Những Chuyện Kể Của Beedle Người Hát Rong

Chương 4: Thỏ lách chách và gốc cây khanh khách




Ngày xửa ngày xưa, ở một xứ sở xa tít mù, có một ông vua ngốc quyết định là chỉ một mình ông ta là có quyền lực pháp thuật.

Vì vậy ông ra lệnh cho vị chỉ huy quân đội của mình thành lập một Lữ đoàn Thợ săn Phù thủy, và giao cho họ một bầy chó săn hung dữ đen thui. Đồng thời, ông Vua lại ban ra một chiếu chỉ được truyền đọc tại mọi thôn làng thị trấn trên khắp đất nước:

“Đức Vua cần tuyển một thầy dạy Phép thuật”

Chẳng có phù thủy hay pháp sư thứ thiệt nào dám xung phong xin việc, bởi vì tất cả bọn họ đều đang trốn tránh Lữ đoàn Thợ săn Phù Thủy.

Thế nhưng, có một gã thầy pháp láu cá tuy chẳng có phép thuật gì ráo nhưng thấy ngay cơ hội làm giàu cho mình. Gã tìm đến lâu đài tự xưng là pháp sư có tài thần thông biến hóa. Gã thầy pháp biểu diễn vài trò bịp đơn giản, thuyết phục ông Vua ngốc về quyền lực phép thuật cao cường của gã, và ngay lập tức được ban chức Tổng Đại Pháp Sư, Thầy Dạy kèm Phép thuật của Đức vua.

Gã thầy pháp xin Vua ban cho gã một bao vàng to tướng, để gã có thể mua đũa phép và những đồ phù phép cần thiết. Gã cũng đòi nhiều viên hồng ngọc lớn, để dùng cho việc ếm bùa trị bệnh, một hay hai ly đựng rượu bằng bạc, để đựng và luyện thần dược. Ông Vua ngốc cung cấp đủ tất cả những thứ này.

Sau khi cất giấu tài sản an toàn trong nhà mình, gã thầy pháp trở lại vườn ngự uyển.

Gã không hay biết là có một bà già theo dõi gã. Bà này sống trong một túp lều nát bên mép vườn.

Tên bà là Lách Chách, và bà là quan giặt giũ có trách nhiệm giữ cho chăn màn trong cung vua được mềm mại, thơm tho, và trắng tinh. Ngó trộm qua mấy tấm khăn trải giường đang phơi, mụ Lách Chách thấy gã thầy pháp bẻ hai nhánh con từ một cái cây mọc trong vườn của Vua và biến vào trong cung.

Gã thầy pháp đưa một trong hai nhánh cây đó cho Vua và cam đoan với Vua đó là một cây đũa phép quyền lực phi thường.

“Tuy nhiên, nó chỉ phát huy quyền lực khi bệ hạ xứng tài với nó.” Gã thầy pháp nói.

Mỗi buổi sáng gã thầy pháp và ông Vua ngốc đi vào vườn ngự uyển, ở đó họ quơ nhánh cây con và hét lảm nhảm lên trời. Gã thầy pháp cẩn thận biểu diễn thêm vài trò bịp, để Vua tiếp tục tin tưởng vào tài năng của Đại Pháp Sư, và những cây đũa phép trị giá rất nhiều cây vàng.

Một buổi sáng, khi gã thầy pháp và ông Vua ngốc đang múa gậy, và nhảy lòng vòng, hô hoán những câu vè nhảm nhí, thì một tiếng cười khanh khách rõ to vọng đến tai Vua. Quan giặt giữ Lách Chánh đang quan sát Vua và gã thầy pháp từ cửa sổ túp lều con của mụ, và đang cười to đến nỗi chẳng mấy chốc mụ lăn đùng ra, vì không còn sức đứng nữa.

“Ắt là trẫm thiếu uy nghi lắm, mới khiến cho quan giặt giũ cười như thế!” Vua nói. Vua ngừng nhảy loi choi, ngừng quơ gậy, và chau mày lại. “Trẫm chán luyện tập rồi! Pháp sư, bao giờ thì trẫm có thể ếm bùa phép thực sự lên các thứ hả?”

