Nho Lâm Ngoại Sử

Chương 28: Đất dương châu quý vi tiêu ở rể thành nam kinh tiêu kim huyễn chọn văn






Bão Đình Tỷ đến Xương Môn thì gặp ngay người đầy tớ của anh mình là A Tam. A Tam đi trước, đằng sau có người quẩy tam sinh, vàng mã, ngựa giấy. Đình Tỷ hỏi:



- A Tam! Ông Nghê có ở nha môn không? Anh mang những đồ này đi đâu?



- Trời ơi, ông Sáu đây rồi! Khi ông chủ tôi ở Nam Kinh về nha môn, thì ông cho ngay người đi Bắc Kinh đưa bà chủ về. Người kia trở về báo tin rằng bà chủ đã mất được một tháng. Ông chủ tôi buồn rầu quá mang bệnh nặng, được vài ngày cũng mất. Quan tài của ông còn để ở ngoài thành. Còn tôi thì hiện nay ở một nhà hàng cơm. Hôm nay được bảy ngày cho nên tôi mang đồ tam sinh và ngựa giấy đến mộ để đốt cho ông.



Đình Tỷ nghe nói như vậy cặp mắt mở to, nói không ra tiếng, hốt hoảng hỏi:



- Thế nào? Ông chủ anh đã mất rồi sao?



- Vâng ông đã mất rồi.



Đình Tỷ lăn ra đất khóc, A Tam phải vực dậy. Không vào thành nữa, Đình Tỷ bảo đưa đến nơi chôn cất anh mình, đặt đồ lễ vật rót rượu đốt vàng mã rồi khóc:



- Anh ơi! Anh khôn thiêng xin về chứng giám, em đến đây quá chậm không còn trông thấy mặt anh!



Đình Tỷ khóc lóc thảm thiết một hồi. A Tam khuyên nhủ đưa Đình Tỷ về hàng cơm để nghỉ. Hôm sau, Đình Tỷ lấy tiền đi đường ra mua lễ vật và vàng mã rồi trở lại mộ của anh. Y ở lại hàng cơm mấy ngày nữa cho đến khi số tiền hết nhẵn và A Tam phải đi ở nơi khác. Sau đó, không còn nghĩ ra kế gì nữa, Đình Tỷ đem cầm cái áo trừu mới may định dùng để vào dinh quan tuần vũ được hai lạng bạc. Đình Tỷ định đi tìm Quý Vi Tiêu, bèn thuê thuyền đi Dương Châu. Tới nơi, vào cửa trường xem danh sách thấy đề "Ở tại chùa Hưng Giáo". Đình Tỷ vội vàng đến chùa Hưng Giáo. Vị hòa thượng ở đấy bảo:



- Ông tìm ông Quý sao? Ông ta hôm nay lấy con gái họ Vưu bên cạnh hàng buôn muối ở đường Ngũ Thành. Ông đến đấy mà tìm.



Đình Tỷ đến thẳng nhà họ Vưu. Đến nơi, thấy ngoài cửa treo vải đỏ. Ba gian nhà chật ních những khách. Ở giữa hai ngọn đèn sáp đỏ đang cháy, trên treo một bức tranh "trăm con", hai bên dán đôi câu đối:



Trăng trong gió mát thường như thế;



Tài tử giai nhân vẫn có đây.



Quý Vi Tiêu đầu đội mũ vuông mới mình mặc áo trừu đỏ đang tiếp khách. Thấy Bão Đình Tỷ, Quý ngạc nhiên đứng dậy vái chào và mời ngồi. Quý nói:



- Chú ở Tô Châu về phải không?



- Phải, nhân nghe tin anh lấy vợ cho nên tôi đến đây uống rượu mừng.



Những người khách ngồi ở đấy hỏi:



- Vị này là ai?



- Đấy là ông Bão lấy cô của nhà tôi tức là chú của tôi.



Mọi người nói:



- Thế là chú của ông Quý, thật là hân hạnh! Hân hạnh.



Bão Đình Tỷ hỏi:



- Anh làm ơn cho biết quý vị là ai?




Quý Vi Tiêu chỉ hai người ngồi đầu bàn:



- Vị này là ông Tân Đông Chi, vị này là ông Kim Ngụ Lưu là hai vị danh sĩ nổi tiếng ở Dương Châu, thơ và chữ viết của hai người thực là tuyệt diệu. Trong thiên hạ không có ai là người thứ ba.



