Nhu Phúc Đế Cơ

Chương 13-7: Tông Hiền




Sau đó, đoàn người Vi thị được Cái Thiên đại vương Hoàn Nhan Tông Hiền đích thân áp giải. Trước đó Kim chủ đã hạ chỉ, mệnh nhanh chóng đưa mẹ Khang vương Vi thị, vợ Khang vương Hình thị và mấy vị vương phi quan trọng khác về tới kinh thành giam giữ, bởi thế Tông Hiền liền lệnh cho một bộ phận cung quyến sức khỏe sức lực yếu ngồi xe bò, còn lại những ai biết cưỡi ngựa đều phải cưỡi ngựa để tăng tốc hành trình. Vi thị đủ tiêu chuẩn được ngồi xe bò, bèn nắm lấy tay Hình thị, muốn kéo nàng lên ngồi cùng. Lúc bước lên xe Hình thị phải khom eo, bởi thế chiếc áo dài rộng khoác bên ngoài khẽ bay lên. Tông Hiền vô tình quay đầu, chú ý thấy vùng bụng của nàng đã gồ lên một cách rõ rệt, khẽ nhíu mày.

Y đi thẳng về phía Hình thị. Hình thị tức thì kinh hoảng, nắm chặt lấy tay Vi thị.

Lúc này khuôn mặt Vi thị cũng trắng bệch như giấy, thầm than một tiếng trong lòng.

Hình thị đã mang thai được năm, sáu tháng. Khi các nữ tử Tống mới bị đưa vào trại, nguyên soái phủ đã hạ lệnh, những người đã mang thai đều phải nghe lời y quan uống thuốc phá thai. Khi ấy vòng eo của Hình thị được quần áo rộng rãi che giấu, đám người Vi thị cũng giúp nàng qua mặt y quan, bởi thế mới giữ được thai nhi tới ngày hôm nay. Thế nhưng bụng nàng mỗi lúc một lớn, muốn che giấu tiếp đã rất khó khăn.

Tông Hiền đi tới trước mặt Hình thị, đưa tay ra kéo mạnh, lột bỏ lớp áo khoác ngoài của nàng. Nhìn chằm chằm vùng bụng của nàng, y lạnh lùng chỉ vào một thớt ngựa gần đó, nói: "Đi cưỡi ngựa."

Hình thị là tiểu thư nhà danh giá, từ nhỏ đã được nuôi dưỡng trong khuê phòng, ngay tới đi bộ trên đường cũng rất hiếm, đừng nói chi tới cưỡi ngựa. Không nén nổi sợ hãi, nàng quỳ xuống dưới chân Tông Hiền cầu xin y cho phép nàng được ngồi xe hoặc đi bộ. Thế nhưng Tông Hiền phớt lờ, lại ra lệnh hai lần, thấy nàng không chịu nhúc nhích, bèn gọi hai binh sĩ tới, đem Hình thị ấn lên lưng ngựa.

Hình thị nắm dây cương nằm phủ phục trên lưng ngựa, không nén được run rẩy. Tông Hiền cầm roi đi tới phía sau con ngựa, vung tay quất xuống, con ngựa hí lên một tiếng, tức thì tung vó chạy như bay. Hình thị không biết cách điều khiển ngựa, chưa đợi ngựa phi được mười trượng đã bị ngựa hất xuống khỏi lưng, ngã mạnh xuống đất.

Vị thị và Dương thị vội vã đi tới đỡ nàng dậy, chỉ trông thấy nàng sớm đã ngất lịm, mà hạ th@n chảy đầy máu.

Vì Hình thị sảy thai, Tông Hiền mới đồng ý để nàng ngồi xe cùng Vi thị sau khi y quan xử lý sơ qua cho nàng. Mấy canh giờ sau, Hình thị tỉnh lại, yếu ớt mở mắt ngây ngốc nhìn trần xe hồi lâu, sau đó mới hơi tỉnh táo lại, một tay gấp gáp xoa vuốt vùng bụng, tay kia nắm chặt lấy cánh tay Vi thị ngồi bên, run run hỏi: "Con của con đâu?"

Vi thị đau buồn, nhớ tới thai nhi bị mất đó là một bé trai, không biết nên đáp lời thế nào, chỉ không ngừng rơi lệ.

Hình thị tức thì òa khóc, ngồi dậy ôm chặt lấy Vi thị, nghẹn ngào: "Mẹ ơi, con của con mất rồi! Con của cửu ca mất rồi..."