Gã thầy pháp tìm cách dỗ dành học trò của mình, cam đoan với Vua rằng chẳng bao lâu Vua sẽ có đủ năng lực thực hiện những đòn phép thuật phi phàm, nhưng tiếng cười khanh khách của mụ Lách Chách đã chọc tức ông Vua ngốc sâu cay hơn gã thầy pháp lường được.

Vua nói:

“Ngày mai, trẫm sẽ triệu tập quần thần để xem Vua biểu diễn phép thuật!”

Gã thầy pháp thấy đã đến lúc ôm của nả mà cao bay xa chạy.

“Ôi thôi, muôn tâu Bệ hạ, không được đâu ạ. Hạ thần đã quên tấu trình Bệ hạ rằng ngày mai hạ thần sẽ phải đi xa…”

“Nếu ngươi ra khỏi cung mà không có lệnh của trẫm thì, Pháp sư à, Lữ đoàn Thợ săn Phù thủy của trẫm sẽ săn lùng ra người bằng chó săn! Sáng mai ngươi phải phù tá trẫm ếm phép thuật giúp vui cho triều thần và quý nương, nếu mà có kẻ nào cười nhạo trẫm, trẫm sẽ chém đầu ngươi!”

Vua đùng đùng đi vào cung, bỏ lại gã thầy pháp một mình sợ chết được. Giờ đây tất cả ranh ma láu cá của gã cũng không cứu nổi gã, bởi vì gã không thể nào chạy trốn, cũng không thể nào giúp ông Vua làm phép thuật là thứ mà cả Vua lẫn gã đều mù tịt.

Trong lúc đi tìm một lối thoát cho nỗi sợ và cơn giận, gã thầy pháp đến gần cửa sổ nhà quan giặt giũ Lách Chách. Lén nhìn vô trong, gã thấy một bà già bé nhỏ ngồi bên cạnh cái bàn, đánh bóng cây đũa phép của bà ta. Trong cái góc phía sau bà, chăn màn của Vua đang tự giặt lấy trong một cái chậu gỗ.

Gã thầy pháp hiểu ngay rằng mụ Lách Chách đích thị là phù thủy thứ thiệt, và mụ là kẻ khiến cho hắn rơi vào tình thế khốn khổ này thì mụ sẽ phải giải quyết.

“Mụ già!” Gã thầy pháp rống lên. “Tiếng cười nắc nẻ của mụ đã gây đại họa cho tôi! Mụ mà không giúp tôi thoát nạn, tôi sẽ tố giác mụ là phù thủy, và mụ sẽ là kẻ bị bầy chó săn của Vua xé xác tanh banh!”

Mụ Lách Chách mỉm cười với gã thầy pháp và cam đoan với gã là mụ sẽ làm mọi việc trong khả năng của mụ để giúp gã.

Gã thầy pháp bèn bảo mụ hãy tự ẩn mình bên trong một bụi cây khi Vua biểu diễn phép thuật, và thực hiện những phép thuật đó giùm cho Vua, mà không để cho Vua biết. Mụ Lách Chách đồng ý với kế hoạch nhưng hỏi một câu:

“Thưa ngài, chẳng hay nếu Vua muốn thử một phù phép mà Lách Chách không thể ếm nổi, thì sao ạ?”

Gã thầy pháp cười báng bổ:

“Phép thuật của mụ cao xa hơn trí tưởng tượng của thằng ngốc đó nhiều.” Gã cam đoan với mụ, rồi gã rút lui vào cung điện, cực kỳ hài lòng với sự khôn ngoan của mình.

Sáng hôm sau tất cả triều thần cùng quý nương của vương quốc tập trung trong sân chầu. Vua trèo lên một cái đài đặt trước mặt mọi người, có gã thầy pháp ở bên cạnh.

“Trước tiên trẫm sẽ hô biến cái mũ của quý nương này.” Vua la lớn, chỉa nhánh cây con vào một quý bà sang trọng.

Từ bên trong một bụi cây gần đó, mụ Lách Chách chĩa cây đũa phép về cái mũ và khiến nó biến mất.

Đám đông sửng sốt và thán phục cực kỳ, và tiếng vỗ tay hoan hô của họ cũng vang to cực kỳ, khiến Vua sướng quá sướng.

