Cậu chăn cừu thấ vọng ra về và nhất quyết không bao giờ tin vào mộng mị nữa. Rồi cậu chợt nhớ còn phải giải quyết một vài việc : mua thức ăn, đổi sách lấy một quyển dầy hơn.
Sau đó cậu ra ngoài bãi chợ, ngồi trên ghế băng thưởng thức rượu vang mới mua. Hôm ấy trời rất nóng và chẳng hiểu sao vang lại làm cậu phấn chấn. Lũ cừu được gửi gắm chăm sóc cẩn thận nơi chuồng của một người bạn cậu mới quen ở lối vào thành phố.
Cậu quen biết nhiều người ở vùng này. Cậu thích đi nhiều cũng vì thế. Luôn luôn kết được bạn mới mà không cần mất trọn thì giờ để sống bên họ.
Nếu lúc nào cũng chỉ quen một số người thôi, như ở trường đạo, thì họ sẽ trở thành một phần không thể tách rời khỏi cuộc đời mình.
Khi đã như thế thì họ muốn thay đổi cuộc đời mình. Rồi khi ta không muốn thay đổi như họ muốn thì họ sẽ thất vọng. Vì hình như ai cũng tưởng mình biết rất rõ người khác phải sống như thế nào cho đúng, trong khi lại mù mờ về cuộc sống của chính bản thân mình. Giống như bà lão giải mộng kia không biến nổi giấc mơ thành hiện thực vậy. Cậu muốn chờ cho đến khi mặt trời xuống thấp nữa mới dẫn đàn cừu đi tiếp. Chỉ còn hơn ba ngày nữa là cậu sẽ gặp lại cô con gái của nhà buôn nọ.
Cậu bắt đầu đọc quyển sách mới nhận được của linh mục thành Tarifa. Sách dầy lắm và ngay trang đầu đã nói về một đám tang mà tên các nhân vật phức tạp quá. Nếu một ngày nào đó mình viết sách, cậu nghĩ, mình sẽ chỉ cho nhân vật này xuất hiện tiếp nhân vật khác để người đọc khỏi rối trí. Tập trung đọc một lúc cậu mới thấy hay vì truyện viết về một đám tang trên tuyết trắng đã đem đến cho cậu một cảm giác tươi mát dưới cái nắng trưa gay gắt này.
Cậu đang mê mải đọc thì một ông già đến ngồi cạnh và bắt chuyện.
"Họ làm gì đấy ?" ông già hỏi, tay chỉ những người đi lại hối hả trên bãi chợ.
"Làm việc", cậu đáp cụt ngủn chủ ý cho thấy mình đang say mê đọc.
Nhưng thật ra cậu đang nghĩ đến việc sẽ xén lông cừu trước mắt cô con gái chủ tiệm để cô thấy cậu giỏi giang, làm được nhiều việc không dễ tí nào. Cậu đã nhiều lần tưởng tượng cảnh ấy và lần nào cô gái cũng sửng sốt khi cậu giải thích cho cô biết rằng phải xén lông cừu từ sau tới trước. Cậu cũng ráng nhớ vài ba giai thoại để có thể vừa làm vừa kể cô nghe. Phần lớn những giai thoại này cậu đọc trong mấy quyển sách nào đó nhưng lại muốn kể như thể chính mình đã chứng kiến. Đàng nào thì cô cũng không biết thực hư được vì cô không biết đọc.
Nhưng ông già không chịu buông. Ông kêu rằng mệt, khát và xin một hớp vang. Cậu đưa ông chai rượu, hi vọng rồi sẽ được để yên. Nhưng ông già cứ nhất định bắt chuyện. Ông hỏi cậu đang đọc gì đấy. Cậu muốn tỏ ra bất lịch sự và đổi sang ghế khác quá nhưng bố cậu đã dạy phải kính trọng người già cả. Thành ra cậu đưa quyển sách cho ông, vì hai lí do : một là cậu không đọc được đúng tên sách, hai là nếu ông già không biết đọc thì có lẽ ông sẽ xấu hổ và tự sang ngồi ghế khác.
"Hừm...", ông già ậm ừ rồi săm soi nhìn quyển sách như thể nó là một vật lạ. "Quyển này tuy là một tác phẩm lớn nhưng rất nhàm chán".
Cậu chăn cừu sửng sốt. Không những ông già biết chữ mà còn đã đọc quyển sách đó rồi nữa. Nếu đúng là nhàm chán như ông già nói thì còn kịp để đổi lấy quyển khác.
"Nó cũng nói về cùng một vấn đề như mọi quyển sách khác thôi", ông già nói tiếp. "Rằng con người không có khả năng lựa chọn lấy vận mệnh của mình. Và kết thúc rằng ai cũng tin vào cái điều bịp bợm nhất thế gian".
C
"Điều bịp bợm ấy là gì ?" cậu chăn cừu ngơ ngác hỏi.
"Đó là : vào một lúc nhất định trong đời, chúng ta không làm chủ được vận mệnh của mình nữa và rồi đời mình sẽ do định mệnh đưa đẩy. Đó chính là điều dối trá nhất thế gian !"
