Nhất Thụ Nhân Sinh

Chương 1-2: ghiệt duyên bén mày




Bắc Tân là khu nhà tập thể cục điện Đông Hữu cấp cho công nhân, là nơi các đồng nghiệp, hoặc gia đình các đồng nghiệp cúi đầu không gặp ngước mặt liền thấy. Bởi vì phúc lợi công ty tốt, việc lại nhàn, nên từ sáng tới tối có không ít người tay cầm tờ báo vừa đọc vừa rung đùi vừa uống trà đá, dáng điệu hết sức thảnh thơi. Cũng vì vậy mà trong cư xá có không ít đàn ông đàn bà rảnh rỗi buồn chán không biết làm gì, đâm ra rất giỏi đi hóng chuyện đầu trên xóm dưới. Bao nhiêu thị phi đó đây được truyền miệng nhau nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng.

"Hôm qua hai vợ chồng son nhà thằng Trương cãi nhau ghê gớm lắm luôn, tụi nó ném tô ném dĩa, thậm chí còn ném ra ngoài cửa sổ, thiếu chút nữa là choảng vỡ đầu cha Lý."

"Ai cha, hôm qua ngoài quầy bán đồ ăn sáng, con vợ thằng Tiểu Ngô chỉ vì có hai đồng tiền mà cự với người ta. Hung hăng quá trời! Hại bệnh tim của tui muốn tái phát luôn! Thằng con tui suýt thì gọi 110 rồi!"

"Bỏ mộng gọi công an đi! Mấy cha công an làm gì rỗi hơi đi lo những chuyện nhỏ như con thỏ này chứ!"

"Gì mà nhỏ như con thỏ? Sao lại nhỏ như con thỏ? Tính mạng và tài sản của nhân dân bị uy hiếp như thế mà nhỏ như con thỏ à? Có biết suy nghĩ không vậy... Nhân bà nhắc tới cảnh sát tui mới nhớ, thằng con trai nhà ông Vương hồi hôm lại bị giáo viên xách trả về nhà. Sáng nay tui ra đường thì thấy trán nó u một cục. Mẹ bà, chắc lại đánh nhau với đứa nào rồi. Hứ, bà coi thằng đó, mới tí tuổi đầu đã du côn như thế, ba ngày hai chập bị thầy cô mắng vốn trả về, thế thì làm sao có tương lai nổi? Tôi thấy, mai mốt nó mà lớn cũng ăn không ngồi rồi thôi!"

Bà thím tặc lưỡi mấy tiếng, xem chừng vẫn còn chưa nói đã miệng.

"Thằng con trai nhà ông Vương" ấy, nói thiệt là không biết phải dùng lời lẽ nào mới ca ngợi đủ về cậu ta.

Vương Thụ Dân năm nay bảy tuổi, đang học lớp Hai, nổi tiếng phá phách nghịch ngợm, không chuyện quậy phá nào là thiếu mặt. Thành tích học tập với cậu ta chỉ như mây khói, mây khói mà thôi!

Với cái huyền thoại ba ngày hai chập bị nhà trường mắng vốn xách trả về nhà của Vương Thụ Dân, giáo viên chỉ biết nhận xét, "Con trai anh chị dường như sinh ra là để bôi nhọ xã hội văn hóa công bằng văn minh."

Ba Vương Thụ Dân tên Vương Đại Xuyên, trình độ văn hóa không cao, nhờ phước ông bà nên mới được nhận vào cục Điện lực này, dáng người cao to vạm vỡ, mỗi lần đánh Vương Thụ Dân đều quỷ khóc thần sầu. Thằng nhóc những khi bị đòn thì tru tréo vô cùng thảm thiết, khiến bà con lối xóm chẳng ai được yên tĩnh.

Mẹ Vương Thụ Dân là Giả Quế Phương, là một phụ nữ đeo kính cận có danh tri thức nửa mùa, người không cao lắm, đi đứng thì hấp ta hấp tấp như thể xe tăng lao vù vù, suốt ngày chèn ép Vương Đại Xuyên, khiến Vương Thụ Dân sợ mất gan mất mật. Thậm chí tới khi ba mươi tuổi, cứ nghe ai nhắc tên Giả Quế Phương thì Vương Thụ Dân lại run lên như cày sấy.