“Kế đến, trẫm sẽ khiến con ngựa đó bay lên!” Vua hô to, chĩa nhánh cây con vào con tuấn mã của mình.

Từ bên trong bụi cây, mụ Lách Chách chĩa cây đũa phép vào con ngựa và nó bay lơ lửng lên không.

Đám đông càng thêm hào hứng và kinh ngạc, họ hô vang lời ca tụng vị Vua thần thông của họ.

“Và bây giờ,” Vua nói, vừa nhìn quanh để tìm kiếm một ý tưởng; thì thủ lĩnh của Lữ đoàn Thợ Săn Phù thủy chạy ào tới.

“Muôn tậu bệ hạ,” ngài Thủ lĩnh nói, “Ngay sáng nay, Sabre đã chết vì ăn phải nấm độc cứt-cóc! Muôn tâu Bệ hạ, xin dùng cây đũa phép của Bệ hạ khiến nó sống lại!”

Và Thủ lĩnh vác lên đài cái xác chết ngắc của một trong những con chó-săn-phù-thủy bự nhứt.

Ông Vua ngốc bèn vung nhánh cây con lên chỉa vào con chó chết. Nhưng bên trong bụi cây, mụ

Lách Chách chỉ mỉm cười, không thèm nhúc nhích cây đũa phép, bởi vì chẳng có phép thuật nào có thể hồi sinh kẻ chết.

Con chó không cựa quậy gì hết, đám đông bắt đầu xì xào trước, rồi sau đó cười rộ lên. Họ nghi là hai vụ phù phép trước đó của Vua cũng chẳng qua trò bịp mà thôi.

“Tại sao không linh nghiệm?” Vua quát gã thầy pháp. Gã bật nghĩ ra mưu mẹo duy nhứt mà gã có được.

“Kia kìa, muôn tâu Bệ hạ, kia kìa!” Gã la lớn, chỉ vào bụi cây mụ Lách Chách đang ngồi núp. “Thần nhìn thấy mụ ta rõ ràng, một mụ phù thủy ác độc đã áng giải phép thuật của Bệ hạ bằng chính bùa chú độc địa của mụ! Bắt mụ ta, quân bây đâu, bắt mụ ta!”

Mụ Lách Chách phóng vèo ra khỏi bụi cây, Và Lữ đoàn Thợ săn Phù thủy khởi động cuộc săn đuổi, thả bầy chó săn ra, chúng sủa vang đòi máu của mụ Lách Chách.

Nhưng ngay khi mụ vừa chạy tới một hàng giậu thấp thì mụ phù thủy bé nhỏ biến mất tăm, và khi Vua, gã thầy pháp và tất cả triều thần qua được tới bên kia bờ giậu, họ thấy một bầy chó-săn-phù-thủy đang sủa và xục xạo quanh một gốc cây già còng queo.

“Mụ đã tự biến thành một cái cây rồi!” Gã thầy pháp gào to, khiếp đảm, và để mụ Lách Chách khỏi biến trở lại thành một người đàn bà và tố giác gã, gã gào tiếp: “Chặt mụ ra, muôn tâu Bệ hạ, đó là cách xử lý những mụ phù thủy độc ác!”

Một cây búa được đem lại ngay tức thì, và thân cây già ngã xuống trong tiếng reo hò inh ỏi của đám triều thần và gã thầy pháp.

Tuy nhiên, khi cả đám sắp sửa quay trở về cung điện thì âm thanh tiếng cười khanh khách rõ to chặn họ trên đường đi.

“Lũ ngốc!” Giọng của mụ Lách Chách vang lên từ gốc cây bị bỏ lại sau lưng bọn họ.

“Không có phù thủy hay pháp sư nào có thể bị giết bằng cách chặt làm đôi cả! Nếu các người không tin ta, thì cứ lấy cây búa mà chặt lão Đại Pháp Sư làm hai!”

Thủ lĩnh của Lữ đoàn Thợ săn Phù thủy rất hăng hái làm thí nghiệm, nhưng khi ông vừa giơ cao cây búa thì gã thầy pháp quỳ sụp xuống chân ông ta, gào khóc van xin lòng từ bi và thú nhận tất cả sự độc ác của gã. Khi gã bị lôi đi về hầm giam, tiếng cười khanh khách của gốc cây càng to hơn bao giờ

hết.

