Phán Thần Hệ Thống

Chương 132: Thúc thúc, có thật không




Nửa năm sau, một tu sĩ thanh niên mặt mày lạnh lùng, thân người gầy gò xanh xao lạnh nhạt đi vào bên trong Nam Nhạc Thành.

Nam Nhạc Thành trải qua một trận thú triều nửa năm trước thì nhân số càng thêm đông đúc, mà vô số người cũng phát minh ra thêm đủ loại nghề để kiếm sống.

Thanh niên này chính là Trần Dương vừa từ Nam Nhạc Phái chạy đến nơi đây để tham dự hội đấu giá.

Tính toán thời gian vẫn còn nửa tháng nữa mới đến thời điểm hội đấu giá diễn ra, nhưng Trần Dương vẫn muốn chạy đến trước thăm thú toà thành này một chút, đồng thời ghé thăm một chút khu phường thị tự do xem có đồ tốt gì xuất hiện nữa hay không.

Khu phường thị này qua nửa năm, đặc biệt là qua một trận thú triều thì sinh ý lại càng thêm náo nhiệt, đủ thứ đặc sản yêu thú được bày bán.

Bất quá, Trần Dương biết rõ điều này chỉ là tạm thời. Một khi đợt hàng này hết thì trong vòng một thời gian tới những sản vật này chắc chắn càng thêm khan hiếm.

Nếu người nào biết cách ghim hàng thì chắc chắn sẽ đạt được lợi nhuận lớn.

Trần Dương cũng thử hỏi thăm một số loại tài liệu thì mỗi nơi một giá, biến động vô cùng.

Bỏ qua chuyện này, Trần Dương đi đến khu sạp hàng tự do gần đó.

Nơi này sinh ý càng nhiều hơn lúc trước khi Trần Dương đến đây, nhưng đồng thời cũng xuất hiện một đội quân ăn xin.

Sở dĩ phải gọi là đội quân ăn xin chính là vì từ lúc Trần Dương đi vào thành cho đến khi đến nơi này đều bị đám người này quấn lấy, năn nỉ, xin xỏ, khóc lóc đủ kiểu.

Ban đầu Trần Dương còn động lòng, nhưng sau khi phát hiện ở một góc đường xa xa có một kẻ đang âm thầm chú ý đến bọn trẻ này thì tâm tư Trần Dương khẽ động, cũng không dây dưa nữa.

Khu vực bên trong phường thị dĩ nhiên là có đội chấp pháp giữ trật tự, cho nên đám trẻ ăn xin cũng không đi vào được mà chỉ bần thần ở ngoài xa xa.

Trần Dương trong lòng nảy ra một chủ ý, tiếp tục đi dạo khu sạp hàng tự do.

Nhất thời, tiếng rao hàng, tiếng mặc cả nổi lên làm cho Trần Dương nhớ tới khung cảnh bên trong phường thị do Thương Long Môn tổ chức lúc còn ở quê hương hắn.

Sau khi đi thêm một vòng, Trần Dương cũng không tìm được thứ gì hợp nhãn liền quay trở ra.

Lần này, Trần Dương theo một lối nhỏ bên hông khu chợ này đi ra, sau đó thân hình mờ ảo biến mất tại chỗ, lẳng lặng đi đến phía sau một con hẻm.

Lúc này, Trần Dương nhìn thấy một thanh niên hơn ba mươi tuổi, ăn mặc sạch sẽ đang nói chuyện với một đám trẻ ăn xin.

Đám trẻ này có chừng mười đứa, mặt mài lem luốc đáng thương, tóc tai bù xù.

- Cái gì? Đại cẩu, mày hôm nay chỉ xin được nhiêu đây?

- Nhị cẩu, mày làm tốt lắm, hình như vết thương trên chân mày phát huy hiệu quả tốt đó, cố gắng lên, khặc khặc.

Người thanh niên nọ miệng phun một bãi nước bọt, tay đếm từng đồng cắc mà bọn trẻ xin được, miệng đưa ra phán xét.

Mà Trần Dương thấy rõ ràng, những đứa nào đưa được số tiền khá một chút thì mới được gã bỏ qua, còn lại thì đều bị gã tát tai hoặc là vung chân đá vào mông, dáng vẻ hung tợn.

Trần Dương càng xem thì càng cảm thấy khó chịu, cuối cùng tức giận hiện thân.

Thân ảnh vừa hiện, Trần Dương không nhịn được vung chân đạp vào giữa ngực gã nọ một tiếng, quát:

- Mày có còn là người không?

Người kia bị Trần Dương tung một đạp liền ngã ngữa ra sau, đầu đầy bụi đất ngồi dậy, phun một ngụm máu trong miệng ra giận dữ hét:

- Thằng khốn, mày từ đâu tới? Đây là con tao. Tao có quyền!