Nói xong, cơm dọn lên, hai người danh sĩ ngồi ghế khách, Đình Tỷ ngồi bên cạnh. Rồi đến mấy người khách khác đều là họ hàng thân thuộc nhà họ Vưu ngồi vào một bàn. Ăn cơm xong, những người thân thuộc và Quý Vi Tiêu đi vào để chuẩn bị làm lễ. Bão Đình Tỷ nói chuyện với hai người danh sĩ. Tân Đông Chi nói:



- Bọn buôn muối giàu ở Dương Châu thật là đáng ghét. Đấy cứ xem nhà lão Phùng chủ hiệu Hưng Thịnh ở dưới sông thì biết! Hắn ta có mười mấy vạn lạng bạc. Hắn mời tôi ở Huy Châu đến ở được nửa năm, tôi nói: "Ông muốn tỏ cảm tình với tôi thì ông phải cho tôi hai ba ngàn lạng bạc". Đằng này hắn ta không muốn mất một cái chân lông. Sau đó tôi lại nói với người ta: "Đáng lý ông Phùng phải đưa tôi số tiền ấy. Sau này ông ta chết đi, số tiền mười mấy vạn lạng bạc cũng không sao mang theo được. Xuống âm phủ thì cũng chỉ là một thằng quỉ đói mà thôi. Trái lại, khi nào Diêm Vương bảo tôi viết cái biển đề bốn chữ "Sâm la bửu điện" 1 thì ít nhất Diêm Vương cũng phải trả cho tôi một vạn lạng bạc. Bấy giờ tôi lại cho ông ta vài ngàn lạng bạc mà tiêu cũng chưa biết chừng! Cứ chi ly làm gì cho khổ!".



Tất cả đều cười rộ! Kim Ngụ Lưu nói:



- Ông nói không sai chút nào! Cách đây không lâu, ông Phương ở dưới sông nhờ tôi viết một đôi câu đối, tất cả hai mươi hai chữ. Ông ta bảo một đứa đầy tớ đem đến tám mươi lạng bạc để cảm tạ. Tôi gọi nó vào nhà và bảo:



"Mày về nói với ông chủ rằng chữ của ông Kim thì các cung điện, các bậc vương hầu trong kinh đã định giá rồi. Chữ nhỏ một lạng một chữ, chữ lớn mười lạng một chữ. Theo giá ấy, hai mươi hai chữ này giá hai trăm hai mươi lạng. Nếu đưa hai trăm mười chín lạng chín phân cũng không lấy được câu đối về". Sau khi tên đầy tớ trở về nói lại, thì thằng súc sinh họ Phương kia muốn tỏ rằng mình lắm tiền, liền đi kiệu thẳng đến nhà tôi. Nó đưa cho tôi hai trăm hai mươi lạng bạc. Tôi đưa cho nó đôi câu đối. Không ngờ nó cầm câu đối xé tan. Tôi giận quá ném gói bạc ra ngoài đường cho những người gánh muối và chở phân nhặt. Tôi hỏi các ông, ở đâu có thứ tiểu nhân đáng ghét như thế không!



Vừa lúc ấy Quý Vi Tiêu đi ra. Người ta đem mì lên. Bốn người ăn, Bão Đình Tỷ nói:



- Tôi nghe nói trong sở coi về muối có những người giàu khi nào vào hàng mì thì một bát mì tám phân bạc họ chỉ úp một ít nước còn tất cả cho những người khiêng kiệu. Có phải như thế không?



Tân nói:



- Thật thế.



Kim nói:



- Đó là vì họ ăn không được nữa. Ở nhà họ đã chén cơm no rồi mới đi đến hiệu mì.



Mọi người nói chuyện và cười mãi đến chiều tối. Ở trong nhà nghe tiếng nhạc. Người ta dẫn Quý Vi Tiêu vào động phòng. Mọi người ngồi vào bàn tiệc. Ăn uống xong mọi người ra về, Đình Tỷ lại trở về hàng cơm gần sở thuế 2 ngủ một đêm. Hôm sau Đình Tỷ đến chào mừng, xem cô dâu xong ra ngoài phòng khách ngồi. Bão Đình Tỷ hỏi thầm Quý Vi Tiêu:



- Này ông, người vợ trước của ông không có việc gì kia mà? Tại sao lại có chuyện này?



