Nữ Thám Tử Nancy Drew - Chạy Đua Với Thời Gian

Chương 1: Mắc kẹt dưới nhánh sông




“Chuyện này lớn đó, Nancy, lớn ghê gớm lắm. Người kể cho tớ nghe chuyện này biết cả những chuyện chẳng mấy ai biết được đâu.”

Trời ạ, tôi chỉ muốn thò cả hai tay vào trong mồm Charlie để cái lôi tin ấy ra ngay lập tức. Nhưng tôi vẫn cố giữ bình tĩnh. Đôi khi việc thuyết phục Charlie chịu nói cho nghe chuyện gì đó cũng hệt như việc lôi một con mèo ra khỏi gầm giường để đưa nó đến bác sĩ thú y vậy.

“Tớ biết rồi mà,” tôi nói khẽ. “Nhưng là chuyện gì thế?”

Tôi nín thở chờ nghe Charlie nói ra điều đó lâu đến mức tôi cảm thấy hai gò má mình nóng bừng lên.

“Là chuyện tiền,” rốt cuộc cậu cũng nói. “Tiền ủng hộ cho giải đua xe đạp ấy.” Cậu lắc lắc đầu, hai mắt mở to gần như thành hình tròn luôn.

“Tiền làm sao?” tôi giục, mặc dù đã có cảm giác biết Charlie sắp sửa nói gì rồi.

“Mất rồi,” Charlie nói. “Mất sạch.”

TÊN TÔI LÀ NANCY DREW, và tôi luôn luôn theo một nguyên tắc: nếu đã tham gia một trò chơi thì nhất định tôi chơi là để thắng.

Thế không có nghĩa là tôi thích ganh đua khốc liệt. Nhưng tính tôi vậy đấy, đã cam kết làm điều gì rồi thì phải làm cho đến kỳ cùng.

Rủi thay, việc này đâu phải lúc nào cũng dễ dàng. Tôi đã vỡ lẽ ra rằng đôi khi một nguyên tắc này sẽ bị hủy mất bởi một nguyên tắc khác của chính mình. Và đó chính xác là những gì đã xảy ra hồi cuối tuần trước, tại giải đua xe đạp từ thiện River Heights.

Tôi là một thám tử nghiệp dư, cho nên tôi còn có một trong những nguyên tắc khác nữa là: phá án. Tôi cũng là một chân nước rút trong đội đua xe đạp, vì vậy, nhiệm vụ của tôi là phải đưa đội mình về đích đầu tiên... Mà thôi, tôi lan man quá rồi, cứ mỗi khi phấn khích lên là như thế đấy. Tôi sẽ quay lại điểm xuất phát của những rắc rối đó ngay.

Tôi sống ở River Heights, một thị trấn nhỏ vùng Trung Tây, bên sông Muskoka. Thoạt nhìn nơi này có vẻ như một thị trấn im lìm, ngái ngủ, nơi mọi người ườn ã trên những chiếc xích đu bên hiên nhà vào mùa hè, uống nước chanh và vỗ về mấy con chó. Nhưng thật ra đây là một nơi khá hay ho, đầy nhóc những con người thú vị.

Năm nào cũng thế, giải đua xe đạp luôn vận động được rất nhiều tiền quyên góp cho Quỹ Mở rộng Trái tim để giúp đỡ những người dân trong thị trấn đang gặp phải khó khăn. Tất cả mọi người trong trấn đều tham gia theo nhiều cách khác nhau, và giải đua xe đã trở thành ngày hội lớn kéo dài suốt hai ngày.

Năm nay, đội tôi gồm có hai đứa bạn thân nhất của tôi - Bess Marvin và George Fayne - cùng bạn trai tôi, Ned Nickerson.

Vào buổi tối trước cuộc đua, cả đội tôi đến họp mặt cùng năm đội khác ở CarboCram, trong trung tâm hội nghị dưới phố.

