Nhất Thế Tôn Sư (Nhất Thế Chi Tôn)

Quyển 5 - Chương 7: Gặp lại




Dịch giả: Tiểu Băng

Thế giới Phong Thần, thủ tàng thất Lạc Ấp.

Nam tử bó tóc, để râu hành lễ: “Tại hạ Khổng Chiêu đất Lỗ, nghe Lạc Ấp thủ tàng thất có công tử Vũ thông kim bác cổ, hiểu biết Chu lễ, minh hiểu đạo đức, là Đại Hiền nổi tiếng gần xa, nên tiến đến cầu kiến, xin nhờ hai vị thông truyền.”

Y nhất cử nhất động đều phù hợp Chu lễ, không chút sai sót, khiến hai binh lính canh cửa không dám coi thường.

Thiên hạ hỗn loạn đã lâu, lễ nhạc đều bị suy đồi, chư hầu đại phu còn có chỗ đi quá giới hạn, những người còn thường xuyên lấy Chu lễ để rèn luyện bản thân, đương nhiên đã ít lại càng ít!

Giây lát, đã vào báo xong, mời y đi vào.

Khổng Chiêu chỉnh trang y phục, nét mặt trở nên trang trọng, từng bước bước vào thủ tàng thất. Người lính dẫn đường rẽ vào một gian phòng để đầy mai rùa, thẻ tre và sách lụa, ở đó có một sĩ phu tóc đen mặc bào dài rộng, quỳ sau bàn, mỉm cười đợi y.

Sĩ phu này ngũ quan xuất chúng, ẩn chứa quý khí, ánh mắt thành thục, không chút vẻ nóng nảy hay khó chịu, nhưng Khổng Chiêu lại có vẻ thất vọng. Bậc đại hiền trong tưởng tượng của y phải có khí chất và trí tuệ, trông phải thâm thúy, già nua tang thương một chút mới đúng.

Không thể lấy tướng mạo để nhìn người...... Khổng Chiêu tự nhắc bản thân, bước vào phòng, cẩn thận hành lễ theo kiểu đất Chu, công tử Vũ đối diện lấy Chu lễ để đáp lại.

Thấy thế, Khổng Chiêu càng thêm tôn kính, quỳ ngồi xuống, bắt đầu đặt câu hỏi.

Công tử Vũ chuẩn bị đã nhiều năm, chính là vì thời khắc này, đương nhiên trả lời thâm sâu, trôi chảy, khiến Khổng Chiêu bội phục không thôi, trong lòng không ngừng tan thưởng, công tử Vũ Lạc Ấp thủ tàng thất quả thật là bậc đại hiền đương thời!

Y không biết trong lòng công tử Vũ đang vô cùng thỏa mãn, hân hoan và tự đắc. Lão sư đã từng nói, nếu không có gì bất ngờ xảy ra, người trước mặt này sẽ trở thành thánh nhân, thành tấm gương cho vạn thế, mỗi câu thỉnh giáo, mỗi câu tán thưởng của y đều đánh trúng vào lòng hư vinh của công tử Vũ.

Thánh nhân vạn thế noi theo. Ôi chao, nghĩ thôi thấy kích động!

Thỉnh giáo đến khúc cuối, Khổng Chiêu sắc mặt nghiêm nghị, đứng dậy, đại lễ bái công tử Vũ, trịnh trọng nói:

“Chư hầu vô đạo, vượt qua lễ nghĩa, khuấy động binh đao, bất nhân bất nghĩa, cho nên thế đạo tiêu vong, nhân tâm giả dối, cốt nhục tương tàn, thi thể khắp nơi, khiến lòng người vô cùng sầu nản.”

“Phải làm thế nào mới kết thúc thế đạo này, trả lại lễ nhạc cho thiên hạ, kính xin công tử dạy ta!”

Công tử Vũ xoa cằm, nhắm mắt hưởng thụ một hồi mới đáp: “Ngày mai lúc cửa thành mở, ở cổ đình bên trái đường chờ.”

Dứt lời, y lấy Chu lễ tiễn khách.

Ngày mai lúc cửa thành mở, ở cổ đình bên trái đường chờ? Khổng Chiêu ngơ ngác, nhưng không dám hỏi thêm, khom người trở ra.

Vì sao Công tử Vũ không trả lời thẳng vào câu hỏi, còn muốn sáng mai hẹn gặp?

Y thật sự có cách để chấm dứt loạn thế?

Thời thế hiện nay, chuyện dạy học công khai và dạy học tư đã ít lại càng thêm ít. Dạy học công khai là Mặc gia thực hiện, dạy học tư là do Khổng Chiêu tự mình mở lớp đảm đương, nhưng muốn học võ công, đạo đức và sách lược, thì phải bái sư, mới được lén dạy cho.

Cái này chính là lén dạy đây có phải không? Giống như Quỷ cốc?

Sáng sớm hôm sau, Khổng Chiêu đứng ở cổ đình bên trái đường, kiên nhẫn đợi.