Người ta bảo, "Roi dày dạy nên con ngay", ấy vậy Vương Thụ Dân hết lần này tới lần khác chết lên chết xuống dưới lằn roi mây, mông cũng sưng to gần bằng chiều dày cuốn từ điển Oxford, mà vẫn không học được chút cái phải cái ngay nào.

Vợ chồng họ Vương đều là công nhân, ban ngày đi làm, ban đêm về nhà nghỉ ngơi, chẳng dư thời gian để quản giáo con cái. Cứ thế, đồng chí Vương Thụ Dân được đà "Dân chủ tự do" mà khỏe mạnh lớn lên. Bốn tuổi cu cậu đã biết nấu nước sôi ăn mì. Năm tuổi thì dùng nồi cơm điện hâm cơm nguội lại ăn. Rồi dần dà học khôn mà dùng nồi cơm điện nấu nước sôi chưng bánh chẻo, khiến người lớn được phen trố mắt hết hồn. Sáu tuổi bắt đầu đeo xâu chìa khóa nhà tòng teng trên cổ rồi đến trường. Khi ấy Giả Quế Phương gặp ai đều tự hào nói rằng, "Thằng con nhà tôi có bị vứt ra đâu cũng không bị chết đói!"

Phía bên này, mẹ Tạ, Hoàng Thái Hương, cũng ra chiều gật gù tán thành. Thường ngày con trai của chị là Tạ Nhất vẫn được gửi ở nhà họ Vương ăn cơm nhờ. Thằng bé này đừng bao giờ mong nó tự mình lấy đồ mà ăn, khờ khạo tới mức ai cũng phải vừa thương vừa trách. Nhớ đâu có lần trên đường đi học về, còn cách nhà không xa nhưng suýt thì bị người ta lừa mang đi bán. May mà có thím bán mứt gần đó biết mặt thằng nhóc mà tốt bụng ẳm về.

Vương Thụ Dân và Tạ Nhất cùng tuổi, chỉ là đứa sinh đầu năm đứa đẻ cuối năm.

Hai đứa coi như quen nhau từ lúc tóc để chỏm, nhà thì kẻ lầu trên người lầu dưới, đi học đứa thì vườn trẻ đứa lại tiểu học. Vương Thụ Dân không ưa gì Tạ Nhất, ấy nhưng nhà quen biết liền kề nên không tiện trở mặt, còn bằng không tỏ thái độ thì ngực lại khó chịu gì đâu. Tạ Nhất cứ ba ngày thì hết hai hôm đã ở nhà của Vương Thụ Dân, ăn đồ ăn của cậu ta, đọc sách nhi đồng của cậu ta, đã vậy còn giành hết mọi lời hay ý đẹp của ba mẹ cậu ta, sau đó còn mang cậu ta ra so sánh, bảo rằng cậu ta chẳng bằng một phần mười của Tạ Nhất. Trong mắt Giả Quế Phương, Tạ Nhất là mây trắng trên trời, còn Vương Thụ Dân chỉ là bùn sình dưới đất.

Vì vậy Vương Thụ Dân càng có cớ ghét Tạ Nhất.

Bình thường đàn ông thì sao? Đã là đàn ông thì phải mồm to miệng rộng, ăn thịt uống rượu. Nếu đã chẳng thể bệ vệ đường hoàng bằng Lỗ Trí Thâm chỉ khơm lưng một cái bứng được cả gốc cây lên thì ít ra cũng phải mạnh mẽ như Võ Tòng uống đôi ba vại rượu cũng vật chết được cọp! Đằng này, Tạ Nhất nhà dưới lầu thì sao nào?

Vương Thụ Dân lần đầu thẩm thấu được triệt để ba từ "tên mặt trắng" mà tiểu thuyết võ hiệp thường xài, và hoàn toàn không khách khí gán cho Tạ Nhất.

