Nhóc Cà Lăm

Chương 107: 107: Thi Đại Học Đến Nơi





Bố con Trình Hâm đi rồi, bà nội bắt đầu mở quà của Trình Ức Viễn.

Món nào trông cũng khác hẳn hàng ở chợ, lại còn đóng gói bắt mắt, làm ông bà xuýt xoa mãi: "Chắc là đắt lắm đây!" Hai cụ vừa mừng vừa lo, cứ áy náy "không dưng mà nhận nhiều quà đắt thế", tuy rằng suy cho cùng đó cũng là công sức của cháu mình.
Trần Hi tự nhiên hơn hẳn, đem quần áo mới tròng vào người: "Bà ơi, xem cháu mặc có đẹp không?" Quần áo màu đỏ thẫm, kiểu dáng thật đẹp, thằng bé mặc trên người rất vừa vặn, nhìn đã thấy may mắn cả năm.
Trần Hân đột nhiên nhớ đến, kéo em trai lại vạch mác áo ra xem, xem xong kinh hãi hít một hơi.

Duy cái áo lông Trần Hi đang mặc thế mà giá hơn một nghìn đồng! Cậu vào buồng cầm túi của mình lên xem, thấy một bộ ba nghìn, hai bộ là năm nghìn! Trần Hân khiếp vía, run rẩy cầm điện thoại nhắn tin sang: "Trời ơi, mua quần áo gì mà đắt thế!"
Trình Hâm trả lời lại ngay: "Đâu có đắt, đều có khuyến mãi giảm giá cả đấy! Yên tâm mà mặc nhé." - Bây giờ hắn mới hối hận sao không nhanh tay cắt hết nhãn mác đi.
Trần Hân sững sờ, rồi nghĩ dù có giảm nửa giá đi chăng nữa cũng đắt chết người.

Làm sao mà cậu dám mặc cơ chứ! Bố con nhà này vung tay một cái đã hết mấy nghìn.

Quần áo như thế cả đời cậu cũng chưa dám cầm xem nữa là! Nhắn lại: "Tôi không dám mặc đâu, cậu đem trả lại cửa hàng đi mà."
Trình Hâm đáp: "Không được, đã nói không trả được rồi mà.

Hơn nữa đây là lần đầu bố tôi tặng quà cho cậu.

Cậu không nhận tức là không nể mặt ông ấy, sẽ để lại ấn tượng xấu."
Trần Hân không biết nói gì nữa.

Lúc này cậu nghe bà nội bảo: "Hi Hi c ởi quần áo ra cho bà cất nào, đợi mai mồng một hãy mặc."
Trần Hi ngần ngừ mãi, chạy đến trước mặt anh, xoay một vòng: "Anh ơi, xem em có đẹp không?"
Nhìn gương mặt nhỏ nhắn vui mừng của nó, Trần Hân thành thật bảo: "Đẹp lắm."
Bà nội cười bảo: "Người ta chu đáo thật, còn mua quần áo cho Hi Hi nữa.

Chà, chắc là đắt lắm nhỉ."
Trần Hân không muốn cho bà biết giá, chỉ nói: "Cháu, cháu cũng không biết ạ, Trình Hâm đi mua."
Bà cụ cũng không săm soi nhãn mác gì, chỉ bảo Trần Hi c ởi quần áo ra, xếp lại để sáng mai còn mặc.
Ăn cơm tối xong, anh em Trần Hân ôm chậu than xem chương trình Tết "Xuân vãn" phát trên đài truyền hình trung ương.

Ông bà lớn tuổi, không thức đêm được, đã vào đi nghỉ.

Trần Hi bảo sẽ cùng anh đốt pháo lúc giao thừa, thế nhưng thằng bé quen ngủ sớm dậy sớm, chưa đến mười giờ đã ngủ gà ngủ gật, nhưng vẫn cố gắng cầm cự, cầm di động của bà chơi game.
Trần Hân vừa nghe hài kịch, vừa cầm di động tán gẫu với bạn vừa chơi trò "cướp lì xì".

