Nữ Hộ

Chương 60: Hãi hùng




THÁI TỬ BỆNH NẶNG.

Cửu Ca cuối cùng vẫn tặng thỏi mực Tùng Yên thượng hạng kia cho Ngọc Tỷ, quà muốn tới tay Ngọc Tỷ, trước hết phải qua mắt Tú Anh và Hồng Khiêm. Tú Anh thấy đấy là một thỏi mực tốt, cười khen Cửu Ca có lòng, Hồng Khiêm hiểu nhiều biết rộng hơn, cầm lên xem kỹ, thế mà nghiêm túc hơn đôi phần: “Thằng nhóc này lòng dạ sâu quá!” Tú Anh hỏi: “Sao thế?”

Hồng Khiêm đặt thỏi mực về vị trí cũ, thở dài: “Khá quý. Nó bây giờ hễ có món gì là tặng ngay món đó cho Ngọc Tỷ… Nó! Nó thông minh hay khờ vậy trời?” Trên đời, ai làm mẹ cũng muốn con rể đối tốt với con gái mình hơn, nhưng mấy bà mẹ chồng ấy à, chưa chắc đã muốn con trai cứ quấn quýt lấy con dâu. Tú Anh đương nhiên biết lẽ ấy, cũng tỉnh ra: “Có lẽ do thằng bé còn nhỏ? Nó xem trọng Ngọc Tỷ, âu cũng là chuyện tốt.”

Hồng Khiêm bảo: “Nói rõ cho Ngọc Tỷ biết.”

Tú Anh chần chừ một chốc rồi đồng ý, sang tìm Ngọc Tỷ. Thuật lại đầu đuôi, Ngọc Tỷ nhìn thỏi mực, kiến thức nàng cũng đâu vào đấy, Tô tiên sinh tuy không hay mèo khen mèo dài đuôi, nhưng lại không kiệm lời ca ngợi ai khác, thường có gì nói đó, cái gì tốt cái gì không Ngọc Tỷ đều biết cả, đương nhiên biết thỏi mực này quý giá. Vì người ta dần xem trọng loại mực này, nên gỗ tùng tốt dần hiếm, vậy cho nên mực Tùng Yên, đặc biệt là mực Tùng Yên loại thượng hạng càng quý hơn.

Ngọc Tỷ do dự: “Lần sau gặp chàng, để con hỏi chàng vậy.” Tú Anh nói: “Chỉ cần cha mẹ chồng bên kia không ruồng bỏ, thì chúng ta cũng mừng vì con rể đối tốt với con. Chỉ e nó tốt với con quá, sẽ gây rắc rối cho con. Không biết nó hiếu kính mẹ chồng con cái gì đây?” Ngọc Tỷ nghe thì vỡ lẽ, cười đáp: “Ai bảo muốn tặng…” Tú Anh liếc ngang nàng một cái. Ngọc Tỷ biết điều dừng lại, thấy Tú Anh lộ vẻ bất mãn, mới nói: “Mực đã có rồi, con đi tìm bút Dương, Lang, Kiêm, Tử, giấy Trừng Tâm Đường, nghiên Lão Khanh đây, gộp cả biếu sang thầy.”

Tú Anh nghe mới an tâm hơn, mắng một tiếng: “Ta thật thà hiền hậu thế này, sao lại sinh ra một con khỉ như cô chứ?” Ngọc Tỷ cười đáp: “Chuyện đó phải hỏi cha ạ.” Tú Anh nghe thế rầy ngay: “Trời đất thánh thần ơi, cô học cái thói võ mồm kia ở đâu đấy?!” Chưởng cho vài chưởng. Chợt dừng tay: “Đấy toàn là đồ tốt, cần rất nhiều tiền, mẹ sai người đi mua là được. Dẫu sao vẫn là tấm lòng của Cửu Ca, con cứ thế biếu thầy, chỉ e nó biết sẽ không vui.”

Ngọc Tỷ im lặng, Tú Anh biết nàng đang cân nhắc thì không vội nói nữa, chỉ xem nàng sẽ giải quyết thế nào, nếu một mình Ngọc Tỷ xử lý không ổn, Tú Anh cũng tiện ở giữa dàn xếp. Tốt nhất là có thể khiến Cửu Ca tự hiểu, tốt thì tốt thật, nhưng đừng thái quá.

Tú Anh tính bóng gió đôi lời để Cửu Ca hiểu, muốn Ngọc Tỷ hạnh phúc, không chỉ một mình y đối xử tốt là xong mà còn phải tránh để người khác ghen ghét Ngọc Tỷ. Nào ngờ Cửu Ca lại không tặng quà rình rang nữa, chỉ cách vài ngày lại đến thăm Tô tiên sinh một lần, nghe răn dạy. Khi thì xuống phố tìm mua mấy món mới lạ về cho Kim Ca chơi, khi thì lựa lúc gặp mặt tặng Ngọc Tỷ một gói trân châu để nàng xỏ trang sức.

