Chuyển ngữ: Trần
"Ngày mai là Trung Thu đó."
"Hầy, Trung Thu thì vẫn phải đón chứ sao."
Tôi tỉnh lại, vừa lúc nghe thấy tiếng ba mẹ nói chuyện trong sảnh chính. Ngọn đèn dầu yếu ớt lay động, tôi đoán, mẹ tôi đang khâu đế giày, ba đang hút thuốc lào, nhưng có thể khẳng định một điều rằng, tôi đã trở lại rồi.
Sau khi chôn cất Tiểu Tể, tôi đón cả ba đứa còn lại về nhà nuôi. Ba Gạo cũng trở về, mẹ và chị ba vẫn chiều nó, khóc lóc bảo rằng sẽ không đưa con nó cho người khác nữa.
Nhưng Ba Gạo chẳng mảy may cảm động. Nó là thứ đĩ non ăn táo rào sung, nuôi báo cô, một lòng một dạ muốn trèo cao gạ gẫm Chu Tướng Quân. Dẫu sao con cũng chẳng phải nó dứt ruột đẻ ra, nó còn thường xuyên ức hiếp tụi nhỏ.
Tôi tức đến độ định quẳng nó đi, bị chị ba cản lại, rồi đưa ra sân sau tách nuôi riêng.
Ôn Bất Câu vẫn luôn bị nhốt trong ký túc tập thể của trường, lúc được thả ra đã gầy rộc cả đi. Tôi thường dẫn con theo, nửa đêm lén lút lẻn vào.
Người trẻ tuổi bây giờ thường nói, người đang yêu dễ bị ngu đi. Thiết nghĩ, hồi đầu, khi tôi và Ôn Bất Câu mới trở lại xác người, cũng đã từng trải qua một khoảng thời gian ngu muội.
Nhưng so với thứ tình yêu thuần khiết thời đó, tôi cảm thấy chúng tôi mang yếu tố vụng trộm nhiều hơn. Lắm bận, trong phòng chứa củi, dưới con đê, trong miếu, tôi đều không khỏi cảm thán, "vô cùng thông cảm với những chuyện hồ đồ giữa Chu Tướng Quân và Ba Gạo hồi trước".
Em kênh kiệu bảo: "Anh muốn làm súc vật thì tự đi mà làm."
Có nhà triết học lừng danh đã từng nói, quãng thời gian hạnh phúc thường ngắn ngủi.
Ngày bị thẩm vấn, tôi hãy còn đang ở nhà ngấu nghiến bánh bột mì nhồi rau cải bẹ. Hồi làm chó đã thèm món này nhỏ dãi rồi. Miệng hãy còn nhồi đầy ứ đã bị kéo tới gian phòng cách vách của trường học. Ôn Bất Câu đã ngồi trong góc đợi từ lâu.
Chuyện rất đơn giản. Đáo hạn, chính sách đưa đến, thanh niên tri thức trả về thành phố.
Nhưng Ôn Bất Câu thì không được. Em không những tư tưởng có vấn đề, hành vi còn cực kỳ phản động, chuyện làm ra đem bắn bỏ cũng chẳng hết tội. Chẳng qua vẫn cứ lần lữa chưa xét xử mà thôi. Người như vậy thả về thành phố được sao? Làm vậy chẳng phải là vả vào mặt chính sách cải cách thanh niên quốc gia sao?
Nhưng lãnh đạo bộ đội không chịu để thành phần suy đồi như vậy bị ghi danh vào đoàn của mình.
Ông ta nghe hết những lời "nói hươu nói vượn" của tôi xong, thở dài, nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại như thể đã chứng thực được phán đoán đầu óc tôi có vấn đề trong lòng.
"Đưa cậu ta ra ngoài đi." Ông ta ra lệnh cho hai cậu chiến sĩ đứng thẳng tắp như hai gốc cây tùng bên cạnh. Cây tùng thân thiện "mời" tôi ra ngoài.
