Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 74: Hồi thứ bảy mươi bốn




Ngột Truật cho triệu tập các vị Vương tử như: Hoàn Nhan Càn Tự, đại Nguyên soái Chiêm Đắc Lực, Trương

Báo Mã Đề Quốc, Nguyên soái Mạo Lợi, Yên Chi Quốc, Nguyên soái Hoàn Hắc Bửu, Hắc Thủy Quốc, Nguyên soái Hàm Lý Đóa; quân sự Hấp Mê Xi, mưu sĩ Hốt Mê Nhĩ đốc xuất năm chục vạn quân, rầm rộ kéo thẳng qua Trung nguyên.

Vừa thấy quân Phiên kéo sang, các quan địa phương đều dâng bổn chương về triều cấp báo, một ngày không biết mấy chục tờ bổn chương mà kể.

Nói về Vương thị, từ ngày Tần Cối chết rồi, ngày đêm tâm thần hoảng hốt, ngồi đứng chẳng yên. Ngày kia mụ ta ngồi dựa mình trên thành ghế, một mình tay chống cằm suy tính, bỗng thấy a hoàn chạy vào bẩm:

- Nghe nói nay Kim Bang Hoàng tử Ngột Truật dấy đại binh hơn năm mươi vạn đánh qua Trung Nguyên thế mạnh như chẻ tre, binh mã kéo đến gần tới Châu Tiên trấn rồi!

Vương Thị nghe nói nghĩ thầm:

- "Nay Nhạc Phi chết rồi không ai ngăn chống, thế nào giang sơn nhà Tống cũng sẽ về tay Kim Bang Ngột Truật. Vậy ta chuẩn bị dắt gia quyến nghênh tiếp người, thế nào người cũng nghĩ đến tình cũ, nghĩa xưa sẽ phong tước cho ta".

Còn đang suy nghĩ bỗng có ngọn gió âm phong không biết từ đâu thổi tới sởn cả tóc gáy. Vương thị vừa ngước mắt lên bỗng thấy một tên đầu trâu, mặt ngựa dắt theo mấy tên quỷ mặt mày hung ác, đứa cầm chùy sắt, đứa vác đinh ba lại có cả Tần Cối bị mang xiềng xích xưng xẻng.

Tần Cối bước tới trước mặt Vương thị thì thào, nói:

- Khổ sở lắm phu nhân ôi!

Vương thị kinh hồn hoảng vía, mồ hôi toát ra ướt cả áo.

Tần Cối lại nói:

- Việc trước kia đã lộ ra hết rồi!

Nói chưa dứt lời, quỷ tốt đã vung chùy đập lên lưng Vương thị một cái. Vương thị rú lên một tiếng thất thanh té xỉu xuống đất, vừa khóc vừa kêu:

- Xin tha mạng, xin tha mạng!

Bọn a hoàn vội vã chạy vào phòng thấy Vương thị nằm ngay dưới đất, chúng khiêng để lên giường rồi chạy ra ngoài báo cho Tần Hy hay. Tần Hy lật đật chạy vào thấy Vương thị lè lưỡi dài hơn ba tấc, hai con mắt lòi tròng ra, chết một cách thảm hại.

Tần Hy khóc than một hồi rồi lo sắm sửa việc tang chế. Sáng hôm sau, vào Triều dâng biểu tâu vua hay, nhằm lúc vua Cao Tông thăng điện, văn võ bá quan triều bái xong rồi phân đứng hai bên. Bỗng thấy quan huỳnh môn bước đến Kim giai, cúi đầu quỳ xuống tâu:

- Này có rất nhiều bổn chương của các ải gửi về cáo cấp xin dâng cho bệ hạ ngự tường.

Quan cận vệ tiếp lấy bổn chương đem trải lên long án, Cao Tông xem qua mặt mày biến sắc, phán hỏi:

- Có ai dám lãnh binh đi trừ Ngột Truật không?

Lúc ấy linh hồn Nhạc Phi nhập vào La Võ Tập khiến hắn bước ra quỳ tâu:

- Muôn tâu Thánh thượng, Nhạc Phi này xin đi vậy.

