Nhà Có Hãn Thê Làm Sao Phá

Chương 64: Khắc Khổ 3






Lúc ăn cơm cùng Đoàn sư phụ, Đoàn đại nương hỏi: "Tôi nghe Kiều Hạnh nói, lúc luyện công tiểu thư bị thương ở tay hả?"
Đoàn sư phụ cảm thấy lão bà lo nghĩ linh tinh nên nói: "Làm gì có chuyện tập võ mà không bị thương đâu."
Đoàn đại nương lườm ông một cái rồi nói: "Mấy người trong tiêu cục các ông đều là một đám đàn ông thô kệch, có bị thương cũng chả hề hấn gì.

Nhưng con bé là thiên kim tiểu thư, nếu bị thương để lại sẹo thì sau này ăn nói thế nào với nhà chồng?"
"Có là thiên kim tiểu thư thì cũng hết cách.

Trừ phi là không tập võ nữa, nếu không thì khó tránh khỏi việc bị thương."
Đoàn đại nương có chút không hiểu, hỏi: "Cô gia là cử nhân lão gia, tương lai thi đậu tiến sĩ thì chính là quan lão gia rồi.

Đến lúc đó, tiểu thư chính là tiểu thư nhà quan, ông nói xem, sao con bé lại khăng khăng muốn tập võ như vậy?"
Áo cơm không lo, tiền đồ tốt đẹp lại vẫn muốn chịu cái khổ này, thật sự là làm cho người ta khó hiểu.

Đoàn sư phụ nghe thế bèn nói: "Bà nghĩ nhiều như vậy làm gì hả? Tiểu thư sẵn lòng thì ta cứ dạy thật tốt, con bé không học cũng không cần miễn cưỡng."
Đoàn đại nương đáp: "Tôi không suy nghĩ nhiều, là do Tiểu Nhu muốn biết đấy.

Ông nhà à, ngày mai ông hỏi thử tiểu thư xem nàng ấy nói thế nào?"
Đoàn sư phụ trầm ngâm một chút rồi đáp: "Được."
Thanh Thư vừa trở lại chủ viện, Cố lão phu nhân lập tức chỉ vào mấy chồng sách chất đống ở trên bàn, cười nói: "Thanh Thư à, sách đều đã mua về hết, con kiểm tra thử xem có bỏ sót hay không."
Thanh Thư tắm rửa xong, lấy danh sách ra kiểm tra lại một lượt: "Bà ngoại, đã mua đủ rồi, không thiếu gì cả."
Nói xong, nàng rút một quyển thơ Đường từ bên trong ra.

Có câu tục ngữ đại ý là, thuộc ba trăm bài thơ Đường, không làm thơ cũng biết ngâm.

Vì vậy, sau khi viết xong năm tờ chữ lớn, Thanh Thư bèn bắt đầu đọc thơ Đường.

Cố lão phu nhân thấy vậy thì không cảm thấy thích mà ngược lại đâm lo.


Né tránh Thanh Thư, bà nói với Hoa ma ma: "Ngươi có phát hiện Thanh Thư có chút không đúng hay không?"
Hoa ma ma cười nói: "Làm gì có nha!"
"Bốn tuổi chính là thời điểm một đứa trẻ ưa thích chạy nhảy, nô đùa.

Nhưng ngươi xem kìa, Thanh Thư không phải học bài luyện chữ thì lại là tập võ, thời gian sắp xếp quá chặt chẽ, đến chút thì giờ để vui chơi cũng không chừa lại."
Người lớn còn muốn thở một hơi, chứ nói chi con bé chỉ là một đứa con nít.

Hoa ma ma vừa cười vừa nói: "Người khác đều hy vọng đứa trẻ nhà mình có thể nỗ lực học tập, thế mà lão phu nhân ngược lại còn cảm thấy lo lắng ư?"
Cố lão phu nhân lắc đầu: "Nỗ lực học tập đương nhiên là tốt, nhưng cũng phải thư giãn một cách hợp lý.

