Những Đứa Con Của Tự Do

Chương 25




Tôi đã bảo em, chúng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Những người thoát nạn hiếm hoi đã tổ chức lại rồi. Một số chiến hữu ở Grenoble gia nhập cùng họ. Chỉ huy họ từ nay, Urman sẽ không cho kẻ địch ngơi nghỉ chút nào và tuần lễ sau đó, các hành động lại tiếp tục.

° ° °

Trời tối đã lâu, Claude đang ngủ, như phần lớn anh em chúng tôi; còn tôi cố gắng để nhìn thấy những ngôi sao trên bầu trời, bên kia các chấn song sắt.

Giữa thinh lặng, tôi nghe tiếng nức nở của một người bạn. Tôi lại gần anh.

- Vì sao cậu khóc?

- Em trai tôi, cậu biết đấy, nó không thể giết người, không bao giờ nó có thể giơ vũ khí lên với ai đó, dù là một gã dân binh cứt đái.

Ở Samuel có một sự hòa trộn lạ lùng của hiền minh và giận dữ. Tôi cứ tưởng hai điều ấy xung khắc, cho đến khi tôi gặp a

Samuel đưa tay xoa mặt, khi vuốt nước mắt như thế anh để lộ vẻ nhợt nhạt của đôi má hốc hác. Mắt anh trũng sâu trong hốc mắt, có thể nói chúng còn ở được đấy là nhờ phép màu, trên mặt anh gần như không còn thịt, chỉ có làn da trong mờ cho tấhy cả xương. Anh nói tiếp bằng giọng thì thầm chỉ hơi nghe được.

- Chuyện đã lâu lắm rồi. Cậu biết không, chúng mình chỉ có năm người thôi. Năm người kháng chiến trong toàn thành phố và cộng chung lại, tuổi chúng mình chưa được một trăm. Tôi thì tôi mới bắn có một lần, mũi súng gí sát đích, nhưng đó là một thằng đê tiện, một trong những kẻ tố giác, cưỡng bức và tra tấn. Em tôi thì không thể làm hại ai, ngay cả những kẻ như thế.

Samuel bắt đầu cười gằn và ngực anh, bị bệnh lao ăn ruỗng, không ngừng khò khè hổn hển. Anh có một giọng nói kỳ lạ, đôi khi mâng am sắc người lớn, đôi khi trong vắt như trẻ thơ, Samuel hai mươi tuổi.

- Lẽ ra tôi không nên kể cho cậu, tôi biết, như thế không tốt, nó khơi lại đau buồn, nhưng khi tôi nói về em tôi, là tôi làm sống thêm một chút, cậu có nghĩ vậy không?

Tôi chẳng biết gì hết, nhưng tôi gật đầu đồng ý. Quan trọng gì đâu điều anh bạn nói, anh cần người ta nghe mình. Trên bầu trời chẳng có sao và tôi thì quá đói nên không ngủ được.

- Đấy là vào thời kỳ đầu. Em tôi có tấm lòng của một thiên thần, bộ mặt của một thằng nhãi. Nó tin vào điều thiện và điều ác. Cậu biết đấy, ngay từ đầu tôi đã biết là nó gay rồi. Với một tâm hồn trong veo như thế, người ta không thể tham chiến. Mà nó, thì tâm hồn nó đẹp đến mức sáng ngời lên bên trên sự bẩn thỉu của xưởng máy, bên dưới sự bẩn thỉu của nhà tù; nó soi tỏ những con đường ban mai, khi cậu đi làm với hơi ấm của giường ngủ hãy còn dính sau lưng.

Với nó, không thể yêu cầu giết người được. Tôi đã bảo cậu rồi, phải không nào? Nó tin ở sự tha thứ. Chú ý này, nó có lòng can đảm, thằng em tôi, không bao giờ nó từ chối ra đi hành động, nhưng không bao giờ mang vũ khí. "Để làm gì chứ, em có biết bắn đâu?" nó vừa nói vừa chế giễu tôi. Chính tấm lòng nó ngăn nó nhằm bắn, một tấm lòng rộng lớn như thế này, tôi bảo cậu thế đấy, Samuel nhấn mạnh và dang hai cánh tay. Nó đi chiến đấu tay không, bình thản, tin chắc vào thắng lợi của mình.

