Máy giặt rung ầm ầm, cái xác già cỗi rít gào chuyển động,
cuối cùng sau mấy cơn hắt xì hắt xì liên tục thì cũng dừng lại, như bà
già vừa chạy marathon năm ngàn mét, dù đã đến đích cũng mệt không đứng
nổi.
"Vắt đồ thôi mà làm như máy bay cất cánh". Người đó tựa vào khung
cửa, nhíu mày nhìn cái máy giặt của tôi. "Đổi nó đi, coi chừng có ngày
nó phát nổ".
Tôi cười cười, không phản bác, lấy quần áo đã vắt xong ra. "Ký túc xá mà có máy giặt xài là tốt rồi, còn ăn mày đòi xôi gấc? Đừng nhìn nó cũ
mà khinh, tuyệt đối chất lượng đấy, 'ba mươi năm vẫn còn chạy tốt' ".
Anh cũng cười, đưa tay đón lấy thau đồ, cùng đi lên sân thượng phơi.
"Em cũng không thể cứ ở đây mãi được, muốn định cư thì thuê căn hộ khác
sẽ tốt hơn".
Tôi giật mình, vùi đầu phơi đồ, làm như không nghe thấy, phơi xong
thau này chuẩn bị thau khác, lúc lấy quần áo sạch ra, tay tôi treo giữa
không trung, bất động. Chiếc túi màu xanh nhạt, phía trước in hai chữ
màu hồng : Bích Sóng.
Yêu đến nghiện, thói quen đáng sợ này vì sao không thay đổi được? Tôi thu tay lại, cúi xuống nhìn vào lồng giặt đơ như khúc gỗ. Nửa tháng
trước, xe lửa mang Trần Dũng ra đi, suốt nửa tháng tôi cố gắng điều
chỉnh tâm tính từng giây phút một, sự đau khổ ngày đầu đã biến thành
chết lặng như hôm nay, quá dài, mười lăm ngày như mười lăm thế kỷ. Dần
dần tôi cũng khá hơn, không khóc, không giận, không kích động, bình
thường ăn uống, bình thường đi làm, rảnh rỗi thì tìm đồng nghiệp học
ngôn ngữ địa phương, nhàn thì đi dạo phố, mua quần áo đẹp, đi bar, đi
'chơi chơi'. Đời mà, đời chỉ có thế thôi, dù bạn có muốn chết hay sống
phóng túng thì Trái Đất vẫn quay. Bạn có khóc mù mắt thì chỉ có chính
bạn chịu thiệt, cây ngay không sợ chết đứng, bạn cứ sống vui vẻ vào,
sống vô tâm không buồn rầu, ngược lại còn hạnh phúc hơn.
Tôi nghĩ như thế và thấy cuộc sống tốt hơn nhiều.
Một ngày nọ, Lý Hải Phi mang lò vi sóng và bột mì tới tìm tôi, nhìn tôi cười khổ. "Ân Sinh, anh muốn ăn mì".
Tôi cười, nheo mắt gật đầu với anh ta. "Được, lên lầu ăn cơm".
Thừa dịp tôi trống trải mà tấn công ư? Không có khả năng. Chỉ cần dã
tâm của anh vẫn bị che giấu thì tôi chẳng sợ anh đâu, vin vào tình đồng
hương mà gặp gỡ, vừa có người để tán chuyện vừa thỏa mãn được sự ghen
tuông của mình : Không phải nghi ngờ tôi sao? Cứ nghi ngờ đi, tự nhiên
mà nghi ngờ!
Cứ thế tôi sống không tồi, có việc làm, có bạn bè, người thân khỏe
mạnh, tiền lương cũng nhiều, chẳng lo sắp ly hôn, hết thảy vẫn như cũ.
Nhưng vì sao mỗi lần nửa đêm tỉnh dậy, tôi lại thấy mình ôm gối Trần
Dũng đã nằm mà khóc? Vì sao tôi mở điện thoại suốt 24 giờ, mang hai cục
pin dự phòng theo, lúc nào cũng sợ máy tắt nguồn? Trước lúc kết hôn, mẹ
từng dặn dò tôi. "Ân Sinh à, vào nhà người ta thì dễ, ra mới khó, nếu
con thích nó thật thì quyết tâm mà sống với nhau cho tốt".
Giờ đây lời đó đã trở thành sự thật, mẹ nói rất đúng, đi ra khỏi cửa
nhà Trần Dũng thực vạn phần khó khăn. Nửa tháng anh không gọi, tôi không biết anh đang đợi điều gì, vội vàng phân chia tài sản? Hay đang bị Lâm
Mi xinh đẹp kia quấn lấy trên giường rồi? Nghĩ đến đó, có lẽ phải nói
chuyện cho rõ ràng một lần, dù không thay đổi được kết quả còn hơn là
chờ đợi vô vọng.