“Bằng cách chặt một phù thủy làm đôi, các người đã thả một lời nguyền dễ sợ ếm lên vương quốc của các người!”

Gốc cây nói với ông Vua đang sững sờ chết điếng. “Từ nay về sau, mỗi đòn hiểm độc ngươi giáng xuống đồng bào phù thủy và pháp sư của ta sẽ giống như một nhát búa chặt vào chính sườn của ngươi, cho đến khi ngươi ước ao chết quách cho rồi!”

Nghe vậy, ông Vua cũng sụp quỳ xuống, và nói với gốc cây rằng ông sẽ lập tức ban chiếu chỉ bảo vệ

tất cả phù thủy và pháp sư trong vương quốc, và cho phép họ làm bùa phép trong thanh bình.

“Tốt lắm.” Gốc cây nói, “Nhưng ngươi chưa chuộc lỗi với bà Lách Chánh!”

“Bằng mọi cách! Mọi cách!” Ông Vua ngốc la lên, vặn vẹo hai bàn tay trước gốc cây.

“Ngươi sẽ dựng một bức tượng bà Lách Chách phía trên ta, để tưởng niệm bà quan giặt giũ đáng thương của ngươi, và để mãi mãi nhắc nhở ngươi về sự ngu ngốc của chính ngươi.” Gốc cây nói.

Vua đồng ý ngay lập tức, và hứa sẽ thuê điêu khắc gia tài giỏi nhứt nước, và sẽ làm bức tượng bằng vàng ròng. Rồi ông Vua ngượng ngùng cùng cả đám triều thần và quý nương quay trở về cung điện, để lại sau lưng gốc cây còn cười khanh khách.

Khi sân vườn vắng vẻ, từ một cái lỗ giữa hai nhánh rễ của gốc cây, một con thỏ già rắn rỏi và nhanh nhẩu uốn éo mình chui ra, miệng ngậm một cây đũa phép giữa mấy cái răng. Mụ Lách Chách nhảy ra khỏi vườn ngự uyển và nhảy đi thật xa, và từ đó về sau một bức tượng bằng vàng của quan giặt giũ đứng ngay trên gốc cây, và chẳng còn một phù thủy hay pháp sư nào bị ngược đãi trên khắp vương quốc nữa.

BÌNH LUẬN CỦA CỤ ALBUS DUMBLEDORE VỀ “THỎ LÁCH CHÁCH VÀ GỐC CÂY KHANH KHÁCH”

Câu chuyện “Thỏ Lách Chách và gốc cây Khanh khách” về nhiều phương diện là chuyện “thực” nhứt trong những chuyện kể của Beedle, bởi vì phép thuật được miêu tả trong chuyện phù hợp, gần như hoàn toàn, với những luật lệ phép thuật hiện hữu.

Chính qua câu chuyện này mà nhiều người trong chúng ta lần đầu tiên hiểu ra rằng phép thuật không thể nào khiến cho kẻ chết sống lại – và đó là cả một nỗi thất vọng và ngạc nhiên, bởi vì hồi còn trẻ

thơ chúng ta đã tin rằng cha mẹ chúng ta có thể làm sống lại những con chuột chết hay mèo chết của chúng ta chỉ bằng một cái vẩy cây đũa phép. Mặc dù đã sáu thế kỷ trôi qua kể từ ngày Beedle viết câu chuyện này, và trong khi chúng ta đã phát minh ra vô số cách để duy trì các ảo tưởng về “sự hiện hữu mãi mãi” của những người ta yêu thương(1), các pháp sư vẫn chưa tìm ra một cách nào hợp nhất lại linh hồn và thể xác một khi cái chết đã xảy ra. Như triết gia phù thủy lỗi lạc Bertrand de penseés-Profondes viết trong cuốn sách trứ danh của ông Một nghiên cứ về Khả năng Đảo ngược Thực tế và Hiệu lực Siêu hình của cái Chết Tự nhiên, với mối Quan tâm Đặc biệt đến sự Phục hồi Vật chất và Tinh túy: “Đầu hàng thôi. Chuyện đó không bao giờ xảy ra.”