Học nhiều thứ như vậy sẽ mệt chết đấy."
"Lão phu nhân, Kiều Hạnh cũng cảm thấy tiểu thư không có thời gian vui chơi, khuyên nàng đừng tập võ nữa.

Người đoán xem, tiểu thư đã nói như thế nào?"
Thấy Cố lão phu nhân nhìn mình, Hoa ma ma mím môi cười, tiếp lời: "Tiểu thư nói, nàng thích đọc sách cũng thích tập võ.

Chúng ta cảm thấy vất vả, nhưng tiểu thư thấy thú vị."
Cố lão phu nhân dở khóc dở cười: "Nha đầu đó..."
Lúc lên giường, Thanh Thư ôm cánh tay Cố lão phu nhân khoe: "Bà ngoại, hôm nay con thuộc năm bài thơ.

Bà ngoại, để con đọc cho người nghe nhé!
"Muôn dặm non xanh chim mất bóng, Vạn nẻo đường mòn bặt dấu chân.

Thuyền nan u uẩn che tơi nón, lão chài mặc tuyết thả cần không..."*
*Chú thích: Đây là bài thơ Giang Tuyết của Liễu Tông Nguyên.

Bản dịch trên lấy của Tiểu Ly Ly ở Thi Viện.

nguyên văn:
"千山鸟飞绝,
万径人踪灭.

孤舟蓑笠翁,
独钓寒江雪..."
Đọc xong năm bài thơ, Cố lão phu nhân khẽ xoa đầu nàng, ôn nhu nói: "Đã muộn rồi, ngủ đi!"
Cả ngày xoay tới xoay lui, đến giờ Thanh Thư cũng đã mệt ngất ngư rồi, mới nhắm mắt lại chưa được bao lâu, nàng đã thiếp đi.

Cố lão phu nhân âu yếm xoa mặt Thanh Thư, rồi khẽ thở dài.

Đứa trẻ không biết tiến bộ thì làm người lớn bận tâm, đứa trẻ quá hiểu chuyện cũng làm người ta đau lòng.

Nếu không phải Cố Nhàn quá vô dụng, bà nhất định sẽ không cho Thanh Thư tập võ.

Nhưng Cố Nhàn lại không được việc, người Lâm gia cũng chẳng phải loại lương thiện gì.

Lúc còn sống thì bà còn có thể che chở mẹ con bọn họ, nhưng nếu vạn nhất bà gặp chuyện ngoài ý muốn thì phải làm sao đây.

Vì vậy chỉ khi Thanh Thư học được bản lĩnh thì sau này hai mẹ con bọn nó mới an toàn.

" Vất vả cho con rồi, bé con à."
(Truyện đăng tại bachngocsach_@Lục Lam)
Ngày hôm sau, Đoàn sư phụ bèn hỏi Thanh Thư: "Cô vốn là thiên kim tiểu thư, tại sao lại khăng khăng tập võ vậy?"
Thanh Thư có chút kinh ngạc.

Câu hỏi này nếu muốn hỏi thì cũng nên hỏi vào ngày đầu tiên học.

Bây giờ cũng đã qua hơn nửa tháng rồi, Đoàn sư phụ mới hỏi có phải là hơi muộn hay không.


Trong lòng Đoàn sư phụ không giấu được chuyện, bèn nói thẳng: "Là Tiểu Nhu hỏi đấy.

Con bé nói cô là thiên kim đại tiểu thư, vì sao còn muốn chịu cái khổ này."
Thanh Thư vừa cười vừa đáp: "Có võ công rồi, sau này có đụng phải người xấu cũng không phải sợ."
Không ngờ tới lại là lý do như vậy.

Đoàn sư phụ nói: "Nếu như tiểu thư sợ gặp phải người xấu, có thể xin lão phu nhân mời cho tiểu thư một nữ hộ vệ mà."
Thanh Thư đáp ngay: "Bà ngoại từng nói với ta một câu, cậy trời không bằng cậy mình.

