Chẳng mấy chốc, xe đã dừng ở trước biệt thự của Kinh Hải Bình. Kinh Hồng cất hai bộ tài liệu vừa duyệt xong đi, tài xế mở cửa xe cho anh.
Kinh Hồng bước xuống rồi nói với tài xế: "Anh cứ về trước đi."
Tài xế hỏi: "Vậy anh có muốn để xe ở đây không?"
"Không cần đâu," Kinh Hồng nói, "Anh lái về đi. Nhưng sáng mai thì tới Trúc Hương Thanh Vận đón tôi." Ý là tối nay anh vẫn sẽ về căn hộ cao cấp ba trăm mét vuông ở tiểu khu Trúc Hương Thanh Vận mà mình thường ở. Nhưng để tiện cho tài xế thì lát nữa anh sẽ lái chiếc xe khác qua bên đó.
"Vâng." Tài xế đã trở lại với phong thái lịch sự thường ngày, như thể người hạ cửa xe lớn tiếng sừng sộ ban nãy chỉ là sự tưởng tượng của Kinh Hồng, "Vậy anh đi cẩn thận."
*
Anh bước vào nhà, cha anh Kinh Hải Bình và mẹ anh Tưởng Mai đã ra đón sẵn ở cửa.
Kinh Hải Bình đã hơn sáu mươi, tóc đã hoa râm nhưng tinh thần vẫn rất tốt. Trên gương mặt thon gầy đeo một cặp kính gọn gàng trông rất nho nhã. Chính vì dáng người ông thiên gầy, ngũ quan ôn hòa, khí chất lịch sự nhã nhặn, phong cách bình thản chậm rãi, lại thêm trong bốn người đứng đầu của ngành, chỉ có ông là tốt nghiệp từ Thanh Hoa Bắc Đại nên Kinh Hải Bình được gọi là "Nho thương".
Sau khi tốt nghiệp đại học Thanh Hoa, Kinh Hải Bình làm việc ở một viện nghiên cứu trực thuộc viện Khoa học Trung Quốc. Đến năm 1997, ông từ chức để bắt đầu dấn thân vào việc kinh doanh.
Bà Tưởng Mai mẹ của Kinh Hồng không phải là một người phụ nữ của gia đình xinh đẹp và dịu dàng như hình dung thông thường của mọi người. Bà là nhân viên thời kỳ đầu của Oceanwide. Nếu coi Kinh Hải Bình là nhân viên thứ 0 của công ty thì Tưởng Mai sẽ là số 3, bởi bà là người thứ ba gia nhập Oceanwide (không tính người sáng lập). Với những năm 90 ấy, một cô gái trẻ dám lựa chọn nhảy ra khỏi vùng an toàn để gia nhập vào một công ty nhỏ mới chỉ có ba thành viên là vô cùng hiếm thấy và không hề dễ dàng gì. Tưởng Mai đưa ra quyết định liều lĩnh như vậy một là vì muốn giúp đỡ Kinh Hải Bình, hai là vì bà nhìn thấy tiềm năng vô tận của Internet đối với Trung Quốc trong tương lai. Thời điểm đó là hơn một năm sau khi Bộ Bưu chính Viễn thông tiếp nhận đường dây chuyên dụng 64K của Mỹ thông qua công ty Sprint của nước này để đưa Internet đến với toàn Trung Quốc. Sau đó, mảng trang chủ cá nhân và thư điện tử mà Oceanwide phát triển đã hấp dẫn vô số người dùng. Thời đó người dân còn dùng cách dịch âm i-meo để nói về thư điện tử.
Cho đến trước khi về hưu, Tưởng Mai vẫn luôn giữ chức COO (Giám đốc vận hành) của tập đoàn. Việc bà về hưu cũng có phần là do muốn giúp đỡ Kinh Hải Bình. Hồi Kinh Hồng còn nhỏ, những nhân viên kỳ cựu ở Oceanwide đều nói với cậu rằng: "Mẹ cháu quả thực là một người phụ nữ mạnh mẽ, hồi trước đến tận ngày sinh rồi bà ấy vẫn đến công ty làm việc đấy!"
