Nhân Sinh Từ Dò Mìn Bắt Đầu

Chương 366: Một công đôi việc




Mặc dù vẫn còn tồn tại một số vấn đề phát sinh cần phải được giải quyết kịp thời, thế nhưng nhìn chung quá trình xây dựng và phát triển của cả hai dự án trò chơi “Age of Empires” lẫn “Angry Birds” tính đến thời điểm hiện tại vẫn có thể tạm coi như tốt đẹp. Toàn thể đội ngũ thiết kế trò chơi của Ninja Studio từ trên xuống dưới ai nấy đều cảm thấy hài lòng với những thành quả ban đầu đã đạt được, cũng như lấy đó làm động lực để tiếp tục vững bước xông pha hòng sớm ngày đem hai đứa con tinh thần mang theo muôn vàn kỳ vọng nêu trên đến với cộng đồng người chơi ở khắp mọi nơi.

Những ngày sau đó, giữ đúng lời hứa hẹn với Dương Khoa Duy Hải đã trở lại tụ hội cùng những người anh em thân thiết bên tổ đội chế tác trò chơi “Age of Empires”, để lại một mình Xuân Quế hoàn thiện nốt những nội dung còn dở dang liên quan đến trò chơi “Angry Birds”. Nghe đồn hai người đã có một màn chia tay chia chân khá là sướt mướt, cứ việc Duy Hải trong ấn tượng của Dương Khoa và đồng bọn vốn phải là người không có hứng thú gì với những chuyện uỷ mị như thế mới đúng. Cơ mà tin tức vỉa hè nghe vậy thì biết vậy thôi chứ chẳng ai biết được sự thật nó là như thế nào, cho nên sau khi trêu đùa đôi câu thì mọi người cũng nhanh chóng cho qua.

Có điều ngồi cùng đội ngũ chẳng được mấy ngày Duy Hải đã lại phải “chạy Đông chạy Tây” để lo liệu công việc. Khác hẳn với những “Fruit Ninja”, “Flappy Bird” hay “Plants vs Zombies” trước đó, trong “Age of Empires” nội dung liên quan đến mảng âm thanh là cực kỳ đồ sộ. Từ nhạc nền, lồng tiếng cho nhân vật cho đến những chi tiết nhỏ tiếng chuông cảnh báo, tiếng binh khí va vào nhau hay tiếng sóng vỗ vân vân..., hết thảy mọi thứ đều cần phải được xây dựng một cách chân thực để bầu không khí của trò chơi thêm phần sôi động và máu lửa. Và đương nhiên Duy Hải không thể nào chỉ “cố thủ” trong phòng làm việc mà có thể giải quyết được hết những thứ ấy, bởi chỉ riêng yêu cầu mỗi chủng tộc trong trò chơi phải có tiếng nói đặc trưng của mình thôi đã đủ để khiến anh phải đi thu thập tư liệu ở khắp mọi nơi trên thế giới rồi.

Vẫn biết là cái yêu cầu Dương Khoa đưa ra đó thực sự là hơi quá tầm so với bản thân mình, thế nhưng Duy Hải vẫn kiên trì theo đuổi công việc được giao phó với cỗ nhiệt huyết lúc nào cũng sục sôi trong lòng. Chưa kể tham gia vào dự án lần này anh cũng có trợ thủ để chia sẻ gánh nặng chứ không phải lo liệu một mình như những dự án trước, đồng thời nhân dịp này anh và trợ thủ còn được công ty “tài trợ” một chuyến du lịch dài ngày thỏa thuê. Vừa được làm công việc mình yêu thích lại vừa có cơ hội ngao du bốn phương thì công việc dù có nặng nhọc đến mấy Duy Hải cũng vui vẻ tiếp nhận, là ai cũng sẽ như vậy mà thôi.

Về phần các thành viên còn lại trong đội ngũ thiết kế trò chơi, trải qua một khoảng thời gian làm quen với bộ công cụ Empire Editor năng suất làm việc của đội ngũ bất ngờ có sự tăng trưởng rõ rệt. Trong số này năng nổ bậc nhất phải kể đến Thiếu Hoàng và Hưng. Người trước sau khi chơi thử một vài màn chơi do đội ngũ thử tạo dựng nên đã tỏ ra thích thú cực kỳ với lối chơi cuốn hút của “Age of Empires”, qua đó khơi dậy nguồn cảm hứng làm việc mãnh liệt trong lòng. Còn kẻ sau thì do phải gánh vác thêm cả đống trách nhiệm khiến cho tâm tình không lúc nào được buông lỏng, dẫn đến từng đầu hạng mục công việc đều được cựu sinh viên Đại học Vạn Khoa săm soi một cách kỹ lưỡng hết mức có thể.

Và ngạc nhiên thay, dưới áp lực lớn lao ấy Hưng lại tỏ ra khá đáng tin cậy khi liên tục tự mình hoàn thành những hạng mục công việc “khó nhằn” cùng chỉ đạo các thành viên khác đi vào khuôn khổ. Khi biết được điều này Dương Khoa đã vô cùng vui vẻ, đồng thời cảm thấy quyết định “gõ” ông anh khi trước là đúng đắn đến nhường nào. Đúng là chỉ có áp lực thì than củi mới biến thành kim cương, các cụ dạy cấm có sai!

