Nhất Phẩm Giang Sơn

Quyển 7 - Chương 352: Cầu thân




Nhưng ở một phương diện khác, y không hiền lành đến như vậy. Một Tàng Ngoa Sủng không cho phép bất kỳ ai tiếp cận đến cháu ngoại bảo bối của hắn, được biết Lý Lượng Tộ để cho hai nhũ huynh lén lút ra ngoài để tìm hiểu tình hình, lão không chút do dự mà ra tay sát hại, còn giết hết cả nhà bọn họ.

Một Tàng Ngoa Sủng cho rằng như thế sẽ hù dọa được Lý Lượng Tộ, nhưng lão ta quên mất rằng y là con cháu của ai! Cái chết của cả nhà nhũ mẫu chưa đủ khiến Lý Lượng Tộ cảm thấy sợ hãi chút nào, chỉ là trong lòng y có chút phẫn nộ và oán giận mà thôi, hận không thể đem băm thây lão ta thành ngàn mảnh.

Đứa trẻ mười ba tuổi này đúng là trưởng thành quá sớm, thông minh mà tàn nhẫn một cách kỳ lạ. Y trước mặt Một Tàng Ngoa Sủng luôn kính cẩn nghe theo, nhưng bên trong, lại ngấm ngầm liên lạc với các vương công quý tộc ôm lòng bất mãn với Một Tàng Ngoa Sủng.

Nhưng khắp nơi hoàng cung đều có tai mắt, tiểu hoàng đế làm gì cũng phải giấu diếm, cũng khó tránh nổi tin đồn. Cũng chính trong tháng chạp này, Một Tàng Ngoa Sủng biết được Lý Lượng Tộ không thành thật, liền chuẩn bị dựa theo lệ thường, ra tay giết hại một loạt lũ tay sai của hoàng thượng.

Nhưng người con bị tiểu hoàng đế cắm sừng của lão lại kiên quyết phản đối, khuyên cha, giết hết loạt này đến loạt khác thì đến khi nào mới xong? Chúng ta dù sao cũng đã nắm được quyền lực trong tay, chi bằng ra tay giết chết con rối kia, rồi tự mình lên làm hoàng đế!

Tiểu tử này thật sự không chịu nổi nữa rồi, hơn một năm qua, vợ của y ban ngày thường xuyên tiến cung, đến tận tối mịt mới về, mọi người của nước Tây Hạ này đều biết nàng ta đang làm gì, không giết chết Lý Lượng Tộ thì còn gì đáng mặt đàn ông nữa.

Một Tàng Ngoa Sủng ngẫm nghĩ một chút, cũng đồng ý. Không phải vì cái gì khác mà vì lão thấy Lý Lượng Tộ lớn lên càng ngày càng giống Lý Nguyên Hạo, lão không thể không sợ hãi.

Tuy nhiên Lý Lượng Tộ dù sao cũng là quân vương của một nước, không thể tùy ý tìm một lý do khép hắn vào tội chết được, hai cha con hắn liền bàn nhau nghĩ cách,phải làm cho cái chết của Lý Lượng Tộ thần không biết quỷ không hay. Nhưng dùng cách gì đây, bọn họ vẫn chưa nghĩ ra…

Nhưng thật đáng tiếc, tính cảnh giác của hai cha con bọn họ quá kém, bọn họ quên rằng bên cạnh họ còn có tai mắt của Lý Lượng Tộ – đó chính là con dâu của Một Tàng Ngoa Sủng Lương thị.

Người phụ nữ này sớm bị Lý Lượng Tộ chinh phục rồi… Lý Lượng Tộ đã hứa hẹn rằng, chỉ cần giết được cả nhà bố chồng nàng, sẽ cho nàng làm hoàng hậu. Lương thị cảm thấy cuộc trao đổi này có lợi rất lớn, vì thế ngay tức khắc đem âm mưu rõ như ban ngày mà nàng ta mắt thấy tai nghe giữa bố chồng và chồng mình nói cho tiểu hoàng đế.

Lý Lượng Tộ biết được Một Tàng Ngoa Sủng có ý định giết mình, nhanh chóng nắm lấy cơ hội, ra tay trước tiên để chiếm thế thượng phong.

Vì thế mùng một Tết năm Gia Hựu thứ sáu, khi bách quan vào cung chúc hoàng thượng. Tiểu hoàng đế ra lệnh một tiếng, những đối thủ từ lâu đã có mối hận thù khắc cốt ghi tâm với Một Tàng Ngoa Sủng nhanh chóng rút đao chém đứt đầu cha con Một Tàng.

Nhìn cảnh tượng này, Lý Lượng Tộ ngồi ngay ngắn trên long sàng mang vẻ mặt bình thản như mặt hồ lặng sóng.

Chỉ trong nháy mắt, bọn quý tộc dường như nhìn thấy Nguyên Hạo được tái sinh, quỳ rạp xuống hô to vạn tuế!

Năm nay, Lý Lượng Tộ đã mười lăm tuổi. Tây Hạ hỗn loạn mười lăm năm, cuối cùng có thể nghênh đón vị vua của bọn họ quay trở về…

Ngày tiếp đó, toàn bộ gia tài của Một Tàng thị bị tịch thu, cả gia tộc chỉ còn một người sống sót, đó là em họ cũng là hoàng hậu của Lý Lượng Tộ, nhưng nàng ta cũng bị giáng xuống làm thứ dân.

Từ sau khi tự mình chấp chính, Lý Lượng Tộ một mặt bắt tay vào chỉnh đốn lại nội bộ, một mặt tích cực cải thiện quan hệ với Đại Tống. Y đem phần đất mà Một Tàng Ngoa Sủng chiếm được trả lại cho Đại Tống, với mong muốn hai nước có thể tiếp tục thông thương với nhau, còn xin triều Tống những tập sách nói về nghi lễ triều hạ như “Cửu kinh” và “Sách phủ nguyên quy”, còn tuyên bố sẽ chiếu theo nghi lễ của nhà Hán.

Đồng thời trịnh trọng cho sứ giả đến thành Biện Kinh xin cầu hôn với công chúa Đại Tống.

