Nợ Người Một Tiếng Yêu

Chương 12: Tôi Là Dân It





Trần Cảnh Lam đột nhiên lạnh sống lưng.

Sự hối hận vụt qua não cô thật nhanh.

Có một sự bất bình thường không hề nhẹ trong câu nói ấy.
- Hai lần trước tôi giúp cô.

Cô chưa trả.
Diệp Dương gửi một tin chữ, kèm theo icon cười thân thiện không để đâu cho hết.

Cô biết anh định nói gì, nhưng chỉ cần cô còn tỉnh táo, Diệp Dương đừng hòng được như ý nguyện.
- Tiếc quá, tôi đúng là có ý định mời anh đi ăn.

Nhưng bây giờ khoảng cách của chúng ta chính là vấn đề.

Anh không biết tôi ở đâu, tôi lại mù đường nên không thể tìm chỗ anh được.

Mong anh thông cảm!
Gửi tin nhắn đi, Trần Cảnh Lam vẫn chưa thể an tâm.

Anh là con cáo già đã thành tinh, người chưa trải sự đời như cô đương nhiên có những việc đáng để lo lắng.
- Không sao.

Tôi đến chỗ cô.
Trần Cảnh Lam không ngạc nhiên là mấy.

Cô vắt óc suy nghĩ.

Dù thế nào cũng không để anh chiếm được ưu thế.
- Bây giờ cũng đã tám rưỡi rồi.

Không kịp đâu!
Trần Cảnh Lam thấp thỏm lo lắng.

Lỡ như Diệp Dương nhất quyết muốn đến chỗ cô thì sao? Khi ấy cô phải từ chối thế nào đây?
- Ra ngoài.
Anh đáp lại cụt lủn.

Trần Cảnh Lam bán tín bán nghi.

Diệp Dương định bắt cô ra ngoài đợi anh trong thời tiết khắc nghiệt này ấy hả? Đúng là rất biết hành hạ người khác.
- Vì sao?
Cô quyết đấu với anh đến cùng.

Hai chữ "lợi thế" dù có bị kéo đến méo xệch, Trần Cảnh Lam cũng nhất quyết giành lấy bằng được.
- Tôi đang ở trước nhà cô.
* * *
Cô phục anh rồi!
Trần Cảnh Lam á khẩu, không còn gì để biện minh trốn tránh.

Anh là thám tử hay paparazzi mà lại có biệt tài truy lùng nhanh đến vậy?
Trần Cảnh Lam vẫn hơi hồ nghi.

Diệp Dương đang ở ngoài kia thật hay chỉ là tung ra cú lừa đợi cô lọt lưới?
Nghĩ thế nào, Trần Cảnh Lam vẫn khoác áo chạy ra.

Phía sau cánh cổng sắt đã bị bao trùm bởi màu đen của bóng tối, dáng người cao ráo đứng đó.

Ánh đèn vàng vọt hắt lên người anh, tỏa ra sự cô độc, trống trải.


Cô độc? Sao cô lại nghĩ đến từ này nhỉ?
Trần Cảnh Lam xỏ bừa đôi dép lê, chạy lại mở cổng.

Gần đó có một chiếc Benz trắng đỗ dưới tán cây long não.

Hẳn là của Diệp Dương.

Đây hình như là lần thứ tư cô chạm mặt anh, chỉ là có chút khác biệt.
- Trời lạnh, ra ngoài quả thực không tiện.

Chi bằng bạn Lam đích thân vào bếp cũng không tồi.
Trần Cảnh Lam trong lòng thầm lườm nguýt.

Ra ngoài không tiện? Vậy anh đang làm gì đây? Đang ở đâu đây?
Diệp Dương liếc qua bản mặt đang ngơ ra của cô.

Anh lách người bước vào địa phận nhà.

Trần Cảnh Lam lúc này mới kịp a lên một tiếng.

Đáng tiếc, Diệp Dương đã nhanh chóng thay dép đi vào nhà.

