Lúc đến văn phòng, Nguyễn Trinh vừa mặc chiếc áo blouse trắng và mang huy hiệu vào, liền nghe thấy tiếng hét lớn đến nao lòng từ phòng bệnh.
Giọng nói rất quen thuộc. Cô bước đến nơi phát ra âm thanh và nhìn thấy cô gái vừa mới dùng giọng điệu nhỏ nhẹ, ngoan ngoãn trả lời mình vào tuần trước giờ đây đang khóc lóc thảm thiết, lớn tiếng chửi bới y tá, còn vươn tay đánh mạnh vào cánh tay của y tá.
Y tá bị đánh đến mức phải lui về phía sau.
Nguyễn Trinh vội vàng bước đến, tách cả hai ra và nắm lấy cổ tay cô gái:" Có chuyện gì vậy?"
Cô y tá giận dữ nói: "Lại lên cơn rồi!"
Người dì trên giường bệnh bên cạnh giúp cô ấy giải thích:" Buổi sáng tỉnh dậy, con bé khóc xong rồi cười, cười xong lại khóc. Vừa rồi, con bé nghi ngờ y tá buộc băng huyết áp chặt quá, y tá nói không có, con bé liền mắng chửi người ta."
Nguyễn Trinh nhìn về phía cô gái trên giường bệnh.
Tâm trạng tăng vọt, cảm xúc hưng phấn nhưng cũng dễ cáu gắt và hưng cảm.
Cô gái trẻ thở hổn hển, vừa khóc vừa gáo rú:" Cô ta cố ý nhắm vào tôi!"
Mức độ hormone ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh, sự tức giận mãnh liệt và những giọt nước mắt đầy bi thương khiến cô ấy dao động giữa hai thái cực, hoàn toàn mất kiểm soát.
Trong mắt người khác, cô ấy bỗng trở thành một kẻ xấu tính, hết thuốc chữa.
Cô ấy vừa khóc vừa chỉ trích cô y tá một cách không mạch lạc. Cô ấy nói rất nhanh, cơ thể cũng thoáng run, đặc biệt, tay cô ấy run rẩy dữ dội.
Nguyễn Trinh ngồi xổm xuống, nhìn cô gái trên giường bệnh, lấy khăn giấy lau nước mắt cho cô ấy rồi nắm chặt tay cô ấy. Bác sĩ nội trú phụ trách giường bệnh mang theo bác sĩ thực tập vội vàng chạy đến. Có rất nhiều người vây quanh giường bệnh để an ủi cảm xúc của cô gái.
Nguyễn Trinh ra lệnh tiêm thuốc an thần, đồng thời yêu cầu một y tá phụ trách giường khác đến thực hiện.
Phía sau mọi hành động thường luôn có lý do.
Xung đột với người khác là động cơ sinh ra sự mất kiểm soát cảm xúc.
Khi cô gái họ Ngụy bình tĩnh lại một chút, Nguyễn Trinh nhẹ giọng hỏi: "Gần đây có uống thuốc đúng giờ không?"
Cô gái không trả lời, Nguyễn Trinh khẽ buông tiếng thở dài.
Trong thời gian nằm viện, sau khi y tá phát thuốc, họ chỉ được rời đi khi tận mắt chứng kiến bệnh nhân uống thuốc, chắc chắn không bao giờ xảy ra trường hợp tự tiện dừng thuốc.
Nguyễn Trinh và bác sĩ tuyến dưới muốn đến phòng bệnh án để kiểm tra hồ sơ bệnh án và đơn thuốc mới nhất của bác sĩ.
Cô gái trên giường bệnh đột nhiên nói một cách đầy nhỏ nhẹ:" Bác sĩ, làm ơn dùng dây trói tôi lại đi..."
Đai cố định dùng để cố định và giữ bệnh nhân lại, tránh để bệnh nhân tự làm đau bản thân, tự gây thương tích, ngã khỏi giường hoặc không hợp tác với các thao tác điều trị và điều dưỡng.
