Nho Lâm Ngoại Sử

Chương 38: Quách hiếu tử núi sâu đụng cọp sư cam lộ đường hẹp gặp thù






Đỗ Thiếu Khanh giữ Quách Hiếu Tử ở lại nhà mình ở bên sông để ăn cơm, uống rượu. Sau đó, Đỗ cùng Vũ Thư đến nhà Ngu bác sĩ để nói cho Ngu biết Quách là người như thế nào và xin Ngu viết một bức thư để Quách mang đi Tây An. Ngu bác sĩ chăm chú lắng nghe và nói:



- Cố nhiên, tôi sẽ viết thư! Nhưng viết thư vẫn chưa đủ. Ông ta cần tiền vì đường xa vạn dặm. Anh Thiếu Khanh! Tôi nhờ anh đưa cho ông ta một vài lạng bạc mà không cần nói đó là tiền của tôi.



Ngu liền viết ngay một bức thư, lấy bạc đưa cho Đỗ Thiếu Khanh. Đỗ nhận tiền và thư rồi cùng Vũ Thư về cái nhà ở bên sông. Đỗ cũng đem cầm áo quần của mình lấy bốn lạng bạc. Vũ Thư cũng đem đồ đi cầm được hai lạng nữa. Họ cố tình giữ Quách ở lại thêm một ngày. Trang Thiệu Quang nghe vậy cũng viết một bức thư và đưa cho Đỗ bốn lạng bạc. Sang ngày thứ ba, Đỗ dọn bữa cơm sáng mời Quách ăn. Vũ Thư cũng ngồi tiếp. Ăn xong hai người buộc hành lý hộ Quách, đưa cho Quách hai mươi lạng bạc và hai phong thư. Quách không dám nhận. Đỗ Thiếu Khanh nói:



- Số tiền này là số tiền của mấy người chúng tôi ở Giang Nam chứ không phải là tiền phi nghĩa, tại sao ông lại không nhận?



Quách Hiếu Tử mới chịu nhận. Ăn cơm xong, Quách cáo từ ra đi. Đỗ Thiếu Khanh và Vũ Thư tiễn đến cửa Hán Tây mới trở về.



Quách ngày đi đêm nghỉ, đi một mạch đến Thiềm Tây. Vì Vưu làm tri huyện ở Đồng Quan, nên Quách Hiếu Tử lại phải đi vòng đến Đồng Quan để gặp Vưu. Ông Vưu tên là Phù Lai tự là Thuỵ Đình, vốn là một danh sĩ ở đất Nam Kinh. Năm ngoái, vừa đến Đồng Quan, Vưu đã làm một việc tốt. Có một người nguyên quán Quảng Đông bị đày lên Thiềm Tây cùng mang vợ đi theo, không ngờ anh ta đi được nửa đường thì chết. Người vợ khóc than thảm thiết. Người đi đường nghe nói đều không hiểu tiếng nên phải đưa lên gặp quan. Vưu thấy chị ta muốn trở về làng, lòng không nỡ, cho năm mươi lạng bạc và sai một sai nhân già đưa về quê quán. Vưu tự mình lấy một miếng lụa trắng viết một bài văn rất cảm động, ký tên mình là Vưu Phù Lai vào đấy, đóng dấu tri huyện Đồng Quan ở dưới và dặn sai nhân: "Mày dẫn người đàn bà kia đi và mang theo tấm lụa này. Đến đâu, huyện nào mày cũng đưa tấm lụa ra cho quan địa phương và xin đóng dấu vào đấy. Sau khi đã đưa bà ta về quê quán rồi, mày phải mang thơ của quan địa phương về cho ta".



Sai nhân vâng dạ. Người đàn bà rập đầu lạy tạ rồi ra đi. Non một năm sau, sai nhân trở về nói:



- Dọc đường đi các quan địa phương đọc bài văn của ngài, đều thương xót người đàn bà đó. Người cho mười lạng, kẻ cho tám lạng, sáu lạng. Lúc bà ta về nhà có được hai trăm lạng! Con đưa bà ta về đến Quảng Đông, trong họ có hơn một trăm người đều quì giữa trời lạy tạ ân đức của ngài! Họ lại rập đầu lạy con, gọi con là "Bồ Tát". Nhờ ơn ngài, con cũng mang ơn lây!



