Những Đứa Con Của Tự Do

Chương 37




Ngày 19 tháng Tám

Tàu đang phóng nhanh. Đột nhiên, phanh nghiến ken két và đoàn tàu trượt trên các thanh ray, từng chùm tia lửa tóe ra dưới bánh xe. Bọn Đức nhảy khỏi tàu và lao xuống lề đường. Đạn xối ào ào xuống các toa, một đoàn phi cơ Mỹ bay lượn trên bầu trời. Chuyến lướt qua đầu tiên của các máy bay đã gây nên một vụ thảm sát thực sự. Mọi người lao ra cửa sổ, vẫy vẫy những mảnh vải, nhưng phi công ở quá cao nên không nhìn thấy và tiếng động cơ đã vang to hơn khi các máy bay lao xuống chúng tôi.

Thời khắc đông sững lại và tôi không còn nghe thấy gì nữa. Mọi sự diễn ra như thể đột nhiên, thời gian làm mỗi cử động của chúng tôi chậm lại. Claude đang nhìn tôi, Charles cũng vậy. Đối diện chúng tôi, Jacques mỉm cười, rạng rỡ, và miệng anh thổ ra một bụm máu; từ từ, anh quỵ xuống. François lao đến giữ lấy anh lúc anh ngã. Cậu đón trong vòng tay. Jacques có một lỗ thủng toang hoác ở lưng; có lẽ anh muốn nói với chúng tôi điều gì đó, nhưng không một âm thanh nào thoát khỏi cổ họng anh. Mắt anh mờ đi, François cố đỡ lấy đầu anh song vô hiệu, nó ngoẹo sang bên, giờ đây khi Jacques đã chết.

Má nhuốm máu người bạn tốt nhất của mình, người chưa bao giờ rời cậu trong cuộc hành trình dài này, François gào lên một tiếng "KHÔNG" tràn ngập không gian. Và chúng tôi không sao giữ nổi cậu, cậu lao mình đến cửa sổ, dùng hai bàn tay trần dứt bỏ dây thép gai. Một viên đạn Đức rít lên và cướp đi tai cậu. Lần này, chính máu cậu chảy xuống gáy, nhưng chẳng làm gì được, cậu cứ bám lấy thành toa và lách người ra bên ngoài. Vừa rơi mình xuống đất, cậu đứng ngay dậy, lao đến cửa toa và nhấc chốt lên để chúng tôi ra.

Tôi hãy còn nhìn thấy hình dáng François nổi rõ trong làn ánh sáng ban ngày. Phía sau cậu, trên bầu trời, những chiếc máy bay xoay lượn và lại bay về phía chúng tôi, và sau lưng cậu, tên lính Đức đang nhằm và bắn. Thân hình François bị hất về phía trước và một nửa gương mặt cậu ập xuống áo sơ mi của tôi. Người cậu giật nảy lên, một cái rung cuối cùng và François gặp Jacques trong cõi chết.

N gày 19 tháng Tám, ở Pierrelatte, trong bao người khác, chúng tôi đã mất đi hai người bạn.

° ° °

Đầu máy bốc khói khắp chỗ. Hơi nước phì ra từ các thành máy bị thủng. Đoàn tàu sẽ không đi tiếp. Có rất nhiều người bị thương. Một tên quân cảnh Đức vào làng tìm một thầy thuốc. Người đàn ông ấy có thể làm gì được, ông hoang mang trước các tù nhân nằm duỗi dài, ruột gan phơi ra, một số người chân tay đầy những vết thương toang hoác. Máyrở lại. Lợi dụng nỗi kinh hoàng trong những tên lính, Titonel chạy trốn . Bọn quốc xã bắn theo, một viên đạn xuyên trúng anh, nhưng anh tiếp tục băng qua các cánh đồng. Một nông dân cho anh nương náu và đưa anh đến bệnh viện Montélimer.

Bầu trời trở lại yên tĩnh. Dọc đường sắt, người thầy thuốc nông thôn van nài Schuster giao cho ông những người bị thương mà ông còn có thể cứu được, nhưng tên trung úy không muốn biết gì hết. Buổi tối, chúng đưa họ lên các toa tàu, đúng lúc một đầu máy mới từ Montélimar tới.

