Ngoài thành Thọ Xuân, đúng như dự tính của Kỳ Lân, quân Tịnh Châu và quân Quang Đông gặp nhau.
Trong thành lửa cháy khắp nơi, mưa phùn bay tán loạn giữa sấm chớp vang dội, lúc Lã Bố dẫn binh đến quân Quang Đông đã đánh giằng co mấy ngày ở cửa Nam. Tào Tháo, Lưu Bị thực hiện đánh du kích các chủ thành xung quanh, Tào Tháo còn đặc biệt sắp xếp trọng binh cắt đứt đường lui của Viên Thuật.
Tôn Sách chuẩn bị đầy đủ xe cột công thành, công liên tục hai ngày hai đêm, binh lực tổn hao hơn nửa, tướng sĩ đều mỏi mệt, trong khi gần bốn vạn quân Tịnh Châu của Lã Bố sức lực dồi dào như lang như hổ, khiến cho sĩ khí quân Giang Đông vô cùng phấn chấn.
“Các ngươi cũng thừa dịp cháy nhà đến hôi của đấy à?!” Tôn Sách lớn tiếng hỏi.
Lã Bố đáp: “Phải đó! Kỳ Lân bảo chúng ta đến cướp chút đỉnh!”
Ở xa xa, Tôn Sách lại hỏi: “Tào Mạnh Đức vẫn còn ở phía Bắc, chúng ta đánh vào thành trước chứ? Tiểu đệ mời Hầu gia hành quân đi trước, trước khi xuất chinh Công Cẩn có dặn, nếu có gặp Hầu gia, thì mời Hầu gia cướp trước!”
Lã Bố nghĩ nghĩ, nói: “Cùng cướp đi! Ta cướp phía Đông, các ngươi cướp phía Tây, cướp xong cùng lên thành lâu(1) trên cổng thành uống rượu!”
Trần Cung ngăn: “Tuyệt đối không được, Tôn Bá Phù chẳng qua chỉ đang khách sá. Thành Thọ Xuân là nơi Tào, Tô, Lưu ba nhà tranh giành cho bằng được, nếu lỡ sau này thuộc về Tôn Sách, bây giờ chủ công lại đi cướp sạch khắp thành, thì tương lai làm sao giải quyết?”
Lã Bố: “?”
Trần Cung tiếp tục nói: “Chủ công đi uống rượu với hắn cũng được, ta và Cao tướng quân lén phái binh đi cướp quan khố, âm thầm làm, sau khi xong việc chúng ta chờ ngài ở ngoài cửa Bắc…”
Lã Bố không kiên nhẫn trả lời: “Tôn Sách làm người thẳng thắn, không phải kiểu lươn lẹo.”
Không đợi Trần Cung nhiều lời, Lã Bố đã hô lớn: “Đánh trước! Đánh xong lại nói!”
Hai quân xôn xao cười to, Tôn Sách phân phó người đi chuẩn bị rượu, vừa giục ngựa sóng vai với Lã Bố xông vào thành Thọ Xuân.
Tôn Sách thở phào nói với Lã Bố: “Trước khi lên đường, Công Cẩn có nói chắc chắn Ôn Hầu sẽ đến.”
Lã Bố thản nhiên, hai cái đuôi trĩ trên mũ lắc trái, lắc phải, gật đầu nói: “Đúng thế đúng thế.”
Tôn Sách thổn thức: “May mà có Hầu gia đến, nếu không chút binh đó trong tay Bá Phù chắc tiêu hao bằng sạch…”
Lã Bố nói: “Viên Thuật chính là A Đẩu vô dụng, có gì phải sợ?”
Tôn Sách: “?”
Tôn Sách lại cười: “Mũ chiến của Hầu gia khí khái hào hùng, là thiên tử khâm ban sao?”
Lã Bố: “Này là… trong nhà làm.”
Đứng trước trận, Lã Bố đắc ý giơ cao chiến kích chỉ xa xa: “Các huynh đệ! Công thành! Cướp tiền! Cướp nữ nhân—!”
Tôn Sách: “…”
Vạn binh mã Tịnh Châu quân phi nhanh, ai nấy cầm trường cung trong tay, ở trên bình nguyên tăng tốc, mượn lực lao của ngựa bắn tên, vũ tiễn dày đặc bay về phía thành lâu. Sau khi áp sát thành, gần vạn người đồng loạt xuống ngựa, vây kín cửa thành Thọ Xuân.
Xe công thành, máy bắn đá và hỏa nỏ của Tôn Sách trợ trận từ phía sau, thủ thành Thọ Xuân bất ngờ chịu áp lực rất lớn.
Quân Tịnh Châu phần lớn là kỵ binh, vốn giỏi chiến đấu trên bình nguyên, không thích hợp công thành, nhưng quân thủ thành của Viên Thuật không nhiều, lại bị Tôn Sách giằng co đã tiêu hao gần nửa, làm sao chịu nổi sức công đào núi lấp biển thế này, chẳng bao lâu sau tường thành đã hoàn toàn thất thủ.