Vưu Công nghe nói rất mừng rỡ thưởng cho hắn mấy lạng bạc và cho hắn ta.



Một người mang thiếp vào báo với Vưu rằng:



Quách Hiếu Tử đã đến, mang theo một bức thư của Ngu bác sĩ.



Vưu mở thư ra xem, trong lòng vô cùng cảm phục, liền mời vào chào hỏi và sai dọn cơm ăn. Đang lúc nói chuyện, người giữ cổng vào báo:



- Mời quan xuống làng khám nghiệm!



Vưu nói với Quách:



- Thưa ông, việc này là việc quan, cho nên tôi phải đi, ba ngày nữa mới về. Tôi mong ông đợi ở đây, khi về tôi sẽ có mấy lời thưa lại. Vả chăng, lần này ông đi Thành Đô, tôi cũng có một người bạn ở đó muốn nhờ ông mang giúp cho một cái thư, xin ông chớ từ chối!



- Ông đã nói vậy, tôi đâu dám chối từ! Nhưng có một điều tôi là người tính tình quê mùa không thể ở chỗ nhà quan. Ở đây có cái am nào thì cho tôi đến đấy ở vài ngày.



- Am thì cũng có, nhưng hẹp. Ở đây có viện Hải Nguyệt Thiền Lâm, vị hòa thượng ở đấy là người có học thức, đưa ông đến đấy ở cũng được.



Bèn dặn bọn nha dịch:



- Dẫn ông Quách và đem hành lý của ông đến viện Hải Nguyệt Thiền Lâm. Nói với hòa thượng rằng ta đưa ông ta đến nhé!



Sau dịch vâng dạ. Quách cáo từ. Vưu tiễn ra cửa mới thôi



Quách Hiếu Tử cùng sai dịch đến phòng khách viện Hải Nguyệt Thiền Lâm. Nghe có khách đến, có người chạy vào báo. Vị hòa thượng già ra hỏi thăm mời ngồi uống trà, và bọn sai dịch trở về. Quách hỏi hòa thượng:




- Có phải cụ từ trước đến nay vẫn ở đây không?



- Bần tăng trước ở am Cam Lộ phủ Thái Bình, huyện Vũ Hồ ở Nam Kinh. Sau đó, bần tăng được đổi về chùa Báo Quốc ở Bắc Kinh. Nhưng vì chán cái cảnh náo nhiệt ở kinh đô, bần tăng mới xin đến ở đây. Ông họ Quách phải không? Ông đi Thành Đô có việc gì?



Thấy hòa thượng mặt mày kham khổ nhưng rất hiền từ, Quách nói:



- Việc này con không dám nói ra với ai, nhưng con xin nói thực với cụ.



Quách bèn đem việc mình tìm cha gian khổ như thế nào kể lại một lượt. Vị hòa thượng già thở than rơi lệ, giữ Quách ở lại và đến tối làm cơm chay cho ăn. Quách đưa cho hòa thượng hai quả lê mình mới mua trên đường cái. Hòa thượng cảm ơn Quách, bảo người bếp mang hai cái vại lớn ra trước sân, bỏ một quả vào cái vại rồi đồ đầy nước, lấy gậy đập quả lê nát nhừ. Sau đó gõ mõ gọi hai trăm vị tăng đến, mỗi người uống một chén. Quách thấy vậy gật đầu thán phục.



Sang ngày thứ ba, Vưu trở về sai dọn một bữa tiệc, mời Quách ăn, lúc uống rượu xong, Vưu đem ra năm mươi lạng bạc, một bức thư và nói:



- Thưa ông, tôi muốn mời ông ở lại ít lâu, nhưng việc đi tìm cha là việc lớn, tôi không dám giữ lại. Nay tôi có năm mươi lạng biếu ông dùng tạm làm tiền ăn đường. Ông đến Thành Đô đem bức thư này của tôi cho ông Tiêu Hạo Hiên. Ông ta là một người có đạo đức của cổ nhân, nhà ở cách Thành Đô hai mươi dặm, nơi ấy gọi là Đông Sơn. Ông đến tìm ông ta, có việc gì cần, ông ta có thể giúp.