° ° °

Gần một tuần lễ nay các Lực lượng Pháp tự do và ở nội địa chuyển sang tấn công. Bọn quốc xã tán loạn, việc rút lui bắt đầu. Các đường sắt, cũng như quốc lộ 7, là mục tiêu của những trận chiến dữ dội. Các đạo quân Mỹ, đoàn xe bọc thép của tướng de Lattre de Tassigny, đổ bộ ở Provence, đang tiến lên phía Bắc. Thung lũng sông Rhône là một ngõ cụt đ̔ Schuster. Nhưng các Lực lượng Pháp thoái lui để hỗ trợ cho quân Mỹ đang nhằm vào Grenoble; họ đã tới Sisteron. Mới hôm qua thôi, chúng tôi chẳng có cơ hội nào băng qua thung lũng, nhưng quân Pháp đã nhất thời nới lỏng gọng kìm. Tên trung úy lợi dụng điều đó, đây chính là lúc qua, hoặc không bao giờ hết. Ở Montélimar, đoàn tàu dừng tại ga, trên con đường mà các tàu xuống phía Nam thường đi qua.

Schuster muổn ũ đi thật nhanh những người chết và bỏ họ lại cho hội Chữ thập Đỏ.

Richter, chỉ huy Gestapo tại Montélimar, có mặt ở hiện trường. Khi bà phụ trách hội Chữ thập Đỏ yêu cầu y giao cho bà cả những người bị thương, y dứt khoát từ chối.

Thế là bà quay lưng lại với hắn và bỏ đi. Y hỏi bà đi đâu vậy.

- Nếu các người không để tôi mang những người bị thương đi cùng tôi, thì các người hãy tự xoay xở với các tử thi của các người.

Richter và Schuster hội ý với nhau, cuối cùng chúng nhượng bộ và thề rằng chúng sẽ quay lại tìm các tù nhân này ngay khi họ khỏi.

Từ cửa sổ các toa, chúng tôi nhìn bạn bè ra đi trên những chiếc cáng, có những người rên rỉ, có những người không nói gì nữa hết. Các thi hài được xếp trên nền đất của phòng đợi. Một nhóm nhân viên hỏa xa buồn rầu nhìn họ, ngả mũ và tôn vinh họ lần cuối. Hội Chữ thập Đỏ đưa những người bị thương về bệnh viện, và để gạt mọi thèm muốn của bọn quốc xã vẫn đang chiếm đóng thành phố, bà phụ trách hội Chữ thập Đỏ bịa ra là tất cả bọn họ đều bị sốt phát ban, một bệnh dễ lây kinh khủng.

Trong khi những xe tải nhỏ của hội Chữ thập Đỏ đi xa dần, người ta đưa những người chết ra nghĩa trang.

Trong số những thi hài nằm trong huyệt, đất khép lại trên gương mặt của Jacques và Francois.

° ° °

Ngày 20 tháng Tám

Tàu lăn bánh về hướng Valence. Nó dừng lại trong một đường hầm để ẩn nấp tránh một phi đội. Dưỡng khí thiếu đến nỗi tất cả chúng tôi đều bất tỉnh. Khi đoàn tàu vào ga, một phụ nữ lợi dụng sự sơ ý của một tên quân cảnh Đức và vung vẩy một tấm biển từ cửa sổ nhà mình. Chúng tôi đọc thấy: "Paris đang bị bao vây, can đảm lên."

Ngày 21 tháng Tám

Chúng tôi đi ngang qua Lyon. Vài giờ sau khi chúng tôi qua, Lực lượng nội địa Pháp đốt các kho nhiên liệu của sân bay Bron. Bộ tham mưu Đức rời bỏ thành phố. Mặt trận tiến lại gần chúng tôi, nhưng đoàn tàu tiếp tục đi. Ở Chalon, lại dừng, nhà ga tan hoang. Chúng tôi gặp các đơn vị của Luftwaffe 1 đang đi về phía Đông. Một viên đại tá Đức suýt nữa cứu được mạng sống của vài tù nhân. Y đòi lấy của Schuster hai toa tàu. Binh lính và vũ khí của y quan trọng hơn nhiều so với những kẻ vật vờ xơ xác mà viên trung úy đang giữ trên tàu. Hai tên gần như xô xát, nhưng Schuster có miệng lưỡi cay chua gay gắt. Y sẽ chở tất cả những tên Do Thái, ngoại kiều và khủng bố này tới tận Dauchau. Không một ai trong chúng tôi sẽ được thả và đoàn tàu lại lên đường.