Một chiếc xe cột cực lớn sừng sững bên ngoài cửa thành Thọ Xuân, từ trên cao đánh úp, muốn đánh sập cửa thành chẳng qua chỉ là chuyện trong nháy mắt.
Tôn Sách thấy cửa thành sắp bị công phá cũng bớt lo trong lòng, rốt cục nhẹ nhàng thở ra, híp mắt, nhớ đến dặn dò của Chu Du trước khi lên đường, suy nghĩ một hồi quyết định lấy túi gấm Chu Du đưa ra xem.
“Cái gì thế?” Lã Bố nghi hoặc hỏi: “Túi thơm à?”
Tôn Sách vội nhét túi gấm vào lại trong lòng, đáp: “Em dâu ngươi may cho.”
Lã Bố gật đầu, nói: “Ta không có, lần sau cũng bảo trong nhà may một cái.”
Hai người đứng trước trục phá thành(2) đinh tai nhức óc, hơn trăm dân phu dồn sức nắm chặt dây thừng thô to kéo cây gỗ cực lớn ra xa một lần nữa, cây gỗ theo đà lao thẳng về trước, ‘Oanh’ một tiếng như sấm dậy, đập vào cửa thành.
Cửa thành rung chuyển, gạch đá trên tường thành bắt đầu rơi rụng lả tả.
Lã Bố nhìn hồi lâu, mất hết kiên nhẫn, xoay người xuống ngựa.
“Hầu gia định làm gì thế?” Tôn Sách bên cạnh đang lé mắt lén coi cẩm nang diệu kế Chu Du đưa cho, bỗng nhiên thấy Lã Bố bóp bóp tay, các khớp ngón tay kêu răng rắc, chiến giáp vảy vàng lóng lánh trong mưa, hơi nghiêng người đứng thành tư thế bắn cung.
“Tránh ra!” Lã Bố gằn giọng quát.
Chỉ kịp nhìn thấy giày chiến của Lã Bố dẫm bùn đất văng tung tóe xông thẳng đến cửa thành đồng thời quát to một tiếng, bật nhảy vút lên!
Đúng lúc cây gỗ đang đánh ngược về sau, Lã Bố ở giữa không trung gầm lên như sấm, vận lực toàn thân xoay người đánh một chưởng vào đuôi cột, khí thế như sấm sét!
Trục phá thành chịu một kích mạnh như thần lực của Ôn Hầu, lập tức đánh thẳng về phía trước, dân phu kéo dây ngã nháo nhào, ‘ầm’ một tiếng vang dội đập vào cửa thành.
Tức khắc, cửa thành ‘két’ một tiếng ầm ầm ngã vào trong, hoàn toàn sụp đổ, quân thủ thành Thọ Xuân tan tác như chim muông.
Vạn quân điên cuồng hò reo, Tôn Sách nhìn thấy mà trố mắt há mồm.
Lã Bố tự đắc ôm quyền, nhưng Tôn Sách lập tức biến sắc.
Lã Bố: “?”
Trong tiếng hò hét bạt núi, trụ phá thành như cái xích đu cỡ siêu lớn nhẹ nhàng đánh trở về, đập ‘boong’ một cái vào ót Lã Bố, khiến hắn té sấp mặt xuống đất cạp một lớp bùn.
Lửa trong thành đã tắt dần, Tào Tháo thấy Lã Bố mạnh mẽ xông vào, hai bên lại có sẵn thù cũ, đành phải rời khỏi Thọ Xuân, chuyển sang tấn công thành lân cận, đồng thời phái Lưu Bị lùng bắt Viên Thuật đang trốn chạy.
Lưu Bị đuổi đến giữa đường, gặp được tín sử cầm thư tay do Triệu Vân phái tới, báo tin mấy ngày trước tập kích được thành Từ Châu.
Lưu Bị vừa hay tin, lập tức hủy bỏ việc truy đuổi Viên Thuật, nhanh chóng triệu hồi binh mã, chỉnh lý binh sĩ, suốt đêm chạy về Từ Châu. Viên Thuật tìm được đường sống chạy đến U Châu nương nhờ Công Tôn Toản, Tào Tháo hãy còn chưa biết nội bộ mâu thuẫn, vẫn đang phá thành ở Dương Châu, nhưng đây là chuyện khác sau này hẳn nói.
Đêm đó, Lã Bố mặt mũi bầm dập ngồi trên thành lâu uống rượu với Tôn Sách.
Tôn Sách đánh đàn, hết một khúc mới lên tiếng: “Trong thành chưa dọn dẹp xong, nếu không mời Hầu gia ở lại chơi mấy ngày.”
Lã Bố nhấp một ngụm rượu, xua tay: “Cướp xong phải đi liền, bên kia có người chờ, ở lại không được.”
