Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 56: Hồi thứ năm mươi sáu




Tào Ninh đứng ngoài dinh Tống khiêu chiến lại còn đòi xông vào phá tan thành bình địa.

Từ Khánh và Kim Bưu thấy thế bước ra bẩm với Nhạc Nguyên soái:

- Lâu nay hai chúng tôi không có chút công lao gì, hôm nay chúng tôi tình nguyện ra bắt cho. được tên Phiên con ấy đem về dâng cho Nguyên soái để lập công.

Nhạc Nguyên soái liền sai quân hạ miễn chiến bài xuống, rồi chấp thuận cho hai người ra trận.

Hai tướng vâng lệnh dẫn quân ra trước trận. Từ Khánh bước tới nạt lớn:

- Tên tiểu Phiên nô kia tên gì hãy nói ra rồi sẽ đánh.

Tào Ninh đưa ngón tay chỉ vào người nói:

- Ta là đại tướng Tào Ninh thuộc hạ của Hoàng tử Kim Quốc đây, còn ngươi tên chi hãy nói mau lên để ta đưa hồn ngươi về Diêm vương.

Từ Khánh nói:

- Ta là tướng tiền Đô thống, thủ hạ của Nhạc Nguyên soái tên Từ Khánh đây, ngươi hãy đến đây chịu một đao cho rồi.

Vừa nói vừa vung đao chém bổ xuống ngay đầu Tào Ninh. Tào Ninh không chút nao núng giục ngựa xốc tới giáng cho một thương, Từ Khánh bị đứt làm hai đoạn rơi xuống ngựa chết ngay. Kim Bưu thấy thế nổi giận hét như sấm:

- Loài mọi Phiên, sao mi dám giết anh ta?

Vừa nói vừa vung đao chém tới quyết báo thù cho kỳ được Tào Ninh thấy đường đao quá lợi hại liền quay ngựa bỏ chạy. Khi thấy Kim Bưu theo gần kịp, Tào Ninh quay ngựa lại đâm một thương trúng ngay giữa bụng Kim Bưu, xuyên thủng tận ra sau lưng vất xác quăng ra xa lắc.

Tào Ninh thừa thế hô quân Phiên ào đến đâm chém quân Tống chết một số, còn một số chạy thẳng vào thành. Tào Ninh cắt lấy thủ cấp Từ Khánh và Kim Bưu đem về báo công, còn quân Tống khiêng thây hai tướng về dinh phi báo.

Nhạc Nguyên soái hay tin thất trận, hai hàng nước mắt rưng rưng, liền vội sắm sửa quách quan tẩm liệm cho hai người. Trương Hiến thấy vậy nổi giận xung thiên liền bước tới xin phép Nguyên soái ra đánh với Tào Ninh.

Nhạc Nguyên soái chấp thuận ngay, Trương Hiến vội vàng cầm thương lên ngựa xông ra trận kêu đích danh Tào Ninh bảo ra đối địch với mình.

Tào Ninh nghe quân phi báo vội dẫn binh xông ra hỏi lớn:

- Ngươi là ai dám đến đây đối địch với ta?

Trương Hiến nói:

- Ta là Đại tướng Trương Hiến, ngươi nghe rõ chưa?

- À, thì ra ngươi là Trương Hiến đó sao? Ta cũng nghe danh ngươi đã lâu và có ý định muốn bắt cho kỳ được hôm nay được gặp ngươi thật là may mắn.

Dứt lời, hai người xáp lại vung thương đánh vùi với nhau, cát đá bay mịt mù quả là xứng tài, ngang sức. Qua bốn mươi hiệp vẫn chưa phân thắng bại, hai người đánh đến khi mặt trời khuất bóng mới chịu lui binh.

Qua hôm sau, Tào Ninh lại đến trước dinh khiêu chiến, Nhạc Nguyên soái sai Nghiêm Thành Phương ra ngựa, Nghiêm Thành Phương vâng lệnh vừa ra đến trước trận, Tào Ninh kêu hỏi:

- Ngươi tên gì tài cán bao nhiêu mà dám ra đây?

Nghiêm Thành Phương nói:

- Ta là Đô Thống Nghiêm Thành Phương thuộc hạ của Nhạc Nguyên soái, còn ngươi có phải là Tào Ninh không?

