Nhân Tổ

Chương 345: Thế Giới Thụ




“Có phải Yêu tộc kể lại câu chuyện về thiên địa khởi sinh như vậy?” con cá đuối ôn tồn cười nói.

Con cua đồng gật đầu:

“Đại khái là như vậy.”

“Bọn chúng có phải còn nói Nguyên Sơn, Nguyên Hà, Nguyên Hồ, Tứ Đại Thần Thú là minh chứng rõ nhất về sự tồn tại của Nguyên Tổ, là bằng chứng không thể chối từ?” con cá đuối mỉm cười hỏi.

Con cua đồng gật đầu lia lịa.

Tôn Kỳ đăm chiêu. Đây là lần đầu tiên hắn nghe được câu chuyện về thiên địa khởi sinh của Yêu tộc.

Trước đó hắn từng sưu hồn nhiều Yêu tộc, nhưng để tránh bị tâm thần phân liệt, hắn chỉ chọn lọc một vài thông tin quan trọng, nên hắn vẫn chưa biết câu chuyện thiên địa khởi sinh của Yêu tộc. Hắn trước đó cứ nghĩ chỉ có duy nhất một câu chuyện khởi sinh của Ma tộc cho toàn Đại Thế Giới.

Nhưng hiện tại xem ra không đơn giản như hắn nghĩ.

Có một chuyện hắn thực sự không thể hiểu nổi đó là vì sao lại hạ thấp Nhân tộc như vậy?

Nếu dùng lý do Nhân tộc sinh ra từ trong bùn đất uế khí, chúng yếu ớt, thấp kém, kinh tởm, máu bùn để khinh thường Nhân tộc thì quá nực cười.

Có rất nhiều loài sống trong bùn đất, uế khí, xác chết, củi mục… như giun, trùng, giòi, bọ… bọn chúng đều có thể thành yêu và đều không bị miệt thị như Nhân tộc.

Trước đó tại Ma Giới, Thất Ma Tổ yêu cầu súc sinh hóa Nhân tộc với lý do sợ tiềm lực của Nhân tộc. Lý do này hợp lý hơn vạn lần so với lý do của Yêu tộc.

Rốt cuộc là vì sao mà Ma tộc và Yêu tộc đều cố gắng hạ thấp Nhân tộc? Hắn thực sự không tìm ra được câu trả lời hợp lý.

Con cá đuối lúc này ôn tồn kể tiếp câu chuyện về thiên địa khởi sinh của Hải tộc.

Vũ trụ có khởi đầu và có kết thúc.

Tại điểm khởi đầu, thời gian là không, không gian là không, năng lượng là không, vật chất là không… tất cả bị dồn nén vào một điểm, gọi là Nguyên Điểm.

Khi tất cả bị dồn nén cực độ thì Nguyên Điểm nổ tung, sự kiện này được gọi là Vụ Nổ Lớn hay Khởi Nguyên.

Từ Vụ Nổ Lớn, thời gian chảy xuôi, không gian khuếch tán, năng lượng bành trướng, vật chất hình thành… mở ra kỷ nguyên đầu tiên gọi là kỷ nguyên Lượng – Hạt.

Năng lượng hình thành lên những hạt gọi là Nguyên Hạt, là vật chất đầu tiên trong vũ trụ, là hạt cơ bản của mọi loại hạt, là tiền đề của mọi vạn vật sau này.

Kỷ nguyên Lượng – Hạt kéo dài một phần một ngàn tỷ giây, kết thúc bằng sự kiện xuất hiện hạt đầu tiên.

Các Nguyên Hạt va vào nhau, hoặc là kết hợp thành một loại hạt mới hoặc là hủy diệt trở lại thành năng lượng.

Các loại hạt mới lại tiếp tục va chạm với nhau, kết quả là một loại hạt mới lớn hơn sinh ra hoặc trở lại thành Nguyên Hạt.

Hạt mới sinh ra lại tiếp tục quá trình tương tự.

Kỷ nguyên này được gọi với cái tên mỹ miều là Vũ Trụ Hào Quang, vì các khi các hạt va chạm sẽ phát ra những hào quang ánh sáng đủ mọi sắc màu. Vũ trụ lúc này, nếu có ai chứng kiến, có thể miêu tả bằng bức tranh vạn sắc lộng lẫy vô cùng.