Nguyễn Trinh vỗ vỗ vai cô ấy:" Tạm thời không cần. Tôi sẽ sắp xếp một liệu pháp tâm lý khác cho em vào buổi sáng. Khi mẹ em đến, tôi sẽ nói với bà ấy."
Bố cô ấy nằm liệt trên giường vì tai nạn. Cô ấy đã chứng kiến vụ tai nạn ấy, dẫn đến tổn thương tâm lý. Một mình mẹ cô ấy lo toàn bộ chi phí cho cả gia đình, ngày ngày bôn ba giữa bệnh viện và nhà mình.
Dù không có tiền trong tay nhưng mẹ cô ấy vẫn sẵn sàng dốc hết sức để đưa con gái mình vào viện chữa trị.
Nhưng vì tài chính eo hẹp, mẹ cô ấy phải cầu xin Nguyễn Trinh hết lần này đến lần khác. Ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp ra, đừng nên sử dụng những loại thuốc hoặc phương pháp điều trị quá đắt tiền.
Tất nhiên, bà ấy đã lén đến văn phòng van nài sau lưng con gái mình.
Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, và mỗi gia đình không hạnh phúc đều không hạnh phúc theo cách riêng của họ.
Làm việc trong bệnh viện, đối phó với nhiều bệnh tật và số phận, sẽ chứng kiến nỗi buồn và đau khổ của nhiều gia đình khác nhau.
Bệnh nhân có khả năng đồng cảm quá mạnh hoặc các bác sĩ, y tá có khả năng đồng cảm như thế thường dễ sống trong đau đớn hơn.
Vẫn còn phải làm rất nhiều việc vào ca trực sáng, vì vậy Nguyễn Trinh không thể nói quá nhiều với cô gái bên giường bệnh. Cô chỉ để hai thực tập sinh hiền lành và chăm chỉ học tập ở lại, trò chuyện với cô gái và an ủi tâm hồn cô ấy.
Có lẽ kỹ năng lớn nhất của tâm thần học là lắng nghe và nói chuyện. Tại nơi đây, giao tiếp là một hoạt động kỹ thuật.
Sau khi công việc tăng ca kết thúc, Nguyễn Trinh lại đi một vòng quanh bệnh khu.
Có một chàng trai ở phòng bệnh bên cũng có hoàn cảnh như cô gái này. Cô nghe y tá kể rằng hôm qua hắn đã tổ chức một buổi biểu diễn tại ban công phòng bệnh, cứ hát mãi bài hát của Châu Kiệt Luân từ sáng cho đến tận tối mịt. Trước khi đi ngủ, hắn lại tiếp tục ca hát. Bác sĩ trực ban phải dọa rằng nếu tiếp tục hát và không chịu ngủ, bệnh viện sẽ trói hắn lại, thế nên hắn mới ngoan ngoãn ngủ thiếp đi.
Hôm qua còn tràn đầy năng lượng, nhưng hôm nay hắn lại nằm trên giường, ủ rũ và bất động.
Bố mẹ đi cùng hắn đến bệnh viện nhìn thấy Nguyễn Trinh, họ nhanh chóng giữ chặt lấy cô trong hành lang, khẽ hỏi:" Bác sĩ, đã nhiều năm trôi qua rồi, liệu cách điều trị này có thực sự hiệu quả không? Tôi không muốn điều trị nữa, tôi muốn đón nó về nhà để tự chăm sóc."
Nguyễn Trinh trấn an và nói: "Đừng mất niềm tin vào việc điều trị, bệnh này đến và đi rất nhanh, nhưng cũng rất dễ tái phát.
Các bệnh tâm thần khác cũng vậy, đều tương đối dễ tái phát.
Bác có thể xem đây là một bệnh mãn tính, giống như huyết áp cao và đường huyết cao, phải tuân thủ điều trị và dùng thuốc lâu dài.
