Nhất Phẩm Giang Sơn

Quyển 4 - Chương 179: Thi Tỏa thính




- Không nên sơ suất!
Triệu Tông Tích còn chưa kịp nói gì đã thấy Trần Hi Lượng tai nghe tám hướng quay lại khiển trách:
- Mặc dù thi Tỏa thính lấy nhân số trúng tuyển nhiều nhưng tiêu chuẩn của thí sinh phải rất cao, không thể so sánh đơn giản nhiều hay ít hơn so với thi chính!

- Được được....
Trần Khác nhanh chóng khiêm tốn nhận sai, chặn ngang lời nói của Trần Hi Lượng.

Cái gì gọi là thi Tỏa thính? Đây là kỳ thi khoa cử thời Tống, nhằm vào “Hữu quan nhân” đặc thù của kỳ thi. Cái gọi là “Hữu quan nhân” là những quan viên đặc biệt thời Tống... Tỷ như chỉ những người dựa vào bậc cha chú làm quan, lấy công trạng, hoặc là không thông qua những cuộc thi tiến sĩ mà lấy được một chức quan. Tóm lại một câu, họ nếu không đậu kỳ thi tiến sĩ thì cũng được làm quan.

Theo lý thì thi tiến sĩ cũng vì muốn làm quan, nhưng đã làm quan thì sao còn thi tiến sĩ? Nhưng mà ở quan trường thời Tống, tiến sĩ mới là chính đạo, nhanh thăng chức, mặt mũi lớn, thanh danh tốt, những quan lớn ở triều đình, địa phương, tất cả đều phải là tiến sĩ mới có thể đảm nhiệm. Mà cái gọi là “Hữu quan nhân” thì được xưng là xuất thân tạp đồ, hơn phân nửa đều bị bố trí những chức nhàn tản, hoặc là những tầng lớp thấp chịu khổ, không được thăng chức, vả lại một khi xuất hiện vấn đề thì phải chịu tiếng xấu thay cho người khác. Không còn cách nào khác, ai bảo bọn họ không xuất thân chính đạo?

Cho nên những “Hữu quan nhân” đều tham gia cuộc thi tiến sĩ để đề cao địa vị chính trị của mình, phát triển ở con đường làm quan. Mà triều đình Tống cũng có thái độ đối với “hữu quan nhân” tham gia cuộc thi tiến sĩ, đi từ ngăn cấm đến hạn chế, sau cùng là thả lỏng cho phép bọn họ tham gia thi.

Đầu thời Tống, những quân thần khai quốc tổng kết từ cuối thời Đường Ngũ Đại (hậu Lương, hậu Đường, hậu Tấn, hậu Hán, hậu Chu) đến nay, những võ tướng chuyên quyền đã làm thay đổi bộ máy chính quyền, khiến cho dân chúng lầm than, từ đó họ bắt đầu có ý thức dùng văn nhân trị quốc. Là thủ đoạn chủ yếu để chiêu nạp thiên tài rộng rãi, mở khoa lấy tiến sĩ liền trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng. Vì để tránh gia đình quyền thế, tránh xâm hại lợi ích của những sĩ tử bình dân cho nên cuộc thi khoa cử tạo hình tượng công bình, cấm “Hữu quan nhân” tham gia khoa cử.

Nhưng chuyện này lại xung đột lợi ích với bọn quan viên.... Thái độ của thời Tống đối với lạm phát "ân ấm" (*) của quan viên là trước giờ chưa từng có, người làm quan chỉ cần không phạm sai lầm, dù tệ đến đâu thì cũng có đứa con kế tục. Về phần những quan thăng triều quyền cao chức trọng thì càng có nhiều con cháu tiếp nối, vì vậy các quan viên đời đời đều có người kế tục, từng bước hình thành nên tổ chế này, mãi đến khi biến chế độ này trở thành bữa tiệc thịnh soạn của quan viên có chức quyền.

(*) Ân ấm: thời đại phong kiến, do cha ông có công mà đem lại quyền lợi cho con cháu được đi học và được bổ làm quan.