"Cháu thì không thế", cậu đáp.
"Người ta muốn cháu trở thành thầy tu nhưng cháu đã quyết định làm kẻ chăn cừu."
"Thế là phải lắm," ông già nói. "Bởi cậu thích đi đây đi đó nhiều mà."
"Ông này đọc được ý nghĩ của mình", cậu ngẫm ngĩ.
Trong lúc ấy ông già lần giở sách, không có vẻ gì muốn trả lại cả. Cậu chăn cừu nhìn bộ quần áo khác thường ông già mặc trên người. Trông ông như một người Arập, điều không có gì lạ ở vùng này. Châu Phi chỉ cách Tarifa có vài giờ đường thôi; chỉ cần dùng thuyền nhỏ vượt eo biển (Châu Phi cách Tây Ban Nha bởi eo biển Gibraltar) hẹp là tới. Người Arập thường đến thành phố này mua sắm và ngày nào cũng nhiều lần lâm râm đọc những bài kinh lạ tai của họ.
"Ông từ đâu đến ?" cậu hỏi.
"Từ nhiều nơi."
"Không ai có thể đến cùng lúc từ nhiều nơi khác nhau được", cậu nói. "Cháu là kẻ chăn cừu và biết nhiều nơi nhưng đến thì chỉ từ một thành phố thôi; nó ở gần một nơi thành cổ. Cháu sinh ra ở đấy."
"Thế thì có thể nói sinh quán ta ở Salem."
Cậu chăn cừu không biết Salem ở đâu, nhưng không hỏi tiếp để khỏi bị xem là dối nát. Cậu nhìn những người lăng xăng đi lại trên bãi chợ một lúc lâu, người nào cũng có vẻ rất bận rộn.
"Salem giờ ra sao ?", cậu hỏi, mong tìm được chút manh mối.
"Vẫn thường".
Chẳng lần ra được chút gì. Cậu chỉ biết Salem không ở trong vùng Andalusia, bởi nếu có thì cậu đã nghe nói tới rồi.
"Thế ông làm gì ở Salem ?" cậu hỏi tới.
"Ta làm gì ư ?" Ông già bật cười ha hả. "Ta là vua xứ Salem !"
'Người ta cứ hay nói những chuyện lạ lùng', cậu nghĩ thầm.
"Đôi khi chơi với lũ cừu còn thích hơn vì chúng câm, chỉ biết tìm thức ăn và nước uống. Sách cũng giúp ta đỡ buồn bằng cách kể ta nghe những chuyện hay ho mỗi khi ta muốn nghe. Nhưng khi trò chuyện với người thì có thể họ sẽ nói những điều quái lạ khiến ta chịu không biết phải tiếp tục nói gì."
"Tên ta là Melchisedek", ông già nói. "Cậu có bao nhiêu cừu ?"
"Tạm đủ", cậu nghi ngại đáp. Ông này muốn biết quá nhiều về cậu.
"Thế thì phiền lắm đấy vì ta sẽ không giúp cậu được gì nếu cậu cho rằng có đủ cừu".
Đến đây thì cậu bực mình thực sự. Cậu có cầu được giúp đỡ gì đâu; ông già xin cậu rượu vang, bắt chuyện và mượn sách đấy chứ.
"Ông cho cháu xin lại quyển sách. Chái phải trở lại chỗ bầy cừu rồi dẫn chúng đi tiếp."
"Nếu cậu trả thù lao cho ta một phần mười số cừu của cậu thì ta sẽ chỉ cậu cách đến được cái kho tàng chôn giấu bí mật đó", ông già nói.
Đến đây cậu chợt nhớ lại giấc mơ và bỗng thấy mọi sự như sáng tỏ. Mụ già giải mộng tuy không đòi gì hết nhưng bây giờ lão già này, có thể là chồng mụ lắm, sẽ lấy của cậu đổi lại một lời chỉ dẫn vô giá trị về một kho tàng không hề có. Chắc hẳn lão cũng là dân Zigeuner thôi. Cậu chưa kịp mở miệng thì ông già đã cúi nhặt một cây que rồi viết trên mặt cát.
Khi cúi như thế, có gì đó lóe sáng trên ngực ông làm cậu lóa mắt. Nhưng ông già, bằng một động tác phải nói là quá nhanh nhẹn ở vào tuổi ông, vội kéo áo khoác che lên. Khi mắt không còn lóa nữa, cậu đọc những gì ông già vừa viết. Trên mặt cát bãi chợ là tên bố mẹ cậu. Cậu đọc về cuộc đời mình, những trò chơi thửa nhỏ. Những đêm lạnh lẽo trong chủng viện; cậu đọc tên con gái chủ tiệm vải mà chính cậu còn chưa biết. Cậu đọc những chuyện của mình mà cậu chưa từng thổ lộ cùng ai – như vụ cậu lấy trộm súng của bố để đi săn hươu, chuyện lần đầu tiên trong đời tự thân tìm biết dục tính là gì.