Họ đã yêu cầu chúng tôi phá hoại một dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy trong vùng. Ở đấy người ta chế tạo đạn. Thằng em tôi bảo cần phải đi, đối với nó điều ấy là logic, bao nhiêu đạn sẽ không làm ra nữa là bấy nhiêu mạng sống được cứu.

Chúng tôi đã cùng nhau điều tra. Chúng tôi không bao giờ rời nhau. Nó mười bốn tuổi, tôi rất cần coi sóc nó, chăm lo cho nó. Nếu cậu muốn biết sự thật, thì tôi nghĩ là trong suốt thời gian ấy, chính nó che chở tôi.

Nó có hai bàn tay hết sức tài hoa, giá như cậu nhìn thấy nó cầm cây bút chì, vẽ được mọi thứ và bất kỳ cái gì. Chỉ hai nét chì than là nó họa xong bức chân dung cậu và mẹ cậu có thể treo trong phòng khách. Thế là, vắt vẻo trên bức tường bao thấp, giữa đêm khuya, nó đã vẽ hình thế nhà máy, đã tô màu các tòa nhà, mỗi tòa cứ mọ lên trên tờ giấy của nó như lúa mì mọc ra từ đất. Còn tôi thì canh gác và đợi nó bên dưới. Thế rồi bỗng nhiên, nó bật cười, như thế đấy, giữa đêm khuya, một tiếng cười tròn đầy và trong trẻo, tiếng cười mà tôi sẽ mãi mang theo bên mình, cho đến tận nấm mồ khi bệnh lao của tôi chiến thắng. Thằng em tôi cười vì đã vẽ một thằng người ở giữa nhà máy, một gã có đôi chân vòng kiềng giống như ông hiệu trưởng trường nó.

Vẽ xong, nó nhảy xuống đường và bảo tôi "lại đây anh, giờ ta đi được rồi." Cậu thấy đó, thằng em tôi như thế đấy; bọn hiến binh có thể đi qua nơi ấy, chắc chắn là chúng tôi sẽ vào tù, nhưng nó thì nó hoàn toàn mốc cần; nó nhìn sơ đồ nhà máy, với thằng người chân vòng kiềng và nó cười rũ rượi; cái cười ấy; cậu hãy tin tôi đi, tôi thề với cậu, cái cười đầy ắp đêm khuya.

Một hôm khác, trong khi nó đi học, tôi đến thăm thú nhà máy. Tôi đang la cà ngoài sân, cố gắng để mình đừng bị chú ý quá, thì một người thợ đi về phía tôi. Anh ấy bảo tôi rằng nếu tôi đến xin việc, thì phải đi con đường chạy dọc theo các máy biến áp, mà anh đưa ngón tay chỉ cho tôi; và vì anh nói thêm "đồng chí ạ", tôi hiểu thông điệp của anh.

Trở về, tôi kể hết cho thằng em, nó đã bổ sung vào sơ đồ. Và lần này, khi nhìn bức vẽ hoàn tất, nó không cười nữa, ngay cả khi tôi chỉ cho nó thằng người có đôi chân vòng kiềng.

Samuel ngừng nói, để có thời gian lấy lại chút hơi. Tôi giữ trong túi một đầu mẩu thuốc lá, tôi châm nó nhưng không rủ anh cùng hút, vì anh bị ho. Anh để tôi có thì giờ thưởng thức hơi thuốc đầu tiên rồi anh tiếp tục kể chuyện, với giọng nói thay đổi âm điệu tùy theo anh nói đến mình hay đến em trai.

- Tám ngày sau, cô bạn Louise của tôi xuống ga tàu với một hộp bìa cứng cắp dưới nách. Trong hộp, có mười hai quả lựu đạn. Có Chúa mới biết cô làm thế nào mà tìm ra chúng.