Một chén trà trôi qua, một nén nhang trôi qua, một khắc chung trôi qua, cuối cùng y nhìn thấy một cỗ xe ngựa chạy tới gần, người đánh xe chính là công tử Vũ!

Bậc đại hiền của Lạc Ấp thủ tàng thất, lại tự mình làm việc ti tiện đánh xe?

Chuyện này là thất lễ!

Đến gần, công tử Vũ nhảy xuống xe, mỉm cười: “Thầy như cha, đánh xe cho thầy, làm sao thất lễ?”

Cứ như y nhìn ra được suy nghĩ của Khổng Chiêu.

Đánh xe cho thầy? Khổng Chiêu càng thêm khó hiểu, chăm chú nhìn vào cửa xe, trong đó là lão sư của công tử Vũ?

Chưa bao giờ nghe nói Đại Hiền công tử Vũ còn có lão sư......

Là lão sư của công tử Vũ, nhất định là có học thức và trí tuệ hơn xa y!

Công tử Vũ cười: “Câu hỏi của ngươi hôm qua, ta tài sơ học thiển, kiến thức nông cạn, không dám trả lời, nhưng lão sư của ta học cứu Thiên Nhân, trí tuệ uyên thâm, minh đạo đức chi yếu, biết thời sự chi tệ, đủ để dạy ngươi, cho nên mới bảo ngươi ở đây chờ.”

Đủ để dạy ngươi...... Mình ngay cả so với công tử Vũ mà còn mặc cảm, ngay cả công tử Vũ còn phải nói như vậy, lão sư của người nhất định là vô cùng xuất sắc, có lẽ sẽ giải được khúc mắc trong lòng mình! Khổng Chiêu kích động cảm ơn công tử Vũ, đi theo y tới chỗ xe ngựa.

Cửa xe mở ra, trong xe bài trí đơn sơ, có một nam tử ngồi ở trong đó, tóc mai trắng bạc, nét mặt uể oải tang thương, nhưng vô cùng thâm thúy, khí tức hoàn toàn không có, nếu không phải tận mắt nhìn thấy, sẽ không thể nào nghĩ trong xe ngựa có người, hoàn toàn ăn khớp với hình tượng đại hiền trong lòng Khổng Chiêu.

Khổng Chiêu còn chưa kịp nói gì, nam tử kia đã chỉ chỉ bên cạnh, ý bảo mình lên xe, y đi lên, quỳ ngồi bên cạnh: “Tiên sinh có gì dạy ta?”

Nam tử mắt vẫn nhìn về phía trước: “Ngồi ở trong lư xá, không có lễ nhạc ở tâm, lại vọng ngôn muốn kết thúc hỗn loạn, có khác gì cây lục bình không rễ, một cơn gió qua sẽ thổi bay tứ tán. Ngươi đi theo ta chu du các nước, nhìn thời loạn một lần, nhìn bách tính khổ sở tận mắt, mới hiểu rõ được chỗ xấu ở đâu, mới biết được làm sao để thiên hạ thanh bình.”

Khổng Chiêu đã sớm có ý ấy, lời ấy trúng ngay trong lòng, nên trong lòng càng thêm bội phục, trịnh trọng đáp: “Tiên sinh nói rất đúng.”

Lúc này, công tử Vũ đã đóng cửa xe, xe ngựa lại bắt đầu chạy.

Khổng Chiêu lúc này mới tỉnh ngộ mình vừa có điểm thất lễ, vội nói:

“Tại hạ đất Lỗ Khổng Chiêu, xin hỏi tiên sinh cao tính đại danh?”

Nam tử kia nhìn y:

“Lý Đam.”

Lý Đam!

Đại bàng một ngày bay lên cùng gió, bay thẳng một mạch chín vạn dặm!

............

Tâm tình Mục Vân Nhạc vô cùng tốt đi tới đi lui, nhìn cảnh sắc dưới sơn lĩnh, trong đầu không ngừng lóe sáng thi thơ, mắt vẫn cảnh giác nhìn quanh cảnh giới.

Đột nhiên, cô nghe thấy sau lưng có động tĩnh, mím miệng, quay đầu lại, thấy Chân Định đại sư đã đứng dậy, khẽ phủi tăng bào rách rưới.

“Đại sư, ngươi tính đi đâu? Có cần ta dẫn đường hay không?” Mục Vân Nhạc hỏi.

Mạnh Kỳ tươi cười rất nhẹ: “Lê thành.”

Mục Vân Nhạc cảm thấy Chân Định đại sư đã bớt đi rất nhiều phần mệt mỏi và tịch mịch, tăng thêm sự ưu thương.

Cô bình tĩnh hẳn: “Vãn bối biết đường, xin dẫn đường cho đại sư.”

Đây là tòa thành ở biên cảnh Bắc Chu.

“Ách, đại sư, ngài đi tới đó để làm gì?” Cô tò mò hỏi.

Mạnh Kỳ nhìn về phương xa, cười mệt mỏi: “Nhân quả duyên phận.”