Cao Thuận và Trương Liêu nháy nháy mắt, nhưng Lã Bố không hiểu gì cả, vẫn chưa hiểu ẩn ý trong lời nói của Tôn Sách.
Tôn Sách rất xấu hổ, câu kia chính là Chu Du mớm cho, trong lời có ý, vừa muốn nói từ nay về sau Thọ Xuân là lãnh địa của ta, vừa nhắc nhở Ôn Hầu là khách, chủ nhân mới công hạ được thành Thọ Xuân đã để mặc cho khách cướp ngang cướp dọc, quả thật xưa nay chưa từng có.
Với trí thông minh của Lã Bố, tất nhiên không thể nghĩ ra được vấn đề then chốt ở đâu, Tôn Sách đành coi như mình chưa nói gì, lảng sang chuyện khác: “Hầu gia có tính toán gì cho tương lai không? Lại về Trường An tiếp tục hậu chiêu sao?”
Lã Bố suy nghĩ một chút, đáp: “Đi Tây Lương, từ nay về sau trời Nam đất Bắc, không biết khi nào gặp lại, hiền đệ nhớ bảo trọng.”
Lã Bố nắm tay thành quyền, tùy tiện vươn ra, Tôn Sách hiểu ý, cũng vươn nắm tay tới, hai người ngồi cách một cái bàn thấp, chạm nắm đấm vào nhau.
Đột nhiên, Tôn Sách thấy cảm động lắm, dù Lã Bố có lỗ mãng nhưng tựu chung vẫn là người chân thành, không để tâm chút chuyện nhỏ nhặt này kia, vì thế lên tiếng: “Lương thực, quân nhu là phải có, nhưng những thứ khác khó mang đi xa được, sao không mang theo một ít trân bảo Viên Thuật cất giấu về?”
Lã Bố nhướn mày, kích động hỏi: “Có thứ gì tốt?”
Tôn Sách: “…”
Sau buổi trưa phá cổng thành, Viên Thuật hoảng hốt thoát khỏi Thọ Xuân. Vừa xưng đế, việc kiến cung sửa điện đã sớm tiến hành từ năm trước, ông vua bất hợp pháp này giấu vô số trân bảo trong cung ở Thọ Xuân, nghe Tôn Sách giải thích, Lã Bố lập tức cảm thấy hứng thú, nhấp nha nhấp nhổm nói: “Hay lắm! Cao Thuận, nghe rõ rồi chứ? Rút bộ tướng ở kho lương về, bảo bọn họ đến cung của Viên Thuật xem! Đem mấy thứ hoàng kim trân châu gì đó theo!”
Cao Thuận nhận lệnh đi, Tôn Sách lắc đầu mỉm cười, Lã Bố uống rượu xong, phần lớn quân Tịnh Châu đóng quân ở ngoài thành, một đội nhỏ đi cướp vọt vào hoàng cung của Viên Thuật, lấy hoàng liêm(3) bao hết tất cả trân bảo lại đặt lên xe, chất đầy hết khoảng bốn mươi xe.
Trần Cung thấy cướp sạch sẽ quá, không dám cho xe đi dừng lại ở cửa thành, liền bảo Cao Thuận đến thông báo cho Lã Bố: Đã hòa bình cướp của xong, Hầu gia có thể lên đường.
Lã Bố cũng nôn nóng muốn đi, lại kính Tôn Sách một ly, nói: “Đến lúc lên đường rồi, tạm biệt.”
Tôn Sách gật đầu, hai người từ biệt, Lã Bố nhảy xuống thành lâu, chính xác rơi lên lưng ngựa đứng dưới cổng thành, giục ngựa tiến lên dẫn đầu đại quân rời khỏi Thọ Xuân.
Tôn Sách lại đàn một khúc ‘Cố nhân ly’ tiễn biệt Lã Bố, tiếng nhạc xa xăm văng vẳng trong đêm. Lần này chia ly, cho đến trận Xích Bích Tôn lang đã không còn, chỉ có Kỳ Lân, Lã Bố, Chu Du và Lưu Bị, chống đỡ tám mươi vạn quân Tào Tháo, khi ấy lại là một hồi cảm xúc khác.
Lã Bố một đường Bắc thượng, gần mười ngày sau rốt cục cũng đến trước Hàm Cốc quan.
Nhóm của Kỳ Lân lúc đi có khoảng hơn một ngàn quân, nhưng lúc này ở Hàm Cốc Quan lại có hơn một vạn.
Binh lính dựng lều trên khoảng đất trống, lấy gạo nấu cháo phân phát cho lưu dân bá tánh ở trước Hàm Cốc quan, nghe nói có người phát cháo dân chạy nạn ở phụ cận càng lúc càng nhiều.
Lã Bố nhìn xa xa một vòng, hỏi: “Làm cái gì đây? Ở đâu ra nhiều người vậy? Kỳ Lân đâu?”