Mấy cô mấy thím đi trên đường vừa thấy Tạ Nhất thì liền nảy sinh thiên tính làm mẹ mà sáp tới xoa đầu véo má cậu ta. Thằng nhóc mặt mày thanh tú đáng yêu, gương mặt chẳng có lấy cái lỗ chân lông nào, hai con mắt vừa tròn vừa to, hàm xuân sắc như hoa đào tươi thắm, cằm thì thon mảnh, môi mọng nước, răng trắng đều. Đã vậy trong túi quần lúc nào cũng thủ sẵn cái khăn tay.

Khăn tay! Là khăn tay đó! Vương Thụ Dân vừa nhìn thấy cái khăn có thêu hoa thêu bướm đó thì lại nghĩ tới cảnh bản thân bị Giả Quế Phương vừa mắng vừa dùng khăn lau bùn trên mặt thiếu điều rớt cả da xuống.

Thử nói xem, thời buổi này, ngoại trừ tụi con gái mít ướt thì đàn ông con trai ai đời lại mang theo khăn trong người, ấy vậy mà Tạ Nhất lại có đấy. Đã thế người thằng nhóc lúc nào cũng thơm phưng phức!

Mấy đứa có tiếng quậy phá trong trường thường è Tạ Nhất ra mà trêu, hễ thấy cậu ta thì lại lớn tiếng bảo, "Bạn gái Tạ Nhất, mẹ của bạn trét bao nhiêu kem dưỡng da lên mặt bạn vậy? Bạn gái Tạ Nhất, sao hôm nay không mặc đầm mà đi học cho đẹp vậy?"

Khi đó, Vương Thụ Dân sẽ vừa ôm bụng cười vừa nhìn Tạ Nhất đỏ mặt đỏ tai cúi đầu không đáp trả, để rồi còn nhân đó mà thêm dầu vào lửa, "Má Tạ Nhất, sao má không trả lời hả? Má nhịn hoài sẽ bệnh đó! Tao nói tụi bây nghe, tụi bây là trai thì sao cứ đi chọc con gái là như nào? Coi chừng lát nữa người ta đi méc cô đó!"

Nếu như những lời trêu ghẹo ấy quá quắt, Tạ Nhất sẽ đứng khựng lại, siết chặt hai bàn tay dưới tay áo sơ mi lại, ngẩn ra một hồi, sau lại bỏ vào phòng học. Thầy cô đã dạy, học sinh ngoan thì không được đánh nhau. Nhưng bấy giờ, bọn trẻ kia lại chẳng chịu thôi, cứ nhao nhao lại bảo, "Ai cha, thằng ẻo lả coi vậy mà cũng biết trợn mắt hù bọn mình! Tạ Nhất đúng là pê đê mà!"

Bọn nhóc ngây ngô vốn chẳng hiểu hết hàm ý sâu xa của từ "pê đê" là thế nào.

Tạ Nhất mặt mày thanh tú mắt môi xinh xẻo khiến người thương mến đó là được đúc ra từ một khuôn của ba cậu ta. Mẹ cậu ta, Hoàng Thái Hương tuy vẻ ngoài bình thường nhưng lại được cái ăn nói nhỏ nhẹ, không bao giờ nổi nóng, cứ rảnh rỗi thì lại cầm sách lên đọc, bữa nay đọc Lâm Ngữ Đường, bữa mai đọc Jack London. Sách trong thư viện chị đều đọc hết, tới cả tạp chí bình thường chị cũng xem như sách hay mà coi.

Hoàng Thái Hương từ bé đã học giỏi, ở quê học hành như thế đã không dễ gì, nên sau khi tốt nghiệp xong thì được nhà máy Điện mời về làm kỹ thuật viên.

Ba Tạ Nhất, Tạ Thủ Chuyết đều nhờ vào hơi vợ. Người trong cư xá gặp Tạ Thủ Chuyết thì lại tươi cười chào hỏi, "Tiểu Tạ, chú thiệt may mắn!" nhưng khi quay đi thì lại mắng, "Ôi, cái thứ bám váy đàn bà!"

Nghe đồn, Tạ Thủ Chuyết tình cờ gặp được Hoàng Thái Hương trong tiệm làm tóc. Cái tên đó có vẻ ngoài vô cùng đẹp trai khiến các chị các cô phải lóa mắt, miệng lưỡi lại còn ngọt như đường. Hoàng Thái Hương đọc một bụng sách nhưng vẫn không miễn dịch được cái vẻ hào nhoáng phong lưu ấy của hắn ta mà mê mụ. Hai người quen biết chừng một tháng đã vội làm tiệc cưới xin. Tới khi nên vợ thành chồng rồi thì mới vỡ lẽ đời chẳng như là mơ.

