NƯƠNG TỬ LÀ NGƯỜI CÓ ƠN VỚI TA.
Thành Giang Châu là nơi xung yếu, cả đường thủy và đường bộ đều cực thuận tiện, thương khách khắp nơi đổ về, ngay cả tin tức cũng lan nhanh hơn nơi khác, thế nên cụ Trình mới kiên cường bám trụ đất này, chính vì dù có kẻ nào đấy ức hiếp mẹ góa con côi nhà cụ thì lời đồn cũng vang xa tý chút, khiến người ta kiêng dè. Cụ nghĩ được như vậy, đương nhiên người khác cũng có thể tính đến. Vì thế năm xưa Hồng Khiêm theo lưu dân xuôi Nam kiếm ăn, đến đây thì mệt, dừng chân nghỉ tạm rồi ở luôn không rời. Tô tiên sinh lạc đường tới đây, được cụ mời về nhà, sau khi cân nhắc cũng đồng ý ở lại.
Bất Ngộ pháp sư cũng thế, phương trượng chung thuyền với Tô tiên sinh, sau giờ tụng niệm mỗi ngày thường chuyện phiếm cùng thầy. Hôm đầu tiên đã giải thích rõ lý do vào kinh, vị Bất Ngộ pháp sư này thuở trước xuất gia ở chùa Đại Tướng Quốc trong kinh, vì không thích ngụ lâu ở đất đô hội phồn hoa, sớm ngày rời đi vân du khắp chốn, khi đến Giang Châu, cũng vì ưng cái trù phú nước non nơi đây, bèn lên coi sóc chùa Từ Độ. Trụ trì già trong chùa thấy ông Phật pháp vững vàng, lại không câu nệ thiên kiến bè phái, dốc sức khuyên ông tiếp quản chùa Từ Độ.
“Lần này vào kinh là do bỗng có điềm mộng, dường như mình đã quay về chùa Đại Tướng Quốc, lại thêm nhận được thư của sư huynh thuở trước, bảo tuổi tác đã cao, muốn trước khi tọa hóa* được gặp một lần.”
[*Chết.]
Bất Ngộ thẳng thắn như thế, thầy Tô và Lệ Ngọc Đường nghe mà thổn thức không thôi. Tuổi tác Tô tiên sinh thì thôi không bàn, Lệ Ngọc Đường cũng đã gần năm mươi, nghe lời thở than kiểu “Nắng chiều đẹp vô hạn, Chỉ tiếc sắp hoàng hôn*” này thì đều đượm buồn thương, có điều người thì vì học trò mất con trai, người thì vì anh họ mất con đích trưởng, lần này vào kinh là để thu dọn rối rắm, làm sao vui lòng vui dạ cho nổi? Qua chuyện này, cả ba trái lại sinh lòng mến thương nhau.
[*Trích bài “Lên đồi Lạc Du” của Lý Thương Ẩn.]
Lệ Ngọc Đường ngưỡng mộ Tô tiên sinh, lại thấy vị phương trượng này cũng có phong phạm kẻ ở ẩn, cộng thêm ý chỉ trong cung, bèn nhờ ông trông chừng thầy, nhỡ lại lạc mất. Lệ Ngọc Đường cũng thường bỏ thuyền mình sang thuyền thầy Tô chơi. Ngồi nghe Bất Ngộ phương trượng nói chuyện Phật giáo, Đạo giáo, Nam tông Bắc tông, giảng kinh thuyết thiền. Thất Ca, Bát Ca thấy thế, châu đầu rỉ tai nhau: “May mà lúc ở Giang Châu cha chưa từng đến chùa Từ Độ, chứ nhỡ mà vào rồi, chúng ta khó tránh nhiệm vụ ngày ngày đi theo dập đầu lạy Phật, đầu chắc cũng u thành cục luôn.”
Trong tình cảnh này, Hồng Khiêm – người đêm về thuyền nữ quyến ngủ, sáng lại đến thuyền thư sinh đọc sách, chỉ dùng mũi tiếp chuyện họ. Khí độ của chàng khác hẳn ba người kia, tuy không nói năng chi, chỉ cúi đầu ngẫm chuyện nhưng trông còn vui tươi hơn cái kiểu thở ngắn than dài, bùi ngùi cuộc sống nọ.