Mẹ chồng nàng dâu ôm nhau khóc, xe bò kẽo kẹt đi về phía Bắc, nghiền vụn những tiếng than khóc.

Thế nhưng kiếp nạn của Hình thị chưa kết thúc ở đó. Đợi sức khỏe nàng tốt lên, Tông Hiền đã c**ng bức nàng. Hình thị đau đớn đến mức không thiết sống nữa, từng nhảy sông tự sát, thế nhưng bị lính Kim cứu lên kịp thời. Tông Hiền uy hiếp nói nếu còn dám tự sát nữa thì sẽ giết sạch toàn bộ cung quyến có liên quan tới nàng. Hình thị đành yên ắng trở lại, thẫn thờ tiếp tục đi về phương Bắc, ngày nào cũng lấy nước mắt rửa mặt.

Hai tháng tiếp đó đối với Vi thị lại tương đối bình lặng. Bà đã tới độ tuổi trung niên, dung mạo vốn đã không được xem là xuất chúng trong đám phi tần của Triệu Cát, nay đặt bên mấy vương phi trẻ tuổi lại càng có vẻ già nua kém sắc. Bà còn cố tình không tỉ mỉ chải chuốt, thường để đầu bù tóc rối, bởi thế đám người Tông Hiền trong khoảng thời gian này chưa từng để mắt tới bà.

Tới tháng Sáu, tiết trời nóng dần. Hữu nguyên soái kim Tông Vọng trên đường hồi kinh tắm nước lạnh, buổi tối ngày hôm ấy cảm thấy không thoải mái, nằm nghỉ mấy ngày vẫn không bình phục. Kim chủ Hoàn Nhan Thịnh sau khi hay tin bèn mệnh y quan phi ngựa tới chữa trị cho y, nào ngờ bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn, chưa được mấy ngày đã bỏ mạng.

Sau khi Tông Vọng chết, Tông Hiền buồn bã không vui, một ngày kia giữa đường hành quân bị ướt mưa, cũng cảm lạnh sinh bệnh, thế nhưng y kiên quyết không cho phép y quan từ kinh thành tới thăm khám cho mình, bệnh cũng càng lúc càng nặng.

Tướng lĩnh dưới trướng y là Thuật Thỉ thấy cứ như vậy không ổn lắm, bèn kiến nghị: "Nghe nói không ít người Tống đều biết chút y thuật, thiết nghĩ chút bệnh vặt như phong hàn này những người Tống ở chỗ chúng ta cũng biết chữa. Đại vương không chịu cho y quan Đại Kim chữa trị, không bằng để người Tống thử xem sao? Tôi sẽ cảnh cáo bọn họ trước, nếu để xảy ra chút sơ xuất nào thì sẽ giết hết toàn bộ bọn họ, xem có ai dám giở trò gì không."

Tông Hiền đồng ý, bởi thế Thuật Thỉ bèn triệu toàn bộ nữ tử Tống tới, hỏi xem có ai biết y thuật không. Kỳ thực cũng có người biết y thuật, song không muốn chữa trị cho người Kim, bởi thế ai nấy đều cúi đầu, không đáp.

Thuật Thỉ không tìm được người, trong lúc tức giận kéo Vi thị đứng gần mình ra khỏi hàng, quát: "Ngươi có biết không?"

Vi thị trợn mắt, không ngừng lắc đầu: "Nô gia không biết..."

Thuật Thỉ cười lạnh: "Vô dụng như vậy, cũng không cần sống nữa!" Nói đoạn y tuốt đao ra, kề lên cổ Vi thị làm động tác muốn cắt.

Thị tỳ Dương thị vội vã đứng ra, nói: "Xin tướng quân gượm đã! Nếu chỉ là chứng bệnh nhỏ như phong hàn, nương tử nhà tôi cũng biết chữa. Ban nãy nàng chỉ e sợ không thể chữa khỏi nhanh chóng, sẽ khiến đại vương tướng quân tức giận, bởi thế mới không dám nói mình biết. Nếu tướng quân cho chúng tôi thêm thời gian hai ngày, hẳn là nương tử có thể chữa được bệnh của đại vương."

Thuật Thỉ liếc nhìn Vi thị: "Vậy sao?"

Dương thị lén lút nháy mắt ra hiệu, Vi thị hiểu ra, chỉ đành nhận lời trước, rưng rưng gật đầu, Thuật Thỉ mới buông bà ra, dẫn bà đi chuẩn bị thuốc.