Đẹp trai cũng chẳng thể coi như cơm mà ăn. Tạ Thủ Chuyết này chẳng hề vụng về như tên, (Từ “Chuyết” có nghĩa là vụng về) ngoại trừ không có bản lĩnh kiếm tiền ra, còn thì rượu chè bài bạc gái gú, không món nào không giỏi. Ra ra vào vào chỗ mát xa hào phóng như thể trùm đầu tư Lý Gia Thành, (một thương nhân nổi tiếng người HongKong) không bao giờ khiến ai hoài nghi trong túi hắn chỉ vỏn vẹn có một trăm đồng bạc. Kinh tế gia đình sau cùng chỉ còn mỗi mình Hoàng Thái Hương cáng đáng.

Kết lại bằng một câu thì là, Tạ Thủ Chuyết mặt thì như công tử bột còn tính tình chẳng khác gì phường lưu manh.

Chuyện này phần nào cảnh tỉnh các đọc giả nữ một điều, là con gái lúc còn trẻ nên ít đọc tiểu thuyết diễm tình lại, để bớt mơ mộng mà lầm tưởng cứ ai biết bay thì đều là thiên sứ, còn Đường Tăng cưỡi ngựa trắng lại nhầm thành Vương tử cưỡi bạch mã.

Lại nói chuyện Tạ Thủ Chuyết, mỗi khi uống say thì không nhịn được mà động tay động chân đánh vợ hành con, tới nổi Vương Đại Xuyên và Giả Quế Phương cũng phải chướng mắt, đưa hai mẹ con Hoàng Thái Hương sang nhà mình lánh nạn. Đôi ba ngày sau Tạ Thủ Chuyết tỉnh táo hơn rồi thì chạy qua bên ấy, dùng lời đường ý mật năn nỉ rước vợ về, thậm chí còn hận là chẳng thể đập đầu vô cửa nhà họ Vương thề thốt một phen. Có thể nói, bao nhiêu ngón cưa cẩm tán tỉnh từ cổ chí kim đều mang ra dùng cả.

Chính vì thế, Hoàng Thái Hương lại mềm lòng dắt con trai về nhà. Sau đó lại bị đánh, lại đi, lại dỗ, lại về. Rồi tiếp nữa lại bị đánh, lại đi, lại dỗ, lại về...

Tạ Nhất từ bé phải sống tranh cảnh cãi vả ẩu đả này, nên so với những đứa trẻ cùng lứa thì tâm sự nặng nề, nhút nhát kiệm lời, biết lẽ hiểu đạo hơn. Theo như lời Vương Đại Xuyên thì là, "Thằng bé tội quá, cứ rụt rè sợ hãi." Còn bằng lời Vương Thụ Dân lại đổi thành rằng, "Bất tài vô dụng như đàn bà, có miệng chi bằng không có."

Trước năm Tám tuổi, ngoại trừ việc Vương Thụ Dân suốt ngày ở trường gây chuyện rồi bị mắng vốn ra thì cậu ta và Tạ Nhất có thể coi như là hòa bình sống chung, dù rằng trong lòng Vương Thụ Dân mang thù oán sâu nặng lắm.

Sau đó, oán hận kia cũng được dịp mà bùng nổ. Ấy là vào cuốc học kỳ I năm lớp Ba.

Theo như lẽ thường, Tạ Nhất đứng hàng nhất lớp, Vương Thụ Dân đứng hàng ba mươi mốt lớp, trong khi lớp chỉ có ba mươi hai học sinh. Trò thứ ba mươi hai là một nhóc thiểu năng, mười một tuổi vẫn còn học lớp Ba. Nghe đâu lớp Một học một năm lưu ban một năm, lớp Hai học một năm lưu ban một năm, tới năm lớp Ba cũng học một năm lưu ban một năm. Sau này, may mà nhà trường không có thêm trường hợp nào lưu ban như thế nữa. Xin lỗi, lạc đề rồi!