Quách thấy Vưu hết sức khẩn khoản không từ chối được nên chỉ còn cách nhận tiền và cám ơn. Quách lấy tiền và thư rồi cáo từ. Quách đến việc Hải Nguyệt Thiền Lâm, từ biệt hòa thượng. Hòa thượng chắp tay nói:



- Khi đến Thành Đô gặp được phụ thân, thế nào cư sĩ cũng viết cho bần tăng một bức thư để bần tăng khỏi lo lắng.



Quách vâng dạ. Hòa thượng tiễn ra cửa nói quay vào.



Quách vai mang hành lý lại đi mấy ngày nữa. Đường đi gồ ghề cheo leo. Đi một bước, sợ một bức. Hôm ấy, đi đến một nơi thì trời sắp tối. Nhìn xa không thấy làng xóm gì. Quách đi một lát nữa thì gặp một người, Quách vái chào hỏi:



- Cụ làm ơn cho biết còn đi bao nhiêu nữa thì đến quán trọ?



Người kia đáp:



- Còn hơn mười dặm nữa. Ông khách! Ông nên đi gấp đi. Ban đêm trên đường có hổ đấy! Cần phải cẩn thận!



Quách Hiếu Tử nghe vậy vội vàng bước nhanh. Trời đã gần tối. May sao khắp thung lũng hôm ấy là khoảng mười bốn, rằm, mặt trăng lên cao chiếu rất sáng. Quách Hiếu Tử đạp ánh trăng mà đi, đến một khu rừng bỗng một cơn gió thổi mạnh, lá cây rơi ào ào. Cơn gió vừa qua thì một con hổ nhảy ra! Quách Hiếu Tử kêu lên:



- Nguy rồi!



Và ngã lăn ra đất.



Con hổ vồ Quách và ngồi lên trên. Nó ngồi một lúc thấy Quách nhắm nghiền hai mắt, nó tưởng Quách đã chết, bèn đi moi một cái hố. Nó kéo Quách vứt vào hố lấy lá khô phủ lên trên rồi bỏ đi. Quách ở trong hố mở mắt nhìn thấy hổ ta đã đi xa mấy dặm. Hổ lên đỉnh núi, hai con mắt đỏ như hai hòn than vẫn quay lại nhìn. Thấy Quách nằm yên, nó bèn bỏ đi. Quách ở trong hố bò ra, nghĩ bụng:



- Tuy con quỉ kia đi rồi, nhưng thế nào nó cũng trở lại ăn thịt mình. Bây giờ làm thế nào?



Lúc bấy giờ Quách chưa nghĩ ra được cách nào. Nhìn thấy một cây to ở trước mặt. Quách liền trèo lên. Trong bụng lại nghĩ: nếu con vật trở lại mà hét lên một tiếng thì mình có thể hoảng sợ ngã lăn xuống được! Quách bèn nghĩ ra một kế, tháo dây buộc chân ra, buộc mình vào thân cây.



Đến nửa đêm, mặt trăng sáng như ban ngày. Quách thấy con hổ kia đi trước mang theo một con vật gì toàn thân trắng như tuyết, trên đầu có một cái sừng, hai con mắt đỏ rực như hai ngọn đèn và lúc đi thì đứng thẳng. Quách nhận không biết đó là con gì, chỉ biết nó tiến đến gần và ngồi xuống. Hổ ta vào hố tìm. Không thấy người, nó hoảng hốt nằm rạp xuống. Con vật kia giận lắm, giơ chân ra tát một cái vào đúng đấu con hổ làm con hổ chết tươi.