Anh còn vô sỉ đến mức này cơ à? May thật! Nếu hôm nay dì cô ở đây, chắc chắn cô sẽ phải nhận một bài giáo huấn dài dằng dặc như điếu văn
Trần Cảnh Lam chạy theo, vào nhà quên cả thay dép.

Đến ngưỡng cửa phòng khách, cô đã thấy anh nằm trên sofa, hai mắt nhắm nghiền.

Mệt mỏi ư? Có điều anh đường đường là công tử nhà giàu, thiếu gì chỗ để đến, để ăn, để chơi.

Hà cớ gì cứ muốn phiền đến cô.
- Thay chuông đi!
Diệp Dương cất giọng đều đều.

Anh nâng tay gác lên trán.
Trần Cảnh Lam à một tiếng trong đầu.

Chuông ngoài cổng bị hỏng từ mấy hôm trước, dì cô vẫn quên chưa sửa.
Thấy cô không đáp, Diệp Dương mở mắt nhìn ra.

Trần Cảnh Lam vẫn đứng tựa người vào tường, điệu bộ suy tư.
Anh không mấy để tâm, lại nhắm mắt thở đều.

Ngoài ITRI, chỉ có nhà Trần Cảnh Lam mới được gọi là yên tĩnh thực sự.

Không bị ai làm phiền, không bị ai quấy rầy.

Anh thích cảm giác này.
Mấy phút sau, sự im lặng của cô khiến Diệp Dương mất dần kiên nhẫn.

Anh nhìn Trần Cảnh Lam dò xét.

Vẫn là dáng đứng đó, vẻ mặt đó.

Vì anh đến quá đột ngột nên cô bất ngờ ư?
Bị Diệp Dương nhìn đến mất tự nhiên, Trần Cảnh Lam mới mở miệng hỏi một câu:
- Sao anh tìm được nhà tôi?
Diệp Dương cười ha ha mấy tiếng:
- Tôi là dân IT!

Anh uể oải đáp, khóe môi còn vương nụ cười.

Trần Cảnh Lam đầu óc lúc này nới thông suốt trở lại.

Cô bị đả kích ghê quá nên nhất thời quên bẵng anh là chuyên gia công nghệ.

Có điều tìm được vị trí chính xác như vậy trong thời gian ngắn vẫn khiến cô bội phục.
- Cô muốn ăn tối hay là ăn đêm?
Trần Cảnh Lam ngẩn người.

Đến khi Diệp Dương nhìn xuống đồng hồ đeo tay cô mới hiểu.

Ý của anh là cô phải đi làm đồ chiêu đãi anh ngay lập tức.

Cái thái độ gì thế này!
- Nếu anh đã không ra ngoài mà quyết định ăn ở nhà tôi thì phải chấp nhận kham khổ thanh đạm một chút.

Nhà tôi chỉ có mì gói thôi.
- Cũng được!
Anh muốn thử xem mùi vị mì gói được bán tràn lan ngoài thị trường rốt cuộc như thế nào.
Trần Cảnh Lam lúi húi trong bếp, hết quay bên này lại lộn bên kia.

Cô bỗng nhiên trở nên tất bật chỉ vì một vị khách không mời mà đến kèm theo cái lí do chả đâu vào đâu.

Đuổi anh đi cũng không được, làm khó anh cũng không xong.

Cô bỗng thấy mình thật bất tài.
- Anh ăn trứng lòng đào không?
Được một lúc, Trần Cảnh Lam từ trong bếp ló đầu ra.

Cô mặc chiếc tạp dề cùng tông với màu của chiếc áo thu đông.

Cái túi trước bụng in hình cậu bé chibi dễ thương vô cùng.

Diệp Dương nhìn thấy, trong đầu lại nhớ đến cái avatar trong tài khoản Facebook của Trần Cảnh Lam.
- Này!
Cô đánh tiếng gọi.

Diệp Dương cẩn trọng suy nghĩ.