Bước vào phòng khách, Kinh Hồng thấy bữa tối đã được đầu bếp chuẩn bị đâu vào đấy. Kinh Hải Bình đề cao việc giữ gìn sức khỏe, nhà ông có một đội ngũ đầu bếp và một chuyên gia dinh dưỡng để lên thực đơn hàng ngày.
"Con đi thay quần áo đi rồi xuống ăn." Tưởng Mai nói.
"Vâng, con xuống ngay." Kinh Hồng vừa đi lên tầng vừa tháo nút cổ áo. Hôm nay anh mặc một chiếc sơ mi xanh lam. Oceanwide làm về mạng viễn thông, CEO cũng không cần phải đóng thùng từ sáng đến tối, thường anh diện business casual đi làm là được.
Khi anh quay lại phòng ăn, Kinh Hải Bình và Tưởng Mai đã ngồi vào bàn rồi.
Hai cha con cùng trao đổi về tình hình gần đây của Oceanwide. Từ khi Kinh Hải Bình từ chức CEO và lui về làm chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn, ông vẫn thường hỏi về tình hình của công ty. Hồi Kinh Hồng mới lên, có rất nhiều việc phải hỏi ý kiến của cha. Rồi dần dần anh đã có thể tự mình xử lý mọi việc một cách thành thạo. Bây giờ, "tình hình gần đây" trên bàn cơm cũng chỉ là nói một vài việc mới mẻ hay ho của công ty thôi, về cơ bản không có việc gì cần Kinh Hải Bình phải cho ý kiến nữa.
Trao đổi xong về việc của tập đoàn, Kinh Hồng nhắc tới màn đụng độ trên đường vừa rồi như chuyện phiếm để tán gẫu.
Quả nhiên, Kinh Hải Bình lập tức tỏ ra chán ghét: "Thằng nhóc Chu Sưởng giống y như thằng cha nó. Chiếc xe đó vốn là của Chu Bất Quần, giờ ông ta lui về rồi thì đến thằng con ông ta đi."
Kinh Hồng: "... Vâng." Cũng chỉ là một chiếc xe thôi mà.
Thực tế thì Kinh Hồng thấy Chu Sưởng cũng không làm ra điều gì quá đáng cả.
Kinh Hải Bình lại nói: "Con nói là vì việc sáp nhập của Côn Bằng và Hoa Vi nên hai đứa con lại đánh nhau rồi hả, hầy..." Nói đến đây, Kinh Hải Bình thở dài một hơi, "Sau chuyện vạ miệng của lão Chu, thằng nhóc kia lên vị trí điều hành. Lúc mới tiếp quản công ty nó hạ mình phết, hồi đó ba còn nghĩ nó là một đứa chỉ có mã ngoài, nhưng bây giờ càng ngày càng sắc bén hơn rồi."
"Việc này con có thể hiểu được." Kinh Hồng gắp một miếng vịt nấu tương, "Chuyện đó đã qua một năm rưỡi, giờ cũng đã chìm. Nhưng nếu anh ta không quyết liệt thì chắc chắn sẽ không tranh nổi thị phần với Oceanwide, tương lai Thanh Huy hẳn là tiêu tùng. Anh ta không phải là kiểu sẽ từ bỏ cạnh tranh chỉ vì một chút nguy cơ. Nửa năm nay Chu Sưởng thực sự đã làm cho bên ta rất khó chịu."
Tưởng Mai nghe vậy thì cười: "Có vẻ con đánh giá cậu ta rất cao."
Kinh Hồng khựng lại: "Gì cơ ạ?"
Kinh Hải Bình nhấp một ngụm rượu nho rồi chợt lên tiếng: "Nhìn rượu nho này, ba lại nhớ tới một chuyện xảy ra hồi Chu Bất Quần mới khởi nghiệp."
Kinh Hồng lập tức đáp lời: "Chuyện như thế nào ạ?"
