Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 59: Hồi thứ năm mươi chín




Tất cả những chuyện kỳ lạ ấy hiện ra trước mắt Ngột Truật nhưng y vẫn cứ tưởng như một giấc mơ!

Quân Phiên lúc bấy giờ chỉ còn độ sáu bảy ngàn người thấy vậy mừng rỡ kẻo nhau chạy cho nhanh. Khi qua khỏi núi thì lại xảy ra một việc lạ lùng hơn nữa, nghĩa là mấy vách đá kia vùng dựng đứng lại như cũ, binh Tống rượt theo đến đây đã bị cản lại, một số lớn quân Phiên không qua kịp, bị quân Tống giết như chẻ dưa, chém chuối.

Ngột Truật đứng trên núi trông thấy quân sĩ của mình chết thảm thiết như vậy, đôi dòng lệ tuôn xuống như mưa.

Ngột Truật nhìn đám tàn quân còn lại cất tiếng than:

- Sáu bảy mươi vạn binh mã mà nay còn lại không đầy bốn năm ngàn thì còn mặt mũi nào về trông thấy Kim Vương?

Than rồi, rút gươm đeo ra tự vẫn. Hấp Mê Xi đứng một bên lẹ tay ôm Ngột Truật lại còn chư tướng giật gươm.

Hấp Mê Xi khuyên:

- Việc chiến trận thắng bại là lẽ thường, sao Chúa công lại quẫn chí như vậy? Nay ta cứ việc tạm lui về nước đặng chỉnh tu binh mã, rồi sẽ trở qua Trung Nguyên để báo thù.

Đang lúc khuyên giải, bỗng từ trong rừng xuất hiện một chàng thư sinh, ra vẻ tiên phong đạo cốt, dáng điệu phi phàm, bước ra lễ phép vái chào Ngột Truật rồi nói:

- Cần gì Hoàng tử phải ra sức đánh phá làm chi cho mệt lại hao binh tổn tướng? Hoàng tử nên biết rằng, hễ trong triều gian thần lộng hành thì không khi nào đại tướng bên ngoài có thể lập công được.

Ngột Truật nghe nói vùng nhớ như sáng mắt ra, liền vái thư sinh và nói:

- Tôi mong ơn tiên sanh dạy bảo, chẳng hay tiên sinh tên họ là chi?

Người ấy mỉm cười đáp:

- Ta muốn tin cho ngươi biết rồi đây họa sẽ đến với Nhạc Phi một ngày không xa, lời nói của ta theo ý trời đã định hà tất phải để tên họ làm gì?

Nói rồi từ biệt Ngột Truật biến mất dạng ngay. Ngột Truật yên trí truyền quân tạm đóng dinh, đắp lò nấu cơm ăn uống.

Hấp Mê Xi nói:

- Nay trời khiến người ấy đến chỉ đường đi cho ta, vậy Chúa công hãy về ải trước, còn tôi lén vào Lâm An tìm cho được Tần Cối nhờ hắn lập kế hãm hại Nhạc Phi. Hễ Nhạc Phi mất rồi thì lo chi không lấy được giang san nhà Tống?

Ngột Truật mừng rỡ nói:

- Thế thì để ta viết một phong thư, cho quân sư mang đến đó trao cho Tần Cối. Nói rồi lấy bút nghiên thảo một phong thư rồi lấy sáp bao lại như viên thuốc, giao cho Hấp Mê Xi và dặn.

- Quân sư có đi thì phải cẩn thận nhé?

Hấp Mê Xi đáp:

- Xin Nguyên soái chớ lo, tôi vào đó sẽ tùy cơ ứng biến. Nói rồi cất viên sáp bọc thư vào mình, từ giã Ngột Truật lén vào vào Lâm An.

Nhắc qua chuyện Nhạc Nguyên soái sau khi chiến thắng kéo binh trở về đóng dinh tại Kim Ngưu Lãnh, một mặt dâng biểu về triều báo tiệp, một mặt khao thưởng ba quân, đồng thời thôi thúc lương thảo chuẩn bị lực lượng để đánh qua Kim Quốc.

Còn Hấp Mê Xi sau khi từ giã Ngột Truật, lập tức thay đổi y phục giả dạng người Biện Kinh, tìm đến Lâm An.

Đến nơi, Hấp Mê Xi hay tin Tần Cối cùng Vương thị đang đi du ngoạn tại Tây Hồ, Hấp Mê Xi lần đến, trông thấy hai vợ chồng Tần Cối đang ở dưới thuyền ăn uống thưởng ngoạn.

