Nguyệt Minh Thiên Lý - La Thanh Mai

Chương 115




Dao Anh đuổi theo Đàm Ma La Già. Tất Sa nối theo sau lưng nàng.

Cả đêm qua gió lạnh, trước đình phủ kín tuyết, ba người bước đi qua vùng tuyết đọng, tiếng chân rồm rộp.

Đàm Ma La Già bước đi ung dung, không nhanh, nhưng do chàng cao lớn, chân dài sải một bước, cà sa phần phật, trong chớp mắt đã cách ra một khoảng.

Dao Anh bước nhanh đuổi theo, đột nhiên cảm thấy chân bị lún cứng, cả người đóng cứng tại chỗ không thể động đậy. Nàng cúi đầu, phát hiện nửa chiếc ủng dài đã kẹt sâu trong tuyết. Gần đây thời tiết ấm áp dần, tuyết không đông cứng chắc như vào trời đông giá rét. Dao Anh thử rút ủng, thử mấy lần, vẫn không thể động đậy.

Tất Sa theo sát sau lưng nàng, thấy thế, nhịn không được cười ha ha, bước tới vừa đưa tay dìu nàng vừa cười nói: “Công chúa đừng nóng vội, để tôi giúp người…”

Vừa vươn tay đến Dao Anh, đuôi khóe mắt thoáng thấy hiện một góc cà sa trắng, nụ cười có phần cứng đờ. 

Dao Anh tự nắm ủng rút mấy lần, người hơi chao đảo muốn đứng không vững, trước mặt thoáng thấy hai bóng đen xuất hiện, nàng ngẩng lên đưa tay vô thức chụp nhẹ tay áo một người. 

Cả ba đều không lên tiếng.

Tất Sa rũ mắt nhìn mấy ngón tay thon dài của Dao Anh, ánh mắt hơi khác thường.

Dao Anh cũng nhìn tay mình, trong lòng hơi chột dạ, chậm rãi nhướng mi đối diện với ánh mắt trong trẻo lạnh nhạt của La Già.

Chàng đứng ngay trước mặt nàng, gương mặt tuấn tú, thần thái tuấn lãng, mặt như không lộ cảm xúc, phong thái xuất trần.

Không biết sao, lúc cấp bách nàng chụp phải ống tay áo của chàng. Hoa văn thêu chỉ vàng tinh xảo trên cà sa cạ vào lòng bàn tay, hơi ngứa.

Dao Anh hoàn hồn, nhìn Đàm Ma La Già cười cười xin lỗi, định thả lỏng ngón tay thì cánh tay chàng nhẹ nâng, ra hiệu nàng đừng buông ra.

Nàng hiểu ý, nắm thật chặt tay áo chàng, mượn lực rút giày mình kẹt trong tuyết. 

“Giống nhổ măng ghê…” Dao Anh cười khẽ, buông tay ra, phủi nhẹ bông tuyết bám trên giày.

Đàm Ma La Già không nói, đợi nàng đứng vững vàng mới xoay người đi tiếp. 

Dao Anh đuổi theo hắn, nhìn Tất Sa đang mờ mịt bên cạnh hỏi: “Tướng quân chưa từng thấy măng à?”

Tất Sa nhìn nàng cười cười, lắc đầu nói: “Chưa, thường nghe đất Hán bao la, đất rộng vật nhiều, có rất nhiều thứ nơi này bọn tôi không có…” rồi anh chuyển đề tài, “Công chúa rời nhà lâu vậy hẳn rất nhớ quê nhà nhỉ?”

Dao Anh nhớ đến quê nhà cách Vương Đình xa vạn dặm, trong lòng phiền muộn.

Tất Sa nhìn chằm chằm bóng lưng Đàm Ma La Già không chớp mắt, hơi cất cao giọng: “Cũng tại tôi nhắc đến nỗi buồn của công chúa, công chúa đừng buồn, giờ Bắc Nhung hỗn loạn, nói không chừng người thân của công chúa đã tìm tới, tin rằng không bao lâu nữa, công chúa nhất định có thể về nhà đoàn viên với người thân.”

Dao Anh gật đầu, “Xin mượn tốt lành từ lời Tướng quân nhé.”

Ba người đi qua đình viện, bước lên thềm đá, cận vệ vén màn, Đàm Ma La Già đi vào, chỉ vào một cuộn da thú cuốn lại trên bàn: “Tất Sa, cậu đưa cái này đến đại doanh.”