"Ba đã từng kể chưa nhỉ?" Kinh Hải Bình không nhớ lắm, "Hồi đó hẳn là năm 99? Chắc là năm đó. Lúc đó Thanh Huy họp thường niên, có mời cả lãnh đạo của thành phố."
Kinh Hồng nói: "Chuyện này ba chưa kể." Kinh Hải Bình đã từng kể về nhiều "chuyện lố lăng" của Chu Bất Quần, nhưng chuyện này thì quả thực là chưa. Trí nhớ của Kinh Hồng rất tốt, anh chắc chắn mình chưa từng nghe.
"Thế để ba kể." Kinh Hải Bình nhấp thêm một ngụm, "Hôm đó, tiết mục chốt chương trình vậy là lại là do Chu Bất Quần tự lên sân khấu! Ông ta làm như này này, nâng ly rượu như thế này, vừa hát vừa đi lại trên sân khấu." Kinh Hải Bình biểu cảm như thật.
Kinh Hồng hỏi: "Sau đó thì sao ạ?"
"Sau đó ư, hát một hồi thì Chu Bất Quần bước xuống." Kinh Hải Bình kể tiếp, "Ông ta cầm ly rượu, vừa hát vừa đi tới trước mắt ông lãnh đạo... Hát hết câu cuối, ông ta quỳ một gối xuống, nâng ly rượu lên, dâng cho lãnh đạo...! Con đoán thử xem tối hôm đó Chu Bất Quần đã hát bài gì?"
"Sao con biết được." Kinh Hồng chịu thua, "Con làm gì biết bài nào của hồi ấy."
"Đó là một ca khúc rất nổi tiếng." Kinh Hải Bình gõ ngón tay lên bàn, mỗi gõ là một chữ, "Ba, ly, rượu, ngon, kính, người, thân"
Nói rồi, Kinh Hải Bình còn dùng cả ngôn ngữ thời @ để cảm thán, "Phục sát đất!"
Nghe vậy, Kinh Hồng cũng bật cười thành tiếng. Anh nói: "Tuy con sẽ không làm vậy đâu nhưng chuyện này buồn cười thật."
Kinh Hải Bình lắc đầu nói: "Mệt cho Chu Bất Quần còn là sinh viên mà đã làm ra được trò đó."
Nói thì nói vậy nhưng từ các vị lãnh đạo khác của Oceanwide, Kinh Hải Bình cũng nhìn ra được giới hạn của đứa con trai này thấp hơn ông nhiều, thủ đoạn cũng ác liệt hơn nhiều so với ông hồi đó. Nhưng chuyện này ông không can thiệp được, bởi thị trường bây giờ cạnh tranh khốc liệt hơn thời của ông rất nhiều. Những năm 90 của ông khi ấy, các con đường đều rộng mở. Hồi ấy cơ bản chỉ cần có ý tưởng tốt, sản phẩm tốt là có thể phát triển. Lòng ông hiểu, chỉ cần con trai không vượt quá giới hạn là được.
Kinh Hồng thực sự cảm thấy chuyện Ba ly rượu ngon kính người thân kia rất buồn cười. Cũng chỉ là một cách nịnh nọt bên trên mà thôi, so với các chuyện khác trong lịch sử đen của Chu Bất Quần thì chuyện này chưa tính là gì cả. Tuy vậy, Kinh Hồng cũng hiểu tại sao Kinh Hải Bình lại tỏ thái độ như vậy.
Cha anh sinh ra vào những năm 60 của thế kỷ trước, tốt nghiệp trường đại học Thanh Hoa danh giá, là con người có lý tưởng có mục tiêu, được người ta gọi là "Nho thương". Cũng dễ hiểu khi ông không thích những kẻ đầu cơ không biết giữ gìn phẩm giá. Tuy nhiên đây không phải nguyên nhân chính làm Kinh Hải Bình chán ghét Chu Bất Quần. Kinh Hải Bình dù sao cũng là một người làm ăn, không đến mức sinh ra ác cảm với một người chỉ vì hành động khom lưng uốn gối. Ông không ngây thơ như vậy. Ông khinh thường Chu Bất Quần chủ yếu là do Chu Bất Quần đã có quá nhiều hành động vô liêm sỉ. Điển hình là ăn cắp ý tưởng sản phẩm của một công ty khởi nghiệp, hay cố gắng tống các nhà báo lên bài chỉ trích ông ta vào sau song sắt. Ông ta còn từng triển khai một cái gọi là "liên minh quảng cáo", vì nó mà sau ông ta được phong danh hiệu "cha đẻ của quảng cáo độc hại".