Sau đó, tôi đã trải qua tám năm mù mịt ảm đạm nhất đời mình. Nhiều lần tôi tự hỏi vì sao? Sau đó, tôi nghĩ thông suốt rồi. Chẳng vì gì cả, bởi vì từ đầu chí cuối, Ôn Bất Câu vẫn luôn là một thằng điếm rẻ mạt ích kỷ vụ lợi. Tôi bị cái mã ngoài đẹp đẽ của cậu ta mê hoặc mà quên đi lời dạy của Chủ tịch Mao, tôi ân hận muộn màng!
Ôn Bất Câu đã nói những gì, tôi có thể mường tượng được đến từng chân tơ kẽ tóc. Không đúng, cậu ta còn chẳng cần phải nói gì hết. Cậu ta chỉ cần khẽ gật chiếc đầu cao quý của mình chút thôi là đủ để ngầm thừa nhận, và rồi tất thảy tội lỗi đều sẽ được đổ lên đầu tôi.
-
Ngày em rời đi, ngồi lên chiếc xe cam nhông cuối cùng của học sinh rời làng. Em trốn ở góc trong cùng, bị hành lý và chăn chất thành núi đẩy vào tít trong xó.
Xe vừa khởi động, Tiểu Hữu, Tiểu Thị và Huyền Đức đều chạy theo. "Ba ơi!", "Ba ơi!", "Bố!"
Tuy rằng tôi đã trở lại thành người, nhưng vẫn nghe hiểu được tiếng của tụi nó. "Cút về đây ngay! Đứa nào còn đuổi theo thì đừng bao giờ vác mặt về nữa! Không quay lại chứ gì? Bố không cần tụi mày nữa! Cút hết đi!"
Tiểu Hữu và Tiểu Thị khóc rưng rức dừng bước lại, nhưng vẫn ngoái cổ về phía đường. Chỉ có Huyền Đức liều mạng chạy theo như phát điên. Ôn Bất Câu hèn nhát vùi mặt vào trong chăn, không dám ngẩng lên nhìn. Con trai Huyền Đức của tôi vô cùng ngang bướng, nó đã muốn thì gì thì tám con lừa hoang Mông Cổ cũng chẳng kéo lại được. Móng của nó đã sớm mài tứa máu, để lại từng hàng dấu chân nhuốm máu trên con đường gồ ghề đất đá. Tôi đạp xe đuổi theo sau cũng chẳng đuổi kịp nó.
Nhưng vận tốc của xe cam nhông thì bì thế nào được? Đít xe xịt khói, trước khi bụi mù cuồn cuộn lắng xuống thì đã bon bon tiến vào đường lớn.
Mặt đường lồi lõm nhấp nhô, chốc chốc lại có một con mương vắt ngang qua.
Trước khi Huyền Đức nhảy qua mương, tôi rất căm phẫn. Tôi muốn túm thằng nhóc chết tiệt này về nhà, treo lên xà, vụt cho một trận nhớ đòn để nó biết ai mới là bố nó!
Thế nhưng móng chân nhỏ xíu của nó lại bị một hòn đá tàn ác cản lại. Cơ thể vốn phải tung tăng của nó lúc ấy lại đột ngột mất thăng bằng, tạo thành một đường pa-ra-bôn xiêu vẹo xẹt giữa không trung rồi bị trọng lực cùng lực gia tốc nặng nề quẳng xuống mặt đường.
Đó là một hòn đá to bên lề đường. Tôi thề rằng tôi chưa từng nhìn thấy hòn đá nào sắc bén đến độ gần như có thể xuyên thủng cả tim tôi như vậy xuất hiện ở đấy. Thế nhưng nó vẫn tồn tại. Huyền Đức rên rỉ vài tiếng, cách xa cả ngàn dặm, tôi vẫn có thể nghe thấy, còn nhìn thấy móng của nó co giật. Vậy mà khi tôi quẳng xe chạy đến bên nó, nó đã không còn cựa quậy nữa.
Tôi bế nó lên, vẫn lông xù núc ních như hôm nào, nhưng giờ lại nặng trĩu hơi thở chết chóc.
Nếu như lửa giận có thể đốt tim, vậy trái tim tôi hẳn đã sắp cháy thành than rồi. Tôi nhìn thấy Ôn Bất Câu túm lấy lan can xe cam nhông, ra sức nhoài về trước, bị người đằng sau kéo lại. Sau đó, xe rẽ ngoặt, rồi mất hút. Đất trời chỉ còn vương lại khói bụi mịt mờ, cùng cái xác của Huyền Đức.