(1) [Những hình ảnh và chân dung phù thủy di chuyển và (trong trường hợp chân dung) nói năng y như chủ thể của chúng. Những vật thể khác, như Tấm gương Khát vọng, cũng có thể tiết lộ nhiều hơn một hình ảnh tĩnh tại của một người thân đã qua đời. Ma là những phiên bản trong suốt di chuyển, nói năng, suy nghĩ của các phù thủy và pháp sư, những người muốn, vì bất kể lý do gì đó, tiếp tục nấn ná trên mặt đất. JKR]

Thế nhưng, câu chuyện “Thỏ Lách chách và gốc cây Khanh Khách” quả có cho ta một trong những ghi nhận văn chương sớm nhứt về một người Đội lốt thú, bởi vì quan giặt giũ Lách Chách được phú cho năng lực phép thuật hiếm hoi là tùy ý đội lốt thú vật.

Những người đội lốt thú chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân số phù thủy. Đạt được sự đội lốt hoàn hảo, tự

nhiên, từ người ra thú đòi hỏi nhiều nghiên cứu và thực hành, và nhiều phù thủy pháp sư cân nhắc rằng thời gian của họ có thể được dùng vào những việc khác. Chắc chắn, việc ứng dụng một tài năng như thế rất hạn chế trừ khi người ta có nhu cầu thường xuyên cải trang hay mai danh ẩn tích. Chính vì lý do này mà Bộ Pháp Thuật nhấn mạnh việc đăng ký những người Đội lốt bởi vì chắc chắn loại phép thuật này rất hữu ích cho những kẻ liên can đến những chuyện mờ ám, vụng trộm hay thậm chí hoạt động tội phạm hình sự(2).

(2) [Giáo sư McGonagal, cô hiệu trưởng trường Hogwarts, đã yêu cầu tôi nói rõ rằng cô ấy đã trở

thành một người Biến hình thuần túy là kết quả của những cuộc nghiên cứu sâu rộng của cô ấy trong tất cả lĩnh vực của thuật Biến hình, và rằng cô ấy không bao giờ dùng khả năng này để biến thành một con mèo mướp bẻm mép cho một mục đích mờ ám, không kể những công việc hợp pháp nhân danh Hội Phượng Hoàng tối cần đến sự bí mật và ẩn giấu hành tung. JKR]

Từng có hay không một quan giặt giũ có khả năng đội lốt thỏ là đề tài để ngỏ không nói chắc được; tuy nhiên, một số sử gia phép thuật đã giả thuyết rằng Beedle xây dựng nhân vật bà Lách Chách theo mẫu của một nữ pháp sư người Pháp nổi tiếng Lissette de Lapin, kẻ đã bị kết án là phù thủy ở Paris vào năm 1422. Trước sự kinh ngạc của những Muggle giam cầm bà, những người này về sau đã cố

gắng giúp bà phù thủy đào tẩu, Lisette biến mất khỏi nhà ngục vào đêm trước ngày bà bị hành hình.

Mặc dù việc Lisette là một người Đội lốt và đã xoay sở lách qua những chấn song nhà giam là đều chưa từng được chứng minh, nhưng sau đó người ta thấy một con thỏ trắng thiệt to băng qua eo biển Ăng lê trong một cái vạc có gắn buồm, và về sau có một con thỏ giống như vậy trở thành quân sư tín cẩn trong triều của Vua Henry VI. (3)

(3) Điều này hẳn đã góp phần vào tai tiếng về sự bất ổn tâm thần của ông Vua Muggle đó.