Nghĩ ngợi một hồi, Kinh Hồng lại hỏi: "Vậy sau đó ông lãnh đạo kia có uống không?"
Kinh Hải Bình hậm hực đáp: "Có uống. Cạn sạch luôn. Thời đó không giống bây giờ, có mấy người thích kiểu nịnh đó lắm."
Kinh Hồng lại bật cười. Không phải câu chuyện có kết thúc buồn cười mà là do biểu cảm của Kinh Hải Bình buồn cười quá.
"Chu Bất Quần lúc đầu giống như con chó mặt xệ vậy." Kinh Hải Bình không hổ là sinh viên xuất sắc của Thanh Hoa, đã lạc đề xa lắc như vậy mà vẫn trở về được. Ông xua tay, "Sau làm ăn khá khẩm được tí thì lập tức cho rằng bản thân tài giỏi lắm, bắt đầu làm gì cũng phải phô trương, lái cả Maybach cơ mà. Đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, làm như thể người ta không nhớ bộ dạng chó mặt xệ hồi trước của ông ta vậy."
Tuyệt vời, Kinh Hồng thầm cảm khái, nói một hồi thế mà vẫn quay lại được về Maybach.
Tưởng Mai chợt lên tiếng: "Hình như gần đây Chu Sưởng mới đề nghị mua lại 'Việt Quan' phải không?"
Kinh Hồng gật đầu: "Đúng ạ."
Cả Kinh Hồng và Kinh Hải Bình đều thích cảm giác này – cảm giác người phụ nữ trong gia đình có thể bàn luận về đề tài công việc. Ở các gia đình doanh nhân khác, dường như người phụ nữ chỉ có mỗi cuộc sống sinh hoạt hàng ngày làm đề tài để nói.
"Thế lạ thật," Tưởng Mai lại hỏi, "Ông chủ của Việt Quan chẳng phải suốt ngày mắng Chu Sưởng à? Sao cậu ta lại muốn mua lại công ty này?"
"Phải đó mẹ." Kinh Hồng trả lời, "Hôm trước Tổng Giám đốc của Việt Quan vừa nói Chu Sưởng là đồ nhi đồng thiểu năng."
Việt Quan là công ty tiên phong trong mảng mạng xã hội (social network) của Trung Quốc. Còn Thanh Huy khởi đầu bằng mảng công cụ tìm kiếm (search engine). Từng có một thời gian Thanh Huy suýt thì rớt ra khỏi Big 4 của ngành, nhưng mấy năm trước, Thanh Huy đã dựa vào dịch vụ web điện toán đám mây và mạng xã hội video để lội ngược dòng lên vị trí đứng đầu, đứng ngang hàng với Oceanwide. Cho tới hiện tại hai mảng này vẫn đang là hai điểm tăng trưởng lớn nhất của Thanh Huy. Chính vì cùng tranh giành thị phần, có xung đột trực tiếp nên lãnh đạo của Việt Quan vẫn luôn không ưa gì Chu Sưởng.
Vậy mà không ngờ, một tháng trước Chu Sưởng bất ngờ đề nghị mua lại (buyout) Việt Quan với hình thức chào mua công khai (tender offer). Chu Sưởng đã đưa ra lời đề nghị mua cổ phần của các cổ đông trong công ty với mức giá vô cùng hấp dẫn. Việt Quan là doanh nghiệp đã đăng ký và được niêm yết tại Mỹ, nên lúc đầu khi nghe lời đề nghị này, ông chủ của Việt Quan lập tức cuống lên làm mọi thứ để ngăn chặn vụ mua lại này. Ông ta đã thuyết phục các cổ đông đừng bán cổ phiếu cho Chu Sưởng. Rồi thế mà chợt một tối, ông ta tự nhiên lại tỉnh ra và cho rằng: "Ây da không đúng, Chu Sưởng đồng ý xuất nhiều tiền như vậy để mua, vậy ta làm gì mà không bán? Đến ta còn muốn bán huống gì các vị cổ đông khác!" Vì vậy, hội đồng quản trị của Việt Quan đột nhiên thay đổi quyết sách và chấp nhận mức giá Chu Sưởng đưa ra.