Vi thị nào biết phải dùng thuốc gì, thẫn thờ hồi lâu, đột nhiên nhớ ra nước gừng có tác dụng ấm bụng tiêu lạnh, hẳn có thể trị phong hàn, bèn tìm một củ gừng xắt lát, sắc thành mấy bát nước đặc, nghe lệnh Thuật Thỉ tự mình uống trước một bát, sau đó mới đưa một bát tới cho Tông Hiền.

Tông Hiền sau khi uống sau toàn thân toát mồ hôi, cảm giác dễ chịu hơn một chút. Thuật Thỉ vui mừng, bèn lệnh cho Vi thị mấy ngày này ở lại hầu hạ bên cạnh Tông Hiền. Vi thị khiếp sợ người Kim vô cùng, không dám không tận tâm hầu hạ Tông Hiền, ngoài việc mỗi ngày đun nước gừng cho y thì ngày đêm túc trực trước giường bệnh, bưng trà rót nước, lau mặt đắp chăn cho y, hết thảy đều tỉ mỉ thận trọng vô cùng, chỉ sợ y không vui sẽ trách phạt mình.

Một đêm nọ, trời lại bắt đầu tí tách đổ mưa, Vi thị ngồi thẫn thờ canh chừng Tông Hiền trong trướng của y. Tông Hiền vốn đang nhắm mắt ngủ đột nhiên tỉnh dậy, mở mắt ra nhìn bà hồi lâu, sau đó hỏi: "Ngươi là cô vợ nào của Triệu Cát?"

Vi thị sợ hãi đứng lên, nghiền ngẫm câu y hỏi một hồi, đoán chừng y muốn hỏi về phẩm cấp phong hiệu của mình, bèn rũ mắt nhẹ giọng đáp: "Nô gia là Hiền phi của Đạo quân Hoàng đế... Vi Hiền phi."

Y gật gật đầu, vẫn tiếp tục nhìn bà chằm chằm, nhất thời chưa nói năng gì, bà cũng im lặng không dám lên tiếng. Lát sau, Tông Hiền ra lệnh: "Hát một bài cho ta nghe đi."

Vi thị bất ngờ vô cùng, lại không dám cự tuyệt, chỉ đành hỏi: "Đại vương muốn nghe bài nào?"

Tông Hiền đáp: "Mấy bài người Hán các ngươi hát ta cũng không hiểu, ngươi hát đại đi."

Vi thị ngẫm nghĩ, nhẹ nhàng ngồi xuống, cất tiếng hát: "Mành mỏng khẽ lay, tiết trời se lạnh, Long trì kết băng. Hoa hạnh cười thổi hương thanh nhẹ. Lại là tiết Xuân Giáng nữa. Hát ca nhảy múa lại từ đầu. Đợi đến khi mở tiệc. Nhớ năm ngoái, với gió Đông, từng hứa không phụ cảnh Xuân..."

Hát mãi hát mãi, bất giác lộ ra ý cười, thần sắc vui tươi cũng hiện lên mắt mày.

Hóa ra đây là bài từ "Thám hoa lệnh" mà Triệu Cát khi xưa từng làm, miêu tả cảnh ngắm hoa uống rượu trong cung. Vi thị theo ký ức nhớ về cảnh ca múa giữa những năm Chính Hòa. Còn nhớ năm ấy khi lần đầu gặp gỡ, lớp rèm bên ngoài khẽ khàng lay động. Người ấy một thân hoa phục, mắt mày đẹp đẽ, đứng thẳng bên hồ Long trì, khiến trái tim bà ấm áp, nhất thời quên cả cái lạnh thấu xương...

Vừa hồi tưởng vừa ngậm cười, cho đến hết bài, ánh mắt vẫn dịu dàng. Lại thẫn thờ hồi lâu, nghe thấy tiếng lật người, mới hốt hoảng nhớ ra mình đang ở đâu. Quay sang trông thấy Tông Hiền vẫn đang không chớp mắt nhìn mình chằm chằm, dáng vẻ trầm tư, lập tức cảm thấy không ổn, hy vọng có thể trốn thoát khỏi ánh nhìn của y càng sớm càng tốt, bèn vội vã quỳ xuống, khẽ khàng nói: "Nếu đại vương đã bình phục, xin hãy cho nô gia được cáo lui."

Tông Hiền lại không đồng ý, đơn giản ra lệnh: "Ngươi, ở lại."