Hấp Mê Xi cất tiếng rao:

- "Ai mua thuốc hoàn bao sáp không?".

Cứ như thế Hấp Mê Xi đi qua đi lại rao mãi, Vương thị nghe rao, ngước mặt lên ngó rồi quay lại nói với Tần Cối:

- Tướng công, sao thiếp xem người bán thuốc bao sáp kia giống hệt quân sư Hấp Mê Xi vậy?

Tần Cối chú ý quan sát hồi lâu rồi reo lên:

- Phải rồi? Phải rồi!

Liền sai gia nhân gọi lên, gia nhận vâng lệnh chạy ra đứng trước mũi thuyền, kêu lớn:

- Hỡi tên bán thuốc bao sáp kia, hãy đem thuốc xuống đây cho mau, Thái sư ta muốn mua.

Hấp Mê Xi vội vã bước xuống quì trước mũi thuyền, Tần Cối hỏi:

- Thuốc bao sáp của ngươi trị bịnh gì đó? Ta có chứng hay đau bụng, thuốc có thể trị được không?

Hấp Mê Xi đáp:

- Thưa Thái sư, thuốc bao sáp của tôi chữa bệnh đau bụng rất thần hiệu song phải chữa cho mau, nếu để chậm trễ thì không công hiệu.

Tần Cối nói:

- Thế thì hay lắm, hãy bán cho ta một viên.

Vừa nói vừa lấy ra mười lượng bạc trao cho Hấp Mê Xi Hấp Mê Xi lấy viên thuốc có đựng lá thư của Ngột Truật trao cho Tần Cối rồi từ tạ ra đi.

Hấp Mê Xi đi rồi, Tần Cối bẻ hoàn thuốc bao sáp ra thấy rõ ràng là bức thư Ngột Truật viết cho Tần Cối đại để trách móc Tần Cối sao lại quên lời thề thốt ngày xưa để cho y bị thảm bại với Nhạc Phi. Ngột Truật hứa rằng, nếu Tần Cối có thể một tay lấy được thiên hạ nhà Tống rồi thì tình nguyện sẽ phân chia cương giới.

Xem thư xong, Tần Cối trao cho Vương thị xem và nói:

- Tứ Hoàng tử Ngột Truật muốn ta phải mưu hại cho được Nhạc Phi, vậy phải làm sao bây giờ?

Vương thị nói:

Tướng công làm quan Thái sư, chưởng quản hết quần thần, thì một việc nhỏ mọn như vậy há lại không làm được sao? Vả chăng việc phục rượu độc ngày trước đã bại lộ, nếu để chúng diệt được Kim Bang rồi công lao to tát Ngưu Cao về triều sẽ tra cứu việc ấy, tất nhiên cả nhà ta không thoát khỏi đại họa. Chi bằng bây giờ đừng phát lương cho chúng nữa lấy cớ muốn nghị hòa với Kim Quốc, bảo Nhạc Phi thu binh về Châu Tiên trấn nghỉ ngơi, rồi sẽ lo tìm kế hãm hại cha con hắn đi là xong.

Tần Cối gật đầu khen: Phu nhân nói thật chí lý.

Vội khiến gia nhân chèo thuyền vào bờ, dắt nhau trở về vương phủ.

Còn Hấp Mê Xi trao được phong thư cho Tần Cối rồi, lòng đầy hy vọng trở về dinh ra mắt Ngột Truật và nói:

- Tôi vào đó gặp vợ chồng Tần Cối đang du ngoạn tại Tây Hồ, tôi có trao thư, chắc thế nào Tần Cối cũng lo mưu kế cho chúa công thâu đoạt Tống triều, vậy thì nay chúng ta hãy tạm lui về rồi sai người sang do thám để theo dõi việc làm của Tần Cối.

Ngột Truật nghe lời truyền nhổ trại dẫn đám tàn binh trở về nước .

Lúc ấy Nhạc Nguyên soái đóng binh tại Cao Sơn Lãnh cứ lo điều binh dưỡng mã chuẩn bị sẵn sàng để đánh thẳng qua Huỳnh Long Phủ mong rước Nhị Đế về. Nhạc Nguyên soái đoán chắc ngày ca khúc khải hoàn không xa lắm, ngặt vì không thấy lương thảo phát ra, không biết vì lý do gì.