Tưởng Mai khó hiểu: "Bị mắng suốt vậy mà Chu Sưởng vẫn trả giá cao để mua lại Việt Quan sao? Cậu ta vậy mà lại đích thân đưa một núi vàng đến trước mặt ông chủ kia hả?" Chuyện mua lại công ty người ta sau khi bị mắng đúng là chuyện chỉ có thể xảy ra trong tiểu thuyết. Bởi trên thực tế nếu làm vậy thì bên bị mua lại kia lại chẳng sướng quá, tiền đếm mỏi tay không hết.
"Con có biết đâu." Kinh Hồng đã ăn xong, anh thong thả nhấc giấy lau miệng rồi nói, "Nhưng con cho rằng Chu Sưởng sẽ không làm vậy thật."
"Vậy...?"
Kinh Hồng đặt giấy ăn xuống rồi lại tiếp: "Theo con thấy thì Chu Sưởng hẳn là muốn chơi bên kia một vố."
Tưởng Mai nghe vậy thì bật cười.
Kinh Hồng thực sự cảm thấy Chu Sưởng đang muốn làm trò.
Khổ thân Việt Quan.
*
Cơm nước xong, Kinh Hồng ngồi xem chương trình chăm sóc sức khỏe với Kinh Hải Bình. Một lát sau, Tưởng Mai đi ra nói với anh: "Này giai, biết con thích đồ ngọt nhất nên nghe con về là dì Phó phải làm ngay mấy cái bánh ngọt nhỏ cho con đây này."
"Thật ạ?" Kinh Hồng nhìn vào trong bếp, "Con cảm ơn dì Phó."
Dì Phó đã đứng tuổi rồi, bà đã làm việc cho nhà họ Kinh suốt hai mươi ba năm qua, là người nhìn Kinh Hồng trưởng thành. Vì công việc của Kinh Hải Bình và Tưởng Mai quá bận rộn, ngày nào cũng đi sớm về khuya, nên mấy năm học trung học Kinh Hồng hoàn toàn là do dì Phó chăm sóc. Sau khi công ty ăn nên làm ra, Kinh Hải Bình cũng không bỏ tiền thuê quản gia cao cấp như mấy người giàu khác, ông không quen nổi thói tư bản. Chỉ cho tới những năm gần đây khi dì Phó đã lớn tuổi rồi, Kinh Hải Bình mới bắt đầu thuê chuyên gia dinh dưỡng, đầu bếp và đội ngũ dọn dẹp nhà cửa theo giờ. Hiện tại dì Phó chỉ phụ trách chăm sóc các thành viên gia đình cũng như một số công việc nhẹ nhàng trong nhà.
Kinh Hải Bình từng chê bai nói phong cách nhà Chu Bất Quần vớ vẩn hết sức. Khăn ăn phải xếp thành hình thiên nga, đũa ăn cũng phải xếp thành cái hình quái gì đó. Quản gia phải theo phong cách Anh Quốc, khi bưng đ ĩa thức ăn không được dùng ngón cái mà chỉ dùng bốn ngón nâng dưới đ ĩa. Đ ĩa phải nâng vững, không được rung. Chu Bất Quần từ khoe khoang rằng quản gia nhà ông ta đã dùng trái bóng bàn để luyện tập: đặt bóng bàn trên đ ĩa, khi người bưng đ ĩa bước đi, bóng phải đứng yên không chuyển động. Lại còn cái gì mà ly uống rượu phải được làm sạch bằng máy phun hơi để lau xong không bám vệt nước... Kinh Hải Bình cảm thán: "Không thể chịu nổi". Kinh Hồng hiểu cái "Không thể chịu nổi" này ý là "Ghét nhất mấy kẻ màu mè."