Quý Vi Tiêu chỉ đôi câu đối cho Đình Tỷ xem và nói:



- Chú không thấy "Tài tử giai nhân vẫn có đấy" sao? Tôi là một người phong lưu, cho nên tài tử thì phải gặp giai nhân, một vợ, hai vợ thì có gì là lạ?



- Đành rồi! Nhưng anh lấy đâu ra tiền mà cưới vợ?



- Tôi đến Dương Châu thì bác Tuân cho một trăm hai mươi lạng, lại cho tôi làm chức coi thuế muối ở Qua Châu. Tôi có lẽ còn ở đấy vài năm cho nên tôi phải lấy thêm một người vợ nữa. Còn chú thì khi nào chú trở về Nam Kinh?



- Chẳng giấu gì anh, khi tôi đến Tô Châu tìm người thân thích nhưng không gặp. Hiện nay tôi không còn tiền để trở về Nam Kinh nữa.



- Như thế thì dễ lắm! Bây giờ tôi sẽ đưa cho chú ít tiền để làm tiền lộ phí trở về Nam Kinh. Tôi nhờ chú mang hộ tôi một bức thư về Nam Kinh nhé!



Đang lúc nói chuyện thì Tân và Kim cùng với một đạo sĩ và một người nữa vào thăm phòng cô dâu. Quý Vi Tiêu đưa họ vào phòng. Sau khi nhộn nhịp trong phòng cô dâu một lúc, họ lại ra phòng khách ngồi. Tân chỉ hai người và nói với Quý Vi Tiêu:



- Vị đạo sĩ này là Hai Hà Sĩ, một nhà thơ ở Dương Châu, vị này là ông Quách Thiết Bút ở Vu Hồ rất giỏi nghề khắc dấu. Hôm nay nhân ông có việc vui nên đến đây thăm.



Quý Vi Tiêu hỏi chỗ ở nhà hai người và hứa sẽ đến thăm.



Tân và Kim nói: - Hôm trước ông Bão nói ông ở Nam Kinh lại đây. Ông có thể cho biết bao giờ ông sẽ trở về Nam Kinh?



Quý Vi Tiêu nói:



- Việc đó chỉ trong một hai ngày mà thôi. Hai người kia nói:



- Như vậy thì chúng tôi không thể cùng đi với ông được. Ở cái đất tục này người ta không biết kính trọng tài năng cho nên chúng tôi muốn đi Nam Kinh.



Nói chuyện một hồi, bốn người từ biệt.



Bão Đình Tỷ hỏi:



- Này anh! Thư anh gửi đi Nam Kinh là gửi cho ai? - Gửi cho một người bạn tôi ở An Khánh tên là Quý Điềm Dật nhưng không phải cùng họ Quý với tôi. Trước đây anh ta cùng đi Nam Kinh với tôi nhưng nay tôi không thể trở lại đó được. Anh ta là người vô dụng, nên tôi phải gửi mấy chữ để bảo anh ta về nhà.



- Anh đã viết thư chưa?



- Chưa viết! Chiều nay tôi sẽ viết, ngày mai chú lấy thư và tiền luôn rồi đến ngày kia chú lên đường.



Bão Đình Tỷ gật đầu đi ra. Chiều hôm ấy Quý Vi Tiêu viết xong bức thư, gói năm trăm đồng đợi Bão Đình Tỷ đến lấy. Sáng hôm sau một người khách đi kiệu đến đưa vào một cái thiếp đề: "Bạn học Tôn Cơ đến thăm". Quý Vi Tiêu vội vàng chạy ra đón. Người này mặc một cái áo rộng, đội mũ vuông ra vẻ con người sang trọng. Y vào nhà ngồi xong, Quý Vi Tiêu hỏi:



- Ông tên tự là gì?



- Tôi tự là Mục Am người Hồ Quảng. Trước kia tôi ở kinh cùng ông Tạ Mậu Tần dạy học ở nhà Triệu Vương. Hiện nay tôi đang trên đường về nhà, nghe đến đại danh của ông nên lại đây thăm. Tôi có mang theo một bức tranh để xin ông mấy chữ. Mai đây mang bức tranh về đến Nam Kinh, tôi cũng sẽ xin các danh sĩ đề vịnh vào đấy.