Tào Ninh cười ha hả:

- Ngươi đã biết danh ta sao chưa xuống ngựa đầu hàng cho rồi còn để ta ra tay nhọc sức?

Nghiêm Thành Phương nổi giận hét:

- Ta sẽ bắt sống mi cho mà xem.

Vừa nói vừa múa song chùy nặng ngàn cân bổ tới như mưa bấc. Tào Ninh thấy thế không dám khinh thường, vội vung thương ngăn đỡ. Hai tướng đánh vùi với nhau hơn bấn mươi hiệp thì trời cũng vừa tối. Cả hai đều thu binh.

Sau đó những cuộc giao phong cứ tiếp diễn như thế đến sáu ngày bất phân thắng bại. Nhạc Nguyên soái liền treo miễn chiến bài, trở về hậu dinh lo bàn mưu kế.

Nguyên soái thấy bên quân Phiên xuất hiện thêm hai tướng vô cùng lợi hại, lòng lo lắng không yên.

Nhắc qua việc Vương Tá ở bên dinh quân Phiên hay được việc ấy cũng lấy làm lo sợ, vội đến dinh Lục Văn Long vào trướng ra mắt. Lục Văn Long hỏi:

- Hôm nay "Khổ nhân nhi'' có tích chi hay nữa không hãy kể ra cho ta nghe thử.

Vương Tá nói:- Có một tích hay lắm song phải đuổi hết quân sĩ ra ngoài, vì tích ấy chỉ có một mình Điện hạ mới nghe được thôi.

Lục Văn Long bèn đuổi hết kẻ tả hữu ra ngoài, Vương Tá mới đem một bức họa dâng lên và nói:

- Điện hạ hãy xem trước, rồi tôi sẽ giảng giải cho mà nghe.

Lục Văn Long tiếp lấy xem, trông thấy trong bức họa có vẽ một người giống hệt Ngột Truật, của phụ thân mình, lại thấy một tòa đại đường có một vị tướng quân cùng một người đàn bà tự vẫn tại đó, lại có một đứa con nít đứng một bên khóc lóc còn quân Phiên thì đứng bên ngoài rất đông. Lục Văn Long xem rồi quay lại hỏi Vương Tá:

- ấy là tích gì vậy? Ta không hiểu gì cả, "Khổ nhân nhi" hãy kể cho ta nghe thử.

Vương Tá làm ra vẻ quan trọng, nói:

- Điện hạ hãy đứng sang một bên để tôi chỉ từng chi tiết và nói rõ cho điện hạ nghe.

Vương Tá trỏ một ngón tay vào, nói:

- Đây là đất Trung Nguyên tại Lộ An Châu, người tự vẫn chết đây là một lão gia làm quan đến chức Tiết Đạt sứ họ Lục tên Đăng, còn người đàn bà chết bên này chính là Tạ Thị phu nhân, còn thiếu nhi đứng khóc đây chính là công tử Lục Văn Long.

Lục Văn Long nghe nói đến tên mình ngạc nhiên hỏi:

- Sao người trong bức họa này cũng có tên giống ta?

Vương Tá nói:

- Điện hạ cứ để tôi nói hết cho Điện hạ nghe. Còn người này chính là Xương Bình Vương Ngột Truật, dẫn binh đến cướp ải Lộ An Châu, Tiết Đạt sứ Lục Đăng thế cùng phải tự vẫn cho trọn chữ trung, Lục phu nhân cũng liều thân cho trọn tiết. Lúc ấy Ngột Truật thấy Lục Văn Long còn nhỏ nên sai bà vú bồng thẳng về bên Phiên quốc nuôi làm con mình nhưng vẫn để mang họ Lục của cha đẻ. Đến nay công tử đã mười sáu tuổi rồi mà không lo báo thù cho cha mẹ lại nhìn kẻ thù của mình là cha, như vậy há chẳng đau lòng lắm sao?

Văn Long nói:

- "Khổ nhân nhi'' nói vậy tức ám chỉ ta đây chứ gì?

Vương Tá nói:

- Nếu tôi không nói công tử thì tôi còn nói ai nữa? Tôi chặt đứt một cánh tay cũng chỉ vì công tử đó thôi nếu không tin tôi, công tử cứ hỏi lại bà vú thì rõ ngay.