Vậy nên, tôi hận Ôn Bất Câu biết bao, hận đến độ đêm chẳng thể vào giấc.
Hạn ngạch tới làng tuyển không quân bị Hồ Tam Dạng chiếm mất. Thi đại học tôi không được tham gia. Ba năm đầu, gần như mỗi tối tôi đều mài dao, nghĩ đến việc tìm được Ôn Bất Câu sẽ chém cho cậu ta tới chết.
Nhưng sau này, tôi lại nghĩ thoáng ra rồi.
Tôi theo thầy học lái thuyền, bến phà cách nhà tôi không xa, men theo bờ sông Hoài từ làng chợ phiên tới làng Đại Vương ở đối diện. Mỗi ngày cứ gom lượng người đủ một thuyền là có thể lái đi. Thuyền là của công, mỗi tháng tôi đều đặn nhận lương.
Tôi dọn đến chỗ bến phà ở làng Đại Vương, xây nhà cho riêng mình. Có Tiểu Hữu, Tiểu Thị bên cạnh, cuộc sống cũng không đến nỗi nào.
Sang năm thứ tư, chẳng biết Ôn Bất Câu tìm được địa chỉ của tôi từ đâu, gửi đến rất nhiều đồ và sách. Còn có một phong thư. Tôi nhặt nhạnh thứ gì dùng được thì dùng, đồ thì quả thực toàn đồ tốt, không dùng được thì đem đốt hết, kể cả thư.
Tên này có bị hâm không thế? Tôi không hiểu nổi. Hay là cậu ta cho rằng tôi bị hâm? Đã thế tôi càng cáu tiết.
Nếu như cậu ta quả thực bị hâm, thì còn hâm không nhẹ đâu. Thư với đồ mỗi tháng một chuyến, đến độ bưu tá đưa thư nhẵn mặt, qua sông còn chẳng thèm trả tiền cho tôi nữa, đưa điếu thuốc làm phí đi đò, khoác vai bá cổ xưng anh em với tôi. "Ôi dào, qua sông đưa thư cho chú sau nhé."
Tôi cũng ngại chẳng nói gì thêm.
Tình cờ, có một lần, chắc là hơi men xộc lên óc, tôi mở thư ra xem, vừa đọc phần đầu đã bị dọa tỉnh. Quả là khiến người ta mắc ói, chép lại đây cho quý vị cùng chiêm ngưỡng:
Gửi Phạm Chiếu:
Dạo này có khỏe không? Tiểu Hữu và Tiểu Thị vẫn mạnh giỏi chứ? Thức ăn cho chó mà em gửi cùng với thư là hàng nhập khẩu từ nước ngoài đấy, có mấy loại khẩu vị lận. Nếu chúng thích loại nào, có thể gửi thư báo cho em biết được không? (Không hồi âm cũng không sao, em sẽ xem tình hình mà gửi vậy.)
Phạm Chiếu, sách em gửi, anh đã đọc hết chưa? Hiện giờ có lẽ không còn giới hạn ngạch mức thi đại học nữa rồi, anh cũng nên trở lại trường đi, em sẽ gắng hết sức giúp anh. Gần đây giao mùa thu đông, nhớ mặc thêm áo kẻo cảm lạnh. Đợt trước em chẳng may trúng gió, lệt bệt suốt hai tuần mới khỏi hẳn, giờ họng vẫn còn khàn, vì thế cố ý gửi thư muộn hẳn một tuần... Vậy mà anh cũng chẳng buồn hỏi thăm em ư?
Đúng rồi, em vừa chuyển văn phòng, đây là số điện thoại mới: 6318799. Nhà đang sửa chữa, mạch điện bị ngắt hết, tạm thời phải dùng số văn phòng.
Bao giờ thì anh mới lắp điện thoại đây? Em rất muốn được nghe giọng anh.
Em nhớ anh nhiều. (Dòng này bé tin hin, nếu không phải thị lực của tôi tốt thì hoàn toàn chẳng thấy được.)
Ôn Bất Câu.
Ngày 20 tháng 10 năm 1980.