Trong phút chốc, hai nước Tống Hạ niềm vui nối tiếp niềm vui, dường như nền hòa bình lâu dài giữa hai nước sắp được tái diễn trên lãnh thổ hai quốc gia. Đối với yêu cầu của Lý Lượng Tộ, Triệu Trinh đương nhiên có thể đáp ứng, vì thế những điểm giao dịch buôn bán gián đoạn mấy năm qua sẽ được mở lại, cho phép Tây Hạ cống nạp, cũng ban thưởng cho Tây Hạ hơn hai nghìn bộ sách về lễ nhạc như “Cửu kinh”, “Đường lễ”. Vấn đề duy nhất ở đây là lão không có người con gái nào thích hợp để gả cho Lý Lượng Tộ…

Mặc dù triều Tống có nhiều mâu thuẫn đối với vấn đề cầu thân, nhưng sau khi dùng kế để diệt tận gốc Một Tàng Ngoa Sủng, quân thần triều Tống ai nấy đều mang vẻ mặt vô cùng sảng khoái của người chiến thắng. Họ cho rằng có thể để hoàng đế của Tây Hạ làm con rể của Đại Tống vẫn là hay nhất.

Chỉ có điều hai công chúa đã trưởng thành, một người thì hôn nhân tan vỡ, tinh thần bất ổn, một người thì mới xuất giá, phu thê ân ái mặn nồng, các công chúa còn lại lớn nhất cũng mới có năm tuổi. Không còn lựa chọn nào nữa, chỉ có thể từ chối khéo mà thôi.

Nhưng mà Lý Lượng Tộ không biết hỏi thăm được từ đâu tác giả của cuốn “Đường Lễ” là một tài nữ, hơn nữa lại là một quận chúa, bèn phái sứ giả đến Biện Kinh xin cầu hôn, còn nói rõ tên tuổi của vị quận chúa này, mong được lấy nàng làm hoàng hậu.

Triệu Trinh lần này không còn cách nào có thể từ chối được nữa, liền tìm đến Bắc Hải Quận Vương quân sư giúp.

Ngay từ lúc đầu, Triệu Duẫn Bật không muốn để con gái đến làm dâu Tây Hạ, cho dù làm hoàng hậu thì cuộc đời này cũng không thể hạnh phúc được.

Nhưng Triệu Trinh hi vọng ông ấy có thể lấy quốc gia làm trọng, nói một câu đầy thâm ý: “Đây là một cơ hội, không nên bỏ lỡ.”

Triệu Duẫn Bật trong lòng có chút lay động, ông với Triệu Trinh cũng đã là anh em của nhau mấy chục năm rồi, cũng không dám làm trái với ý của hoàng thượng, chỉ là vì nghĩ cho đứa con gái mà thôi, làm sao có thể hi sinh hạnh phúc của con gái mình?

Kết thúc một tháng mùa đông huấn luyện dã ngoại, Trần Khác dẫn các võ sinh quay trở lại Biện Kinh, vừa về tới nhà, từ chỗ Nguyệt Nga biết được tin này, vô cùng ngạc nhiên nói:
- Tương Nhi phải gả cho Tây Hạ sao?

- Vâng.
Liễu Nguyệt Nga gật đầu nói:
- Nghe nói Bắc Hải Quận Vương cũng đã đồng ý rồi, sắc phong Tương Nhi làm sứ giả của công chúa Trịnh Quốc, đã đến phủ của ông ấy rồi.

- …
Trần Khác kinh hoàng một hồi lâu không nói được câu gì. Cứ ngồi ở đó ngẩn người ra, rồi đột nhiên đứng lên nói:
- Ta phải đi xem xem thế nào.

Lúc đi vào vương phủ, đúng lúc gặp Triệu Tông Cảnh tiễn sứ giả về. Sau khi nhìn thấy Trần Khác, y cười gượng nói:
- Không thể ngờ được, ta đã trở thành em vợ của vương quốc Tây Hạ.
Bây giờ y hơn hai mươi tuổi, không hấp tấp như trước kia nữa.

- Tương Nhi như thế nào rồi?
Trần Khác cảm thấy trong lòng như có lửa đốt, nếu Triệu Tương Nhi gả cho một người Tống, hắn cũng không có ý kiến gì, nhưng hoàng cung Tây Hạ là nơi ăn tươi nuốt sống con người ta, làm sao có thể đi được?

Trần Khác mặc dù không hiểu nhiều lắm về Tây Hạ, nhưng hắn biết rằng, so với lịch sử tinh tế của Đại Tống, thì lịch sử Tây Hạ là một bộ phim ghê sợ nhất nói về cung đình của Quỳnh Dao! Nếu một nữ nhi triều Tống đến đó, e rằng chỉ sống được mấy năm!

- Tương Nhi vẫn tốt.
Triệu Tông Cảnh thở dài nói:
- Con gái của nhà nào cũng vậy, phải lấy chồng xa xứ, thử hỏi trong lòng làm sao có thể thoải mái được?
Y dừng lại một lúc, nhẹ giọng nói:
- Bà nội ta mới là người đau lòng nhất, lúc nào cũng chỉ vào cái mặt của cha ta mà mắng, còn bắt ông đi gặp hoàng thượng mong thu lại thánh chỉ.”

Bắc Hải Quận Vương phủ chỉ còn có một lão tổ mẫu, bình thường bà chỉ ăn chay niệm phật, rất ít hỏi đến chuyện của các cháu, không ngờ rằng chuyện này lại làm kinh động đến bà.

- Xem ra ta tới không phải lúc.
Trần Khác khẽ nói.

- Không sao cả, ngươi cũng không phải là người ngoài.
Triệu Tông Cảnh thản nhiên nói
- Vào đi thôi.

- Hay là ta ở bên ngoài chờ.
Trần Khác nào đâu muốn xem trò cười ở nhà Bắc Hải Quận Vương.

- Cũng được, ta đi nói với cha ta một tiếng.
Trần Tông Cảnh mời Trần Khác dùng trà tại đại sảnh, rồi đi qua cửa thùy hoa tới hậu đường.

Vẫn chưa vào tới cửa, đã gặp Triệu Duẫn Bật cúi đầu đứng trong phòng khách, bên trong có tiếng lão thái thái đang khóc lóc thảm thiết nghe đến nẫu ruột gan:
- Tên súc sinh này, ngươi có tới hai bảo bối, nhưng một đứa thì ngươi đưa nó ra ngoài làm con thừa tự, cả năm trời không được quay về phủ, còn đứa nữa thì ngươi lại dứt tình đem nó tặng cho bọn người Đảng Hạng, để chúng ta âm dương cách biệt, sao ta lại sinh ra một tên bất hiếu như ngươi, sớm biết như vậy, ta thà giết chết ngươi từ khi mới lọt lòng rồi.

- Mẫu thân, xin người bớt giận,
Triệu Duẫn Bật nhẹ nhàng an ủi:
- Tương Nhi được làm vương hậu, dưới một người trên vạn người, ai dám bắt nạt nó chứ?

- Ngươi còn nói nữa à, thằng nhãi Lý Nguyên Hạo đó có thể là người tốt được sao?
Cha nào con nấy, không giống lông thì cũng giống cánh, quan niệm của lão thái thái cũng rất thông thường và cũng rất thực tế.