Vừa muốn sai người đi thôi thúc lương thảo, bỗng nghe quân vào báo có thánh chỉ đến.

Nhạc Nguyên soái cùng với các Nguyên soái kia ra ngoài dinh tiếp chỉ. Khâm sai mở chiếu ra đọc, mới hay thánh thượng buộc Nhạc Phi phải thu binh về Châu Tiên trấn nghỉ ngơi dưỡng binh chờ qua mùa thu lúa mùa gặt hái xong, lương thảo đầy đủ sẽ xuất quân đánh Kim Phiên!

Nhạc Nguyên soái tiễn đưa khâm sai rồi cùng Hàn Nguyên soái trở Về dinh thương nghị.

Hàn Nguyên soái nói:

- Đại nguyên nhung chỉ có mười vạn binh mã phá tan trăm vạn tinh binh của Kim Phiên đâu phải là việc dễ? Thế mà hôm nay vừa thành công, đáng lẽ nhân cơ hội phát lương ra thêm để thừa cơ đánh cho quân Kim thất điên bát đảo để đón Nhị Đế về triều mới phải, chứ sao lại buộc Nguyên nhung phải thu binh về Châu Tiên trấn là nghĩa lý gì? Chắc là trong triều có gian thần mọc lên rồi, nó sợ đại tướng bên ngoài lập công, nên mới tìm cách ngăn trở. Xin Nguyên nhung hãy suy nghĩ đã, chớ có hồi binh mà bỏ lỡ cơ hội tốt này uổng lắm.

Nhạc Nguyên soái nói:

- Phàm có mệnh vua, chiếu triệu thì phải đi cho mau, chớ nên tham lập công, thành ra nghịch chỉ.

Hàn Nguyên soái nói:

- Lời xưa có nói: tướng ở cõi ngoài cần phải tùy cơ ứng biến, đôi khi cũng không nên nhất thiết tuân theo mệnh vua. Nay quân Kim nhuệ khí đã hết, quân ta không Bắc tiến lúc này còn đợi lúc nào nữa? Cứ theo ngu ý của tôi tôi thì một mặt sai người thôi thúc lương thảo, một mặt tiến quân đánh thốc qua Huỳnh Long Phủ tiêu diệt Kim Bang, phò Nhị Đế trở về, chừng ấy công trạng chẳng lẽ lại không đủ để chuộc tội sao?

Nhạc Nguyên soái nói:

- Chỉ vì chư vị Nguyên soái chưa rõ lòng tôi đó thôi. Từ lúc tôi đâm chết tiểu Lương Vương trốn nạn về nhà gặp phải lúc mùa màng mất mát, đạo tặc bốn phương nổi dậy, Dương Ma nổi lên tại Động Đình hồ có sai Vương Tá đến mời tôi, tuy tôi không đi song cũng kết bạn với Vương Tá nên sau này mới có việc chặt tay đền ơn nghĩa. Lúc ấy mẹ tôi sợ tôi lầm lỡ nên thích trên lưng tôi bốn chữ "Tận trung báo quốc". Vì vậy suốt đời tôi chỉ có thể lo báo quốc cho tận trung mà thôi. Nay đã có thánh chỉ của triều đình, thì dù cho có tên gian thần nào lộng quyền đi nữa tôi cũng không thể không tuân được.

Nói rồi truyền lệnh nhổ trại lui binh. Nhạc Nguyên soái cho nổ lên một tiếng pháo lệnh, tức thì mười ba đạo binh mã phân làm năm đội, rầm rộ kéo về Châu Tiên trấn.

Binh sĩ cứ theo chỗ cũ đóng mười ba tòa đại dinh, ngày đêm thao luyện, chờ qua mùa thu sẽ tiến quân diệt Kim Phiên.

Nhạc Nguyên soái gọi Nhạc Vân vào dặn bảo:

- Hiện nay trong điều gian thần đã lộng quyền nên chỉ muốn an lạc một cõi không muốn dựng bình chinh phạt Bắc Phiên để rước Nhị Đệ về. Vậy con hãy nhân cơ hội này cùng Trương Hiến về nhà thăm mẹ con và dạy dỗ mấy đứa em cho tinh thông võ nghệ. Lúc nào cha cần đến, sẽ cho ngươi về gọi.