Trương Liêu đi tìm Kỳ Lân, lòng vòng cả buổi cũng tìm không thấy, lại bắt gặp Cam Ninh đang trêu ghẹo một tiểu binh.
Một lát sau, Cam Ninh cà lơ phất phơ đến hồi báo: “Mấy người này là dân chúng chạy loạn của Quan Trung, không ít trong số này là đào binh từ Trường An, Lạc Dương. Quân sư tốt bụng, tính dẫn họ xuất quan cùng, tìm nơi an ổn.”
“Chủ mẫu ở bên kia kìa.” Cam Ninh nhíu mày quan sát Lã Bố, nhưng không biết hắn nghĩ gì.
Lã Bố không ừ cũng chẳng hử, đi thẳng đến gặp Điêu Thiền.
Điêu Thiền vén màn xe, mắt đẹp rưng rưng.
“Hầu gia…” Điêu Thiền dịu dàng gọi, đôi mắt đỏ hồng.
Lã Bố hỏi: “Không chịu khổ là tốt rồi, ngày đó ta đi vội vàng, bọn họ cũng không biết đi đón ngươi, nên phạt đều đã phạt rồi.”
Điêu Thiền cắn môi, im lặng không đáp.
Lã Bố nói: “Xin lỗi, ái thê.”
Điêu Thiền rưng rưng cười, “Nào dám trách Hầu gia?”
Lã Bố cười nói: “Không bị làm sao là tốt rồi, hiện tại chúng ta phải rời khỏi Hàm Cốc quan, qua Trường An đi Tây Lương, ngươi nghỉ ngơi một lát đi. Ở Thọ Xuân lấy được nhiều thứ đẹp lắm, chờ thu xếp ổn thỏa xong sẽ đưa cho ngươi.”
Điêu Thiền thút thít khóc thê lương, trong lòng Lã Bố ít nhiều cũng có chút áy náy, ôm nàng vào lòng, hai người ngồi trong xe, Lã Bố lấy lời ngon ngọt trấn an mấy câu, nhưng Điêu Thiền cứ thút thít hoài không dứt, Lã Bố ngồi chờ cả buổi cũng thấy phiền chán, tùy tay vén màn xe lên, học theo giọng điệu của Cam Ninh, kêu hắn: “Rùa con! Kỳ Lân đâu!”
Cam Ninh đáp: “Không biết nữa, hồi nãy còn đâu đây mà! Này! Rùa con! Chuẩn bị nhổ trại đi, rùa cha đến rồi kìa!”
Cam Ninh phân phó toàn quân nhổ trại khởi hành, bò kêu ngựa hí, trước Hàm Cốc quan loạn xị cả lên như cá diếc sang sông. Cuối cùng, lúc dọn dẹp đống cỏ khô mới thấy một người đang ngủ mê mệt trong đó, chính là vị quân sư dưới trướng Lã Bố.
“Chủ công đến?!” Kỳ Lân vội vàng nhảy lên Xích Thố.
Trương Liêu huýt gió, từ xa cười nói: “Chủ công tìm ngươi, dân chúng đều đi theo phía sau đại quân rồi!”
Xa xa, hai cái đuôi trĩ trên mũ Lã Bố lắc trái lắc phải, rất nổi bật, cứ liên tục nhìn Đông nhìn Tây, tất nhiên là tìm Kỳ Lân.
“Ngươi về rồi—” Kỳ Lân cười nói, Xích Thố tự giác đuổi theo Lã Bố.
“Ừm.” Lã Bố nhìn Kỳ Lân, nói: “Mọi chuyện đã xong rồi đấy à?”
Lã Bố thong thả đi ở bên cạnh đại quân, sóng vai với Kỳ Lân.
Xe ngựa chầm chậm đi tới, bốn vạn quân Tịnh Châu cùng hai vạn lưu dân cứ thế lặng im, mưa phùn giăng kín giữa thiên không hóa thành hàng ngàn hàng vạn mũi kim, đưa bọn họ đến nơi họ thuộc về.
Lã Bố và Kỳ Lân mỗi người cưỡi một con ngựa, sóng vai đi tới, không ai nói gì.
Kỳ Lân nói: “Trả Xích Thố lại cho ngươi.”
Lã Bố nói: “Không cần đâu, ngươi cưỡi đi.”
Im lặng một chút.
Bỗng nhiên Lã Bố nói: “Cho ngươi chọn trước.”
Kỳ Lân: “?”
Hồi lâu sau, Kỳ Lân mới hiểu ra Lã Bố đang nói chiến lợi phẩm sẽ cho hắn chọn trước, dở khóc dở cười nói: “Ai thèm mấy cái đó…”
Lã Bố: “Lưu Bị có làm khó ngươi không?”