Trên toa của tôi, cửa mở ra. Ba lính Đức trẻ có gương mặt lạ chìa cho chúng tôi những miếng phô mai và cánh cửa đóng lại ngay tức khắc. Từ ba mươi sáu giờ nay,, chúng tôi chưa nhận được nước uống cũng như thực phẩm. Bạn bè lập tức tổ chức phân phối một cách công bằng.

Tại Beaune, dân chúng và hội Chữ thập Đỏ đến giúp đỡ chúng tôi. Họ mang cho chúng tôi đồ tiếp tế. Bọn lính chiếm lấy các hòm rượu vang. Chúng uống say, và khi tàu lại khởi hành, chúng chơi trò bắn súng tiểu liên vào mặt tiền các ngôi nhà ven đường sắt.

Đi chưa được ba mươi cây số, giờ đây chúng tôi đang ở Dijon. Một sự lộn xộn kinh khủng ngự trị tại nhà ga. Không một con tàu nào còn lên được phía Bắc. Trận chiến đường sắt rất dữ dội. Các nhân viên hỏa xa muốn ngăn không cho tàu ra đi. Các trận bom liên miên. Nhưng Schuster sẽ không bỏ cuộc và, bất kể sự phản đối của các công nhân Pháp, đầu máy rít còi, các thanh chuyền lại chuyển động, và đầu máy lại kéo đi đoàn người kinh khủng của nó.

Nó sẽ chẳng đi xa được mấy, phía trước, các thanh ray bị chuyển dịch. Bọn lính lùa chúng tôi xuống và bắt chúng tôi làm việc. Thế là từ người đi đày, giờ đây chúng tôi trở thành tù khổ sai. Dưới ánh nắng thiêu đốt, trước bọn quân cảnh Đức lăm lăm chĩa súng vào mình, chúng tôi đặt lại những thanh ray mà lực lượng Kháng chiến đã tháo dỡ. Chúng tôi sẽ không được uống nước cho đến khi việc sửa chữa hoàn tất, đứng trên mặt sàn của đầu máy, Schuster.

° ° °

Dijon ở phía sau chúng tôi. Vào lúc sẩm tối, chúng tôi vẫn còn muốn tin rằng mình sẽ thoát. Du kích tấn công đoàn tàu, không khỏi thận trọng để tránh làm chúng tôi bị thương, và bọn lính lập tức đánh trả từ sàn toa móc ở đầu đoàn tàu, đẩy lui địch thủ. Nhưng trận đánh lại tiếp tục, du kích đi theo chúng tôi trong hành trình địa ngục dẫn chúng tôi đến gần biên giới Đức một cách tàn khốc không gì lay chuyển nổi; một khi đã vượt qua biên giới ấy, chúng tôi biết, mình sẽ không trở lại. Và cứ mỗi cây số trôi nhanh dưới các bánh xe, chúng tôi lại tự hỏi còn bao nhiêu cây số nữa ngăn cách mình với nước Đức.

Thỉnh thoảng, bọn lính lại bắn súng liên thanh vào miền quê, chúng thấy một bóng dáng khiến chúng lo ngại chăng?

Ngày 23 tháng Tám

Chưa bao giờ cuộc hành trình lại không sao chịu nổi như thế này. Những ngày cuối cùng nóng như thiêu đốt. Chúng tôi không còn đồ ăn, nước uống. Các quang cảnh chúng tôi đi qua tiêu điều hoang phế. Đã hai tháng kể từ khi rời sân nhà ngục Saint-Michel, hai tháng từ khi cuộc hành trình khởi đầu, và trên gương mặt hốc hác của chúng tôi, những con mắt trũng sâu trong hố mắt nhìn thấy xương cốt mình in rõ từng chi tiết dọc các thân hình đã róc hết thịt. Những người đã chống lại được sự rồ dại thác loạn đắm mình trong niềm câm lặng sâu thẳm. Thằng em tôi, với đôi má hóp, giống như một ông lão ấy thế mà, mỗi lần tôi nhìn nó, là nó lại mỉm cười với tôi.

Ngày 25

Hôm qua, có những tù nhân bỏ trốn, Nitti và một vài người bạn của anh tháo được các tấm ván, lợi dụng bóng đêm họ nhảy xuống đường ray. Tàu vừa qua ga Lécourt. Người ta tìm thấy thi thể một người, bị tiện làm đôi, một người khác bị đứt rời chân, cả thảy sáu người chết. Nhưng Nitti và mấy người khác đã trốn thoát. Chúng tôi xúm quanh Charles. Với tốc độ của đoàn tàu, vấn đề chỉ còn tính bằng giờ trước khi chúng tôi vượt qua biên giới. Các phi cơ bay lượn nhiều lần bên trên chúng tôi song vô hiệu, họ sẽ không giải thoát được chúng tôi.