Mấy người trẻ tuổi thường chẳng mặn mà gì với chương trình truyền hình Tết, ai nấy đều đang khoe được mừng tuổi bao nhiêu.

Có không ít bạn được mấy nghìn, hoặc hơn một vạn đồng.

Trình Hâm là nhất, vì đỗ kỳ đặc tuyển bóng rổ Thanh Hoa mà được bà nội thưởng hẳn 10 vạn, cô hắn cũng đưa 10 vạn, Trình Ức Viễn thì khỏi phải nói, mừng tuổi cậu con cưng bằng tấm thẻ tín dụng hoàng kim hạn ngạch 100 vạn! Còn mẹ Trình Hâm thì hứa nếu hắn đỗ Thanh Hoa sẽ cho một căn hộ ở Bắc Kinh.

Tiền mừng tuổi của Trần Hân là ít nhất, ông bà nội cho hai anh em mỗi đứa 200 đồng.

Thế nhưng bấy nhiêu cũng dư dả để chơi "cướp lì xì" trên mạng, vì chỉ cần 1 đồng là có thể tung ra đến 5 bao, vừa tung vừa nhặt bao lì xì của chúng bạn phát ra, ai may mắn và nhanh tay cũng "cướp" được kha khá.
Chơi một lúc, Trần Hân chỉ nhặt được vài bao.

Cậu cười thầm nghĩ chẳng qua là vận may chỉ đến thế.

Tào Kế bị thiệt hại nặng nề nhất, tuy chỉ là trò chơi, mất không đến chục đồng, nhưng ai cũng bảo như thế là điềm sang năm xúi quẩy, làm Tào Kế cay cú phát điên.

Giao thừa đã điểm, Trần Hân đi đốt pháo.

Bánh pháo còn chưa nổ hết, Trình Hâm đã gọi điện sang.

Chờ pháo nổ xong, Trần Hân nhận điện.

Trình Hâm reo lên: "Trần Hân, năm mới vui vẻ! Anh.." Sau đó, giọng hắn bị tiếng pháo bên nhà bác họ Trần Hân át mất.
Trần Hân nói to: "Chúc mừng năm mới! Cậu, cậu vừa nói gì? Tôi, không nghe rõ."
Trình Hâm im lặng đợi một lúc lâu, mãi đến khi đầu dây bên kia ngưng hẳn tiếng pháo đì đùng ầm ĩ rồi mới hưng phấn nói: "Anh bảo hôm nay bố anh đến nhà em, bà em nhận sính lễ, như thế là người lớn hai bên đã định xong chuyện chúng mình rồi đấy.

Không cho em đổi ý, biết chưa? Nghe này, chi bằng đang lúc xuân đến tưng bừng, ngày lành tháng tốt, chúng mình cưới nhau trước, chờ đến ngày hai đứa đều" Bảng vàng thi đỗ cao ", đêm ấy mới thật là" Động phòng đêm hoa chúc "! Anh với em cùng lúc hưởng thụ hai trong bốn cái sung sướng lớn của đời người, có chịu không?"
Mặt Trần Hân nóng ran lên, á khẩu.
Trình Hâm giục: "Này, em nói gì đi chứ, có đồng ý không?"
Do dự hồi lâu, rồi Trần Hân ừ một tiếng.
Cậu nghe đầu kia "chụt!" một tiếng thật kêu: "Có thế chứ! Bé cưng năm mới vui vẻ nhé! Yêu em!"
Hai lỗ tai Trần Hân đỏ lựng lên, tên này hứng chí lên không ngờ "sến" thật.

Cậu nghiêng đầu cười ngốc một lúc lâu, mãi đến khi Trần Hi ló đầu ra gọi: "Anh ơi, đi ngủ được chưa?"
Trần Hân như tỉnh cơn say, nói với Trình Hâm qua điện thoại: "Ngủ ngon nhé, tôi đi ngủ đây, cậu cũng, đừng thức khuya quá!"
Trình Hâm nói: "Ừ, ngủ ngon nhé! Bye bye!"
Trần Hân vào nhà, đi chải răng chuẩn bị ngủ.