Tất Sa chợt ngẩng nhìn Đàm Ma La Già, nét mặt cứng ngắc. 

Ủa mấy việc này đâu cần tự anh đi. 

Đàm Ma La Già vẫn bình tĩnh. Tất Sa không dám nói gì, thầm thở dài, trầm giọng vâng rồi cầm cuộn da thú rời đi.

Đàm Ma La Già nhìn Dao Anh: “Ngồi đi.”

Dao Anh cúi nhìn tấm thảm nhung Ba Tư trải trên đất, chần chừ không biết ngồi vào đâu. Đàm Ma La Già ngước mắt, nhìn qua trường án bên cạnh. Dao Anh hiểu ý, đi qua ngồi xếp bằng xuống.

Chậu than trong góc khuất cháy đỏ rực, tí tách vang, trong trướng ấm áp như xuân.

Đàm Ma La Già lấy một phong thư trên bàn đưa cho Dao Anh. Dao Anh nhận lấy, thấy phía trên ghi bằng chữ Hán rất đẹp, hơi lộ vẻ kinh ngạc, mở ra xem, nhoẻn cười: “Là thư của Pháp sư Đề Bà Mông Đạt.”

Sau khi Đề Bà Mông Đạt rời Vương Đình, trước khi về phía Tây, ông đến Khang Quốc rồi đi về phía Nam, men theo Hoạt Quốc, Hoạt Tất Na, Kiền Đà La về Thiên Trúc, bức thư viết lúc ông ở Hoạt Quốc, kể vài chuyện trên đường đi, báo bình an với nàng. 

Dao Anh xem xong rất nhanh. “Đề Bà Mông Đạt bảo mọi việc đều tốt, ông có hỏi thăm Pháp sư, dặn Pháp sư lúc uống thuốc phải đặc biệt để ý, đừng quá ỷ lại vào đan dược.”

Đàm Ma La Già gật đầu, nói: “Lúc ở Hoạt Quốc Đề Bà Mông Đạt gặp được Quốc Vương của Tì Ra Ma La, mới gửi nhờ họ đưa giùm, thư được sứ đoàn Thiên Trúc chuyển đến. Trong đoàn còn có một vị y giả người Thiên Trúc tinh thông dược lý, Đề Bà Mông Đạt đã mời ông ta đến Vương Đình.”

Dao Anh không kìm lòng được ngồi dậy: “Ông ấy đến xem bệnh cho Pháp sư ạ? Đề Bà Mông Đạt mời ông ta đến chắc chắn là vì ông ta có thể chữa trị cho Pháp sư!”

Đàm Ma La Già rũ mắt nhìn nàng. Dao Anh ngồi quỳ chân trước trường án, đón lấy ánh mắt chàng, cả khuôn mặt đầy vẻ chờ mong vui mừng, một đôi mắt sáng lóng lánh rực rỡ.

Nàng rất ít khi lộ ra thần thái cao hứng đến vậy.

Mà giờ phút này nàng cao hứng, hoàn toàn là vì mình.

Đàm Ma La Già không nói, ngón tay nhẹ khẩy cầm châu.

Dao Anh vỗ tay, nhẹ nhàng cười mà nói: “Pháp sư cầu phúc quả nhiên linh nghiệm.”

Đàm Ma La Già nhướng mày: “Cầu phúc?”

Dao Anh nhìn chàng, gật đầu, cười nói: “Sáng nay ở đại điện Pháp sư tụng kinh cầu phúc cho bách tính, trong lòng tôi nghĩ, nếu Phật thật có hiển linh, người đầu tiên nên được ban phúc hẳn phải là Pháp sư mới đúng, khi Pháp sư điểm vào tôi, tôi đang nghĩ nếu Đề Bà Mông Đạt có thể sớm tìm được cách trị cho Pháp sư thì tốt biết mấy…”

“Không ngờ lại có y giả Thiên Trúc đến thật.”

Mày Dao Anh cong cong, mặt như thuấn hoa. Đàm Ma La Già nhìn nàng, không hề nhúc nhích.

Trong chậu than búng mấy tiếng lách tách, một phòng ấm áp.

Chàng lặng thinh một lúc rồi hỏi: “Sao công chúa không cầu phúc phù hộ cho mình?”