- Đại danh của tiên sinh như sấm động bên tai, tôi dám đâu đánh trống trước cửa nhà sấm để mua cười.



Hai người nói xong uống trà, Quý Vi Tiêu chào khách, tiễn khách ra cửa thì vừa gặp lúc Bão Đình Tỷ đến lấy thư, tiền và cảm ơn Quý Vi Tiêu. Quý Vi Tiêu nói:



- Khi nào chú đến Nam Kinh thì thế nào chú cũng phải tìm đến đường Trạng Nguyên khuyên người bạn của tôi là Quý Điềm Dật về nhà. Ở Nam Kinh là nơi rất dễ chết đói không thể nào ở lâu được.



Nói xong, Quý tiễn Bão ra cửa.



Bão Đình Tỷ có tiền liền thuê thuyền về Nam Kinh. Y trở về nhà đem nỗi đau khổ này nói với vợ. Lại bị vợ mắng cho một trận. Thi ngự sử lại đến đòi tiền nhà. Bão không có tiền trả, phải giao nhà lại cho Thi ngự sử, lại mất luôn số tiền đặt cọc là hai mươi lạng bạc. Bấy giờ, không biết đi đâu, họ đành đến ở nhờ một cái phòng của họ Hồ, một người bà con bên vợ Đình Tỷ ở Nội Kiều. Ở được một vài ngày, Đình Tỷ tìm đường Trạng Nguyên đem thư đến cho Quý Điềm Dật. Điềm Dật xem thư, mời Bão uống trà rồi nói:



- Cám ơn ông những lời này tôi đã biết tất cả rồi. Đình Tỷ từ giã ra về.



Quý Điềm Dật vì không có tiền nên không có chỗ nào ở trọ, mỗi ngày chỉ tiêu tám đồng tiền, mua bốn cái bánh để ăn làm hai bữa. Đến chiều tối nằm ngủ trên quầy hàng một hiệu khắc chữ. Hôm ấy xem thư, biết Quý Vi Tiêu không đến, Điềm Dật lại càng lo. Không có tiền đi đường trở về An Khánh, mỗi ngày ăn bánh xong, Điềm Dật chỉ còn một cách ngồi thừ ở trong hiệu khắc chữ. Một buổi sáng, tiền ăn bánh cũng hết. Vừa lúc ấy, thấy một người ở ngoài đi vào, đầu đội mũ vuông, mặc áo màu xám, cúi đầu vái chào. Quý mời ngồi trên cái ghế dài bên cạnh. Người kia hỏi:



- Ông cho biết quý tính?



- Tôi họ Quý.




- Ông làm ơn cho biết ở đây có danh sĩ nào làm văn tuyển không?



- Tôi biết nhiều người lắm: Vệ Thể Thiện, Tuỳ Sầm Am, Mã Thuần Thượng, Khuông Siêu Nhân, Cừ Dật Phu, tôi biết tất cả. Lại còn ông bạn trước cùng ở đây với tôi là ông Quý Vi Tiêu, đều là những danh sĩ cả. Ông muốn người nào?



- Người nào cũng được. Tôi có hai ba trăm lạng bạc muốn tuyển một bộ văn bát cổ. Nhờ ông tìm hộ cho tôi một người để cùng cộng tác.



- Ông làm ơn cho tôi biết họ và nơi ở để tôi nói với họ.



- Tôi họ Gia Cát người huyện Vu Thai, nói ra thì ai cũng biết cả. Ông cố tìm cho tôi một người thì tốt lắm!



Quý mời y ngồi ở đấy còn mình đi ra ngoài phố. Quý nghĩ bụng:



- Mặc dầu các vị kia hay đến đây, nhưng bây giờ họ ở rải rác các nơi có họa trời mới biết! Không biết tìm đâu ra được bây giờ. Thật tiếc Quý Vi Tiêu không còn ở đây nữa!



Rồi lại nghĩ: "Cần quái gì! Ta ra cửa Thuỷ Tây vớ một anh nào đó là có một bữa chén rồi!"