Tôi mặc cái áo len may mắn của mình. Nó vốn có màu xanh da trời, cái màu tôi luôn luôn thích. Chính Bess đã giúp tôi chọn nó từ hồi mấy năm trước cơ. Con bé ấy bảo cái áo này hợp với màu mắt tôi và trông cũng khá okie với màu tóc - là cái màu khá khác thường mà một số người vẫn hay gọi là vàng dâu[1] ấy. Bess cực quan tâm đến những thứ như thế chứ tôi thì chẳng bao giờ, tôi khoái cái áo len ấy cái chính là vì nó giống hệt một chiếc quần bò yêu thích vậy - càng mặc càng mềm. Kiểu dáng cũng được, dĩ nhiên rồi, nhưng mặc vào cảm thấy rất thoải mái mới là điểm tuyệt nhất.

[1] Nguyên gốc: strawberry blond: màu vàng có phơn phớt đỏ.

Dù gì thì, đã nhiều năm rồi, lần nào trước khi bước vào cuộc đua tôi cũng mang cái áo ấy ra mặc, và hình như điều đó luôn đem lại may mắn cho tôi. Thế là, mượn cớ truyền thống - hay bảo tôi mê tín cũng được - tối nay, tôi lại mặc nó đến CarboCram, dù nó đã hơi sờn và bạc màu.

Bọn tôi đến CarboCram chẳng phải chỉ vì món mỳ, rau củ với trái cây miễn phí, mà còn đến để thu thập thông tin, rồi tuyên thệ, rồi đóng tiền quyên góp, và kiểm tra lại mọi thứ liên quan đến cuộc đua nữa.

Tất cả các đội đều nhờ bạn bè, gia đình, xóm giềng và thậm chí nhờ cả người lạ cùng quyên tiền để khích lệ tinh thần tranh đua. Những người ủng hộ hứa hẹn sẽ tặng thưởng theo mỗi dặm mà đội hoàn thành, rồi sẽ còn thưởng thêm cho đội nào về nhất, nhì hoặc ba.

Tôi đến cùng Bess và George. Cả ba đang ngồi ăn mỳ ở một cái bàn dài. Ned đến muộn.

“Năm nay em vận động được nhiều hơn năm ngoái những mấy trăm đô cơ đấy,” Bess vừa nói vừa giở cho George và tôi xem bên trong cái phong bì.

Bess đi vận động thì quá dễ rồi. Nó có mái tóc vàng dợn sóng, cặp mắt xanh to với hàng mi siêu dài, hàm răng hoàn hảo, cả cái mũi cũng hoàn hảo nốt. Bess là một trong số hiếm hoi những người có được vẻ đẹp tự nhiên làm cho khối kẻ khác phải nổi cơn ghen tị - ngoại trừ vấn đề là nó quá tử tế và quá thực tế, khiến cho gần như ai cũng phải phát điên lên. Và những người nào không như vậy thì chỉ vì họ chưa hiểu nó đủ rõ mà thôi.

“Biết chị nghe ngóng được gì không,” George nói, “có vẻ năm nay mọi người khá là hào phóng đấy,” George nói. “Giải đua xe kỳ này dám lập kỷ lục mới về số tiền quyên góp được lắm.”

George tên thật là Georgia, nhưng nó thích dùng biệt danh hơn. George với Bess là chị em họ, nhưng nếu chỉ nhìn không thôi thì chả đoán được đâu. Cả hai chẳng có điểm chung nào... ngoại trừ có chung một đứa bạn là tôi, dĩ nhiên rồi! George có mái tóc và đôi mắt cùng màu nâu thẫm; cao và gầy hơn Bess. George thuộc dạng vận động viên, còn Bess thuộc dạng cổ động viên. Đó là lý do vì sao George sẽ là cua-rơ tiên phong cho đội trong cuộc đua lần này, còn Bess thì lái theo sau hỗ trợ.

“Ned đâu?” Bess hỏi, nhìn đồng hồ. “Vẫn còn kẹt ở trường hả?”

