Nhất Ngôn Thông Thiên

Chương 273: Tuyết ưng khinh bỉ




Dịch giả: Hoangtruc

Đêm đã khuya, hậu viện khách sạn Lâm Phúc thập phần yên lặng. Đúng như lời chưởng quầy nói, không ai tới quấy rầy.

Chỉ có tiếng côn trùng kêu vang hòa cùng bóng trăng lập lòe, chiếu rọi xuống tiểu viện lúc sáng lúc tối. Cũng giống nỗi lo phập phồng không yên trong lòng những thiếu niên kia.

Từ Ngôn nằm ngoài, nhất thời không ngủ được. Biết ngay sau lưng mình có một thanh trường kiếm chỉa vào, có là kẻ nào cũng khó ngủ ngon giấc được a.

“Cất thanh kiếm kia đi được không? Ta ngủ không nằm yên, không khéo sáng ra thấy người mình toàn máu là máu a.” Từ Ngôn bất đắc dĩ thương lượng.

“Ai bảo ngươi không nằm yên làm gì!” Giọng nói của Bàng Hồng Nguyệt vẫn còn pha vẻ giận dữ.

“Hồng Nguyệt, rốt cuộc Sở Bạch là ai a?” Từ Ngôn không ngủ được, bèn hỏi thăm về vị sư huynh kia của mình.

"Sở Bạch là Trấn Sơn vương, Thân vương Đại Phổ, là đệ đệ ruột của tiên hoàng, hoàng thúc của đương kim Thánh thượng.” Bên tai, nữ hài hơi thở như lan, nhẹ kể lại một đoạn truyền thuyết vang danh Đại Phổ.

Sở Bạch, tự Khiếu Thiên, Trấn Sơn vương Đại Phổ. Vì từ nhỏ đã thích mặc áo bào trắng nên mới có tên gọi Bạch Bào đầy văn nhã. Từ lời kể của Bàng Hồng Nguyệt, rốt cuộc Từ Ngôn cũng biết được sư huynh mình không phải là một kẻ tầm thường, mà còn là một nhân vật ngoan lệ hơn cả Thái Bảo tà phái hắn.

Mười sáu năm trước, Tề quốc từng đột ngột phát động một cuộc ác chiến vào Đại Phổ, muốn công phá hoàn toàn Phổ quốc chỉ trong một lần hành động. Lúc đó, quân đội Đại Tề đã công phá tan hoang Kỳ Uyên hạp, trăm ngàn quân kéo qua, lao thẳng tới trọng địa kinh sư của Đại Phổ.

Đó là một trận tập kích được trù tính từ lâu, nên Kỳ Uyên hạp vừa báo tin bị công phá, mười ngày sau đã có vài tòa đại thành biên cảnh đã bị phá tan theo. Bên phía Đại Phổ mới phát hiện Tề quốc tiến công lần này đáng sợ đến thế nào, đó là một cuộc chiến diệt quốc thật sự, là vong quốc chi tranh.

Quân binh Phổ quốc yếu nhược, đối mặt với trăm vạn quân đội Tề quốc như hùng sư, Phổ quốc liên tục bị đánh bại phải lùi về phía sau. Đến khi binh sĩ Tề quốc xuất hiện cách Kinh thành hơn trăm dặm, toàn bộ triều đình Phổ quốc mới loạn cả lên.

Phần lớn những võ tướng có thể dẫn binh đều đóng cả ở những trọng trấn nơi biên cảnh, võ tướng ở triều đình căn bản chỉ là thứ trang trí. Hoàng đế Phổ quốc cuống quít đến mồ hôi đầm địa, mặt mày hai Thừa tường cũng đầy xám tro. Về sau, Phổ quốc dựa vào Thần Võ pháo mới miễn cường ngăn cản được trọng binh Tề quốc ở trăm dặm bên ngoài kinh sư. Chẳng qua cục diện không thể nào lạc quan hơn, vì không có thế hiểm để thủ, chỉ cần Tề quốc chia ra đánh về kinh thành, thì Thần Võ pháo cũng phải biến thành vật chết không chút tác dụng.