Hơn nữa, bệnh này rất cần sự giúp đỡ của người nhà. Khi bệnh nhân lên cơn hưng cảm, họ có thể không nghĩ rằng mình bị bệnh và không chủ động đi khám, nên rất cần người nhà phát hiện, hỗ trợ hợp tác điều trị kịp thời và giám sát việc uống thuốc. Điều trị tích cực có thể kiểm soát bệnh, giảm tái phát, có cơ hội quay trở lại cuộc sống bình thường và khỏe mạnh.
Nếu gia đình mất niềm tin vào phương pháp điều trị và ngừng dùng thuốc, cảm xúc và suy nghĩ của cậu ấy sẽ dao động như một chiếc tàu lượn siêu tốc, thậm chí cậu ấy sẽ có xu hướng làm tổn thương chính mình và những người khác. Có lẽ cậu ấy sẽ không thể sống một cuộc sống bình thường trong suốt phần đời còn lại của mình được nữa."
Chữa lành, điều trị, an ủi và bầu bạn cùng bệnh nhân tâm thần là những thứ thiết yếu đi cùng với nhau.
Kể từ khi bắt đầu hành nghề, cô đã gặp rất nhiều bệnh nhân trầm cảm, lo lắng và rối loạn lưỡng cực. Một số bệnh nhân nghiêm trọng đến mức suy nghĩ chậm chạp, thậm chí không thể nói được những câu trò chuyện đơn giản. Sau đó, họ đã có thể giao tiếp suôn sẻ và cười với những người xung quanh.
Việc điều trị tích cực luôn luôn có hiệu quả.
Nhưng bố mẹ vẫn đang than ngắn thở dài.
Nguyễn Trinh nhìn vị phụ huynh đang cau có và đề nghị:" Bác cũng có thể trò chuyện với nhà trị liệu tâm lý của chúng cháu nếu có thời gian."
Bệnh tật của một người, đôi khi sẽ kéo theo những người khác vào cảm giác trầm cảm và lo âu.
Bố mẹ người bệnh muốn hút một điếu thuốc, Nguyễn Trinh liền chỉ vào tấm biển cánh báo cấm hút thuốc tại hành lang:" Đây là khu vực cấm hút thuốc, hai người có thể xuống khu vực hút thuốc ở tầng dưới."
Nói xong, cô kiểm tra thời gian, sau đó mang thực tập sinh đến phòng khám ngoại trú.
Phòng khám bắt đầu lúc chín giờ, Nguyễn Trinh nhìn thấy rất nhiều gương mặt quen thuộc.
Đối với các phòng khám ngoại trú tâm thần và tâm lý, vì đặc thù nên hầu hết họ sẽ tìm cùng một bác sĩ để theo dõi và tư vấn thuốc.
Nguyễn Trinh đột nhiên nhớ đến người bạn học từng theo đuổi Tống Nhĩ Giai. Hình như hắn đã không đến tái khám từ rất lâu, không biết hắn dã đổi bác sĩ khác hay tình hình bệnh đã thuyên giảm hơn không.
Hy vọng là thuyên giảm.
Bệnh nhân đầu tiên bước vào có vẻ mặt uể oải, cũng là một gương mặt quen thuộc, trước đó đã từng nhập viện, hiện tại đến tái khám lần hai.
Đây là một bệnh nhân có các triệu chứng điển hình. Nguyễn Trinh hỏi bệnh nhân một vài câu hỏi để đánh giá tình trạng bệnh, nhân tiện cô cũng yêu cầu các thực tập sinh đến để dạy bảo.
Nguyễn Trinh hỏi: "Anh có nhớ trước đây anh đã từng uống thuốc gì không?"
Bệnh nhân trả lời: "Thuốc bác sĩ kê đơn không có tác dụng."
Nguyễn Trinh:" Sáng nay anh đã ăn gì?"
Bệnh nhân:" Cháo nhạt nhẽo quá, không có thịt, họ không cho thịt."