Tôi tìm số của anh, nhấn gọi rồi áp vào tai. Không ai bắt máy.
Rốt cuộc cũng buông tay, chẳng sớm thì muộn, dù sao chúng tôi cứ
giằng co thế này, Trần Dũng không vội thì Lâm Mi cũng sốt ruột. Cô nàng
Lâm Mi yêu anh Dũng nhiều lắm nhỉ, cô ta không thể để anh phạm phải tội
trùng hôn đâu.
Mắt tôi chìm dần vào hư không, thở gấp, cảm giác lòng chua miệng xót, đầu choáng váng, thật sự chịu không nổi sự ghen tuông của chính mình.
"Ân Sinh?". Tôi mở to mắt, Lý Hải Phi đang cầm thau đứng ở cửa, nghiên cứu tầm mắt của tôi, một lúc sau thở dài. "Đừng như vậy".
Gì đây, tôi bình thường mà, đừng cái gì? Tôi có chút chật vật, bực
bội phản bác lại anh ta, anh ta không giận, bỏ thau lên mặt đất, lách
qua tôi, bỏ bột giặt vào rồi khởi động máy, khi tất cả đã xong xuôi,
tiếng nói chuyện của anh như tiếng gió rất khẽ nhẹ nhàng xen lẫn vào
tiếng máy móc ồn ào. "Ân Sinh, em như vậy làm người ta nhìn thấy đau
lòng".
Lời này như vốc nước hất thẳng vào tôi, cả người khó chịu lắm nhưng
không thể tránh, chỉ có thể để mặc cho cảm giác xót xa đốt cháy tâm can, từng chút từng chút một thiêu hủy mình. Tôi nhoẻn miệng gượng gạo, môi
nhếch qua nhếch lại mãi mới nặn ra được một nụ cười, vừa nói như một cái máy vừa tự an ủi bản thân : Không sao, không sao, cười dù sao cũng tốt
hơn khóc!
"Hải Phi anh nói gì em nghe không hiểu. Đúng rồi, có mua hành không?
Muốn ăn bánh rán mỡ hành sao không nói sớm, lần trước bột mì anh mang
tới còn dư, chỉ thiếu mỗi hành".
"Hành?". Thái độ của tôi làm anh ta sửng sốt, cảm xúc hiện lên trên
mặt khôn kể, ngập ngừng than nhẹ, vẫn vội đáp lại. "Mua mua, ăn bánh rán mỡ hành sao có thể quên mua hành chứ? Đáng tiếc không có hành tây, chỉ
còn hành lá, ngay ở cửa đó thấy không, cái bịch nhựa màu trắng đó".
Tôi bước qua, nhấc cái túi trên mặt đất lên, thôi thì làm vậy, phân
cho anh nhiệm vụ lặt hành, tôi đi rửa tay rồi cùng làm bánh. Trong lúc
làm, chẳng ai nói gì. Vậy cũng tốt, vốn chỉ gặp nhau vì nể tình đồng
hương và hoài niệm món ăn quê nhà, ngoại trừ ăn cơm ra thì không nên làm chuyện vô nghĩa khác.
"Em đó, chưa bao giờ chịu lặt hành, bảo sẽ bị dính mùi lên tay, sao
không thương tiếc tay người khác cũng hôi mùi hành". Khẩu khí oán giận,
nhưng bàn tay chuyên cầm dao mổ đó lại không ngừng lặt, anh cười ha ha
mở chuyện, hoàn toàn vui vẻ tự đắc. Giống như chúng tôi đã quay lại rất
nhiều năm về trước, hai người yêu nhau gặp gỡ, bận rộn nấu ăn, bầu không khí ngọt ngào, mùi thơm bay khắp gian bếp thúc đẩy con người ta mau tay hơn, cho dù ngẫu nhiên trêu ghẹo, thỉnh thoảng chen vào một câu chuyện
phiếm, tâm vẫn là im lặng.
"Anh chưa từng nghe qua sao, thục nữ phải tránh xa phòng bếp, tay thì bay đầy mùi hành, đại ca nói em phải làm sao giả bộ tiểu thư đoan trang chứ".
Cảnh giác giải trừ, anh thả lỏng, tôi cũng thả lỏng, nhàn nhàn hay nói giỡn, chỉ cần đổi đề tài thì tôi cũng sẽ pha trò.
"Gì chứ, bộ tiểu thư không phải là người, không ăn không ngủ không đi vệ sinh a?". Anh ta cười, huơ hành về phía tôi. "Cũng chỉ có mình anh
bỏ qua tật xấu đó của em thôi, đổi người khác thử coi, nha đầu em sẽ bị
người ta càm ràm đến mệt, đời này không có cách nào khác...".