Nói đến đây bỗng thấy bà vú từ bên trong bước ra vừa khóc vừa nói:

- Nãy giờ ta ở bên trong nghe rõ câu chuyện rồi. Quả thật lời tướng quân đây nói không sai, thật tình Lục lão gia và phu nhân chết một cách thê thảm.

Nói rồi lại khóc rống lên, Lục Văn Long cũng mủi lòng sa nước mắt, liền bước xuống, nói:

- Đứa con bất hiếu này thật là vô tình không hay biết gì cả, đến nay đã biết rõ rồi lẽ nào lại không báo thù cho cha mẹ?

Nói rồi quay lại Vương Tá và nói:

- Xin ân công hãy nhận cho tôi một lạy, ân đức này dù đến bạc đầu tôi vẫn không quên.

Lạy rồi, Lục Văn Long đứng phắt dậy rút gươm ra giơ lên cao nói:

- Nhất định ta phải giết cho kỳ được tên cừu địch mang về Tống mới hả dạ.

Vương Tá vội can:

- Xin công tử chớ có nóng nẩy, vì dưới trướng của hắn có lắm thủ hạ, nếu làm không xong e bị hại, phàm làm việc gì cũng phải đắn đo suy tính chớ nên hấp tấp.

Lục Văn Long lại hỏi:

- Vậy thì theo ý ân công bây giờ ta phải hành động như thế nào đây?

Vương Tá đáp:

- Để chầm chậm chúng ta sẽ thừa cơ hội kiếm chút công lao trở về Tống cũng không muộn.

Công tử vâng lời dằn cơn nóng giận, lúc ấy bọn tiểu Phiên ở ngoài chỉ nghe tiếng khóc than chứ không hiểu việc gì đã xảy ra bên trong cả.

Vương Tá lại hỏi Lục Văn Long:

- Còn Tào Ninh là người xuất thân ở đâu. Công tử có biết không?

Lục Văn Long nói:

- Người ấy là con Tào Vinh, sinh trưởng tại ngoại quốc.

Vương Tá nói:

- Tôi xem người ấy là tay nghĩa khí trung can, công tử hãy mời đến đây cho tôi kiếm lời khuyên nhủ xem sao?

Văn Long nghe lời vội cho người đi mời Tào Ninh.

Chỉ trong chốc lát, Tào Ninh đến xuống ngựa vào dinh ra mắt xong xuôi ngồi lại một bên. Bỗng thấy Vương Tá từ ngoài đi vào, Văn Long chỉ Tào Ninh giới thiệu cùng Vương Tá:

- Người này chính là Tào tướng quân đây, ngươi hãy vào làm lễ ra mắt người.

Vương Tá liền bước tới làm lễ ra mắt Tào Ninh, Văn Long lại nói với Tào Ninh:

- Người này là "Khổ nhân nhi'', y biết nhiều chuyện xưa tích cũ hay lắm.

Tào Ninh nói:

- Vậy thì điện hạ hãy bảo hắn dẫn vài tích cũ ra nghe chơi cho vui.

Lục Văn Long quay lại nói với.Vương Tá:

- Tào Nguyên soái muốn nghe tích xưa chuyện cũ, ngươi hãy lựa tích nào hay nói cho người nghe với.

Vương Tá liền lấy tích Việt điều quy Nam và Hoa Lưu hướng Bắc nói một hồi, Tào Ninh lên tiếng bình phẩm:

- ấy là điểu thú còn biết tưởng nhớ đến đất cũ, huống chi là người há chẳng bằng cầm thú sao?

Văn Long nghe Tào Ninh nói vậy tìm cách khơi chuyện, vội hỏi:

- Tướng công có biết lệnh tổ là người xuất thân ở đâu không?

Tào Ninh lắc đầu:

- Thật tình, tôi còn thơ ấu không được rõ.

Lục Văn Long nói:

- Lệnh tổ chính là người ở bên Tống.

Tào Ninh hỏi vặn:

- Sao Điện hạ biết được?

Văn Long nói:

- Tướng quân cứ hỏi thử "Khổ nhân nhi'' thì rõ ngay.

Tào Ninh quay lại hỏi Vương Tá:

- "Khổ nhân nhi", ngươi có biết rõ gốc tích của tổ phụ ta không?