"Ở lại" có nghĩa gì đã rất rõ ràng. Việc lo lắng bấy lâu cuối cùng cũng tới, Vi thị đau khổ vắt óc ngẫm nghĩ cũng không tìm ra kế thoát thân, chỉ đành giả bộ hồ đồ, mong sao y sẽ khai ân cho bà quay về: "Đêm nay đại vương đã dùng bữa, uống thuốc, nên nghỉ ngơi sớm, nô gia không dám ở lại quấy rầy nữa, xin đại vương cho nô gia quay về, sáng sớm ngày mai nhất định sẽ tới."

Tông Hiền hừ lạnh: "Ngươi thật sự muốn quay về? Bây giờ?"

Vi thị cúi đầu thưa vâng. Tông Hiền cũng không tức giận, chỉ nói: "Ngươi nghe đi."

Thoạt tiên Vi thị không hiểu Tông Hiền bảo bà nghe cái gì, thế nhưng hai người đều không lên tiếng nữa, khiến những âm thanh bên ngoài dần dần trở nên rõ ràng.

Ban nãy khi hát không chú ý, mưa càng lúc càng tầm tã, xen lẫn tiếng sấm sét, và... tiếng cười điên cuồng của lính Kim cùng tiếng nữ tử kêu khóc.

Vi thị kinh hãi đứng dậy, chạy tới bên cửa vén rèm nhìn ra bên ngoài. Lúc này có một tia chớp lóe lên, quét qua khuôn mặt bà. Dưới ánh sáng chói lòa, một màn bạo hành khiến người ta căm phẫn lọt vào đôi mắt khiếp sợ của bà.

Giữa lúc hành quân, dịch quán và lều trướng có hạn, đều phân cho tướng lĩnh và binh lính Kim sử dụng, nữ tử Tống ngày thường đa phần chỉ có thể tìm một góc lộ thiên chui rúc ngủ. Vì đêm nay mưa lớn, các cô gái ai nấy đều bị ướt sũng tới khó chịu, có vài người chạy tới bên lều lính Kim, muốn đứng một lát dưới mái hiên tránh mưa. Cảnh tượng này khiến binh lính trong lều khởi sắc tâm, lũ lượt xông ra, tóm lấy những cô gái Tống đó lôi vào bên trong.

Lúc này những nữ tử run rẩy trong mưa mới biết mưa không phải là bi kịch lớn nhất của đêm nay. Bọn họ kinh hãi gào thét, giãy giụa, hoặc điên cuồng tháo chạy dưới màn mưa mịt mờ, thế nhưng cuối cùng đều không thoát khỏi những đôi tay thô lỗ man rợ. Bọn họ liên tiếp biến mất sau lều trại của lính Kim, không lâu sau liền có tiếng hô hoán thê lương từ bên trong truyền ra.

Một tay Vi thị ôm chặt miệng, nhắm mắt lại vô thức lùi về phía sau. Rèm cửa lại buông xuống, ngăn cách bà với cảnh tượng bên ngoài, khiến bà cảm thấy bình tĩnh hơn chút.

"Còn muốn quay về không?" Tông Hiền lại hỏi.

Vi thị không đáp, chỉ co ro quỳ trong một góc phòng. Khi Tông Hiền xuống giường đi tới kéo bà, bà không mảy may chút phản kháng nào.

Sau khi tới Thượng Kinh Kim, Kim chủ cho phép tắm rửa, lệnh cho bọn họ mặc trang phục Kim đẹp đẽ tới yết kiến, sau đó Kim chủ chọn ra vài vương phi nhan sắc xuất chúng trong đó nạp vào hậu cung. Dĩ nhiên Vi thị không nằm trong số đó, mà Hình thị vì chịu quá nhiều giày vò mà dung nhan tiều tụy, cũng không trúng tuyển, bởi thế hai người và những cung nhân không được lựa chọn khác đều bị đưa vào Tẩy Y Viện người Kim đặc biệt mở cho nữ tử Tống phục dịch.

Nữ tử quý tộc, nữ tử tông thất mà Kim bắt được từ Biện Kinh tổng cộng hơn 3400 người, sau khi áp giải tới Yến Kinh chỉ còn lại hơn 1900 người, đã chết mất non nửa. Những người còn lại sau khi tới kinh thành cũng do hoàng thất chọn lựa trước, sau đó phân chia ban thưởng cho tướng lĩnh trong quân đội Kim. Có hơn một ngàn người bị thưởng cho người Kim, hơn ba trăm người còn lại đều đưa vào Tẩy Y Viện.