Tú Anh nhìn mà trợn mắt há mồm, lòng lại nổi cơn nghi ngờ. Nghĩ lại thì Hồng Khiêm cũng chu đáo như thế, nhưng khi nàng gặp Hồng Khiêm, chàng đã quanhược quán*, cũng từng trải rồi. Chứ còn Cửu Ca mới tầm tuổi này đã chừng mực như thế, Tú Anh lại sợ Ngọc Tỷ bị y lừa. Bèn nói với Hồng Khiêm. Hồng Khiêm hỏi: “Con rể không tốt thì mình lại chẳng thèm, con rể tốt mình lại băn khoăn, rốt cuộc mình muốn có con rể như nào đây?”

[*Hai mươi tuổi.]

Tú Anh đáp: “Đương nhiên là người vừa có bản lĩnh vừa đối tốt với Ngọc Tỷ của ta.”

Hồng Khiêm vặn: “Cửu Ca chẳng thế còn gì?”

Tú Anh không biết cảm giác trong lòng mình là gì, cãi lại: “Mới đầu thấy nó mặt mày trung hậu, nếu là một đứa khờ khạo thì thôi cũng tạm, sao tự dưng lại khôn khéo thế kia? Tặng quà quý trước, sau đó thì quà tâm lý dịu dàng, chuyện này, ta vẫn không an tâm.” Hồng Khiêm đáp: “Nó đã đính hôn, nghĩa là trưởng thành rồi, đầu óc mở mang, việc gì phải lo lắng? Mình cứ xem Ngọc Tỷ kia kìa.”

Ngọc Tỷ quả không phải đèn cạn dầu, Cửu Ca tặng nàng thỏ ngọc, nàng lấy, tặng nàng mực tốt, nàng cũng nhận. Không biếu lại cho ai khác, chỉ sang chỗ thầy Tô xin một bức tranh chữ. Lại ra tay cắt may một chiếc áo vạt ngắn cho Thân thị. Thân thị nhận quà, đoạn sai Cửu Ca đem ghim cài áo vàng khảm san hô sang tặng nàng.

Tú Anh từ bấy mới an tâm, một thời gian sau kể cụ Lâm nghe, cụ cười mãi: “Cháu đã coi trọng con trai người ta, cũng tự bảo nhà họ tri lễ, vừa mới đính hôn, tặng quà mới chừng một hai lần, sao làm phật ý mẹ chồng nhanh vậy được? Thêm vài lần nữa cháu bắt đầu lo hãy còn kịp, lòng người cách một lớp da, người ta bày sẵn thức ăn trên bàn cho mình là thế, song làm sao cháu biết được ấy là vì họ thương mình, hay là do họ không thích món đó chứ?”

Tú Anh đáp: “Như bà nói đấy thôi, cháu đây chẳng phải đang lo cho Ngọc Tỷ à? Buổi đầu đính hôn đương nhiên cái gì cũng tốt, tới giờ tự dưng có mùi, con bé thì sắp rời khỏi tầm mắt cháu rồi, cháu làm sao không nghĩ nhiều cho được?” Cụ Lâm nói: “Đã xác định rồi thì cứ thế mà sống. Cháu lo cho con bé, lẽ nào bà không lo cho cháu? Sao cháu vẫn chưa có tin vui?” Tú Anh nghe mà ngượng: “Chúng cháu, ấy chẳng do quan nhân còn phải đi thi à?”

Cụ Lâm quét mắt sang: “Hai đứa chia phòng à?” Tú Anh lắc đầu, cụ Lâm thở dài: “Cháu phải chú ý một chút.” Tú Anh cúi đầu vâng lời. Một chốc sau lại nói sang ý của Hồng Khiêm, cả nhà vào kinh các thứ. Vì Tố Tỷ là người chẳng có chủ kiến gì nên dù cụ Lâm đã già, Tú Anh vẫn đành bàn chuyện này với cụ.

