có rau củ tươi mới, hoặc là những chiếc khăn sạch, áo quần mới.

Lương Hoài Tự cũng không còn đến nữa.

Hai tháng sau, dịch bệnh trong khu dân chạy nạn gần như được kiểm soát hoàn toàn. Những người từng là dân chạy nạn giờ đây không còn như vậy nữa. Họ khoác lên mình những bộ quần áo sạch sẽ, có đủ thức ăn, chỉ cần bước ra ngoài thì họ chẳng khác gì những người dân vốn sống trong thành này.

Ngày họ được tự do, họ xúc động nắm lấy tay ta, trong tiếng cảm ơn rối rít, ta lặng lẽ bước ra khỏi doanh trại.

Lục ngự y đứng khoanh tay, chờ sẵn ở đầu ngõ.

Ông lộ vẻ hài lòng nói với ta: “Phất Hiểu à, ngươi đã làm được điều mà cha ngươi cả đời mong muốn.”

Ông ấy quay đầu nhìn vào trong viện rồi ngắm thật lâu. Ta cứ nghĩ ông ấy đang nhìn những người dân vừa hồi phục sức khỏe nhưng ông ấy lại bất ngờ hỏi:

“Phất Hiểu, ngươi có nhận ra nơi này không?”

Ta có chút nghi hoặc nhưng phải nói thật lòng, ngay từ lần đầu bước vào đây, ta đã thấy nơi này vô cùng quen thuộc dù trước đó ta chưa từng đặt chân đến.

Lục ngự y ngẩng đầu, chỉ tay về phía tấm biển gỗ trên cao đang phản chiếu ánh mặt trời. Tấm biển ấy vì thời gian đã lâu, phủ đầy bụi bặm nên không thể nhận ra được chữ gì.

Người bên cạnh ông nhảy lên, đứng trên cao lau sạch lớp bụi trên tấm biển.

Khi những chữ dưới lớp bụi dần hiện ra, mắt ta cũng dần đỏ lên, cuối cùng không thể kìm được mà rơi nước mắt.

Tấm biển gỗ tùng ánh lên sắc vàng rực rỡ, trên đó rõ ràng viết ba chữ mà ta chẳng thể quen thuộc hơn:

“Phất Hiểu Đường.”

Ta thở ra một hơi thật dài, quay lại hỏi Lục ngự y:

“Đây là nơi… của ta sao?”

Lục ngự y gật đầu.

71.

Đôi mắt đục ngầu của Lục Khác phản chiếu ký ức từ nhiều năm trước, khi lần đầu tiên ông ấy gặp Lâm Sao.

Khi đó có một thiếu niên bằng tuổi ông ấy, dung mạo thanh tú ngồi trong sân khám bệnh cho người ta. Nếu không để ý đến đống dược liệu bên cạnh thì Lục Khác còn tưởng y là một thư sinh nho nhã.

Lục Khác chỉ đứng ở cửa sân nhìn Lâm Sao kiên nhẫn giải thích bệnh tình cho từng người. Hàng người chờ đến lượt kéo dài từ trong sân ra tận ngoài cổng, còn có một ông lão phía sau cau mày bảo ông ấy tránh đường.

Trong lòng Lục Khác dâng lên một nỗi bất bình: Đường đường là công tử của một gia tộc y dược danh tiếng mà sao lại không có ai tìm hắn ta khám bệnh chứ?

Nhìn thấy một cô nương vừa được Lâm Sao chữa bệnh xong, mặt đỏ bừng và vui vẻ bước ra, ông ấy lại càng không phục.

Thế là ông ấy giận dữ xông vào, đập mạnh một chưởng lên bàn trước mặt Lâm Sao, hét lên:

"Ngươi dựa vào cái gì mà cướp mất bệnh nhân của ta?"

Khi đó, bị Lâm Sao ngơ ngác nhìn, khiến ông ấy cảm thấy không tự nhiên, lời nói cũng bắt đầu lắp bắp:

"Người, người ta vốn định tìm ta khám bệnh... ngươi, ngươi lại cướp hết bệnh nhân của ta rồi!"