- Việc này còn liên quan tới nền hòa bình của hai nước, một khi hôn lễ được tổ chức, Đại Tống cũng sẽ giống như Tây Hạ và nước Liêu, mãi mãi không có chiến tranh.
Triệu Duẫn Bật lấy đại nghĩa để khuyên nhủ lão thái thái.

- Vì sao không phải là công chúa của bọn họ?
Lão thái thái hùng hổ nói:
- Chẳng phải cũng thế sao?

- …
Triệu Duật Bật lập tức bị cứng họng.

Thấy phụ thân gặp nguy, Triệu Tông Cảnh vội vàng bước vào giải vây:
- Có khách đến nhà.

- Vậy sao, không nên để khách chờ lâu.
Triệu Duẫn Bật ngầm hiểu, khom người cúi chào lão thái thái nói:
- Mẫu thân nghỉ ngơi đi, con đi rồi sẽ về ngay.
Nói xong cùng với Triệu Tông Cảnh chạy mất hút.

- Lũ con cháu đại nghịch bất đạo các ngươi!
Bọn họ nhanh chóng rời khỏi phòng, bỏ lại một mình lão thái thái đang tức giận mắng nhiếc…

- Trọng Phương, người đến rồi à.
Triệu Duẫn Bật lấy lại tinh thần, nhanh chóng rời khỏi.

- Vương gia.
Trần Khác vội vàng đứng dậy thi lễ.

- Ngồi đi.
Triệu Duẫn Bật giọng thân mật mời hắn ngồi xuống:
- Chuyện của Tương Nhi, chắc ngươi cũng nghe cả rồi!

- Chỉ là mới nghe sơ qua thôi.

- Hừ,
Triệu Duẫn Bật liền kể hết đầu đuôi câu chuyện cho Trần Khác nghe, rồi thở dài nói:
- Hoàng thượng cũng có ý quan tâm đến chuyện cầu thân lần này, ngài muốn nhân cơ hội này để đẩy mạnh công cuộc Hán hóa Tây Hạ, cho nên Tương Nhi là người được chọn.

- Chính là vì quyển “Đường lễ” mà rước họa vào thân.
Trần Khác vẻ mặt buồn bã nói:
- Cháu đã hại Tương Nhi rồi.
Hai năm trước, khi Trần Khác mang tài liệu từ Nhật Bản về, có nhờ tiểu quận chúa sửa sang và phục hồi lại, trải qua hai năm trời mới có kết quả, liền dâng lên hoàng thượng.

Được giám định bởi bộ Lễ, quán các và tướng công, mới khẳng định quyển sách này là cuốn sách ghi lại những lễ nhạc thời Đường, tất cả các mặt như dụng cụ triều nghi, y phục đều được phục hồi lại và đạt chất lượng cao như ban đầu, điều này có tác dụng to lớn đối với việc định hướng và hiệu đính những nghi thức của triều đình. Trong chốc lát, danh tiếng của công chúa được lan truyền rộng rãi, còn được ví như nữ sử gia Ban Chiêu, Thái Diễm.

Tiếng tăm của nàng khiến hoàng đế Tây Hạ để ý tới...

- Trọng Phương hà cớ gì vướng vào chuyện này, việc này có quan hệ gì với cháu chứ?
Triệu Duẫn Bật lắc đầu nói:
- Cho dù không có cuốn “Đường lễ” đó, thì Tương Nhi cũng vẫn bị gả cho Tây Hạ.

- Vì sao vậy?
Trần Khác trợn tròn mắt hỏi.

- Thánh chỉ có thể cân nhắc được không, cũng không thể nói rõ ra được.
Triệu Duẫn Bật khẽ nói:
- Chuyện này giống như ván đã đóng thuyền, Tương Nhi ba tháng nữa thì khởi hành.

- Hả...
Trần Khác trong lòng trĩu nặng, cảm xúc hỗn độn đan xen không thể diễn đạt được thành lời.

- Trọng Phương, thúc thúc có chuyện cần nhờ cháu.
Triệu Duẫn Bật nhìn hắn nói.

- Xin vương gia cứ nói.
Trần Khác cung kính nói.

- Chúng ta không hiểu biết lắm về Tây Hạ, Tương Nhi lần này tới Tây Hạ, e rằng sẽ gặp nhiều phiền toái, nếu chẳng may làm mất thể thống, sợ rằng chuyện tốt biến thành chuyện xấu.
Triệu Duẫn Bật ngập ngừng một lúc rồi lại nói:
- Điều lo lắng nhất là sợ người của chính mình giở trò phá rối cuộc hôn nhân này...
Trần Khác im lặng, hắn ép mình tĩnh tâm lại, suy nghĩ đủ mọi khía cạnh. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu Tương Nhi có thể trở thành hoàng hậu của Tây Hạ, thì chuyện này sẽ có ích lớn đối với Triệu Tông Tích, nhưng đối với Triệu Tông Thực thì chẳng thoải mái chút nào. Cứ coi như y vẫn có thể lên ngôi vị hoàng đế, nhưng nếu Tương Nhi là hoàng hậu của Tây Hạ, y khó có thể động tới huynh trưởng của nàng.

Triệu Duẫn Bật cũng chính vì điểm này mà đồng ý yêu cầu của hoàng thượng.

Nếu đám hỏi này bị quấy phá, thì không chỉ tạo tiếng xấu cho nhà bọn họ, mà Triệu Tông Tích cũng chẳng tốt đẹp gì, cho nên Triệu Duẫn Bật không thể không đề phòng.

- Không cần phải lo lắng vì chuyện này.
Triêu Duẫn Bật chờ trong giây lát, cuối cùng Trần Khác cũng mở lời:
- Việc này có liên quan đến quốc thể, huống hồ dù có bị phá hoại, cũng sẽ ảnh hưởng không lớn đối với điện hạ, cho nên bọn chúng không dám mạo hiểm hành động đâu.

- Nhưng cũng nên phòng ngừa trước thì hơn.
Triệu Duẫn Bật kiên quyết nói:
- Một mình Tông Cảnh đưa dâu, ta thật sự không yên tâm, làm phiền Trọng Phương đi cùng với nó một chuyến có được không.

- Vương gia đã giao phó, cháu tất nhiên phải tuân theo.
Trần Khác gật đầu đồng ý, hắn nói:
- Nhưng vẫn phải xem ý của hoàng thượng phái ai đi.

- Không phải lo, chắc chắn bổ nhiệm ngươi rồi, con gái ta về nhà chồng, ai đi đưa dâu đều do ta sắp xếp cả.