Bên kia, Bất Ngộ vẫn đang cảm thán tình hình trong kinh với thầy Tô, đúng là khiến người ta sầu lo. Tin tức chỗ Lệ Ngọc Đường nhanh nhạy hơn, thuyền đi đến địa phận nào cũng sẽ gửi thư khẩn về kinh, để Quan gia đỡ phải suốt ruột. Lúc thuyền đang đi, Quan gia cũng thường xuyên thư từ cho thầy Tô, đều tỏ ý thăm hỏi và cầu cứu. Tô tiên sinh hồi âm, hỏi Quan gia: Thái tử rốt lại vì sao mà hoăng? Quan gia chỉ đáp chung chung, mời tiên sinh về kinh rồi nói rõ sau.
Hễ đến lúc ấy, Lệ Ngọc Đường và Bất Ngộ phải lánh mặt để tránh hiềm nghi, chờ Tô tiên sinh đọc thư, hồi âm xong mới lại chuyện vãn, bàn về những cảnh trí phồn vinh trong kinh. Ba người đều từng ngụ ở kinh, tán chuyện các nơi náo nhiệt mà người chốn ấy nằm lòng, nào là chùa Đại Tướng Quốc, nào là ngõa tử*, nào là những cửa hàng buôn may bán đắt bên sông trong thành.
[*Khu vui chơi phức hợp, kiểu kiểu game station ấy.]
Lại chẳng hay Hồng Khiêm ngồi cùng khoang thuyền cười u ám lắm thay.
Giang Châu ở phương Nam, dù đang độ cuối giêng nhưng mặt sông vẫn không đóng băng, chỉ hơi ít thuyền tới lui. Con đường thủy này rất tiện, kênh đào từ phía Đông thành Giang Châu chảy xuôi Nam Bắc, ra Bắc chẳng vài trăm dặm thì rẽ sang Tây, kinh sư nằm phía Tây Bắc của Giang Châu. Ra Bắc chưa được bao ngày đã dần dà cảm thấy lạnh, trên mặt sông thường thấy vài tảng băng trôi, vì đã vào xuân, dân chúng ven bờ gấp rút phá băng để thuyền bè đi lại.
Chuyện là đất kinh sư quá đông người, các vùng lân cận cung không đủ cầu, phải sống nhờ vào tiền tài vật chất chuyển từ nơi khác đến. Lương thực là tô thuế hằng năm cống vào kinh, còn đặc sản các vùng thì mua từ chỗ lái buôn. Dẫu có là mùa đông, hàng hóa phương Nam vẫn được tải về đất Bắc, chỗ chưa đóng băng thì dùng thuyền bè, đến chỗ đóng băng thì thồ bằng la ngựa. Chẳng phải người trong kinh không biết tích trữ hàng hóa sống qua mùa rét mà là do người quá đông, rất nhiều nhà không đủ sức để dành, đành phải làm công ăn lương mua thức ăn sống qua ngày.
Vì trời lạnh, nữ quyến trên thuyền mở rương khoác thêm áo choàng dày, đốt thêm than củi, thường ngày ở trong khoang, không ra ngoài. Bên chỗ Thân thị, hôm nào trời đẹp sẽ mời nữ quyến nhà họ Hồng sang chơi, hoặc dắt Lục Tỷ, Thất Tỷ tới chuyện phiếm. Đám Tú Anh càng đến gần kinh đô thì càng muốn hóng chuyện nơi ấy, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng muốn biết tường tận. Tính tình mẹ con Thân thị cũng dễ chịu, trả lời lần lượt, dần dà quen thân hơn với cụ Lâm, Tố Tỷ.
Lại thêm non nửa tháng, đến khi kinh thành nằm gọn trong tầm mắt, ngày mười sáu tháng hai, vừa khéo là sinh nhật ba mươi tư tuổi của Hồng Khiêm. Mọi người ngồi thuyền chán chê, gặp dịp giải sầu thì mừng vui lắm. Ngọc Tỷ bèn tự xuống bếp nấu mì thọ mời cha xơi, xét thấy đêm Nguyên Tiêu Hồng Khiêm đã ăn hai viên thịt nhân trứng cút to, kỳ này nàng cố ý lấy tiền riêng, lúc cập bến liền nhờ nhà thuyền lên bờ mua thịt tươi hộ.
