Nhớ Mãi Không Quên - Thiên Tại Thủy

Chương 88: Để ý




Chín giờ tối, Nguyễn Trinh bước ra khỏi phòng, trong phòng khách đầy yên tĩnh.

Phim truyền hình đã tạm dừng, chú mèo ngủ trên ghế sô pha, người trên ghế sô pha đang cúi đầu nhìn điện thoại, ngón tay cái bay múa.

"Sao lại không xem TV nữa?" Cô bước đến, hỏi Tống Nhĩ Giai.

Tống Nhĩ Giai gõ phím xong, lập tức cất điện thoại: "À, đang nhiều chuyện thôi."

Thật ra là đang bác bỏ một số tin xấu.

"Nói với ai vậy?" Nguyễn Trinh sờ sờ đầu nàng.

Hễ có người chạm vào đầu mình, Tống Nhĩ Giai sẽ hơi ngẩng đầu lên: "Một số người hỏi thăm tình hình của em."

Thật ra là một số người thích xen vào chuyện của người khác.

Nàng không muốn Nguyễn Trinh lo lắng, cho nên không nói với Nguyễn Trinh việc mình nhận được rất nhiều ngôn từ tục tĩu qua điện thoại.

Nguyễn Trinh gật đầu, thản nhiên nói: "Nói đúng chuyện thôi, giống như việc nghi ngờ Hứa Trường Phong vậy, chỉ có thể để cảnh sát thông báo."

Tống Nhĩ Giai:"Đó là chuyện đương nhiên."

Dù rất ghét hắn, nhưng nàng không muốn hắn làm ra loại chuyện mất nhân tính như vậy.

Từ đầu đến cuối, tất cả những gì nàng muốn là lời xin lỗi của hắn và không vướng bận gì nữa.

Nàng luôn duy trì lòng tốt cơ bản nhất đối với hầu hết những người mà mình biết và hy vọng rằng mọi người sẽ mạnh khỏe.

"Trông em có vẻ không vui."

Tống Nhĩ Giai vòng tay ôm Nguyễn Trinh, gối đầu lên bụng dưới của cô, khẽ thở dài: "Đụng phải loại chuyện này sao mà vui được?"

Nguyễn Trinh vẫn xoa đầu nàng: "Còn sợ sao?"

"Không, nhưng em không thể quên được hình ảnh đó."

Những ngày qua nàng không dám ăn thịt, hễ ngửi thấy mùi thịt lại muốn nôn.

Nguyễn Trinh cúi người xuống, nhìn thẳng vào Tống Nhĩ Giai, sau đó đặt lên trán nàng một nụ hôn nhẹ, dịu dàng nói:"Chúng ta cùng nhau xem một bộ phim đi. Chị giải quyết công việc xong rồi, thời gian còn lại đều thuộc về em."

Đều có thể dùng để bầu bạn cùng nàng.

"Chị ngồi xuống cùng em đi." Tống Nhĩ Giai kéo Nguyễn Trinh ngồi xuống sô pha.

Nguyễn Trinh cố ý chọn một bộ phim thư giãn và ấm áp để xem, nhưng Tống Nhĩ Giai lại xem có chút lơ đãng, thỉnh thoảng lại cúi đầu nhìn điện thoại

Mặc dù nàng thích nghịch điện thoại di động, nhưng sẽ luôn tập trung khi xem phim và TV.

Đêm nay có chút khác thường.

"Có rất nhiều người đang tìm em sao?" Nguyễn Trinh thử hỏi nàng.

Tống Nhĩ Giai lắc đầu: "Chỉ có đám bạn Chu Chu thôi, hỏi em một chút chuyện."

Thật ra, nàng đang bác bỏ những tin nhắn phiền phức đó, cũng đã lấy người bạn cùng phòng thời đại học làm cái cớ.