- Vâng...
Trần Khác muốn gặp tiểu quận chúa, nhưng khổ nỗi không thể mở miệng... Trước kia đều lấy Triệu Tông Tích làm lý do để gặp mặt, nhưng bây giờ Triệu Tông Tích không có nhà, hắn chẳng tìm đâu được lý do để gặp nàng.

Buồn bã thất vọng từ chỗ Triệu Duẫn Bật đi ra, Trần Khác nhìn thấy thị vệ trong phủ của Triệu Tông Tích tới chào.

- Đại nhân, nương nương nhà tôi có lời mời ngài.

- Ừ.
Trần Khác gật đầu, rồi lên xe cùng với tên thị vệ, nhanh chóng tới quý phủ của Triệu Tông Tích.

Chỉ sau thời gian một nén nhang, Trần Khác đã ngồi trong đại sảnh của Triệu phủ. Bởi vì không có đàn ông trong nhà, để tránh hiềm nghi, nên chỉ có thể ở trước phòng khách.

Chỉ trong phút chốc, Trương thị đã đi ra, hai mắt đỏ mọng như hai trái đào, vừa thấy Trần Khác liền mắng:
- Đều tại ngươi, soạn “Đường lễ” làm gì chứ, lần này lại đổ hết tai họa lên đầu Tương Nhi!

- Nương nương mắng rất đúng.
Trần khác cúi đầu nói:
- Tất cả đều là tại tôi.

- Ta biết đây thuộc trách nhiệm của ngươi, nên mới nhanh chóng xoay ngược việc này
Trương Thị lườm nguýt Trần Khác một cái, rồi nói:
- Ngươi chẳng phải có bản lĩnh lớn sao? Hãy nghĩ cách để hoàng thượng thu hồi lại mệnh lệnh đi, bằng không ta sẽ không tha cho ngươi đâu!

- Ta đang cố hết sức để nghi cách đây,
Trần Khác than thở:
- Nhưng hi vọng cũng mong manh lắm.

- Ta mặc kệ, đấy là việc của nhà ngươi.
Trương thị xua tay một cái nói:
- Ta bây giờ phải tiến cung tìm hoàng hậu để nói rõ chuyện này, ngươi hãy an ủi Tương Nhi đi, đừng để cô ấy lo nghĩ nhiều.

- Tương Nhi ở đây sao?
Trần Khác mừng rỡ hỏi.

- Nói nhảm, bằng không ta gọi ngươi đến đây làm gì.
Trương Thị lườm hắn một cái nói...

- Đại ca…
Sau khi thị nữ bẩm báo, Triệu Tương Nhi vội vã ra ngoài gặp mặt, không khí trong phòng ấm áp như mùa xuân, nàng mặc một chiếc váy màu vàng nhạt, phần tay áo và cổ áo để lộ ra chiếc áo lụa màu trắng mỏng. Chân váy dài buông xuống, những bồng váy mềm mại, không một nếp nhăn, sợi lụa trắng đu đưa là là trên mặt đất, chúng làm cả người nàng toát lên một phong thái nhã nhặn lịch sự.

- Quận chúa.
Trần Khác không ngờ rằng, Tương Nhi lại trầm tĩnh đến thế, những lời an ủi trong lòng không biết bắt đầu từ đâu.

Sau khi ngồi xuống, cả hai đều im lặng, vẫn là Trần Khác mở lời trước:
- Đúng rồi, vẫn chưa chúc mừng quận chúa vinh dự trở thành công chúa.

- Ngay cả vị trí quận chúa, muội cũng không muốn làm,
Trên khuôn mặt của Triệu Tương Nhi thoáng một nỗi buồn, nàng nói:
- Tương Nhi sắp phải lấy chồng xa rồi…

- Ta vẫn chưa nghe thấy thánh chỉ.
Trần Khác lắc đầu nói.

- Dĩ nhiên không thể có ngay lập tức.
Triệu Tương Nhi nhỏ nhẹ nói:
- Nơi đây có một nghi lễ, sắc phong là bước đầu tiên.

- …
Trần Khác lặng yên không nói gì, gân xanh trên mu bàn tay hắn nổi lên, trong lòng hắn đang gợn sóng. Rất lâu sau đó, hắn mới nói được hai chữ:
- Không được!

- Cái gì không được?
Triệu Tương Nhi vẻ mặt ngây thơ nhìn chằm chằm hắn, nghe thấy câu nói đó vô cùng kinh ngạc bèn hỏi hắn:
- Cái gì không được?

- Muội … không thể gả cho Lý Lượng Tộ được!
Biết rõ mình đang muốn nói gì, nhưng trên mặt Trần Khác vẫn thoáng chút chần chừ, rồi lại kiên quyết khẳng định:
- Tuyệt đối không thể!

- …
Mặc dù không hiểu vì sao hắn lại nói như vậy, nhưng trong lòng Triệu Tương Nhi cảm thấy thoải mái dễ chịu. Trên khuôn mặt thanh tú yêu kiều kia nở một nụ cười, rồi nói:
- Đại ca vì sao lại nói như thế?

- Ta không thể để muội một mình nhảy vào biển lửa.
Trần Khác trầm giọng nói:
- Huống hồ tất cả chuyện này đều do ta, ta không thể không có một phần trách nhiệm.

- Làm sao có thể là biển lửa?
Triệu Tương Nhi hỏi.

Trần Khác không biết phải nói với nàng thế nào, Lý Lượng Tộ là một con quỷ đoản mệnh, mà trong hoàng cung Tây Hạ là nơi ăn tươi nuốt sống con người ta, nàng ta nhất định không thể sống trường mệnh hơn Lý Lượng Tộ:
- Nói tóm lại, nơi đó là biển lửa.

Lời phán quyết vô cùng hùng hổ hơn bất kỳ lời giải thích nào, càng hùng hổ bao nhiêu Tương Nhi lại càng tin tưởng bấy nhiêu. Chỉ có điều không thể thay đổi điều gì:
- Nhưng nếu muội được gả cho Tây Hạ, hai nước sẽ không còn chiến tranh.
Nàng dịu dàng nói:
- Như thế Tương Nhi có chết cũng không hối tiếc.

- Đại Tống có rất nhiều cách đối phó với Tây Hạ.
Trần Khác lắc đầu nói:
- Không thể để một mình nữ nhi gánh vác.

- Phụ thân nói, như vậy cũng sẽ tốt cho Nhị ca…
Triệu Tương Nhi buồn bã nói:
- Hoàng thượng đã gả muội cho Tây Hạ, cũng có ý định thăng chức cho Nhị ca.

- Hoàng thượng nếu thật sự muốn thăng chức cho điện hạ, ắt sẽ có cách khác.
Trần Khác quả quyết nói:
- Tóm lại, ta không thể để muội lấy Lý Lượng Tộ!

