Nữ Phụ Phản Diện, Cô Có Độc

Chương 210: Đô đốc, biểu muội có độc (4)




Người muốn leo lên “cành cao” Quận chúa thật sự quá nhiều, trong đó cũng không thiếu kẻ muốn đầu cơ trục lợi.

Vì thế, tình huống máu chó xảy ra:

Trong một lần Cố Nhược Hoan du hồ, có người tính kế đẩy cô xuống nước, định làm anh hùng cứu mỹ nhân, nắm danh dự của Quận chúa trong tay, Quận chúa không muốn gả cũng phải gả.

Không ngờ, Cố Nhược Hoan lại được Hiên Viên Võ cứu.

Thời xưa, danh dự của phụ nữ rất quan trọng. Trước mắt bàn dân thiên hạ, được cứu từ trong hồ lên, toàn thân ướt đẫm, Quận chú Bình An chú định phải gả cho người cứu mình. Kể cả có chán ghét Hiên Viên Võ, hận không thể đâm chết anh thì Cố Nhược Hoan cũng chỉ có thể gả cho anh.

Có điều, vậy cũng tốt.

Chiến tranh nổ ra ở biên cảnh, trong triều lại không có võ tướng tài giỏi, Thụy Vương đành phải dẫn binh xuất chinh. Mặc dù Hiên Viên Võ là kẻ ngốc nhưng lại có sức mạnh lớn, hơn nữa, năng khiếu võ thuật của anh cực kỳ cao, để anh ra chiến trường đấu tranh anh dũng bảo vệ Thụy Vương thì còn gì bằng!

Nếu anh chết trên chiến trường thì càng tốt!

Đáng tiếc, Hiên Viên Võ chẳng hề chết trên chiến trường, ngược lại, anh nhờ vào sức mạnh to lớn và tinh thần anh dũng của mình mà lập chiến công.

Có lẽ, Hiên Viên Võ cũng nhận ra đầu óc mình không quá minh mẫn nên khi hành quân đánh giặc, anh cực kỳ nỗ lực đọc binh thư, so với các tướng lãnh khác, anh càng phải chăm chỉ hơn họ. Tuy rằng khả năng nhận thức không cao, nhưng khi gặp chỗ không hiểu, anh cũng vẫn biết mô phỏng, học tập theo.

Chính vì vậy, sau khi khải hoàn, trừ đôi lúc lộ ra vẻ chân chất thì nhìn anh chẳng khác người bình thường là bao.

Chỉ là, anh cực kỳ cố chấp và cứng ngắc, điều này chứng minh, trí lực của anh không trọn vẹn.

Cố Nhược Hoan chán ghét người như anh nhưng đương kim Thánh thượng lại vô cùng coi trọng anh.

Anh dũng mãnh, không sợ chết, lại chẳng biết kết bè kéo cánh, tranh giành quyền lực.

Thần tử như anh quả là một thanh đao tốt nhất!

Vì thế, sau khi tính toán kỹ lưỡng, Hoàng đế quyết định biến Hiên Viên Võ thành cây vũ khí sắc bén trong tay mình —— Phong anh thành thống lĩnh Cẩm Y Vệ.

Từ bá quan văn võ cho tới bá tánh bình dân, Cẩm Y Vệ đều phải giám sát và kiểm soát chặt chẽ, không từ thủ đoạn. Trong bá quan văn võ, họ phải biết ai muốn làm phản, ai tham ô nhận hối lộ; trong bá tánh bình dân, họ phải biết ai là kẻ sử dụng những lời lẽ mê hoặc dân chúng, khiến dân tâm hỗn loạn.

Hiên Viên Võ không khéo léo, không biết đưa đẩy cũng chẳng sao, làm đô đốc Cẩm Y Vệ, anh chỉ cần tàn nhẫn độc ác, lục thân bất nhận[1], trung thành với thánh thượng là được.

Cố Nhược Hoan và Hiên Viên Võ, một người có tâm mưu phản, người còn lại thì chất phác trung quân.

Hai người đứng ở hai phía đối lập nhau.

Cố Nhược Hoan vốn không có ý định giết Hiên Viên Võ, nhưng, anh làm đô đốc Cẩm Y vệ, công việc Cẩm Y Vệ lại là điều tra văn võ bá quan xem có người muốn làm phản hay không nên cô buộc phải diệt trừ anh.

Hạ độc?

Nếu Hoàng đế điều tra thì kẻ đầu tiên gặp xui xẻo chính là cô - người bên gối của anh.

Cho người giết?

Anh dũng mãnh như vậy, trên chiến trường còn một mình đánh với chục người, ai giết nổi anh.

Hai cha con Thụy Vương và Cố Nhược Hoan thương lượng kỹ càng, cuối cùng đưa ra một độc kế đập nồi dìm thuyền: Cố Nhược Hoan vào cung vạch trần Hiên Viên Võ và phủ Trung Dũng Hầu có ý đồ mưu phản, lấy việc này chặt đứt đường sống của Hiên Viên Võ, làm cho đương kim Thánh thượng biết “sự thật” không phải ai đầu óc trì trộn thì đều sẽ trở thành trung quân, anh ra trận giết địch chẳng qua là muốn giành thiên hạ cho phủ Trung Dũng Hầu mà thôi!

Tự tay đẩy nhà ngoại và trượng phu vào vực sâu, vạn kiếp bất phục[2], Cố Nhược Hoan chính là hình tượng tiêu biểu cho cái gọi là: người làm đại sự, thân nhân cũng giết.

Cuối cùng, toàn bộ phủ Trung Dũng Hầu đều bị chém đầu.

Thụy Vương phi không chịu nổi đả kích, rời bỏ thế gian.

Cố Nhược Hoan được như ý nguyện, lên làm công chúa, Thụy Vương cũng đăng cơ. Việc này bị rất nhiều văn nhân chí sĩ lên tiếng thảo phạt và bị những người trung quân ái quốc của tiền triều dẫn binh tiến đánh. Hiên Viên Võ cũng may mắn thoát được một kiếp, dẫn dắt nghĩa quân giằng co với tân triều vài thập niên.

Cái gì? Đằng ấy hỏi khí vận chi tử?

Ừ….

Lúc này, khí vận chi tử còn chưa sinh ra.

[1]lục thân bất nhận: chối bỏ, không quan tâm đến tình thân với cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái,....

[2]vạn kiếp bất phục: muôn đời muôn kiếp không trở lại được