Kinh Hồng thích đồ ngọt. Hồi trước không thích đâu mà mấy năm nay tự dưng bản năng làm người được khai mở, tự nhiên lại thích. Tuy nhiên khẩu vị của anh cũng giống như đa số những người Trung Quốc khác: đồ ngọt không được quá ngọt. Một sếp lớn ba mươi hai tuổi của một tập đoàn lớn lại thích đồ ngọt, nghe có vẻ thật trẻ con, nhưng may là anh lại có gia đình, có cha mẹ, có cả những người tuy không ruột thịt nhưng thân thương như người nhà.
Thực ra hôm nay dì Phó làm bánh su kem cho anh, nhưng mấy món này qua lời Tưởng Mai thì đều là "bánh ngọt nhỏ" hết.
Kinh Hồng nhấc tờ giấy mỏng lên, trên khay có sáu cái bánh su. Dì Phó nói: "Dì làm hai cái vị phô mai mặn, hai cái tiramisu với hai cái bơ dâu tây. Con thử xem."
Kinh Hồng nói "Con cảm ơn dì." rồi cầm một chiếc nhân phô mai mặn lên. Tuy giờ dì Phó không phụ trách nấu nướng nữa nhưng thỉnh thoảng bà vẫn vào bếp làm mấy món Kinh Hồng thích. Bà luôn tự tin Kinh Hồng thích nhất là đồ ăn mình làm.
Kinh Hồng cúi đầu cắn một miếng. Su kem vỏ ngoài xốp xốp, bên trong ngập phô mai mằn mặn, vừa cắn một miếng, nụ vị giác của anh đã được thỏa mãn.
Ngon quá.
"Kinh Hồng!" Tưởng Mai đột nhiên nhảy lên rồi kéo một cái thùng qua, "Ăn thì hứng vào đây! Đừng có để bột rơi ra khắp nhà!"
Kinh Hồng: "??????"
Tưởng Mai nhét cái thùng vào giữa đầu gối anh: "Cầm lấy! Bột bánh rơi ra khó dọn chết đi được, đừng có làm rơi ra sô pha đấy. Dì Phó của con cũng hơn sáu mươi rồi đó!"
Kinh Hải Bình và Tưởng Mai đều sinh ra trong những năm 60 vất vả, là phần tử trí thức của thế hệ cũ nên không có phong cách người giàu thường thấy. Thực tế mà nói thì cái ăn cái mặc của họ cũng không khác mấy những gia đình trung lưu bình thường.
"Ôi sếp Tưởng ơi," Kinh Hồng ngoan ngoãn ôm lấy cái thùng kia, miệng thì ghẹo bà mẹ đã về hưu của mình, "Con đã ba mươi hai rồi. Ai mà ngờ được Tổng Giám đốc của Oceanwide ở nhà của mình ăn cái bánh cũng phải dùng thùng để hứng chứ."
Tưởng Mai cười: "Ăn rồi rớt ra đầy đất còn mất mặt hơn là ôm thùng hứng đấy."
Kinh Hồng ngẫm nghĩ: "Làm gì mà đến nỗi thế ạ? Con thấy..."
"Đến chứ sao không." Tưởng Mai đột nhiên dâng trào khí thế nữ cường nhân không chịu thua, bà trực tiếp ngắt lời Kinh Hồng, "Thế bây giờ con tưởng tượng đi. Bị Chu Sưởng nhìn thấy mình ăn bánh kem rớt bột đầy đất với bị Chu Sưởng nhìn thấy mình ôm thùng ăn bánh thì con chọn cái nào?"
Kinh Hồng khiếp sợ.
Ví dụ gì khủng khiếp vậy.
Anh nhìn mẹ mình với đôi mắt suýt tam bạch thường bị người ta nói là nặng sát khí, bất đắc dĩ nói: "Con không chọn cái nào cả được chưa?"