- Vậy huynh muốn muội… lấy ai?
Triệu Tương Nhi nhìn Trần Khác với ánh mắt rực sáng.

Ánh mắt của Trần Khác có chút né tránh, hắn nói:
- Đương nhiên là ta…



Hai mắt của Triệu Tương Nhi sáng ngời, nhưng lại nghe thấy giọng của hắn càng ngày càng nhỏ:
- Nam nhi đại Hán ta vẫn tốt nhất.

Trần Khác cảm thấy mình hình như không thể thở nổi, ngẩng đầu lên một chút, lấy hết sức nói to:
- Muội muốn lấy ai, chỉ cần nói tên ra, ta thu xếp cho muội!

- Đại ca lại nói đùa rồi…
Triệu Tương Nhi trong lòng thở phào nhẹ nhõm, huynh lẽ nào không biết trong lòng muội muốn lấy ai? Nhưng nét mặt vẫn lạnh băng như cũ:
- Bây giờ thánh chỉ đã ban, không thể rút lại được.

- Thánh chỉ thì sao…
Trần Khác mỉm cười rồi nói:
- Không cái gì là không thể sửa đổi.
Hắn vừa nói vừa đứng dậy:
- Lần này ta đến, chính là mong muội cứ yên tâm, chuyện này cứ để ta lo, nhất định không để muội phải lấy Lý Lượng Tộ.

- Huynh muốn muội làm gì không?
Triệu Tương Nhi cuối cùng cũng đã không kìm nổi cảm xúc của mình, nàng đã để lộ tâm tư của mình. Nhưng hễ có một chút hy vọng, thì chẳng có ai muốn lấy chồng ở một nơi quỷ quái như Tây Hạ.

- Không cần, muội cứ ngồi yên mà đợi tin tốt lành.
Trần Khác lần đầu tiên nở một nụ cười rạng rỡ nói:
- Hãy tin tưởng ta!

Khuôn mặt của Triệu Tương Nhi đỏ ửng lên, cười tươi như hoa mai nở… Quay về nhà, Trần Khác lại bàn bạc kế sách với Tiểu Muội.

- Chuyện này, trước tiên phải để cho điện hạ biết,
Tiểu Muội trong lòng khẽ cười gượng, nhưng nhìn thấy hắn ruột nóng như lửa đốt, cũng bỏ qua sự ghen tuông, nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Hỏi xem ý của điện hạ rồi hãy hành động.

- Điện hạ nhất định sẽ đồng ý.
Trần Khác thản nhiên nói:
- Ý của hoàng thượng là muốn làm thế nào để không xảy ra chiến tranh, nhân dân được sống yên ổn từng ngày. Điện hạ thì ngay cả nằm mơ cũng muốn chiếm lấy Tây Hạ, thu phục Hà Sáo, làm sao có thể để Lý Lượng Tộ trở thành em rể của mình được, nhất quyết không thể khoanh tay đứng nhìn.

- Hay là trước tiên cứ hỏi qua một chút sẽ tốt hơn.
Tiểu Muội nói.

- Cũng nên như thế.
Trần Khác gật đầu, rồi lại nói:
- Nhưng cũng không cần thành thật như thế, ta không phải là thuộc hạ của y.

- Được rồi…
Tiểu Muội lườm hắn một cái, rồi nói:
- Kỳ thực có một cách rất đơn giản, trong bộ luật hôn nhân của Đại Tống ta có viết “cùng họ không được kết hôn”

- A…
Trần Khác sửng sốt nói:
- Nghĩa là thế nào?
Một người họ Lý, một người họ Triệu, như thế đâu gọi là cùng họ?

- Tam ca lo lắng quá mà hóa loạn rồi.
Tiểu Muội che miệng cười nói:
- Vào năm Minh Đạo thứ hai, bên trên có phong cho Lý Nguyên Hạo là Tây Bình Hạ Vương, ban cho họ Triệu, Lý Nguyên Hạo kỳ thực phải gọi là Triệu Nguyên Hạo mới đúng, con trai của y đương nhiên phải gọi là Triệu Lượng Tộ rồi.

Trần Khác trợn tròn mắt, hắn không ngờ rằng chuyện này lại có thể giải quyết đơn giản như vậy…

Chuyện này, dĩ nhiên không thể do hắn trực tiếp đến chọc phá được, nhưng thứ mà Đại Tống không thiếu nhất chính là miệng pháo. Hơn nữa lại làm hỏng việc của Triệu Tông Tích, hắn đương nhiên phải nghĩ cách đền bù rồi.

Không quá hai ngày, vấn đề “cùng họ không được lấy nhau” được lan truyền khắp Biện Kinh, các gián quan ở Đài gián sớm đã phản đối việc “cầu thân”. Bọn họ cho rằng “người Trung Quốc kết hôn với người di địch” là “tự chuốc lấy nhục nhã”, bây giờ có lý do đó, đương nhiên lại có cớ để mà phản đối.

Hàng loạt tấu chương dâng lên sở Ngân Đài Ti, thật sự quá sức tưởng tượng của Triệu Trinh. Lão cho rằng chuyện này là do một số người nào đó không muốn nhìn thấy tiểu muội của Triệu Tông Tích làm hoàng hậu của Tây Hạ, những người này cùng với các gián quan khiến cho lão tức giận vô cùng. Lão cho người điều tra lại thông tin, nhưng cũng phát hiện chính xác vào năm Minh Đạo thứ hai, Lý Nguyên Hạo tự thỉnh sắc phong, triều đình đã ban họ Triệu. Chỉ là sau đó y làm phản, triều đình tước lại họ của y, sau đó trở lại là Lý Nguyên Hạo.

Lão liền cho người loan truyền rằng, thứ nhất đối phương ban đầu không phải mang họ Triệu, thứ hai, đối phương bây giờ cũng không phải là họ Triệu, cho nên không coi là cùng họ mà không được lấy nhau.

Nhưng các đại thần vẫn kiên trì nói, chỉ cần từng mang họ Triệu vẫn không thể được! Trong bộ luật hôn nhân có ghi rõ ràng, cùng họ tính cả trong trường hợp người đó đã từng dùng họ đó! Nếu hoàng thượng vẫn kiên quyết, thì hai chế quan sẽ lấy quyền lực trong tay – “Phong hoàn từ đầu”. “Từ đầu” là thánh chỉ của hoàng đế chưa có hiệu lực, chỉ khi hai chế quan dựa theo “từ đầu” viết thành chiếu thư chính thức, thánh chỉ mới có hiệu lực. Nhưng hai chế quan một khi cảm thấy việc này xử lý không ổn, họ có quyền “phong hoàn từ đầu”, từ chối viết chiếu thư, hoãn lại trình tự bổ nhiệm.

