Người Tình

Chương 17




Mười lăm tuổi rưỡi. Tin tức lan ra nhanh chóng ở Sa Ðéc. Quần áo con nhỏ đó mặc cũng đủ cho thấy rồi. Bà mẹ không phải là người hiểu biết, và cũng không biết làm thế nào để nuôi dạy con gái. Tội nghiệp con bé. Ðừng có tưởng chiếc nón đó hoặc thứ son môi đó là ngây thơ, tất cả những thứ đó đều có ý đồ cho một việc gì đó, chúng không phải là ngây thơ đâu, nó có ý đồ cả đấy, nó là để thu hút sự chú ý, tiền bạc. Mấy thằng anh là bọn vô công rỗi nghề. Người ta nói đó là một người Tàu, con trai của một nhà triệu phú, ngôi biệt thự trên sông Cửu Long với đá sành màu xanh. Mà thậm chí là ông cụ, thay vì cho việc đó là sự vinh dự cho ông, thì ông ta cũng đã không muốn cưới cô ta cho con trai mình. Một gia đình vô công rỗi nghề da trắng.

Bà Lớn, người ta gọi bà như thế. Bà đến từ Savanna Khet. Chồng bà được bổ nhiệm xuống Vĩnh Long. Suốt cả năm người ta không thấy bà ở đó. Vì một người thanh niên, trợ lý công sứ ở Savanna Khet. Họ không thể là tình nhân của nhau nữa. Vì thế anh ta đã tự bắn mình. Câu chuyện trở thành bản tin dán ở Vĩnh Long. Ngày mà bà rời Savanna Khet để đi Vĩnh Long, một viên đạn xuyên qua tim. Nơi công trường chính trong ánh sáng mặt trời mênh mông. Vì các con gái bà và vì chồng bà sắp được bổ nhiệm xuống Vĩnh Long nên bà bảo chàng mối tình của họ phải chấm dứt.

Câu chuyện đó tiếp tục trong những khu vực bất hảo ở Chợ Lớn, mỗi buổi sáng. Mỗi buổi sáng, đứa con gái bẩn thỉu đó đi đến để cho gã triệu phú người Tàu vuốt ve thân thể mình. Rồi cô cũng đi đến trường trung học Pháp, với những cô gái da trắng nhỏ, những cô gái da trắng nhỏ khỏe mạnh học bơi trong hồ tắm ở Câu Lạc Bộ Thể Thao. Ðến một hôm, người ta bảo chúng đừng nói chuyện với cô con gái con của bà giáo sư dưới Sa Ðéc nữa.

Trong giờ chơi, nàng nhìn ra đường, chỉ có một mình nàng, tựa vào một cột trụ trong sân trường. Nàng không nói gì về việc đó với mẹ nàng. Nàng vẫn tiếp tục đến trường trong chiếc xe hơi limousine đen của người Tàu trong Chợ Lớn. Nàng nhìn chiếc xe chạy đi. Không ai vi phạm nội qui cả. Không cô gái nào nói chuyện với nàng. Sự cô lập mang trở lại kỷ niệm rõ rằng về Bà Lớn ở Vĩnh Long. Vào lúc đó bà mới vừa bước sang tuổi ba mươi tám. Và cô bé mới được mười tuổi. Và bây giờ, khi nàng nhớ lại, nàng đã mười sáu tuổi.

Bà Lớn đang ở trên sân thượng bên ngoài phòng bà, nhìn những con đường chạy dọc theo sông Cửu Long, tôi thấy bà khi tôi từ lớp giáo lý về nhà với người anh kế tôi. Căn phòng ở chính giữa một dinh thự lớn với những sân thượng được che mái, còn dinh thự thì ở giữa một khu vườn trồng cây trúc đào và cây cau. Những người khác trong tỉnh xa cách với cô gái cũng hệt như với bà lớn có chiếc mũ có chóp thấp. Như khi cả hai đang cùng nhìn những đại lộ dài bên bờ sông, nên tự họ đã giống như nhau. Cả hai đều bị cô lập. Lẻ loi, giống như những bà hoàng.

