Nhóc Cà Lăm

Chương 57: 57: Năm Học Mới





Hai ngày sau, Trình Ức Viễn đem sách kinh cùng giấy tốt về đưa cho Trần Hân.

Mất thêm vài ngày chọn mua bút và tập dượt cho thuần thục, cậu mới bắt tay vào việc chép kinh.

Trang nào cậu cũng cẩn thận lẩm nhẩm dù trước đó đã đọc cả bài kinh ngót chục lần.
Bản kinh Kim cương có 8200 chữ, kiểu chữ khải đòi hỏi phải nắn nót, rất mất thời giờ, lại không có mẫu.

Ngày nào cũng thế, ngoài những lúc kèm cặp Trình Hâm, hễ rảnh rang giờ nào là Trần Hân lại dồn sức vào việc chép kinh.

Cậu ước lượng phải đến cuối hè thì mới xong việc.

Trần Hân đặt tất cả tâm huyết vào văn bản, vì chỉ viết sai một chữ thôi là phải viết lại từ đầu.

Trình Ức Viễn thấy thế bảo cậu không cần nhọc tâm quá độ, bức thư pháp này để trang trí là chủ yếu, có sai đôi chữ cũng chẳng ai bới lông tìm vết làm gì.

Thế nhưng Trần Hân từ trước đến nay luôn là người cầu toàn, cậu lại không muốn phụ lòng người đã tin tưởng bỏ tiền ra thuê mình nên một mực miệt mài hôm sớm.

Mỗi buổi viết xong, cánh tay cậu mỏi nhừ hết cả.

Trình Hâm xót lắm, vừa xoa bóp cho Trần Hân vừa làu bàu: "Biết thế đã không cho cậu nhận công việc này, nhọc quá!"
Trần Hân chỉ cười.

Theo cậu, việc chép kinh tuy có hao tâm tổn sức nhưng kiến thức bản thân đã được mở mang nhiều qua việc tìm hiểu ý nghĩa của lời kinh để truyền đạt ra nét chữ sao cho có hồn.

Những ngày êm ả mà hăng say dần trôi qua trong căn biệt thự.

Lúc chỉ còn vài ngày nữa là vụ hè kết thúc, Trần Hân cũng gần chép xong kinh thì Trình Hâm một mình về trấn Mễ đón Trần Hi lên, theo đúng lời đã hứa với nhóc tì.
Hai anh em đều lanh mồm lanh miệng, kẻ xướng người họa, kèo nài một buổi mới khiến bà nội xiêu lòng.

Thế là Trần Hi mừng rơn vì được lên thành phố.

Bà cụ dặn đi dặn lại thế nào nó cũng vui vẻ một dạ hai vâng.

Lên đến nơi, cả ba cùng nhau tận hưởng những ngày nghỉ cuối cùng cho thỏa thích.

Trong thành phố có nơi nào ăn uống, vui chơi, Trình Hâm đều dẫn hai anh em Trần Hân tham quan một lượt.

Chốn thị thành lớn lao, huyên náo đã hấp dẫn trọn vẹn tâm trí của đứa trẻ nhà quê.

Nhà cao chót vót, ngựa xe nườm nượp.

Cái gì cũng đẹp, cũng lạ, ngày nào cũng được ăn những thức quà ngon nghẻ mà mới chỉ nghe người ta nhắc đến trước đây.
Buổi tối, hai anh em nằm trên giường ngủ.


Thằng bé bảo Trần Hân: "Vui quá anh ạ! Em chả muốn về tí nào!"
Trần Hân đùa nó: "Thế em, ở lại làm, làm con trai chủ Viễn, nhớ."
Nào ngờ Trần Hi vùng dậy, lắc đầu: "Không!"
Trần Hân ngồi dậy, nói: "Hi Hi, anh bảo em, này."
Nhìn nét mặt của anh trai, Trần Hi cũng trở nên nghiêm túc.
Trần Hân đưa tay quanh gian buồng rộng: "Em thấy, thấy ở đây, có thích không?"
Trần Hi ra sức gật đầu.

Trần Hân ôn tồn nói tiếp: "Thế nhưng, đây không phải, là nhà, nhà chúng ta, em ạ.

Chúng ta chỉ, chỉ làm khách ở đây, một vài ngày.

Nếu em, muốn cơm no, áo ấm thì phải, phải tự mình nỗ lực."
Trần Hi gật đầu.

