Papillon - Người Tù Khổ Sai

Chương 12: Lại lên đường




Hai ngày sau chúng tôi lên đường. Ba chúng tôi và ba người lạ mặt. Tôi không hiểu họ làm sao mà biết được, nhưng có đến một tá những cô gái bán bar đến tiễn đưa chúng tôi, cũng như gia đình Bowen và ông thống lĩnh đạo quân Cứu thế. Khi thấy một cô gái bán bar ôm hôn tôi. Margaret cười lớn bảo tôi: "Henri, anh làm gì mà đã đính hôn nhanh thế? Chẳng nghiêm túc chút nào!".

- Xin chào tất cả. Không, xin vĩnh biệt! Nhưng các bạn phải biết rằng các bạn đã có một vị trí quan trọng trong lòng chúng tôi, và vị trí ấy vĩnh viễn thuộc về các bạn.

Chúng tôi xuất phát lúc bốn giờ chiều: một chiếc tàu kéo kéo chúng tôi ra khỏi cảng. Mấy đứa chúng tôi không khỏi có người lau nước mắt. Chúng tôi đã nhìn đến phức cuối tốp người ra tiễn chúng tôi đang vẫy những chiếc khăn mùi-soa trắng. Sợi dây cáp nối liền thuyền của chúng tôi với chiếc tàu kéo vừa được tháo ra thì tất cả ba cánh buồm của chúng tôi đã hứng gió căng phồng lên, và chúng tôi lao vào những đợt sóng đầu tiên trong số hàng triệu những đợt sóng mà chúng tôi sắp phải vượt qua trước khi đến đích.. Trên thuyền có hai con dao, một con tôi mang, con kia Maturette giữ. Cây rìu thì đặt cạnh Clousiot, cũng như con dao phát rừng. Chúng tôi biết chắc rằng ba người kia không có ai có vũ khí. Chúng tôi đã xếp đặt để đừng có lúc nào có hai đứa trong bọn chúng tôi ngủ dọc đường. Đến lúc mặt trời lặn, chiếc tàu huấn luyện của hải quân bắt kịp chúng tôi và đi kèm theo chúng tôi trong nửa tiếng đồng hồ. Sau đó nó kéo cờ tín hiệu từ biệt và bỏ đi.

- Anh tên gì?

- Leblond..

- Chuyến nào? Án gì?

- Hai mươi năm.

- Còn anh?

- Cargueret. Chuyến 29, mười lăm năm, tôi người Bretagne.

- Người Bretagne mà không biết đi thuyền sao?

- Không.

- Còn tôi tên là Dufils, người Angers. Tôi bị xử chung thân vì đã nói một câu ngu xuẩn ở phiên tòa đại hình, chứ không thì tối đa cũng chỉ đến mười năm. Chuyến 29.

- Câu gì thế?

- Số là tôi đã giết vợ tôi bằng cái bàn là. Trong phiên xử, một viên bội thẩm đã hỏi tôi tại sao lại dùng bàn là đánh vào vợ. Thật ra tôi cũng chẳng biết tại sao, nhưng tôi lại trả lời tôi đã giết vợ bằng bàn là vì vợ tôi hay là sai nếp gấp. Theo ông trạng sư bào chữa cho tôi thì chính vì câu nói ngu xuẩn này mà họ xử tôi nặng đến thế.

- Các anh ra đi từ đâu?

- Từ một trại khổ sai lâm nghiệp gọi là Cascade, cách Saint-Laurent tám mươi cây số. Trốn đi chẳng khó gì vì ở đấy tự do lắm. Chúng tôi có năm người ra đi với nhau dễ lắm.

- Sao lại năm người? Thế hai người kia đâu?

Một phút im lặng khó chịu. Clousiot nói:

- Này anh kia, ở đây toàn đàn ông với nhau cả, mà đã cùng thuyền với nhau thì chúng tôi phải biết. Nói đi!

- Tôi sẽ nói hết cho các anh nghe, - người Bretagne nói - Quả thật khi ra đi chúng tôi có năm người, nhưng hai người quê ở Cannes hiện không có ở đây nói rằng họ những là dân thuyền chài miền duyên hải. Họ không chi một xu nào cho chuyến vượt ngục, nói là công lái thuyền của họ còn đáng giá hơn tiền bạc. Nhưng giữa đường chúng tôi mới thấy là cả hai đứa đều không biết một tí gì thuyền bè hết. Chúng tôi suýt chết đuối đến hai chục lần.Chúng tôi phải men theo bờ biển mà đi, lúc đầu là xứ Guyan thuộc Hà Lan, rồi đến Guyane thuộc Anh, rồi mới đến Trinidad. Ở khoảng giữa Georetown và Trinidad tôi đã giết chết cái thằng nói rằng nó có thể làm thuyền trưởng cho chuyến vượt ngục. Thằng ấy đáng chết, vì để khỏi mất tiền nó đã đánh lừa mọi người về năng lực hàng hải của nó. Còn thằng kia thì sợ bị chúng tôi giết nốt cho nên một hôm mưa bão hắn đã tự ý bỏ tay lái nhảy xuống biển. Chúng tôi đành xoay xở hú họa với nhau trên thuyền. Đã mấy lần chúng tôi để sóng tràn vào thuyền, chúng tôi lại để thuyền đâm vào đá may mà thoát chết. Tôi xin lấy đanh dự một gã đàn ông mà cam đoan rằng tất cả những điều tôi vừa nói đều hoàn toàn đúng sự thật.