Kỳ Lân miễn cưỡng đáp: “Sao hắn làm khó được ta, Gia Cát Lượng rề rà chưa xuất hiện, chỉ với mình hắn được mấy cân mấy lượng… Đúng rồi, ta còn sẵn tiện bắt mưu sĩ của Tào Tháo cho ngươi nữa, hắn tên Giả Hủ, nhốt ở đằng sau ấy.”
Lã Bố gật đầu: “Ờ.”
Lã Bố giục ngựa đi rất gần bên cạnh Kỳ Lân, một lát sau đưa tay ra, khóe mắt Kỳ Lân nhìn thoáng qua, cũng liền vươn tay để cho bàn tay to lớn của Lã Bố nắm lấy.
“Lạnh không, vất vả cho ngươi quá, dầm mưa đi dầm mưa về suốt cả đường.” Lã Bố hiếm khi quan tâm.
Kỳ Lân: “Cũng tạm.”
Lã Bố: “Sao không nói gì?”
Kỳ Lân mệt mỏi trả lời: “Vừa tỉnh ngủ, lúc nãy nằm trong đống cỏ khô ngủ được một chút…”
Hai người nắm tay nhau không ai nói chuyện, hai chiến mã lung la lung lay đi tới gần trăm bước, bỗng nhiên Lã Bố xiết chặt bàn tay, mượn lực của Kỳ Lân, đạp yên ngựa nhảy qua, ngồi vững vàng phía sau hắn, hai người cùng cưỡi Xích Thố.
Kỳ Lân phía trước, Lã Bố ngồi đằng sau, cánh tay mạnh mẽ vòng qua eo Kỳ Lân cầm dây cương run lên một cái, ngựa Xích Thố chạy chậm về phía trước.
“Ngươi ngủ tiếp một chút đi.” Lã Bố thản nhiên nói.
Đất trời mờ mịt mưa phùn, hơi nước mát mẻ, Kỳ Lân nhìn một hồi, dứt khoát ngả đầu ra sau, gối lên xương quai xanh của Lã Bố, mơ mơ màng màng ngủ.
Tiếng nước thấm vào hơi thở, mùa mưa đi qua Hàm Cốc quan, thiên không mây đen tiêu tán, mặt trời hoàng hôn gieo rắc ánh sáng khắp mọi nơi.
Lã Bố cười nói: “Mặt trời hiện ra rồi.”
Hắn đưa tay xoa xoa đầu Kỳ Lân trong lòng, Kỳ Lân mở mắt để mặc hắn ôm chỉ lẳng lặng ngắm nhìn.
Cảnh sắc vô cùng khoáng đật, mây đỏ như có lửa theo gió chầm chậm trôi xa, tịch dương chiếu ra hàng vạn tia sáng tỏ rạng chân trời, cuối quan đạo, hai tấm bia đá trái phải chỉ đường đi đến Lương Châu.
“Đời này ngươi có nguyện vọng gì?” Kỳ Lân hơi ngẩng đầu thoáng nhìn Lã Bố, mũi cọ nhẹ lên cằm hắn.
Gò má Lã Bố bị ánh tà dương nhuộm đỏ.
“Khi còn bé là bảo vệ nương ta, để nàng không bị xem thường.” Lã Bố nói: “Lúc lớn hơn, là muốn cho hương thân phụ lão có miếng ăn, không phải chịu đói.”
Kỳ Lân hỏi: “Bọn họ vẫn còn ở Cửu Nguyên à?”
Lã Bố ung dung trả lời: “Không, đều ở đây, trong đại quân ấy, quân Tịnh Châu chính quy có khoảng hai vạn người, trong số đó có không ít đồng hương đã theo ta từ Cửu Nguyên đến nương nhờ chỗ Đinh thứ sử.”
Kỳ Lân hỏi: “Ngoài ra còn gì không?”
Lã Bố vẫn thản nhiên nói: “Cho bọn họ được ăn ngon, uống ngọt, có tiền tiêu, có nữ nhân. Quân lương hàng tháng nhờ người gửi về quê cho cha mẹ vợ con có cái chi tiêu.”
Kỳ Lân nở nụ cười: “Chờ chúng ta ổn định rồi, có thể đón bọn họ đến đây luôn.”
Lã Bố đáp: “Ừ, ta cũng nghĩ như vậy.”
“Trong thiên hạ còn rất nhiều người rày đây mai đó, ăn bữa hôm lo bữa mai.” Kỳ Lân đang có hứng nói chuyện: “Ngươi không nghĩ đến việc làm hoàng đế sao?”
Lã Bố lại không nghĩ như vậy: “Có liên quan gì đến ta chứ? ‘Cùng tắc độc thiện kì thân, đạt tắc kiêm tể thiên hạ’(4), người của mình còn ăn không đủ no, làm sao có thể chiếu cố người trong thiên hạ?”