Tình trạng bị ghét bỏ của họ là một chuyện dĩ nhiên. Cả hai đều bị kết tội làm mất thể diện chính vì thứ thân thể mà họ có, được vuốt ve bởi những người tình, được hôn hít bởi những đôi môi của họ, bị phó mặc cho sự ô nhục của một thứ hoan lạc hướng về cái chết, như cả hai cùng gọi như thế, hướng về một cái chết kỳ di của những người tình không có tình yêu. Tất cả chuyện đó là như thế đấy: nỗi khát khao về sự chết này. Ðiều đó bắt nguồn từ họ, từ căn phòng của họ, một cái chết quá mãnh liệt đến nỗi khắp cả tỉnh đều biết đến sự hiện hữu của nó, được biết đến cả ở các nhiệm sở nội địa, các trung tâm tỉnh lỵ, các nơi tiếp tân chính thức và các buổi khiêu vũ uể oải của chính phủ.

Bà Lớn mới vừa bắt đâu tổ chức những buổi tiếp tân chính thức trở lại, bà nghĩ rằng mọi chuyện đã qua rồi, rằng người thanh niên ở Savanna Khét đã là một việc thuộc về quá khứ. Vì thế bà lại bắt đầu tổ chức những buổi dạ hội, những buổi tiếp tân mà bà cho rằng nhờ đó người ta có thể thỉnh thoảng gặp gỡ nhau và trốn thoát nỗi cô đơn đáng sợ khi phải phục vụ ở những nhiệm sở trong nội địa, những nhiệm sở bị bỏ rơi ở giữa những khoảng đất hình ô vuông của lúa mạ, của nỗi sợ hãi, của sự điên loạn, của cơn sốt, và của sự lãng quên.

Vào buổi tối, sau giờ học, vẫn chiếc xe limousine màu đen, vẫn chiếc nón vừa xấc láo vừa giống trẻ con, vẫn đôi giày kim tuyến, nàng ra đi, đi để được lột trần truồng ra bên cạnh gã triệu phú người Tàu, chàng tắm rửa cho nàng dưới vòi nước, một cách từ tốn, giống như nàng thường tắm cho mình ở nhà mẹ, với nước lạnh lấy trong chiếc lu mà chàng đã giữ đặc biệt cho nàng, rồi sau đó chàng bồng nàng, vẫn còn ướt đẫm, đến chiếc giường, chàng mở quạt lên và hôn nàng khắp cùng cơ thể nàng, càng lúc càng say đám, và nàng vẫn tiếp tục đòi hỏi thêm không biết bao nhiêu lần, rồi sau đó nàng trở lại ký túc xá, và không một ai trừng phạt nàng, đánh đập nàng, rạch mặt nàng hay sỉ nhục nàng.

Vào lúc đêm tàn, anh ta tự sát, nơi công trường chính, lấp lánh ánh sáng. Bà đang khiêu vũ. Rồi ánh nắng tràn đến, dọc theo cái xác. Rồi, với thời gian, ánh mặt trời làm nhòa đi những đường nét của xác. Không ai dám đến gần. Trừ cảnh sát. Ðến giữa trưa, vào lúc những chiếc tàu chở du khách ghé đến, không còn dấu vết gì nữa, công trường vắng tanh.

Mẹ tôi nói với bà quản đốc ký túc xá, Chuyện đó không sao cả, tất cả những điều đó đều không có gì quan trọng. Thế bà không thấy là mấy thứ đó hợp với con bé sao, những chiếc áo nhỏ cũ kỹ đó, chiếc nón màu hồng đó, và còn đôi giày vàng nữa? Mẹ tôi say sưa với niềm vui sướng khi bà nói về các con của mình, và chuyện đó làm cho bà trở nên duyên dáng hơn bao giờ. Những cô giáo trẻ ở ký túc xá lắng nghe bà với sự chú tâm đầy cảm động. Tất cả mấy người đó, mẹ tôi nói, tất cả bọn họ đều lảng vảng chung quanh nó, tất cả bọn đàn ông ở đây, dù có gia đình hay chưa, tất cả đều lảng vảng chung quanh nó, khao khát theo đuổi nó, theo sau một điều gì đó mà họ chưa xác định được, hãy nhìn xem, nó vẫn còn là một đứa con nít kia mà. Người ta có nói về chuyện nhục nhã à? Tôi muốn nói là, làm sao mà sự trong trắng có thể bị ô nhục được chứ?

