Nhật Kí Nữ Pháp Y: Để Người Chết Được Nhắm Mắt

Chương 61




Buổi sáng hôm ấy, đang trong giờ làm việc, Phương Văn Kiệt gọi điện thoại tới, nói muốn phỏng vấn tôi.

Cậu phóng viên tòa soạn “Nhật báo Sở Nguyên” này, có khả năng bám dính, khai thác và cả tài năng đào hố giăng bẫy khi làm việc. Không biết cậu ta tra được số điện thoại của tôi từ đâu, gọi liên tiếp ba cuộc, muốn không nhấc máy cũng không được.

Trong điện thoại nghe cậu ta tự giới thiệu bản thân xong, tôi mới nhớ ra đó nhân chứng vụ Mã Thiên Huệ nhảy sông tự tử. Tôi hỏi cậu ta:

- Có việc gì à?

Phương Văn Kiệt đáp:

- Mấy ngày gần đây trong thành phố Sở Nguyên liên tiếp xảy ra mấy vụ tự sát, tòa soạn báo bên tôi muốn làm một chuyên đề, viết về hành vi tâm lý của những người tự sát, đề cập đến những dấu hiệu trước khi tự sát và cách phòng tránh. Đây là một vấn đề lớn mang tính xã hội, cần có sự suy xét lý trí và cũng cần có góc nhìn của chuyên gia, chị là bác sĩ pháp y chuyên nghiệp của Cục thành phố, có thể sắp xếp thời gian phỏng vấn cùng tôi được không?

Tôi bảo:

- Có việc gì thì nói trong điện thoại đi, cả hai chúng ta đều rất bận.

Phương Văn Kiệt nói:

- Vấn đề này quá rộng, tòa soạn chuẩn bị một bản thảo chuyên đề, không thể nói rõ ràng qua điện thoại được, chị trăm công nghìn việc cố gắng giúp tôi một việc này thôi, cũng coi như là cống hiến cho xã hội.

Tôi nói:

- Nói cống hiến cho xã hội thì hơi quá, vậy thì không dông dài nữa nhé, chiều mai sau giờ hành chính được không?

Phương Văn Kiệt nói:

- Chủ biên tòa soạn có ý định, hy vọng ngày mai có thể triển khai lên bài luôn, đây là một chuyên mục trọng điểm trong năm nay của tòa soại, khả năng đến cuối năm sẽ tham gia tranh giải tin tức mới đặc sắc, trong hôm nay chị không có thời gian rảnh, hay là tôi tới đơn vị làm việc của chị được không?

Tôi đáp:

- Đừng đừng đừng, cậu đừng tới chỗ làm của tôi, làm thế thì lố quá, còn phải xin ý kiến lãnh đạo nữa, cứ tìm một chỗ yên tĩnh gặp mặt thì hơn. Tới quán cà phê Bản Sắc đi, ăn uống gì cũng tiện, ai thanh toán của người ấy, không cần cậu phải mời tôi.

Phương Văn Kiệt bảo:

- Được, quyết định như thế đi, không cần để ý thời gian tiền bạc cho tôi đâu, cũng chẳng phải là chuyện to tát gì cả.

Trong quán cà phê Bản Sắc, cùng Phương Văn Kiệt nói chuyện và giá trị trân quý của sinh mệnh, sống ở đời cần phải có lý tưởng to lớn, rồi lại lan man mổ xẻ những tầng ý nghĩa của vấn đề.

Phương Văn Kiệt nói:

- Năm nay thành phố Sở Nguyên đã xảy ra ba vụ nhảy sông tự vẫn, tháng Hai có một vụ, tháng Bảy một vụ, tháng Tám lại xảy ra một vụ nữa, trong ba vụ án này thì hai vụ án có điểm tương đồng là người nhảy sông để lại giày, cởi áo khoác, tại sao họ lại để những vật này cho người đến cứu?

Tôi đáp:

- Người nhảy sông tự tử để lại giày, đây là một hiện tượng thường gặp. Trong lý luận pháp y, việc cởi giày đại diện cho việc người tự sát muốn nhanh chóng tìm tới chỗ chết. Hành động này thường thường ẩn ỷ là không thể đi tiếp được nữa, người muốn tự sát hướng đến ranh giới sống chết trước mắt, đại diện cho việc đã được giải thoát khỏi phiền muộn và khủng hoảng, muốn hoàn thành việc cuối cùng trước khi chết đó là nhảy xuống sông.