Đầu tiên là ở triều Thái Tông có quan nhân đi thi Tỏa thính tại trường thi đơn độc, sau khi kết thúc kỳ thi được Lễ Bộ phê duyệt, sau đó trình lên Hoàng đế xem qua để tránh thiên tư làm rối kỉ cương phép nước. Những người đó sau khi có đủ tư cách cũng chỉ có thể thay đổi chức quan để thể hiện sự quý trọng của triều đình đối với khoa danh, cũng không thể lấy được ban thưởng. Hơn nữa người thi rớt đề cử chức quan mà bản thân bị tước lên quan trên – người đã cử bọn họ đi học cũng phải chịu sự trừng phạt. Hiển nhiên triều đình đối với những người “Hữu quan nhân” tham gia thi cử vẫn còn có thái độ tiêu cực.

Dưới quy định hà khắc như vậy, rất nhiều quan viên cũng không dám đi thi mặc dù nguyện ý mạo hiểm thử một lần. Những vị quan thi Giải và quan tiến cử ở địa phương cũng không dám dễ dàng đồng ý. Hiển nhiên quy định như vậy đối với những quan viên đi thi vô cùng bất lợi, tự nhiên sẽ có người phản đối. Sau đó đến thời Chân Tông, những người đậu kỳ thi này mới được đối xử bình đẳng, nhưng “hữu quan nhân” cũng không được trao chức Trạng nguyên, cũng là để biểu thị thái độ trân trọng của triều đình đối với sĩ tử nghèo.

Đến triều đại này, thừa dịp mẹ góa con côi dễ bắt nạt, bọn quan viên không ngừng hô hào, những hạn chế của thi Tỏa thính bắt đầu thả lỏng. Đầu tiên là không hề xử phạt những người thi rớt, có quan nhân đi thi vô số lần, từ một lần tăng lên hai lần, sau đó là vô số. Cho tới bây giờ, “hữu quan nhân” ngoại trừ phải một mình ứng thí, với lại không được chức Trạng nguyên thì so với những sĩ tử bình thường cũng không có gì khác nhau.

Hơn nữa lúc trước vì bảo vệ những sĩ tử bình dân, những “hữu quan nhân” tham gia thi Tỏa thính đều một mình chấm bài thi, một mình trúng tuyển thi, theo số người tham gia kì thi bình dân đang tăng vọt thì biến thành đặc quyền hạng nhất... Phải biết rằng, ở khu Giang Nam có văn hoá giáo dục phát triển, thi Giải trúng tuyển một trăm người lấy một, một trăm người mới có một người đậu. Những nơi văn hóa không phát triển, số người dự thi ít nhất như ở Tây Bắc thì cũng phải trong mười người mới lấy một.

Mà thi Tỏa thính số trúng tuyển là mười người lấy ba... là bằng một phần ba mươi cuộc thi ở Giang Nam, gấp ba lần ở Tây Bắc. Như chúng ta đã biết đối với những người có thực học, tỉ lệ trúng tuyển càng cao thì xác xuất đậu càng tăng lên gấp bội. Hơn nữa con cháu quan lại cũng có hai mặt đối lập nghiêm trọng giống như Trần Hi Lượng đã nói, điều kiện thuận lợi có thể dưỡng thế hệ con cháu thành nhân tài, song cũng có phần lớn những kẻ dốt nát, không nghề nghiệp muốn thử vận may, điều này lại càng gia tăng tỷ lệ trúng tuyển đối với những người có thực học.

Sau khi phân tích đơn giản, nếu Trần Khác còn không tự tin thì hắn thật sự phải đến bác sĩ tâm lý khám rồi...

….

- Chỉ có duy nhất một điều phải suy nghĩ, đó là vị Tạ học sĩ kia.
Tới Quốc Tử Giám, tại thời điểm chờ đợi vào trường thi, Trần Khác nhỏ giọng nói:
- Nghe Văn Tế Hiền nói Tạ Cảnh Sơ đã đáp ứng không cho ta vượt qua kỳ thi này.

- Tại sao giờ ngươi mới nói chuyện này?
Triệu Tông Tích lườm y một cái nói:
- Hiện tại Tạ học sĩ đã sớm khóa viện, ta làm sao có thể giúp ngươi?

- Không cần ngươi giúp!
Trần Khác cười nói:
- Hiện tại Văn Ngạn Bác không phải là Tể tướng nữa, ngươi nghĩ tên họ Tạ còn nguyện ý mạo hiểm hay sao?