Cao Tông nghe hai tiếng Nhạc Phi hồn bất phụ thể, hoảng sợ ngã nhào xuống long sàng, các quan đại thần xúm lại đỡ dậy đưa thẳng vào cung. Rồi sau đó mình rồng mê sảng, cả ngày cứ giật mình nói lảm nhảm, lắm lúc lại rú lên thất thanh, thuốc men gì cũng không hiệu quả. Chỉ vài hôm sau Cao Tông băng hà.

Các quan đại thần họp lại tôn Thái tử lên ngôi (Thái tử này là cháu vua Cao Tông).

Thái tử lên ngôi xưng hiệu là Hiếu Tông, phát chiếu đi rao truyền khắp thiên hạ và gia thăng quan chức cho các quan viên trong Triều.

Lúc ấy Nguyên soái Trương Tín nghe Cao Tông mất, tân vương lên kế ngôi, liền về Lâm An triều hạ. Vua Hiếu Tông truyền mời Trương Tín vào cung, Trương Tín vào làm lễ và tâu:

- Bệ hạ mới lên ngôi mà quân Kim đã xâm lấn bờ cõi Trung Nguyên, chẳng hay bệ hạ đã dự tính cách nào để đối phó?

Hiếu Tông đáp:

- Trẫm tuổi còn nhỏ chưa biết được việc chi, chẳng hay lão khanh có chước chi dẹp được quân Kim chăng?

Trương Tín nói:

- Muốn dẹp được quân Kim, thần xin dâng lên Thánh thượng năm điều.

"Điều thứ nhất, phải bắt hết lũ gian thần hạ ngục, trị tội rửa hờn cho dân. Điều thứ hai, sai quan xây mồ đắp mả cho Nhạc Nguyên soái và lập trung từ, quý tế cho rạng danh trung nghĩa. Điều thứ ba, phải hạ chỉ sai quan ra Vân Nam tha cho nhà họ Nhạc về và phong cho con là Nhạc Lôi nối lấy chức cha và sai đi dẹp quân Kim. Điều thứ tư phải chiêu an bọn Ngưu Cao ở trên Thái Hành sơn về để cùng với chúng tướng trừ Ngột Truật. Điều thứ năm là phải phục chức lại cho mấy vị cựu thần. Nếu bệ hạ làm theo năm điều ấy thì có lo chi Kim binh chẳng phá, xã tắc chẳng an?

Hiếu Tông nghe tâu mừng rỡ, phán:

- Hay lắm, thế thì trẫm phiền lão Quốc trụ, bắt cho hết gia quyến lũ gian thần hạ ngục.

Sau đó vua Hiếu Tông hạ chỉ truyền cho Lại Bộ sai quan ra Vân Nam tha hết cả nhà họ Nhạc và triệu thỉnh về sắc phong cho con là Nhạc Lôi nối lấy chức cha, đồng thời sai quan Đại học sĩ Lý Văn Thắng lên Thái Hành sơn chiêu an bọn Ngưu Cao, một mặt sai Trương Cửu Tư lo xây đắp Nhạc mộ phần, lại ban chiếu ra khắp thiên hạ cho những quan cựu thần bị Tần Cối truất phế lúc trước đều về triều phục chức cũ.

Trương Tín tạ ơn, lãnh chỉ lui ra khỏi cung, lập tức dẫn quân Hiệu úy đi bắt hết bọn La Võ Tập, Vạn Sĩ Hoa, Trương Tuấn và gia quyến lớn nhỏ thảy đều hạ ngục, còn Trương Cửu Tư thì lãnh thánh chỉ dẫn quân ra nơi Thê Hà lãnh lo xây đắp phần mộ cho Nhạc Phi, lại lập miếu, đúc tượng thờ Nhạc Phi và các vị trung thần.