Cụ Lâm nghe Tú Anh nói xong, đáp: “Âu cũng chẳng thể làm khác được. Nó mà đi, hai gia đình chẳng có lấy một người đàn ông trưởng thành, không trông coi nổi. Bên Kỷ chủ bộ, nghe đâu cũng sẽ được thăng chức, đương nhiên không còn quản nơi này nữa. Cháu rể đã nói cậu sui bên đó cũng sẽ không ở lại đây lâu, chúng ta thôi thì theo nó vào kinh vậy. Ai bảo…” Cả nhà chỉ có mỗi một người đàn ông chứ? Không theo nó, thì cả đám vứt đi đâu? Nhỡ mà Hồng Khiêm không đỗ, về lại đây vẫn kịp. Còn mà đỗ, hai nhà xìu xìu ẻo ẻo, làm sao tự khăn gói vào kinh tìm nó được? Cụ Lâm vừa nghĩ tới thầy Tô đã biết chuyến này Hồng Khiêm đỗ là cái chắc, không chừng còn phải ở lại kinh thành. Chung quy cứ theo sát thì tốt hơn.

Nghĩ tới thầy Tô, cụ Lâm bèn hỏi Tú Anh: “Chuyện này đã nói với tiên sinh chưa?”

Tú Anh đáp: “Chỗ tiên sinh đã có quan nhân lo rồi.” Cụ Lâm bảo: “Đã thế thì thuê thêm một chiếc thuyền, chúng ta cũng chuyển đi, nhà cửa ruộng vườn cứ để đấy.”

•••••

Tú Anh thuyết phục được cụ Lâm, bèn sang chỗ Thân thị đưa lời. Tuy Thân thị chưa từng ngụ lại lâu trong kinh nhưng vẫn biết nhiều hơn họ, Tú Anh vui vẻ dắt Ngọc Tỷ đến nói chuyện với bà, cũng là để Ngọc Tỷ tiếp xúc với mẹ chồng nhiều hơn. Hôm ấy, vì Ngọc Tỷ đem một bức tranh thêu hai mặt đến, Lục Tỷ bèn kéo nàng và Thất Tỷ đến khuê phòng của mình, ba người tán chuyện thêu thùa.

Bên này, Tú Anh đã dự sẵn trong đầu, trước tiên sẽ hỏi Thân thị: “Hôn sự của Lục Ca quý phủ, định khi nào tiến hành? Có thể đến xin chép rượu mừng chăng?” Thực ra Thân thị cũng cảm thấy bối rối, chuyện cưới con gả cái trước đây đều quyết ngay trong lúc Lệ Ngọc Đường đang nhậm chức rồi cử hành luôn, diễn ra ngay trước mắt. Chỉ đợi hoàn hôn, sai tâm phúc hộ tống đôi vợ chồng mới về kinh, nhập tên vào ngọc điệp, nhận chức quan, con trai thế là thành gia lập nghiệp. Con gái thì đương nhiên sẽ sống bên nhà chồng.

Hôn sự của Lục Ca lại khác, Lệ Ngọc Đường không bứt ra nổi, Thân thị quả thực không an tâm để một mình Lệ Ngọc Đường ở lại làm việc, e trong một chốc sơ suất, ông lại dây vào rắc rối. Với thân phận và bản lĩnh của Lệ Ngọc Đường, Thân thị không lo công việc sẽ làm khó nổi ông, bà chỉ sợ mình vừa ngoảnh đi ông đã tiêu sạch tiền của trong nhà, hoặc miệng mồm không kín, hứa gả Lục Tỷ Thất Tỷ cho ai ngoài tầm với của mình, hoặc lại đẻ con sinh cái thêm, bắt bà phải lo liệu tiếp.

Tú Anh thấy bà không nói tiếng nào, trong lòng cũng e ngại, lại thấy bà nhăn mặt, có vẻ buồn rầu. Tú Anh bèn đổi cách nói, thuật lại ý của Hồng Khiêm: “Nhà em bảo, nhà chị chẳng mấy chốc sẽ lại thăng quan. Giang Châu hơi xa, vị trong kinh hẳn sẽ không để nhà chị phải chịu khổ ở chốn này quá lâu, sớm muộn gì cũng sẽ điều về kinh thăng chức thôi ạ…”

Lời này rất khéo, nếu để một người không rõ tình hình nghe, chắc sẽ tin nàng nói thật. Nhưng Thân thị lại hiểu rõ trong lòng, Lệ Ngọc Đường có vài phương diện rất vớ vẩn, thu xếp giao tiếp trong ngoài đều nhờ một tay Thân thị, mấy ngón vòng vo này, Thân thị còn thạo hơn Tú Anh vài phần. Giang Châu xa xôi? Tới đây chịu khổ? Thế mấy vạn lượng bạc bà và Tú Anh hợp tác kiếm được trong hai năm gần đây ở đâu ra? Tú Anh không phải dạng người ăn nói lung tung, ý chưa nói hết trong câu, Thân thị thoáng cái đã hiểu.