- Con mày?

Trần Dương cười lạnh, vươn tay định lùa bọn trẻ ra sau lưng.

Thế nhưng, bọn trẻ đều giương mắt nhìn Trần Dương, sau đó sợ sệt chạy về phía gã thanh niên, trốn sau lưng hắn.

Trần Dương thấy vậy thì nhíu mài.

Gã thanh niên kia thấy vậy thì cười gằn, giọng hung dữ:

- Đám này là do tao nhặt về. Tao không phải dư hơi, tao nuôi chúng nó thì chúng nó phải làm việc, mày là thẳng nào, ở đâu nhô ra dám chen vào chuyện của tao?

- Mày nhặt về? Không ai ép mày nuôi. Nhưng nếu nuôi thì nuôi cho đàng hoàng. Tao hỏi mày, những vết thương trên người bọn nhỏ có phải do mày gây ra hay không?

Trần Dương hừ lạnh chất vấn.

- Liên quan chó gì đến mày? Mày là cái thá gì? Trước khi tao nổi giận thì mau biến khỏi nơi đây.

- Biến khỏi đây? Nếu mày đã nói như vậy thì hôm nay tao sẽ cho mày biết thế nào là ác giả ác báo.

Nói xong Trần Dương liền muốn tiến lên thu thập người này.

Nếu không phải e ngại nơi này có một đám trẻ em, Trần Dương thật muốn đem tên trước mặt trừng trị một trận ra trò.

Nhưng đột nhiên, lúc này một đám trẻ nhào lên ôm chân Trần Dương, khóc lóc:

- Thúc thúc, xin thúc thúc đừng đánh ‘Cha’. Nếu cha chết thì chúng con không có chỗ để về, sẽ bị đói, sẽ bị mưa lạnh lắm thúc ơi. Xin thúc thúc...

Nghe thấy những câu cầu xin ngây thơ, lại nhìn từng ánh mắt non nớt vẫn còn in hằn dấu tay bị đánh, thậm chí có đứa bị vết thương còn chảy máu nhưng vẫn không chút do dự cầu xin cho kẻ kia, Trần Dương không nhịn được sống mũi cay cay.

- Hài tử ngoan, từ nay thúc thúc sẽ lo cho các con chỗ ăn chỗ ở, cho các con ăn no mặc ấm. Loại người xấu này thúc thúc sẽ trừng trị hắn.

Nói xong, Trần Dương nhún chân một cái thân ảnh liền xuất hiện trước mặt người kia vung tay tát một cái.

‘Bốp!’

- Cái tát này là ta thay đại cẩu trả lại cho ngươi.

‘Bốp!’

- Cái tát này là ta thay vết thương mà nhị cẩu phải chịu gửi lại cho ngươi chút lệ phí!

‘Bốp!’

‘Bốp!’

Cho đến cái tát thứ năm thì gương mặt thanh niên đã mơ mơ hồ hồ, chân chính trở thành răng môi lẫn lộn. Hiện giờ phỏng chừng cho mẹ hắn đến nhìn chắc chắn cũng nhìn không ra.

Người này miệng mũi không nói được, chỉ biết quỳ xuống vái lạy cầu xin tha thứ.

Trần Dương hừ lạnh nhìn hắn nói:

- Đây chỉ là một chút cảnh cáo. Niệm tình ngươi cũng có công giúp lũ trẻ không bị chết đói chết rét thời gian qua, ta tạm bỏ qua chuyện này. Từ hôm nay đám nhỏ này do ta tiếp quản phụ trách. Tới đây ân oán xem như đã hết, nếu như sau này ngươi còn dây dưa nữa thì đừng trách ta không khách khí, cút!

Thanh niên kia nghe vậy thì như được đại xá, vội vàng chạy đi.

Đám nhỏ mấy lần thấp thỏm muốn chạy theo, nhưng nghĩ đến những trận đòn thời gian qua liền bị chấn kinh, cuối cùng vẫn lựa chọn ở lại.

Trần Dương nhìn người kia đi rồi mới nhìn đám nhóc nói:

- Các con chỉ có bao nhiêu đây hay còn bạn bè gì khác không?

Đứa trẻ có tên Đại cẩu, là đứa trẻ xem như lớn nhất trong đám có chút e dè tiến lên, nhỏ giọng nói:

- Còn rất nhiều, thúc thúc, những điều thúc nói đều là thật sao?

- Đúng vậy, thúc thúc sẽ cho các con ăn, cho các con ở, cho các con học hành, có thích hay không?

Trần Dương mỉm cười hoà ái.