Ta cảm thấy lời này rất có lý.

Bản thân học được bản lĩnh, cho dù có gặp chuyện cũng không cần e sợ."
"Lão phu nhân thực không phải người thường." Không giống ông, con gái sợ khổ không muốn tập võ thì thôi ngay.

Lúc ấy Đoàn sư phụ cũng rất muốn tìm cho nàng một gia đình tốt muốn lấy con gái nhà mình, chỉ cần sau này trải qua cuộc sống cơm áo không lo là được.

Kết quả đại đồ đệ thì thoái hôn, con rể nghìn chọn vạn tuyển cũng là loại lòng lang dạ sói.

Hai kẻ đó hại nữ nhi đến mức này khiến ông hối hận không thôi.

Thanh Thư mỉm cười nói: "Bà ngoại ta rất lợi hại.

Sư phó, bà ngoại nói tạm thời chúng ta sẽ chuyển đến một viện tử khác.

Đợi nơi này chuẩn bị tốt rồi thì lại chuyển về."
Trạch viện Cố gia lớn như vậy, tìm một viện tử rộng rãi cũng không phải việc khó gì.

Đoàn sư phụ gật đầu nói: "Chọn xong chỗ rồi thì báo cho ta biết là được."
Luyện công xong, toàn thân nàng lại ướt đẫm.

Thanh Thư cảm thấy nên gợi ý để Cố lão phu nhân bảo người xây một căn tịnh phòng ở đây.

Như vậy thì nàng có thể trực tiếp tắm rửa ở bên này.

Ngày hôm đó, Phó Nhiễm chính thức bắt đầu giảng bài.

Thanh Thư cầm 《Kinh Thi》 mà lòng thầm kinh ngạc.

Nàng còn còn tưởng rằng Phó Nhiễm sẽ dạy mình thành ngữ hoặc là truyện ngụ ngôn kìa.

Phó Nhiễm giải thích: "Sau này khi ngươi vào học đường rồi, các học viên sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc tụ hội, mà những trường hợp này thì phần lớn đều sẽ làm thơ.

Bất luận làm tốt hay tệ thì ít nhất ngươi cũng phải biết cách làm.

Thanh Thư cũng hiểu, nếu muốn có quan hệ tốt với đồng học thì phải hòa nhập vào đó.

"《Kinh Thi》* là khởi nguồn của thơ ca, cũng là một bộ tổng hợp thơ ca sớm nhất, góp nhặt thơ ca những năm đầu Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu..."
*Sơ lược về kinh thi: Kinh Thi (giản thể: 诗经; phồn thể: 詩經; bính âm: Shī Jīng) là một bộ tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc, một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo.

Các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu (tk 11-771 TCN) đến giữa thời Xuân Thu (770-476 TCN), gồm 311 bài thơ.

Kinh Thi chia làm ba bộ phận lớn là Phong, Nhã và Tụng.

Nguồn gốc các bài thơ trong Kinh Thi khá phức tạp, gồm cả ca dao, dân ca và nhã nhạc triều đình, với các tác giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đương thời.

Từ ca dao, dân ca được ghi chép lại thành văn rồi thành kinh điển, Kinh Thi đã trải qua quá trình sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn công phu.


Nguồn: bách khoa toàn thư mở wikipedia
Thanh Thư nghiêm túc nghe, nghe không hiểu thì trực tiếp hỏi, mà Phó Nhiễm cũng sẽ dừng lại, kiên nhẫn giải đáp cho nàng.

Nghe thấy chỗ nào quan trọng thì Thanh Thư sẽ lập tức ghi chép lại, còn Phó Nhiễm cũng sẽ dừng lại, đợi nàng ghi xong mới giảng tiếp.

Mãi tới khi đến giờ, Tân Nhi đứng ở cửa bèn nhắc nhở: "Chủ tử, đã hết ba khắc đồng hồ."
Phó Nhiễm vừa cười vừa nói: "Nghỉ ngơi một khắc đồng hồ thôi."
Đến tiết thứ hai vẫn dạy Kinh Thi.