Có lẽ vì quen biết nhiều năm và tin tưởng nhau, nên mặc dù nàng và Nguyễn Trinh biết mật khẩu điện thoại của nhau nhưng lại chưa bao giờ kiểm tra điện thoại của đối phương, cũng rất ít hỏi đối phương đang tán gẫu với ai và đang nói về chuyện gì.

Bây giờ lại hỏi câu này, có lẽ Nguyễn Trinh sẽ nghi ngờ nếu nàng tiếp tục tranh luận với những người đàn ông đó. Tống Nhĩ Giai lập tức dừng lại, đặt điện thoại xuống, bỏ qua những đoạn tin nhắn phiền lòng kia.

*

Ba ngày sau, kết quả điều tra được công bố, Hứa Trường Phong là đối tượng khả nghi nhất.

Mẹ Hứa đã qua đời vào thứ bảy tuần trước. Sau khi chết, bà bị phân xác và nấu chín. Một số thịt đã nấu chín được đựng trong một chiếc túi màu đen trên sàn bếp. Sau khi bác sĩ pháp y ghép chúng lại, họ thấy rằng có một phần bị thiếu.

Cảnh sát đã đến kiểm tra một ngôi làng trong thành phố, trong làng có rất nhiều chó mèo đi lạc, có người sẽ cho chó mèo ăn, cảnh sát phát hiện tại điểm cho ăn có một số ngón chân nghi là ngón chân người, họ mang đi kiểm tra và phát hiện chúng là mẹ Hứa.

Có một con mương nhỏ ở ngoại ô ngôi làng trong thành phố, cảnh sát đã rút cạn nước mương và tìm thấy hai túi rác màu đen chứa đầy mảnh vụn, cũng là mô cơ thể của mẹ Hứa.

Cảnh sát suy đoán rằng sau khi Hứa Trường Phong phân xác và nấu chín, hắn ta định phi tang xác ở nhiều nơi khác nhau, nhưng chỉ kịp vứt hai túi, còn một số túi đã cho mèo hoang ăn.

Sau đó, Hứa Trường Phong bắt một con mèo hoang khác, tra tấn và giết nó, rồi ném nó trước cửa nhà Tống Nhĩ Giai để đe dọa nàng.

Sau khi Tống Nhĩ Giai gọi cảnh sát, Hứa Trường Phong vội vàng rời khỏi thành phố Giang Châu, thậm chí còn chưa kịp vứt xác.

Nếu không báo cảnh sát, không đến nhà để kiểm tra, chỉ sợ một tuần này cũng đủ để hắn xử lý xong thi thể.

Sau khi gọi cảnh sát, nếu hai cảnh sát kia kịp thời xử lý, thay vì không liên lạc được và gác lại vụ án, như vậy Hứa Trường Phong đã không trốn thoát.

Họ bị cấp trên quy trách nhiệm vì lơ là nhiệm vụ — đây là tin tốt duy nhất mà 12345 phản hồi Tống Nhĩ Giai khi nàng ở nhà.

Tin xấu là cảnh sát đã đến thành phố C để bắt hắn ta, nhưng Hứa Trường Phong đã ôm tiền trốn khỏi thành phố C, cảnh sát đã phát báo cảnh và lệnh truy nã, chủ đề này nhanh chóng trở thành tìm kiếm nóng trên các nền tảng lớn.

Đang là tâm điểm của dư luận, lúc nào cũng có hàng trăm cuộc gọi đến mỗi ngày.

Hai người mặc kệ, không lướt web, không tiếp nhận bất kỳ phương tiện truyền thông không chính thống nào phỏng vấn, mỗi ngày chỉ báo cáo sự an toàn cho một số người thân và bạn bè, thời gian còn lại đều ở nhà chơi với mèo, xem phim truyền hình và làm tì.nh.

May mắn thay, các video và hình ảnh theo xu hướng tìm kiếm đều được ghép lại, sự chú ý của mọi người đều tập trung vào vụ án mạng kinh hoàng, ít người để ý đến việc nàng ăn mặc hở hang, khoe thân.