Nguy cơ trước mắt, Bạch Bào vừa về đến kinh thành. Trấn Sơn vương quanh năm du lịch thiên hạ, đã trở về.

Vì vậy Bạch Bào nắm lấy ấn soái, Trục Vân vệ xuất chinh.

Năm đó triều đình truyền ra một tin tức cực kỳ quái dị. Chính là Bạch Bào nắm giữ lấy ấn soái, không muốn phong thưởng, không cầu phú quý, chỉ đưa ra một yêu cầu với Hoàng huynh y.

Y muốn một vị phi tử của Hoàng huynh.

Chỉ cần chiến thắng trở về, Sở Bạch muốn Hoàng đế ban tặng cho y một vị Hoàng phi!

Sở Bạch đại nghịch như vậy đã gây ra một cơn sóng gió động trời khắp triều đình lúc đó. Phi tử Hoàng đế sao có thể ban thưởng cho người khác? Nhưng kết quả cuối cùng, là Hoàng đế đã đồng ý yêu cầu của Sở Bạch. Cuộc giao dịch này đã trở thành một mối nghiệt duyên của Hoàng tộc Đại Phổ. Chẳng qua chân tướng trong chuyện này lại không có bao nhiêu người biết tới.

Được Hoàng huynh hứa hẹn, Sở Bạch nắm giữ ấn soái xuất chinh. Dùng chiến lực Trục Vân vệ tăng thêm uy lực của Thần Võ pháo, y đã cứng rắn bức lui đại quân Tề quốc về Kỳ Uyên hạp. Sau khi đoạt lại Kỳ Uyên hạp, Sở Bạch đơn thương độc mã xông vào bên trong Tề Quốc, huyết chiến ba mươi dặm, áo bào trắng cũng nhuộm một màu đỏ. Cuối cùng y đánh tới bờ Thông Thiên hà, chỉ về phía phương hướng hoàng thành Tề quốc mà chửi mắng, rằng lần này là ba mươi dặm, lần sau nếu Tề Quốc dám can đảm xâm chiếm Đại Phổ, y sẽ xung phong liều chết ba trăm dặm, giết thẳng đến Hoàng cung Đại Tề.

Một người một ngựa, một cuộc chiến đẫm máu, xông pha chém giết giữa trùng trùng quân địch. Từ Ngôn nghe đến đây, tưởng tượng lấy cảnh tượng này, lòng không khỏi bị võ dũng của Trấn Sơn vương khuất phục.

Nhất định Trấn Sơn vương là tu hành giả. Điểm này Từ Ngôn chắc chắn, bởi vì ngoài tu hành giả ra, không có kẻ nào dám xung phong liều chết đánh vào trăm vạn đại quân cả. Nếu không phải tên điên, thì đó hẳn là kẻ ngu, càng không cần nói đến chuyện còn sống trở về.

Chẳng lẽ là Hư Đan cảnh?

Từ Ngôn hiếu kỳ, nhưng Bàng Hồng Nguyệt cũng không biết rốt cục tu vi thật sự của Sở Bạch Bào thế nào. Nàng chỉ biết đến đoạn truyền thuyết được truyền lưu ở Đại Phổ như vậy mà thôi.

“Vị Hoàng phi kia đâu rồi? Cuối cùng cũng bị Hoàng đế giao cho Sở Bạch Bào sao?” Từ Ngôn tò mò hỏi.

"Không có, lúc Trấn Sơn vương trở về, vị Hoàng phi đã không còn ở Hoàng cung, mà đã bỏ đi tha phương rồi, chỉ để lại một đứa trẻ mới sinh "

Bàng Hồng Nguyệt dường như cũng bị phần nghiệt duyên năm đó ảnh hưởng, giọng nói đầy bi thương. Ngay khi Sở Bạch nói với Hoàng đế muốn có vị Hoàng phi kia, thì nàng đã mang thai cốt nhục của Hoàng đế.

Cục diện đã định là không cách nào đối diện nhau được. Nghe đến đó, Từ Ngôn cũng không khỏi trầm mặc.

“Bạch Bào đẫm máu quay về, vị Hoàng phi như hoa lan nơi thâm cung không còn. Tên của vị Hoàng phi đó có chữ Lan sao?” Từ Ngôn khẽ hỏi.