Trần Hân hỏi nó: "Thế nỗ lực, bằng, bằng cách nào?"
Trần Hi suy nghĩ một chút rồi đáp: "Phải cố gắng học tập để về sau làm ra tiền phụ giúp gia đình ạ."
Trần Hân xoa đầu nó: "Đúng thế.

Chúng ta phải, phải dựa vào năng lực, của bản thân, chứ đừng trông, trông chờ vào người khác."
Trần Hi gật đầu: "Em biết rồi ạ.

Em sẽ học thật chăm, thi vào đại học, làm việc để kiếm thật nhiều tiền, xây nhà to cho ông bà ở."
Trần Hân bật cười, vỗ lưng nó: "Ừ.

Ngủ đi."
Trước khai giảng hai ngày, công việc chép kinh đã hoàn thành mĩ mãn.

Nhìn văn bản ngay hàng thẳng lối, hàng ngàn con chữ sống động oai nghiêm, Trình Ức Viễn hết lời khen ngợi.

Ngày hôm sau, ông đem thù lao về đưa cho Trần Hân.

Phong bao dày nặng, bên trong có 1 vạn đồng mới cáu, còn nguyên niêm phong của ngân hàng!
Trần Hân suýt nữa làm rơi phong bao, đẩy về Trình Ức Viễn: "Chú, chú ơi, nhiều quá!"
Trình Ức Viễn nói: "Ồ, không nhiều đâu.

Chú còn cảm thấy chỉ bấy nhiêu không đáng công khó của cháu cả tháng qua nữa là!"
Trần Hân vẫn không dám nhận.

Trình Ức Viễn nói: "Tiền này là khách hàng kia ủy thác cho chú để chuyển đến cháu.

Mọi việc sòng phẳng, rõ ràng như thế.

Cháu hãy nhận đi, để chú hoàn thành nhiệm vụ.


À, ngày mai cháu phải về nhà, để chú đưa nốt học phí của Trình Hâm tháng này.."
Nhìn ông rút ra thêm một phong bao dày cộp, Trần Hân vội bước lùi, xua tay: "Cháu, cháu không dám nhận đâu.

Lần, lần trước, nhiều, nhiều lắm rồi ạ!"
Thấy Trần Hân vội vã tránh xa gói tiền như thể đó là gói thuốc nổ, Trình Ức Viễn bật cười: "Thằng bé này! Có gì đâu mà sợ? Trước giờ chú bỏ công thuê không biết bao nhiêu gia sư rồi mà có thấy khá khẩm gì hơn đâu, chỉ có cháu mới giúp thằng Trình Hâm nó tiến bộ vượt bậc như thế.

Chú cám ơn cháu còn không kịp, vài đồng học phí đã bõ bèn gì! Nhận đi!"
Trần Hân thành khẩn nói: "Thưa, thưa chú, lần trước, năm nghìn, đã là hậu lắm.

Cháu không, không bao giờ mơ đến..

Lần này, lại vừa được một vạn, cháu đã, mãn nguyện lắm rồi.

Cháu chỉ xin, xin nhận tấm lòng, của chú, đã thương cháu.." Nói xong, cậu cung kính chắp tay bái Trình Ức Viễn một lần.
Trình Ức Viễn trầm ngâm một lúc lâu rồi nói: "Nếu như thế thì lần này chú đành tôn trọng nguyện vọng của cháu vậy.

Tiểu Trần, cháu hãy nghe chú nói.

Cháu hoàn toàn xứng đáng với những khoản tiền này.

Đó là mồ hôi, là công sức mà cháu đã bỏ ra.

Học phí cũng thế, mà thù lao chép kinh cũng vậy.

Cháu đừng nghĩ là chú thương hại nên giúp cháu..

Cháu biết không, những nhà thư pháp có tên tuổi chỉ viết vài chữ đã đáng giá hàng vạn đôla, cho nên người ta bỏ một vạn đồng mua bản kinh cháu chép thì đấy là cái giá hời.

Tương lai cháu sẽ còn tiến xa, xa lắm.

Đừng tự ti mà đánh giá mình thấp quá, cháu biết chưa?"
Nghe những lời khuyên bảo hết sức chân tình của Trình Ức Viễn, Trần Hân nhớ đến người cha kính yêu của mình.

Cậu cảm động ứa nước mắt nói lời cảm tạ, lại cung kính bái Trình Ức Viễn một cái thật sâu.
Ngày hôm sau, hai anh em Trần Hân trở về trấn Mễ.

Lúc Trần Hân đưa ra một vạn đồng cho bà nội, bà cụ vốn luôn ôn hòa lại nổi giận, bảo cậu sao không biết điều, hết lần này đến lần khác nhận tiền của người ta.