Vương Thụ Dân làm cô Lý chủ nhiệm rầu hết sức. Đọc giả nói xem, thằng nhóc này mạnh khỏe xán lạn thông minh, so với ai cũng hoạt bát láu lĩnh hơn rất nhiều, thế nào lại học dốt tới vậy? Suốt ngày lên lớp cứ nhằm hộp bút của các bạn nữ mà bỏ thằn lằn vào, còn không nữa thì trét kẹo cao su lên ghế của giáo viên. Chẳng lẽ nhi đồng cũng có thời kì phản nghịch?

Riết rồi bà cô giáo quá lứa lỡ thì cũng không thể chịu đựng hơn được nữa, phát xong phiếu điểm cho lớp thì liền gọi Vương Thụ Dân lên phòng giáo viên mà càm ràm một phen.

Lần này thì đúng là ngôn ngữ chợ búa gì cũng không thiếu. Vương Thụ Dân nghe ca cải lương xong lết về phòng học, ỉu xìu ngồi vào bàn. Hai phía bên cạnh tức tốc có đứa sợ thiên hạ không đủ loạn mà sáp vào cạnh khóe, "Sao rồi mậy? Bà Lý rủa mày hả?"

Vương Thụ Dân gồng người lên thở chẳng buồn trả lời, chỉ ngước đầu trừng mắt liếc Tạ Nhất, trong đầu thì cứ tua đi tua lại cảnh bị cô Lý mắng xối xả, nước miếng văng thối đầu, "Em cứ xem gương Tạ Nhất mà coi!", rồi hậm hà hậm hực tức tối. Thậm chí tới cái ghế dưới mông cũng như có đinh gây khó chịu vô cùng.

Thằng nhóc Thôi Tiểu Hạo ngồi bên là một thằng béo, đầu toàn nghĩ chuyện xấu, lại còn hay ra vẻ quân sư ta đây bày kế quậy phá. Cu cậu lườm Vương Thụ Dân một cái, bĩu môi nói, "Ui cha, tất cả cũng tại thằng Tạ Nhất học gộng tài hao mà bà Lý đó nâng niu cả." Tuy mang là tiếng quân sư nhưng trình ngữ văn của thằng bé vẫn chưa đạt chuẩn. Có vẻ thành ngữ còn là một khái niệm quá khó khăn với nhóc.

Bất quá, kệ thành ngữ của Thôi Tiểu Hạo có rành hay không, cơn tức của Vương Thụ Dân cũng được dịp mà bốc cao, ác ma trong đầu không ngừng hò reo cổ vũ. Thôi Tiểu Hạo tiếp tục nói khích, khều khều tay Vương Thụ Dân mà rằng, "Tao nói nè A Thụ, có vẻ mày với thằng đó thân thiết quá ha?"

"Mẹ mày, mày với nó mới thân á!"

"Mỗi ngày mày với nó về nhà chung chứ đâu phải tao!"

"Tại vì nhà nó ở dưới lầu nhà tao, mẹ tao kêu tao phải về chung với nó!"

"Ai biết được, toàn là mày nói, chẳng ai làm chứng hết!"

Vương Thụ Dân nổi đóa, "Mày nói coi, phải chứng minh thế nào?"

Thôi Tiểu Hạo đùi run run, mắt láo liên, bụng nảy ý xấu, đoạn nhanh chóng ghé vào tai Vương Thụ Dân nhỏ to một trận.

Vương Thụ Dân xem ra còn chút lương tâm, ngại ngần mà nói, "Thế thì ác quá..."

Thôi Tiểu Hạo liền khinh bỉ, "Mày thế này khác gì bao che nó, thích chơi với nó lắm hả, xía, thích chơi với gái lắm hả, hứ!"

Chút lý trí cuối cùng bị gió thổi bay, Vương Thụ Dân bèn hứng chí đáp, "Làm thì làm! Bệnh gì cữ! Tao nói mày biết Thôi Tiểu Hạo, tao mà làm vậy rồi thì từ này về sau mày phải làm đàn em của tao!"

"Phải nhanh nhảu thế chứ!" Thôi Tiểu Hạo dựng ngón cái lên khen, "Khuẩn tử nhất ngôn, tử mã nan truy!"