- Vẫn nên cẩn thận thì tốt hơn.
Triệu Tông Tích nói.

- Ừ!
Trần Khác vuốt cằm nói:
- Ta tự có đối sách!

- Đừng lo lắng!
Triệu Tông Tích vỗ vỗ vai của hắn nói:
- Nếu y dám không chọn ngươi, ta sẽ cáo trạng lên quan phủ.

- Không đến mức như vậy.
Trần Khác cười cười nói:
- Ta phải vào thôi!
Sau đó hắn lấy chăn đệm của mình, chia tay với Triệu Tông Tích .

- Hộp đồ ăn điểm tâm này là của ngươi, là muội muội tự tay làm, hơn nữa cũng không ngọt.
Triệu Tông Tích nhắc nhở hắn nói:
- Cũng không thể lãng phí .

Trần Khác gật gật đầu, trong tâm nghĩ tiểu quận chúa này thật đúng là ham nấu nướng. Sau đó hắn từ biệt người nhà và Tống Đoan Bình rồi bước vào cửa hàng rào.

…..

Trước Quốc Tử Giám xây dựng một hàng rào, những người nhà đi tiễn đưa chỉ có thể đến trước cửa hàng rào. Ở phía sau cửa đi vào hàng rào đã thấy rất nhiều sĩ tử đang đứng chờ vào trường thi.

Trống canh năm vang lên, Quốc Tử Giám liền mở cửa, những tên lính tuần tra bắt đầu xếp thành hàng. Quan viên Lễ Bộ phụ trách kỳ thi đã xếp thành hàng trước cửa, mỗi người trong tay nâng một tấm biển. Một quan viên đứng ở trước cửa lớn tiếng kêu:
- Các ngươi đến phía bắc tìm danh tự của mình, sau khi tìm được khu vực thi tương ứng thì nhanh chóng xếp thành hàng, một khắc sau bắt đầu theo thứ tự tiến vào trường thi.

Trần Khác nhìn kỹ tấm biển, mặt trên của tấm biển dựa theo trình tự “Thiên tự văn” (*), viết những thứ như “Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ Hồng hoang”. Hắn lấy từ trong ngực ra danh trạng của mình, lật qua mặt sau thì thấy có ghi “Thu tự mười lăm”. Tống Đoan Bình và Tứ Lang, Ngũ Lang cũng đều có số thứ tự, bốn người đập tay nhau rồi sau đó tự đi xếp hàng.

(*) "Thiên tự văn" là văn vần viết từ 1000 chữ, do Chu Hưng Tự biên soạn từ thư pháp Vương Hi vào thời Lương Vũ đế của Nam triều.

Trần Khác đi đến số hai mươi mốt, thấy Lã Huệ Khanh, còn có không ít người hắn biết đều đứng chào hỏi... Tham gia cuộc thi ở Quốc Tử Giám, không phải giám khảo thì chính là thí sinh, hắn là một người nổi tiếng nên hiển nhiên có rất nhiều người biết hắn.

Trong lúc nói chuyện thì trời đã sáng rõ, rốt cục đến lượt Trần Khác bọn họ vào trường thi, tên quan viên Lễ Bộ cầm tấm biển có chữ “Thu” dẫn nhóm bốn mươi người bọn họ tiến vào cửa chính Quốc Tử Giám. Trong cửa chính có quan viên đang đối chiếu danh sách, nghiêm khắc kiểm tra thí sinh, danh tính, quê quán, tuổi, tướng mạo... Tất cả đều phải kiểm tra xem xét để đề phòng có người đi thi thay.

Đợi tất cả mọi người kiểm tra xong, quan viên cầm tấm biển liền dẫn bọn họ đi tiếp đến một căn lều dựng tạm ở bên trái.

Quan viên kia lúc này mới hạ tấm biển xuống, sầm mặt nói với mọi người:
- Trước lúc thăm viếng Chí Thánh tiên sư, các ngươi cần phải tắm rửa thay quần áo. Các ngươi có thời gian nửa chén trà để tắm rửa, sau đó đến lĩnh đồ dùng của mình.