Phương Văn Kiệt tròn mắt:

- Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng thế cũng có thể phân tích được rất nhiều thứ, nghề pháp y quả thực là một ngành nghề có sức hấp dẫn đấy, tôi cũng muốn làm bác sĩ pháp y rồi.

Tôi bảo:

- Nghe vui lắm à? Thật ra nó sẽ khiến cậu khóc cũng không xong đâu, hồi tôi mới làm pháp y, nhìn thấy miếng bánh ngọt trước mặt cậu cũng có thể nhớ tới nội tạng máu me.

Phương Văn Kiệt cầm miếng bánh ngọt lên, làm động tác như đang ngắm nghía một khối nội tạng thật. Bỗng nhiên cậu ta lại hỏi:

- Thế vụ của Mã Thiên Huệ nhảy sông hồi trước sao không để lại giày?

Tôi đáp:

- Đây vẫn không phải là một việc bắt buộc khi nhảy sông, người ta không thích cởi giày thì liên quan gì đến cậu, nhưng mà lúc các cậu được lấy lời khai, đã nói rằng Mã Thiên Huệ trước lúc nhảy xuống sông đã kêu lên một tiếng “A”. Điều này hơi ngược với lẽ thường, nếu cô ấy không cởi giày, thì cũng có năng đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý sẽ chết, nhưng lúc đó cô ấy lại nghĩ tới một chuyện gì đó nên phải kêu lên.

Phương Văn Kiệt nói:

- Đúng vậy, nếu cô ấy không kêu lên, chúng tôi cũng không chú ý đến cô ấy, có hai nhân chứng khác là Trương Dụ và Dư Bình cũng nghe thấy tiếng kêu của cô ấy nên mới chạy tới.

Tôi nói:

- Người đã mất rồi, trước khi chết cô ấy nghĩ tới chuyện gì cũng không ai biết được nữa.

Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, Phương Văn Kiệt lại nhớ ra một chuyện:

- Tuần sau chị có tham dự lễ kỉ niệm thành lập trường cấp Ba Sở Nguyên không, tôi nhìn thấy trong danh sách cựu học sinh có tên chị, còn có cả tên Cục trưởng Vương của chúng ta nữa.

Tôi đáp:

- Vốn dĩ tôi cũng chẳng muốn đi, những người được mời toàn quan chức cấp cao, tôi cũng chẳng tính là học sinh kiệt xuất gì, nhưng mà lễ kỉ niệm lần này Phó hiệu trưởng Trần Thuật lại là bạn thân nhất của tôi, cực kì muốn tôi tới, bảo là có rất nhiều bạn học cũ cũng tới, thiếu mất tôi thì không hay lắm. Đúng rồi, làm sao mà cậu có danh sách cựu học sinh của trường vậy, tôi từng hỏi Trần Thuật nhưng cô ấy bận quá nên mãi vẫn chưa gửi cho tôi.

Phương Văn Kiệt nói:

- Phía trường cấp Ba muốn làm một không gian sân khấu đặc biệt trong lễ kỉ niệm trường, họ mời tòa soạn chúng tôi tới làm phỏng vấn, nhiệm vụ này rơi xuống đầu tôi, tôi phải chuẩn bị trước các câu hỏi phỏng vấn, trường cấp Ba trọng điểm đào tạo ra bao nhiêu nhân tài kiệt xuất, muốn lựa chọn đối tượng phỏng vấn cũng khá là đau đầu, đến hôm đó chị cũng phải chuẩn bị một chút, nói giúp tôi mấy câu.

Tôi nói:

- Tôi chỉ là một phụ nữ nhỏ bé không có chí hướng gì, sợ người ta bảo tôi không biết xấu hổ.

Phương Văn Kiệt đáp:

- Chị là bác sĩ pháp y, chuyên ngành đặc biệt, làm một đoạn phỏng vấn, nói mấy câu đạo lý là lòe được người ta rồi.

Tôi nheo mắt:

- Sao lại nói thế, lại còn giảng đạo lý, đến lúc viết loạn hết cả lên thì cẩn thận tôi tính sổ với cậu.

Phương Văn Kiệt nhận ra mình lỡ lời:

- Tôi nói sai rồi, xin lỗi.