Mẹ tôi nói huyên thuyên. Bà nói về câu chuyện mãi dâm rành rành và cười, bà cười về chuyện tai tiếng, về cái trò hề, về chiếc mũ buồn cười, về nét thanh lịch tuyệt vời của cô nhỏ băng ngang dòng sông. Và bà cười về những chuyện không thể cưỡng chống lại được ở những thuộc địa Pháp như nơi đây: tôi muốn nói, bà nói, cái con nhỏ da trắng hư hỏng này, con bé này bị giấu giếm cho trong những nhiệm sở nội địa cho đến bây giờ, rồi bất chợt xuất hiện ra giữa ánh sáng ban ngày và đi ngủ qua đêm với đồ cặn bã triệu phú người Tàu đó trước mắt mọi người, với viên kim cương trên ngón tay nó như thể nó là vợ của một ông chủ nhà băng. Rồi bà khóc.

Khi bà nhìn thấy viên kim cương bà nói bằng một giọng nhỏ nhẹ, Nó gợi cho mẹ nhớ tới chiếc nhẫn nhỏ mẹ có hồi mẹ đính hôn với người chồng đầu tiên của mẹ. Tôi nói: ông Dark. Chúng tôi cười. Ðó chính là tên ông ta, bà nói, nó đúng là tên ông.

Chúng tôi nhìn nhau hồi lâu, rồi bà nở một nụ cười ngọt ngào, hơi chế nhạo, đầy sự hiểu biết thật sâu xa về con cái của mình và về những gì chờ đợi chúng sau này khiến tôi gần như muốn kể hết cho bà nghe về chuyện xảy ra trong Chợ Lớn.

Nhưng tôi đã không kể. Tôi không bao giờ kể.

Bà chờ đợi một hồi lâu trước khi lên tiếng trở lại, bà nói, một cách thật đáng yêu, Con cũng biết thế là hết rồi, phải không con? Con biết là bây giờ con sẽ không bao giờ có thể lấy chồng ở thuộc địa này rồi chứ? Tôi nhún vai, mỉm cười. Tôi nói, Con có thể lập gia đình ở bất cứ nơi đâu, khi nào con muốn. Mẹ tôi lắc đầu. Không. Bà nói, Ở đây ai cũng biết chuyện cả rồi, ở đây con không thể lấy chồng được, vào lúc này. Bà nhìn tôi và nói những điều không thể nào quên được: Bọn họ thấy con quyến rũ phải không? Tôi trả lời, Dạ; họ thấy con quyến rũ bất kể mọi chuyện. Lúc đó bà mới nói, Mà cũng bởi vì những gì làm cho con là chính con.

Bà tiếp tục nói: Có phải chỉ vì tiền mà con gặp ông ta không? Tôi do dự, rồi nói chuyện đó chỉ vì tiền. Bà lại nhìn tôi một hồi lâu lần nữa, bà không tin tôi. Bà nói, Mẹ không giống như con, mẹ thấy trường học khó khăn hơn và mẹ rất là nghiêm trang, mẹ giữ như vậy quá lâu, quá trễ, mẹ đã đánh mất sự thích thú về khoái cảm của mình.

Ðó là vào một ngày nào đó trong kỳ nghỉ hè ở Sa Ðéc. Bà đang ngồi nghỉ ngơi trong chiếc ghế xích đu, chân tựa trên một chiếc ghế khác, bà đã tạo ra một luồng gió giữa cánh cửa phòng khách và cánh cửa phòng ăn. Bà có vẻ bình yên, không gây gổ. Bất chợt bà nhìn thấy cô con gái của bà, bà muốn nói chuyện với cô.

Chuyện đó xảy ra không lâu trước hồi kết cục, trước khi bà từ bỏ khu đất bên con đê đắp. Không lâu trước khi chúng tôi trở về Pháp.

Tôi nhìn bà đang thiếp ngủ.

