Ôi~ Bé Chó Cái Của Tôi - Tiểu Trung Đô/Ngưu Nhị

Chương 5: Mụ Quỷ Già bị lôi ra đấu tố




Chuyển ngữ: Trần

Chuyện là vào mùa thu năm ngoái. Chiều hôm ấy, đoàn công tác văn nghệ bộ đội xuống quê diễn tuồng, mấy làng do đại đội quản lý cùng họp lại xem. Làng chợ phiên, làng họ Trang đằng trước, làng Nam Oa bãi sau, cùng dựng sân ngồi xuống trước cổng cơ quan công xã của chúng tôi.

Người đông miệng nhiều ồn áo huyên náo. Tôi túm lấy một vốc hạt dưa, lượn lờ khắp chốn. Nếu cho rằng tôi là thằng chơi bời lêu lổng duy nhất trong làng thì có mà nhầm to. Hồi đó, Vương Răng To dính lấy tôi như hình với bóng. Có người nhận xét chúng tôi chảy thây một giuộc cũng không đúng lắm, chỉ có thể nói rằng là nó đơn phương mặc cho tôi sai bảo.

Từ nhỏ, tôi đã lớn lên trong sự chiều chuộng của bốn bà chị ruột. Chị cả Phạm Xuân Thảo lớn hơn tôi mười tám tuổi. Lúc mẹ sinh tôi thì cũng vừa đúng dịp chị ấy mang thai đứa đầu lòng. Hai mẹ con cùng lúc ở cữ, nghe bảo tôi còn giành ti sữa của chị cả với cháu ngoại... Cơ mà lời của đàn bà chỉ có thể nghe một tai, tin một tai, cũng có khả năng cháu ngoại xài chung sữa của mẹ tôi với cậu nó lắm chứ, biết đâu được đấy?

Lạc đề rồi. Túm lại, tôi là đứa duy nhất trong nhà được ăn bánh bột mì trắng, ăn bánh canh mà trong bát toàn bánh canh.

Còn Vương Răng To là cái loại gì? Là thằng mồ côi cha từ lúc lọt lòng nhà góa phụ "mụ quỷ già", cũng chính là hộ nghèo nhất làng. "Mụ quỷ già" là một ả đàn bà nhậu nhẹt cờ bạc món gì cũng chấp, quanh năm như thế da dẻ quắt queo vàng vọt, răng lợi lưa thưa thiu thối, lưng gù, thuốc kẹp bên hông, dòm người khác từ dưới lên qua mấy lọn tóc bết xơ xác. Ánh mắt lẩn tránh sợ sệt, tựa như một con khỉ rạp xiếc bị trói lại ngược đãi.

Vả lại, biệt hiệu "mụ quỷ già" này đã có lịch sử lâu đời lắm rồi. Đầu tiên, tuổi tác của mụ là một ẩn số. Mẹ tôi kể, từ khi bà còn nhỏ, Mụ Quỷ Già đã trông như vậy, bao năm nay chẳng thay đổi tí nào. Kế đến là cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, mụ ta lại phải phát điên một chập. Người già trong làng bảo ấy là quỷ nhập xác. Mụ ta trần truồng chạy như điên khắp làng khắp xóm, miệng la to, "Tới rồi tới rồi, vua tôi tới rồi!" Cho đến tận khi nằm phệt xuống trước cửa nhà nào đó trong làng, cơ thể lõa lồ khô quắt, chỉ còn da bọc xương của mụ co giật, lăn lộn trong bùn lầy hoặc đất cát, tựa như một con chạch bẩn thỉu bị nước cuốn ra khỏi mương giữa ngày hè. Đến lúc dân làng bu đến nhung nhúc, mụ ta mới bình tĩnh lại, đứng dậy giũ tóc, sai chủ nhà "đưa cho mẹ mày cái áo".

Cơ thể hốc hác của mụ ta chẳng có lấy chút đường cong nào, tựa như một nhánh củi cháy khô. Trên ngực là hai núm vú trông như quả táo tàu thối rữa, mông thậm chí chỉ còn hai miếng da chảy xệ. Chẳng ai coi mụ ta là đàn bà.

Nghe lời mụ ta nói, người nhà kia bỗng chốc quỳ xuống, hô to: "Mẹ!"

Những truyền kỳ dân gian nhanh chóng đồn thổi "mụ quỷ già" thành kẻ móc nối giữa người chết và người sống. Mụ ta gửi lời của người đã khuất đến từng từng nhà. "Con à, mẹ ở dưới này lạnh lắm, sang năm con đốt cho mẹ ít quần áo.", "Con đĩ ti tiện này! Ông đây chết chưa được một năm mà mày đã tìm thằng khác đến làm bố con tao rồi! Mày mới là đứa đáng phải chết! Phải xuống đây cùng với ông mày, cho dầu lửa thiêu một trăm lẻ tám bận, thiêu cho xương cốt ra tro!"