- Dạ tôi biết rõ lắm, nguyên lệnh tôn là người ở bên Tống bị Sơn Đông Lưu Dự, dụ qua đầu Kim được phong đến chức Triệu vương, phụng sự cho ngoại bang, đã không tưởng đến ơn cha nghĩa chúa lại không kể đến tổ tông, vì vậy tôi mới đem cái tích ấy nói ra đây.

Tào Ninh nghe nói giựt mình bảo:

- Trước mặt Điện hạ đây, sao ngươi dám nói như vậy?

Lục Văn Long mỉm cười và đem hết việc Vương Tá chặt cánh tay và việc oán thù của mình nói hết ra cho Tào Ninh nghe, rồi bảo:

- Nay tướng quân cũng như tôi sa mình vào ngoại bang thật đáng tiếc, nên tôi mời tướng quân đến đây để thương nghị.

Tào Ninh nói:

- Nếu quả thật như vậy thì để tôi qua bên dinh Tống đầu trước là xong, ngặt vì tôi sợ Nhạc Nguyên soái không tin và chẳng chịu thu dụng tôi chăng?

Vương Tá nói:

- Không hề gì đâu, để tôi viết một phong thư, tướng quân cầm đến đó là Nhạc Nguyên soái hiểu rõ ngay.

Nói rồi lập tức viết một phong thư trao cho Tào Ninh. Tào Ninh tiếp lấy trở về dinh nằm suy nghĩ suốt một đêm. Chí đã quyết, nên sáng hôm sau Tào Ninh dậy thật sớm mang giáp, nai nịt chỉnh tề cưỡi ngựa san dinh Tống, xuống ngựa nói với quân sĩ:

- Ta là Tào Ninh muốn cầu ra mắt Nhạc Nguyên soái xin các người vào báo giùm.

Quân sĩ Vào phi báo, Nhạc Nguyên soái truyền cho vào Tào Ninh vào quỳ trước trướng bẩm:

- Tôi đến đây đầu hàng có bức thư của Vương tướng quân gửi đến cho Nguyên soái đây.

Nói rồi dâng thư lên, Nhạc Nguyên soái tiếp lấy mở ra xem mới hay sự việc, lòng mừng khôn xiết, liền nói:

- Thế thì hiền đệ của ta chặt tay "đầu'' Kim thật là hữu ích, nay đã lập được cái công lớn này chẳng uổng cái công chịu đau đớn hôm nọ.

Nhạc Nguyên soái cất thư xong nói với Tào Ninh:

- Tào tướng quân chẳng phụ tổ tông, chẳng quên cố tổ trở về đầu Tống thiệt là người nghĩa dũng đáng khen.

Nói rồi truyền Kỳ bài quan đem y giáp ra cho Tào Ninh thay đổi. Tào Ninh tạ ơn lui ra:

Bên dinh Kim, Ngột Truật đang ngồi trong trướng bỗng thấy quân sĩ chạy vào báo:

- Tào Ninh đã đi đầu Tống rồi.

Ngột Truật nghe báo giận sôi gan, bỗng thấy quân sĩ vào phi báo tiếp:

- Triệu Vương Tào Vinh đã giải lương về đến nơi.

Ngột Truật quát bảo:

- Hãy cho đòi hắn vào.

Lát sau Tào Vinh vào trước trướng ra mắt Ngột Truật và bẩm:

- Lương thảo tôi đã giải về đủ số. Ngột Truật vẫn sắc mặt hầm hầm hô tả hữu trói Tào Vinh lại, Tào Vinh không biết lý nguyên do gì, bèn nói:

- Tôi giải lương về đây rủi ro gặp trời mưa gió có trễ vài ngày xin Chúa công ban ơn dung thứ cho.

Ngột Truật nạt lớn:

- Chớ có đánh trống lảng, mi xúi con mi đi đầu Tống, cha con mi quả thật âm mưu với nhau còn chối cãi nữa sao?

Tào Vinh nói.

- Xin Chúa công cho tôi phân rõ đôi lời, dầu có chết tôi cũng cam.

Ngột Truật nói:

- Việc gì ngươi cứ nói mau lên.