Nhạc Vân và Trương Hiến từ biệt Nhạc Nguyên soái, bước ra từ giã Quan Linh, Nhạc Vân nói:

- Trước kia hiền đệ đã giúp ta con ngựa báu, nay ta về nhà không dùng nó nữa nên xin trả lại cho hiền đệ. Bây giờ chúng ta tạm chia tay, ngày sau sẽ tương hội.

Quan Linh lãnh con ngựa xích thố, hai hàng nước mắt rưng rưng, theo tiễn chân Nhạc Vân và Trương Hiến hơn mười dặm đường mới biệt nhau trở lại.

Nhạc Vân cùng Trương Hiến dắt nhau trở về Thang âm huyện.

Một hôm, Nhạc Nguyên soái đang đàm luận với các vị Nguyên soái, sực nhớ tới Trương Bảo liền nói:

- Trương Bảo trước kia chính là gia . nhân của Lý thái sư người cho theo tôi cho có bạn và để tìm chỗ xuất thân. Từ bấy lâu nay hắn đã bao phen khổ chiến, công lao của hắn chắc quý vị cũng không lạ gì. Nay mong ơn Thánh thượng cho tôi ở không thong thả tại chốn này, tôi muốn hắn đến đất Hào Lương làm chức Tổng binh, chẳng biết có xứng đáng không?

Các vị Nguyên soái đều đồng thanh nói:

- Sao đại Nguyên nhung lại nói vậy? Trương tướng quân đã lập nhiều công lớn dù cho chức gì to lớn hơn nữa cũng xứng đáng, huống hồ làm chức Tổng binh.

Nhạc Nguyên soái liền lấy bằng sắc viết tên họ và chức tước cho Trương Bảo, Nguyên soái căn dặn:

- Ngươi hãy về dắt vợ con ra đó nhậm chức.

Trương Bảo nói:

- Thật tình tôi không muốn làm quan, xin tình nguyện ở đây hầu hạ Nguyên soái mà thôi.

Nguyên soái nói:

- Ngươi nói thế sao được. Phàm con người ở đời cần phải lo xuất thân mới đáng là trang nam tử, ngươi phải đi đi chớ nên từ chối.

Thấy Nhạc Nguyên soái đã nhất quyết, Trương Bảo nói:

- Nguyên soái đã bảo tôi thì tôi phải đi, song nếu tôi làm không được thì tôi sẽ trở về hầu hạ Nguyên soái. Nhạc Nguyên soái mỉm cười nói:

- Miễn ngươi hết lòng lo việc nước là được rồi, có việc chi mà làm không được?

Trương Bảo tạ ơn Nhạc Phi cùng liệt vị Nguyên soái ra đi.

Trương Bảo đi rồi, Nhạc Phi cho gọi Vương Hoành vào bảo:

- Ta muốn cho ngươi đi làm chức Tổng binh, chẳng biết ngươi có bằng lòng không?

Vương Hoành nghe nói vội quì xuống bẩm:

- Tôi là kẻ dốt nát thô lỗ, chỉ biết hầu hạ Nguyên soái mà thôi, nếu Nguyên soái bảo tôi làm quan, tôi e không đảm đương nổi.

Nhạc Nguyên soái nói:

- Ngươi đã nhất quyết, ta không ép ngươi làm gì.

Vương Hoành mừng rỡ tạ ơn rồi đứng dậy vòng tay hầu một bên. Mấy vị Nguyên soái thấy vậy lên tiếng khen:

- Những kẻ thủ hạ của đại Nguyên nhung toàn là những tay trung nghĩa, hèn chi Ngột Truật mang thảm bại cũng phải.

Còn đang đàm luận với nhau bỗng nghe có thánh chỉ đến; các vị Nguyên soái đồng ra nghênh tiếp vào dinh. Thiên sứ mở chiếu ra đọc:

- Nay trẫm truyền cho Nhạc Nguyên soái đóng binh tại Châu Tiên trấn còn các vị Nguyên soái và mấy vị Tiết Đạt sứ ai về trấn nấy, chờ khi lương thảo đầy đủ sẽ khởi binh.

Các vị Nguyên soái cùng các Tiết Đạt sứ đến dinh từ tạ Nhạc Nguyên soái rồi phân nhau thu binh ai về trấn nấy.