Cậu biết đấy, chúng tôi không được quyền nhận đồ tiếp tế thả dù, chúng tôi đơn độc, xiết bao đơn độc. Louise, đó là một cô gái rất cừ, tôi phải lòng cô và cô phải lòng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi đến yêu nhau ở phía nhà ga nơi phân nhánh các đường tàu, và phải yêu nhau ghê lắm mới không chú ý đến khung cảnh, nhưng dù sao chăng nữa, chúng tôi cũng chẳng khi nào có thì giờ. Hôm sau ngày Louise trở về với bọc hàng của cô, chúng tôi ra đi để hành động; đó là một đêm rét mướt và tối tăm, như đêm nay, à khác chứ, vì thằng em tôi hãy còn sống. Louise đi cùng chúng tôi, đến tận nhà máy. Chúng tôi có hai khẩu súng tay, lấy của những tên cảnh sát mà tôi đã nện mỗi tên ít nhiều, ở mỗi một phố hẻm. Em tôi không muốn mang vũ khí, thế là tôi có hai khẩu súng trong túi da treo ở xe đạp.

Tôi cần phải nói với cậu điều xảy ra với tôi, vì cậu sẽ không tin đâu, dù tôi có thề trước mặt cậu thế này. Chúng tôi đang đi, xe đạp rung rung trên những viên đá lát đường thì sau lưng mình, tôi nghe thấy một người đàn ông bảo mình "Ông ơi, ông đánh rơi cái gì đó." Tôi không muốn nghe người ấy, nhưng một kẻ bị mất cái gì đó mà cứ tiếp tục đi thì thật khả nghi. Tôi đặt chân xuống đất và ngoảnh lại. Trên lề đường chạy dọc theo nhà ga, những người thợ từ nhà máy về, túi vải đeo vai. Họ đi từng tốp ba người một, vì lề đường khôngộng cho hàng bốn. Cậu phải hiểu rằng toàn bộ công nhân nhà máy đang đi ngược con phố. Và trước mặt tôi, cách ba mươi mét, có khẩu súng của tôi, rơi ra từ túi da, khẩu súng của tôi sáng loáng trên mặt đường. Tôi dựng xe sát tường và đi về phía người đàn ông đang cúi xuống, nhặt súng lên rồi đưa trả tôi như thể đó là một chiếc khăn tay. Anh chàng chào tôi rồi vừa đi đến với bạn bè đang đợi vừa chúc tôi một buổi tối tốt lành. Tối hôm ấy, anh ta về nhà với vợ và với bữa ăn cô ta sửa soạn cho chồng. Còn tôi, thì lại lên xe, vũ khí để dưới áo vét, và tôi đạp để đuổi kịp em trai mình. Cậu có tưởng tượng được không? Cậu thấy bộ mặt cậu như thế nào nếu cậu đánh mất súng khi đi hành động và có ai đó đem trả lại nó cho cậu?

Tôi chẳng nói gì với Samuel, tôi không muốn ngắt lời anh, nhưng lập tức trong ký ức tôi hiển hiện ánh mắt của một viên sĩ quan Đức, hai cánh tay dang ra một bên nhà tiểu, ánh mắt của Robert và cả của Boris bạn tôi nữa.

- Trước mặt chúng tôi, xưởng đạn in hình một nét vẽ bằng mực tàu trong đêm tối. Chúng tôi đi dọc bức tường bao. Thằng em tôi leo lên, bàn chân nó bám vào những viên đá như thể nó đang lên cầu thang. Trước khi nhảy sang bên kia tường, nó mỉm cười với tôi và bảo tôi rằng chẳng chuyện gì có thể xảy ra với nó đâu, rằng nó yêu quý Louise và tôi. Đến lượt tôi trèo và gặp lại nó như đã thỏa thuận trong sân, sau một trụ điện đã được nó đánh dấu trên sơ đồ. Trong đãy vác vai của chúng tôi, nghe thấy tiếng lựu đạn va vào nhau.