Đã hiểu ý nàng, Thân thị lại bắt đầu cảm thán trong lòng. Mọi người đều bảo phụ nữ một kiếp phải đầu thai hai lần, chỉ cần một lần không tốt coi như mất nửa cái mạng. Tú Anh đúng là đầu thai quá tốt, một người như Hồng Khiêm, chí tình chí nghĩa, có bản lãnh lại hiểu biết rộng, quả thực hiếm thấy, thế mà nàng lại cuỗm được. Nghĩ đến lời Hồng Khiêm nói, Thân thị cũng chỉ có thể thán phục. Giang Châu trù phú thế nào, Thân thị ngụ ở đây vài năm, tự khắc hiểu rõ. Để giành chốn này, vương phủ trong kinh phải mài răng tranh đấu với rất nhiều người. Năm xưa Ngô vương phải cậy mặt già mới chống đỡ được bao nhiêu năm ấy, chẳng phải cuối cùng vẫn bị triệu về kinh đấy thôi? Thể diện của Lệ Ngọc Đường đương nhiên không bằng Ngô vương, ông lại là người phủi tay bỏ mặc, thử hỏi ở lại đây được bao lâu nữa chứ?

Vả lại, người ta thường lưu luyến quê hương, tuy không thường ngụ lại trong kinh nhưng nhà họ Lệ vốn là người kinh thành, bây giờ chỉ còn Lục Tỷ, Thất Tỷ chưa gả đi, cũng đã tới lúc cân nhắc đến chuyện chuyển về kinh sống rồi.

Nghĩ vậy, Thân thị lại càng đánh giá cao Hồng Khiêm hơn, lại suy xét, người có năng lực như thế lại là cha vợ Cửu Ca, cha ruột Cửu Ca không được việc, chẳng dạy dỗ nó được, vị cha vợ này còn đáng tin cậy hơn cha ruột nhiều! Mà sau lưng người ta lại còn một vị Tô tiên sinh, tuy chẳng đến nỗi quyền khuynh triều dã, nhưng ai cũng chẳng thể không nể mặt thầy ba phần. Mối hôn sự này, lúc đầu bà chỉ trông vào cái hoàn hảo của Ngọc Tỷ, sự hòa thuận của Hồng gia, vì thế mới vứt quan điểm gia tộc ra sau đầu, quyết ngay lúc Hồng Khiêm vẫn chỉ là tú tài. Giờ nhìn lại, đúng là hời to rồi! Quả nhiên con người chỉ cần tốt bụng thì sẽ được báo đáp.

Suy nghĩ nhanh chóng, tất cả bấy nhiêu thứ vừa nãy xoay chuyển trong lòng Thân thị cũng chỉ trong thời gian một cái chớp mắt mà thôi. Đã rõ Hồng Khiêm là một người có chủ kiến, Thân thị bèn đơm lời thuận theo, xem Tú Anh nói gì tiếp. Hồng Khiêm cũng không dặn dò gì nhiều, Tú Anh đành uyển chuyển diễn đạt lại ý của Hồng Khiêm. Chẳng gì ngoài chuyện quyết định lên kinh sớm một chút.

Thân thị nói: “Hôn sự của Lục Ca sắp tới, hoặc mấy đứa về đây, hoặc bọn chị lên kinh một chuyến. Chị và quan nhân đã bàn rồi, thôi thì về kinh trước vậy. Cũng đã nhiều năm chưa về, dù gì cũng là thông gia, cũng nên qua lại đôi lần.” Tú Anh bảo: “Thế thì đành bôn ba.” Rồi không nhắc chuyện này nữa, chuyển chủ đề sang quà Tết. Thân thị nói đồ sấy ở Giang Châu cũng ngon, nhưng trong kinh thì hơi khác, ở nhà có mấy món trong kinh mang tới, đem ra cho Tú Anh thử vị. Tú Anh cười đồng ý.

Sau khi tiễn mẹ con Tú Anh về, Lục Tỷ chạy sang cười thưa với Thân thị: “Cửu Nương nhà mình đúng là đáng yêu, mẹ biết muội ấy đem gì đến không?”

Thất Tỷ cũng nhếch mép cười nhìn Thân thị, Thân thị hỏi: “Cái gì?”

Lục Tỷ đáp: “Ngoài bức tranh thêu mà mẹ đã thấy, còn một bức màn thêu họa tiết thỏ nữa, cũng thêu hai mặt, hai con thỏ trông như sắp nhảy từ bên trong ra vậy. Sao muội ấy biết Cửu Ca tuổi thỏ ạ?”

Thân thị nói: “Con khờ hả, hai đứa nó cùng tuổi mà.” Nói đoạn, ba mẹ con cùng cười. Thất Tỷ lại kể chuyện Cửu Ca năng đến nhà họ Hồng, còn tỉ mỉ chọn mua bông vụ: “Thư Đồng mua một bọc, Cửu Ca lựa vài con mang đi, số còn lại thưởng cả cho Thư Đồng. Thư Đồng chẳng biết phải để đâu, cậu ta cũng không chơi trò đấy, ngoảnh đi đã cho con trai Lý Tam phòng bếp, đổi thịt kho xơi.”