Đây là một chế độ vô cùng tiến bộ của Tống Thái Tổ, cũng là một chính sách vô cùng anh minh, chính sách này có thể khống chế được quyền lực của vua, phòng ngừa lạm dụng chức quyền. Đây cũng là nguyên nhân giải thích vì sao các hoàng đế thời Tống luôn tỏ ra khá yếu vế, nếu ngài muốn cứng rắn, đắc tội với bọn đại thần tự cho mình là khí phách kia, thì họ sẽ cho ngài không thể xuống đài được.

Vừa nghe thấy tiếng đồn không đúng, lại làm náo động thêm, chỉ sợ rằng không những không thể mang lại việc có lợi cho Triệu Tông Tích, mà ngược lại sẽ chọc tức bề trên. Triệu Duẫn Bật cũng đã muốn đánh bài lui, trong bản tấu cũng nói con gái mình hơn tuổi đối phương rất nhiều, thật sự không thích hợp, kính mong hoàng thượng thu hồi lại mệnh lệnh đã ban.

Và đem trả lại những lễ vật mà hoàng thượng đã ban cho Tương Nhi như kim sách, mũ phượng, khăn áo..

Vào lúc này, lại có một đại thần nhắc tới chuyện Lý Lượng Tộ năm mười ba tuổi có thông dâm với chị dâu Lương Thị, hai người lại cùng nhau hại chết anh họ và cậu y, điều đó càng chứng minh “Di Địch là bọn cầm thú”

Dưới áp lực nặng nề, Triệu Trinh đành phải thay đổi dự tính ban đầu, lấy lý do “cùng họ không thể kết hôn” từ chối Lý Lượng Tộ làm con rể.

Lần cầu hôn này thất bại, khiến người thanh niên trẻ sau khi tiêu diệt Một Tàng Ngoa Sủng vẫn còn hăm hở cảm thấy hết sức nhục nhã. Y giận tím mặt, không thể kìm chế nổi, cho rằng triều Tống xem thường mình, quyết định điều động binh mã cho bọn người Tống biết tay, ép bọn họ phải gả công chúa đó cho y.

Vì thế Lý Lượng Tộ dẫn người tiến vào các châu huyện của Đại Tống như Tần, Phượng, Kinh Nguyên… Tuy nhiên những địa phương này hằng năm đều là chiến khu, vừa nghèo vừa khó khăn, không thuận lợi gì để chiếm đóng. Còn về công chúa, thì càng không thể nào rồi. Y vẫn còn chút e ngại, nếu bây giờ đem quân tiếp cận biên giới, nếu Đại Tống gả công chúa cho y coi như “lấy mỹ nhân đổi lấy bình yên” thì thiên cổ sẽ bêu tiếng xấu, thử hỏi ai có thể đảm đương nổi đây.

Tuy nhiên bên Đại Tống cũng đã bắt đầu trở lên căng thẳng. Dù sao Tây Hạ trên phương diện quân sự là một địch thủ đáng gờm, một khi Lý Lượng Tộ nóng giận thì sự tổn hại cho Đại Tống là rất lớn.

Vì thế lần lên triều này Triệu Trinh vẫn tức giận nói:
- Quả nhân đã nói, hãy đáp ứng nguyện vọng của y đi, vậy mà các ngươi không cho, bây giờ làm cho tên tiểu tử kia nóng giận lên rồi, các ngươi nói bây giờ phải làm sao đây?

Các đại thần đều đề nghị nên chuẩn bị lực lượng sẵn sàng nghênh chiến, liên lạc với Thổ Phiên, vv… nói đi nói lại cũng không có ý kiến gì mang tính xây dựng.

Trong đám đại thần đang lao xao bàn bạc, một âm thanh trong trẻo vang lên:
- Bệ hạ, thần có tấu chương.

Triệu Trinh vừa thấy đó là Trần Khác, trong lòng thầm nghĩ tại sao ta có thể không nhớ tới hắn chứ? Vội cười nói:
- Ái khanh, khanh có cao kiến gì?

- Bệ hạ không cần phải lo lắng, đứa trẻ nghịch ngợm Lý Lượng Tộ này thuần túy không có việc gì tìm đánh, xin bệ hạ cử thần đến biên cương một chuyến, nói cho y biết sẽ đóng cửa các chợ giao dịch mãi mãi, tiến cống hàng năm cũng đừng nghĩ tới. Chửi y thậm tệ một chút, đứa trẻ này tự nhiên sẽ biết điều.
Thái độ Trần Khác đối với Lý Lượng Tộ đều là thái độ coi thường không thèm để ý.

Triệu Trinh thiếu chút nữa kinh ngạc tới há hốc mồm, hắn thậm chí cho là mình nghe nhầm:
- Quả nhân không nghe nhầm chứ? Đây là quốc vương Tây Hạ, sao có thể đối đãi như thế được?

Các đại thần cũng có chút hoảng sợ, cảm thấy như thế quá mạo hiểm… Tốt nhất vẫn nên là những ý kiến ôn hòa, bằng không sẽ chuốc lấy phiền toái. May mà Trần Khác là chuyên gia trong lĩnh vực đối ngoại, lại có tư thái của một bậc đại nho, nên lúc này không có ai trách cứ hắn nói xằng bậy.

Trần Khác cắt đứt mạch bàn tán của bọn họ, quả quyết nói:
- Hay nghe tôi, cứ làm như vậy đi, tôi có thể làm giấy đảm bảo!

Các đại thần không nói gì, không ngờ Trần Khác dám nói ra những lời ấy, hoặc là chán sống, hoặc là thật sự đã nắm chắc.

Tuy nhiên hắn tuổi còn trẻ, tiền đồ sáng lạn, không phải đã chán sống rồi sao?

Nếu như có thể không động binh đao mà dọa được người Tây Hạ quay về, thì quả thật không còn gì tốt hơn. Triệu Trinh và chư vị tướng công nhìn nhau một lát, trong đôi mắt họ như ngầm nói với nhau rằng “cứ thử một lần xem sao”….



Huyện Trọng thành Đại Thuận nằm ở biên cương Đại Tống đã bị người của Tây Hạ bao vây hơn nửa tháng nay.

Tòa thành trì này được xây dựng và tu sửa vào những năm diễn ra trận đấu vô cùng kịch liệt giữa hai nước, được xây dựng bởi vị thánh hiền Phạm Văn Chính.

Sau này có rất nhiều người nghi ngờ Phạm Trọng Yêm, mọi người cho rằng người được xưng là giỏi nhất triều Tống trong suốt ba trăm năm, đảm nhiệm chức biên soái bốn, năm năm ở Tây Bắc, chưa bao giờ chủ động một lần xuất kích, có thể có được danh tiếng lẫy lừng như vậy hoàn toàn là do nhu cầu tuyên truyền từ bộ máy chính trị mang tới.