- Chúng ta chỉ có thể tự trông cậy vào mình mà thôi, Charles càu nhàu.

- Ta thử làm chứ? Claude hỏi.

Charles nhìn tôi, tôi gật đầu đồng ý. Chúng tôi có gì để mất nào?

Charles nói tỉ mỉ với chúng tôi kế hoạch của anh. Nếu chúng tôi mở được vài tấm ván ở sàn toa, chúng tôi sẽ để mình trườn qua lỗ hổng. Lần lượt, bạn bè sẽ giữ lấy người chui xuống đó. Khi có tín hiệu, họ sẽ thả anh ta ra. Lúc đó anh ta sẽ phải để mình rơi xuống, hai tay buông dọc theo người để khỏi bị bánh xe cán đứt. Nhất là không được ngẩng đầu lên, kẻo có nguy cơ bị chiếc trục sẽ lướt tới hết tốc lực tiện mất đầu. Phải đếm những toa sẽ đi qua bên trên mình, mười hai, mười ba có lẽ? Rồ đợi, bất động, cho làn ánh sáng đỏ của con tàu đi xa xa trước khi nhỏm dậy. Để tránh kêu lên một tiếng sẽ báo động cho bọn lính trên sàn, người nào nhảy xuống sẽ nhét một miếng giẻ vào miệng mình. Và trong khi Charles cho chúng tôi nhắc lại cách làm, thì một người đứng dậy và bắt tay vào việc. Dùng hết sức lực, anh nhổ một chiếc đanh. Những ngón tay anh trườn dưới mẩu kim loại và cố làm nó xoay không ngừng nghỉ. Thời gian hối thúc, liệu chúng tôi có còn đang ở trên đất Pháp hay không?

Chiếc đanh long ra. Hai bàn tay đầy máu, người đó cầm lấy nó và hì hục với lớp gỗ cứng; anh lôi kéo những tấm ván chỉ hơi động đậy và lại đào khoét nữa. Lòng bàn tay bị xuyênhưng thủng khắp chỗ, anh không biết đến cái đau và tiếp tục công việc. Chúng tôi muốn giúp anh nhưng anh đẩy ra. Chính cái cánh cửa tự do đang được anh vẽ nên trên sàn toa tàu ma này, và anh nài nỉ mọi người để anh làm. Con người này sẵn sàng chết nhưng không phải chết mà chẳng được việc gì, nếu ít ra anh có thể cứu được những mạng sống xứng đáng, thế thì mạng sống của anh cũng giúp được điều gì đó. Anh không bị bắt vì hoạt động kháng chiến, mà chỉ vì vài trò trộm vặt, do ngẫu nhiên mà anh thấy mình ở trong toa của đội 35. Thế là anh van nài chúng tôi để anh làm, anh nợ chúng tôi điều đó, anh vừa nói vừa đào khoét thêm nữa thêm nữa.

Giờ đây, hai bàn tay anh chỉ còn là những mảnh thịt da tơi tả, nhưng cuối cùng sàn toa xê dịch. Armand lao đến và tất cả chúng tôi giúp anh lật lên một tấm ván đầu tiên, rồi một tấm nữa. Lỗ hổng đã đủ rộng để trườn người qua. Tiếng bánh xe ầm ầm tràn ngập trong toa, các thanh ray lướt qua dưới mắt chúng tôi nhanh vùn vụt. Charles quyết định thứ tự theo đó chúng tôi sẽ nhảy.

- Jeannot, cậu ra đầu tiên, rồi đến Claude, sau đó là Marc, Samuel...

- Tại sao chúng tôi ra trước tiên?

- Vì các cậu là những người ít tuổi nhất.

Marc, kiệt sức, ra hiệu cho chúng tôi phục tùng. Claude không tranh cãi.

Chúng tôi phải mặc lại y phục. Lồng áo quần vào lớp da đầy mụn nhọt là một cực hình. Armand, người thứ chín sẽ nhảy, rủ anh bạn đã khoét lỗ hổng cùng vượt ngục với chúng tôi.

- Không, anh nói, tôi sẽ là kẻ giữ chân người cuối cùng nhảy xuống trong các anh. Cũng phải có một kẻ chứ, phải không nào?