“Anh ấy có một buổi hội thảo đặc biệt ở trường đại học,” tôi đáp, “nhưng đã hẹn giờ này sẽ có mặt rồi mà! Trước sau gì anh ấy cũng đến thôi. Ned đời nào chịu bỏ qua món mỳ miễn phí này chứ!”

“Chắc không đó?” George nói. “Nghe có vẻ điên điên, chứ nhiều khi tao nghĩ cu cậu mê sách còn hơn cả ăn uống ấy! Làm như mỗi lần chúi mũi vào một quyển sách là lại lạc sang một thế giới khác không bằng.”

George nói đúng, và thật ra tôi cũng hơi bực mình. Tôi đã nhắc Ned những hai lần để chắc chắn là anh sẽ từ trường về CarboCram đúng giờ. Các thành viên họp mặt với nhau vào đêm trước cuộc đua, điểm lại các chiến thuật một lần cuối là việc quan trọng lắm chứ có phải đùa đâu.

“Nè Nancy, tôi đã kể cho bà nghe là cả nhà tôi sẽ đến xem xuất phát cuộc đua sáng mai chưa?” Bess hỏi. “Bố bà thì sao? Bác ấy về kịp không?”

“Không kịp dự buổi xuất phát đâu,” tôi đáp. “Tối mai bố mới về tới thị trấn. Nhưng dĩ nhiên, bố sẽ có mặt ở vòng cuối.”

Bố tôi là Carson Drew, luật sư giỏi nhất River Heights, điều ấy khỏi phải bàn cãi. Mẹ mất khi tôi mới lên ba, và điều đó làm cho cuộc sống của tôi đôi lúc thật khó khăn. Nhưng bố lúc nào cũng ở bên tôi và tôi hoàn toàn tin cậy nơi ông. Hồi tuần rồi bố phải đến thủ phủ của bang để giải quyết một vụ án lớn. Tuy vậy, bố đã nói là sẽ có mặt để chứng kiến tôi về đích, cho nên tôi biết chắc bố sẽ có mặt mà.

“Chuyển đồ lên xe tải hết chưa?” George vừa hỏi Bess vừa xoay nĩa quanh một nhúm mỳ.

“Hết rồi,” Bess trả lời, nhấp một ngụm nước trái cây. “Em đã chuẩn bị đầy đủ vật dụng cắm trại cho cả bọn rồi - nào thức ăn, dụng cụ bảo dưỡng và sửa xe đạp, nói chung là tất tần tật những gì bọn mình sẽ phải cần đến. George, em còn đem theo cả xe dự phòng cho chị nữa đấy, vài cái quần soóc, áo phông theo màu của đội nữa. Có sẵn mọi thứ để phòng xa cũng chẳng chết ai.”

“Tao khoái cái hệ thống GPS[2] đó quá đi,” George vừa nói vừa đọc tờ chương trình của cuộc đua, “thích mê tời tơi. Trong này nói là ban tổ chức đã khóa mấy cái bộ định vị đó lại để chúng không bị đứa nào đó tháo đi hoặc chỉnh chuyển lung tung cho tới khi cuộc đua kết thúc. Mà cũng chẳng chỉnh được gì đâu. Có đứa bạn đã chỉ cho tao xem một cái rồi - đến tao cũng không thể xâm nhập vào được nữa là - ít nhất là cho đến lúc này.”

[2] Hệ thống định vị vệ tinh.

George là thiên tài về điện tử của cả nhóm. Nó chẳng những là một chuyên viên máy tính, một siêu sao giúp tôi tìm kiếm thông tin trên mạng, mà còn là một chuyên gia biến các thiết bị điện tử thành những thứ hữu dụng đến không ngờ.

“Hệ thống GPS là để bảo đảm các đội phải chơi đúng luật, hả?” Bess hỏi.