Vũ Trụ Hào Quang kéo dài mười bốn giây kể từ sau Vụ Nổ Lớn, tiếp nối là kỷ nguyên Vật Chất.

Khi các hạt đã đạt tới kích thước ổn định khó bị phá hủy, bọn chúng bắt đầu liên kết với nhau, tạo thành một dạng bền vững hơn, gọi là vật chất.

Kỷ nguyên Vật Chất kéo dài 380 ngàn tỷ năm. Vũ trụ bước vào giai đoạn vật chất chiếm đa số về mật độ.

Tiếp nối là kỷ nguyên Hành Tinh.

Vật chất tiếp tục va chạm với nhau, kết hợp tạo thành vật thể.

Bắt đầu từ những hạt cát nhỏ không nhìn rõ đến những quả cầu đá khổng lồ.

Lúc này xuất hiện các khối cầu nóng rực gọi là mặt trời, các khối cầu đá rắn gọi là hành tinh, các khối cầu khí gọi là hành tinh khí, các khối cầu nhỏ quay quanh hành tinh gọi là mặt trăng, các tảng đá trôi nổi vô định gọi là thiên thạch…

Vũ trụ lúc này cơ bản được định hình.

Kỷ nguyên Hành Tinh kéo dài 9 triệu tỷ năm.

Tại Nguyên Điểm hình thành một hành tinh siêu khổng lồ, là trung tâm của toàn vũ trụ, hành tinh này được gọi là Đại Thế Giới.

Đại Thế Giới tụ tinh hoa của toàn vũ trụ mà hình thành, mọi hành tinh, ngôi sao, mặt trời, mặt trăng đều quay quanh Đại Thế Giới.

Trong Đại Thế Giới lúc này vẫn chưa có sự sống, đại dương chiếm hai phần ba thế giới, phần còn lại là lục địa.

Trên bầu trời lôi điện giăng khắp nơi.

Trên mặt đất núi lửa phun ra những đám mây khói khổng lồ che khuất mặt trời.

Cương phong rít gào, phong quyển tàn phá mặt đất.

Trong không khí toàn là khí độc, khí độc nhiều đến nỗi hình thành những màn sương độc.

Ánh sáng từ mặt trời chiếu thẳng đại địa, đốt cháy không khí.

Những cơn mưa độc trút xuống mặt đất.

Đại dương gào thét, nước lửa đồng nguyên.

Lúc này, tại trung tâm Đại Thế Giới, cũng là trung tâm đại dương, có một hòn đảo nhỏ, trên hòn đảo có một hồ nước nhỏ.

Đảo nhỏ sau này được gọi là Khởi Nguyên. Hồ nước được gọi là Cội Nguồn.

Hồ nước này vốn là một miệng núi lửa đã nguội nhưng mà vẫn có khí nóng bốc lên, khiến cho nước hồ sôi sùng sục.

Mỗi ngày đều có lôi điện đánh xuống, khí độc, mưa độc trút xuống.

Trải qua thời gian rất lâu, các yếu tố nhiệt điện tác động vào vật chất vô cơ, ngẫu nhiên sẽ sản sinh ra vật chất hữu cơ.

Các vật chất hữu cơ lại ngẫu nhiên kết hợp với nhau tạo thành vật chất sống.

Các vật chất sống lại kết hợp ngẫu nhiên với nhau tạo thành sinh vật sống đơn giản.

Đến đây kỷ nguyên Sự Sống được mở ra, cũng chính là kỷ nguyên hiện tại tất cả đang sống.

Kỷ nguyên Sự Sống lại được chia thành các liên đại.

Mở đầu là liên đại Hỏa Thành, bắt đầu từ khi sinh vật đầu tiên xuất hiện, lúc này Đại Thế Giới vẫn còn chìm trong lửa và tro.

Những sinh vật sống đầu tiên chỉ là những đơn bào đơn giản, bọn chúng lấy chất hữu cơ lẫn chất vô cơ làm thức ăn để sinh trưởng, phát triển. Bọn chúng sinh sản bằng cách phân đôi.