Lên giường, cậu cầm di động lên xem, có tin nhắn Wechat của Trình Hâm, là một phong bao đỏ chót, mở ra thì thấy 520 đồng ( "ngũ nhị linh" gần âm với "ngã ái nhĩ: Anh yêu em").

Nhìn con số kia, khóe miệng cậu cong lên, ngẫm nghĩ một chút rồi gửi cho hắn phong bao 131, 4 đồng ( "nhất tam nhất tứ" đọc như "nhất sinh nhất thế: Trọn đời trọn kiếp").

Cũng muốn bắt chước thiên hạ gửi hắn 1314 đồng, nhưng đâu có nhiều tiền thế! Trình Hâm hồi âm bằng hình một đôi môi đỏ mọng.
Trần Hân mang theo niềm vui ngọt ngào vào giấc ngủ.

Cậu mơ thấy mình và Trình Hâm đều mặc y phục đỏ, nến đỏ chập chờn.

Hai đứa đang chuẩn bị động phòng hoa chúc!
Giấc mộng đầu năm như thế là điềm rất tốt.

Trần Hân tự tin tràn đầy: Cả hai sẽ được toại nguyện.
Khi bầu không khí đầu xuân còn váng vất mùi khói pháo, các lớp 12 đã tựu trường.

Bây giờ là tháng hai, còn chưa đầy bốn tháng là đến ngày thi lớn, thời gian sẽ rất chóng trôi đi.

Mọi người không ai là không hồi hộp.

Trước hết chính là Từ Tuấn Thưởng, bởi vì trung tuần tháng hai là kỳ thi năng khiếu của Học viện điện ảnh Bắc Kinh.

Nam thanh nữ tú cả nước đổ về chốn đô hội phồn hoa, quyết thực hiện ước mơ được lên màn bạc.

Tất cả đã cố gắng rất nhiều, Từ Tuấn Thưởng cũng không ngoại lệ.
Đã mấy năm qua, vì ước mơ này mà Từ Tuấn Thưởng đã đổ bao nhiêu mồ hôi công sức, nếu xét về thời gian thì nỗ lực còn hơn cả Trình Hâm.

Cày cấy lâu nay, bây giờ đến ngày thu hoạch.


Dù Từ Tuấn Thưởng ý chí kiên định, mục tiêu rõ ràng, tính cách bình tĩnh, sắp đến giờ quyết định cũng không khỏi cảm thấy căng thẳng.
Trước lúc lên đường, các bạn đều ôm chặt cậu: "Tuấn Tuấn cố lên nhé, mọi người chờ tin tốt lành!"
Từ Tuấn Thưởng vẫy tay chào các bạn, dời gót lên kinh.

Nhà họ Từ vốn dòng dõi thư hương, ai nấy đều là trí thức, từ nhỏ đã bồi dưỡng cho cậu bé các môn nghệ thuật, mục đích là để cậu phát triển toàn diện, ngoài những giờ học tập còn có những thú vui tao nhã, có óc thẩm mỹ tinh tế, không nghĩ đến việc cho Từ Tuấn Thưởng dấn thân vào con đường ca xướng nhiều thị phi này.

May mắn là quan niệm của bố mẹ cậu rất cấp tiến, con mình quyết định chọn lựa tương lai cũng không ngăn cấm.
Cha mẹ Trình Hâm vốn xuất thân từ giới thời trang, giao thiệp khá rộng.

Mẹ hắn cũng có ý định cho con trai tham gia trình diễn, thế nhưng bố hắn không đồng ý.

Lại thêm Trình Hâm từ nhỏ đã phải xa mẹ, tình cảm có phần nhạt phai, mà bản thân hắn cũng không cảm thấy hứng thú với nghệ thuật biểu diễn.

Hơn nữa, bố Trình Hâm xưa kia là người trong nghề, có nói rằng giới ấy thoạt trông hào nhoáng, kỳ thực hết sức phức tạp, nhiều người vì danh vọng mà đánh đổi quá nhiều.