Cùng lúc ấy Trần Nghĩa Tông cũng lãnh thánh chỉ tuốt ra Vân Nam tha cả nhà họ Nhạc, lại phát chiếu thư truyền rao cho khắp thiên hạ đều hay biết. Tất cả những người bị liên lụy với họ Nhạc phải đi trốn tránh, nay đều được trở về Triều nhận chức.

Khi Châu Tam Húy hay được tin ấy liền làm một tờ biểu kể rõ việc Nhạc Phi bị Tần Cối hãm hại và ép mình tra tấn cùng các việc oan uổng về Triều dâng lên kêu oan cho Nhạc Phi.

Vua Hiếu Tông phê chuẩn ngay rồi phục chức lại, cho Châu Tam Húy và sai tra khảo bọn gian thần.

Châu Tam Húy tạ ơn lui ra.

Nói về Lý Văn Thắng phụng chỉ lên núi Thái Hành sơn chiêu an bọn Ngưu Cao, kéo binh đi tròn một tháng mới đến nơi, nhờ lâu la lên núi báo tin. Lâu la chạy đi báo cho Ngưu Cao hay, Ngưu Cao bảo:

- Hãy gọi hắn lên đây!

Lâu la chạy xuống thưa:

- Đại Vương dạy gọi ngài lên núi cho người bảo.

Lý Văn Thắng hơi bất bình, song không biết làm sao đành phải theo lâu la lên núi ra mắt Ngưu Cao nói:

- Xin Ngưu tướng quân hãy đặt bàn hương án để tiếp chỉ.

Ngưu Cao lắc đầu trề môi, đáp:

- Lão hôn quân ấy đối với ta có nghĩa gì nữa mà bảo tiếp chỉ, ngươi thử nghĩ lúc lão ta bị ngộ nạn tại Ngưu Đầu sơn nhờ có bọn ta hiệp lực với Nhạc đại ca ra tay bảo vệ lập không biết bao nhiêu công lao thế mà lão không biết ơn, lại nghe lời đứa gian thần giết chết Nhạc đại ca ta còn bắt cả nhà đày ra Vân Nam, nay lão còn muốn sai người đến đây lừa để hại ta nữa phải không?

Lý Văn Thắng nói:

- Thế ra tướng quân không biết chi hết sao? Nay vua Cao Tông đã băng hà rồi.

Ngưu Cao ngắt lời, nói:

- Lão hôn quân ấy chết thật rồi ư? Nhưng lão đã chết rồi ngươi lại đến đây bảo ta tiếp chỉ của ai?

Lý Văn Thắng đáp:

- Nay Thái tử lên ngôi xưng hiệu là Hiếu Tông hoàng đế truyền bắt hết lũ gian thần trong Triều hạ ngục, sai quan ra Vân Nam tha hết cả nhà họ Nhạc về, phong cho con là Nhạc Lôi nối lấy chức cha, lại sai Trương Cửu Tư xây lập mộ phần cho Nhạc Phi, còn hạ quan lãnh nhiệm vụ chiêu an tướng quân về kinh trọng dụng.

Ngưu Cao suy nghĩ hồi lâu rồi thở dài hằn học:

- Ta tưởng các chú Hoàng đế đều là những hạng người vô tình bạc nghĩa, ta đã bị lừa nhiều rồi, bây giờ nhất định không bị lầm nữa đâu, đừng hòng chiêu an vô ích.

Lý Văn Thắng nói khích:

- Hay là tướng quân nghe nói Ngột Truật qua xâm phạm Trung Nguyên lần nữa nên sợ hãi không dám xuống chăng?

Ngưu Cao trợn mắt nhìn thẳng vào mặt Lý Văn Thắng, nói:

- ồ, Ngưu Cao này đời nào biết sợ Ngột Truật? Thôi, nếu ngươi nói vậy thì để ta xuống dẹp an Ngột Truật rồi trở về đây chứ nhất thiết, không chịu khuất phục ai nữa hết.

Kiết Thanh bước tới nói:

- Ngưu huynh chớ nên nóng nảy, muốn biết việc này giả thật ra sao, Ngưu huynh hãy xuống Vân Nam thăm tẩu tẩu nếu quả được tha thật, thì bọn ta kéo về kinh một lượt.