Ngoài hai thành viên gạo cội vừa nêu thì sự tiến bộ của thành viên mới nhất – Xuân Quế cũng rất đáng được ghi nhận. Mặc dù phải một mình đương đầu với thử thách trong suốt chặng đường còn lại song nhờ vào kinh nghiệm học hỏi từ Duy Hải và những người đồng nghiệp anh đã có đủ sự tự tin cần thiết để hoàn thành nốt nhiệm vụ được giao phó. Sai sót ngày càng ít dần, trò chơi trông ngày càng tương tự phiên bản tiếng tăm lẫy lừng tại “Địa cầu 1.0”, với kết quả ấy Xuân Quế đã chứng minh được giá trị của mình đối với Dương Khoa nói riêng và Ninja Studio nói chung, qua đó “chắc suất” làm việc lâu dài tại công ty mà sau này là niềm ao ước trong mắt vô khối kẻ đồng hành trong nghề.

Đó là những tiêu điểm nổi bật liên quan tới phòng ban thiết kế trò chơi của Ninja Studio trong suốt nửa cuối mùa hè năm 2026. Về phần các phòng ban khác trong cùng công ty thì sau khi nhận được sự trợ giúp tới từ bộ môn Media và Xuân Quế, bộ môn truyền thông do Liễu cầm đầu theo lệnh Dương Khoa đã thay mặt hắn tiếp tục thực hiện chiêu số đánh lạc hướng đám đông. Hình ảnh những chú chim ngổ ngáo trong “Angry Birds” được tung lên trang chủ Ninja Studio lẫn những trang mạng xã hội liên kết một cách đột ngột, không có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước theo đúng phong cách của công ty từ xưa tới nay. Cùng với đó là một số trang truyện tranh ngắn đầy ẩn ý, không có mô tả rõ ràng khiến cho dân tình cũng như các fan hâm mộ được một phen nhốn nháo.

“WTF? Mấy con này là con gì đây? Chim?”

“Chắc không phải chim đâu. Chim thì phải có cánh chứ mấy con này làm quái gì có?”

“Thế nhưng vẽ mỏ thế này thì 96,69% là chim rồi. Có cánh hay không chả quan trọng. Thím trên quên con chim trong “Flappy Bird” rồi à, đầu to cánh bằng hạt nho đấy.”

“Cùng quan điểm. Nhưng mà tôi lại tò mò không hiểu sao nhà sản xuất lại tung ra mấy tấm hình này cơ. Hay là “Flappy Bird” chuẩn bị update?”

“Có khả năng, mặc dù cái trò chơi đó chết lâm sàng rồi nhưng cái công ty Ninja Studio này rất là khó đoán các bạn trẻ ạ. Có khi có update thật cũng chưa biết chừng.”

“Nhắc mới nhớ, lâu quá rồi không ôn luyện luồn lách bụi tre. Tý phải làm ngay mấy ván mới được. ( ̄~ ̄) ”

“… Chả nhẽ có mỗi mình tôi thấy đống truyện tranh này có gì đó lạ lùng à? ┐( ̄ヘ ̄)┌ Các thánh soi đâu rồi, đừng lặn nữa mau ngoi lên phân tích hộ cái.”

“Đây đây đây. Theo chuyên gia phân tích thì năm nay Ninja Studio làm ăn đói kém chuẩn bị giải thể đổi nghề sang vẽ truyện tranh rồi. Sắp tới 500 anh em nhớ mua tác phẩm ủng hộ nhé.”

“ (⊙д⊙) Phỉ phui cái mồm! Biến ngay! Ninja Studio trường tồn!”

Đó là tư duy của những người ngờ nghệch hoặc sở hữu bộ óc đơn giản vô lo vô nghĩ. Về phần những kẻ khôn ngoan và những kẻ đồng hành trong nghề thì ngay khi chiêm ngưỡng hình ảnh những chú chim được thiết kế phá cách họ ngay lập tức nhận ra Ninja Studio đang gửi đi một tín hiệu: đó là bọn họ đang chế tác một trò chơi mới. Bởi vì mẫu thiết kế nhân vật dạng này không hề phù hợp với bối cảnh bất cứ trò chơi nào đã phát hành trong quá khứ ngoại trừ “Flappy Birds”, mà cái trò chơi sắp sửa bị người đời quên lãng đó thì chẳng có lý do gì để đưa thêm nội dung mới vào hết.

Cho nên những con chim này chắc chắn thuộc về một trò chơi mới, chỉ là chưa biết trò chơi mới lần này sẽ là một trò chơi như thế nào mà thôi. Có thể là trò chơi hệ máy di động hoặc cũng có thể là hệ máy PC, có thể thuộc thể loại casual sở trường mà cũng có thể là thể loại platform lạ lẫm, có thể lấy bối cảnh tươi vui làm chủ đạo hoặc cũng có thể dung nhập một sê ri yếu tố hắc ám vân vân.... Lấy phong cách chế tác trò chơi của Ninja Studio từ xưa tới nay mà suy thì bất cứ chuyện gì cũng có khả năng xảy ra.