Chủ ý đã định, Quý liền đi đến cửa Thủy Tây. Chỉ thấy một người mang một gói hành lý đang bước vào thành. Nhận ra người ấy là Tiêu Kim Huyễn người huyện An Khánh, y mừng rỡ reo lên:



- Tốt lắm!



Và chạy lại nắm lấy tay hỏi:



- Anh Kim Huyễn! Anh đến đây bao giờ?



- Anh Điềm! Anh vẫn ở với anh Vi Tiêu kia mà!



- Anh Vi Tiêu về Dương Châu đã lâu rồi. Tôi hiện nay ở đây. Anh đến đây vừa đúng dịp lắm. Anh đi với tôi, tôi kiếm cho một việc tha hồ mà sống. Nhưng anh phải nhớ đến tôi mới được.



Tiêu Kim Huyễn hỏi:



- Việc gì thế?



- Không cần hỏi. Anh cứ đi với tôi. Tôi đảm bảo với anh là một món rất bở.



Tiêu Kim Huyễn nghe vậy cùng đi với Quý đến hiệu khắc chữ đường Trạng Nguyên thì thấy Gia Cát đã ngồi đợi mòn cả mắt. Quý gọi to:



- Ông Gia Cát! Tôi đã tìm cho ông một vị "Đại danh sĩ" đây rồi!



Gia Cát chạy ra vái chào mời vào hiệu, đem hành lý của Tiêu Kim Huyễn vào hiệu khắc chữ rồi ba người cùng vào một tiệm trà. Sau khi chào nhau, tất cả cùng ngồi. Gia Cát nói:



- Tôi là Gia Cát Hựu tự là Thiên Thân.



Tiêu Kim Huyễn nói:



- Tôi là Tiêu Đình tự là Kim Huyễn.



Quý Điềm Dật đem câu chuyện Gia Cát Thiên Thân có mấy trăm lạng bạc định soạn một văn tuyển nói lại với Tiêu Kim Huyễn nghe. Gia Cát Thiên Thân nói:



- Tôi cũng có biết làm văn tuyển chút ít. Nhưng đến nơi đô hội, tôi cần phải có một danh sĩ để tiện theo chân nối gót. Nay gặp được Tiêu tiên sinh thực là như cá gặp nước.



Tiêu Kim Huyễn nói:



- Tôi chỉ sợ sức mọn tài hèn không làm nổi việc.



Quý Điềm Dật nói:



- Hai ông không cần phải khiêm tốn nữa. Hai ông hâm mộ nhau đã lâu nay được gặp mắt khác nào bạn cũ. Ông Gia Cát phải đãi một bữa tiệc mời ông Tiêu ăn và sau đó ta bàn công việc đâu vào đấy.



Gia Cát nói:



- Đúng đấy! Tôi là một người khách ở đây. Tôi xin các ông tạm vào hiệu ăn để nói chuyện.



Ba người trả tiền xong đi ra, đến một tửu lâu lớn ở đường Tam Sơn. Tiêu Kim Huyễn ngồi ghế đầu. Quý ngồi đối diện. Gia Cát ngồi ghế chủ. Hai người hầu bàn đến hỏi. Quý bảo đem lên giò, thịt vịt, cá nấu với rượu. Trước tiên đem lên thịt vịt và cá để nhắm rượu. Còn để chân giò đấy lại mua thêm ba đồng cân bạc canh để ăn với cơm. Một lát, người hầu bàn đem rượu đến và họ bắt đầu uống. Quý nói:



- Việc đầu tiên phải bàn là phải tìm một cái phòng rộng rãi yên tĩnh. Sau đó, khi chọn lọc văn chương, các ông có thể bảo người thợ khắc đến và trông nom họ khắc chữ.



Tiêu Kim Huyễn nói:



- Chỗ ở vắng vẻ nhất là chùa Báo Ân ở ngoài Cửa Nam. Ở đấy không ồn ào, phòng lại rộng, giá tiền lại rẻ. Ăn cơm xong, chúng ta đến đấy tìm chỗ ở đi.