Trần Hân khó khăn lắm mới thuyết phục được bà nội rằng đây là thù lao cậu chép kinh chứ không phải nhận của Trình Ức Viễn.
Bà cụ cảm thán mãi: "Hân Hân nhà ta gặp được quý nhân rồi."
Trần Hân vỡ lẽ.


Đúng thế, từ lúc gặp Trình Hâm, cuộc sống của cậu đã không ngừng tốt đẹp hơn thấy rõ.

Những khó khăn, buồn tủi đã khuất bóng tự lúc nào.

Nghĩ đến ngày mai chia lớp mới, có thể hai đứa bị tách ra, trong lòng Trần Hân lại buồn rười rượi.
Nhưng rồi ngày khai trường cũng đến.

Hai bà cháu khăn gói tất tả đáp xe đến trường đã thấy phụ huynh cùng các học sinh tụ lại bảng thông báo lớn.

Trần Hân nói với bà: "Bà, đợi cháu ở đây, cháu, cháu sang tìm, lớp mới."
Cậu vừa thả bao hành lý xuống đã bị ai đó nâng lên ngay.

Trần Hân quay lại nhìn, kia chẳng phải là Trình Hâm ư?
Trình Hâm mặc áo phông ngắn tay màu lam nhạt, quần kaki lam thẫm, chân mang giày da đen chững chạc, nở nụ cười: "Cháu chào bà ạ.

Cháu đã biết lớp và phòng ký túc mới của Trần Hân.

Hai bà cháu đi theo cháu nhé!"
Bà cụ cười hể hả, khen hắn nom ra dáng lắm rồi.

Trần Hân thì hơi kích động: "Tôi, tôi vào lớp nào? Cậu, cậu thì sao?"
"Cậu học 11A6, Kế Tiếp vào A3, Gấu hai A7, Tuấn Thưởng A8."
"Thế, thế còn cậu?"
Trình Hâm không nói gì.

Trần Hân hồi hộp hỏi: "Cậu, cậu vào A6 phải, phải không?"
Hắn mới toét miệng cười: "Chỉ được cái đoán đúng!"
Trần Hân nắm chặt tay, mở cờ trong bụng.

Tạ ơn Trời!
Bà nội cũng vui lây: "Tốt quá, thế là hai anh em lại có đôi có bạn với nhau! Cháu để mắt đến em nó hộ bà nhé! Thằng bé còn khờ khạo lắm!"
Trình Hâm ưỡn ngực: "Bà cứ yên tâm giao em nó cho cháu ạ!"
Trần Hân cảm thấy dường như lời mấy lời này hơi lạ nhưng chưa biết lạ ở chỗ nào.

Cậu nghĩ đến một vấn đề khác: "Thế chủ nhiệm, chủ nhiệm lớp ta là ai?"
"Khà khà, còn ai trồng khoai đất này, chính là anh Tuyển thân yêu!"
Trần Hân suýt chút nữa nhảy cẫng lên.
Có điều, năm nay Trần Hân phải ở chung phòng ký túc với hai nam sinh khác, đây là Phương Tuyển sắp xếp.

Chuyện là Trình Hâm được phân vào 11A5.

Biết tin, hắn nằng nặc đòi anh phải nhận mình vào A6.

Phương Tuyển đồng ý, thế nhưng chuyện ký túc thì tuyệt đối không nhân nhượng, Trình Hâm có kì kèo cách mấy cũng không lay chuyển anh được chút nào.
Trình Hâm hoạnh họe: "Tại sao bọn em không được ở cùng phòng? Em được quyền ở phòng riêng, muốn ở với ai thì ở chứ! Sao Trần Hân lại phải sang ở với hai thằng kia?"
"Lớp có 44 nam sinh, vừa vặn phân 11 phòng.

Mày được đặc quyền đặc lợi ở một mình một phòng thì không kể, còn Trần Hân phải ở với bạn khác, để ít nhất phòng đấy cũng có ba người.

Nếu mày đòi Trần Hân cũng bám theo mày thì phòng bốn người sẽ trống đến hai, buộc lòng phải lấp hai học sinh lớp khác vào chỗ trống, lại xào xáo lên.

Nhưng quan trọng nhất là" Một miệng kín, chín mười miệng hở ", người khác sẽ dị nghị hai đứa, mày có hiểu không?" - Phương Tuyển nhìn thẳng vào mặt hắn.

Đột nhiên Trình Hâm chột dạ.

Sau khi cân nhắc một lúc, hắn quyết định từ bỏ đặc quyền, đến ở cùng Trần Hân trong phòng bốn người.