Từ trước đến giờ tính khí anh vốn rất khắt khe, về mảng ẩm thực cũng chẳng dễ dãi hơn là mấy.

Với anh, sống là sống hẳn, chín là chín hẳn, không bao giờ có kiểu nửa vời.
- Cô ăn à?
Trần Cảnh Lam gật đầu.

Diệp Dương lại im lặng.

Ước chừng chục giây sau anh mới đáp:
- Không ăn!
Sau lần đó, Trần Cảnh Lam không nói thêm câu gì.

Cô chẳng thèm hỏi xem anh không ăn được gì, không thích ăn gì.

Đơn giản, cô không gánh vác trách nhiệm làm bảo mẫu của anh, cũng không có nhu cầu muốn biết thêm về thói quen, sở thích của anh.


Cô cứ làm, anh ăn được thì ăn, không ăn được thì nhịn!
Đến khi hai bát mì gói nóng hổi được đặt lên bàn, Diệp Dương đã ngủ được một giấc kha khá.

Anh trông tỉnh táo hơn, sắc khí cũng tươi lên đôi phần.
Trần Cảnh Lam đẩy một bát về phía Diệp Dương, đặt trước mặt anh ly nước lọc.

Hai bát mì đỏ ửng bởi cà chua, lại quyện thêm sắc xanh của hành cùng màu vàng của trứng, còn có cả nấm đông cô.

Cách nấu mì này Trần Cảnh Lam học được từ bố.

Ông bảo chế biến kiểu này vừa đẹp mắt, ngon miệng, đơn giản, tiện lợi lại giàu dinh dưỡng.

Y như một cốc chè thập cẩm mĩ vị.
Diệp Dương nhìn xuống, không hề biểu lộ chút cảm xúc.

Anh uống ngụm nước lọc, dùng thìa múc chút nước mì.

Trần Cảnh Lam vì đói nên ăn trước, mặc cho Diệp Dương ngồi đó thẩm tra kiểm định.

Cô cứ ngỡ hôm nay sẽ phải ăn tối một mình, ai dè vẫn có người ăn cùng.

Cũng không tồi.
Diệp Dương gắp một đũa mì cho vào miệng.

Cách anh ăn cực kỳ từ tốn, không vội vàng, nháo nhào dù là đói đến thắt ruột.

Đầu mày Diệp Dương bỗng hơi nhíu.

Anh uống ngụm nước nuốt thật nhanh miếng mì trong miệng.

Thương nhân bây giờ làm ăn quả nhiên chỉ chú trọng đến lợi ích, bỏ mặc chất lượng cũng như những tổn hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đúng là không ra thể thống gì.
- Mì này, đưa một gói tôi xem.
Trần Cảnh Lam dừng đũa.

Trước sự hạch sách của Diệp Dương, cô tảng lờ không thèm đối chất.

Cảnh Lam đứng dậy lấy cho anh một gói mì nguyên chưa được bóc tách.

Diệp Dương lật ngang lật dọc một hồi, anh rút điện thoại bấm ra một dãy số.

Trần Cảnh Lam có sự cảm không lành.
- Tôi là Nguyễn Diệp Dương, muốn đặt lịch hẹn với giám đốc bên đó.
Trần Cảnh Lam nghi hoặc.

Anh gọi đến công ty sản xuất mì để làm gì?
Diệp Dương không nói quá nhiều, hầu hết chỉ nghe.

Nhưng con người thường không sợ những kẻ nói nhiều, họ chỉ sợ những người ít nói.

Diệp Dương chính là một minh chứng sống.

Anh nói câu nào, câu ấy liền biến thành những lưỡi dao sắc lẹm.

Cô nghe mà cảm thông giùm người ở đầu dây bên kia.
- Không được ăn nữa.

Số mì còn lại đưa cho tôi!
- Tại sao?
Trần Cảnh Lam trưng ra khuôn mặt bất mãn.