•••••
Đêm mười sáu tháng hai, trời tối sớm, mấy chiếc thuyền đều đã cập bến từ lâu, thả neo, buộc lại cùng chỗ, không lên bờ mà tổ chức tiệc mừng ở ngay trên thuyền. Vì thuyền quan của Lệ Ngọc Đường khá rộng, bèn mượn làm chỗ bày mâm. Đang ở ngoài nhưng vẫn phải giữ kẽ, dựng một bức mành ngăn trong ngoài, khách nữ bên trong, nam bên ngoài, cả bày riêng một bàn thức ăn chay cho Bất Ngộ phương trượng.
Hôm nay ông trời cũng tốt bụng, đêm đến chẳng một ngọn gió, bầu không quang đãng vô ngần, vầng trăng sáng soi. Cụ Lâm bảo: “Rằm mười lăm trăng tròn mười sáu, hôm nay vừa khéo tốt ngày.” Thân thị cũng cười: “Nhà mình cũng trăng và người đều viên mãn, lại gặp dịp thi cử, chẳng vài tháng sau có thêm một tiến sĩ tân khoa, đúng là điềm lành.”
Ngọc Tỷ và Kim Ca đã nhân lúc rỗi rãi sáng nay sang dập đầu mừng với Hồng Khiêm, bây giờ đều ngồi bên Tú Anh, tuy không uống rượu thọ, nhưng mì thọ vẫn phải ăn. Bên ngoài Cửu Ca đứng dậy rót rượu cho Hồng Khiêm, Tú Anh bèn đẩy Kim Ca ra tiếp, cũng để cậu nhóc luyện tác phong.
Bên kia Tô tiên sinh thấy thế, chợt thở than: “Gần quê lại đâm ra sợ, thoắt cái đã chia xa mười mấy năm, bỗng không biết nên đối mặt với người nhà sao nữa.” Bất Ngộ nói: “Trường Trinh thân hoài trọng trách, cũng chỉ có thể vào lúc này đây cảm khái đôi điều.” Lệ Ngọc Đường tiếp ý: “Đúng vậy, thế cục trong kinh rối rắm, với cả… Chuyện quá to, lúc này chỉ e tiên sinh không thể phân tâm được. Nếu gia đình tiên sinh xảy ra việc gì, cứ giải bày với tôi, tuy tôi không tài không cán, nhưng chạy vặt giúp đỡ vẫn thạo lắm.”
Một mâm tiệc mừng, lại bàn đến cả chuyện Đông cung. Trong khoảng thời gian này, mọi người dần dà vỡ lẽ sự vụ trong kinh, khó mà thoát nổi thế khó xử. Theo lễ pháp, đương nhiên phải lập Lỗ vương, nhưng lại chưa rõ Hoàng hậu có trong sạch hay không, triều thần có thể hạch tội Lỗ vương vô lễ, song chẳng cách nào hạch tội Hoàng hậu. Nếu lập Lỗ vương, chúng thần lại không dám cậy vào. Còn Tề vương lại là con vợ lẻ, thuốc cũng do hắn dâng. Trong kinh đã dấy vô số lời đồn, họ rỉ tai nhau rằng Hoàng hậu muốn con ruột đăng cơ, rắp tâm hại chết Thái tử. Ví dụ rành rành trước mắt, Hoàng hậu đối đãi Đông cung luôn không mặn không nhạt, thỉnh thoảng còn làm khó tý chút. Trong lòng mọi người, mẹ kế thể nào cũng sẽ không bằng mẹ ruột, mà bà mẹ kế này lại có con trai ruột, cứ ở địa vị ấy, chẳng lại không rục rịch trong lòng.
Cũng có người bảo Tề vương cố ý hạ độc hại Thái tử rồi đẩy trách nhiệm cho Hoàng hậu và Lỗ vương, nếu hạch tội hai người nọ thì coi như đã sập bẫy Tề vương. Đằng nào cũng nói cho được.
Bàn mãi bàn hoài, chẳng biết tại sao lại bàn đến chuyện mẹ ghẻ con chồng. Lệ Ngọc Đường là tông thất, khá giữ kẽ vụ này, tông thất bản triều, chẳng ai muốn không dưng lại bàn đến nó. Tô tiên sinh có thể hỏi thẳng Quan gia rằng Hoàng hậu có thật sự vô tội không, nhưng Lệ Ngọc Đường lại phải tị hiềm —– Nhưng trong lòng vẫn ngờ vực. Bèn mượn chủ đề mẹ ghẻ: “Trên đời, mẹ kế đương nhiên đối đãi với con chồng không bằng con ruột.”