- Các anh không thể đi bây giờ được, một người khác ngồi dựa vào thành toa nói. Tôi biết khoảng cách ngăn mỗi trụ đường, tôi đã đếm số giây đồng hồ giữa chúng. Tàu đang chạy ít ra là sáu mươi cây số một giờ, tất cả các anh sẽ gãy cổ với tốc độ đó. Phải đợi cho đoàn tàu giảm tốc độ, bốn mươi cây số một giờ, là tối đa.

Người ấy hiểu mình đang nói gì: trước chiến tranh, anh lắp đặt các đường ray xe hỏa.

- Thế nếu đầu máy lại ở đuôi đoàn tàu chứ không phải ở đầu thì sao? Claude hỏi.

- Thì các anh sẽ toi hết, người đàn ông trả lời. Còn có nguy cơ nữa là nhỡ bọn Đức đóng một thanh ngang ở cuối toa sau cùng, nhưng đó là một nguy cơ phải liều.

- Tại sao chúng lại làm thế?

- Thì chính là để người ta không thể nhảy xuống đường ray chứ sao!

Và đột nhiên, trong lúc chúng tôi đang cân nhắc lợi hại, thì đoàn tàu giảm tốc độ.

- Đây chính là thời điểm hoặc không bao giờ, người lắp đặt các đường tàu khi đất nước còn yên bình nói.

- Đi đi anh! Claude nói. Dù sao anh cũng biết điều gì đang chờ chúng ta khi tới nơi.

Charles và Claude đỡ lấy nách tôi. Tôi nhét miếng giẻ vào miệng và hai cẳng chân thò xuống lỗ hổng toang hoác. Phải giữ không cho chân mình chạm đất trước khi các bạn phát tín hiệu, nếu không thân thể tôi sẽ lộn ngược lại, bị đớp lấy và xé nát trong một giây đồng hồ. Bụng tôi đau, ở đó chẳng còn một cơ bắp nào sẽ giúp tôi giữ tư thế này.

- Bây giờ! Claude kêu lên với tôi.

Tôi rơi xuống, mặt đất va vào lưng tôi. Không động cựa, tiếng ầm ầm đinh tai nhức óc. Cách vài centimet mỗi bên, các bánh xe lướt qua, kêu rin rít trên đường ray. Mỗi trục bánh xe lướt qua mình, tôi lại cảm thấy luồng không khí do trục làm chuyển động và mùi kim loại. Đếm các toa, tim tôi đập thật mạnh trong lồng ngực. Còn ba toa nữa, có lẽ là bốn? Claude đã nhảy chưa? Tôi muốn được ôm nó một lần nữa trong vòng tay, bảo nó rằng nó là em tôi, rằng nếu không có nó, chẳng bao giờ tôi còn sống sót, chẳng bao giờ tôi có thể thực hiện cuộc chiến đấu này.

Tiếng ầm ầm lịm tắt và tôi nghe con tàu đi xa dần trong lúc bóng đêm bao quanh tôi. Có phải cuối cùng tôi đang hít thở không khí của tự do?

Xa xa, ánh đèn đỏ của đoàn tàu mờ dần rồi biến mất ở khúc quanh đường sắt. Tôi vẫn sống; trên bầu trời, mặt trăng tròn đầy.

- Đến lượt cậu, Charles ra lệnh.

Claude nhét khăn tay vào miệng và trườn hai ống chân giữa các tấm ván. Nhưng các chiến hữu lại kéo nó lên ngay lập tức. Con tàu lắc lư, nó đang dừng sao? Báo động giả. Nó đang qua một cây cầu xập xệ. Mọi người làm lại và lần này, gương mặt của Claude khuất dạng.

Armand ngoảnh lại. Marc quá kiệt sức không nhảy được.

- Hãy lấy lại sức, mình cho các bạn khác qua rồi chúng ta sẽ qua sau.

Marc gật đầu đồng ý. Samuel nhảy, Armand là người cuối cùng chui xuống lỗ hổng. Marc không muốn xuống. Người đàn ông đã khoét sàn toa xốc lấy Marc.

- Đi thôi, cậu có gì để mất nào?