Thỉnh thoảng mẹ tôi lại tuyên bố, Ngày mai chúng ta đi đến tiệm chụp hình. Bà than phiền về giá cả nhưng vẫn chịu tốn phí vào những bức ảnh gia đình. Chúng tôi nhìn vào những bức ảnh, chúng tôi không nhìn nhau nhưng chúng tôi có nhìn vào những tấm ảnh, mỗi người nhìn riêng biệt nhau, không một lời bình phẩm, nhưng chúng tôi nhìn những tấm ảnh, chúng tôi nhìn chính chúng tôi. Nhìn những người khác trong gia đình từng người một hoặc cùng chung với nhau. Nhìn trở lại chính chúng tôi khi chúng tôi còn rất trẻ trong những tấm ảnh cũ, rồi lại nhìn chính chúng tôi lần nữa trong những tấm ảnh gần đây. Hố ngăn cách giữa chúng tôi vẫn càng ngày càng sâu đậm. Mỗi khi xem xong, những tấm ảnh lại được gói cất để dành trong những mảnh vải mềm cất trong tủ quần áo. Mẹ tôi bắt chúng tôi chụp ảnh để bà có thể nhìn thấy xem chúng tôi có phát triển bình thường không. Bà xem xét chúng tôi đầy đủ từng chi tiết, giống như những bà mẹ khác xem xét con của họ. Bà so sánh những tấm ảnh với nhau, bàn cãi xem mỗi đứa chúng tôi đã lớn lên như thế nào. Không ai trả lời bà cả.

Mẹ tôi chỉ cho chụp ảnh những đứa con của bà. Không bao giờ chụp thứ gì khác nữa. Tôi không có bất cứ một bức ảnh nào về Vĩnh Long, không một bức nào hết, về khu vườn, về dòng sông, về những đại lộ có trồng những hàng me thẳng tắp hai bên hồi Pháp chiếm đóng, không có tấm ảnh nào về ngôi nhà, về những căn phòng ngủ quét vôi trắng như ở cơ quan với những chiếc giường sắt sơn đen thếp vàng lớn, được thắp sáng như những phòng học bởi những ngọn đèn đường màu đỏ, những chụp đèn bằng kim loại xanh, không có một hình ảnh nào về những nơi chốn khác thường đó, những nơi chốn luôn luôn tạm bợ, xấu xí không thể diễn tả, những nơi chốn phải chạy thoát đi, là nơi mẹ tôi phải cắm trại cho đến khi nào, như bà nói, bà định cư thật sự, nhưng chỉ ở Pháp, trong những vùng mà cả đời bà đã nói đến, và những vùng đó cũng đổi thay tùy theo tính khí của bà, tuổi tác của bà, nỗi sầu muộn của bà, đâu đó giữa Pas-de-Calais và Entre-Deux-Mers. Nhưng đến khi bà dừng chân vĩnh viễn, khi bà định cư ở vùng sông Loire, thì căn phòng của bà lại chỉ là một bản sao thảm hại của căn phòng ở Sa Ðéc. Hẳn bà không còn nhớ nữa.

Bà không bao giờ cho chụp ảnh những nơi chốn, những phong cảnh, chỉ chụp chúng tôi mà thôi, những đứa con của bà, và hầu hết là bà cho chụp chúng tôi chung cả đám để đừng tốn kém nhiều quá. Một vài tấm ảnh của chúng tôi được chụp một cách tài tử bởi những người bạn của mẹ tôi, những người đồng nghiệp mới vừa sang thuộc địa, họ chụp ảnh các phong cảnh vùng nhiệt đới, những cây dừa và những người phu mộ để gửi về gia đình.

Vì một lý do bí ẩn nào đó mẹ tôi thường đưa ra cho gia đình bà xem những tấm ảnh của con cái bà khi bà nghỉ phép trở về bên nhà. Chúng tôi không muốn đi và gặp những người đó. Các anh tôi không bao giờ gặp họ. Lúc đầu, bà thường mang tôi, đứa con nhỏ nhất, theo bà. Rồi sau đó trở đi tôi ngừng không đi nữa, vì mấy bà dì tôi không muốn các cô con gái của họ gặp tôi nữa vì thái độ ngang chướng của tôi. Vì thế mẹ tôi chỉ còn lại những bức ảnh để mà trưng bày ra, và bà đã trưng bày chúng ra, một cách tự nhiên, hợp lý, cho mấy người chị em họ của bà xem ảnh con cái bà. Bà thấy bà có bổn phận phải làm như vậy, do đó mà bà làm, và gia đình bà chỉ còn lại những người chị em họ đó thôi, vì thế bà phô ra cho họ xem những bức ảnh gia đình. Chúng ta có thể thoáng thấy một điều gì đó về người đàn bà này, qua cách cư xử này không? Cái cách bà thực hiện mọi việc cho đến tận cùng cái kết thúc cay đắng mà chưa từng mơ tưởng đến chuyện bà có thể đầu hàng, từ bỏ - những người chị em họ, sự cố gắng, cái gánh nặng. Tôi nghĩ là chúng ta có thể. Chính trong sự dũng cảm này, trong con người này, nỗi phi lý này mà tôi nhìn thấy một sự cứu rỗi đích thực.