Dao Anh cười cười, lơ đãng nói: “Lúc ấy không nhớ ra…” Nói xong, ánh mắt rơi xuống cây hương trượng mạ vàng dựng bên cạnh. “Lần sau Pháp sư cầu phúc, tôi lại đến tham bái.”

Nàng thuận miệng nói, nghĩ tới một chuyện, tò mò hỏi, “Đúng rồi, lúc Pháp sư cầm hương trượng điểm lên đầu tôi, ngài niệm gì thế ạ?” Kinh văn chàng tụng đa số bằng tiếng Phạn hay tiếng Hồ, vần luật ưu nhã, tuy nàng nghe không hiểu nhưng cũng nghe đến nhập thần.

Đàm Ma La Già nói: “Kinh văn.”

Dao Anh lắc đầu bật cười, không hỏi nữa.

Đàm Ma La Già ngồi yên, đột nhiên hỏi: “Công chúa có từng nghĩ tới vào cửa Phật không?”

Dao Anh giật nảy, mắt trợn to, kinh ngạc lắc đầu liên tục, cười nói: “Tôi không cao khiết như Pháp sư, tôi không bỏ được hồng trần thế tục, tham, sân, si, một cái tôi đều không bỏ được.”

Nói xong, quay sang chàng thả lỏng tay, thần sắc hoạt bát. “Chỉ cần mỗi ngày phải đọc thuộc kinh văn, tôi đã rất nhức đầu.”

Với cả nàng chẳng bỏ được đồ ăn mặn. 

Đàm Ma La Già lặng yên, ngón tay vuốt ve cầm châu.

Sáng nay, trước điện thờ Phật, hương trầm nồng đậm, tín đồ thành kính chật ních cả đại điện, từng người một bước đến nhận lời chúc phúc của chàng.

Pháp hội kiểu này chàng từng chủ trì rất nhiều lần, nam nữ già trẻ, tóc bạc tóc trái đào, người Hồ người Hán, trong mắt chàng, tất cả đều là những khuôn mặt mơ hồ, không phân sang hèn, không gì khác biệt.

Nhưng, trong một loáng nàng xuất hiện, chàng nhìn ra khuôn mặt xinh đẹp sáng rỡ của nàng.

Nàng từng bước một đi đến trước mặt chàng, trong con ngươi thanh tịnh phản chiếu bóng chàng, có vẻ giống những tín đồ khác, kính ngưỡng chàng, sùng bái chàng, kính cẩn ngoan đạo.

Lúc ấy, Đàm Ma La Già cụp mắt, đọc không phải kinh cầu bình thường.

Chàng đọc:

Nguyện nàng vô bệnh vô tai.

Nguyện nàng bình an vui vẻ.

Nguyện nàng trí tuệ thêm dài, tiêu trừ phiền não.

Nguyện nàng tâm tưởng sự thành, sớm ngày về lại cố hương.

Vạn dặm tầng mây, thiên sơn mộ tuyết, nàng đem về quê cũ, cả đời này không còn lưu lạc xông pha…

Một thế này, nàng sẽ không đặt chân lại tuyết vực ngàn dặm, càng sẽ không trù trừ ở tòa ốc đảo sa mạc này. 

Đàm Ma La Già chúc phúc qua rất nhiều người, sinh giả tất diệt, hợp hội tất ly, thịnh tất hữu suy, chúng khổ lưu chuyển, vô hữu hưu tức*, thường vì chịu đau khổ mà mọi người tìm kiếm Phật pháp phù hộ, muốn thoát khỏi khỏi nỗi khổ, chàng giáo hóa bách tính, cầu phúc cho chúng sinh, thầm nghĩ đủ loại khổ sở con dân phải gặp trong thời loạn. 

Khi đối diện với Dao Anh… Chàng nghĩ đến nỗi đau của nàng. Chàng muốn nàng bình an vui vẻ, còn muốn…

Đàm Ma La Già nhắm mắt lại, ngón tay nắm chặt cầm châu.

*tác giả: trích dẫn nguyên văn Phật kinh tương quan luận – có sinh tất có diệt, có gặp tất có phân, có thịnh hẳn có suy, nỗi khổ của mọi người luôn lưu chuyển, không hề nghỉ ngơi

Lúc này, ngoài cửa có tiếng động, cận vệ ngoài màn thông báo: “Vương, y giả Thiên Trúc tới.”

Đàm Ma La Già mở mắt, buông cầm châu, trên mặt đã khôi phục vẻ lạnh nhạt, ừm một tiếng. “Mời y giả vào.”