Con vật kia dựng ngược cả lông, trông rất ghê sợ. Nó ngẩng lên nhìn thấy trên cành cây có bóng người. Nó bèn nhảy vọt lên. Lần đầu tiên nó vồ trật và rơi đạch xuống đất. Nó lại ra sức vồ lần nữa. Lần này, nó chỉ cách Quách có một thước. Quách nghĩ bụng: "Chuyến này mình hết đời rồi". May sao trên cây có một cái cành khô, con vật kia nhảy lên, bụng va đúng vào cành khô. Vì dùng sức mạnh quá cành cây đâm thủng cả bụng, sâu đến một thước. Nó càng giẫy giụa thì cành cây càng đâm vào sâu. Nó vật lộn hết sức, đến nửa đêm thì bị chết treo trên cành cây.



Khi trời tảng sáng, có mấy người đi săn, tay mang võ khí. Nhìn thấy hai con vật kia, họ giật mình hoảng sợ.



Quách ở trên cây kêu lên, những người đi săn đỡ Quách xuống, hỏi họ tên. Quách nói:



- Tôi là người qua đường. Cũng may trời phật phù hộ khiến cho tôi bảo toàn được tính mạng. Bây giờ tôi vội phải đi ngay. Các ông đem hai con vật này đến quan địa phương để xin tiền thưởng.



Mấy người đi săn đưa lương khô thịt khô và thịt nai ra mời Quách ăn. Họ mang hành lý hộ, đưa Quách năm sáu dặm rồi từ biệt.



Mang hành lý lên vai, Quách đi thêm mấy ngày đường nữa, rồi vào nghỉ trọ ở một am nhỏ trong thung lũng. Vị hòa thường trong am hỏi Quách về đường đi, đưa cơm rau ra ngồi bên cửa sổ cùng ăn. Đang lúc ăn cơm, Quách Hiếu Tử thấy có ánh sáng đỏ hình như cháy nhà ở đâu đây. Quách vội vàng đặt bát xuống kêu lên:



- Cháy nhà! Cháy nhà!



Hòa thượng mỉm cười nói.



- Cư sĩ cứ ngồi yên, không nên hoảng sợ. Đó là con "Anh tuyết" của tôi đấy!



Ăn cơm xong, thu dọn bát đĩa, hòa thượng ra mở cửa sổ, chỉ cho Quách thấy:



- Cư sĩ xem kìa!



Quách đưa mắt nhìn thấy ở núi trước mặt một con vật gì kỳ lạ đang ngồi xổm. Nó chỉ có một cái sừng và một con mắt, mắt lại sinh ở đằng sau tai. Con vật kỳ lạ này gọi là con "Bi hoàn" 1. Băng dù dày đến mấy thước nó chỉ hét một tiếng là vỡ tan. Hòa thượng nói:



- Đấy là con "Anh tuyết" đấy!



Đêm ấy tuyết rơi lả tả, suốt một ngày một đêm, dày đến ba thước, Quách không đi được đành phải ở lại một ngày.



Sang ngày thứ ba, tuyết tạnh. Quách từ biệt hòa thượng ra đi, men theo đường núi đi một bước lại trượt một bước. Hai bên đều là khe suối, băng tuyết nhọn hoắt như dao. Quách đi chậm. Trời đã chiều, ánh sáng tuyết chiếu xa xa chừng nửa dặm thấy một cái gì đỏ đang treo lủng lẳng trên cành cây trước mặt. Một người đi đường ở đằng trước ngã lăn xuống khe. Quách đứng lại, trong lòng nghi hoặc:



- Tại sao hắn thấy vật kia lại ngã lăn xuống khe?



Nheo mắt nhìn, Quách thấy một người từ cái vật đỏ kia nhô ra, lấy hành lý của người kia mang đi mất. Quách nghi ngờ, vội vàng bước lên. Thì thấy ở trên cành cây treo một người đàn bà, tóc xoã, người mặc một cái áo đỏ, miệng ngậm một miếng vải đỏ lòng thòng giả làm lưỡi lè ra. Ở dưới chân, chôn một cái vại có một người ngồi ở trong. Người kia thấy Quách đi đến liền nhảy xổ ra. Nhưng thấy Quách dáng người oai vệ, hắn không dám giở trò, liền chắp tay nói:



- Ông khách, ông đi đi, việc này không liên quan gì đến ông cả!