Ngưu Cao nói:

- Kiết đệ nói chí lý.

Sau đó Ngưu Cao tiễn Lý Văn Thắng về kinh phục chỉ rồi một mình dẫn binh ra thằng Vân Nam:

Nói về Nhạc phu nhân bữa nọ đang ngồi đàm luận

với Sàn nương nương, bỗng thấy quân sĩ chạy vào bẩm:

- Có thánh chỉ đến.

Nhạc phu nhân vội vàng dẫn hết gia quyến ra rước thánh chỉ vào trung đường, quỳ xuống nghe khâm sai Trần Nghĩa Đông đọc.

Đọc xong, Nhạc phu nhân cùng các vị công tử đều cúi đầu tạ ơn rồi hối thúc gia nhân dọn yến tiệc, thết đãi khâm sai. Hôm sau, khâm sai từ biệt trở về kinh phục chỉ.

Lý Thuật Phủ hay tin ấy liền dắt con rể mình đến chúc mừng, Nhạc phu nhân làm lễ ra mắt xong, Lý Thuật Phủ nói:

- Tôi được nghe tin phu nhân phụng chỉ về Triều nên phải đưa hai đứa trẻ qua đây, để chúng nó về theo.

Nhạc phu nhân cảm tạ chẳng cùng, liền hối gia nhân dọn tiệc thết đãi ăn uống vui chơi cho tới chiều mới mãn tiệc.

Sáng hôm sau, Nhạc phu nhân sắm sửa lên đường, Lý Thuật Phủ tiễn đưa trên một dặm đường mới giã biệt rể con trở lại, lệ giọt ngắn giọt dài trông rất thảm thiết. Còn mẹ con Sài nương nương cũng sắm sửa theo đưa, nhắm Nam Quan tiến tới.

Đi chẳng mấy ngày đã đến Bình Nam quan Nhạc phu nhân bèn chọn ngày cho Nhạc Lôi, Hàn Khởi Long, Hàn Khởi Phụng, Ngưu Thông bốn người làm lễ hoa chúc, đoạn nghỉ tại đó ba hôm mới dắt nhau về Lâm An. Khi đi đến quận Nam Ninh, Sài Lão nương nương, Sài Vương cùng Lộ Huê Vương trở về Vương phủ.

Khi Nhạc phu nhân qua khỏi Thiết Lư quan, bỗng gặp binh mã của Ngưu Cao vừa đến đó. Ngưu Cao hỏi:

- Binh mã phía trước đó là của ai vậy?

Quân sĩ bảo:

- Đó là Nhạc phu nhân phụng chỉ hồi Triều.

Ngưu Cao bảo:

- Thế thì ngươi hãy đến bẩm báo cho Nhạc phu nhân biết có ta là Ngưu Cao muốn ra mắt phu nhân.

Quân sĩ vội đến báo cho phu nhân hay. Phu nhân sai quân sĩ an dinh hạ trại tại đó và gọi các vị công tử vào bảo:

- - Các con hãy đi mời Ngưu thúc thúc của các con đến đây cho mẹ nói chuyện.

Các công tử vâng lời ra đón Ngưu Cao vào dinh. Ngưu Cao làm lễ ra mắt Nhạc phu nhân xong, Nhạc phu nhân nói:

- Nay triều định đã tha tội cho chị rồi, chị phụng chỉ trở về kinh, thúc thúc cũng nên bỏ sơn trại đi, về một lượt với chị để triều kiến tân Vương, rồi ra sức giúp triều đình cho toàn trung, toàn nghĩa.

Ngưu Cao vâng dạ và nói:

- Lời tẩu tẩu nói thật là chí lý, vậy để Ngưu đệ này dẫn binh về Thái Hành sơn trước để thu góp sơn trại rồi dắt hết mấy anh em đến đón tẩu tẩu.