Cô không biết anh định làm gì, nhưng tại sao cứ phải lôi cô vào thì mới chịu được.
- Ăn mì kém chất lượng, cô muốn tổn thọ à?
Diệp Dương cau mày, mất đi kiên nhẫn.

Anh coi cô là bạn nên mới hạ mình can dự vào chuyện lần này, nếu đổi lại là người khác có hóng cả đời cũng chẳng nhận được hồng phúc.
- Thầy Dương à, anh..
- Gọi tôi là Dương.

- Được rồi, Dương à, ơ..

hả?
Trần Cảnh Lam ngẩn người, nhận ra điểm kì lạ.

Tại sao cô phải gọi anh là Dương?
- Tôi và anh không thân không thiết, dựa trên quan hệ hiện tại gọi thầy Dương là được rồi.
Đầu mày Diệp Dương nhíu chặt thêm một chút.
- Bảo cô gọi thì cô cứ gọi.
- Vì sao?
- Vì cô là bạn tôi!
Trần Cảnh Lam nhất thời á khẩu.

Chữ bạn thốt ra từ miệng anh khiến cô ngỡ ngàng.

Bạn.

Cô chưa bao giờ nghĩ anh coi mình là bạn.
- Hay tôi gọi anh là tổ tông nhỏ?
Cô thà dùng ba từ có ý kính lão đắc thọ đó còn hơn gọi tên anh.
- Không được!
- Nhưng anh Trí và anh Huy cũng gọi anh như vậy.

Sao tôi không được?
- Cô không giống họ.
Trần Cảnh Lam xụ mặt.
- Một đứa con gái như cô suốt ngày gọi tôi là tổ tông nhỏ.

Ra thể thống gì!
Trong đầu Trần Cảnh Lam tưởng tượng ra cảnh một con phố nhộn nhịp, người người đi lại tấp nập.

Diệp Dương đi trước, cô đi sau, thỉnh thoảng cất tiếng gọi anh "tổ tông nhỏ" khiến mọi người cứ ngoái nhìn.

Đúng là không ổn..
- Được rồi, gọi thì gọi! Nhưng anh để cho tôi ăn đã! Đói sắp chết rồi!
Mặc kệ là mì nhái hay kém chất lượng, cô vẫn phải ăn cho no bụng đã.
Ước muốn nhỏ nhoi ấy của Trần Cảnh Lam bị Diệp Dương đập cho vỡ vụn.

Anh cướp lấy bát mì.
- Không được ăn!
Cô cau mày, dở khóc dở mếu.

Anh quản hơi nhiều rồi đấy! Đây là nhà cô, cô là chủ nhà.

Ấy vậy mà từ khi Diệp Dương đặt chân bước vào, Trần Cảnh Lam bỗng nhiên trở thành nô bộc.

Phải nấu ăn cho anh, phải nghe theo mọi lời anh nói.

Ở đâu ra thể loại khách chủ lẫn lộn như vậy.
Diệp Dương từng nghe Lê Minh Trí kể về sự tội nghiệp của Trần Cảnh Lam khi bị cơn đau dạ dày hành hạ.

Anh cũng không nỡ bỏ đói cô, đành hạ giọng:
- Đổ đi.

Tôi đưa cô đi ăn!
Trần Cảnh Lam uống ngụm hồng trà, cau có nhìn Diệp Dương.

Anh giàu nhưng cô không giàu.

Nói đổ là đổ, dễ vậy à? Bao nhiêu tiền của của cô, bao nhiêu công sức của cô, anh từng nghĩ đến chưa? Anh quen thói ngồi mát ăn bát vàng nên đâu thể hiểu được sự cực khổ của lớp người bình dân lao động như Trần Cảnh Lam.
Cảnh Lam thi hành mệnh lệnh trong sự ấm ức.

Cô muốn cáu cũng không được, muốn khóc cũng chẳng xong.

Anh đến đây rõ ràng là để hành tỏi, bắt bẻ cô.

Ăn tối gì chứ? Lừa người!.