- Đúng đấy, - hai người kia nói. - Sự việc đã diễn ra đúng như thế, và cả ba đứa chúng tôi đều nhất trí giết thằng ấy. Anh nghĩ thế nào về chuyện này hả Pappilon?

- Tôi không có vị thế để xét xử.

- Nhưng nếu ở vào địa vị của chúng tôi thì anh sẽ xử sự như thế nào? - Người quê ở Bretagne hỏi gặng.

- Cái này còn phải suy nghĩ đã. Muốn xét đoán một cách công bằng, phải sống qua sự việc lúc đó xảy ra, nếu không thì không thể biết đâu là sự thật.

Clousiot nói:

- Tôi thì tôi cũng giết, vì đó là một lời nói dối có thể phải trả giá bằng sinh mạng của cả bọn.

- Thôi được, đừng nói chuyện ấy nữa. Nhưng tôi có cảm giác là các anh đã bị một phen hoảng sợ đến mức bây giờ vẫn còn sợ, và các anh chịu lên thuyền với chúng tôi cũng là vạn bất đắc dĩ, phải không?

- Đúng quá! - Họ đồng thanh trả lời.

- Thế thì ở đây cấm không được hoảng hốt, dù có chuyện gì xảy ra cũng thế. Trong bất cứ trường hợp nào, cấm không ai để lộ ra ngoài là mình sợ. Ai sợ thì câm cái mồm đi. Thuyền này rất tốt, nó đã được thử thách. Bây giờ thuyền chở nặng hơn trước, nhưng nó lại cao hơn trước những mười phân. Điều đó thừa sức bù lại trọng tải.

Chúng tôi hút thuốc, uống cà phê. Trước khi đi chúng tôi đã ăn no cho nên quyết định là đến sáng mai mới ăn bữa nữa. Hôm ấy là ngày mồng chín tháng chạp năm 1933, cuộc vượt ngục đã bắt đầu trong gian phòng dành cho phạm nhân nguy hiểm ở bệnh viện của trại Saint-Laurent cách đây bốn mươi hai ngày. Người cho chúng tôi biết điều đó là Clousiot, kế toán viên của nhóm. So với lúc khởi hành, tôi có thêm được ba vật quý: một cái đồng hồ bằng thép không thấm nước mua ở Trinidad, một cái địa bàn thứ thiệt được thiết bị treo hai chiều, rất chính xác, có cả "hoa hồng gió bốn phương", và một đôi kính đen bằng mi-ca. Clousiot và Maturette thì mỗi người được một cái mũ lưỡi trai.

Ba ngày trôi qua bình yên, không có chuyện gì xảy ra nếu không kể hai lần thuyền gặp phải những đàn cá heo. Nó đã làm cho chúng tôi toát mồ hôi lạnh, vì có một tốp tám con bày trò đùa nghịch với chiếc thuyền. Thoạt tiên chúng luồn dưới đáy thuyền theo chiều dọc và nhô lên ngay trước mũi thuyền. Nhiều khi chúng tôi đâm thẳng vào lưng nó. Nhưng làm cho chúng tôi hoảng hơn cả là trò chơi sau đây: ba con cá heo xếp thành hình tam giác, một con ở phía trước và hai con song song ở phía sau, đâm thẳng vào chúng tôi với một tốc độ khủng khiếp. Vừa đúng lúc sắp đâm vào thuyền, chúng đột ngột lặn xuống, rồi ngoi lên bên phải và bên trái thuyền. Mặc dầu gió rất mạnh và chúng tôi dong hết buồm phóng như bay, chúng lao còn nhanh hơn nữa. Trò chơi này kéo dài hàng giờ, chúng tôi hoa cả mắt, đến phát cuồng lên được. Chúng chỉ tính hơi sai một chút là thuyền chúng tôi lật ngay.