Màn nỉ lay động, một người đàn ông trung niên mặt dài môi mỏng, da màu nâu nhạt, tóc quăn màu nâu nhạt, người mặc bào trắng bước vào, hành lễ với Đàm Ma La Già, ánh mắt ngừng một thoáng trên người Dao Anh ngồi cạnh trường án, không chớp mắt tường tận xem xét nàng.

Đàm Ma La Già nói: “Vị này là Văn Chiêu công chúa.”

Y giả Thiên Trúc quay sang nàng hành lễ thăm hỏi. Dao Anh đáp lễ, nghiêng đầu nhìn Đàm Ma La Già.

Đàm Ma La Già liếc qua phòng trong sau màn gấm, nhẹ gật đầu.

Dao Anh định cáo lui nhưng thấy thần sắc ngài ấy như muốn mình tránh mặt, lại có ý vị không cho tranh cãi, buồn bực không hiểu vì sao ngài không dứt khoát cho mình về, đứng dậy lùi vào sau màn gấm.

Màn gấm rủ xuống, ngăn tiếng nói chuyện bên ngoài. 

Phòng trong cũng đốt chậu than, màn phủ dày kín nên còn ấm áp hơn cả bên ngoài, trước giường thấp Dao Anh từng ngủ vẫn còn để án thư nàng từng dùng, giấy bút sách vở trên bàn dường như cũng loáng thoáng giống như lần trước nàng đụng đến. 

Nàng đi đến trước thư án, tiện tay cầm lấy một cuốn sách, lật ra mới phát hiện thẻ kẹp sách ở đúng chỗ lần trước mình đọc đến. 

Tiếng nói chuyện đứt quãng bên ngoài màn gấm, Đàm Ma La Già và y giả đổi sang trò chuyện bằng tiếng Phạn. Cách mấy tầng màn, Dao Anh nghe không rõ, cũng nghe không hiểu, lật sách một lúc, buồn chán ghê gớm, bèn trải giấy nhấc bút, dựa bàn vẩy mực.

Tay nàng bôi bôi xóa xóa, vẽ đến nhập thần, cũng không biết sau bao lâu, nghe tiếng Đàm Ma La Già gọi nàng ngoài trướng.

“Văn Chiêu công chúa.”

Bốn chữ vô cùng đơn giản, âm điệu trong suốt, giọng bình thản, như ngọc thạch va nhau, lại giống suối vắng ào ạt chảy. 

Dao Anh để bút xuống bước ra ngoài. 

Y giả Thiên Trúc còn chưa đi, đi đến trước mặt nàng, cười híp mắt quan sát nàng hồi lâu, rồi quay lại cạnh trường án dùng tiếng Phạn nói nhỏ vài câu. Đàm Ma La Già nghe ông nói, ánh mắt luôn đặt trên người Dao Anh, gật gật đầu.

Trên mặt Y giả Thiên Trúc lộ vẻ vui mừng, cuống quít hành lễ, rồi bô bô một tràng. 

Dao Anh hơi ngơ ngẩn.

Đàm Ma La Già gọi Duyên Giác đến dặn dò: “Đưa công chúa về đi.”

Duyên Giác thưa vâng, đưa Dao Anh về viện tử.

Đợi đến khi bóng Dao Anh khuất sau góc sâu hành lang, Đàm Ma La Già hỏi y giả Thiên Trúc: “Có mấy phần chắc chắn?”

Thầy thuốc nghĩ ngợi rồi nói: “Hôm qua Vương cho người mang đến mọi phương thuốc và kết luận mạch chứng của công chúa, tiểu nhân và mấy vị y quan đã xem qua rất kỹ lưỡng, tiểu nhân làm việc ở cung đình nhiều năm, am hiểu loại bệnh này, trong lòng đã có mấy phần tự tin. Hôm nay gặp công chúa, tiểu nhân không dám nói ngoa, nhưng nhìn thần thái của công chúa thì bệnh ngài cũng không khó trị, công chúa sinh non, những năm tháng qua được nuôi nấng phù hợp nên đã khá lên không ít, chỉ cần điều chỉnh một tí chắc chắn sẽ có cơ thể khỏe mạnh, giảm hết ốm đau, không cần mỗi tháng phải chịu nỗi đau tán thuốc. Chỉ cần Vương sai bảo, tiểu nhân chắc chắn sẽ tận tâm tận lực chẩn trị cho công chúa.”