Nói rồi từ biệt Nhạc phu nhân cùng các vị, đi suốt đêm ngày về Thái Hành sơn, còn Nhạc phu nhân cứ thủng thẳng mà đi.

Sau đó mấy hôm, Ngưu Cao dắt hết bọn Triệu Vân, Lương Hưng, Kiết Thanh và Châu Thanh cùng lâu la chực sẵn bên đường chờ đợi.

Hai người gặp nhau mừng rỡ rồi cùng nhau kéo đến Lâm An. Nhạc phu nhân dẫn hết bọn Ngưu Cao và các vị Công tử đến trước ngọ môn hầu chỉ.

Quan huỳnh môn vào tâu, Hiếu Tông hạ chỉ mời hết vào điện. Bọn Nhạc phu nhân quỳ trước Kim giai. Hiếu Tông phán:

- Chỉ vì tiên đế nghe đứa gian thần, làm cho tôi trung thác oan, nay trẫm sắc phong cho Lý thị làm Nhất phẩm Quận Quốc phu nhân, bốn người con thì phong tước Hầu. Bọn Ngưu Cao, Kiết Thanh thì phong làm Địệt Lỗ Đại Tướng Quân. Bọn Hàn Khởi Long, Tông Lương, mấy vị tiểu anh hùng đều phong làm Ngự Tiền Đô Thống. Nhạc Lôi thì phong thụ chức của Nhạc Nguyên soái khi xưa, cấp cho phủ trạch mà ở. Còn những tướng khác, ngày mai trẫm sẽ ngư tế sắc phong luôn thể.

Ai nấy đều tạ ơn lui ra khỏi triều.

Sáng hôm sau, vua Hiếu Tông đắt hết văn võ bá quan ngự giá ra mộ Nhạc Phi bày hương hoa, lễ vật để tế điện, sai quan Đại Học sĩ Lý Văn Thắng đọc một bài văn tế.

Đọc xong, Hiếu Tông truyền chỉ sắc phong cho Nhạc Phi làm Ngọc Quốc Công, Nhạc Vân làm Trung Liệt Hầu, Ngân Bình làm Hiếu Hòa phu nhân, Trương Hiến làm Thành nghĩa Tướng quân, Thi Toàn làm Chúng An Kiều Thổ Địa, Vương Hoành làm Bình Giang Dịch Thô Địa, Trương Bảo làm Nghĩa Dũng úy, Thanh Hoài làm Trung Nghĩa Tướng Quân, Dương Tái Hưng làm Trung Dũng Tướng Quân, bọn Đổng Tiên năm người đều phong làm Tụy Trung úy, còn các tướng tử trận tất thảy đều phong tặng.

Hiếu Tông còn lập chùa miếu để xuân thu tế tự, lại sai Châu Tam Húy cùng với Ngưu Cao thẩm vấn bọn Tần Hy, Vạn Sĩ Hoa, La Võ Tập, Trương Tuấn cùng hết thảy gia quyến của bọn gian thần, cứ theo luật hình mà trị tội.

Nhạc phu nhân và chư tướng cúi đầu tạ ơn; vua Hiếu Tông lên giá hồi cung. Chư tướng quỳ đưa thánh giá đi rồi trở lại cùng nhau tế điện trước mộ phần Nhạc Phi.

Trong khi mọi người đang lạy, bỗng có hai người ở đâu chạy tới cũng quỳ xuống trước mộ lạy và khóc rống lên rồi lột đồ tang bỏ đi. Các vị công tử bận lo tế lễ không biết là ai, chỉ có Nhạc Lôi bước tới hỏi:

- Chẳng hay nhị vị là ai, có quen biết chi với cha tôi hay sao mà tế điện?

Một người nói:

- Tôi là Vương Năng, còn vị này là Lý Trực, lâu nay chúng tôi ngưỡng mộ Nhạc gia trung nghĩa, lúc người bị gian thần cầm giữ tại ngục trung, anh em tôi không biết làm sao cứu được, Chỉ có cách là lấy tiền đem lo lót với ngục tốt để chúng săn sóc cho người tử tế mà thôi, khi người thác rồi, tôi đem tiền mua quan mộc để liệm người, đoạn giấu trong đấng la sư xác. Từ đó anh em tôi chịu tang báo hiếu, đến nay trời đã mở mắt báo ứng cho người, nên anh em tôi dắt nhau đến đây trừ phục.