Tào Vinh nói:

- Loài nghịch tử nó đi đầu Tống, nào tôi có hay biết gì đâu? Vậy xin Chúa công cho tôi bắt nó về đây để xử trảm cho rồi.

- Được rồi, ta tạm tha cho ngươi, song ngươi phải bắt cho được hắn về đây mới khỏi tội.

Tào Vinh vâng mệnh cầm thương lên ngựa dẫn binh đến trước dinh Tống kêu quân sĩ nói lớn:

- Hãy vào báo cho Tào Ninh biết rằng, có cha nó là Triệu Vương Tào Vinh đến đây, hãy kêu nó ra cho ta bảo.

Quân sĩ chạy vào phi báo, Nhạc Nguyên soái liền sai Tào Ninh ra quân và căn dặn:

- Ngươi ra đi phải tùy có ứng biến, phải lấy lời hơn thiệt khuyên lệnh tôn trở về đầu Tống, ắt được phong thưởng.

Tào Ninh lên ngựa lướt qua khỏi dinh thấy quả nhiên là cha mình. Tào Vinh vừa thấy con mình thay đổi mặc y giáp theo Tống tướng thì nổi giận xung thiên mắng lớn:

- Loài nghịch tử kia, mi thấy ta sao không xuống ngựa?

Tào Ninh nói:

- Gia gia chưa rõ, vì nay con đã làm tướng cho nhà Tống rồi, điều ấy thật con không có lỗi chút nào, sao gia gia không biết cải tà qui chánh về phò Tống để làm rạng rỡ tổ tông, xin gia gia hãy nghĩ lại.

Tào Vinh nạt lớn:

- Quân nghiệt súc, mi chẳng kể đến cha mẹ lại bội chúa cầu vinh; hãy theo ta về chịu tội với Chúa công cho mau.

Tào Ninh nói:

- Chỉ vì lâu nay con không biết, bay giờ con đã hiểu cả rồi chứ như cha đã làm đến chức Tiết Đạt sứ lại đành phản chúa đi đầu quân giặc, sao chẳng học theo Lục Đăng, Trương Thúc Dạ, Lý Nhược Thủy, Nhạc Phi, Hàn Thế Trung, một lòng vì nước lại nỡ dâng trọn Hoàng Hà đi đầu quân Kim để cho Nhị Đế ngồi dưới giếng dòm trời thì lòng dạ nào đành vậy? Làm dân không biết nước nhà làm tôi không biết thờ chúa thì có khác nào loài cầm thú, nếu cha không nghe lời con, xin hãy về đi chớ nói chi nhiều lời vô ích.

Tào Vinh cả giận mắng:

- Loài súc sinh, sao mi dám buông lời vô lễ như vậy?

Vừa nói giục ngựa vung thương đến đâm Tào Ninh; lúc ấy Tào Ninh cũng nóng nảy dằn lòng không được nên đâm sơ một thương chẳng dè trúng ngay yếu huyệt, Tào Vinh chết ngay tại chỗ. Tào Ninh sai quân khiêng Tào Vinh đem về dinh Nhạc Nguyên soái chờ lệnh.

Nhạc Nguyên soái thấy thế kinh hãi vội nói:

- Nếu cha ngươi không chịu về đầu thú thì thôi cớ sao ngươi lại nhẫn tâm giết chết cha mình như vậy thì còn gì là luân thường đạo nghĩa? Thế thì bẩn soái chẳng dám dùng ngươi, ngươi hãy đi đâu thì đi mặc ý.

Tào Ninh suy nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Lời Nguyên soái nói rất chí lý, nay tôi đã là kẻ đại nghịch thì mặt mũi nào sống trên thế gian này nữa?

Rồi Tào Ninh vùng lên nói lớn:

- Tào Ninh nay vô phúc nên không sớm gặp Nguyên soái chỉ giáo, thế thì chết phắt đi là phải.

Nói rồi tuốt gươm tự vẫn, Nhạc Nguyên soái sai quân cắt lấy thủ cấp bêu trước dinh làm hiệu lệnh một ngày rồi mới đem vào hợp với thây xác chôn cất tử tế, còn Tào Vinh là tên phản quốc nên Nguyên soái truyền chém lấy thủ cấp giải về Lâm An.