“Chính xác,” tôi đáp. “Mỗi đội phải chạy theo cùng một lộ trình. Mọi người phải dừng lại, ăn, cắm trại qua đêm cùng lúc. Hệ thống GPS sẽ bảo đảm không một ai có thể ăn gian đâu.”

“Ê, nhân nói đến ăn gian,” George nói khẽ, “có một ví dụ tiêu biểu đang ở hướng mười giờ kia kìa.”

“Chà, xem ai đây... Nancy Drew nổi tiếng đây mà!”

Không cần nhìn cũng biết là ai đang nói. Tôi đã phải nghe cái giọng nhão nhoét đó từ hồi lớp Một đến giờ.

“Deirdre,” tôi nói, rốt cuộc cũng ngước nhìn lên. “Tôi thấy tên cậu trong danh sách. Đội có những ai thế?”

“Evan và Thad Jensen,” Deirdre đáp. “Malcolm Price lái xe tải.” Tôi nghe những cái tên ấy quen quen, nhưng không thực sự nhớ ra được là ai. Đúng kiểu của cô nàng này, lúc nào cũng phải ở giữa cả đám con trai.

“Có vẻ như đội này bị thiếu mất một tay đua nhỉ,” cô nàng nói thêm, liếc sượt qua Bess, George và tôi mà chẳng thèm nhìn vào mắt đứa nào cả. “Ned đâu rồi?” cô nàng tiếp tục. “Chứ không phải giờ này Ned phải có mặt ở đây với mấy người sao? Đừng có nói là anh ấy cho mấy người leo cây nhé! Chiều nay chắc lại có giờ học chứ gì? Thế thì kẹt ở trường luôn rồi!”

Deirdre đúng kiểu con gái không ai ưa nổi vì cái thói ăn nói độc địa của nó. Trông con nhỏ rất nổi, nhưng là nổi theo kiểu Cruella[3] - tóc đen, mắt xanh lá cây, nước da tái mét. Ấy thế mà lại cực kỳ tự cao tự đại nhé. Có vẻ như Deirdre cho rằng cả thế giới này đều quay quanh mình vậy - hay ít nhất cũng phải như thế.

[3] Mụ xấu xa trong phim hoạt hình “101 con chó đốm”.

Tôi phớt lờ câu châm chọc của Deirdre về Ned. Cô nàng này vẫn hay để ý đến Ned mà, chuyện đấy ai chả biết. Nhưng thật lòng mà nói, tôi không xem Deirdre là đối thủ thực sự của mình. Như bố tôi vẫn hay nói: “Nhà Drew lúc nào cũng ăn đứt nhà Shannon.”

Bố của Deirdre cũng là một luật sư thành công, nhưng cứ hễ ông ấy và bố tôi đối đầu trước tòa là y như rằng bố tôi lại thắng. Tôi dự định sẽ nối tiếp truyền thống đó của gia đình mình.

“Ned không sao,” tôi nói với Deirdre. “Nhưng cậu thật tử tế vì đã hỏi thăm.” Tôi khoe nụ cười ngọt ngào nhất của mình. Tôi đã nghiệm ra cách xử trí tốt nhất đối với Deirdre là làm cho cô nàng mất đi tự chủ. Và cách tốt nhất để thực hiện điều đó là không làm những gì nó nghĩ rằng tôi sẽ làm. Mỉm cười là một sự đáp trả hoàn hảo khi cô nàng đang cố châm chích tôi.

“Bố đây đã mua cho đây một chiếc xe đua mới cực đỉnh đấy nhé,” Deirdre nói. Deirdre cứ đột nhiên đổi đề tài là tôi biết mình đã thắng.

“Vậy hả?” tôi nói, vẫn mỉm cười.

“Có đủ hết nhé,” con nhỏ bắt đầu huyên thuyên. “Hàng Ý, chế tạo bằng hợp kim dùng cho máy bay chiến đấu. Bộ khung được thiết kế riêng, bánh răng bốn mươi lăm, bàn đạp gắn giày, ghi đông phi cơ[4], nan titan. Hơn năm ngàn đô cả thảy.”