Chẳng bao lâu sau, hồ nước đã ngập tràn những sinh vật đơn bào.

Trong một trận mưa bão lớn, gió đã đưa những sinh vật đơn bào ra đại dương.

Trong một không gian mới rộng lớn vô ngần, gặp điều kiện thuận lợi những sinh vật đơn bào phát triển như lửa lan.

Sau 900 tỷ năm, liên đại Hỏa Thành kết thúc, mở ra liên đại Thái Cổ.

Liên đại này được đánh dấu bằng sự kiện sinh vật đơn bào tiến hóa thành vi khuẩn, được gọi là Lam Khuẩn.

Lam Khuẩn cũng giống như sinh vật đơn bào lấy chất hữu cơ làm thức ăn, nhưng bọn chúng có một điểm đặc biệt là thải ra dưỡng khí.

Dưỡng khí chính là một trong những nền tảng quan trọng để các sự sống khác hình thành và phát triển.

Dưỡng khí cũng ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến quá trình cải tạo Đại Thế Giới.

Nhờ có dưỡng khí, một tấm màng bảo vệ được hình thành ngăn cản những tia nắng mặt trời chói chang, từ đó thay đổi các luồng gió, tiếp đó dẫn đến thay đổi khí hậu môi trường.

Lâu dần môi trường Đại Thế Giới trở nên ôn hòa, thích hợp với sự sống hơn.

Lam Khuẩn nhanh chóng thay sinh vật đơn bào trở thành bá chủ liên đại này.

Nhưng sau 500 tỷ năm, liên đại Thái Cổ cũng phải kết thúc, đánh dấu bằng sự kiện một số vi khuẩn tiến hóa dùng dưỡng khí chuyển hóa năng lượng, hiệu quả hơn nhiều lần so với Lam Khuẩn dùng chất hữu cơ chuyển hóa năng lượng.

Liên đại này gọi là liên đại Nguyên Sinh.

Lần đầu tiên sinh vật đa bào xuất hiện ban đầu là tập đoàn tảo, và sau đó là rong biển.

Sinh vật đa bào với ưu thế tiến hóa đã truất ngôi bá chủ của Lam Khuẩn, trở thành chủ mới của thiên địa.

Những thợ săn cũng lần đầu xuất hiện, bọn chúng không lấy chất hữu cơ làm thức ăn mà bắt chính những sinh vật khác làm thức ăn.

Khi đại dương đã tràn ngập các loại sự sống, đa dạng và phong phú, bọn chúng bắt đầu có ý định lên bờ.

Liên đại này kéo dài 300 tỷ năm.

Tiếp nối bằng liên đại Hiển Sinh, cũng chính là liên đại tất cả đang sống.

Lúc này Đại Thế Giới môi trường khí hậu vô cùng thích hợp cho mọi sự sống phát triển.

Sự sống đã có sự bùng nổ phát triển dữ dội, từ đại dương đến đất liền, từ cao sơn đến vực sâu, từ đồng cỏ đến hoang mạc… không đâu là không có mặt của sự sống.

Đây được coi là khoảng thời gian rực rỡ nhất của sự sống.

Nhưng ngày vui chẳng kéo dài được bao lâu. Từ trên trời cao, xẹt qua hai quả cầu lửa.

Một rơi xuống phương bắc. Một rơi xuống phương tây. Biến hai nơi này trở thành hỏa diễm thế giới.

Sự kiện này suýt khiến Đại Thế Giới quay lại thời kỳ vô sinh, khiến tất cả sự sống đứng trước nguy cơ diệt vong.

Hai hỏa cầu rơi xuống tạo thành một hố sâu ngàn trượng, hai cỗ sóng địa chấn khuếch tán, phá hủy mọi sinh vật trong bán kính trăm triệu dặm.

Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của sự hủy diệt.

Bầu trời bị đánh thủng hai lỗ, thiên hỏa không ngừng giáng xuống.

Hỏa cầu kích thích hàng loạt các núi lửa hoạt động, tro bụi bay đầy trời, mặt đất đầy rẫy những dòng dung nham nóng chảy.

Sông hồ bốc hơi, cây cối bị thiêu rụi.