Mặt Đàm Ma La Già không chút cảm xúc, nói: “Sau này phải phiền đến y giả rồi.”

Y giả Thiên Trúc gấp không dám nhận, lặng lẽ đưa mắt nhìn chàng, thấy chàng lại hoàn toàn lạnh lùng như trước, dè dặt hỏi: “Công chúa Man Đạt của bỉ quốc từ nhỏ sùng bái Phật pháp, lần này công chúa theo lệnh Quốc Vương đến tham bái, Vương có thể cho phép công chúa đến Vương chùa lễ Phật, cầu phúc cho dân bỉ quốc không?”

Đàm Ma La Già gật đầu.

Y giả Thiên Trúc lặng lẽ thở phào, ông ta đồng ý chẩn trị cho công chúa Văn Chiêu người Hán là vì xin cho công chúa Man Đạt một cơ hội tiếp cận Vương Tự.

Từ khi công chúa Man Đạt đến Vương Đình, dù lễ quan Vương Đình khách khách khí khí, không có chút nào tiếp đón không chu đáo, nhưng Đàm Ma La Già chưa từng ra mặt, công chúa hoa dung nguyệt mạo, tài múa xuất chúng, từng với một khúc Thiên Ma Vũ nổi danh toàn Thiên Trúc, thế mà ngay cả mặt Phật Tử còn chưa gặp, bản lãnh cả người vốn không cách nào thi triển.

Có sự cho phép của Đàm Ma La Già, cuối cùng công chúa Man Đạt đã có cơ hội múa tặng Phật Tử.

Y giả Thiên Trúc cáo lui, trên mặt khó nén vui mừng.

Sau lưng nghe thấy tiếng Đàm Ma La Già: “Việc này xin y giả giữ bí mật, không được nhắc với người khác.”

Y giả Thiên Trúc vội vàng xoay người, cung kính nói: “Tiểu nhân nhớ kỹ, chuyện liên quan đến ngọc thể của công chúa, tiểu nhân chắc chắn miệng kín như hũ nút.”

Một canh giờ sau, Tất Sa từ đại doanh trở về thiền thất: “Vương, đã đưa đồ xong.”

Đàm Ma La Già dựa vào bàn viết, hờ hững đáp một tiếng.

Tất Sa lui về cạnh cửa.

Loảng xoảng vài tiếng, ưng bay về thiền thất, không ngừng kêu to, Duyên Giác vào thiền thất, thêm than vào chậu trong góc khuất, châm thức ăn nước uống cho ưng, thì thấy trên thư án mở ra một bức vẽ, ồ lên, nâng đến trước án cho Đàm Ma La Già.

“Vương, bức này hình như là công chúa vừa vẽ.” Sắc mặt Duyên Giác rất lạ kỳ. “Là kỹ thuật vẽ đang thịnh ở Trung Nguyên sao?”

Đàm Ma La Già dừng bút, nhận bức vẽ.

Trên giấy vàng nhạt, bằng mấy nét cong màu đen phác họa giản lược mấy bụi trúc và bóng một nam tử, thân hình cao gầy, mặc cà sa, trên tay một chuỗi phật châu, đang nắm một búp măng mập lùn nhổ lên.

Bức vẽ đường nét đơn giản, nhìn qua vụng về, nhưng rất có cảm xúc, người vẽ có lẽ rất thỏa mãn, bên cạnh còn đề mấy chữ rồng bay phượng múa: Phật Tử nhổ măng đồ.

Thì ra nàng nói giống như đang nhổ măng, là ý này.

Bảo nàng tránh mặt, nàng đi vẽ cái này.

Đàm Ma La Già nắm vuốt bức vẽ, khóe miệng nhẹ nhàng kéo.

Giống như tam sinh cạnh ao, một nhánh hoa sen xanh khẽ đung đưa, mặt nước mang theo một vòng gợn sóng.

Như có như không, thoáng qua liền mất.

Duyên Giác trợn to hai mắt, không dám tin, quay qua nhìn Tất Sa. Tất Sa giống cậu, hai mắt trợn to, cũng một vẻ chấn kinh.

Hai người không dám lên tiếng, đến khi nhìn lại Đàm Ma La Già, ngài đã buông giấy vẽ, thần sắc bình tĩnh, không một tia gợn sóng.