Ông Vua trong chuyện của Beddle là một Muggle ngu ngốc, vừa thèm vừa sợ phép thuật. Ông tin là ông có thể trở thành phù thủy chỉ bằng cách học niệm thần chú và vẫy đũa phép(4). Ông đã hoàn toàn dốt nát về bản chất đúng của phép thuật và phù thủy và do vậy đã nuốt trọng những lời xúi dại lố bịch của gã thầy pháp và bà Lách Chách. Đây chắc chắn là điển hình của kiểu suy nghĩ đặc thù Muggle: Do dốt nát, họ sẵn sàng chấp nhận mọi kiểu phép thuật không thể nào có được, bao gồm cả việc cho là bà Lách Chách đã tự biến mình thành một gốc cây mà vẫn có thể nói năng suy nghĩ. (Tuy nhiên, quả là đáng lưu ý ở điểm này, ấy là trong khi Beedle sử dụng công cụ cái cây biết nói để chỉ cho chúng ta thấy ông Vua Muggle dốt nát thế nào, người kể chuyện lại mong chúng ta tin là Lách Chách có thể nói khi bà là một con thỏ. Có thể đây là một biến tấu thi pháp, nhưng tôi thiên về ý kiến cho là Beedle cũng chỉ nghe nói về người Đội lốt thú mà thôi, chứ chưa hề gặp một người thực, bởi vì đây là sự phóng túng phép thuật duy nhứt mà ông dùng trong câu chuyện. Người Đội lốt thú không duy trì được năng lực ngôn ngữ con người khi đội lốt thú, mặc dù họ giữ được tất cả những năng lực suy tư và lý luận của con người. Điều này, như mọi học sinh đều biết, là khác biệt căn bản giữa việc bản thân là một người Đội lốt thú và việc Biến hình chính mình thành một con thú. Trong trường hợp Biến hình, người ta sẽ trở thành một con thú hoàn toàn, kèm hậu quả là người đó sẽ

không biết phép thuật gì cả, không ý thức rằng người đó từng là một phù thủy, và người đó sẽ cần một người khác Biến hình bản thân mình trở lại hình dạng ban đầu.)

(4) Nhưng những nghiên cứu chuyên sâu ở Bộ Huyền Bí đã chứng minh từ tận năm 1572, thì phù thủy và pháp sư là bẩm sinh chứ không do đào tạo. Trong khi khả năng “quái quỷ” biểu diễn phép thuật đôi khi xuất hiện ở những người rõ ràng không phải con cháu phù thủy (mặc dù nhiều nghiên cứu sau này đã cho rằng trong gia phả họ thế nào cũng sẽ có một phù thủy hay pháp sư xuất hiện). Muggle không thể nào làm được phép mầu. Điều hay nhứt - hoặc tệ nhứt – mà họ có thể hy vọng là những hiệu quả ngẫu nhiên ngoài tầm kiểm soát được tạo ra từ một cây đũa phép thần thông đích thực, vật mà, vốn là một công cụ truyền tải phép thuật, đôi khi giữ lại quyền lực phép thuật còn sót trong nó để phát tiết ra vào những lúc ngặt nghèo – xem thêm những ghi chú về Wandlore cho

“Chuyện kể về ba anh em”.

Tôi nghĩ là có thể khi chọn cách làm cho nhân vật nữ của mình giả vờ biến thành một cái cây, và hù dọa ông Vua bằng những nỗi đau đớn như bị búa bổ vào be sườn chính mình, Beedle đã lấy cảm hứng từ những thực tiễn và truyền thống phép thuật thực sự. Những cây mà gỗ có phẩm chất làm đũa phép luôn luôn được những thợ làm đũa phép, những người chăm sóc cây, bảo vệ cực lực, và đốn những cây như vậy để ăn cắp gây hiểm họa lãnh đủ không chỉ ác độc với bọn Bịp-bướm(5) thường làm tổ trên cây, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến mọi bùa phép bảo vệ mà chủ nhân đã ếm xung quanh cây. Vào thời của Beedle, phép nguyền rủa Tra Tấn chưa bị Bộ Pháp Thuật(6) đặt ra ngoài vòng pháp luật, và có thể gây ra chính xác cảm giác mà bà Lách Chách dùng để dọa ông Vua.

(5) Để biết được miêu tả đầy đủ của cư dân trên cây nhỏ bé lạ lùng này, đọc “Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng”.

(6) Những phép nguyền rủa Tra Tấn, Giết Chết, Băm Vằm Hồn Xác được cho vào hạng mục Bùa Cấm Xài lần đầu tiên vào năm 1717, kèm theo sự trừng phạt nghiêm khắc nhứt đối với việc sử dụng chúng.