“Ngươi còn biết câu này nữa à…” Kỳ Lân mỉm cười, chỉnh lại tư thế, Lã Bố nghĩ hắn sợ lạnh, kéo áo choàng sau lưng che cho hắn, để hắn cuộn tròn lại trong lòng mình.
Lã Bố lãnh đạm nói: “Ta có thể làm hoàng đế à? Phải làm thế nào?”
Kỳ Lân nói: “Có thế chứ, còn về phần phải làm thế nào thì từ từ ngươi sẽ biết. Triệu Khuông Dận(5) cũng khoác áo hoàng bào rồi mới làm vua, nhưng cũng làm rất tốt đó thôi.”
Lã Bố: “Triệu khoanh tròn cái gì là ai?”
Kỳ Lân: “…”
Lã Bố nói: “Làm hoàng đế cũng có cái hay, sau này có thể lợi dụng chức quyền một chút đưa bọn họ đến sống ở Lạc Dương, đều phong làm quan lớn, tiền tiêu không hết, rất tốt.”
Kỳ Lân thong dong nói: “Ta sẽ giúp ngươi.”
Lã Bố trầm mặc, hồi lâu sau mới lên tiếng: “Được, ngươi hứa rồi đó, sau này cái gì cũng nghe lời ngươi.”
Thái sư phụ thân ái:
Hôm rời khỏi Hàm Cốc Quan trời cũng hết mưa, con và Phụng Tiên đã tiến vào Tây Lương.
Lã Bố nói với con, sau này kim châu là của con, về sau có thể gọi hắn là Phụng Tiên, không cần tiếp tục gọi ‘chủ công’ nữa, tối hôm đó hắn uống say, ngay trước mặt mấy người Trần Cung, Cao Thuận dám nói: “Kỳ Lân nói, ta có mạng làm hoàng đế, về sau sẽ làm hoàng đế.”
Lúc ai nấy mặt mũi đen thui nhìn hắn, hắn còn bổ sung thêm một câu: “Ta làm hoàng đế, thì các ngươi đều là khai quốc công thần, làm rất tốt.”
Sau đó, Phụng Tiên lần lượt phong thưởng cho bọn họ, hứa cho mỗi người bao nhiêu tiền, bao nhiêu đất, bao nhiêu nữ nhân.
Nhưng lúc đến lượt con thì Phụng Tiên chẳng nói gì cả, chỉ im lặng nhìn, ánh mắt của hắn rất phức tạp.
Nhưng mà con hiểu, thật ra hắn muốn nói: “Đây chính là thiên hạ của chúng ta.”
Trong nháy mắt, tự nhiên con hiểu được tâm tình của Gia Cát Lượng, Chu Du, Tuân Úc. Hiểu được lý do vì sao họ sẵn sàng vì chủ công của mình mà dâng hiến trọn đời, hết lòng lo lắng, không có giây phút nào không suy xét cho chủ công.
Một chữ ‘chủ’ này, giúp con xác định rõ ràng cảm tình của mình, thứ mà cách đây nửa năm chính con hoàn toàn không hiểu nổi, con người kỳ lạ như vậy đó, hắn chưa từng nói một lời nào, mà con đã có cảm giác muốn vì hắn hy sinh mọi thứ.
Từ hôm đó trở đi, con quyết định sẽ không buông tay, bất kể về sau hắn có còn tin tưởng con như bây giờ hay không, con cũng không cần biết những năm tới khi chinh chiến ở Trung Nguyên hắn sẽ gặp bao nhiêu trở ngại, con đều sẽ nổ lực hết mình, để hắn được vui vẻ, được hạnh phúc.
Thái sư phụ, xin hãy chúc cho con, con muốn dùng quân bài xấu này đánh thắng năm trận đại chiến ở Tam Quốc và vô số các trận đánh lớn nhỏ khác, con cần kha khá may mắn ạ.
Con quyết định thiết lập một cứ điểm ở Lũng Tây trước, sau đó từ từ thâm nhập vào Hán Dương, Kim Thành, Vũ Uy. Phía Bắc là địa bàn của Mã Đằng, lại đi xa hơn một chút là đất của Hàn Toại, hai nhà này hình như bằng mặt không bằng lòng, cần quan sát thêm.
Phía Tây có Triệt Lý Cát vua Tây Khương, nghe nói trí thông minh không cao hơn Phụng Tiên bao nhiêu, nhưng chị dâu của Mã Đằng lại là người tộc Khương, con đoán chắc là có liên hệ ngoại giao tế nhị gì đây.
Trước mắt, xa thân gần đánh là sách lược chủ yếu, cho nên trước bỏ qua cho Triệt Lý Cát, khả năng Triệt Lý Cát và Mã Đằng có quan hệ thông gia cũng tạm không nhắc đến, đầu xuân năm sau con sẽ nghĩ cách giải quyết Hàn Toại, chắc sẽ hao phí một ít châu báu, hoàng kim và tơ lụa của người Hán, xong rồi mới bình định vua Tây Khương.