Thân thị nghe xong bảo: “Cửu Nương cũng tốt với Cửu Ca lắm, lúc đầu nó đem bức chữ của Tô tiên sinh về, nếu không nhờ mặt mũi Cửu Nương, Tô tiên sinh sao có thể tùy tiện viết cho nó? Hai đứa thương nhau, chúng ta nhìn lẽ nào lại không vui? Ta thể nào cũng sẽ đi trước một bước, hai đứa chúng nó mới là người sẽ bên nhau nửa đời sau, mấy đứa hiểu chuyện, chăm sóc lẫn nhau, ta vui còn không kịp, chẳng có nhẽ thấy mấy đứa hờ hững lạnh nhạt với nhau, ta mới mừng? Trong lòng mấy đứa có ta, vậy là đủ rồi. Tự dưng khi không gây thù chuốc oán, có phải ngu ngốc đâu, phải không nào? Mấy đứa cũng thế, sau này gả đi, phải hòa thuận với mẹ chồng, trời đã ban cho đàn ông một người mẹ một người vợ, đương nhiên không phải là để hai người đấy cãi nhau đấu nhau đến long trời lở đất.”

Lục Tỷ, Thất Tỷ khắc ghi lời dạy.

•••••

Cuối năm thường bận rộn, Thân thị lại phải đặt cỗ mời nương tử các nhà quan đến dự, lại gặp Tú Anh lần nữa. Tú Anh nán lại lâu hơn, bảo rằng ngày mai sẽ đến, có chuyện cần bàn. Thân thị không rõ là chuyện gì, bèn nói: “Ngày mai ta ở nhà.”

Hôm sau Tú Anh đến, nói ý của Hồng Khiêm là vừa vào xuân cả nhà sẽ lên kinh. Thân thị ngẩn ra: “Cả nhà lên kinh? Có chỗ ở chưa?” Tú Anh đáp: “Thuê nhà ở tạm trước, từ từ xem xét nhà cửa thích hợp mới mua. Gia đình người lớn trẻ con gì toàn là nữ, chồng em mà vào kinh, thì nhà để ai trông nom?”

Thân thị vốn muốn nói, nhà ta ở đây, lẽ nào không chăm sóc nổi? Lại nghĩ năm sau Lục Ca đã phải thành hôn, mình cũng vào kinh, Lệ Ngọc Đường thì chưa biết chắc khi nào sẽ mãn nhiệm, cũng phải về kinh bình chức, đúng là có chăm lo cũng chẳng được bao ngày, khi ấy lại thêm một phen trắc trở, thầm nhủ cậu sui Hồng Khiêm này quả biết nhìn xa trông rộng. Cứ thế, nhà họ Hồng lên kinh đã thành chuyện chắc chắn. Thân thị bèn hỏi: “Nhà mẹ đẻ em định sắp xếp thế nào?” Tú Anh đáp: “Quan nhân bảo, cùng đi.”

Thân thị gật đầu song không hỏi vì sao Hồng Khiêm lại chắc chắn rằng mình sẽ trụ lại được ở kinh thành như thế, chuyển lời: “Tô tiên sinh hẳn cũng đi cùng? Thầy ấy vẫn còn chuyện riêng.” Tú Anh bảo: “Chuyện này để quan nhân bàn với thầy ấy.” Thân thị không biết nói gì hơn, trong lòng rục rịch nhưng trước mắt không tiện bảo Tú Anh.

Tú Anh đưa lời chỗ Thân thị xong, xem như đã giải quyết xong một mối tâm sự, về nhà bèn xoay sang lo liệu của hồi môn cho Ngọc Tỷ. Trước đó Tú Anh đã trữ gỗ tốt, giờ thồ sang chỗ thợ mộc đóng đồ gia dụng. Đồ gia dụng mỗi nơi thường có đặc điểm riêng, miền Nam nom có vẻ tinh tế hơn, không xét thứ khác, chỉ riêng hai món là giường và hộp nữ trang thôi, Tú Anh đã quyết định phải đóng xong ở Giang Châu. Đều là những việc cần tỉ mỉ, từ lúc rời nhà họ Trình gả đến Hồng gia, Tú Anh cũng chẳng thể được tính là xuất giá đúng tiêu chuẩn, thế nên trên có cụ Lâm, dưới có Tú Anh, tất cả đều xem trọng hôn sự của Ngọc Tỷ. Bản phác họa chỗ thợ mộc đã chỉnh ba lần, cuối cùng quyết định xong mẫu, bắt đầu ráp.