Phải chú ý đến người bảo vệ. Anh ta ngủ ở xa tòa nhà chúng tôi sắp đốt cháy và tiếng nổ sẽ kến anh ta ra ngoài kịp thời để không gặp nguy hiểm gì, nhưng chúng tôi, chúng tôi sẽ gặp mối nguy hiểm nào nếu anh ta nhìn thấy chúng tôi?

Thằng em tôi đã len lỏi, tiến lên trong làn mưa bụi, tôi theo sau nó cho đến chỗ những con đường của chúng tôi tách khỏi nhau; nó lo nhà kho còn tôi lo xưởng máy và các văn phòng. Tôi có sơ đồ của nó trong đầu và đêm tối không làm tôi sợ. Tôi vào tòa nhà, đi dọc theo dây chuyền lắp ráp và lên các bậc của cầu thang nhỏ dẫn tới khu văn phòng. Cửa được cài một thanh ngang bằng thép, có ổ khóa chốt lại chắc chắn; thây kệ, các ô kính dễ vỡ. Tôi lấy hai trái lựu đạn, rút chốt và ném mỗi tay một quả. Cửa kính vỡ tung, vừa kịp thời gian để tôi ngồi sụp xuống, luồng khí quạt đến chỗ tôi. Tôi bị hất lên và rơi xuống tay dang ra. Choáng váng, màng nhĩ ù ù, sỏi trong miệng, phổi đầy khói, tôi cố nhổ ra những gì nhổ được. Tôi định đứng dậy, áo sơ mi của tôi đang bốc cháy, tôi sắp bị thiêu sống. Tôi nghe thấy những tiếng nổ khác vang lên đằng xa, phía các nhà kho. Cả tôi nữa tôi cũng phải hoàn thành công việc.

Tôi thả cho mình lăn theo các bậc thang sắt và đập xuống trước một cửa sổ. Bầu trời ánh đỏ vì hành động của em tôi, đến lượt những tòa nhà khác rực sáng, theo những tiếng nổ khiến chúng bốc cháy trong đêm đen. Tôi lấy lựu đạn trong đãy, rút chốt và vừa ném từng quả một, vừa chạy trong làn khói về phía lối ra.

Sau lưng tôi, những vụ nổ nối tiếp nhau; mỗi lần như vậy, toàn thể thân hình tôi lại lảo đảo. Lửa cháy nhiều đến mức sáng như ban ngày, và từng lúc, ánh sáng mờ đi, nhường chỗ cho đêm đen dày đặc nhất. Đó là do mắt tôi không nhìn thấy gì, những dòng nước mắt chảy chan hòa đều nóng bỏng

Tôi muốn sống, tôi muốn thoát khỏi địa ngục, ra khỏi đây. Tôi muốn nhìn thấy thằng em, ôm chặt nó trong vòng tay, bảo nó rằng tất cả chỉ là một cơn ác mộng phi lý; rằng khi tỉnh dậy tôi tìm thấy lại những cuộc sống của chúng tôi, như thế đấy, một cách tình cờ trong chiếc rương nơi mẹ cất đồ đạc áo quần của tôi. Hai cuộc sống ấy, cuộc sống của nó, của tôi, cuộc sống trong đó chúng tôi đi thó những chiếc kẹo của ông bán hàng thực phẩm ở khu phố, cuộc sống trong đó mẹ đợi chúng tôi khi tan trường, cuộc sống trong đó mẹ ôn bài cho chúng tôi; đúng trước khi chúng nó đến bắt mẹ đi và cướp cuộc sống của chúng tôi.

Đằng trước tôi, một thanh xà gỗ vừa sập xuống, nó bốc cháy và chặn đường tôi. Sức nóng thật khủng khiếp nhưng ngoài kia, em tôi đang đợi và, tôi biết điều này, không có tôi nó sẽ không ra đi. Thế là tôi nắm lấy những ngọn lửa trong tay và đẩy cây xà ra.