Nhưng trên thực tế, hữu danh vô thực của Phạm Trọng Yêm lại là một cống hiến to lớn đối với việc chống lại Tây Hạ, mà không kẻ nào có thể sánh bằng – từ sau đàm phán hòa bình năm Khánh Lịch, Tây Hạ không còn lăm le ý định xâm lược lãnh thổ Đại Tống như trước nữa, luôn muốn xin những sách lược mà ông đã định ra..

Đó đều là công lao của Phạm Công, cơn ác mộng của người Tây Hạ trong những năm Bắc Tống – các công trình tu trại của Bắc Tống.

Phạm Trọng Yêm rất tỉnh táo nhận ra rằng, khả năng đánh dã chiến của quân Tống còn tồn tại nhiều yếu kém so với quân Tây Hạ, chỉ có thể chủ động áp dụng những chiến lược phòng ngự mà thôi, cái này được gọi là “Trong công có phòng, trong phòng có tấn công”. Cụ thể hóa lên, thì đó là tu sửa lại sơn trại – xây dựng các phòng tuyến có thành lũy phòng vệ liên kết chặt chẽ với nhau, khiến người Tây Hạ nếu muốn công thành cũng gặp nhiều khó khăn, bởi vì họ rất kém kỹ thuật tác chiến công thành. Hơn nữa nhất định phải phá từng cái một, sau khi phá tan các thông đạo, mới có thể xâm nhập vào sâu bên trong.

Chiến thuật lần này lấy kỵ binh làm chủ, dựa vào chính sinh huyệt của người Tây Hạ để nắm chắc thế chủ động trong trận chiến.

Hơn nữa cánh quân của Phạm Trọng Yêm vẫn không đủ đáp ứng cho phòng ngự trong cảnh nội. Sau khi bốn ngả tây bắc hợp thành một dải, rồi dần dần mở rộng vào sâu trong nội Tây Hạ, mỗi một thành lũy chiến đấu đều hình thành nên một trận đồ vừa tấn công vừa phòng thủ. Cứ thế dần dần nuốt chửng quốc thổ của Tây Hạ.

Có thể nói, các doanh trại mà người Tống tu sửa chẳng khác gì một con dao cắt bánh, dần dần xâu xé lãnh thổ của người Tây Hạ. Nhưng thành Đại Thuận lại là mũi của con dao găm đó. Vị trí của nó hơi hướng về phía Tây Bắc một chút, đó chính là doanh trại Hậu Kiều của Tây Hạ - vào giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Tống Hạ, trong trận chiến của trại Bảo An Quân và Thừa Bình, Lý Nguyên Hạo sở dĩ nhanh chóng lui binh, vì đường lui của y là trại Hậu Kiều bị quân Tống cướp sạch.

Thành Đại Thuận xây dựng thành công, có nghĩa là triều Tống đâm con dao găm vào lưng người Đảng Hạng, khiến cho Nguyên Hạo rất sợ hãi, không dám hành động thiếu suy nghĩ nữa.

Câu chuyện kể về việc xây dựng, tu sửa thành trì này cũng mang đầy màu sắc thần kỳ. Vào tháng hai năm đó, Phạm Trọng Yêm đột nhiên triệu tập các tướng ở Khánh Châu, tập hợp đội ngũ theo ông ra ngoài thành tuần rta. Chuyện này rất bình thường, cuối cùng thì Phạm Trọng Yêm nhân ái ngừng chém giết, tuần tra ngày thường vẫn là một nhiệm vụ cấp thiết.

Nhưng lần này đi tuần xa hơn một chút, đội quân tuần tra nhằm thẳng hướng đông bắc mà tiến, qua biên giới hai nước vẫn chưa dừng lại, có một tướng sĩ tốt bụng nhắc nhở Phạm soái:
- Chúng ta có đi quá không?

Nhưng đổi lại là cái liếc mắt của Phạm Trọng Yêm, rồi lại tiếp tục tiến sâu vào, sau khi hoàn toàn tiến vào vùng chiến khu của địch, quân Tống mới giật mình nhận ra. Công tử của Phạm Trọng Yêm, Phạm Thuần Hữu và Phiên Tướng Triệu Minh mỗi người dẫn đầu một đoàn người và ngựa đang trông giữ một núi vật liệu chất đầy gạch, đá, gỗ, cát. Bọn họ lập tức hiểu ra sứ mệnh của chính họ! Bộ hạ dưới trướng của Phạm Công trong đánh trận không được thành thạo lắm, nhưng đều là những tay thợ xây hạng nhất… Không tin bạn cứ xem rừng doanh trại dày đặc tại Khánh Châu, công trình nào cũng có kết cấu vô cùng kiên cố, đầy đủ các công năng, thuận lợi cho phòng thủ, khó có thể tấn công, cách bố trí hợp lý. Mỗi hòn đất viên gạch ở đây đều được tạo nên từ chính bàn tay của họ.

Có lẽ sẽ rất chênh lệch nếu so sánh độ khó và mức độ nguy hiểm của tất cả các công trình trước đó với công trình lần này. Bởi vì đây là một pháo đài được xây dựng bí mật trên lãnh thổ của người Tây Hạ!

Người Tây hạ bất cứ lúc nào cũng có thể phát hiện ra, và bất cứ lúc nào cũng có đại quân đến truy sát.

Các tướng sĩ nhanh chóng hiểu rõ sứ mệnh của mình, hoặc là bắt tay vào xây dựng công trình này, tự ngụy trang cho chính mình, hoặc là mặc cho người Tây Hạ xông vào công trường, giết chết mọi người.

Vì thế họ là những tay lính công trình tuyệt vời nhất mọi thời đại, họ đã lập lên một kỳ lục lưu danh thiên cổ -- chỉ trong mười lăm ngày, một thành Đại Thuận to lớn sừng sững mọc lên giữa mặt đất.

Hình như trong thời gian xây thành, quân Tây Hạ cũng đã có lần tiến đánh, phát hiện trong lãnh thổ của mình tự nhiên mọc lên một cây đinh như thế, người Tây Hạ vô cùng kinh ngạc, lập tức tập hợp ba mươi nghìn quân hùng hổ tiến tới đó phá dỡ cưỡng chế.

Kết quả là trước tòa thành mới xây, đã diễn ra cảnh đầu rơi máu chảy, không thể không rút quân.