Trước Tết đã đóng xong, mọi thứ được khiêng cả về, chất trong một căn phòng trống ba gian ở nhà họ Hồng. Bàn trang điểm tinh xảo, các góc được bọc bằng đồng, có cả ngăn kéo ngầm, Ngọc Tỷ xem qua, để được rất nhiều thứ. Giường là giường khung, ba mặt có rào chắn, mặt trước tạo hình trăng tròn, đều được chạm rỗng. Ngọc Tỷ nói: “Mang theo dọc đường, sợ sẽ va chạm.” Những thứ tinh xảo chỉ có một nhược điểm như thế.

Tú Anh đáp: “Không sao, giường có thể dỡ ra được, buộc chặt lại, chúng ta ngồi thuyền, vững lắm.” Lại kéo Ngọc Tỷ xem rương hòm, rồi của hồi môn mà cụ Lâm cho Ngọc Tỷ. Về phòng xem trang sức, kiểu dáng cũng mới lạ, tinh xảo. Ngọc Tỷ nói: “Mẹ, khỏi trang sức đâu ạ, con… cũng chẳng phải sẽ đến nhà ấy ở ngay, hai năm sau, kiểu dáng này cũng cũ rồi, nung chảy rồi đánh lại, không phiền ư?” Tú Anh đáp: “Không phiền, không phiền, kiểu có đổi thì cũng chẳng khác là mấy, đây đều là mẫu tiêu chuẩn.” Tiêu chuẩn là gì, chính là những món sẽ đeo sẽ mang những lúc trang trọng, ví như mũ phượng, vài trăm năm nay cũng chẳng thay đổi gì mấy.

Chuyện lần này của nhà họ Hồng, đương nhiên không qua mắt được người ta. Láng giềng biết trước nhất, ngày cụ Trình còn sống, Trình gia đã ơn huệ cho biết bao nhiêu người? Ai nấy hỏi thăm, nghe nói sắp vào kinh bèn tụ tập lại chúc mừng Tú Anh, mỗi người lại đem trang sức các thứ sang biếu, bảo là của hồi môn bồi cho Ngọc Tỷ.

Bộ trang sức cài đầu bằng vàng của Hà thị là bắt mắt nhất, Tú Anh luôn miệng không dám nhận. Hà thị bảo: “Quen nhau từ bấy, cô khách sáo với chị thế là sao? Lúc cô tặng của hồi môn bồi cho Nga Tỷ, chị có từ chối thế này đâu.” Tú Anh vội bảo Ngọc Tỷ nhận lấy, lòng nhủ, quà này quá trọng rồi. Nhà họ Triệu, lý chính bên kia cũng có quà biếu, hoặc xuyến vàng hoặc trâm ngọc hoặc ghim cài áo, ngọc bội, thoa cài tóc, vòng các loại.

Nhà mẹ đẻ cụ Lâm cũng có người đến, ai nấy đều mang quà đến tặng. Nghe nói cụ Lâm cũng sẽ lên kinh, vợ Lâm tú tài không khỏi can ngăn đôi lời: “Cố hương khó rời, quan nhân nhà Tú Anh phải vào kinh cầu tiền đồ, không cản được, dì đã có tuổi, cớ gì lại bôn ba?” Cụ Lâm đã cao tuổi, đi xa như thế, quả làm người ta khó mà an tâm cho nổi. Cụ Lâm lại nghĩ khác, nếu không có Kim Ca, cụ cứ sống nhờ nhà mẹ đẻ là được, chẳng sao cả. Nhưng giờ Kim Ca mang họ Trình, cụ phải đi theo Kim Ca mới an lòng.

Vì cụ Lâm khăng khăng muốn đi, nhà mẹ đẻ khuyên vài lần, thấy cụ không chịu đổi ý, đành thôi. Vài ngày sau, lại đưa danh sách quà mừng Tết, nào là lò sưởi tay, ống ủ tay, áo choàng các loại. Thường khi miền Nam khi nhắc tới phương Bắc thì đều nhớ đến từ “lạnh khủng khiếp”, còn phương Bắc nghĩ về miền Nam thì luôn kèm chữ “nóng cực”, thấy vùng nọ hơi khác chỗ mình sống, thì trong lòng đã hơi khó ở. Giang Châu rốt lại chẳng thuộc phương Bắc, các thứ da lông cũng không bằng, vợ Lâm tú tài bèn tìm chăn nỉ loại tốt để làm quà, bảo là biếu cụ Lâm lót giường.