Rồi từ đó Nhạc Nguyên soái ở tại Châu Tiên trấn ngày đêm lo thao luyện binh mã, lại khiến quân sĩ làm ruộng tỉa bắp trồng khoai, chờ đợi thánh chỉ ban ra sẽ kéo binh đi đánh Bắc Phiên. Ngờ đâu Tần Cối lại tâu với Thánh thượng sai sứ sang Kim Quốc nghị hòa.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, hôm ấy Nhạc Nguyên soái đang ngồi trong trướng xem binh thư, bỗng nghe quân vào báo có thánh chỉ ra. Nhạc Nguyên soái vội vàng bước ra nghênh tiếp.

Thiên sứ mở chiếu ra đọc mới hay triều đình đã nghị hòa với Kim Phiên rồi, nay triệu Nhạc Phi thu quân trở về kinh đặng gia phong quan chức.

Nhạc Phi tạ ơn tiễn đưa sứ trở về rồi vào trướng nói với các chư tướng:

- Nay Thánh thượng triệu ta trở về kinh, chẳng lẽ ta dám nghịch chỉ, nhưng tại Triều hiện nay gian thần lộng hành, không biết ta về đó lành dữ như thế nào chưa đoán trước được, vậy ta để đại binh lại đây chỉ về triều một mình tâu với Thánh thượng cho phép ta đi đánh Bắc Phiên để rước Nhị Đế về. Nếu thánh thượng nghe theo lời ta thì chẳng nói làm chi, bằng không nghe thì chắc chắn sẽ xảy ra nhiều điều bất tiện. Nếu ta có bề gì thì các chư đệ phải hết lòng vì nước báo thù, rửa hận, rước cho được Nhị Đế về triều dù ta có thác cung ngậm cười nơi chín suối.

Chư tướng nói:

- Xin Nguyên soái chớ vội về kinh trong lúc này nguy hiểm lắm.

Nhạc Nguyên soái nói:

- Vẫn biết vậy, nhưng đã làm tôi không thể không tuân mệnh vua.

Còn đang đàm luận, lại nghe quân báo có nội sứ đệ kim bài ra thôi thúc Nhạc Nguyên soái lên đường.

Nhạc Phi vừa mới tiếp xem đã nghe quân báo có kim bài đến nữa, rồi không đầy một giờ Nhạc Nguyên soái tiếp luôn mười đạo kim bài như thế.

Nội sứ nói:

- Thánh thượng dạy Nguyên soái phải về cho mau, nếu còn chậm trễ, tất nhiên nghịch chỉ đó.

Nhạc Nguyên soái không nói năng gì hết, vội vào trướng gọi Thi Toàn và Ngưu Cao vào nói:

- Nay ta giao ấn lại cho chư đệ, hãy chấp chưởng binh quyền cho ta. Chư đệ phải cho hết lòng đừng để quân sĩ nhiễu hại dân gian, phải làm sao xứng đứng là các hiền đệ của ta.

Nói rồi lấy ấn soái giao cho hai người, đồng thời chọn bốn tên gia tướng với Vương Hoành sắm sửa lên đường.

Chư tướng cùng ba quân đều ra khỏi dinh khóc lóc tiễn đưa Nguyên soái. Nhạc Phi phải lấy lời ngon ngọt an ủi một hồi rồi mới lên ngựa ra đi. Lúc ấy dân chúng tại Châu Tiên trấn đều cõng con, dắt vợ chạy ra đón đường, khóc kể vang trời xin Nguyên soái ở lại.

Nhạc Phi thấy vậy rưng rưng nước mắt, nói với dân chúng:

- Xin bà con chớ nên quyến luyến; vì Thánh thượng phát luôn mười đạo kim bài triệu về, lẽ nào ta lại dám trái mệnh vua? Tuy vậy, ta hứa sẽ trở lại đây để lo việc dẹp yên Bắc quốc rước Nhị Đế về xây đựng Trung Quốc cho hùng mạnh, đem lại sự an ninh cho toàn dân.

Dân chúng không biết nói sao, đành mở đường cho

Nguyên soái đi, nhưng ai nấy đều khóc sướt mướt.

Chư tướng theo tiễn đưa Nhạc Phi được một quãng

xa, Nguyên soái quay lại nói:

- Thôi các chư tướng hãy về đi để ta đi kẻo trễ?

Chư tướng rưng rưng nước mắt đứng nhìn theo Nhạc Nguyên soái cho đến khi khuất dạng mới chịu kéo nhau trở lại.