Sự cắn xé của lửa, người ta không thể tưởng tượng được nó khi nó còn chưa tóm lấy mình. Cậu biết đấy, tôi đã rú lên, như một con chó bị đánh đập, tôi đã rú lên đến chết, nhưng tôi muốn sống, tôi đã bảo cậu rồi; thế là tôi tiếp tục con đường của mình giữa lò lửa rừng rực, cầu khấn người ta hãy chặt bỏ cổ tay mình để cái đau ngừng lại. Và trước mặt tôi, cuối cùng xuất hiện khoảnh sân nhỏ, như em tôi đã vẽ. Xa hơn một chút, chiếc thang nó đã dựa sẵn vào tường. "Em đang tự hỏi anh làm cái gì vậy, anh biết không?" nó bảo tôi khi thấy mặt mũi tôi đen sì như mặt người đốt than. Và nó nói thêm "Anh đã lâm vào một tình trạng kỳ cục". Nó hạ lệnh cho tôi ra trước, vì các vết thương của tôi. Tôi cố hết sức trèo lên, tì vào các khuỷu tay, vì hai bàn tay . Ở trên cao rồi, tôi ngoảnh lại và gọi nó để bảo là đến lượt nó, không được lề mề.

Một lần nữa, Samuel ngừng lời. Như để lấy thêm sức kể cho tôi đoạn cuối câu chuyện của anh. Rồi anh xòe hai bàn tay và cho tôi xem lòng tay anh; đó là lòng bàn tay của một con người đã cuốc xới đất suốt đời mình, một con người trăm tuổi; Samuel chỉ mới hai mươi.

- Thằng em tôi ở đấy, trong sân, nhưng khi tôi gọi, tiếng một người khác đáp lại. Người bảo vệ nhà máy giương súng và hét "Dừng lại, dừng lại". Tôi rút súng khỏi đãy, tôi quên cái đau ở bàn tay, và tôi nhằm bắn; nhưng đến lượt thằng em tôi hét "Anh đừng làm thế!". Tôi nhìn nó và khẩu súng tuột giữa những ngón tay tôi. Khi súng rơi xuống chân em tôi, nó mỉm cười, như yên lòng vì tôi không thể làm điều hại. Cậu thấy đó, tôi đã bảo cậu rồi, nó có tấm lòng của một thiên thần. Hai bàn tay không, nó ngoảnh lại và mỉm cười với người bảo vệ. "Anh đừng bắn, nó bảo người ấy, đừng bắn, đây là lực lượng Kháng chiến." Nó nói như để làm anh ta yên lòng, cái người thấp lùn tròn trịa với khẩu súng giương lên, như bảo anh ta rằng mọi người không muốn làm hại anh ta đâu.

Thằng em tôi nói thêm "Sau chiến tranh, mọi người sẽ xây dựng lại cho anh một nhà máy mới tinh, nó sẽ còn đẹp đẽ hơn để mà bảo vệ." Rồi nó quay người lại và đặt chân lên thanh đầu tiên của chiếc thang. Cái người tròn trịa lại hét "Dừng lại, dừng lại", nhưng em tôi tiếp tục tiến bước lên trời cao. Người bảo vệ bóp cò. Tôi nhìn thấy ngực nó nổ ra, ánh mắt nó sững lại. Nó mỉm cười với tôi và đôi môi đẫm máu thì thầm "Ch đi anh, em yêu anh". Thân hình nó rơi xuống phía sau.

Tôi ở bên trên bức tường, nó ở dưới, đằm mình trong cái vũng thắm đỏ đang lan ra bên dưới nó, thắm đỏ toàn bộ tình yêu thương đang cuốn xéo mất.

Suốt đêm Samuel không nói gì nữa. Khi anh kể xong cho tôi câu chuyện của anh, tôi đến nằm bên Claude, nó hơi càu nhàu vì tôi làm nó thức giấc.

Từ ổ rơm của mình, tôi nhìn thấy bên ngoài chấn song vài ngôi sao rốt cuộc cũng sáng lên trên bầu trời. Tôi không tin Chúa, nhưng tối hôm ấy tôi tưởng tượng trên một trong những ngôi sao ấy, đang lấp lánh linh hồn em trai của Samuel.