Nhưng đến tiết thứ ba thì hai sư đồ đổi sang học 《Sách nhập môn cho nhi đồng》
Thứ Phó Nhiễm giảng chính là truyện ngụ ngôn.

Nàng cảm thấy truyện ngụ ngôn này rất có ý nghĩa giáo dục.

Dùng nó để dạy bảo trẻ con, vừa không buồn tẻ lại có tác dụng dẫn dắt.

"Hôm nay chúng ta sẽ bàn về 《Tam giới》, đây là bộ ba truyện ngụ ngôn do đại gia văn học đời Đường- Liễu Tông Nguyên sáng tác trong thời gian ông bị biếm trích (giáng chức) xuống Vĩnh Châu, bao gồm 《Con nai Lâm Giang》, 《Con lừa Kiềm Chi》, và 《Tộc chuột Vĩnh Châu 》.

Tác gia thông qua hình tượng ba loại động vật là nai, lừa, chuột nhằm lột trần sự xấu xí đến lố bịch của một số kẻ tiểu nhân trong tầng lớp quan lại quyền quý, cũng đưa ra lời dự đoán sự diệt vong là lẽ tất yếu.

Văn phong, ngôn từ ngắn gọn xúc tích, thấy cái lớn từ cái nhỏ, ý vị sâu xa, mạnh mẽ châm biếm hiện thực.

Hôm nay, chúng ta sẽ giảng về câu chuyện thứ nhất 《Con nai Lâm Giang》...!"
*Đôi nét về Liễu Tông Nguyên:
Liễu Tông Nguyên (chữ Hán: 柳宗元,773-819), tự Tử Hậu, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời trung Đường, Trung Quốc.Ông là người Hà Đông, nay thuộc huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc).

Ông đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ chín (793) đời Đường Đức Tông, làm quan đến chức Giám sát ngự sử.

Sau khi tham gia cải cách nhưng chưa được bao lâu thì thất bại thảm hại bởi sự chống trả mãnh liệt từ thế lực đối địch, sau đó thì ông bị giáng chức đến Vĩnh Châu làm tư mã.

Trong thời gian mười năm bị giáng chức ở Vĩnh Châu, do bản thân bị bức hại, và do được quan sát hiện thực tường tận hơn, nên tác phẩm của ông không còn phù phiếm, cơ bản thoát khỏi qui củ văn chương thời Lục Triều[7].trở thành nhà tản văn có phong cách độc đáo trong lịch sử văn học Trung Quốc.

Nguồn: Bách khoa toàn thư mở wikipedia (có sự tóm lược).

*Vài nét về "Ba điều răn" hay《Tam giới 》: Là tuyển tập bộ ba truyện ngụ ngôn của Liễu Tông Nguyên, ba tác phẩm, ba hình tượng con vật, mỗi hình tượng lại châm biếm và mỉa mai sâu sắc chế độ phong kiến bảo thủ và bọn tay sai, cả hiện thực tối tăm khi cái xấu hoành hành mọi nơi lúc đương thời.

Cố Nhàn cũng từng nói qua với Thanh Thư mấy câu truyện ngụ ngôn, nhưng lại không giảng quyển 《Tam giới》 này.

Hơn nữa, Cố Nhàn cũng chỉ dựa theo sách vở đọc, không nói được sâu sắc như Phó Nhiễm.

Bởi vậy, Thanh Thư bỗng chốc nghe đến mê mẩn.

Đợi đến lúc Tân Nhi nhắc nhở rằng đã hết ba canh giờ thì Thanh Thư rất buồn bực.

Thế nào mà thời gian lại trôi nhanh như vậy chứ!
Phó Nhiễm thấy dáng vẻ vẫn chưa thỏa mãn của nàng, cười nói: "Ngày mai chúng ta sẽ lại tiếp tục học đó.".