Nhạc Nguyên soái cùng Vương Hoành dắt bốn tên gia tướng rời khỏi Châu Tiên trấn nhắm Lâm An đi riết, chẳng mấy hôm đã đến Qua Châu, bỗng thấy quan dịch ra đón Nguyên soái vào công xá và bẩm:

- Hôm nay gió to sóng lớn, Nguyên soái không thể nào qua sông Dương Tử được đâu, vậy Nguyên soái hãy ở lại đây nghỉ đỡ một đêm rồi sáng mai sẽ lên đường.

Nói rồi dịch quan vội vã đi sắm sửa dọn cơm tối cho Nhạc Nguyên soái dùng. Sau đó đưa Nguyên soái vào phòng nghỉ ngơi còn Vương Hoành cùng bốn tên gia tướng nghỉ phòng ngoài.

Đêm ấy Nhạc Phi cảm thấy trong mình bứt rứt không yên. Trong khi trằn trọc Nhạc Phi vùng đứng dậy trong lòng đầy kinh hãi, mở cửa nhìn ra ngoài cánh đồng trống. Dưới bóng trăng lờ mờ, Nhạc Phi trông thấy hai con chó mực đang ngồi đấu mỏ nói chuyện với nhau, lại thấy có hai người ở trần đứng dựa một bên.

Nhạc Phi lấy làm lạ lẩm bẩm:

"Chó sao lại biết nói? Thật là một việc quái gở"

Còn đang ngạc nhiên, bỗng thấy dưới sông Dương Tử sóng gió nổi lên ầm ầm, sấm sét bủa giăng sáng trời, từ dưới sông trườn lên một con quái vật gần giống như rồng, nhưng không phải rồng, chờn vờn nhảy tới chộp vào ngực Nhạc Phi. Nhạc Phi thất kinh vùng té ngửa ra, giật mình thức dậy mới biết là chiêm bao, mồ hôi toát ra ướt cả mình. Lắng tai nghe thì lúc ấy trống đã điểm canh ba, Nhạc Phi nghĩ thầm:

- Điềm chiêm bao này lạ thật. Trước kia ta nghe Hàn Nguyên soái bảo tại chùa Kim San có ông Đạo Duyệt hòa thượng biết được việc quá khứ, vị lai, để ngày mai ta đến đó nhờ ông.ta đoán xem điềm chiêm bao này lành dữ thế nào cho biết.

Sáng hôm sau, Nhạc Phi gọi Vương Hoành vào bảo sắm sửa lễ vật nhang đàn rồi trao cho viên quan phục dịch một lượng bạc nhờ hắn sắm sửa một chiếc thuyền đưa qua chân núi Kim San.

Đến nơi, Nguyên soái bảo bốn tên gia tướng ở lại giữ thuyền rồi dắt Vương Hoành lên núi vào đại điện, thắp hương lạy Phật, đoạn dắt nhau ra phương trượng.

Khi Nguyên soái vừa bước đến bên cửa đã nghe phía sau có tiếng ngâm:

"Khổ hài mang mang vị hữu nhai,

Đồng quân hà tất luyến trần ai.

Bất như lão mích hồi đầu ngạn,

Miễn phước phong ba nhất đán tai!"

Nhạc Nguyên soái nghe ngâm thầm khen:

- Lão Hòa thượng này quả thật đức hạnh cao dày, giọng ngâm của người có ý khuyên ta tu hành thoát mùi trần tục. Nhưng người có ngờ đâu, trong mình ta đang mang một sứ mệnh của quốc gia dân tộc làm sao trấn tránh nhiệm vụ cao cả ấy được?

Đang suy nghĩ bỗng thấy một tên đạo đồng từ trong bước ra, vòng tay bẩm:

- Thầy tôi dạy mời Nguyên soái vào trong.

Nhạc Nguyên soái liền theo tên đạo đồng bước vào phương trượng. Đạo Duyệt vừa trông thấy, vội vàng bước xuống thiền sàng, chắp tay làm lễ nói:

- Nguyên soái đến vãn cảnh chùa, mà bần tăng không hay biết để ra đón rước, thật đáng tội.

Nhạc Nguyên soái nói:

- Năm trước tôi lên núi Lịch Tuyền bái kiến lệnh sư, người có dặn tôi mười năm sau sẽ được gặp thầy, nay đúng mười năm rồi, quả nhiên đúng như lời người mách bảo. Nay tôi đến đây chỉ vì đêm qua nghỉ tại dịch xá bỗng thấy một điềm chiêm bao rất kỳ dị, chẳng biết lành dữ thế nào nên mới đến nhờ thầy giải giùm.