Nguyễn Trinh: "Anh cả trong nhà đã kết hôn chưa?"
Bệnh nhân: "Tôi có một người con trai và một đứa con gái, vì vậy tôi đã tạo ra từ "tốt"*."
(*Từ 好 (tốt) được ghép từ ý nghĩa của con trai và con gái.)
Nguyễn Trinh: "Ba cộng ba bằng bao nhiêu?"
Bệnh nhân: "Ba ba bằng chín."
Nguyễn Trinh quay lại và hỏi các sinh viên thực tập:" Các em có nhận thấy anh ấy gặp vấn đề gì không?"
Các sinh viên thực tập nhìn nhau một lúc, sau đó, một nữ sinh viên trả lời:" Anh ấy luôn trả lời sai câu hỏi."
"Đúng vậy." Nguyễn Trinh gật gật đầu và kết luận:" Anh ta có thể hiểu vấn đề, hỏi gì đáp nấy, nhưng luôn trả lời sai trọng tâm. Nhưng mỗi câu trả lời sai đều rất sát với câu trả lời đúng."
Câu trả lời gần đúng là biểu hiện lâm sàng điển hình của hội chứng Ganser. Hội chứng này thường gặp ở những bệnh nhân sau chấn thương, trông giống như biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ nhưng thực chất không có triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ hữu cơ. Nó còn được gọi là "chứng mất trí nhớ giả".
Bệnh nhân thứ hai vẫn là một gương mặt quen thuộc. Một bé gái 14 tuổi mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Trong dịp Tết năm nay, em ấy đã cãi nhau với đứa em 10 tuổi của mình. Người em gái giận dỗi chạy xuống tiểu khu để chơi đùa, sau đó bị một chiếc ô tô chạy ngang qua cán nát.
Cô bé tận mắt chứng kiến cái chết của em gái, nên luôn tự trách bản thân và không ngừng tự ngược đãi chính mình. Ban đầu, bố mẹ cô bé chìm đắm trong nỗi đau mất đứa con gái nhỏ nên không quan tâm đến cô bé, thậm chí còn trách móc cô bé không chịu trông coi em gái, thậm chí còn hại chết người em. Cảm xúc tội lỗi và tự trách bản thân đan xen vào nhau, vào một đêm nọ, em ấy đã uống một lượng lớn ma t.úy để tự tử. Sau đó, bố mẹ đã phát hiện và đưa em ấy đến bệnh viện súc ruột rồi chuyển em ấy đến bệnh viện tâm thần để điều trị.
Lần này, cô bé lại tự hại bản thân mình, nên đã được bố mẹ đưa đến bệnh viện để tái khám.
Nhìn thấy vết sẹo dữ tợn trên cổ tay cô bé, Nguyễn Trinh liền hỏi:" Việc này có làm giảm cảm giác tội lỗi và tự trách bản thân trong em không?"
Cô bé nói: "Em muốn dùng mạng của mình để trả lại cho em gái."
Khi bố mẹ nghe thấy câu nói này, họ đều ứa nước mắt.
Nguyễn Trinh nhìn thoáng qua bố mẹ cô bé:" Em nghĩ rằng bố mẹ sẽ tha thứ cho em nếu em làm chuyện này, đúng không?"
Cô bé không trả lời, ngầm thừa nhận lời nói của Nguyễn Trinh.
Bệnh nhân này cần được điều trị tâm lý nhiều hơn và thuốc chỉ có thể giúp em ấy vượt qua giai đoạn cấp tính.
Nguyễn Trinh đã sắp xếp cho cô bé nhập viện để được tư vấn tâm lý, bao gồm cả liệu pháp nhóm gia đình.
Rõ ràng, đó không chỉ là vấn đề của cô bé, mà là vấn đề của cả gia đình.