Quách nói:



- Anh làm trò đó, ta biết cả rồi! Anh đừng sợ ta sẽ giúp cho. Người đàn bà nào giả làm bộ chết treo đấy?




- Đó là vợ tôi.



- Anh tháo dây cho người ta xuống đi! Nhà anh ở đâu? Ta đến đó chơi!



Người kia tháo cái dây thắt ở đằng sau gáy và để người đàn bà đứng xuống. Người đàn bà vấn lại mái tóc xoã, rút lưỡi giả ở miệng ra, tháo vòng giắt ở cổ để buộc sợi dây và cởi áo đỏ ra. Người kia chỉ cái nhà có hai gian ở bên đường nói:



- Đó là nhà của tôi.



Hai vợ chồng đưa Quách đến cái nhà ấy. Đến nhà, họ mời Quách ngồi, đi nấu một ấm trà. Quách nói:



- Anh chẳng qua là không có kế sinh nhai, nhưng tại sao lại làm những việc ác như thế? Làm người ta sợ hãi mà chết là trái với lẽ trời. Tôi tuy nghèo, nhưng thấy vợ chồng anh đến tình cảm ấy, cũng rất thương! Tôi ở đây có mười lạng bạc, xin biếu hai vợ chồng anh, anh nên kiếm kế sinh nhai không nên làm cái trò này nữa, tên anh là gì?



Người kia nghe vậy, sụp lạy Quách, nói:



- Cảm ơn ông giúp đỡ. Tôi tên là Mộc Nại, hai vợ chồng vốn là con nhà tử tế. Gần đây, vì đói rét quá cho nên phải làm việc này. Nay nhờ ông giúp tôi tiền vốn, từ nay tôi sẽ bỏ cuộc đời cũ. Xin ân nhân cho biết họ tên?



Quách nói:



- Tôi họ Quách, người Hồ Quảng, nay đi đến phủ Thành Đô.



Người vợ cũng ra lạy, làm cơm mời Quách ăn. Quách ăn cơm xong nói với Mộc Nại:



- Thấy anh có gan dọa dẫm người ta trên đường, chắc anh phải có ít võ nghệ. Chỉ sợ võ nghệ anh không cao, thành không làm được việc gì lớn. Tôi có biết nghề múa đao, đánh quyền, để tôi truyền cho anh.



Mộc Nại mừng lắm, giữ Quách Hiếu Tử hai ngày liền. Quách dạy cho y đao và quyền cẩn thận. Mộc Nại nhận Quách làm thầy. Sang ngày thứ ba, Quách kiên quyết ra đi. Mộc Nại gói lương khô, thịt khô, mang hành lý hộ Quách, tiễn ngoài ba mươi dặm mới cáo từ trở về.



Quách lại mang hành lý đi được mấy ngày nữa. Hôm ấy trời rất lạnh, gió tây bắc thổi, đường núi đông lại như sáp trắng, vừa cứng vừa trơn. Quách đi đến chiều, nghe trong hang núi có tiếng gầm, một con hổ nhảy xổ ra. Quách nói:



- Lần này thì chết thật rồi!



Liền ngã lăn ra đất, bất tỉnh nhân sự. Hổ vốn chỉ ăn thịt những người nào sợ nó. Nay thấy Quách nằm thẳng cẳng ra đấy, hổ không dám ăn thịt, chỉ cúi xuống ngửi vào má, râu mép hổ đâm vào mũi Quách, làm cho Quách hắt hơi một cái thật mạnh. Hổ ta giật nẩy mình, quay lưng nhảy lên đỉnh núi rơi vào một cái khe. Khe này sâu lắm, hổ bị băng nhọn hoắt như đao kiếm đâm ngang mình chết cứng.



Quách lổm ngổm bò dậy, không thấy con hổ nữa, nói:



- Thật là hú vía!