Nói đến đây, hai người vùng chạy mất. Nhạc Lôi liền sai gia tướng chạy theo mời lại, nhưng gia tướng chạy theo ra khỏi mộ, hai người đã biến đâu mất dạng.

Nhạc phu nhân cùng mấy vị công tử vô cùng cảm kích than thở chẳng cùng.

Hôm sau Nhạc phu nhân sai người đi tìm kiếm, nghe ngóng trong thiên hạ, nhiều người bảo rằng:

- Hai người ấy ngày trước đều ở tại phía trước cầu, nhưng không biết lý do gì cách đây vài năm lại bán hết sản nghiệp, nay ở chỗ này mai ở chỗ kia, sống phiêu lưu không nơi nhất định. Gia nhân tìm mãi vẫn không ra tung tích. Về sau, khi Nhạc Lôi đi tảo Bắc yên rồi về, có nghe hai người này tu hành tại núi Vân Thê. Nhạc Lôi bản thân đến đó lạy tạ đáp cái ơn ngày trước, lại đem vàng bạc lụa là tặng rất hậu, nhưng hai người nằng nặc quyết không chịu nhận, Nhạc Lôi không biết làm sao nên để của ấy lại cúng cho nhà chùa. Sau này nghe đâu hai người này sống trên chín mươi tuổi và thành Phật cả.

Đó là việc về sau, bây giờ xin nhắc lại việc Ngưu Cao, hôm ấy đi đến đại lý nha môn. Châu Tam Húy ra đón thẳng vào đại đường để thánh chỉ ngay chính giữa, còn hai người ngồi hai bên, truyền dẫn hết bọn Tần Hy, Trương Tuấn ra quỳ trước đại đường.

Châu Tam Húy gọi Tần Hy, nói:

- Cha ngươi đã làm quan nhất phẩm, còn ngươi được đứng hàng truyền thọ, hưởng lộc của triều đình, sao chẳng lo đền nợ nước lại tư thông với Ngột Truật, giả truyền thánh chỉ mưu hại trung lương? Quả là tội khi quân hại nước, ngươi còn nói gì nữa chăng?

Tần Hy chẳng dám nói chi cứ gục mặt làm thinh. Ngưu Cao nói:

- Lại phải hỏi làm chí cho mệt, cứ vả cho hắn bốn chục vả rồi mới định tội.

Kẻ tả hữu liền xáp tới vả Tần Hy đủ bốn chục vả. Thương hại cho Tần Hy, từ nhỏ đến lớn đã quen sung sướng, chưa từng bị đòn nay bị đánh vả, mặt sưng vù khóc mếu trông thảm hại.

Châu Tam Húy lại gọi Trương Tuấn, hỏi:

- Tội của ngươi tưởng không hơi đâu kể cho hết, ta chỉ hỏi ngươi một điều này thôi: Ngươi đã làm một Đại tướng sao lại nương cậy theo gian thần, sát hại người ngay, vậy ngươi đáng tội gì?

Trương Tuấn cũng không biết nói sao, cứ cúi gục đầu làm thinh.

Ngưu Cao nói:

- Hơi đâu hỏi cho lâu, cứ việc vả cho đủ bốn chục vả rồi sẽ định tội.

Kẻ tả hữu vâng lời đánh Trương Tuấn đủ bốn chục vả, mặt mày sưng như mặt lợn luộc, Châu Tam Húy lại hỏi Vạn Sĩ Hoa:

- Còn mi có lời chi đối nại không?

Vạn Sĩ Hoa nói:

- Tôi đây bất quá nghe lời Tần Thái sư sai khiến thôi, chớ việc ấy có can chi đến tôi.