Tú Anh nhận quà thay cụ Lâm, lại giục chuyển hết đồ gia dụng khi trước đã lắp đã đặt xong đến nhà mình, thuyền cũng đã đặt sẵn, hai nhà Hồng Trình thuê tổng cộng ba chiếc thuyền. Chỉ chờ đầu xuân năm sau, trời ấm hơn sẽ lên đường vào kinh.

Hồng gia bận rộn như thế, nên hễ ai có quan hệ với họ đều dần dà hay tin trước Tết. Cũng chẳng biết Hồng Khiêm nói gì với Tô tiên sinh khiến thầy cũng cắm đầu thu dọn sách vở, bảo Cửu Ca đem trả sách mới ngự chế mình vừa mượn cho Lệ phủ quân. Nào ngờ Cửu Ca lại bảo: “Cha nói, kiếm quý tặng anh hùng, biếu cả cho tiên sinh ạ.” Thầy Tô cũng chẳng khước từ, nhận hết.

Lệ Ngọc Đường tặng thế cũng là do Thân thị giục. Danh sĩ như Tô tiên sinh không như cái ngữ “danh sĩ” trước đó thường lui tới, Lệ Ngọc Đường thực sự kính trọng thầy. Thân thị cũng lựa dịp đơm lời, bảo cả nhà Hồng Khiêm sẽ chuyển vào kinh, mình chẳng mấy chốc cũng phải về. Bèn bàn với Lệ Ngọc Đường, chúng ta phải đính hôn ngay cho Thất Ca, Bát Ca, sau đó bàn với thông gia, cho tụi nhỏ lên kinh cùng mình. Trước tiên giải quyết xong Lục Ca rồi đến hai đứa nó.

Chuyện của Thất Ca Bát Ca thì tiện hơn Lục Ca Cửu Ca nhiều, vì đằng gái ở Giang Châu còn đàng trai thì kinh thành, nghĩa là Giang Châu sẽ gả con vào kinh, đi một chuyến, tổ chức hôn lễ, ghi tên vào ngọc điệp rồi kiếm chức quan cho hai đứa, chẳng cần phải bôn ba. Còn Cửu Ca, Thân thị có ý muốn y theo Hồng Khiêm học hỏi thêm, bèn nói với Lệ Ngọc Đường: “Cậu sui muốn vào kinh, Tô tiên sinh cũng sẽ đi cùng, vì nhà họ không có đàn ông, nên đi là đi cả. Cả hành trình chỉ có một mình cậu sui đang tuổi tráng niên, Tô tiên sinh tuổi tác đã cao, Kim Ca còn nhỏ, đều không tiện đỡ đần, chi bằng bảo Cửu Ca đi cùng săn sóc, cũng tiện theo học hỏi Tô tiên sinh. Cho nó đi trước một đoạn, vào kinh, chúng ta càng tiện đà thăm viếng Tô tiên sinh, tạ ơn thầy dạy dỗ Cửu Ca.”

Câu cuối gãi đúng chỗ ngứa của Lệ Ngọc Đường, lập tức bằng lòng, lần đầu tiên trong đời Thân thị cảm tạ tật xấu mê danh sĩ này của Lệ Ngọc Đường. Đã muốn gửi con cho người, Lệ Ngọc Đường bèn đem sách ra tặng, để người ta nhận cái ơn. Lúc giải bày với thầy Tô, Cửu Ca lại sử dụng cách nói khác, đương nhiên là “Để gia đình nhà vợ với đa số là nữ quyến lên đường như thế, không an lòng.”

Chẳng biết vì sao mà tin tức này lại đồn ra ngoài, ai nấy đều ca ngợi phủ quân cao thượng, có kẻ còn bảo “Người ta nói con dâu thường giống mẹ chồng, ai ngờ giờ con rể lại như cha vợ”. Thân thị lại lén dặn Cửu Ca: “Cha vợ con là người thấu suốt, con phải học hỏi cách ông ấy làm việc nhiều hơn. Nên thỉnh giáo người hiền, tiếp xúc với người có bản lĩnh nhiều hơn, phải kính trọng ông ấy.”

Cửu Ca nhếch mép cười, đáp: “Con hiểu.” Thân thị lại gấp rút chuẩn bị hành trang cho y, lại lo cho cuộc sống trong kinh của thông gia, không khỏi thường xuyên sai người thuê kiệu rước Ngọc Tỷ đến, kể rõ với nàng tình hình trong kinh, lại thuật lại tất cả những điều mình biết về nội bộ phủ Ngô vương và những chuyện chốn đấy. Ngọc Tỷ cố gắng nhớ kỹ.