Khi bà già rồi thì cũng vậy, tóc đã bạc trắng, bà đi đến tiệm chụp hình, một mình, và cho người ta chụp ảnh bà trong chiếc áo màu đỏ sậm đẹp nhất của bà với hai món nữ trang, một mặt dây chuyền hình trái tim và chiếc trâm hình tròn nhỏ bàng ngọc bịt vàng. Trong tấm ảnh, tóc bà được chải rất đẹp, quần áo bà cũng thế, bà trông rất duyên dáng dù bà không thực sự quan tâm chăm sóc. Nhưng người dân bản xứ khá giả cũng thường đến tiệm chụp ảnh, chỉ một lần trong đời họ thôi, khi họ nhìn thấy cái chết đã sắp đến gần. Những bức ảnh của họ rất lớn, tất cả đều cùng một cỡ, được treo trong những chiếc khung mạ vàng trang trọng gần bàn thờ tổ tiên. Tất cả những bức ảnh của những con người khác biệt nhau này, mà tôi đã nhìn thấy khá nhiều, gây những hiệu quả hầu như giống hệt nhau, và sự giống nhau này thật là thú vị. Ðó không phải chỉ vì tất cả những người già cả đều trông giống nhau, mà bởi vì chính những bức chân dung của họ đã được tô sửa một cách không thay đổi theo một cách thức mà mọi nét riêng biệt, nếu còn sót lại chút nào, đều bị giảm đến mức tối thiểu. Tất cả các khuôn mặt đều đã được chuẩn bị trong cùng một cách thức để đối mặt với vĩnh hằng, tất cả đều được làm cho dịu xuống, tất cả đều được làm cho trẻ lại một cách đồng dạng. Ðây là điều mà người ta mong muốn. Sự giống nhau chung này, sự xử lý khéo léo này, có thể biểu hiện được đặc điểm cái kỷ niệm về sự quá vãng của họ trong gia đình, và cùng một lúc làm chứng cho sự cá biệt và xác thực của sự qua đi đó. Họ càng giống lẫn nhau bao nhiêu thì họ càng tùy thuộc vào hàng ngũ gia đình một cách hiển nhiên bấy nhiêu. Hơn nữa, tất cả những người đàn ông đều đội cùng một loại khăn đóng, tất cả những người đàn bà đều chải tém và búi tóc lại như nhau, và cả đàn ông lẫn đàn bà đều mặc áo dài với cổ đứng như nhau. Và tất cả họ đều có một thứ nét mặt mà tôi còn có thể nhận ra ở bất cứ nơi nào. Nét mặt của mẹ tôi trong ảnh với chiếc áo đỏ cũng giống như vậy. Thanh tú, một vài người đã nói thế. Những người khác thì cho là khép kín.

Họ không bao giờ nói với nhau về chuyện đó nữa. Ðó là một điều đã được ngầm hiểu rằng chàng sẽ không đặt vấn đề với cha chàng vè việc để cho chàng được cưới nàng nữa. Người cha sẽ không thương xót đứa con trai một chút nào cả. Ông ta không thương hại bất cứ ai. Ðối với tất cả những người Tàu khách trú đang nắm giữ nền thương mại trong tay, thì người đàn ông với ngôi nhà có những sân thượng màu xanh kia là người ghê gớm nhất, người giàu có nhất, là người mà tài sản bành trướng xa nhất ra ngoài phạm vi Sa Ðéc, đến tận Chợ Lớn, thủ đô của người Tàu ở Ðông Dương thuộc nước Pháp. Chàng trai ở Chợ Lớn biết quyết định của cha mình và quyết định của cô gái giống như nhau, và cả hai quyết định đó đều không thể thay đổi được. Ở một mức độ thấp hơn, chàng bắt đầu hiểu rằng chuyến đi sẽ tách rời chàng và nàng là một điều may mắn tốt đẹp cho mối tình của họ. Rằng nàng không phải là loại người để lập gia đình, nàng sẽ bỏ chạy xa trước bất cứ cuộc hôn nhân nào, nên chàng phải từ bỏ nàng, phải quên nàng đi, phải trả nàng lại cho những người da trắng, cho những người anh của nàng.