Ý thức được điều gì, gương mặt trắng sữa đó đột nhiên tắt nụ cười,
tiếng huyên náo im bặt, ánh mắt anh ta nhìn về phía tôi sớm đã không còn đặt ở bàn tay nhào bột nữa, nó tiến lên trên, ánh mắt nghi hoặc lo sợ,
sau đó cả hai chúng tôi cùng xấu hổ. Chuyện cũ là mìn ngầm, ai dẫm lên
thì chết trước. Lý Hải Phi, ai bảo anh vượt qua ranh giới.
Không ai nói gì nữa, căn phòng nhỏ xíu chỉ còn lại trầm mặc. Thời
gian vài giây trôi qua, mắt thấy đống hành màu xanh đậm hết đảo qua lại
đảo lại, mỡ hành thơm ngon sắp bị biến thành bùn hành, tôi không đành
lòng, nghĩ có lẽ anh ta cũng không phải cố ý đâu, đang định há miệng
đánh vỡ cục diện ngượng ngùng thì lại bị người ta giành trước. Lý Hải
Phi rốt cuộc cũng nói, ngữ khí kiên quyết, trong nhiệt liệt có phần
nghiêm túc. "Ân Sinh, anh...".
"Em, em đi coi thử còn dầu nành không, không có dầu thì còn làm gì
được nữa". Bản năng sợ hãi trỗi dậy, tôi chỉ muốn trốn mà thôi.
"Ân Sinh!". Thấy tôi trốn tránh, anh bắt đầu kích động, ném hành đi,
anh chạy về phía tôi, áo sơ mi trắng phản quang sáng rỡ như có nắng
xuân, ánh mắt anh không được bình thường.
"Hải Phi, dầu, dầu, dầu không đủ, em đi...".
Muốn chạy ư, không được, anh ta ôm cổ tôi, vùi đầu vào gáy tôi, thở
dốc. "Ân Sinh! Ân Sinh à! Em nghe anh nói đi, em ly hôn, anh chia tay
với An Kì, chúng ta sẽ sống như trước đây, ở bên nhau, ở bên nhau được
không em?".
Vai trái của anh dựa vào sẽ thoải mái hơn vai phải, trong rất nhiều
thứ yêu thích của cuộc sống, tôi thích nhất là được tựa vào vai trái của anh, đếm nhịp tim anh đập : một nhịp, anh yêu em, hai nhịp, anh yêu em, ba nhịp, anh yêu em... Sau đó, vùi vào lồng ngực anh, cười thỏa mãn.
Nhưng bây giờ, phần tình cảm đó đã bị tôi đóng băng, bị tôi quên
lãng, bị tôi khóa sâu vào đáy tâm hồn, còn anh? Vẫn ôm, tim vẫn đập, chỉ khác là tôi sẽ không cười nữa.
Đôi môi kề bên má, suy nghĩ ngưng lại, ngón tay vẫn nồng mùi hành xoa lên mặt tôi, gương mặt có chút sạm màu. Tôi mơ hồ ngửi được mùi nước
hoa Channel, tôi không nói nó không thơm, chỉ là nó không hợp với anh,
không thể so sánh với mùi Bích Sóng.
Bích Sóng? Bích Sóng! Cái tên này là chốt, cùng với nụ cười híp mắt
của ai đó, vừa mở nút bao hình ảnh liền ào ạt tuôn trào, chưa đến hai
giây từng mảnh ký ức đã gào thét vỡ òa : Trần Dũng cười tươi, Trần Dũng
nhăn mặt, Trần Dũng ôm tôi vào lòng, mặc cho nước mắt tôi nhòe ướt áo
anh, Trần Dũng dịu dàng bôi thuốc cho tôi, miệng thổi nhè nhẹ lên vết
thương...
Đủ! Quá đủ! Tôi mở to mắt, cả thế giới này là Trần Dũng!
"Tôi muốn bay xa, bay đến phương trời miền nhiệt đới...".
Tiếng chuông điện thoại mới đổi vang lên thổi tan màn sương mù, tôi
nhân cơ hội giãy tay người kia ra, sửa lại tóc tai, ngón tay chỉ lên
bàn. "Điện thoại, điện thoại".
Tôi cúi đầu, tránh mọi tiếp xúc bằng mắt có thể, ấn nghe. "Alo?".
"Chị dâu, là em".
"Ai?".
Hơn ba tháng không ai gọi tôi như thế, giờ đột ngột nghe có chút không quen.
"Em, Tiểu Kiếm".
Sao lại là cậu ta, tiểu tử này làm sao biết số di động của tôi?
"Chị dâu, em tìm chị suốt mấy hôm nay, chị mau về đi, anh Dũng xảy ra chuyện rồi!".
"Cái gì!".