[4] Nguyên gốc: aero bars, một loại ghi đông đặc biệt cho xe đạp đua.

“Nghe xịn quá ta, DeeDee ha,” George vừa nói vừa đứng dậy. “Hẹn gặp ở vạch đích nhé... bọn này sẽ đợi ở đó.” Nói rồi nó rời bàn, đi lại chỗ xếp hàng lấy thức ăn.

Gò má trắng bệch của Deirdre nổi lốm đốm hồng phải đến một hay hai phút khi bị George gọi bằng biệt danh hồi cấp Một.

“Vậy hả? Ờ, để coi ai tới đích trước nhá, Georgia.” Câu trả đũa của Deirdre nghe có vẻ khập khiễng, nhưng tôi biết cô nàng đã chọc tức được George, vì nó ghét bị gọi bằng tên thật lắm.

“Còn đấy thì chắc là không đạp xe đâu ha, Bess,” Deirdre nói, chĩa mũi dùi qua một nạn nhân khác, “chắc là chỉ lái xe t...”

Bụp...è...ee... Âm thanh khó chịu của chiếc micro bỗng vang lên, át luôn giọng nói khó nghe của Deirdre.

“Thưa các quý ông, quý bà... quý ông, quý bà... xin ổn định chỗ ngồi.”

Ralph Holman, một thành viên trong ban tổ chức, cất tiếng chào từ phía sân khấu lớn ở góc hội trường. Deirdre lỉnh về ngồi chung với đội của cô nàng ở cái bàn phía trước.

“Rất vui được gặp tất cả quý vị,” ông Holman nói. “Chúng tôi đã xếp lịch thời tiết cho ngày mai và Chủ nhật ở mức hoàn hảo, vì vậy mọi người hãy tận hưởng một mùa giải vui vẻ và phá vài kỷ lục nhé. Như quý vị đã biết, cuộc đua của chúng ta được Quỹ Mahoney tài trợ, và số tiền thu được sẽ đóng góp cho Quỹ Mở rộng Trái tim. Chiếc cúp chiến thắng của giải sẽ do bà Cornelius Mahoney trao tặng.”

Một tràng reo hò ầm ĩ vang lên và gần như mọi người đều đứng dậy để tỏ lòng kính trọng bà Mahoney. Chồng bà Cornelius Mahoney là hậu duệ duy nhất của Ethan Mahoney, người đã khởi đầu lập nghiệp tại đây vào thế kỷ mười chín. Khi Ethan phát hiện mình đang ngồi trên một quặng sắt khổng lồ, ông bèn sáng lập ra Tập đoàn Đe Búa Mahoney. Một quyết định rất sáng suốt. Giờ đây, một thế kỷ sau, bà Mahoney là người quản lý Quỹ Mahoney có giá trị cả tỉ đô la.

Chúng tôi ngừng vỗ tay reo hò và ngồi xuống, đúng lúc George quay lại với một dĩa chất ngất đồ ăn. “Ê, Ned vẫn chưa tới hả?” Nó nhìn quanh hội trường, thì thầm. “Chắc phải thử liên lạc xem thế nào nhỉ?”

George đọc đúng suy nghĩ của tôi. Tay tôi hiện đang bấm điện thoại rồi. Giờ tôi không còn thấy bực nữa... mà thấy lo. Quả thực đôi khi Ned không được tập trung cho lắm, nhưng anh ấy không đời nào cố ý bỏ lỡ một sự kiện quan trọng như thế này mà chẳng thèm báo với tôi.

Điện thoại reo thật lâu, rồi tôi nghe giọng nói trong hộp thư trả lời tự động của Ned. “Ned,” tôi nói nhỏ vào điện thoại, “bọn em đều ở đây hết rồi, còn thiếu mỗi anh thôi. Gọi di động cho em ngay nha!”