Trước “hỏa mù” được bộ môn truyền thông Ninja Studio bất ngờ ném ra, những đơn vị chế tác cũng như phát hành trò chơi nội địa ngay lập tức có những hành động ứng đối của riêng mình. Kẻ địch cạnh tranh như tập đoàn Thiên Không, công ty giải trí TLC hay công ty BFG Company nhanh chóng cử người theo dõi lẫn phân tích những động thái mới nhất của Ninja Studio, trong khi đồng minh cùng tiến cùng lùi Navigame và những đơn vị khác thì tuy không có phản ứng thái quá song cũng lén lút trao đổi nội bộ hay điều chỉnh lại kế hoạch trong âm thầm. Và dù có là gì đi chăng nữa thì thông qua đợt “nhá hàng” cuối hè lần này Liễu cùng những người nhân viên dưới trướng đã hoàn thành nhiệm vụ hết sức mỹ mãn: một mặt duy trì thanh thế cho công ty, mặt khác kéo dài thêm khoảng thời gian quý báu cho dự án “Age of Empires” tiếp tục phát triển thuận lợi. Một công đôi việc.

Cho đến những phòng ban khác trực thuộc Ninja Studio thì tình hình vẫn yên ổn như cũ. Trong khi hai bộ môn thiết kế trò chơi và truyền thông phát hành sôi sùng sục với một loạt hoạt động đi vào triển khai thì tin tức đáng chú ý duy nhất liên quan đến những phòng ban này chỉ là phòng ban nhân sự bổ sung thêm... vỏn vẹn một thành viên mới mà thôi. Toàn cảnh có hơi trầm lắng, tuy vậy mọi người đều hiểu dấu hiệu như thế mới là tốt đẹp nên cũng không ai có ý kiến gì, chỉ hy vọng không xảy ra biến cố là tốt lắm rồi.

Tạm gác câu chuyện nội bộ Ninja Studio sang một bên, nửa cuối hè năm 2026 vẫn cứ sôi động y nguyên nửa đầu hè với những siêu phẩm đổ bộ đều đặn vào thị trường nội địa. Đâu đó là những tin tức làm rạng danh nước nhà như “Điểm chết” đã chính thức được góp mặt tại “mùa eSport” năm sau, hay là “Dòng cát thời gian” lọt vào danh sách đề cử những trò chơi hành động hay nhất năm của giải thưởng Video Game Awards danh giá. Ngoài ra có cái tốt thì cũng có cái xấu, cuộc chiến tranh giành thị phần giữa những trò chơi thủ thành kiểu mới ăn theo “Plants vs Zombies” vẫn cứ diễn ra khốc liệt như những ngày đầu tiên, khiến cho những người còn sót lại lương tri phải lắc đầu ngán ngẩm.

Mà lại, với việc nhận ra Ninja Studio căn bản không có ý tứ ganh đua thông qua tín hiệu làm trò chơi mới được gửi đi những đối thủ tham gia cuộc chiến tranh giành thị phần lại càng được thể lấn tới. Lạ lùng hơn nữa là khác với sự kiện hàng nhái “Flappy Bird” tràn lan năm ngoái, năm nay Hiệp hội Trò chơi và Cục Bản quyền trước tình cảnh loạn lạc đang diễn ra lại “bình chân như vại” một cách khó hiểu, không có bất kỳ động thái ngăn chặn nào đáng kể ngoài việc phê phán suông trên các phương tiện truyền thông. Có lẽ là số lượng sản phẩm ăn theo không đủ nhiều để bọn họ tốn công "dọn dẹp", hoặc cũng có thể là có nhân tố bí ẩn nào đó cản chân cản tay nên các biện pháp bảo hộ không được bọn họ mạnh tay thực thi như khi xưa.

Bất quá, cũng giống như lần trước Dương Khoa căn bản là chẳng mấy bận tâm đến Hiệp hội hay là Cục Bản quyền suy nghĩ gì về vấn nạn sao chép trò chơi muôn thưở. Chờ được vạ thì má đã sưng, cứ tự mình tìm ra được biện pháp giải quyết phù hợp là tốt nhất.

Lại nói, sau phi vụ bị chơi một vố server đau hơn hoạn năm ngoái nhân vật chính của chúng ta cũng không muốn dính dáng gì đến những đơn vị có chức có quyền này nữa, vừa thiệt thân vừa chẳng nên công cán gì. Chỉ khi nào có việc bất khả kháng, hay là lợi ích của mình và những thành viên dưới trướng bị ánh hưởng một cách nghiêm trọng thì hắn mới đứng ra tiếp xúc mà thôi, còn không thì cứ đường ai nấy đi cho nó thoải mái. Hơi đâu mà để ý đến tâm tư của đám quan trên cho tốn thời gian? Có thời gian để mà lo nghĩ chuyện ấy không bằng nằm ườn ở nhà ôm giai nhân bồi dưỡng tình cảm còn hơn.