Ông lão bên cạnh lúc này mới lên tiếng, ông ấy chăm chú nhìn Lâm Sao rồi lại cẩn thận quan sát Lục Khác, hỏi:

"Ngài là ai vậy?"

Lục Khác ngẩng cao đầu, dõng dạc đáp:

"Ta là cháu trai của Lục Chính Đạo, thánh y đương triều. Ta là tam thiếu gia nhà họ Lục, Lục Khác!"

Ông lão lắc đầu, vẻ không mấy ấn tượng:

"Lão hủ chỉ nghe nói về Lục thần y chứ chưa từng nghe nói cháu trai ông ấy cũng biết chữa bệnh. Hôm nay không chỉ lão hủ mà cả những người đứng ở đây đều đến để tìm Lâm thần y."

Câu nói khiến Lục Khác nghẹn lời mà chỉ có thể hậm hực quay người rời đi.

Chờ đến khi mọi người khám bệnh xong rời đi hết, Lục Khác lại lẻn vào. Lâm Sao lúc này đang dọn dẹp bàn, thậm chí chẳng buồn liếc ông ấy lấy một cái.

Lục Khác đưa mắt nhìn khắp sân, lại liếc thấy đống tiền chuẩn bệnh trên bàn, lập tức kinh ngạc thốt lên:

"Không phải chứ? Vừa nãy xếp hàng dài như vậy mà ngươi chỉ kiếm được có nhiêu đây thôi à?"

Ông ấy tính toán một hồi, phát hiện trung bình mỗi người chỉ trả khoảng một trăm năm mươi văn. Số tiền này còn không đủ để ông ấy đi Tường Vân Lâu uống một bữa rượu.

Lâm Sao có vẻ không hiểu được lời ông ấy, khẽ nhíu mày đáp:

"Chữa bệnh cứu người, đâu cần mưu cầu hồi báo."

Khi đó Lục Khác vẫn còn trẻ người cao ngạo, ban đầu vốn chẳng ưa gì Lâm Sao. Vì vậy, ông ấy ngày ngày đến Phất Hiểu Đường ngồi bên cạnh Lâm Sao, hệt như một bà bán rau ngoài chợ, rao lớn:

"Qua bên ta khám bệnh, không lấy một xu!"

Nhưng không ngờ số người tìm đến ông ấy chỉ lèo tèo hai ba người, mà trong khoảng thời gian đó Lâm Sao còn phải giúp ông ấy sửa chữa những sai lầm.

Thời gian trôi qua, Lục Khác dần nhận ra Lâm Sao không phải là kẻ làm màu hay giả vờ thanh cao. Người này thực sự có khí chất, tấm lòng nhân hậu.

Chỉ là... có hơi ngốc.

Không ưa đám thương nhân dược liệu đến phá phách viện của Lâm Sao, lật cả bàn của y. Nhưng vì tuổi tác cao nên trong lúc quậy phá lại không cẩn thận trật lưng, thế mà Lâm Sao vẫn kiên nhẫn chữa trị, thậm chí còn tặng thêm hai gói cao dán miễn phí.

Dù là lấy tiền khám bệnh, bất kể phải dùng bao nhiêu dược liệu hay bài thuốc quý giá, y cũng chỉ nhận đúng một trăm năm mươi văn.

Hàng xóm láng giềng nếu bị đau đầu, cảm cúm, dù đang ăn cơm thì Lâm Sao cũng bỏ bát xuống để sang xem bệnh ngay.

Lục Khác thường nghe y lẩm bẩm những chuyện về bệnh tình, sức khỏe cứ như đang tụng kinh vậy.

Nhưng lâu dần cả thành ai cũng biết ở cuối con hẻm trên phố Đông có một phòng khám tên Phất Hiểu Đường, mà vị đại phu ở đó – Lâm đại phu – không chỉ có y thuật cao siêu mà còn chữa bệnh cứu người với giá chỉ một trăm năm mươi văn.