Tôi chỉnh điện thoại sang chế độ rung, và nắm chặt nó trong tay khi bà Mahoney cầm lấy micro.

“Xin chào mọi người,” bà Mahoney nói. Giọng khàn khàn, nhưng kiêu hãnh. Tóc bà lúc nào cũng mượt và bóng, và thậm chí ngay cả những lúc bà chỉ mặc đơn giản một chiếc áo khoác nhẹ với quần tây bình thường, như lúc này chẳng hạn, thì trông bà vẫn có vẻ như vừa bước ra từ một tạp chí thời trang.

“Cám ơn sự tham gia của các bạn vào cuộc đua hào hứng cuối tuần này,” bà Mahoney tiếp tục. “Sự góp mặt của các bạn khiến tôi cảm thấy thật ấm lòng, và chắc chắn cũng làm cho người chồng yêu dấu của tôi rất vui.”

Gọi ông Cornelius Mahoney là “yêu dấu” thì bà Mahoney đúng là có hơi bị mù mắt vì tình yêu đấy. Theo như tất cả những ai biết ông Cornelius - kể cả bố tôi - thì ông ta chẳng có gì là “yêu dấu” cả. Hầu hết mọi người đều chỉ nhớ đến ông ta như một kẻ rất khó ưa, chuyên mánh mung và vận động cổ phiếu. Tuy vậy, bà Mahoney lúc nào cũng nhắc đến chồng mình như một người hào phóng nhất. Và bởi vì mọi người đều quý mến bà hơn nhiều so với việc ghét ông Cornelius, nên cũng chẳng ai thắc mắc gì để cho ký ức của bà phải bị lăn tăn.

Tôi rõ là đang nghe bà nói đấy, nhưng đầu óc rỗng không. Sự tập trung duy nhất của tôi để cả vào chiếc điện thoại nắm trong tay. Tôi không cách gì rũ bỏ được cảm giác bồn chồn khó chịu khi nghĩ về Ned.

“Hãy nhớ,” bà Mahoney nói, “các bạn không chỉ thi đấu vì thứ này,” bà trịnh trọng khoát tay về phía cái bục bên cạnh. Đặt ngay ngắn trên bục là một bức tượng lớn hình cái đe sơn vàng. “Dĩ nhiên, thắng được chiếc đe sẽ là một vinh dự lớn,” bà tiếp tục, “nhưng quyền lợi thực sự của các bạn chính là việc có thể làm điều gì đó cho những người kém may mắn hơn mình. Xin đặc biệt cám ơn các bạn đã tham gia cuộc đua để giúp đỡ những người khác.”

Đúng trong lần reo hò thứ hai tôi nhận thấy điện thoại rung rung. Tim tôi như ngừng đập trong tích tắc, rồi bắt đầu chạy đua. Tôi ra hiệu cho Bess và George là tôi sẽ rời khỏi bàn, ra ngoài sảnh để nghe cho dễ.

“Alô,” tôi trả lời, tim vẫn đập mạnh. “Rốt cuộc anh cũng gọi làm em mừng quá.”

“Chào cháu, Nancy. Bác James Nickerson đây.” Cái giọng trầm trầm của bố Ned vang lên trong tai nghe.

Thế mà tôi cứ đinh ninh đó là con trai của bác ấy! Tâm trí tôi rối bời với những câu hỏi về Ned, về chuyện anh đang ở đâu. Đầu óc tôi thật sự bận bịu với những ý nghĩ của chính mình, nên mất cả phút tôi mới hướng được sự chú ý vào giọng nói đang vang vang bên tai mình.

“Ôi, cháu xin lỗi, bác Nickerson! Bác nói sao ạ?”

“À, bác nói là bác biết các cháu đang bận việc nên sẽ không làm phiền lâu đâu,” bác Nickerson lặp lại. “Cho bác nói chuyện với Ned được không? Nó không mở điện thoại.”