Đây cũng không phải là nội quy mới, những nhóm thí sinh sớm đã biết, liền bắt đầu cởi quần áo. Nhưng điều này không khỏi làm cho người ta cảm thấy có chút vớ vẩn, đây rốt cuộc là trường thi hay là nhà tắm?

Kỳ thật đây là thủ đoạn phòng ngừa các thí sinh đưa tài liệu vào phòng thi. Tất cả những kỳ thi đều giống nhau, kỳ thi khoa cử thông thường này cũng có những phương thức đem tài liệu vào phòng thi, đa dạng vô kể làm rối kỷ cương, khiến người ta khó lòng phòng bị. Vào đời Đường, mỗi khi thí sinh tiến vào trường thi không chỉ phải kiểm tra toàn bộ vật phẩm, nhìn xem có mang theo hay không, còn phải kiểm tra trên dưới trong ngoài, lục soát toàn thân. Một đám quan lại, binh lính quát thét khiến những thư sinh văn yếu tim đập nhanh, hoảng sợ, đối với loại kiểm tra lục soát này khiến những người có khí phách không chịu nổi, cho rằng bọn họ đang làm nhục nhân cách của mình.

Qua triều đại này, theo trình độ cạnh tranh trong cuộc thi khoa cử ngày càng kịch liệt, những thí sinh vào trường thi bị lục soát ngày càng nghiêm khắc. Lúc mới lập quốc, vì để kỳ thi nghiêm minh nên những thí sinh vào trường thi đều phải thả tóc, cởi bỏ tất cả quần áo, còn phải tìm trong lỗ tai, lỗ mũi của mỗi thí sinh, đề phòng bọn họ nhét giấy ở bên trong. Đối với phương thức kiểm tra lục soát này rất nhiều thí sinh cảm thấy không thể tiếp nhận, bọn họ ai cũng tỏ vẻ kháng nghị, không ít thí sinh nhìn thấy phương thức kiểm tra lục soát này lập tức phẩy tay áo bỏ đi, từ bỏ tư cách tham gia thi hương. Những đại thần trong triều đình cũng cho rằng loại kiểm tra lục soát này có chút quá đáng, quả thật không tôn trọng những người đọc sách.

Nhận thấy có nhiều ý kiến phản đối như vậy, triều đình cuối cùng cũng nghĩ ra một kế sách, yêu cầu những thí sinh vào trường thi đều phải tắm rửa, sau đó mặc quần áo thống nhất do triều đình cung cấp. Thừa dịp những thí sinh đang tắm rửa, những người giám thị cũng có thể cẩn thận kiểm tra vật phẩm mà bọn họ mang theo. Như vậy, vừa có thể phòng ngừa thí sinh bí mật mang theo tài liệu, cũng bảo vệ thể diện của thí sinh, đạt được hiệu quả “Vừa có thể phòng lạm, vả lại không thất lễ” khá tốt.

Nhưng loại phương thức kiểm tra lục soát này vừa tốn thời gian, còn cần một lượng lớn vật lực hỗ trợ, cũng chỉ có những triều đại nhiều tiền và sủng ái những người đọc sách như triều Tống mới có thể làm như vậy.

Thiết kế trong nhà tắm cũng rất có ý tứ, có bốn ống trúc to bắc ngang qua đỉnh lều, trên thân trúc còn có nhiều lỗ hổng nhỏ, đợi đến khi khảo sinh trần truồng đứng bên dưới thì nghe thấy tiếng nước chảy. Chỉ chốc lát sau, từ trong những lỗ nhỏ phun ra nước, không ngờ là tắm vòi sen, hơn nữa còn là nước nóng...

Đương nhiên muốn tắm rửa thoải mái thì không có khả năng, dưới những lời thúc giục của quan viên, bọn Trần Khác chỉ cọ rửa đơn giản rồi đi ra bên ngoài, dùng khăn mặt lau khô thân mình, nhận quần áo... Trường thi cung cấp y phục trong và ngoài chỉ có hai số lớn và nhỏ, cũng may người Hán coi trọng mặc quần áo rộng rãi cho nên cũng có thể chấp nhận được.

Trần Khác nhìn áo bào ngắn cụt một khúc trên người cảm giác vô cùng bất tiện, nhưng khi hắn nhìn thấy quần áo của Ngũ Lang liền phát giác mình mặc như vậy cũng có thể chấp nhận được...