Họ nói chuyện, uống cạn hết mấy hồ rượu. Người hầu bàn đem giò lợn và cơm lên. Quý Điềm Dật ăn một bữa no nên. Sau khi đã tính tiền và trở lại hiệu khắc chữ nói với người ở đấy giữ hộ hành lý của Tiêu Kim Huyễn, ba người cùng đi đến Cửa Nam. Cửa Nam là một nơi buôn bán náo nhiệt, xe, ngựa chen nhau như nước chảy. Ba người phải len mãi mới tìm được một lối đi. Xa xa nhìn thấy chùa Báo Ân họ liền đi tới. Quý Điềm Dật nói:



- Chúng ta hãy thuê một cái phòng gần cổng.



Tiêu Kim Huyễn nói:



- Không nên, ta cứ vào ở trong này. Như thế yên tĩnh hơn.



Họ đi một đoạn qua nhà nghỉ của các hòa thượng, đi đến nhà một vị hòa thượng và gõ cửa. Một chú tiểu ra mở cửa hỏi có việc gì. Khi nghe nói ba người đến thuê nhà, chú tiểu liền mời vào nhà. Một vị hòa thượng già đi ra, mặc áo lụa, đội mũ nâu bằng đoạn, tay cầm tràng hạt. Sau khi chào hỏi, hòa thượng mời ngồi hỏi họ tên và ở đâu đến. Ba người nói đến thuê một gian phòng. Hòa thượng nói:



- Tôi có nhiều phòng. Các quan khách đều đến đấy ở. Xin ba vị cứ xem muốn chọn phòng nào thì chọn. Ba người vào xem ba phòng. Sau đó họ đi ra, ngồi nói chuyện với hòa thượng và hỏi giá tiền. Hòa thượng đòi ba lạng bạc một tháng. Mặc dù họ nói đến nửa ngày hòa thượng cũng không chịu bớt một đồng tiền nào. Gia Cát xin trả hai lạng bốn mươi đồng, hòa thượng cũng không nghe, lại bắt đầu mắng chú tiểu.



- Sao không quét nhà đi. Ngày mai Thi ngự sử ở cầu Hạ Phù đến uống rượu ở đây coi sao cho tiện.



Tiêu bực mình nói với Quý:



- Phòng thì tốt, nhưng phải cái hơi xa chỗ mua bán.



Hòa thượng nét mặt ngờ nghệch nói:




- Khách ở đây nếu chỉ dùng một người đầy tờ để mua bán hay nấu ăn thì không đủ, cần phải có hai người, một người nấu ăn và một người để mang xách, mua đồ.



Tiêu vừa cười vừa nói:



- Khi chúng tôi đến ở đây, ngoài một người nấu ăn và một người đầy tớ lại còn một con lừa trọc đầu để cưỡi đi chợ nữa, như thế mới nhanh.



Hòa thượng trợn mắt nhìn ba người. Ba người đứng dậy nói:



- Chúng tôi xin chào. Chúng tôi sẽ lại để bàn bạc sau.



Hòa thượng tiễn họ ra cửa.



Ba người đi độ nửa dặm nữa thì gõ cửa một nhà tăng. Thầy tăng ra tiếp, mặt mày hớn hở cười mời ba người vào phòng khách ngồi, pha trà mới, đưa ra chín đĩa mứt, có những bánh rất ngon mời ba người ăn. Có cả mứt cam, hạnh đào. Khi nghe ba người nói muốn thuê phòng, thầy tăng cười và nói:



- Cái đó không khó gì! Ba vị muốn chọn một phòng nào thì tùy ý và cứ chọn ngay cho.



Họ hỏi giá tiền tháng, vị tăng nói: - Không cần bàn việc này làm gì. Có khi mời cũng chưa chắc các vị đã đến cho. Các vị trả thế nào cũng xin vâng, đủ tiền dầu hương là được. Người tu hành bàn đến việc đó làm gì?



Tiêu Kim Huyễn thấy thầy tăng nói khác tục bèn nói: - Tôi xin hỏi cụ thế này xin cụ đừng giận. Nếu chúng tôi trả một tháng hai lạng, ý cụ như thế nào?