“Ned không có ở đây ạ,” tôi nói. “Thật ra, cháu cũng vừa mới gởi cho anh ấy một tin nhắn cách đây vài phút thôi. Chắc anh Ned còn ở trường đó bác.”

“Không, không có. Thế nên bác mới gọi cháu.” Tôi nghe ra vẻ bực bội trong giọng nói của bác Nickerson. “Bác mới nói chuyện với giáo sư Herman xong. Ông ấy nói Ned đã ra về khoảng hai tiếng trước. Nancy này, khi nào Ned đến thì nhắn nó gọi cho bác nhé!”

“Nhất định rồi ạ,” tôi trả lời rồi tắt điện thoại, quay lại CarboCram, được nửa đường thì gặp Bess. “Charlie Adams đang ở đây,” Bess nói. “Cậu ấy muốn nói chuyện với bà đó. Ned sao rồi? Anh ấy đâu? Khi nào mới tới?”

“Tao chẳng có tí manh mối nào cả,” tôi đáp, và kể nhanh cho Bess nghe về chuyện mới nói với bác Nickerson. Vừa kể xong thì George và Charlie tới.

Charlie đại để như là một người hùng của địa phương ấy. Cậu lái xe cứu hộ cho tiệm sửa xe tốt nhất trong thị trấn. Thường thì bao giờ gặp Charlie tôi cũng phải tranh thủ cảm ơn cậu vì hoặc là đã kéo tôi ra khỏi một vụ lọt mương, hoặc là đã đem giúp lốp xe mới đến thay cho cả cái lốp bể lẫn lốp dự phòng xẹp lép, hoặc là giúp tôi khởi động lại cái bình ắc quy bị hư. Nhưng lần này thì không.

“Chào cậu, Charlie, chào,” tôi nói. “Tớ có giúp được gì cho cậu không?”

“Chào Nancy,” Charlie nói. “Trông cậu tuyệt lắm. Tớ thật sự mong đội cậu sẽ thắng đấy.”

“Cảm ơn, Charlie. Xe tớ bị hỏng chỗ nào mà tớ không biết hả?”

“Không,” Charlie đáp. “Mà xe Ned cũng không hỏng hóc gì nữa đâu. Tớ đã sửa hết rồi, chỉ chờ cậu ấy đến lấy về thôi.”

“Ý cậu là sao?” Tôi hỏi.

“Xe Ned bị làm sao?” Bess tiếp.

“Chỉ cần một sợi dây với vài nhát búa là xong ngay ấy mà. Ned chỉ bị lọt xuống một nhánh sông cạn thôi. Nhưng mũi xe lại đâm vào một tảng đá to. Ồ mà không sao, tớ gò lại thì vết lõm cũng đâu vào đấy rồi.”

“Nhánh sông nào? Tảng đá nào? Kể lại từ đầu đi, Charlie,” tôi khẩn khoản. Nhiều khi nói chuyện với Charlie làm tôi muốn phát điên lên. Cậu ấy nói chuyện cứ như là đánh đố vậy, và tôi lúc nào cũng cảm thấy như mình đang bước giật lùi trong cuộc đối thoại.

“Ơ, thế cậu không biết gì à?” cuối cùng Charlie cũng nhận ra. “Thế này... Tớ nhận được điện thoại của khách hàng gọi đi sửa xe. Trên đường về, tớ thấy cái đuôi xe của Ned nhô ra ở nhánh sông.”

“Ở đâu?” tôi hỏi.

“Cậu biết cây sung dâu to tướng trên đường Shady không?” Charlie hỏi. “Ở ngay trước khúc quẹo ấy! Nhưng chẳng có gì nghiêm trọng đâu, tớ đã kéo cái xe lên và lôi luôn về garage sửa rồi.”

“Nhưng bây giờ Ned đâu?” tôi nôn nóng.

“Gì? Tớ có biết gì về cậu ấy đâu,” Charlie đáp. “Tớ chỉ thấy chiếc xe thôi. Lúc ấy nó trống không. Bị bỏ không.”