Ngày Phất Hiểu Đường chính thức khai trương, Lục Khác cũng đến, ông cảm thấy vô cùng vui mừng.

Về sau, ông nội của ông ấy biết đến Lâm Sao. Lão già vốn nhiều năm không thích ra ngoài vậy mà đi bộ cả một quãng đường xa để đến Phất Hiểu Đường. Khi ông ấy xuất hiện, Lục Khác còn tưởng lão đến để lôi ông ấy về nhà.

Nào ngờ, lão già bước vào với nụ cười hiền hòa, xem qua vài đơn thuốc của Lâm Sao rồi rưng rưng xúc động, cảm thán: “Hậu sinh khả úy!” Sau đó liền hỏi Lâm Sao có muốn vào Thái Y Viện hay không.

Lục Khác không ngờ rằng Lâm Sao lại không mấy hứng thú.

Thế nhưng ông nội ông ấy là một người rất dai dẳng. Trước đây chỉ mình Lục Khác suốt ngày bám lấy Lâm Sao nhưng giờ đây ông cháu hai người, một trái một phải, chẳng khác nào hai hộ pháp luôn đi theo bên cạnh.

Bằng sự kiên trì dai như đỉa của hai ông cháu, cuối cùng Lâm Sao cũng đồng ý. Tuy nhiên điều kiện của y là mỗi tháng phải có ba ngày khám bệnh miễn phí cho dân nghèo.

Ông già thấy Lâm Sao chịu gật đầu thì mừng như mở cờ trong bụng, ngay ngày hôm sau, thánh chỉ được ban xuống.

Người trong Thái Y Viện đều rất quý mến Lâm Sao.

Bởi y là người tình nghĩa, lương thiện, đối đãi với mọi người rộng lượng mà quan trọng nhất là y thuật cao minh, biết nhiều thứ ngay cả những vị lão làng trong Thái Y Viện cũng không rõ.

Lục Khác thực sự cũng rất thích được ở bên cạnh Lâm Sao.

Họ đã trở thành những người bạn rất tốt của nhau.

Nếu như chuyện ấy không xảy ra thì có lẽ bây giờ Lâm Sao đã trở thành viện thủ, còn Lục Khác có thể cùng y uống trà, đánh cờ, hoặc thi thố y thuật.

Ông ấy cũng có thể vui vẻ nói với y rằng, ông ấy đã thuộc lòng đoạn mà Lâm Sao ngày nào cũng lẩm bẩm.

【Sức khỏe gắn liền với sinh mệnh. Khi ta bước vào ngôi trường y học thần thánh này, ta xin trịnh trọng tuyên thệ: “Ta nguyện hiến dâng bản thân cho y học, yêu tổ quốc, trung thành với nhân dân, giữ vững y đức, tôn trọng thầy, tuân thủ kỷ luật, cần cù nghiên cứu, không ngừng học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân. Ta quyết tâm dốc toàn lực để loại bỏ đau khổ của nhân loại, theo đuổi sự hoàn mỹ của sức khỏe, bảo vệ sự cao quý và danh dự của y thuật, cứu người thoát chết, không ngại khó khăn, kiên trì theo đuổi, cống hiến trọn đời cho sự phát triển của ngành y học nước nhà và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của nhân loại.”】

Dẫu cho ông ấy vẫn không thật sự hiểu ý nghĩa của đoạn văn đó nhưng trong lòng ông ấy luôn cảm nhận được sức mạnh toát ra từ những lời ấy, giống như chính con người của Lâm Sao vậy.

Ông ấy cũng có thể tiếp tục trốn việc để rồi Lâm Sao sẽ giúp ông ấy dọn dẹp rắc rối sau lưng.

Chứ không phải như bây giờ, đến cả tấm bia mộ của Lâm Sao ông ấy cũng không dám nhìn lấy một lần.