Trình Hâm thấy Từ Tuấn Thưởng say mê, cũng không nỡ đả phá, chỉ có lần lựa lời nhắc nhở thoảng qua.

Từ Tuấn Thưởng lúc ấy chỉ cười: "Không sao, tao không tham danh tiếng, tao chỉ thích biểu diễn thế thôi."
Thấy bạn tốt quyết tâm như thế, quan trọng hơn là tin tưởng rằng Từ Tuấn Thưởng luôn biết chừng biết mực, Trình Hâm hết lòng ủng hộ bạn, vì thông cảm cho người phấn đấu vì lý tưởng của bản thân.
Tình hình thi cử của Tuấn Thưởng tương đối phức tạp.

Suốt mười ngày, mọi người chỉ nhận được vài tin vụn vặt, qua điện thoại kịp nói đôi ba câu, tỷ như đã qua vòng sơ tuyển, hôm nay thi tiểu phẩm, hôm nay thi hình thể, vân vân.

Thời gian thi của Bắc Ảnh (Học viện điện ảnh Bắc Kinh) và Trung Hí (Học viện hí kịch trung ương) trùng nhau, Từ Tuấn Thưởng quyết định bỏ qua Bắc Ảnh, làm các bạn lo lắng một phen.

Chờ thi Trung Hí xong đã đến cuối tháng 2, Từ Tuấn Thưởng lại định xuôi phương Nam dự thi vào Thượng Hí (Học viện hí kịch Thượng Hải), bởi vì cậu thấy các thí sinh rất tài năng, mình thi thêm một trường là có thêm cơ hội đỗ.
Đợi Từ Tuấn Thưởng thi xong các trường nghệ thuật, năm học đã sắp kết thúc.

Điểm thi học kỳ vừa được công bố cũng không mấy khởi sắc.

Ngoại trừ Trần Hân với hơn 700 điểm không ai chê vào đâu được, thì Trình Hâm vẫn chỉ hơn 500.

Tạ Thế Kiệt nhìn bảng điểm vỏn vẹn 220, buồn bã gần phát khóc.

Nhìn cu cậu lực lưỡng cao ngót mét chín hai mắt rưng rưng, ai cũng thấy buồn cười, mà trong lòng thì lại thương, nên xúm vào an ủi mãi.
Ngày thi đại học đến gần, sách vở tài liệu trên bàn ai cũng chất cao như núi, che khuất đầu người đang ngồi hì hục làm bài.

Nhà trường lùi giờ tan học tối đến 10 giờ 50, thế nhưng nhiều bạn tự ở lại đến hơn 11 giờ, thậm chí là nửa đêm.

Ký túc xá khối 12 bỏ quy định giờ tắt đèn.
Trình Hâm không hài lòng chút nào với thành tích vừa qua, đêm đêm chong đèn khổ luyện, tự học xong, về ký túc xá tiếp tục làm bài đến tận nửa đêm, cũng không cho Trần Hân thức cùng mà bắt cậu đi ngủ, có gì không rõ thì hôm sau mới hỏi.

Hai người còn lại trong phòng vì thế cũng bồn chồn lên không ít.

Vu Hiểu Phi đùa: "Không ngờ có ngày bọn mình lại phải lấy thằng Hâm ca làm tấm gương chăm học."
Trình Hâm nhíu mày: "Sông có khúc, người có lúc.


Ai không phục thì đợi đấy mà xem!"
Tất cả cùng nỗ lực, cuối cùng kết quả có tăng lên.

Đến kỳ thi thử lần thứ nhì vào giữa tháng tư, Trình Hâm vượt qua 550 điểm.

Trần Hân rất hãnh diện về "chàng".

Những bạn khác cũng có tiến bộ.

Ngay cả Tạ Thế Kiệt cũng sắp đạt mốc 300.

Thế nhưng hai người ấy lại sắp phải đối diện hai kỳ thi thể dục.

Riêng Trình Hâm trung tuần tháng này phải dự kỳ sát hạch vận động viên cấp tỉnh.

Hắn quyết tâm thi lấy thành tích tốt.
Lúc Trình Hâm lên tỉnh dự sát hạch thì Từ Tuấn Thưởng cũng nhận được kết quả kỳ thi năng khiếu.