Kể từ khi chàng bị mê hoặc bởi tấm thân thể của nàng, cô gái đã thôi không còn bị phiền muộn bởi thân thể gầy gò của mình nứa. Và cũng tương tự như thế, kỳ lạ thay, mẹ nàng cũng không còn lo lắng về nó như trước kia, như thể bà cũng đã vừa khám phá ra rằng sau cùng thì nó cũng có vẻ tin tưởng được, có thể chấp nhận được như mọi thân thể khác. Người tình ở Chợ Lớn nghĩ rằng sự phát triển của cô bé da trắng đã bị còi cọc đi bởi sức nóng quá độ. Chàng cũng đã được sinh ra và lớn lên trong cái sức nóng đó. Chàng khám phá ra sự liên hệ máu huyết giữa họ. Chàng nói suốt những năm tháng nàng đã sống ở nơi đây, trong vùng khí hậu không thể chịu đựng này, đã biến nàng thành ra một cô gái của Ðông Dương. Nàng cũng có một cườm tay thon nhỏ như họ, cũng có một mái tóc dày trông như thể đã thấm hút đi hết sức lực của người mang giữ nó, và nó cũng dài như mái tóc của họ, và nhất là làn da của nàng, trên khắp thân thể nàng, làn da đến từ nước mưa chứa ở đây để dành cho phụ nữ và trẻ con tắm. Chàng nói so sánh với đàn bà ở đây, phụ nữ ở Pháp có làn da khô khan hơn và thân thể họ, hầu như thô ráp hơn. Chàng nói những thức ăn ít bổ dưỡng ở miền nhiệt đới, hầu hết là cá và trái cây, cũng có liên hệ đến điều đó nữa. Cũng thế, vải vóc và tơ lụa được dùng để may mặc ở đây nữa, với chính những quần áo rộng rinh, thoáng mát đã giúp cho làn da trần trụi, thoải mái.

Người tình ở Chợ Lớn đã quá say đắm với tuổi mới lớn của cô gái da trắng, nên chàng đã bị lạc lối. Sự hoan lạc chàng nhận từ nàng mỗi tối đã thu hút tất cả thời gian của chàng, tất cả cuộc đời chàng. Gần như chàng không còn trò chuyện với nàng nữa. Có lẽ chàng nghĩ nàng sẽ không còn hiểu được những gì chàng nói về nàng nữa, về tình yêu trước đây chàng chưa bao giờ biết đến và cũng không thể nói gì về nó được. Có lẽ chàng cũng nhận ra rằng họ đã không bao giờ nói chuyện với nhau, trừ những khi họ rên la với nhau trong phòng ngủ buổi tối. Vâng, tôi nghĩ chàng đã không biết, chàng nhận ra rằng chàng đã không biết phải nói như thế nào nữa.

Chàng nhìn nàng. Tiếp tục nhìn nàng, khi đôi mắt chàng khép kín. Chàng hít thở khuôn mặt của nàng, chàng hít vào. Chàng hít nàng vào, đứa trẻ, đôi mắt chàng nhắm lại, chàng hít hơi thở của nàng vào, hít cái hơi ấm tỏa ra từ nàng. Càng lúc chàng càng khó có thể nhận ra những giới hạn của thân thể này, nó không giống như những thân thể khác, nó chưa hoàn tất, nó vẫn tiếp tục phát triển trong căn phòng, nó vẫn chưa có một hình thể, vẫn hình thành một cách liên tục, không những chỉ ở nơi nó có thể nhìn thấy được ở đó mà còn ở mọi nơi chốn khác, vượt lên trên cái nhìn, hướng về nỗi hiểm nguy, hướng về cái chết, nó nhanh nhẹn, nó ném chính mình một cách nguyên vẹn vào sự hoan lạc như thể nó đã lớn, đã trưởng thành, nó không lừa dối và nó thông minh một cách đáng kinh sợ.