Phương Tuyển xếp thêm Vu Hiểu Phi bên lớp cũ và một người nữa là Lưu Dương.

Lưu Dương không mấy nghịch ngợm, và cũng có quen biết với Trình Hâm.
Trình Hâm ngờ ngợ, Phương Tuyển nói thế tức là đã biết được gì rồi.

Có điều hắn cũng không sợ.

Hừ, còn chuyện Chu Tung nữa đấy! Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào đâu!
Bà nội nghỉ ngơi tại phòng ký túc có điều hòa cho mát, để Trình Hâm dẫn "em nó" lên văn phòng nhận lớp và làm thủ tục.
Phương Tuyển cười nói với cậu: "Kết quả thi cuối năm vừa rồi tốt cực! Hãy phát huy, em nhé!"
Đoạn anh quay sang Trình Hâm, dữ tợn: "Còn mày nữa, tao đã phải" chuyển nhượng "một học sinh" iu tú "của lớp để đổi về cái của nợ là mày! Năm nay cứ thi cử bết bát nữa đi rồi ốm đòn con ạ!"
Trình Hâm dửng dưng: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!"
Lúc ra khỏi phòng, Trần Hân hỏi hắn: "Cậu, cậu chuyển lớp à?"
Trình Hâm giơ tay gối sau đầu: "Ừ, lúc đầu tôi vào A5.

Thế nhưng anh Tuyển muốn tiếp tục giày vò tôi nên mới chuyển tôi sang A6." - Hắn giấu nhẹm chuyện chính mình vì cậu mà nài chuyển.
Gương mặt nhỏ nhắn của Trần Hân rạng rỡ: "May quá!"
Cơm trưa xong, bà nội ra về, không quên dặn dò giao phó "quả trứng vàng" nhà mình cho Trình Hâm.

Buổi chiều, cả bọn tụ họp lại ăn một bữa ngoài hàng, bắt đầu những tháng ngày "tan đàn xẻ nghé".

Từ Tuấn Thưởng mất tăm cả mùa hè, vừa nhìn thấy Trần Hân đã reo: "Ôi chao, cậu cao lên nhiều thế!"
Trình Hâm và anh em Tào Kế gặp cậu mỗi ngày nên chẳng để ý, nghe Từ Tuấn Thưởng nói thế cũng gật gù.

Trần Hân cười: "Ừ, cao, một tí."
Từ Tuấn Thưởng nói: "Ồ không, cao lên nhiều đấy chứ.

Này, hiệu thuốc bên cạnh có cân đo điện tử đấy, mau sang đo thử, tôi có sẵn tiền xu đây!"
Nghe nói phải bỏ tiền chỉ để đo chiều cao, Trần Hân lắc đầu: "Thôi."
Trình Hâm kéo cậu ra ngoài: "Còn một chốc nữa thức ăn mới bê lên.

Sang đo thử xem nào!"
Nhìn con số 171 trên bảng điện tử, Trần Hân há hốc mồm.

Hồi mùng ba tháng giêng cậu đo được 164 cm, ai ngờ chưa đến một năm đã cao lên nhiều như vậy! Trình Hâm xoa đầu cậu, cười: "Tốt lắm, cuối cùng em nó cũng vượt qua 1m7 rồi!"
Tào Kế cũng cười ha ha: "Ừ, thoát khỏi kiếp nấm lùn, sướng nhé!"
Từ Tuấn Thưởng cũng mừng cho bạn: "Tiếp tục cố gắng, cao hơn thằng Hâm luôn đi!"
Hai má Trần Hân ửng hồng vì vui và thẹn.
Lớp 11A6 là lớp phân ban Khoa học tự nhiên cuối cùng của khối, thế nhưng có thủ khoa ở đây, cả trường ai cũng phải kiêng dè.

Trong lớp có 10 học sinh từ lớp 10A8 cũ.

Trình Hâm và Trần Hân vẫn ngồi cùng bàn cuối, nói như Trình Hâm là để không làm lóa mắt mọi người! Mà quả thật, hai chàng đẹp trai, một oai vệ, một tài hoa ngay từ ngày đầu đã thu hút không ít ánh nhìn ngưỡng mộ của các nữ sinh (và cả những con mắt ghen tị của bọn nam sinh nữa).
Vào học được hai ngày, kỳ kiểm tra chất lượng đầu năm đã đến.

Trình Hâm và Trần Hân đều háo hức đợi chờ kết quả của mùa hè chăm chỉ vừa rồi!.