Ba người khách của tôi không nói gì, nhưng mặt mày nhợt nhạt trông đến thảm. Giữa đêm thứ tư, một trận bão khủng khiếp nổi lên. Thật là kinh hồn táng đởm. Tệ nhất là các đợt sóng không hề đi theo một hướng. Nhiều khi chúng va vào nhau. Đợt thì dài, đợt thì ngắn, chẳng còn hiểu ra làm sao được nữa. Không ai thốt ra một tiếng nào. Chỉ có Clousiot thỉnh thoảng lại quát lên: "Nào, ông lái! Đợt này ông cũng sẽ đánh vỡ mặt nó ra như các đợt khác thôi?" Hay là: "Coi chừng có một đợt sóng từ phía sau đấy?" Có điều lạ là nhiều khi có những đợt sóng đến chênh chếch, gầm lên dữ dội, trên đỉnh đầy bọt trắng. Được tôi ước lượng tốc độ của nó và đoán trước góc tiếp xúc. Thế mà, đùng một cái, chẳng ra cái lô-gíc gì cả lại có một đợt sóng khác xô ngay vào đít thuyền lúc bây giờ đang dựng đứng lên. Nhiều lần những đợt sóng như thế đã chồm lên vai tôi, và dĩ nhiên một phần lớn nước ập vào thuyền. Cả năm người cầm xoong, lon, hộp, tát nước liền taỵ Tuy vậy, chưa có lần nào nước ngập lòng thuyền đến hơn một phần tư, cho nên chúng tôi chưa bao giờ có nguy cơ chìm nghỉm. Phiên hội chợ kinh hãi này kéo dài suốt nửa đêm, gần bảy tiếng đồng hồ. Vì trời mưa, mãi đến tám giờ mới thấy bóng mặt trời.

Bão đã yên, ánh mặt trời mới tinh khôi của buổi sáng được mọi người chào đón một cách hân hoan, dĩ nhiên kể cả tôi. Trước hết phải uống cà-phê đã. Một chầu cà-phê sữa Nestlé sôi sùng sục, mấy tấm bánh nướng của thủy thủ, cứng như sắt, nhưng nhúng vào cà-phê thì lại ngon tuyệt. Cuộc vật lộn với trận bão đêm qua đã làm cho chúng tôi kiệt sức hoàn toàn, và tuy gió hãy còn mạnh, sóng hãy còn cao và còn khá vô kỷ luật, tôi yêu cầu Maturette cầm lái thay tôi một lúc. Tôi muốn ngủ.

Tôi mới nằm xuống chưa đầy mười phút thì Maturette loay hoay thế nào để cho một đợt sóng đánh ngang thuyền và nước tràn vào ngập đến ba phần tư. Đồ đạc nổi lênh bênh trong lòng thuyền: các thứ lon hộp, cái lò dầu hỏa, mấy cái chăn... Tôi đứng dậy đi ra phía lái, nước ngập ngang bụng, và vừa có đủ thì giờ cầm lấy tay lái để tránh một đợt sóng vỡ đang đâm thẳng vào chúng tôi. Tôi bẻ lái giơ đít thuyền ra cho đợt sóng, khiến cho nó không tràn vào thuyền được mà chỉ đẩy chúng tôi về phía trước đến mười mét. Mọi người đều tát nước. Cái nồi lớn do Maturette sử dụng tát mỗi lần được mười lăm lít. Không ai bận tâm vớt vát những đồ đạc có thể trôi ra ngoài, ai nấy đều có một ý nghĩ cố định duy nhất: tát, tát cho thật nhanh chỗ nước đang làm cho chiến thuyền trở nên nặng nề, khó lòng có thể chống chọi lại các đợt sóng. Tôi phải công nhận rằng ba người mới đã xử sự không đến nỗi tồi như anh chàng người Bretagne, khi thấy cái hộp anh ta đang dùng để tát nước bị cuốn đi, đã tự mình quyết định không do dự đẩy cái thùng đựng nước ngọt ra khỏi thuyền cho đỡ nặng.

Hai giờ sau, mọi thứ đã khô ráo, nhưng chúng tôi đã mất mấy cái chăn, cái bếp dầu, cái lò, mấy bị than, cái bi đông xăng và cái thùng nước ngọt - tài sản cuối cùng này chúng tôi đã mất đi một cách tự nguyện. Đến giữa trưa, tôi định thay quần thì mới nhận thấy là cái va-li nhỏ của tôi cũng đã bị sóng cuốn đi từ bao giờ, cùng với hai ái áo vải tráng nhựa. Ở đáy thuyền, chúng tôi tìm thấy hai chai rượu rhum. Bao nhiêu thuốc lá của chúng tôi đều bị mất hay bị ướt, cả cái hộp sắt tây đựng lá thuốc cũng không còn. Tôi nói:

- Các cậu ạ trước hết phải uống một chầu rhum, liều lượng kha khá vào, rồi ta mở cái thùng đựng thức ăn dự trữ xem thử còn có những gì. À, còn mấy hộp nước quả, tốt. Ta sẽ chia khẩu phần để uống. Lại có những hộp bánh bích quy, các bạn ăn cho hết một hộp đi và dùng cái hộp không làm lò. Ta sẽ để mấy cái hộp sắt tây ở đáy thuyền để lót bếp, bên trên ta sẽ đốt lửa bằng ván thùng. Tất cả chúng ta đều đã trải qua một cơn kinh hoàng, nhưng bây giờ thì hiểm nghèo đã qua. Mỗi chúng ta phải trấn tĩnh lại để sẵn sàng đối phó với tình hình. Kể từ bây giờ trở đi, không ai được nói: tôi khát nước; không ai được nói: tôi đói; và không ai được nói: tôi thèm thuốc. Đồng ý không?

- Đồng ý, Papi ạ.

Mỗi người đã xử sự đúng mức, và Trời đã ra lệnh cho gió ngừng thổi để cho chúng tôi nấu một nồi xúp bằng thịt bò khô. Với một cà-mèn đầy xúp bỏ thêm bánh nướng khô, chúng tôi đã lót được dạ dày bằng một lớp chất đỉnh dưỡng vừa ngon vừa ấm, đủ để chờ đến ngày mai. Lại pha thêm một chút nước chè xanh cho mỗi người. Trong cái thùng còn nguyên vẹn, chúng tôi đã tìm thấy một tút thuốc lá. Cả thảy có hai mươi bốn gói nhỏ, mỗi gối đựng tám điếu. Năm người kia quyết định là chỉ có một mình tôi được hút, để cho tỉnh táo mà lái thuyền. Và để đừng ai ghen tị, Clousiot khước từ công việc châm dùm thuốc lá cho tôi; mỗi khi tôi cần hút cậu ta sẽ châm lửa thôi. Nhờ mọi người đều hiểu tình hình và hiểu nhau như vậy, giữa chúng tôi không xảy ra một sư cố nào khó chịu.

Chúng tôi ra đi đã sáu hôm rồi mà tôi chưa ngủ được một giấc nào. Cũng may tối nay mặt biển phẳng lặng như tờ, tôi liền ngủ như chết gần năm tiếng đồng hồ. Đến mười giờ tối thì tôi tỉnh dậy, Biển vẫn lặng. Các bạn đã ăn tối trong khi tôi ngủ, để đành lại cho tôi một thứ cháo polenta quấy rất khéo bằng bột ngô, dĩ nhiên là bột ngô đóng hộp, và mấy thỏi xúc xích hong khói. Ngon tuyệt. Nước trà thì đã nguội, nhưng cũng không sao. Tôi vừa hút thuốc vừa đợi cho gió vui lòng nổi lên.

Đêm hôm ấy trời chi chít những sao, đẹp kỳ diệu. Sao Bắc cực sáng hết cỡ và chỉ có chòm sao Thập tự phương Nam ăn đứt nó về độ sáng. Có thể nhìn rất rõ hai chòm sao Đại hùng tinh và Tiểu hùng tinh. Trời không gợn một chút mây, và trăng rằm đã lên cao trên bầu trời điểm sao. Anh chàng người Bretagne run cầm cập. Anh ta đã đánh mất cái áo vét, chỉ còn sơ- mi. Tôi cho anh ta mượn cái áo tráng nhựa. Chúng tôi đang bước sang ngày thứ bảy.

- Các bạn ạ, chắc hẳn chúng ta không còn cách Curacao bao nhiêu. Tôi có cảm giác là tôi đã cho thuyền đi hơi quá lên phía Bắc, từ giờ tôi sẽ chuyển sang chính tây vì ta không được hụt quần đảo Antilles thuộc Hà Lan. Nếu không ghé được vào đấy thì rất nguy vì bây giờ ta không còn nước ngọt và bao nhiêu lương thực đều đã mất hết trừ số đồ hộp dự trữ.

- Chúng tôi tin anh, Papillon ạ, - anh chàng người Bretagne nói.

- Đúng, chúng tôi rất tin anh, - mấy người khác đồng thanh họa theo. Anh thấy thế nào là đúng thì cứ thế mà làm.

- Cám ơn.

Hình như những điều tôi vừa nói là giải pháp tốt nhất. Suốt đêm hôm ấy đợi mãi chẳng thấy chút gió nào, mãi đến bốn giờ sáng mới có một ngọn gió vừa phải cho phép chúng tôi dong buồm. Ngọn gió này càng về sáng càng mạnh lên, thổi suốt ba mươi sáu giờ với một cường độ đủ mạnh cho thuyền đi nhanh, nhưng sóng thì lại nhỏ đến nỗi không vỗ vào mũi thuyền.