Tôi thường nhìn xem chàng làm những gì với tôi, chàng sử dụng tôi như thế nào, và tôi nghĩ không bao giờ còn có bất cứ ai khác có thể hành động như thế, chàng hành động vượt lên trên niềm hy vọng của tôi và trong sự hòa hợp với số phận của thân thể tôi. Vì thế tôi trở thành đứa con nhỏ của chàng. Và chàng cũng trở thành một điều gì khác nữa đối với tôi. Tôi bắt đầu nhận ra sự mềm mại không diễn tả được của da thịt chàng, của bộ phận đó của chàng, tách rời khỏi chính chàng. Chiếc bóng của một người đàn ông nào khác ắt đã phải đi qua căn phòng, chiếc bóng của gã sát nhân trẻ tuổi, nhưng lúc bấy giờ tôi không biết điều đó, chưa có một ý niệm mơ hồ nào về việc đó cả. Chiếc bóng của tên thợ săn trẻ tuổi hẳn cũng đã đi qua căn phòng, nhưng chiếc bóng đó, vâng, tôi biết, thỉnh thoảng hắn có mặt trong nỗi khoái lạc và tôi đã kể cho người tình trong Chợ Lớn nghe, nói với chàng về cái thân thể và bộ phận của kẻ kia, về sự ngọt ngào không thể diễn tả, về sự can đảm của hắn trong khu rừng và trên những dòng sông có những cửa sông chứa giữ những con beo đen. Mọi thứ đều rung ngân với lòng ham muốn của chàng và khiến chàng chiếm đoạt tôi. Tôi trở thành đứa con của chàng. Và chàng làm tình với chính đứa con nhỏ của chàng mỗi buổi tối. Rồi đôi lúc chàng kinh hãi, bất chợt chàng lo lắng về sức khỏe của nàng, như thể bất chợt chàng nhận ra rằng nàng có thể chết đi và điều đó bất chợt làm chàng sợ hãi rằng chàng có thể mất nàng. Rồi việc nàng quá gầy ốm cũng làm chàng chú ý, và đôi khi điều này làm chàng lo sợ bất ngờ. Rồi lại còn chứng nhức đầu nữa, vẫn thường khiến cho nàng nằm rũ liệt, bất động, xanh lét, với chiếc khăn ướt đắp trên mắt. Rồi sự ghê tởm đời sống đôi lúc chiếm đoạt nàng, mỗi khi nàng nghĩ đến mẹ và bất chợt la hét và khóc lóc giận dữ với ý nghĩ đã không thể làm thay đổi mọi việc, không thể làm cho mẹ nàng sung sướng hơn trước khi bà chết, không thể giết chết những kẻ chịu trách nhiệm về chuyện ấy. Khuôn mặt chàng tựa sát khuôn mặt nàng, hứng nhận những dòng lệ của nàng, kéo sát nàng vào chàng, điên cuồng với lòng ao ước đầy nước mắt và sự cuồng nộ của nàng.

Chàng chiếm đoạt nàng như chàng chiếm đoạt chính đứa con mình. Chàng đã chiếm đoạt chính đứa con chàng cùng một cách. Chàng đùa chơi với thân thể của đứa con chàng, lật dở nó, phủ nó lên mặt chàng, môi chàng, mắt chàng. Và nàng, nàng tiếp tục buông thả chính mình trong cái cách thức giống hệt như chàng đã định lúc khởi đầu. Rồi đột ngột chính nàng là người cầu khẩn, nàng không nói để làm gì, còn chàng, chàng la hét bảo nàng hãy im đi, rằng chàng không còn muốn liên hệ gì với nàng nữa, không muốn có những cơn hoan lạc này với nàng nữa. Rồi bây giờ, một lần nữa, họ lại ghì chụp lấy nhau, khóa chặt vào nhau trong nỗi kinh hoàng, và bây giờ sự kinh hoàng lại dịu đi, và rồi họ lại chiu thua nó lần nữa, giữa nước mắt, tuyệt vọng, và hạnh phúc.

Họ im lặng suốt cả buổi chiều dài dặc. Trong chiếc xe đen chở nàng trở lại ký túc xá nàng ngả đầu trên vai chàng. Chàng quàng tay quanh người nàng. Chàng nói đó là một điều tốt đẹp, chẳng mấy chốc chuyến tàu từ Pháp sẽ đến để mang nàng đi xa và chia lìa họ với nhau. Họ im lặng trong khi đi. Có lúc chàng nói với người tài xế đi chung quanh dòng sông. Nàng ngủ, kiệt sức, trên vai chàng. Chàng đánh thức nàng dậy bằng những nụ hôn.