Thầy tăng liền nhận ngay. Tiêu và Gia Cát ở lại đó còn Quý thì trở về lấy hành lý. Vị tăng bảo người đạo nhân dọn dẹp quét tước, trải nệm lên giường, bày biện bàn ghế và đem trà đến cùng uống với hai người. Đến chiều hành lý đều đem đến. Thầy tăng cáo từ rút lui. Tiêu Kim Huyền gọi Gia Cát Thiên Thân bảo phải cân trước hai lạng bạc, lấy giấy gói lại, đóng dấu và đưa cho thầy tăng. Thầy tăng lại ra chào và cảm ơn. Sau đó, ba người thắp đèn và bắt đầu bàn đến việc ăn tối. Gia Cát cân một ít bạc đưa cho Quý đi mua rượu và đồ nhắm. Quý đi ra một lát mua về bốn hồ rượu, bốn đĩa nhắm: một đĩa lạp xường, một đĩa tôm muối, một đĩa đùi ếch, một đĩa sứa đặt trên bàn. Gia Cát là người nhà quê, không biết lạp xường là gì nói:



- Cái này là cái gì đây trông như dái lợn Tiêu Kim Huyễn nói:



- Ông cứ ăn đi, không cần hỏi.



Gia Cát ăn rồi nói:



- Đó là thịt khô.



Tiêu Kim Huyễn nói:



- Lại không đúng rồi! Thịt khô đâu lại có da bọc xung quanh. Đó là thịt lợn nhồi vào trong ruột lợn đấy.



Gia Cát Thiên Thân lại không biết sứa là gì nói:



- Cái thứ mềm mềm như thế này là cái gì? Ăn ngon tuyệt! Lần sau phải mua thứ này mà ăn mới được.



Tiêu và Quý hai người ăn một hồi mãi đến tối tiệc rượu mới xong, sau đó tắt đèn đi ngủ. Quý không có hành lý, Tiêu đưa cho y cái chăn của mình để đắp mà ngủ.



Sáng hôm sau thầy tăng bước vào nói:



- Hôm qua ba vị hạ cố đến đây. Hôm nay bần tăng có một bữa cơm thường muốn mời ba vị cùng xơi cho vui. Sau đó tôi sẽ dẫn các vị xem cảnh xung quanh chùa.



Ba người nói:



- Không dám.



Thầy tăng mời ba người đến ngồi trong một cái phòng ở dưới lầu. Ở đấy có bốn đĩa đồ ăn to tướng để ăn sáng. Ăn xong thầy tăng cùng ba người bắt đầu đi dạo chơi. Vị tăng nói:



- Chúng ta phải đi xem Thiền Lâm của Tam Tạng.



Thầy tăng dẫn họ đến một cái điện, rất cao. Trên điện có một cái biển có sáu chữ vàng "Thiên hạ đệ nhất tổ đình" 3 họ đi qua hai gian phòng thì đến một cái lan can uốn khúc có từng bậc đưa họ lên trên lầu. Họ tưởng rằng đằng sau không có cái gì nữa. Nhưng vị tăng đã mở cái cửa ở sau lầu và mời họ đi vào. Họ đi đến một nơi đất phẳng, đứng chỗ thật cao có thể nhìn thấy cả bốn phía. Ở giữa là một rừng cây lớn cao tận trời xanh, có hàng vạn cây trúc trước gió thổi rì rào. Ở chính giữa là một cái tháp giữ những di tích của pháp sư Huyền Trang đời Đường.



Sau khi dạo chơi một lát, thầy tăng lại mời họ trở về nhà. Buổi chiều họ uống rượu có chín đĩa nhắm. Đang lúc uống rượu thì thầy tăng nói:



- Bần tăng từ khi đến đây chưa hề mời khách. Đến ngày kia trong chùa có lễ và diễn tuồng, mời các vị đến xem. Cố nhiên là không mất tiền. Ba người nói:



- Chúng tôi thế nào cũng đến mừng.



Đến khuya bữa tiệc tan. Ngày thứ ba, vị tăng mời khách ở các nơi từ quan phủ doãn Ứng thiên đến các nha môn ở tỉnh và huyện, tất cả độ năm, sáu mươi người. Những người bếp, những người hầu trà đến trước. Những người diễn tuồng cũng đã mang rương hòm đến. Vị tăng đang nói chuyện suông ở trong phòng ba người, đột nhiên có một đạo sĩ chạy vào nói:



- Thưa thầy thằng ấy lại đến đây rồi!



Nhân phen này, khiến cho:



Sóng gió đất bằng, vị thiên nữ trước



Duy Ma xuất hiện; 4 nhà không yên họp,



giữa bầy gà chim bạch hạc nhởn nhơ.



Muốn biết việc sau như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.