Bí mật người chết bị mụ ta rêu rao khắp đầu làng cuối xóm, lòng dạ người sống bị mụ ta bới móc ra bêu riếu, thế nên người trong làng nào dám đụng tới mụ ta, chỉ đành mặc cho mụ ta đòi gì thì đưa nấy. Cống ghế gỗ lê giữa sảnh nhà ra cho mụ ngồi, tắm rửa cho mụ, mặc đồ cho mụ, phụng dưỡng mụ như người thân đã mất của mình. Thậm chí có gia quyến của người đột tử còn chủ động tìm tới tận nơi, xin mụ ta rủ lòng thương báo cho chút tin của người đã khuất.

Mụ ta cầm được tiền là lại ra ngoài nhậu nhẹt cờ bạc, chẳng ai dám hó hé gì.

Chẳng ai dám ho he ư? Nực cười! Đảng Cộng sản chuyên trị bọn yêu ma quỷ quái này!

Hồi Đại Cách mạng Văn hóa bắt đầu nổ ra, "mụ quỷ giả" đã từng bị treo bảng tội trạng lên làm gương cho cả làng. Mụ ta bị ép quỳ trên bục cao ở xưởng bột mì trong huyện, bị đánh ba mươi tư gậy, sau đó lôi lên phố diễu hành.

"Đả đảo yêu ma quỷ quái!", "Loại trừ phong kiến mê tín!", "Đả đảo mụ quỷ già giả thần giả quỷ!"

"*** con mẹ mày!", "Bà đây ngủ với chồng mày, chơi luôn cả nhà mày ha ha ha!", "Có giỏi thì mày đánh chết bố mày đi!", "Trần Thiên Hoa, con mẹ mày bảo tao nhắn nhủ với mày rằng bà ta ngủ với một thằng ăn t*ng trùng lợn đẻ ra mày đấy!", "Cát Bình! Mày tưởng chuyện mày với anh mày ** nhau trong nhà xí không ai biết đấy à? Há há há há há!", "Thằng nào con nào tát tao một cái, đợi lúc chết tao xuống mách với Diêm vương, trị tội người chết nhà lũ chúng mày trước. Đem bỏ vào nồi dầu thiêu, thiêu xong quẳng vào nước sôi, lột da chúng nó xong rút gân ném xuống dưới chân cho tao giẫm, đéo bao giờ được đi đầu thai! Há há há há há!"

Mụ ta nói không ngớt lời. Hễ mà đánh chửi là mụ ta phải nhổ lại cho bằng hết. Áo may ô rách rưới trên người bị xé đến độ chẳng đủ che thân, trên mặt thì toàn những rau thiu bùn đất. Bộ dạng ấy thế mà nom còn sạch sẽ hơn cả lúc điên bình thường của mụ, trông còn gọn gàng đâu ra đấy, hết sức quỷ dị. Mụ chửi sống động như thật, vẻ mặt kệch cỡm, thú vị hơn cả truyện kể, đặc sắc hơn cả phim mẫu. Thành ra màn đấu tố này sau lại thu hút mấy trăm người khắp huyện đổ về, chen chúc trong xưởng bột mì nghe mụ ta nói, xem mụ ta đấu tố. "Mụ điên!" Người bị chửi chẳng dám ra tay, hễ mà thẹn quá hóa giận là lại đồng nghĩa với việc phải hứng chịu những "lời khùng điên" của mụ ta.

Vụ hỗn loạn ấy kéo dài suốt từ xuân sang hạ. Vào thu thì nông dân bắt đầu bận bịu, chẳng ai đoái hoài đến bọn họ nữa. Cũng chẳng biết từ bao giờ, "mụ quỷ già" lại được thả về. Vẫn chẳng thay đổi gì cả, thậm chí mắt còn sáng quắc hơn, lưng có vẻ còn thẳng hơn trước.

Truyền kỳ về mụ ta truyền mãi chẳng dứt, cũng càng đồn càng ly kỳ. "Người ta càng đấu càng mệt, chỉ có mụ ấy là càng đấu càng hăng", "Mụ quỷ già sinh ra là để đấu người mà!"

Mụ mặc một chiếc áo khoác xanh cổ gập cân vạt chẳng nhìn rõ hoa văn, hông thắt một dải khăn tang trắng chả biết nhà nào để tang phát cho, quần bông rộng thùng thình, ống quần thắt chặt, nằm nghiêng dưới chân tường phơi nắng. Từ xa nhìn trông chẳng khác gì một con quay bị vứt chỏng chơ ở đó.

Người đường hoàng trong làng chẳng ai muốn dính líu tới mẹ con nhà ấy, nhưng tôi đã từng chứng kiến "phép thần" của "mụ quỷ già" mấy bận rồi, đâm ra có chút kính sợ mụ ta. Vụ đào được tượng binh mã bên Tây An đợt mùa xuân năm nay đã nhắc nhở tôi, rằng làm người thì phải có lòng kính sợ đối với sinh mệnh và tự nhiên. Có là Tần Thủy Hoàng thì đã làm sao, chết rồi chẳng phải vẫn bị quật mả lên đấy thôi.