Thật đáng mừng là cậu đứng thứ 25, thuận lợi vượt qua vòng tuyển chọn nghệ thuật, bây giờ chỉ cần thi đại học đủ điểm sàn là đỗ hẳn.

Nhà trường quyết định khen thưởng học sinh đầu tiên vượt qua kỳ tuyển chọn nghệ thuật của Học viện hí kịch trung ương.
Các bạn ai cũng vui mừng cho Từ Tuấn Thưởng.

Trình Hâm vượt qua kỳ sát hạch dễ dàng.

Bây giờ cả hai chỉ việc tập trung ôn tập văn hóa.
Tin chiến thắng của Trình Hâm và Từ Tuấn Thưởng kích động học sinh toàn trường, trong đó phải kể đến Tạ Thế Kiệt.

Cậu chàng quyết chí nắm bắt cơ hội cuối cùng, vì chuẩn bị cho kỳ thi khối thể thao và kỳ thi đại học cùng một lúc mà mỗi ngày chỉ ngủ có năm giờ đồng hồ, chỉ thiếu nước buộc tóc lên trần nhà hay lấy dùi đâm vào chân để thức được lâu như những tấm gương hiếu học trong sách cổ.
Trần Hân là người bình tĩnh nhất.

Nếu không có gì bất ngờ xảy ra thì khả năng cậu đỗ vào Bắc Đại, Thanh Hoa là chắc chắn.

Dù đề thi khó hay dễ, thành tích của Trần Hân trước giờ luôn luôn ổn định, tổng điểm các môn thi chưa từng hạ dưới 700 (ngoại trừ lần đấy chỉ được 650 điểm do đau khổ vì tình).

Cậu xem kỳ thi đại học chỉ là một thủ tục mà thôi.

Nếu còn ở lại Trung học số 1, Trần Hân hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn xin tuyển thẳng vào Thanh Hoa hay Bắc Đại, tuy Trung học số 1 chưa hẳn đã cho cậu một suất, đơn giản bởi vì Trần Hân học quá giỏi, nhà trường sẽ trao cơ hội cho người khác để tăng số học sinh vào được trường đại học hàng đầu.
Trường Nhật Thăng chưa có nhiều uy tín, không được cấp tiêu chuẩn tuyển thẳng nào, Trần Hân chỉ có thể dựa vào sức mình.

Thế nhưng toàn trường từ ban giám hiệu đến các giáo viên không ai là không rạo rực, bởi vì năm nay, nhà trường đang đứng trước một cơ hội trước đây chưa từng có để gia tăng danh tiếng: Hai học sinh vào Thanh Hoa, Bắc Đại, một học sinh vào Trung Hí.

Nếu được như thế thì dù học phí có cao đến đâu, các phụ huynh cũng ùn ùn kéo đến xin nhập học cho con.
Trời ngày một nóng, ngày chia tay đến càng gần.

Trần Hân bắt đầu nhận được lưu bút của các bạn, cả nam sinh lẫn nữ sinh.

Cậu nắn nót viết những lời chúc chân thành gửi đến mọi người.

Đến tháng năm, càng nhận được nhiều lưu bút hơn nữa, không chỉ ở lớp A6 mà còn bên A8 cũ nhờ chuyển sang.

Ngày nào Trần Hân cũng viết lưu bút.

Cậu cũng hưởng ứng phong trào, lấy một quyển sổ ra làm lưu bút rồi chuyền tay cho mọi người ghi vào làm kỷ niệm.

Ai nấy đều tung hô Trần Hân đến tận mây xanh.


Lần nào Trình Hâm giở lưu bút của cậu ra xem cũng bảo: "Thật khéo nịnh! Nhưng mà chỉ được cái nói đúng!"
Phong trào lưu bút cũng xem như trò chơi tập thể cuối cùng trong lớp học.

Thời gian qua mau, mới đó mà tháng năm sắp tàn.

Nhiều bạn vẫn chưa làm xong bài vở.