Vưu Vệ Đông trước ngày tổ chức lễ kỉ niệm trường cấp Ba đã tiếp nhận nhiệm vụ của Tỉnh ủy, thông qua quá trình lựa chọn kĩ lưỡng, ông đã nhậm chức Thị trường thành phố Sở Nguyên.

Lễ kỉ niệm 50 năm trường cấp Ba được cho là sự kiện quy mô nhất toàn thành phố. Giới quan chức chính trị, bao gồm cả Thị trưởng Vưu Vệ Đông và Tư lệnh phân khu của tỉnh Đào Thanh Tùng cũng tới, mấy vị lãnh đạo trên Bộ cấp Trung ương cũng gửi điện chúc mừng. Giới kinh tế thương nhân, mấy học sinh cũ có tiếng tăm lúc quyên góp ủng hộ trường cũng đến mấy ngàn chỉ vàng, kẻ tung người hứng, cố gắng tạo ra không khí “áo gấm về quê”. Giới học thuật, có hai trong ba vị viện trưởng lớn, giáo sư tiến sĩ vân vân, tất cả cũng tề tựu. Còn có một nữ minh tinh vừa phát hành một ca khúc thịnh hành được đặc biệt mời tới, trịnh trọng biểu diễn một ca khúc trong phần khai mạc. Cô nữ minh tinh này năm đó học cấp Ba không mấy hòa nhập với bạn học và thầy cô trong trường, nay thời thế thay đổi, đứng ở nơi cao quý, như cá gặp nước, bạn học cùng còn không nhận ra, trong lòng có chút cảm giác hỗn tạp khó nói.

Vưu Vệ Đông là vị quan chức cấp cao nhất thân cận với nhà trường được đặc biệt mời tới diễn thuyết, mặc dù tuổi tác ông ta cũng khá lớn, các thầy cô dạy ông năm xưa quá nửa đã không còn, cùng lắm chỉ có cơ hội gặp được giáo sư giảng dạy đạo đức truyền thống dân tộc Trung Hoa. Ông đứng trong số các giáo viên, đôi bàn tay trắng trẻo cao quý nắm lấy những bàn tay nhăn nheo già nua, để không phật lòng các thầy cô giáo, ông cũng phải giao tiếp cẩn thận tử tế với cả đội ngũ lao công.

Ghế ngồi sắp xếp cho lễ kỉ niệm có hạn. Ghế ở trên sân khấu chính dành cho các quan chức cấp cao, thương nhân và minh tinh cũng chỉ có thể ngồi ở khu vực ghế dưới khán đài, hai vị viện trưởng cũng được mời lên ngồi hàng ghế trên để biểu thị sự kính trọng.

Ba hàng ghế trước ở khu vực dưới sân khấu dành cho các quan chức nhỏ hơn, địa vị kém hơn thương nhân và các giáo sư tiến sĩ một chút.

Mấy hàng ghế sau thì không có ai để ý, cựu học sinh tùy tiện ngồi, không có ai tiếp nước, nhìn chung cũng khá tự do. Hiệu phó Trần Thuật ở khu vực lễ tân, mặc một bộ váy bướm hoa rực rỡ, mặt mày niềm nở đón tiếp khách mời. Bận rộn một thôi một hồi, trên sân khấu bắt đầu diễn thuyết khai mạc, cô ấy mới có thể ngồi xuống bên cạnh tôi.

Tôi khịt khịt mũi:

- Sao cả người cậu toàn mùi mồ hôi lẫn mùi nước hoa thế?

Trần Thuật giơ tay đưa lên mũi ngửi:

- Có à? Cậu đừng dọa mình đấy, mới bắt đầu thôi, còn có chương trình cả ngày nữa cơ.

Tôi bảo:

- Được rồi, không đùa cậu nữa, cậu lên ba hàng đằng trước ngồi đi, ngồi đằng sau này mất giá quá.

Trần Thuật nói:

- Mình chỉ là chân lăng quăng chạy qua chạy lại, tên mình chỉ xếp thứ năm trong số các Phó hiệu trưởng, không việc gì đến tay mình đâu.

Tôi hỏi:

- Trường Trung học của các cậu có mấy Phó hiệu trưởng vậy?

Trần Thuật đáp:

- Bảy người.