Sau mành, Thân thị đang gắp mì thọ, bỗng chốc đũa khựng lại giữa chừng, mì vừa mảnh vừa trơn, lặng lẽ tuột lại xuống bát. Chừng nghe Tô tiên sinh nói: “Không thể quơ đũa cả nắm mọi chuyện, ngay lúc này, mẹ của Lương tướng trong kinh là một người tốt. Và cả phu nhân của đại lý tự khanh, con chồng không tốt, nhưng bà ấy vẫn trước sau như một.”
Lệ Ngọc Đường thắc mắc: “Đại lý tự khanh? Chu Chấn? Ông ta có vợ kế hồi nào vậy? Với cả làm gì có đứa con trai nào không tốt?” Đoạn cất cao giọng hỏi Thân thị sau mành.
Thân thị cũng đã bình tĩnh lại, đáp: “Người hiện nay là vợ kế của ông ấy, vợ đầu sau khi sinh con trưởng đã mắc bệnh, non nửa năm đã qua đời. Một năm sau, ông ấy cưới người vợ bây giờ.” Lệ Ngọc Đường ngờ vực: “Con trai ông ấy bất hiếu?” Thân thị đáp: “Ấy chỉ là tin đồn, nghe nói đã chết đầu đường xó chợ, chỉ để lại con do thị nữ sinh đang sống trong kinh, chuyện khác thì không biết.”
Đôi đũa trong tay Hồng Khiêm đánh “cạch”, nghe đến là chói tai. Tô tiên sinh hắng giọng bảo: “Chỉ là tin đồn mà thôi, lãng tử quay đầu, hãy còn chưa muộn.”
Lệ Ngọc Đường khen thầy Tô nói rất hay: “Con người ai mà chưa từng lầm lỡ, đã sai biết sửa, ấy mới là cực thiện.” Tú Anh nghe chuyện nhà đại lý tự khanh, nhủ thầm ấy cũng là chức quan to, biết thêm chuyện có khi sau này cần dùng tới, bèn lén hỏi Thân thị. Ngọc Tỷ nghe đoạn kéo tay áo Tú Anh. Thân thị cũng cười đáp: “Chuyện này ta không rõ lắm, cứ nghe mấy ông ấy nói thử xem.” Do kỳ này Lệ Ngọc Đường có sự vụ gấp phải về kinh, không phải tự ý quyết định, phủ Ngô vương bèn phái tôi tớ lanh lợi đến hầu hạ.
Người nọ cũng nhanh nhạy, vì là đàn ông nên đứng ngoài mành hầu chuyện, trong ngoài gì đều nghe được. Hắn bảo: “Con trai đầu của vị đại lý tự khanh này tên Chu Bái, mẹ là em gái ruột của Định An hầu bây giờ, không ngờ mẹ mất sớm, cha chàng ta lại cưới vợ mới, từ nhỏ Chu Bái đã không hợp với mẹ kế. Người vợ kế ấy cũng không tầm thường, cha bà vốn giữ chức chính thị đại phu, em trai bà hiện thời cũng đang nhậm chức ấy. Còn Chu Bái, tất cả sự tinh ranh đều dốc vào trêu giễu, lúc nhỏ thì xô đẩy mẹ kế, đánh thị tỳ của bà, lớn lên lại bôi nhọ, khinh thường em trai, lười học, chỉ chuyên gây sự, còn thạo vung tiền, cả ngày lêu lổng cùng bọn bạn xấu. Hư hỏng đến độ chẳng ai trong kinh không biết, là khách quen của phố hoa ngõ liễu, lại ưa đánh bạc, thường tham gia ẩu đả, từng bị ngự sử hạch tội. Sau, chàng ta bỗng dưng biến mất, tìm không thấy, ai nấy đều bảo đã chết rồi. Có người đoán, chắc chàng ta đã gây ra chuyện gì đó —– Các ngài có biết vì sao không? Chính lúc chàng ta mất tích non nửa tháng, mẹ kế đã phát hiện thị nữ chàng ta hoài thai hai tháng, gây chuyện mất mặt như vậy, cũng chỉ còn nước trốn đi. Ước chừng thời gian, hẳn là mang thai khi hầu hạ chàng ta, thế là giữ lấy thị nữ ấy, tròn tháng hạ sinh một đứa con trai, ấy mới không khiến chàng ta tuyệt hậu. Từ đó Chu Bái chưa từng lộ mặt nữa, đành phải xem như đã chết. Mẹ kế chàng ta cũng là người thiện lương, lấy đức báo oán.”