Quân Tống tạo ra một kỳ tích, lại giữ được thành trì, dĩ nhiên sĩ khí dâng trào, các tướng sĩ đều hào hứng xin xuất kích, nhưng lại bị Phạm Trọng Yêm kiên quyết từ chối. Ông vẫn tuân thủ theo quy tắc “chỉ cho phép phòng thủ tác chiến, không cho phép ra khỏi thành dã chiến”, không vì cục diện chuyển biến tốt hơn mà thay đổi.

Đây là điểm mà Phạm Văn Chính bị mọi người chỉ trích nhất, nhưng cũng là điểm làm người Tây Hạ mất kiên nhẫn nhất. Bởi vì Phạm Trọng Yêm từ đầu đến cuối đều núp trong mai rùa, khiến bọn họ không làm được gì.

Trên thực tế, ba mươi nghìn kỵ binh Tây Hạ đã mai phục trên các con đường, chỉ cần đợi cho quân Tống mở đường tiến công tới, chỉ cần đợi và đợi mà thôi, đợi đến khi hoa tàn mà vẫn không thấy một bóng người xuất hiện.

……..

Cho nên nói xây dựng thành Đại Thuận, đập tan thế cục ở biên cương Tây Bắc, không chỉ khiến cho các cứ điểm trọng yếu của Tây Hạ như thành Bạch Báo, thành Kim Thang luôn luôn tiềm ẩn mối nguy hại, mà còn khiến cho người Tây Hạ không dám tiến đánh lên phía trước, không dám tập trung toàn lực lượng đông tiến.

Đây không giống với trận đánh giữa Một Tàng Ngoa Sủng và triều Tống mấy năm về trước, chỉ là một trận đánh nhỏ lẻ mà thôi, chưa bao giờ tạo ra một lý do uy hiếp thực sự. Bây giờ Lý Lượng Tộ với uy phong lập lại trật tự, đang dẫn đầu mười vạn đại quân, miệng hô to “một là lấy công chúa, hai là chiếm Đại Thuận”, vừa hô vừa bao vây xung quanh thành Đại Thuận.

Nhưng có lẽ ý trời khó tránh, người trấn thủ thành Đại Thuận lúc ấy lại chính là con thứ của Phạm Công Phạm Thuần Nhân. Con thứ của Phạm Công gặp con thứ của Lý Nguyên Hạo thì hoàn toàn không làm mất mặt tiên phụ, dưới sự tấn công mãnh liệt của quân Tây Hạ, tướng sĩ Đại Tống vẫn kiên trì giữ vững được thành Đại Thuận.

Mấy lần tấn công không có kết quả, ngược lại lại phải chịu tổn thất thê thảm, Lý Lượng Tộ đành phải tạm ngừng tiến công, triệu tập bá quan văn võ trong triều tại đại trướng thương thảo đối sách ứng phó.

Chế độ quan lại triều Tây Hạ giống với chế độ của nước Liêu, cũng chia ra làm phiên quan và hệ thống Hán quan, phiên quan đều cạo trọc đầu, có đôi hoa tai to, mặc một chiếc áo màu đỏ thẫm, đội mũ đen. Trang phục của Hán quan không có gì khác so với trang phục của các quan võ triều Tống, chỉ có điều trên đầu có đeo khăn vấn mà thôi.

Lúc này cuộc họp đã diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, không khí trong điện càng ngày càng yên ắng, hoàng đế trẻ tuổi của Tây Hạ ngồi xếp bằng ngay ngắn trên thượng tọa, ánh mắt u ám nhìn qua nhìn lại bá quan văn võ, cuối cùng dừng lại trên thân hình cao lớn của thúc thúc Ngôi Danh Lãng Ngộ. Vị này là người anh em tinh thông binh pháp của Lý Nguyên Hạo, am hiểu mưu lược, năm ngoái Lý Lượng Tộ lật đổ được Một Tàng Thị cũng chính là nhận được sự ủng hộ hết lực của y.

Nếu không một Lý Lượng Tộ chưa đủ lông đủ cánh như thế, làm sao có thể đấu lại tên cáo già Một Tàng Ngoa Sủng ấy.

Sau khi nắm mọi quyền lực, Lý Lượng Tộ đột nhiên trong lòng cảm kích vô cùng, thăng cấp cho Ngôi Danh Lãng Ngộ làm Ninh Lệnh… tức là “Đại vương” trong tiếng Tây Hạ, đây là tước vị cao nhất của Tây Hạ. Đồng thời cũng cho phép y vào triều tùy ý, bái lạy không cần xưng danh, có thể nói y ở địa vị cao, dưới một người trên vạn người.

Mặt khác, Lý Lượng Tộ cũng không ra bất cứ lệnh gì đối với y, chỉ cần là “Bình chương quân quốc trọng vụ” bên cạnh. Nói thẳng ra chính là không yên tâm đối với y, lo lắng vừa lật đổ một “Một Tàng” thì lại có thêm một “Ngôi Danh” nữa. Ngôi Danh Lãng Ngộ tài trí siêu phàm, lại từng biết qua mọi mánh khóe gian xảo quỷ quyệt của Lý Nguyên Hạo, thời của Một Tàng Ngoa Sủng, đương nhiên có thể thấy rõ sự đề phòng của hoàng đế.

Nhưng điều khiến y tức giận nhất chính là hoàng đế trẻ tuổi sau khi nắm quyền chấp chính, rất nhanh bộc lộ rõ bộ mặt cố chấp bướng bỉnh của mình, ngay cả những lời khuyên chân thành của mình cũng không thèm lắng nghe. Ví dụ như chuyện tấn công Đại Tống lần này, y ra sức phản đối, nhưng hoàng thượng để tỏ rõ sức mạnh của mình cho trong và ngoài Tây Hạ biết, vẫn nhất quyết làm theo ý mình.

Mặc dù trong bụng không vừa lòng, nhưng để hoàng thượng yên tâm, cũng là để chỉnh đốn lại cục diện, y còn theo quân xuất chinh. Chỉ là mấy ngày gần đây mặt y lúc nào cũng trầm ngâm, khiến cho vị hoàng thượng trẻ tuồi không dám nhìn y.

Trong giờ phút này, Lý Lượng Tộ cuối cùng cũng không còn cách gì khả thi nữa, không thể không nghĩ tới hoàng thúc của mình, nhìn khuôn mặt đen sì của Ngôi Danh Lãng Ngộ, giọng trầm ấm tỏ ý làm lành trước, cười nói:
- Thúc, thúc nói xem nên làm như thế nào?

Ngôi Danh Lãng Ngộ trong lòng tự nhủ, ngươi cuối cùng cũng nhớ tới ta, đang hắng giọng chuẩn bị khởi bẩm, thì đột nhiên nghe thấy bên ngoài trướng có tin báo khẩn:
- Có sứ thần triều Tống ở ngoài kia cầu kiến!