Khi Ngột Truật hay Tào Vinh bị con là Tào Ninh giết chết liền nói:

- Nếu vậy thì Tào Ninh đi đầu Tống quả không can chi đến cha nó, nay nó là đứa con đại nghịch mà Nhạc Phi lại dám dùng thì không phải là người sáng suốt, nếu vậy không đáng mặt danh tướng rồi.

Còn đang bàn luận, bỗng nghe quân vào báo:

- Không biết cớ chi bên Tống lại bêu đầu Tào Ninh làm hiệu lệnh.

Ngột Truật nghe nói vỗ tay khen:

- Như vậy như đáng một vị Nguyên soái, thật là tiếng đồn chẳng sai.

Rồi Ngột Truật quay lại nói với chư tướng:

- Tống triều đã có người như vậy thật khó mà chiến thắng.

Câu chuyện vừa đến đây bỗng có quân sĩ vào báo:

- Nay bổn quốc có sai hai vị Nguyên soái Hoàn Mộc Đà Xích và Hoàn .Mộc Đà Trạch đem liên hoàn giáp mã đến đây, hiện còn đứng ngoài dinh chờ lệnh.

Ngột Truật mừng rỡ vô cung vội truyền mời vào ngay. Hai vị Nguyên soái vào làm lễ ra mắt, Ngột Truật nói:

- Những liên hoàn giáp mã này tập luyện công phu hơn mấy năm rồi nay mới thành công, vậy ngày mai nhị vị Nguyên soái hãy ra quân bắt cho được Nhạc Phi.

Hai người vâng lệnh cho đóng quân dọc theo hai bên vệ đường. Sáng hôm sau, Hoàn Mộc Đà Xích và Hoàn Mộc Đà Trạch dẫn quân đến trước dinh Tống khiêu chiến.

Quân sĩ vào phi báo, Nhạc Nguyên soái hỏi thư tướng:

- Có ai dám ra trận không?

Vừa dứt lời đã thấy bọn Đào Tấn, Đổng Tiên, Phi Tuấn, Vương Tín và Vương Nghĩa, bước ra xin đi. Nhạc Nguyên soái bước ra phát cho năm ngàn binh mã sai Đổng Tiên cầm đầu điều khiển bốn tướng ra trận.

Năm tướng kéo binh ra khỏi dinh vừa đến trước đã thấy Hoàn Mộc Đà Xích mũi cao mắt lớn, hàm én đầu beo, lưng rộng vai tròn, mình cao tám thước: râu mọc xồm xoàm nước da đen như nhọ nồi, còn Hoàn Mộc Đà Trạch thì đầu đội trĩ vĩ náo sư khôi, mình mang tân thiết Ô du giáp, tướng mạo cực kỳ hung ác.

Đồng Tiên vừa trông thấy hét lên như sấm:

- Chúng bay tên họ là chi?

Phiên tướng đáp:

- Đại Kim quốc Nguyên soái Hoàn Mộc Đà Xích, Hoàn Mộc Đà Trạch là hai anh em ta đây, vâng lệnh Chúa công ta đến bắt Nhạc Phi, vậy ngươi có phải Nhạc Phi không?

Đổng Tiên nổi giận, gắt:

- Nguyên soái của ta đời nào lại đi đánh với lũ chuột như bay sao? Hãy mở to mắt xem võ nghệ của Đổng gia gia đây này.

Vừa nói vừa múa giản đánh tới, Hoàn Mộc Đà Xích cũng đưa thương ngăn đánh, hai người đánh nhau chưa đầy sáu hiệp, Hoàn Mộc Đà Trạch đứng ngoài thấy anh mình đánh không lại Đổng Tiên liền múa hỗn thiết thương xông vào trợ chiến, bên kia bọn Đào Tấn bốn người cũng vung binh khí áp vào đánh quyết liệt.

Bẩy người đánh nhau, tối trời mịt đất, hai viên Phiên tướng liệu bề đánh không lại quay ngựa bỏ chạy và hô lớn:

- Bớ tướng Tống nếu không sợ bỏ mạng thì hãy vào đây!

Đổng Tiên cười khanh khách nói:

- Chúng bay thì có thủ đoạn gì, chẳng qua là lũ thỏ dọa cáo chứ có gì đáng sợ. Cả bốn tướng Tống đều giục ngựa đuổi theo.