Chỉ có những người đàn ông trước đó vẫn gửi tin nhắn để quấy rối Tống Nhĩ Giai.

Tống Nhĩ Giai lợi dụng thời gian rảnh nhấc điện thoại lên phản bác.

Đến đêm, vất vả lắm mới có thể chìm vào giấc ngủ, nhưng trong mộng lại mơ về những ngày cấp hai của mình.

Nàng mặc một chiếc quần lộ đùi, rất đẹp, nàng rất thích, các bạn học nhìn thấy cũng lộ ra nụ cười không có ý gì tốt. Nàng hỏi bọn họ cười cái gì, họ đều không trả lời, chỉ quay lưng đi, xì xầm to nhỏ cùng bạn học của mình:"Cô ấy dâm quá."

Cô ấy dâm quá...

Bốn chữ này quanh quẩn trong đầu nàng cả đêm.

Khi tỉnh dậy vào ngày hôm sau, đầu Tống Nhĩ Giai có chút choáng váng.

Nàng cúi đầu cuộn người lại.

Những ký ức xa xăm xuất hiện trong giấc mơ, khiến nàng nhớ lại rất nhiều cảnh tượng thời cấp hai.

Sự độc đoán và cực đoan của nàng đã khiến bản thân phải chịu đựng những lời đàm tiếu và bạo lực lạnh từ các bạn cùng lớp trong một thời gian dài.

Lúc mặt đối mặt, họ xem nàng như không khí không tồn tại. Sau lưng, họ tụ tập lại với nhau, nói về trang phục của nàng, vừa cười vừa nói:"Cô ấy dâm quá.", "Không phải đang quyến rũ đàn ông sao?"

Những lời này khiến nàng cảm thấy bản thân thật sự không chịu nổi.

Hiện tại, nàng cho rằng mình đã quên. Đối mặt với những tin nhắn khó hiểu kia, nàng có một trái tim mạnh mẽ, có thể không kiêng nể gì mà đánh trả, nhưng vô luận là trốn tránh hay đánh trả, trong lòng vẫn sẽ tồn tại một tia nghi ngờ bản thân.

Năm đó, cách chống trả của nàng là trốn vào một góc khóc thầm, sau đó còn làm mọi chuyện tệ hơn khi nhuộm tóc và mặc quần áo lố lăng. Cuối cùng, ngay cả mẹ của nàng, Tống Uy, cũng không thể nhìn được nữa, chỉ thẳng vào nàng và mắng:"Ăn bận cái quỷ gì mỗi ngày vậy?"

Nàng phản bác lại những lời nói đó đầy mạnh mẽ để chứng tỏ rằng bản thân không bận tâm.

Bây giờ, trước mặt Nguyễn Trinh, nàng vờ như không có việc gì, sau đó lại trả lời từng tin nhắn công kích mình vì trang phục hở hang.

Nàng giả vờ như không có chuyện gì xảy ra để che giấu cảm xúc thật của mình.

Đã nhiều năm qua đi, nàng cho rằng nội tâm mình đã trở nên mạnh mẽ hơn, vui vẻ rạng rỡ, có nhiều bạn bè, cũng nghĩ rằng mình có thể không để tâm đến những lời nói đó nữa.

Tuy nhiên, giấc mơ là phản ứng tâm lý thực tế nhất.

Nàng thật sự rất bận tâm.

*

Một tuần trôi qua, kỳ nghỉ của cả hai đã kết thúc, phải quay trở lại với công việc.

Trước khi đi làm, Nguyễn Trinh dặn dò Tống Nhĩ Giai: "Nếu ai đó hỏi em, cứ nói em không biết nhiều cho lắm, chờ cảnh sát bắt được người mới biết được."

Tống Nhĩ Giai thất thần gật đầu.

"Nếu thật sự không ổn, em có thể ở nhà nghỉ ngơi thêm vài ngày." Nguyễn Trinh đề nghị.