Tất nhiên, đi vào thực thế chắc sẽ có chút khó khăn, nhưng con cảm thấy đây mà một khởi đầu đúng đắn.
Từ Tây Lương xua quân đi Ích Châu, đến Kinh Châu, Hán Trung rồi thong thả thâu tóm Trung Nguyên, đây có lẽ là một trải nghiệm tương đối xa lạ, nhưng ít ra có thể tránh mất thời gian trải qua giai đoạn thiên hạ bị chia làm ba.
Đánh du kích, tổng tấn công, thừa nước đục thả câu, giao chiến trên bình nguyên, con cho rằng những cách đánh này phù hợp với thói quen dẫn binh của Phụng Tiên.
Nếu con đoán không sai, Tào tháo sắp đối diện với đợt phản kháng đầu tiên sau khi hắn ép thiên tử tuyên chỉ kêu gọi chư hầu, đồng thời, rất nhiều sĩ phu sẽ giận dữ rời khỏi Viên Thiệu ở thành Nghiệp.
Con đã phái thám tử của quân Tịnh Châu đến các thành lớn mai phục nghe ngóng tin tức.
Cũng để cho Giả Hủ đi U Châu tung tin, chuẩn bị đưa những trí giả bất mãn với Viên Thiệu đến Lương Châu, dù sao thành viên chính trị nòng cốt của Lã Bố còn quá yếu.
Chúng con hiện giờ mới đến Lũng Tây, nhà mới thật sự rất tệ, người không thể tưởng tượng nổi nơi này nghèo nàn, cằn cỗi đến thế nào đâu.
Cuối Hè đầu Thu có bão cát, nhà đất mái bằng rách nát, chuồng heo chuồng ngựa chỉ có mỗi cái hàng rào, bọn trẻ chẳng mặc gì cả phơi mông chạy khắp nơi, cuộc sống dân chúng bần cùng, họ che bão cát bằng mấy tấm ván gỗ để hờ trên cửa sổ.
May mà chúng con có đầy đủ lương thảo, cũng đủ nhân lực.
Trần Cung đề nghị đập bỏ tường thành đi xây lại lần nữa, Phụng Tiên thì kiên quyết yêu cầu phải sửa sang nhà cửa trước, để dân trong thành và dân chạy nạn chúng con đưa theo có chỗ ở.
Trương Liêu đã dẫn người đi đào kênh lấy nước, Cao đại ca đi sửa nhà ở, Cam Ninh luyện binh, Phụng Tiên đang học binh pháp của Tôn Tử, Điêu Thiền đang chơi trò tự kỷ, chỗ này nói chung là cái gì cũng được, chỉ có thiếu nước.
Thái sư phụ, sư phụ, Hạo Nhiên sư thúc, Tử Tân sư ca, con hoan nghênh mọi người tới thị sát chỉ đạo, lúc nào cũng được, mùi vị trà dầu, sữa rượu, thịt nướng rất là ngon! Bây giờ con đi chọn vài thứ Lã Bố cướp được ở Thọ Xuân cho con đây! Con trông thư hồi âm lắm đó!
Con đang rất vui, yêu mọi người mãi mãi: Tiểu Hắc
Kỳ Lân nhận danh sách vật tư, chỉ liếc mắt qua một cái trước mắt tối sầm.
“Đi… đi gọi chủ công lại đây…” Kỳ Lân chống tường, khó thở nói.
Lã Bố đội mũ lông trĩ, cưỡi một con ngựa non, chân dài kéo lê trên đất, nửa đi nửa cưỡi, ì à ì ạch đi tới.
“Có chuyện gì?” Lã Bố hỏi.
“Lã Phụng Tiên!” Kỳ Lân giận dữ.
Lã Bố: “Làm càn, nói chuyện kiểu gì thế!”
Kỳ lân: “Không phải ta bảo ngươi cướp lương thảo sao? Ngươi cướp một đống sách làm gì?! Trần Cung đâu?!”
Lã Bố: “?”
Kỳ Lân: “…”
Bóng đèn trên đầu Lã Bố bật sáng: “Bá Phù nói mấy thứ trong hoàng cung rất có giá trị, cướp lương thảo có gì hay?”
Kỳ Lân nghe mà muốn ngất xỉu: “Ngươi không biết chúng ta đang thiếu lương thảo à?! Đến Thọ xuân cướp một đống bản đơn(6) của tiền triều về đây làm gì hả? Cho ngựa ăn được không?!”
Kỳ Lân tiện tay lục tung kho hàng, nào là sách mốc do bị mưa dầm, tập tranh, bảng chữ mẫu với cả đồ cổ.
Lã Bố nói: “Không phải mấy món này rất đắt tiền à?”