Đạo Duyệt nói:

Phàm kẻ có đại chí ít khi nằm chiêm bao, mà một khi đã nằm chiêm bao thì rất ứng nghiệm, song chẳng biết Nguyên soái thấy gì xin nói cho bần tăng rõ.

Nhạc Nguyên soái bèn đem chiêm bao khi hôm nói rõ đầu đuôi cho Đạo Duyệt nghe, Đạo Duyệt nói:

- Chiêm bao như vậy rất dễ đoán. Hai con chó ngồi ngang nhau nói chuyện có nghĩa là hai chữ "khuyển'' đứng hai bên, chữ ngôn chính giữa quả là chữ "ngục" chẳng sai. Còn hai người trần đứng hai bên tức là hai kẻ bị chung số phận với Nguyên soái. Còn dưới sông bỗng dưng sóng gió nổi lên lại có con quái vật nhảy đến chụp tức là có đứa gian thần thừa cơ hội mưu tâm hãm hại Nguyên soái, tôi e phen này Nguyên soái khó tránh khỏi ngục hình đó, xin Nguyên soái phải cẩn thận lắm mới được.

Nhạc Nguyên soái nói:

- Tôi đã vì nước đánh Nam dẹp Bắc, công trạng biết bao nhiêu lê nào triều đình đã không phong thưởng lại gia hình?

Đạo Duyệt nói:

- Nguyên soái còn lạ gì thói thường, được chim bẻ ná, được cá quên nơm. Từ xưa đến nay, hễ gặp hoạn nạn thì chung lo chứ đến khi hưởng lạc thì khó mà chung hưởng, chi bằng Nguyên soái hãy mai danh ẩn tích, bảo trọng lấy thân là thượng sách trong lúc này.

Nhạc Phi nói:

- Nhờ ơn thầy mách bảo tôi rất đội ơn, song tôi đã dốc lòng quyết chí thôn tính Bắc Phiên khôi phục lại Trung Nguyên thì dù gặp phải trở ngại đến đâu tôi cũng không bao giờ thay lòng đổi dạ, xin thầy đừng khuyên nhủ nữa vô ích.

Nói rồi đứng dậy cáo từ ngay. Đạo Duyệt bước theo Nhạc Nguyên soái đưa theo ra khỏi cửa chùa.

Vừa đi vừa ngâm bài kệ:

"Phong ba đình thượng lãng thao thao,

Thiên vạn lưu tâm bà đã lao.

Cẩn tị đồng chu sánh ác ý,

Tương nhân thôi lạc tại ba đào".

Nhạc Phi cúi đầu lặng lẽ bước ra khỏi cửa chùa. Đạo Duyệt lại nói:

- Nguyên soái lòng dạ sắt đá, bần tăng không đủ tài nên vô duyên không cứu nạn cho Nguyên soái được, tuy vậy bần tăng cũng xin dâng cùng Nguyên soái vài câu kệ, xin Nguyên soái ghi nhớ.

Dứt lời Đạo Duyệt lại ngâm tiếp:

"Tuế để bất túc, đề phòng thiên khốc.

Phụng hạ lưỡng điểm, Tương nhân hại độc.

Lão Cam đằng nã, Thượng nhân nại hà.

Thiết ta bà đả, Lưu ý phong ba".

Nhạc Phi nói:

- Tôi ngu muội nên nhất thời không sao hiểu nổi, xin thầy giải thích cho.

Đạo Duyệt mỉm cười đáp:

- Đó là cơ trời không dám tiết lộ, mong Nguyên soái hãy nhớ kỹ, về sau sẽ thấy ứng nghiệm.

Nhạc Phi tạ ơn cúi chào Đạo Duyệt ra khỏi cửa chùa đi thẳng xuống chân núi. Bốn tên gia tướng nghênh tiếp đưa Nguyên soái xuống thuyền rồi bấn mái chèo đưa, con thuyền lướt trên sóng cuồn cuộn.

Nhạc Phi ngồi trước mũi thuyền ngắm xem phong cảnh, bỗng đâu một một cơn gió dữ ùn ùn thổi đến, nổi sóng ào ào mây kéo đen nghịt, bầu trời nhuộm một màu sẫm tối.

Nhạc Phi đoán điềm trời thế này sẽ báo tai họa, nhưng chưa biết có chuyện gì chỉ bảo Vương Hoành đưa cho mình cây Lịch tuyền thương để đề phòng bất trắc!