Cô lo Tống Nhĩ Giai vẫn chưa hồi phục sau khi nhìn thấy hiện trường vụ án mạng.

"Hoặc em đến Tam viện cùng chị đi, chị sẽ sắp xếp chuyên gia tư vấn tâm lý cho em."

Những ngày này, Nguyễn Trinh sợ nàng sẽ lưu lại bóng ma tâm lý, vì vậy cô đã nói chuyện với nàng rất nhiều, ở bên cạnh nàng ngay khi hoàn thành xong công việc.

Nhưng khi gặp phải những điều này, có người có thể mất cả tháng, thậm chí cả năm hoặc lâu hơn, mới có thể hoàn toàn buông bỏ.

Hơn nữa, chuyện gì cũng cần có thời gian, thời gian đủ dài, mới có thể quên được.

Tống Nhĩ Giai lắc đầu:"Em không còn sợ chuyện đó nữa, chỉ muốn được trở lại cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt, đi làm cũng không tệ."

Ít ra, có việc để làm sẽ giúp nàng tạm thời bớt để ý những tin nhắn rác kia.

"Ừm, có việc gì cứ gọi cho chị." Nguyễn Trinh xoa xoa đầu nàng, sau đó vươn tay ôm lấy nàng, rồi chạy đến bệnh viện làm việc.

*

"Chào buổi sáng, chủ nhiệm Lưu."

"Hả? À, bác sĩ Nguyễn, chào buổi sáng... đi làm lại rồi đấy à?"

"Vâng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm."

"À à."

Trong bệnh viện, Nguyễn Trinh chủ động chào hỏi đồng nghiệp, trò chuyện đôi ba câu. Cách đối phương nhìn cô dường như khác trước, tránh mặt cô, không muốn giao tiếp với cô nhiều hơn.

Các đồng nghiệp xung quanh cô cũng gần như vậy, nhìn cô bằng ánh mắt dò xét, có khinh thường, có làm lơ, gần như không còn vẻ ôn hòa như trước.

Nguyễn Trinh nhạy bén nhận ra điều này, không nói gì, thay áo blouse trắng, đi đến phòng bệnh để xem những bệnh nhân thuộc nhóm của mình.

Trong tuần này, cảnh sát chắc chắn đã đến bệnh viện để điều tra lá thư trình báo của Hứa Trường Phong, và mối quan hệ giữa cô và Tống Nhĩ Giai, sợ rằng lãnh đạo bệnh viện cũng biết chuyện này.

Chỉ chờ lãnh đạo bệnh viện nói chuyện với cô vậy.

Cô không quan tâm liệu mình có bị yêu cầu viết đơn xin thôi việc hay không.

Bởi vì tiếp theo, cô sẽ chủ động đệ đơn từ chức.

Nguyễn Trinh đi đến phòng bệnh, nghe thấy âm thanh của TV, bài Poker và những cuộc trò chuyện sôi nổi giữa các bệnh nhân.

Ở phòng bệnh, dường như là một thế giới khác.

Thức dậy, ăn cơm, uống thuốc, xem ti vi, đánh bài, lặp đi lặp lại đều đặn, mỗi người đều chìm đắm trong cảm xúc của riêng mình, có đủ loại ý tưởng hay thay đổi, không nhìn ra thế giới bên ngoài.

Giường 26 là một bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực, 20 tuổi. Thỉnh thoảng, khi không có nơi nào để trút hết năng lượng, cô ấy sẽ dọn dẹp sạch sẽ cả trong và ngoài khoa, thậm chí còn vội vàng giúp người bên cạnh giường giặt quần áo. Đôi khi cô ấy nói quá nhiều, giọng nói của cô ấy lớn đến mức Nguyễn Trinh có thể nghe thấy cô ấy nói chuyện với mọi người trong văn phòng. Cũng có lúc cô ấy im lặng, co ro trên giường bệnh như cây nấm.