Cái chết của người Tống khiến Vi thị rúng động nhất là Chu Hoàng hậu. Vừa tới Thượng Kinh, người Kim đã bắt nàng phải để trần thân trên, khoác da dê. Chu hậu không chịu nổi nỗi nhục nhã này, sau khi quay về phòng đã tự sát, mặc dù được người cứu sống, song chẳng bao lâu sau lại nhảy xuống nước kết liễu sinh mạng. Sau khi nghe tin, Vi thị không ngừng rơi lệ, nói với Dương thị: "Nàng ta là hoàng hậu còn như vậy, chúng ta mai này sao có thể sống nổi!"

Dương thị mặc dù cũng lo lắng vô cùng, thế nhưng vẫn ra sức an ủi bà: "Nương tử phúc lớn mạng lớn, chỉ cần biết cách trân quý bản thân mình, ắt sẽ đợi được tới ngày cửu điện hạ tới cứu chúng ta."

Nơi mà bọn họ sống tuy tên là Tẩy Y Viện, song thực chất không khác gì kỹ viện. Con gái Tống không những phải giặt quần áo cho người Kim, mà còn phải chịu đựng sự lăng nhục của bọn chúng, mười người thì chín người phải làm kỹ nữ, không giữ nổi danh tiết, tính mạng cũng chẳng còn. Tới cuối cùng, Vi thị khi trông thấy có thi thể con gái Tống được khiêng ra bên ngoài đã không còn cảm giác gì nữa, chỉ lạnh nhạt cúi đầu ra sức giặt sạch quần áo trong chậu.

Vẫn tiếp tục cố gắng ăn mặc trang điểm tuềnh toàng xấu xí để tránh né sự chú ý của người Kim. Thế nhưng tới một ngày, một người Kim vẫn kéo bà ra khỏi đám người đang giặt quần áo. Bà ngẩng đầu, trông thấy khuôn mặt râu ria xồm xoàm quen thuộc của Tông Hiền.

"Theo ta về phủ." Y theo thói quen ngắn gọn ra lệnh.

"Tôi?" Vi thị có chút kinh ngạc. Đúng là thường xuyên có nhiều quan lại, quý tộc Kim tới Tẩy Y Viện lựa chọn nữ tử đưa về làm thiếp, thế nhưng những người bọn họ chọn đều trẻ trung xinh đẹp.

"Là ngươi." Tông Hiền xác nhận, thấy bà ngây ngốc không nói năng gì bèn cau mày hỏi: "Lẽ nào ngươi muốn ở lại đây?"

Vi thị rũ mắt nhìn đôi tay sưng đỏ trầy da vì giặt quần áo của mình, do dự, cuối cùng lắc lắc đầu.

Tông Hiền thúc giục: "Đi thôi."

Khẽ khàng thở dài, Vi thị nói: "Tôi đã không còn trẻ nữa rồi..."

"Ừm," Tông Hiền nói: "Ta biết."

Vi thị ngẫm nghĩ, lại nói: "Tôi cũng không xinh đẹp."

"Ta nhìn thấy thuận mắt." Tông Hiền đáp, lập tức kéo bà sải bước rời đi: "Mau đi thôi, dài dòng thế làm gì!"

Cùng với Vi thị, Tông Hiền cũng đồng ý thỉnh cầu của bà, dẫn theo thị nữ Dương thị. Hai ngày sau, y lại tới Tẩy Y Viện đón Hình thị về phủ. Có thể là vì nhớ tới "tình nghĩa cũ" trên đường quay về phương Bắc với Hình thị, cũng có thể là vì muốn tìm một người thân quen cho Vi thị làm bạn, thế nhưng việc này đã khiến cặp mẹ chồng nàng dâu ngày xưa lâm vào cảnh chung chồng khó xử. Hai người đều xấu hổ vô cùng, cũng vì vậy, Vi thị yêu cầu Hình thị không gọi bà là mẹ nữa, mà đổi thành "phu nhân".

Mà Tông Hiền đối xử với Vi thị rất không tệ, coi bà không khác gì chính thê. Ngoài cặp mẹ chồng nàng dâu Vi thị, y còn được phân một vương phi, một đế cơ và vài tông cơ, nữ tử quý tộc khác, đều là những cô gái trẻ tuổi, thế nhưng sự sủng ái bọn họ nhận được đều không bằng Vi thị.