Kỳ Lân cầm chiếc vòng ngọc đôi rồng cuộn mây ‘vút’ một tiếng ném Lã Bố: “Gần sáu vạn người! Đại ca! Trời sắp sang Đông rồi, ngươi lấy mấy cái vòng này với cả hình vẽ, gốm sứ đi nuôi bọn họ hả?! Sáu mươi ngàn quân dân đó!”
Lã Bố nói: “Đừng… đừng kích động! Chuyện gì từ từ nói!”
Kỳ Lân lại ném một cái ấm có vẽ màu song điêu quái thú bằng gốm xanh, phát điên: “Cả kho đều là ba cái thứ gì đâu không, lấy cái gì để dùng? Trước khi xuất hành ta đã nói rồi, phải cướp lương thảo! Các ngươi bị Chu Du với tôn Sách lừa rồi! Một đám ngu ngốc! Kêu Trần Công Đài đến đây! Ta phải phạt quân côn hắn, đậu mòe!”
Lã Bố lắp bắp: “Đây không phải là do… hai vị nghĩa huynh của ngươi sao! Bình tĩnh! Đừng giận mà! Bán bán bán, cái gì bán được đều đem bán, mấy ngày nữa, chủ công… tự dẫn quân! Mang theo hàng hóa nhập quan đi bán!”
Kỳ Lân muốn chết quách đi cho rồi: “Đang lúc loạn lạc, ngươi bán cho ai? Nhập quan bán cho Viên Thiệu hay Tào Tháo? Đám chư hầu ai nấy trông coi lương thảo còn quý hơn mạng, chỉ có ngớ ngẩn như ngươi mới đi cướp về một đống thứ không thể ăn không thể dùng này thôi!”
Lã Bố nói: “Có vàng mà! Lấy vàng ra mua là được chứ gì, đừng giận đừng giận.”
Kỳ Lân bất đắc dĩ nói: “Có không đến tám ngàn lượng vàng. Con bà nó, mua được cái búa! Ta bội phục các ngươi rồi, đi ra ngoài, ra ngoài hết đi.”
Lã Bố cố bào chữa: “Mấy thứ này đều không dùng được sao? Ít nhiều cũng đem bài trí…”
Còn chưa dứt lời, Kỳ Lân tay phải cầm một khối bạch ngọc vuông vức, tay phải vung vẩy nhạc sư bằng gốm, liên tục gõ đầu Lã Bố: “Này thì bài trí… bài trí… đi đi… đem cho vợ ngươi…”
Lã Bố ư ử như cún, xoay người đi, vừa ra tới sân, đồ gốm cũng bay sát phía sau, đập vào đầu hắn.
Lã Bố la hét ầm ĩ: “Ngươi quá càn rỡ!”
Kỳ Lân phát rồ: “Mấy thứ rách nát! Ai đem về thì tự giải quyết đi!” Nói xong phát hiện không đúng, nói: “Khoan đã, đây cũng là các ngươi cướp được?”
Lã Bố và Kỳ Lân đồng loạt nhìn đến khối bạch ngọc hình vuông nặng trịch trên tay.
Kỳ Lân hít một hơi thật sau, lật ngược khối ngọc lại, cùng Lã Bố chụm đầu vào một chỗ, giơ lên dưới ánh mặt trời nhìn thật kỹ, nhưng không nhìn ra chữ gì.
Lã Bố nói: “Ấn giám(7) của ai thế?”
Kỳ Lân rút tờ giấy, lấy khối ngọc kia ấn xuống đất đỏ, rồi ấn lên trên mặt giấy, tám chữ nghiêm chỉnh uy nghi:
THỤ MỆNH VU THIÊN – KÝ THỌ VĨNH XƯƠNG
——————————————————————————–
QUYỂN 2 – KINH PHÀM KHOÁI HÀNG –Hoàn
——————————-
Lời tác giả: Truyền quốc ngọc tỷ được Tôn Kiên đưa cho Viên Thuật làm vật thế chân. Viên Thuật đại bại chạy trốn, Lã Bố ăn may lấy được.
——————————-
Chú thích:
- Thành lâu trên cổng thành
- Trục phá thành hoạt động như con lắc, kéo cây gỗ ra sau để lấy đà đập về trước.
- Hoàng liêm: rèm vải màu vàng dùng trong cung, nhưng viết thành rèm vàng thấy kì kì nên để nguyên
- Cùng tắc độc thiện kì thân, đạt tắc kiêm tể thiên hạ:Khi chưa gặp thời thì riêng làm tốt cho mình, lúc hiển đạt thì làm thiện khắp thiên hạ.
- Triệu Khuông Dận Tống Thái Tổ, khoác hoàng bào mới làm vua ý đoạt được quyền lực lên làm vua chứ không hề được định sẵn sẽ làm vua, nên không biết cách làm vua, phải từ từ học mới làm tốt được.
- Bản đơn: sách chỉ còn một bản duy nhất do thất lạc, nên nó quý.
- Ấn giám: bảo lưu dấu gốc của ấn triện đề phòng giả mạo