Hai người ngồi ở vị trí xa nhất đang say sưa chuyện trò, Trần Thuật bỗng nhìn sang người phụ nữ khoảng ba mươi tuổi ngồi bên cạnh tôi, đắn đo một chốc rồi nói với cô ấy:

- Chị có phải là Tần Phán Phán không? Em là Trần Thuật, hồi trước chúng ta ở cùng đội bơi lội ấy!

Người phụ nữ tên là Tần Phán Phán kia vô cùng kiều diễm, ăn mặc bắt mắt, ngồi im một chỗ cũng tỏa ra phong thái xinh đẹp bức người, nói theo kiểu đàn ông thì là kiểu phụ nữ “vừa nhìn là muốn yêu luôn”.

Cô ấy nhìn Trần Thuật, mỉm cười:

- Em là em gái Mắt To à?

Trần Thuật đáp:

- Phán Phong Lưu, chị đừng gọi biệt danh của em nữa!

Tôi bảo:

- Hai người là bạn cũ của nhau, có phải mình nên nhường ghế không?

Trần Thuật nói:

- Không cần đâu, mình giới thiệu với hai người một chút là được. Đây là Tần Phán Phán, hồi đi học tham gia đội bơi lội thiếu niên của thành phố cùng mình, còn đây là Thục Tâm, bác sĩ pháp y của cục Công an thành phố.

Tần Phán Phán chủ động giơ tay bắt tay tôi:

- Nghe danh đã lâu, rất vinh hạnh được gặp.

Tôi đáp:

- Không cần nói quá, em cũng không có tiếng tăm gì.

Chúng tôi ngồi dưới khán đài nói chuyện thao thao bất tuyệt, bài diễn thuyết của Vưu Vệ Đông trên sân khấu cũng kết thúc, ông hòa vào nhóm người di tản dần ra bên ngoài.

Trong quá trình chuẩn bị cho buổi lễ kỉ niệm, Trần Thuật đã gặp Vưu Vệ Đông hai lần, cô ấy vẫn luôn muốn thăng chức, gặp được cơ hội hiếm có khó tìm, bèn vội vã chặn người lại:

- Thị trưởng Vưu, ngài định đi đâu vậy ạ?

Vưu Vệ Đông bật cười, thân thiện nắm hai tay Trần Thuật:

- Lát nữa còn có một cuộc họp, không thể không tham gia. Rất xin lỗi, cô mấy ngày nay chuẩn bị lễ kỉ niệm trường vất vả rồi, rất tốt, là một nhân tài.

Trần Thuật khiêm tốn:

- Đâu có đâu có, tôi chỉ chạy vặt thôi. Thị trưởng Vưu, tôi giới thiệu cho ông người bạn tinh anh của tôi, cũng là cựu học sinh trường cấp Ba của chúng ta, cô gái xinh đẹp này là bác sĩ pháp y cục Thành phố Thục Tâm.

Vưu Vệ Đông chủ động bắt tay tôi:

- Chúng ta từng gặp nhau rồi, nhưng chưa có cơ hội nói chuyên, Thục Tâm không tệ, còn trẻ nhưng rất có tài năng, là một quân át chủ bài của cục Công an.

Tôi đáp:

- Thị tưởng Vưu quá lời rồi.

Trần Thuật lại giới thiệu tới Tần Phán Phán:

- Còn đây là Tần Phán Phán. Ấy, thế chị Phán Phán giờ đang làm việc ở đâu vậy?

Tần Phán Phán mạnh dạn đưa tay về phía Vưu Vệ Đông chào hỏi:

- Tần Phán Phán, Phó tổng giám đốc đoàn múa Phượng Vũ thành phố Sở Nguyên.

Vưu Vệ Đông không từ chối, bắt tay cô ấy, mỉm cười:

- Các cô gái trẻ bây giờ đều giỏi thật, ai cũng có chức danh.

Tần Phán Phán nói:

- Thị trưởng Vưu, buổi tiệc sau lễ kỉ niệm trường ngài không tham gia là một thiếu sót lớn đấy.

Vưu Vệ Đông đáp:

- Công vụ đầy người, không thể lơ là được, các cô là bạn học cũ nhiều năm không gặp thì nhất định phải vui vẻ nhé.

Hàn huyên thêm mấy câu, Vưu Vệ Đông đi ra tới cổng trường. Hiệu trưởng và Bí thư của trường cấp Ba cũng đi theo, tiễn ông lên xe. 

- -----oOo------