Cái chết không đáng sợ, người chết mới đáng sợ. Có thể nói chuyện được với người chết thì còn ghê gớm hơn cả làm vua làm chúa.

Hồi đó tôi vừa lên lớp mười một. Dứt sữa chậm, đi học muộn, tiểu học đúp ba năm lớp một, hai năm lớp hai, lên huyện học lớp mười một thì đã hai chục tuổi rồi. Đầu óc vừa biết nghĩ chút, chuẩn bị phấn đấu thi đại học, kết quả là Đại Cách mạng Văn hóa nổ ra, trường học đóng cửa. Sau khi hiệu trưởng bị bắt đi, đám học sinh chúng tôi chỉ còn nước lục tục về nhà.

Nhà tôi cũng được lấy ra làm gương trong làng, có điều là tấm gương sáng được đưa ra để khen ngợi, khuyến khích mọi người noi theo. Ngọn nguồn là từ thời cải cách ruộng đất, ông tôi đã là dân cày thuê cuốc mướn, đến thời Cách mạng Văn hóa thì ba tôi lại là dân trồng trọt xay đậu phụ, con chữ bẻ đôi không biết. Ba đời bần nông đã trở thành trang sử hào hùng vinh quang nhất của gia đình tôi. Tấm khế ước cày thuê mà ông tôi từng ịn vân tay giờ còn được lồng kính treo trên tường.

Lại lạc đề rồi. Túm lại, tôi nói nhiều như vậy, chỉ để chứng minh rằng tôi xuất thân danh giá, gốc gác đường hoàng. Còn thằng Vương Răng To kia là cái thá gì chứ? Trước giờ tôi chưa từng để nó vào trong mắt.

Thế nên, lúc tôi với Hồ Kiều Kiều mắt qua mày lại, Vương Răng To xen vào giữa, tung tin tôi lang chạ với bạn nữ ở trường, tôi chỉ cảm thấy nực cười. Hồ Kiều Kiều đẹp nhất trong đám con gái tầm tuổi ở làng tôi, còn tốt nghiệp tiểu học! Có thể đi dạy thay trong làng. Áo sơ mi hồng ôm sát người, bọc lấy vòng eo mảnh như nhành liễu, chiếc quần bộ đội màu xanh lá hơi rộng, đeo túi vải xanh hoa trắng, chân đi đôi giày bata than đen mới coóng.

Nhưng mẹ tôi không vừa ý cô nàng lắm. "Con bé đấy gầy quá! Người gầy chỗ để nuôi con béo thế nào được..."

Nhưng tôi đã thích thì chẳng ai dám nói không. Tôi với Hồ Kiều Kiều tình chàng ý thiếp mặn nồng, chẳng mấy mà đã phát triển đến giai đoạn nắm tay.

"Nghe nói, ở trường anh còn cùng bạn nữ khác..."

"Kiều Kiều yêu dấu ơi! Chẳng lẽ em chỉ toàn tin những lời bịa đặt gièm pha của kẻ tiểu nhân mà không tin tưởng cách làm người của Phạm Chiếu tôi sao!"

Gương mặt trắng trẻo ửng hồng của Hồ Kiều Kiều tỏa sáng dưới ánh trăng, cánh tay mảnh dẻ như cọng hành che mặt lại, "Mồm mép dẻo quẹo."

Vương Răng To trốn ở rừng hồng sau lưng chúng tôi, ghen ghét nghiến răng kèn kẹt. Tôi nghe rõ mồn một.

Nhưng Ôn Bất Câu vừa đến, mọi chuyện liền thay đổi. Hồ Kiều Kiều ngày càng lạnh nhạt với tôi. Vương Răng To thừa cơ tìm đến, "Chưa biết à? Tụi đấy đều "ấy ấy" thằng thanh niên tri thức kia rồi."

""Ấy" gì cơ?"

"Ui chao, khó nói lắm, khó nói lắm!" Khuôn mặt nó vàng ệch, giả bộ phỏng tay. Trời chẳng lạnh cũng ra sức khép ống tay áo lại.

"Có gì mà khó nói?"

Nó ngó nghiêng trái phải, xong mới dè dặt sáp lại, "Yêu."

"Gì cơ?"

"Tụi nó đều yêu~ thằng thanh niên tri thức kia." Nó mở to mắt hấp háy, toét miệng nở một nụ cười hết sức bỉ ổi.

Lần đầu tôi gặp một kẻ có thể nói một từ bình thường ra thành ghê tởm đến vậy, thành ra nhìn Hồ Kiều Kiều cũng thấy ghê theo. Vương Răng To vốn đã tởm rồi, nhưng nó dính lấy tôi như keo dính chuột, hẩy thế nào cũng chẳng đi. Tôi bị buộc phải chấp nhận nó. Nhưng mà kể ra nó cũng không tồi, bình thường tôi sai nó đi lấy cái này cái kia, nó chạy vặt cũng cần mẫn ra phết.