- Hoan hô, được đi học rồi...

- Oa, được đi học chữ, thúc thúc, người đừng gạt con đấy nhé. ‘Cha’ lúc trước cũng hứa với tụi con như vậy nhưng chỉ toàn bắt tụi con đi ăn xin thôi chứ không có cho tụi con đi học...

...

Nguyên một đám trẻ nghe đến được ăn no, được đi học liền vỗ tay reo hò sung sướng.

Trần Dương thấy vậy là trong lòng chua xót, bèn nói:

- Trước hết thúc dẫn các con đi ăn thật no, sau đó các con có sức rồi thì đi tìm các bạn còn lại đến luôn. Cũng cho các bạn được ăn, được tắm rửa, được đi học, các con thấy sao?

- Đồng ý, hoan hô thúc thúc. Từ này thúc là Cha của tụi con.

- Phải phải, Cha, cha!

Nguyên đám trẻ lại lần nữa hò reo. Trần Dương thì hốc mắt ẩm ướt, dẫn theo bọn trẻ líu ríu dưới chân vừa đi vừa nói chuyện.

Thông qua nói chuyện, Trần Dương mới biết đây đều là những cô nhi bị lạc cha mẹ hoặc là được đám người kia đưa từ nơi khác đến, dần dần tập hợp thành một nhóm chừng hai mươi đứa trẻ ăn xin khắp Nam Nhạc Thành.

Những đứa trẻ này được chia ra bốn hướng, chủ yếu tập trung ở các cửa thành hoặc khu vực đông người mà ăn xin.

Tiền thu được toàn bộ đều được thanh niên mà chúng gọi bằng ‘Cha’ thu lấy. Nắm bắt được tâm lý của người đi đường, bình thường bọn trẻ này đều không được ăn no, không được tắm rửa, thậm chí người kia còn thẳng tay đánh đập nhằm tạo ra vết thương để làm cho bọn trẻ càng trở nên đáng thương, xin được nhiều hơn.

Trần Dương dẫn theo lũ trẻ đi đến một khách sạn to lớn nhất nơi này, chính là Long Môn Khách sạn.

Nơi này bên dưới là một quán ăn sầm suất, bên trên là các căn phòng để phục vụ khách thuê ở lại, sinh ý có thể nói nhất nhì trong cả Nam Nhạc Thành này.

Trần Dương khi đến nơi này cũng đã suy xét rồi nên mới tiến vào.

Người tiếp đón nhìn thấy một đám trẻ ăn xin lem luốc đi sau một thanh niên xanh xao gầy gò, sắc diện lạnh lùng thì trong lòng chợt rùng mình, vội vàng tiến lên dùng gương mặt hung tợn định đuổi lũ trẻ ra ngoài.

Trong mắt hắn, vị khách quan trước mắt này chắc chắn bị đám trẻ ăn xin này làm phiền cho nên sắc mặt mới lạnh lùng như thế.

Thế nhưng, vừa mới định mở miệng thì đã nghe Trần Dương lên tiếng:

- Không cần, chúng đi với ta.

Trần Dương sau khi nói xong liền dẫn lũ trẻ sang một bên, kéo ghế ngồi xuống.

Bọn trẻ trước đây từng đến chỗ này nhưng chỉ bần thần ngoài cửa nhìn vào thì liền bị quát mắng đuổi đi, cho nên đây vẫn là lần đầu tiên chúng được ngồi ở nơi lớn và đẹp như vậy.

Vị tiểu nhị nọ sau khi dọn dẹp lau mặt bàn thì mới cẩn thận nhìn Trần Dương hỏi:

- Xin hỏi khách quan cần dùng gì?

Trần Dương nghe vậy thì cũng không trả lời trực tiếp mà hỏi lũ trẻ:

- Các con muốn ăn gì?

Bọn trẻ nghe vậy thì co đầu rụt cổ, không dám nói chuyện. Món ngon nhất bọn trẻ này từng ăn cũng là cơm nguội chấm muối, sao có thể biết thứ gì mà gọi.

Trần Dương thấy vậy thở dài, quay sang nhìn tiểu nhị nói:

- Trước dọn một bàn đồ ăn bao gồm gà quay, thịt bò xào, cơm trắng thượng hạng, canh cá thanh đạm một chút, à, cho thêm mấy món xào kích thích khẩu vị luôn. Cho thêm mười bình Ngũ Hoa Lộ cho bọn trẻ!

Trần Dương nói xong, tiểu nhị liền đổ mồ hôi ghi lại rồi chạy nhanh vào bên trong chuẩn bị.

Còn bọn trẻ nghe Trần Dương nói thì nguyên đám trợn mắt há mồm.