Thế là cuối cùng Marc quyết định. Đến lượt anh thả mình và trườn xuống. Đoàn tàu bỗng hãm phanh đột ngột. Bọn quân cảnh Đức lập tức xuống tàu. Nằm nép giữa hai thanh ray, anh thấy chúng đi về phía mình, chân anh không còn sức giúp anh chạy trốn và bọn lính bắt anh. Chúng dẫn anh trở lại một toa. Dọc đường, chúng đ đập anh dữ dằn đến mức anh bất tỉnh.

Armand vẫn nằm bám lấy các trục bánh xe để thoát khỏi ánh đèn của bọn lính đi tuần tìm kiếm những người vượt ngục khác. Thì giờ trôi qua. Anh cảm thấy các cánh tay mình sắp rời ra. Gần kề mục tiêu đến thế, không thể nào, thế là anh cưỡng lại; tôi đã bảo em rồi, chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc. Và đột nhiên, đoàn tàu chuyển mình. Anh bạn chờ cho tàu lấy lại chút tốc độ và để mình rơi xuống đường. Và anh là người cuối cùng nhìn thấy ánh đèn đỏ tắt đi ở đằng xa.

Con tàu khuất dạng có lẽ đã nửa giờ đồng hồ. Như đã thỏa thuận với nhau, tôi đi ngược lên con đường săt, để gặp các bạn. Claude có sống sót hay không? Chúng tôi có đang ở nước Đức hay không?

Trước mặt tôi thấp thoáng một cây cầu do một tên lính Đức canh gác. Đó là cây cầu mà em tôi suýt nữa nhảy xuống, đúng lúc Charles giữ nó lại. Tên lính gác đang ngâm nga bài hát Lili Marlene. Điều đó dường như trả lời một trong hai câu hỏi ám ảnh tôi, câu kia liên quan đến em tôi. Cách duy nhất để vượt chướng ngại vật này là trườn trên một trong những thanh xà đỡ lấy bản cầu. Cheo leo trên khoảng không, tôi tiến lên giữa đêm khuya trong sáng, mỗi lúc lại sợ người ta chộp đ mình.

° ° °

Tôi đã đi lâu đến mức không còn đếm nổi các bước chân của mình, cũng như các thanh ray mà mình đi dọc theo. Mà phía trước tôi, vẫn là sự thinh lặng ấy và không một bóng người. Tôi là người duy nhất còn sống sót hay sao? Tất cả các chiến hữu đều chết hay sao? "Cơ hội thoát được của các anh là một phần năm", cựu công nhân đặt đường ray đã bảo thế. Còn thằng em tôi, mẹ kiếp? Không thể thế được! Giết tôi tắp lự đi nhưng nó thì không. Sẽ không xảy ra điều gì với nó, tôi sẽ dẫn nó trở về, tôi đã thề với mẹ như vậy, trong giấc mơ tệ hại nhất của mình. Tôi tưởng mình không còn nước mắt nữa, không bao giờ còn lý do để khóc nữa, ấy thế mà, quỳ giữa những thanh ray, một mình trong miền quê vắng vẻ này, thú thật với em, tôi đã khóc như một đứa trẻ. Không có thằng em tôi, thì tự do để làm gì? Con đường trải dài ra phía xa và chẳng thấy Claude đâu.

Một bụi cây rung rinh khiến tôi ngoái đầu lại.

- Nào, anh có định thôi khóc nhè và đến giúp em một tay không? Những cái gai này đau thấy mồ.

Claude, đầu chúc xuống dưới, bị vướng vít trong một bụi gai. Nó làm thế nào để lâm vào tình thế như vậy chứ?

- Hãy gỡ em ra đã rồi em giải thích cho anh sau! nó cảu nhảu.

Và trong khi đang lôi nó ra khỏi những cành cây giữ chặt lấy nó, tôi nhìn thấy hình bóng của Charles lảo đảo đi về phía chúng tôi.

Con tàu đã mất tăm mãi mãi. Charles ôm lấy chúng tôi, khóc lóc đôi chút. Claude cố hết sức nhổ những chiếc gai cắm vào đùi nó. Samuel giữ lấy gáy, che một vết thương tai ác bị khi nhảy xuống. Chúng tôi vẫn không biết mình đang ở Pháp hay đã ở trên đất Đức.

Charles lưu ý chúng tôi rằng chúng tôi đang ở chỗ trống và đã đến lúc ra khỏi đây. Chúng tôi đi vào một khu rừng nhỏ, khiêng Samuel không còn sức, và nấp sau cây cối chờ trời sáng.

--- ------ ------ ------ -------

1 Không lực của nhà nước quốc xã Đức