Không mấy người tự tin rằng bản thân đã chuẩn bị sẵn sàng.
Thế nhưng đến hẹn lại lên, ngày thi cứ đến.

Nhằm phòng ngừa gian lận, danh sách học sinh được xáo trộn chứ không phải học trường nào, thi trường nấy.

Hội đồng thi của Trình Hâm với Trần Hân đều là trường Trung học số 1.

Biết cả hai được xếp thi cùng một nơi, Trình Hâm thở phào nhẹ nhõm.

Như thế hắn đỡ phải lo lắng việc ăn ở, đi lại của Trần Hân.
Kỳ thi diễn ra trong hai ngày mồng 7 và mồng 8 tháng sáu.

Ngày 4 trường học thả bọn học sinh lớp 12 về nhà cho thư giãn vài ngày, đương nhiên, không muốn về nhà cũng có thể ở lại trường.

Nhà Trần Hân xa, định ở lại trường, liền bị Trình Hâm kéo về nhà hắn, bảo trong trường làm sao bằng ở nhà, muốn ăn gì chỉ việc đi vài bước là đủ cả, còn hơn mỗi bữa phải lặn lội sang cư xá giáo viên, trời lúc này đang nắng nóng, nhỡ bị cảm thì sao, vân vân.
Bảo là nghỉ nhưng đầu óc ai cũng căng như dây đàn, chẳng màng vui chơi giải trí.

Từ Tuấn Thưởng và hai anh em Tào Kế "đóng đô" hẳn tại nhà Trình Hâm, để có gì không rõ còn có thể hỏi Trần Hân ngay.

Tạ Thế Kiệt cũng chạy đến.

Ban đêm cả bọn không đứa nào chịu về nhà, "cắm trại" luôn nhà bạn.

Trình Ức Viễn thấy thế cũng không lấy làm phiền.

Ông chưa bao giờ can thiệp việc kết bạn của con, vì đối với một người buôn bán mà nói, sự giao thiệp là hết sức quan trọng.

Biết đâu những đứa nhóc bây giờ ngày sau sẽ công thành danh toại thì sao? Lúc đấy Trình Hâm sẽ được nhờ.
Mấy ngày nay Trình Ức Viễn bỏ hết những cuộc xã giao, mỗi ngày về nhà đúng giờ, cùng ăn cơm với con trai và các bạn, lại còn tán gẫu với bọn nhóc, kể chuyện vào đời.

Trình Ức Viễn tốt nghiệp trung học xong, không lên đại học mà ra lăn lộn ngoài xã hội, tuy là sau đó cũng từng học lấy bằng quản trị doanh nghiệp nhưng vẫn không sánh được đại học chính quy.

Thế mà ông chủ hãng giàu sụ này lại bảo: "Có những quyển sách" thời thượng "viết đại ý rằng không cần phí sức học đại học cũng có thể thành công, mấy đứa đừng tin nhé! Những luận điệu kiểu ấy chỉ cốt để an ủi người học kém, hỏng thi, đánh vào tâm lý người khác để bán sách lấy tiền.

Xã hội muốn tiến bộ, quốc dân muốn văn minh thì chỉ có thể dựa vào tri thức.

Thử nhìn xem, chúng ta ngày nào cũng sử dụng những thiết bị công nghệ tối tân, chẳng nhẽ chỉ nhờ mấy tên nhà giàu mới nổi mà làm ra được à?"
Tất cả đều rất thích nghe Trình Ức Viễn nói chuyện.

Thanh niên mới lớn rất dễ chịu ảnh hưởng bên ngoài, chẳng mấy chốc đã xem ông như thần tượng.

Nhìn đám bạn mình đều tôn sùng lão bố, ngay cả Trần Hân cũng tỏ ra kính phục, Trình Hâm không cam lòng.

Trần Hân liền bảo: "Bụt chùa nhà không thiêng."
Nhờ Trình Ức Viễn khéo léo trò chuyện mà không khí căng thẳng được giải tỏa bớt.

Cứ thế, mọi người bình tĩnh nghênh đón kỳ thi quan trọng trong đời..