Bệnh nhân giường 27 bên cạnh, 16 tuổi, mắc bệnh tự kỷ đơn thuần tâm thần phân liệt, rất ít nói, một ngày không nói được lời nào, có thể nằm trên giường không nhúc nhích, Nguyễn Trinh thường chọc cô ấy nói thêm vài câu.

Nguyễn Trinh cầm tập hồ sơ bệnh án, vừa bước đến giường 26, cô gái trên giường 26 đã lớn tiếng nói với cô:"Bác sĩ Nguyễn, tôi nghe lỏm được những bác sĩ và y tá đó nói cô thích phụ nữ, là người đồng tính, có đúng không vậy?"

Cô gái nhỏ trên giường 27 cũng quay đầu lại nhìn Nguyễn Trinh.

Trước mặt cô, tất cả đồng nghiệp đều tránh nói về xu hướng tính dục của cô, nhưng bệnh nhân giường 26 đã hỏi thẳng.

Nguyễn Trinh bình tĩnh mở thư mục hồ sơ bệnh án, xem hồ sơ bệnh án của hai người họ trong mấy ngày qua, vừa đọc vừa bình tĩnh trả lời:"Đúng vậy, tôi thích phụ nữ."

Giường 26 hỏi: "Ôi chao, vậy thì cô sẽ không giống như bọn tôi, bị đưa vào viện điều trị đâu nhỉ."

Nguyễn Trinh thản nhiên nói: "Sẽ không, thích người cùng giới không phải bệnh."

"Vậy là tốt rồi. Uống thuốc khó chịu lắm, nên đừng vào đây mà uống thuốc nhé. Tôi thấy cô rất xinh, tính cách cũng tốt, có bạn gái chưa?"

Nguyễn Trinh gật đầu, cười nói: "Tôi có bạn gái rồi."

Cô gái nhỏ trên giường 27 lặng lẽ nhìn Nguyễn Trinh.

Nguyễn Trinh chọc cô bé:"Em có gì muốn hỏi chị không? Hỏi gì cũng được."

Cô gái nhỏ không nói gì, nhìn đi nơi khác.

Khi cô bé sẵn sàng nói, tình trạng của cô bé sẽ bắt đầu cải thiện.

Đáng tiếc, có lẽ Nguyễn Trinh không đợi được đến ngày cô bé nói chuyện vì phải rời khỏi bệnh viện này.

Mặc dù sắp rời đi, nhưng Nguyễn Trinh vẫn đi quanh phòng bệnh như thường lệ, thăm hỏi từng bệnh nhân của mình và trò chuyện với họ.

Sau khi từ phòng bệnh trở về, cô được gọi vào phòng chủ nhiệm khoa.

Chủ nhiệm lập tức xổ một câu: "Giai Giai nhỏ tuổi hơn cô, con bé không hiểu chuyện. Cô lớn hơn con bé 5 tuổi, sao cũng không hiểu chuyện như vậy?"

Nguyễn Trinh cúi người nhìn mũi chân, không nói gì.

Chủ nhiệm tiếp tục mắng:"Nếu cô là đàn ông, thì đó là một giai thoại, kết hôn với con gái của cố vấn, rất tuyệt vời! Nhưng các cô đều là phụ nữ, sao lại thế này được? Cô không sợ bị chọc quê à? Cô không sợ việc tự hủy hoại tương lai mình sao? Cô không sợ rằng người thầy của cô sẽ báo mộng tìm cô à?"

Nguyễn Trinh đã trải qua ba năm làm nghiên cứu sinh tại Tam viện, cô là bác sĩ được đào tạo bởi khoa tâm thần số hai, xuất sắc về mọi mặt. Chủ nhiệm khoa cũng nhìn cô lớn lên từng ngày, lúc này, bên cạnh sự tức giận, ông ấy cũng chỉ tiếc việc hận sắt không thành thép.