Người nọ kể chuyện y như thuyết thư, trầm bổng du dương, trong ngoài đều tỏ. Chợt nghe Ngọc Tỷ trong mành cười một tiếng, Tú Anh quở: “Đúng là hỗn hào, con cười xằng gì đấy?” Ngọc Tỷ thưa: “Vừa khéo có thể hỏi mẹ, ở đây ngoài con, Lục Tỷ và Thất Tỷ ra thì ai cũng đã có con cái, có ai muốn gả con gái cho một người đã có con thứ xuất không? Có ai có con trai gây ra chuyện này, không bưng bít còn vạch ra chứ?”
Thân thị Tú Anh nghe mà ngẩn ra, Ngọc Tỷ nói tiếp: “Núi cao còn có núi cao hơn, nếu không vì ‘tấm lòng từ ái’ kia, chắc con cũng sẽ nghĩ người nọ lương thiện thật. Tránh tuyệt hậu gì cơ? Mất tích mới một tháng đã thu nuôi thị nữ kia, bà ta cứ thếbóp chặt cổ chai, biết chắc con chồng sẽ chết à? Còn nếu không rõ, thì chuyện bà ta làm là sai, đây không phải việc mà một người mẹ nên làm.”
Tô tiên sinh kinh ngạc, liếc Hồng Khiêm, nghẹn giọng: “Chẳng lẽ lại còn ẩn khuất? Ấy là mưu hại…”
Ngọc Tỷ mỉm cười nhìn Tú Anh: “Cái này thì con không biết, Quan tốt khó chen việc nhà, con chỉ nói thế thôi, cũng chỉ biết con đích trưởng của nhà ấy mà mất, thì con của vợ kế là số một. Mà kể cũng lạ, ai nấy đều bảo chuyện xấu trong nhà không nên diễu ra ngoài, xô đẩy mẹ kế cũng thôi, nhưng việc đánh thị tỳ cũng lan đầy đầu đường xó chợ, đương gia chủ mẫu quản lý việc nhà giỏi thật. Người yếu đuối như thế lại có thể tiếng thơm bay khắp kinh kỳ, chẳng nhẽ dạo khắp phố phường hoàng thành không phải người mà là lợn?”
Mọi người nghe đến là chăm chú, Ngọc Tỷ lại tiếp: “Con trẻ chưa lớn không hiểu chuyện, chẳng phải do giáo viên dạy dỗ ư? Sao lại đổ tội lên đầu trẻ nít? Đứa nhóc ba tuổi nào cũng có thể thuộc ‘Nhân chi sơ, tính bổn thiện’, có đứa nào không biết‘Cẩu bất giáo, tính nãi thiên’* đâu?”
[*Người ta lúc đầu vốn có cái tính tốt lành, nếu không dạy dỗ thì tính ấy sẽ thay đổi.]
Tú Anh muốn giúp con gái, cũng nói vun vào: “Chắc hẳn của hồi môn của em gái hầu gia cũng không ít, ai chẳng biết nếu tuyệt hậu sẽ phải gửi về? Ả đàn bà này quá ác độc, có lòng dạ như thế, chưa biết đứa con trai đẻ ra để tránh tuyệt hậu kia là của ai đâu!” Đàn ông bên ngoài nghe mà kinh hãi, suy xét cặn kẽ, đúng là thế thật. Bất Ngộ khấn A Di Đà Phật, khe khẽ tụng kinh, mặt mày thầy Tô rắn đanh, lúc nhìn sang Hồng Khiêm, phát hiện nụ cười gằn treo trên mặt chàng.
Lệ Ngọc Đường trợn tròn mắt há hốc miệng, chợt đứng dậy vái dài vào trong: “Nương tử là người có ơn với ta.”
Thân thị vừa cười vừa khóc: “Người đảm đương gia đình là phải bao dung tất thảy, đã nhận sự tôn trọng của họ thì phải quản lý chu toàn cả gia đình, vừa yêu kính bề trên, nuôi dạy con cái, không hỏi những chuyện đã qua. Nếu không thì cần đương gia làm gì? Chẳng có nhẽ lại mời thánh sống tới? Những chuyện dẫm lên người khác tạo tiếng tốt cho mình, người hiền chẳng ai làm thế!” Câu cuối mạnh mẽ hùng hồn.