Thấy nhà họ Hồng bận bịu, bà Tiết sợ gia đình này chuyển đi, mình lại mất một vụ làm ăn, vội đưa vài nha đầu tốt đến, mời Tú Anh chọn. Tú Anh không dám qua loa, tỉ mỉ dựa theo cách ngày trước, không cần quá lanh lợi, chỉ mong chững chạc. Mua ba con nha đầu bảy tám tuổi, đổi tên cho chúng, gọi là Hạnh Nhi, Đào Nhi, Lý Nhi, sẽ giám sát một thời gian, nếu ổn sẽ đem làm nha hoàn bồi giá cho Ngọc Tỷ.

Chuyện nhà họ Hồng lần này, lại kinh động đến một người.

Cậu chàng Thịnh Khải kia dốc lòng đọc sách, chỉ nghĩ mình đỗ cử nhân rồi sẽ dễ dàng xin cha mẹ đến nhà họ Hồng đề thân. Nào ngờ cử nhân đỗ rồi, tên lại không xếp đầu bảng, tuy không cam lòng lắm nhưng tốt xấu gì cũng đã là cử nhân. Về nhà nói với cha mẹ, cha Thịnh chưa đáp lời, Phan thị đã không vui trước: “Con còn đang tuổi ăn tuổi học, năm sau lại vào kinh thi tiếp, sao có thể phân tâm? Mà cái nhà đó, xuất thân nữ hộ, nói ra cũng chẳng dễ nghe. Nghe lời mẹ đi, ngoài kia trời cao đất rộng, phụ nữ tốt còn nhiều. Vào kinh đỗ tiến sĩ, đánh ngựa diễu phố, biết bao danh môn khuê tú tranh giành con.”

Cha mẹ không bằng lòng, một mình Thịnh Khải cũng chẳng còn cách nào khác, đành phải ngày ngày nài nỉ. Phan thị chỉ mong thằng con này thành công, cưới nàng dâu thảo cho mình, mãi không đồng ý. Thấy con trai mê mẩn thế kia, cho rằng con gái họ Hồng nọ cũng chẳng phải thứ tốt lành gì. Mẹ con hai người đấu tới lui vẫn chưa ngã ngũ, nhà phủ quân bên kia đã thành thông gia với nhà họ Hồng rồi!

Không chỉ Thịnh Khải, ngay cả Phan thị cũng sững sờ. Phan thị cũng hơi không vui, nhà phủ quân vốn có vẻ đánh giá cao con trai thị, con trai bên đó lại cầu hôn con gái họ Hồng, trong lòng thị không thích, nào ngờ họ lại thành sui nhau. Chẳng biết người khác thế nào chứ thị cũng cảm thấy gượng gạo thật. Nhưng nhỏ mọn thì không tiện nói ra cho người ta biết, thị bèn giục Thịnh Khải dốc sức học hành, năm sau đỗ tiến sĩ, thể hiện năng lực.

Thịnh Khải lấy làm buồn bã, đọc sách một chốc, ra phố dạo một vòng lại gặp chuyện này, đành phải rầu rĩ về nhà.

•••••

Thân thị thu xếp hành trang cho Cửu Ca xong, bèn bàn với nhà vợ Thất Ca Bát Ca chuyện vào kinh thành hôn. Hai nhà đều do dự vì chuyện quá gấp, lại xét đến việc vào kinh thành hôn nghĩa là đầu xuân sẽ theo cha mẹ chồng đi chào hỏi thân thích, thực ra thì đỡ hơn cử hành hôn lễ ở đây rồi cặp vợ chồng nhỏ phải vào kinh một mình, lạ nước lạ cái. Nhưng lại sợ con gái theo vào kinh, không thể lại mặt.

Đương lúc lo âu, Lệ Ngọc Đường lại nhận được công báo: Thái tử bệnh nặng.

Lúc xơi cỗ Tết, Lệ Ngọc Đường nhận được thư từ phủ Ngô vương gửi đến, mới biết đầu đuôi: Thì ra vị kế hậu này có con trai, thấy con vợ trước làm Thái tử, không vui trong lòng, huống hồ mình còn một người bác là Thái hậu. Cuối cùng chèn ép đến mức vị Thái tử này không dám đưa tay nhấc chân, cực kỳ suy nhược, thành hôn nhiều năm mà chỉ sinh được hai đứa con gái, con trai một lại chết yểu, chính hắn cũng chẳng khỏe khoắn gì. Trước Tết đến chỗ Hoàng hậu, Hoàng hậu ban thức ăn, món nào món nấy hàn cả, Thái tử dùng vài miếng, trở về liền ngã bệnh. Trong kinh đang bắt bớ xôn xao vụ này. Ý của Ngô vương là, Lệ Ngọc Đường cứ né chuyện này ra đã, đừng về kinh, ngay cả hôn sự của Lục Ca cũng phải dời lại.