Nguyễn Trinh không còn gì để nói ngoại trừ câu nói:"Cháu xin lỗi."

Lúc trước, cô cũng đã từng xưng một tiếng "thầy" với một số đàn anh đàn chị trong khoa. Khi cô học cao học, họ không chỉ dạy cô kiến ​​thức y học mà còn dạy cô rất nhiều nguyên tắc sống.

Nguyễn Trinh rất biết ơn họ và chỉ có thể nói lời xin lỗi vì đã không đáp ứng được kỳ vọng của họ.

Thấy thái độ của cô, chủ nhiệm dần bình tĩnh lại, hòa hoãn nói:"Cô đến từ khoa của chúng tôi. Tống Uy đã đào tạo và dạy dỗ cô. Tôi đã chứng kiến ​​cô trưởng thành. Cô có trình độ chuyên môn cao và nghiêm túc trong công việc, bệnh nhân cũng rất thích cô. Bây giờ cô đã có luận án và có kinh nghiệm học tập ở nước ngoài, kinh nghiệm cơ sở, chỉ cần cô đủ thâm niên và thi đậu phó trưởng khoa, bệnh viện chúng tôi nhất định sẽ thuê cô làm phó trưởng khoa. Tự bản thân cô suy nghĩ lại việc nên đi con đường tiếp theo như thế nào đi."

Lúc này Nguyễn Trinh mới ngẩng đầu lên, dịu dàng nói: "Chủ nhiệm, cháu muốn học tiến sĩ, chú có thể giúp cháu viết một lá thư giới thiệu được không?"

Rời khỏi nơi đào tạo, tức là rời khỏi tuyến đầu của thực hành lâm sàng.

Rời khỏi lâm sàng, rời khỏi bệnh viện, rời khỏi Giang Châu và nhìn ra thế giới bên ngoài.

*

Vào buổi tối, sau khi rời khỏi bệnh viện, Nguyễn Trinh trở về nhà.

Tống Nhĩ Giai vẫn chưa về. Cô gửi tin nhắn cho Tống Nhĩ Giai, hỏi: [Tan tầm chưa? ]

Đợi vài phút, Tống Nhĩ Giai không trả lời.

Nguyễn Trinh đi cho mèo ăn trước, xúc cát mèo, chuẩn bị làm bữa tối.

Nửa tiếng sau, cô vẫn chưa nhận được hồi âm từ đối phương.

Đơn vị công tác của cả hai có thời gian tan tầm giống nhau, nhưng bệnh viện có thể không tan ca đúng giờ, bình thường Tống Nhĩ Giai luôn về nhà trước.

Hơn nữa, Tống Nhĩ Giai rất thích nghịch điện thoại di động, rất ít khi xảy ra tình huống nửa ngày không trả lời tin nhắn.

Nguyễn Trinh trực tiếp gọi cho Tống Nhĩ Giai.

Điện thoại reo rất lâu mới được kết nối.

Nguyễn Trinh hỏi: "Em đã ở đâu vậy?"

Tống Nhĩ Giai sụt sịt, giọng nói mang theo tiếng khóc nức nở:"Em đến nghĩa trang thăm mẹ, chị có muốn đến không? Chị biết đường không?"

Nghĩa trang của Tống Uy ở phía nam thành phố, việc đầu tiên Nguyễn Trinh làm khi trở về Giang Châu là đến nghĩa trang tặng cho Tống Uy một bó hoa, nên đương nhiên biết đường.

Cô ra ngoài, quen đường và tìm thấy Tống Nhĩ Giai trong nghĩa trang.

Tống Nhĩ Giai ngồi bên bia mộ của Tống Uy, gương mặt giàn giụa nước mắt. Khi nhìn thấy Nguyễn Trinh từng bước đi đến, nàng gạt nước mắt, nghẹn ngào, cố giữ thể diện, nói:"Lòng người cũng đều là thịt, em buồn nên khóc một chút, không sao đâu..."

- -------