Châu Tam Húy lại hỏi La Võ Tập:

- Ngươi đã làm Pháp Ty đại thần sao lại cố hại cha con Nhạc gia?

La Võ Tập nói:

- Tần Cối và Vạn Sĩ Hoa sai sao tôi làm vậy, việc ấy do hai người chuyên trách chứ tôi có can chi đâu?

Ngưu Cao nổi giận, nạt lớn:

- Loài súc sinh, lại phải hỏi lôi thôi làm gì thêm xung gan, kẻ tả hữu đâu, hãy vật chúng ra đánh cho đủ bốn mươi côn rồi sẽ định tội.

Tả hữu vâng lệnh áp tới vung côn đánh mỗi đứa đủ bốn mươi cái máu chảy đầm đìa, chết đi sống lại mấy lần.

Châu Tam Húy lấy bút phê:

- "Vợ chồng Tần Cối tư thông với Ngột Truật, bán nước dối vua lại hãm hại trung lương, tội đáng đem đi chém đầu, còn Tần Hy làm chức biên tạ, chép dối chiếu chỉ, điên đảo thị phi. Trương Tuấn được làm Đại tướng đã chẳng lo đền nợ nước, lại chuyên quyền, loạn chính tàn hại trung lương, dối nước hại dân. Còn Vạn Sĩ Hoa và La Võ Tập xu phụ quyền gian, trộm thăng chức lớn, tàn hại trung lương, tham tàn hại nước, cả thảy đều đáng tội chết.

Tất cả vợ con, gia quyến chúng phải đày ra Lãnh Nam sung quân".

Châu Tam Húy phê án định tội xong xuôi, liền sai ngục tốt dẫn hết đem nhốt để chờ lệnh chỉ thi hành.

Sáng hôm sau, Châu Tam Húy vào triều tâu lại cho Hiếu Tông nghe, vua Hiếu Tông chuẩn tấu rồi hạ chỉ sai Ngưu Cao làm quan Giám trảm đem hết những tội phạm ra Thê Hà lãnh xử chém trước mộ Nhạc Phi, lại ban cho Nhạc phu nhân năm trăm cân sắt để đúc tượng Tần Cối, Vương Thị, Vạn Sĩ Hoa, La Võ Tập và Trương Tuấn năm tên này phải quỳ trước mồ Nhạc Phi để cho dân chúng rửa hờn.

Thánh chỉ vừa mới ban ra, nhân dân vùng Lâm An vui mừng khôn xiết.

Hôm ấy Nhạc phu nhân sắm sửa đồ tế lễ rồi dắt hết mấy vị công tử đến trước Nhạc mộ phần chờ đợi. Chẳng bao lâu, Châu Tam Húy truyền ngục tốt dẫn hết các phạm nhân ra Đại lý tự đường rồi truyền trói chặt dẫn đi.

Quân Hiệu úy gìn giữ trước sau rất cẩn mật, phía trước phất cờ, phía sau đánh trống ra khỏi tiền đường, hai bên dân chúng từ đàn ông chí đàn bà theo coi đông đảo và vỗ tay khen:

- Thật là trời cao báo ứng rất mau!

Đi đến mộ Nhạc Phi, thấy Ngưu Cao mình mặc đại hồng kiết phục ngồi trên công án lớn truyền cậy quan tài vợ chồng Tần Cối ra, chém lấy hai cái thủ cấp để trên bàn mà tế. Lại sai dẫn Tần Hy, Trương Tuấn, Vạn Sĩ Hoa, La Võ Tập ra chém.

Quân đao phủ vừa dẫn chúng đến trước mộ, bỗng nghe bên ngoài lao xao, nhiều tiếng la hét om sòm. Ngưu Cao giựt mình, bảo tả hữu đưa binh khí đến cho mình cầm sẵn đề phòng bất trắc, rồi nói:

- Kẻ nào muốn đến pháp trường cướp tội nhân phải không? Chư tướng đâu? Hãy ra xem xét, nếu có quân cường đạo đến thì hãy giết cho bằng sạch không còn một mống.