"Lan phi" Bàng Hồng Nguyệt trầm mặc trả lời.

Thở dài một hơi, Từ Ngôn đầy bất đắc dĩ nhếch miệng. Tâm tình tự nói hóa ra sư huynh mình là một kẻ tình si. Có lẽ Sở Bạch và Lan phi đã sớm quen biết nhau, cũng có thể lúc trẻ còn yêu thích nhau. Chẳng qua lúc gặp lại, người ta đã là Hoàng phi, còn đang mang thai cốt nhục của Hoàng đế.

Đã chậm một bước a… Từ Ngôn thầm thở dài cho vị sư huynh xui xẻo của hắn.

Có lẽ Sở Bạch không quan tâm chuyện nữ nhân mình yêu là Hoàng phi hay không, cũng không quan tâm nàng đã từng có gia đình hay không. Nhưng vị Lan phi kia lại biết mình đang mang cốt nhục của Hoàng đế, dù hai người nối lại tình thâm, cũng đã chú định không cách nào tương hợp.

Mang theo tiếc nuối nhàn nhạt, thiếu niên chìm vào mộng đẹp nơi phòng nhỏ.

Bàng Hồng Nguyệt mơ thấy vị Lan phi rưng rưng nước mắt rời đi xa. Còn Từ Ngôn mơ thấy vẻ mặt Trấn Sơn vương đầy phẫn nộ, do dự xem có nên bóp chết đứa trẻ mới sinh trước mặt kia hay không.

Nữ nhân mình yêu thương lại sinh hài tử cho người khác, thật oan trái a…

Trong mộng, Từ Ngôn cảm nhận được một tư vị mất mát, muốn khuyên bảo vị sư huynh của mình một lời nhưng lại không biết nói gì cho phải. Những chuyện thế này, có kẻ nào biết phải khuyên nhủ thế nào chứ?

Mộng không dài, trời còn chưa sáng, Từ Ngôn đã tỉnh.

Nhìn nữ hài bên cạnh co người lại như một con mèo con đang ngủ, đôi mắt Từ Ngôn ánh lên một vẻ thâm tình.

Còn may, nữ hài hắn yêu thích vẫn còn bên người.

Rón rén bước xuống đất, Từ Ngôn nhe răng trợn mắt nhìn Tuyết ưng, đầy ý cảnh cáo đối phương không được phép lên tiếng đánh thức Bàng Hồng Nguyệt.

Tuyết ưng tráng kiện nghiêng đầu nhìn Từ Ngôn rời khỏi gian phòng nhỏ. Nó vẫn không rõ ràng cho lắm. Từ Ngôn không phải là chủ nhân của nó, sao còn bày ra cái vẻ cảnh cáo kia làm gì cơ chứ?

Không phải người Bàng gia, sống chết ai quan tâm?

Ánh mắt Tuyết ưng hiện lên vẻ khinh bỉ, càng thêm bất mãn với Từ Ngôn tự cho là đúng bên kia. Đầu nó ngẩng cao, thủ hộ lấy thiếu nữ đang nằm trên giường.

Rời khỏi khách sạn Lâm Phúc, Từ Ngôn không dùng ngựa mà vận dụng thân nhẹ như yến, chạy về phía Tê Phượng sơn nơi xa xa.

Trước tiên là dò đường, nếu chướng khí trên núi kia khó dây dưa thì Từ Ngôn cũng không mạo hiểm đi vào. Chẳng qua hắn không biết mình lại bị con Tuyết ưng khinh bỉ đến vậy. Nếu biết, hắn chắc chắn đã thừa lúc không có người, lôi con Tuyết ưng kia ra chế biến thành một nồi canh giải độc khí rồi.

Từ Ngôn vừa mới đẩy cửa đi ra ngoài, hai mắt Bàng Hồng Nguyệt cũng giật giật.

Hai mắt thiếu nữ sáng ngời, mặt đỏ ửng lên. Nàng biết Từ Ngôn rời đi là vì không muốn nàng phải mạo hiểm đi theo. Nàng đã chắc rằng ở một nơi nào đó trong lòng đối phương, đã có nàng.

Tương tri, mới có thể tương luyến!