Quách lại mang hành lý đi. Quách đến Thành Đô và biết tin rằng cha mình đã làm hòa thượng trong một cái am cách đấy bốn mươi dặm. Quách hỏi được chỗ ở liền đi đến am, gõ cửa. Hòa thượng ra thấy con giật nẩy người, Quách thấy cha, quỳ dưới đất, khóc nức nở. Hòa thượng 2 nói:



- Xin ông đứng dậy! Tôi không có con. Ông nhận lầm tôi.



- Con đi vạn dặm đến đây tìm cha, sao cha không nhận?



- Tôi đã nói mà! Tôi không có con. Ông có cha thì ông tìm, tại sao lại nhìn bần tăng mà khóc?



- Mặc dầu mấy mươi năm con không thấy cha nhưng có lẽ nào con không nhận ra cha?



Và quỳ xuống không đứng lên nữa. Hòa thượng nói:



- Bần tăng từ nhỏ xuất gia, làm gì có con với cái?



Quách khóc rống lên nói:



- Cha không chịu nhận con, nhưng con nhất định nhận cha!



Cứ thế năm lần bảy lượt, hòa thượng giận lắm:



- Mày là đứa côn đồ ở đâu đến đây quấy nhiễu ta! Cút đi! Ta đóng cửa chùa bây giờ!



Quách Hiếu Tử quì ở dưới đất, khóc rống lên không chịu ra. Hòa thượng nói:



- Mày không ra thì tao lấy dao giết mày!



Quách Hiếu Tử nằm rạp dưới đất, khóc và nói:



- Thưa cha! Cha cứ giết con đi! Con không ra đâu!



Hòa thượng giận lắm, hai tay nắm lấy cổ áo Quách lôi ra ngoài rồi đóng cửa lại. Quách kêu mấy cũng không thưa.



Quách khóc ở ngoài cửa một hồi, khóc rồi lại khóc, nhưng không dám gõ cửa.



Thấy trời sắp tối; Quách nghĩ bụng.



- Thôi! Thôi! Chắc cha ta không chịu nhận ta rồi!



Ngẩng đầu lên nhìn Quách thấy am này là am Trúc Sơn. Quách đành thuê một cái phòng cách đấy nửa dặm. Hôm sau, thấy một hòa thượng ở cửa am đi ra. Quách đút tiền cho hòa thượng để đưa củi và gạo vào nuôi cha. Không đầy nửa năm, tiền bạc hết nhẵn. Quách muốn đến Đông Sơn tìm Tiêu Hạo Hiên nhưng lại sợ đi thì không gặp và không ai lo cơm nước cho cha. Quách phải làm thuê cho một nhà gần đấy, gánh đất và chặt củi cho họ, mỗi ngày kiếm vài đồng cân bạc để nuôi cha. Có người bên cạnh đi Thiểm Tây, Quách viết thư kể lại tỉ mỉ câu chuyện tìm cha, nhờ người kia đưa đến cho hòa thượng ở Hải Nguyệt Thiền Lâm.



Hòa thượng nhận được thư rất là mừng rỡ, lại càng kính phục Quách. Được mấy hôm, một vị sư đến viện. Hắn chính là Triệu Đại cầm đầu bọn cướp. Hắn để tóc xõa, hai con mắt trợn trừng, dáng điệu hung ác. Hòa thượng từ bi giữ hắn ở lại nhưng hắn uống rượu, hành hung, đánh người, không có cái gì mà hắn không làm. Người sư trưởng dẫn các tăng đến nói với hòa thượng:



- Giữ hắn lại viện thì phá hoại hết cả quy củ! Hòa thượng mời hắn đi, hắn không chịu.



Sau đó, người sư trưởng bảo một người đến nói với hắn.



- Hòa thượng bảo ông đi, ông không đi, hòa thượng có truyền: nếu ông không chịu đi thì sẽ chiếu theo qui củ của viện mang ra sân sau bỏ vào lửa mà thiêu sống.




Tên sư hung ác nghe vậy, nổi giận. Hôm sau, không cần từ biệt hòa thượng, hắn mang áo quần ra đi.