Thật chẳng khác nào trở lại liên đại Hỏa Thành.

Giữa lúc vạn vật sinh linh điêu tàn, đứng trên nguy cơ bị hủy diệt thì cùng lúc này tại đảo Khởi Nguyên.

Đại Thế Giới là trung tâm vũ trụ, đảo Khởi Nguyên là trung tâm Đại Thế Giới, vậy nên đảo tụ tập mọi năng lượng vũ trụ, có vai trò quan trọng giữ cân bằng cho toàn vũ trụ.

Những năng lượng từ Vụ Nổ Lớn còn sót lại như thác ánh sáng mỗi giờ mỗi khắc đều đổ xuống đảo Khởi Nguyên. Khiến cho sự sống trên đảo tiến hóa theo hướng hoàn toàn khác biệt với các sinh vật đại dương.

Sự sống kết hợp năng lượng khởi nguyên tạo thành một dạng sống thần thánh, được gọi là Thế Giới Thụ.

Khi Đại Thế Giới gặp biến cố. Thế Giới Thụ cắm rễ vào đại địa, vươn mình lên che trời.

Tán lá che lại hai lỗ hổng ngăn mặt trời chiếu xạ. Rễ cây lan tràn ổn định lại đại địa ngăn động đất núi lửa. Từ những chiếc lá nhỏ xuống những giọt nước long lanh. Nước này được gọi là Sinh Thủy.

Nước rơi đến đâu, đại địa được tắm mát đến đó, sự sống lại một lần nữa phát triển. Nhờ có nước thần mà một số loài đã tiến hóa thành yêu, bước lên một cấp độ tiến hóa mới, sự sống phát triển còn phồn thịnh hơn trước.

Sinh Thủy nhỏ đến phương tây và phương bắc, dập tắt hỏa diễm. Nhưng hai nơi này bị tàn phá vô cùng nặng nề, sự sống không thể khôi phục.

Vậy là từ trên Thế Giới Thụ, một trái màu đen rụng xuống phương bắc biến nơi đây thành Ma giới, một trái màu trắng rụng xuống phương tây tạo thành Thần giới.

Trải qua ngàn năm lâu, trật tự thế giới cuối cùng cũng được lặp lại.

Thế Giới Thụ thu lại cành lá, yên vị tại đảo Khởi Nguyên, nghe nói trên Thế Giới Thụ vẫn còn một trái màu đỏ, Hải tộc đồn rằng ăn trái này có thể trường sinh bất tử thọ cùng trời đất, trở thành chí cao vô thượng.

Thế giới tưởng chừng yên bình, nhưng không ai ngờ được trong hai viên thiên thạch kia mang theo những sự sống ngoại lai. Trong khi sự sống bản địa chưa kịp xâm nhập Thần giới và Ma giới, thì những sinh vật ngoại lai đã chiếm được hai trái Thế Giới Thụ.

Nhờ công năng thần kỳ của hai trái này mà sinh vật ngoại lai tiến hóa cực tốc, chẳng mấy chốc đã trở thành cao đẳng sinh vật, thống trị hai giới.

Yêu tộc lẫn Hải tộc nhiều lần tấn công mong thu lại hai giới nhưng đều thất bại, ngược lại còn bị phản công Yêu tộc suýt bị diệt, cũng may có Hải tộc trợ giúp mới giữ lại được.

Từ đây thiên địa phân bốn, các chủng tộc tiến hóa phát triển tranh nhau một vị trí trong thiên địa.

Mặc dù như vậy vẫn có những loài tiến hóa lỗi, tiêu biểu là loài máu bùn Nhân tộc. Không hiểu sao một loài kém cỏi như Nhân tộc vẫn còn tồn tại trong thế giới này được, có lẽ vì được ba tộc kia chăn nuôi.

Hải tộc cho rằng những loài tiến hóa lỗi nên bị tiêu diệt hoàn toàn.

p/s: viết hai chương này, tác đau cả đầu.

Chương trước thì tác phải đọc mấy cái truyền thuyết từ đông sang tây, từ Việt sang Miên.

Chương này thì tác đọc mấy cái thuyết vụ nổ lớn, thuyết tiến hóa…