Phòng khám ngoại trú sẽ gặp phải rất nhiều bệnh nhân có người nhà mắc bệnh, tỷ dụ như bố mẹ cố chấp nuôi nấng con cái mắc bệnh trầm cảm. Sự ảnh hưởng của gia đình đến tâm lý của bệnh nhân không hề nhỏ, thậm chí còn ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Nếu là một căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, gia đình có thể thông cảm và đồng hành cùng nhau. Nhưng đối với bệnh trầm cảm, lo âu và các bệnh tâm thần khác, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó hiểu và cho rằng đây chỉ là việc vặt vãnh. Ngay cả khi bác sĩ đề nghị cha mẹ cần hợp tác trị liệu gia đình, họ vẫn tỏ thái độ không đồng tình.
Kiêu hãnh và định kiến, luôn tồn tại ở khắp mọi nơi.
*
Sau khi tan tầm vào lúc chiều tối, Nguyễn Trinh lái xe đến đơn vị của Tống Nhĩ Giai để đưa nàng đến bệnh viện.
Ngay khi vừa nhìn thấy nàng, câu đầu tiên Nguyễn Trinh nói là:" Em cảm thấy công việc này như thế nào?"
Tống Nhĩ Giai đến bên Nguyễn Trinh, cúi đầu, dùng trán mình chạm vào bờ vai cô:" Lãnh đạo và đồng nghiệp cũng không tệ, họ biết bà ngoại em bị ốm nên cho em nghỉ thêm vài ngày để chăm lo cho gia đình."
Nguyễn Trinh mỉm cười và nói:" Em vẫn còn đang trong giai đoạn bảo hộ người mới. Đợi ba tháng sau làm việc chính thức rồi hẵng xem xét lại lần nữa."
Tống Nhĩ Giai vẫn đang dụi đầu vào vai Nguyễn Trinh. Cô liếc nhìn qua kính chiếu hậu, bỗng dưng nhìn thấy một hình bóng quen thuộc. Cô thoáng sửng người một chút, rồi dùng khuỷu tay chạm vào Tống Nhĩ Giai và hỏi:" Bạn học cũ của em cũng làm việc gần đây sao?"
Tống Nhĩ Giai ngẩng đầu lên:" Hửm? Bạn học cũ nào?"
Nguyễn Trinh nói:" Cậu học bá thích em vào thời trung học. Lần trước, cậu ấy đến chỗ chị để khám bệnh rối loạn lo âu, tên Hứa Trường Phong."
Tống Nhĩ Giai nói:" Em cũng không biết nữa. Lần trước em đã come out với cậu ấy và nói rằng em không thích đàn ông, sau đó bọn em không liên lạc với nhau nữa."
Nguyễn Trinh dùng đầu ngón tay gõ vào vô lăng, khẽ nhướng mày, có chút ngạc nhiên:" Em come out với cậu ta à?"
"Vâng. Cậu ấy thích em, nhưng em không thích cậu ấy, cho nên em không thể cản đường cậu ấy được. Chị đừng lo, dù cậu ấy có nói cho người khác biết, em cũng có thể nói với họ em chỉ dùng chuyện này làm cái cớ để từ chối thôi." Nói xong, nàng ôm lấy cánh tay của Nguyễn Trinh, khẽ trách móc:" Nhưng nếu cứ che giấu như thế này thực sự rất mệt. Giá như một ngày nào đó, đất nước của chúng ta có thể hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thì quá tốt rồi..."
Nguyễn Trinh đang lưỡng lự không biết có nên xuống xe hỏi thăm bệnh tình gần đây của Hứa Trường Phong hay không. Nhưng trong lúc nói chuyện, cô bỗng dưng không còn nhìn thấy hắn nữa. Sau khi nghe được lời nói này của Tống Nhĩ Giai, cô liền xoa xoa đầu nàng, thầm thở dài một tiếng và nhẹ nhàng nói:" Em mệt mỏi vì chuyện này sao? Trong tương lai, sẽ còn nhiều rắc rối hơn nữa."
Vẫn chưa biết chắc được cả hai có thể cùng nhau đi đến cuối con đường được hay không.
- -------