Ðèn trong phòng ngủ màu xanh. Có mùi nhang, họ luôn thắp nhang vào buổi chiều tối. Hơi nóng ngột ngạt, tất cả những cửa sổ được mở rộng, và không có một hơi gió nào. Tôi tháo giày ra để không tạo ra tiếng động, nhưng tôi không lo lắng, tôi biết bà giáo đang trực sẽ không thức giấc, tôi biết bây giờ tôi đã được chấp thuận trở về ban đêm vào bất cứ lúc nào tôi thích. Tôi đi thẳng đến chỗ của H.L., luôn luôn có một chút bồn chồn, luôn luôn e ngại rằng có thể cô đã trốn đi lúc ban ngày. Nhưng mà cô còn đó. Cô ngủ thật say giấc, H.L.. Một giấc ngủ bướng bỉnh, gần như thù nghịch, tôi nhớ thế. Phô diễn vé khước từ. Hai cánh tay trần của cô vung ra trong sự buông thả chung quanh đầu. Thân thể cô không nằm một cách ngay ngắn như thân thể của các cô gái khác, chân cô co lên, không nhìn thấy được gương mặt, chiếc gối xô lệch. Tôi đoán là cô đã chờ tôi nhưng rồi ngủ thiếp đi khi chờ đợi, mất kiên nhẫn và giận dữ. Chắc là cô cũng có khóc nữa, rồi rơi vào giấc ngủ quên. Tôi muốn đánh thức cô dậy, để nói chuyện thì thầm. Tôi không nói về người đàn ông trong Chợ Lớn nữa, chàng không còn nói chuyện với tôi. Tôi cần nghe những câu hỏi của H.L.. Nhưng tôi không thể đánh thức cô dậy. Một khi cô thức dậy như thế này, ngay giữa đêm, H.L. không thể ngủ trở lại được nữa. Cô ngồi dậy, muốn đi ra ngoài, và cô đi, đi xuống cầu thang, dọc theo hành lang, đi ra ngoài một mình trên cái sân chơi rộng trống vắng, cô chạy, cô gọi tôi, cô vui sướng biết bao, điều đó không thể cưỡng lại được, và đến khi mà cô không còn được phép đi ra ngoài với những cô gái khác, thì đó cũng là điều mà cô nhận chịu. Tôi ngần ngại, và rồi thôi, tôi không đánh thức cô dậy. Trong mùng, hơi nóng ngột ngạt, khi bạn khép mùng lại thì gần như không thể chịu đựng nổi. Nhưng tôi biết đó là vì tôi mới vừa từ bên ngoài vào, từ bờ sông nơi luôn luôn mát mẻ vào ban đêm. Tôi đã quen với chuyện nóng bức này, tôi nằm yên, đợi cho nó qua đi. Nó qua hết. Tôi không bao giờ thiếp ngủ ngay được dù với những sự mệt mỏi mới trong đời tôi. Tôi nghĩ về người đàn ông ở Chợ Lớn. Có lẽ chàng đang ở trong một hộp đêm đâu đó gần quán La Source với người tài xế của chàng, có lẽ họ đang im lặng uống rượu, họ uống rượu nếp khi họ đi với nhau. Hoặc là chàng đã về nhà, chàng đang ngủ thiếp đi với đèn thắp sáng, vẫn không nói gì với người khác. Ðêm hôm đó tôi không thể chịu đựng nỗi những ý nghĩ về người đàn ông trong Chợ Lớn nữa. Không chịu đựng nỗi cả những ý nghĩ về H.L. Dường như là họ hạnh phúc, và dường như sự vui sướng đó đến từ bên ngoài chính họ. Và tôi không có gì giống như thế này. Mẹ tôi nói, Cái con này sẽ không bao giờ thỏa mãn được với bất cứ thứ gì. Tôi nghĩ tôi đang bắt đầu nhìn thấy đời sống mình. Tôi nghĩ tôi đã có thể nói rằng, tôi có một ước muốn mơ hồ là được chết đi. Từ bây giờ trở đi, tôi sẽ đối xử với chữ đó và cuộc đời tôi như những điều không thể tách rời. Tôi nghĩ tôi có một ước muốn mơ hồ là được một mình, ngay khi tôi nhận thức rằng tôi đã không bao giờ còn được một mình nữa rồi từ khi tôi bỏ tuổi nhỏ lại phía sau, và bỏ lại gia đình của gã thợ săn. Tôi sẽ viết. Ðó là điều tôi nhìn thấy vượt lên trên khoảnh khắc hiện tại, trong cõi sa mạc mênh mông có chứa đựng những hình dáng cuộc đời tôi đang vươn ra trước mắt.