Hòa thượng ở đấy nửa năm, muốn đến núi Nga Mi chơi, nhân tiện đi Thành Đô gặp Quách. Bèn từ biệt mọi người mang hành lý, dầm sương, dãi nắng, đi thẳng đến Tứ Xuyên.



Sáng hôm ấy, sau khi đi khỏi Thành Đô trăm dặm, hòa thượng đi xem cảnh núi vào một cái quán trà để uống trà. Ở đấy đã có một hòa thượng khác nhận ra mình nhưng hòa thượng thì không nhớ. Khi nhận ra hòa thượng, người kia hỏi:



- Hòa thượng! Ở đây trà không ngon, cách đây không mấy bước có cái am nhỏ, ta đến đấy uống trà đi!



Hòa thượng vui mừng nói:



- Tốt quá!



Vị hòa thượng kia dẫn đi quanh co bảy tám dặm đường, đến một cái am nhỏ. Am làm kiểu "chữ tam", am trước có tượng Già Lâm Bồ Tát. Am sau ba gian không có tượng, am giữa có một cái giường. Người kia đưa hòa thượng vào am mới nói:



- Hòa thượng! Mày nhận ra tao không?



Hòa thượng mới nhớ ra hắn là Triệu Đại, tên sư hung ác trước đây đã đến Hải Nguyệt Thiền Lâm bèn giật nẩy mình nói:



- Tôi quên khuấy đi mất, bây giờ mới nhớ!



Tên sư hung ác leo lên giường ngồi giương mắt tròn xoe nói:



- Mày hôm nay đã đến đây thì có chạy đằng trời! Tao có cái hồ lô này mày mang ra ngoài núi chừng nửa dặm, ở đấy có một bà già mở một quán rượu. Mày đem cái hồ lô này đến đấy, lấy đầy rượu về. Mau lên!



Hòa thượng già không dám trái lời xách hồ lô ra đi. Quả nhiên thấy ở sườn núi một người đàn bà già bán rượu. Hòa thượng đưa hồ lô cho bà ta. Người đàn bà cầm lấy hồ lô, nhìn hòa thượng từ đầu đến chân, nước mắt rơi lã chã trong khi vẫn rót rượu vào hồ lô.



Hòa thượng giật nẩy mình, hỏi:



- Mô phật! Sao bà thấy bần tăng lại đau xót như vậy.



Người đàn bà nước mắt ròng ròng, nói:



- Tôi thấy sư phụ, diện mạo từ bi, không ngờ lại gặp phải cái nạn này!



Hòa thượng kinh ngạc hỏi:



- Bần tăng gặp nạn như thế nào?



- Tôi biết cái hồ lô này! Khi nào hắn muốn ăn não ai, thì hắn bảo mang hồ lô đến hiệu tôi lấy rượu thuốc. Sư phụ ơi! Sư phụ mang hồ lô về là không sống được đâu!



Hòa thượng nghe vậy hồn xiêu phách tán, kinh hoảng nói:



- Bây giờ làm thế nào! Tôi phải chạy trốn thôi. Người kia nói:



- Sư phụ chạy làm sao được! Trong vòng bốn mươu dặm đều là đồ đảng của hắn hết. Nếu sư phụ đi trốn, thì hắn chỉ đánh mõ lên là lập tức có người trói gò sư phụ lại đem về am ngay.



Hòa thượng quỳ xuống đất mà khóc:



- Xin bồ tát cứu mạng!



Bà già nói:



- Tôi cứu làm sao được? Nếu nó biết tôi nói ra, thì tính mạng tôi cũng không còn. Nhưng thấy sư phụ từ bi chết thật đáng thương! Tôi chỉ cho một con đường sư phụ đến để tìm một người.



Hòa thượng già nói:



- Mô phật! Bà bảo tôi tìm ai?



Bà già mới nói tên người ấy ra.



Nhân việc đó khiến cho:



Nóng lòng cứu nạn, lại thấy người động địa kinh thiên,



Mang kiếm lập công, đều những việc trung thần báo quốc.



Muốn biết bà già nói đến ai, hãy xem hồi sau phân giải.