NGƯỜI NỐI NGHIỆP CHÂN CHÍNH (P86)
Tác giả: Hà Phong Xuy
Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang
Chương 32: Show diễn lớn của mụ ghê gớm
Thôi Minh Trí và Tôn Khải Minh đồng loạt bị đập lìa hồn. Trên đời có ngàn vạn kẻ cực phẩm, đỉnh của chóp đang ở ngay trước mắt.
Giang Quế Phân túm chặt Thôi Minh Trí rồi lần tay lật thắt lưng của hắn, hắn la hoảng vùng vẫy, như đang vật lộn với con tê giác, gắng sức đến mức mặt mũi đỏ gay vẫn không thoát khỏi con mụ ghê gớm này.
Tôn Khải Minh vội ra tay giải cứu, quát to vặn ngón tay mụ ta ra.
Giang Quế Phân thêm được người nào hay người đấy, tiện tay túm lấy cạp quần anh ta, lời thoại trong mồm cũng nâng cấp:
“Bắt bọn hấp diêm tập thể! Bắt bọn hấp diêm tập thể!”
Có người đi cùng chia sẻ hỏa lực, Thôi Minh Trí tạm thời tránh khỏi móng quỷ, thấy Hồ Phong đang giơ điện thoại chụp ảnh, chắc là đang tạo bằng chứng vu cáo họ. Vẻ mặt y hớn hở chăm chú, không hề thấy thẹn vì trò hề của mẹ chút nào.
Lòng người giống như hai mặt của tiền xu, chuyển sang mặt kia đúng là không bằng chó lợn.
Trong mắt hắn hiện lên một tia chớp, chật vật cứu Tôn Khải Minh, tức giận mắng: “Bà già vô liêm sỉ, tổ tiên nhà bà cũng không nhận ra bà nữa!”
Không ngờ Giang Quế Phân còn có một đòn giết chóc xảo quyệt hơn. Nhanh như bay, mụ nhổ một sợi lông mu, lừa lúc hắn đang banh họng ra chửi thì ấn luôn vào mồm hắn.
Thôi Minh Trí ba máu sáu cơn, chỉ số bạo lực tích tụ suốt hơn hai mươi năm bung ra bằng sạch. Hắn đẩy mụ ta xuống, định đạp.
Tôn Khải Minh vội ôm lấy hắn liều mạng kéo ngược lại, hoảng hốt gào lên can: “Trợ lý Thôi, anh mà đánh là chúng ta đuối lý ngay, cứ đi khỏi đây trước đã!”
Hồ Phong nghe vậy xoay người chặn cửa, gào toáng: “Chúng mày làm nhục mẹ tao còn định đánh người, tao chụp được hết ảnh rồi, lên đồn công an với tao làm cho ra nhẽ!”
Y giơ điện thoại lên cao, trong album ảnh có mấy “bằng chứng” đã được lựa chọn kỹ, kết hợp với ăn vạ, hẳn có thể làm phía bên kia có nhảy xuống Hoàng Hà cũng không rửa sạch (nỗi oan).
Khuôn mặt đỏ bừng của Tôn Khải Minh nhanh chóng tái dại, anh ta mới đi làm, không đủ kinh nghiệm. Nhưng gặp loại ác ôn không ra ngoài đời này, đến người dày dạn lâu năm cũng rơi vào thế quẫn thôi.
Thôi Minh Trí không thường giao tiếp với lưu manh, không già đời hơn gì anh ta. Cũng may, trước khi tới đây Soái Ninh có nhắc sẵn, bảo hắn khi đàm phán cùng hộ ngoan cố thì phải đeo camera mini giấu kín để đề phòng rủi ro.
Giờ đây tình hình đã đúng như cô đoán, lửa giận của Thôi Minh Trí cũng có lớp giáp bảo vệ. Giữa sóng gió ngập trời hắn vẫn hừng hực khí thế, chỉ vào mặt Hồ Phong quát mắng: “Được! Giờ lên đồn luôn! Không làm cho ra nhẽ tôi không để yên cho các người!”
Camera hắn giấu trong vạt áo ghi hết hình ảnh âm thanh trong nhà họ Hồ, mưu ma của mẹ con Hồ Phong tự sụp đổ.
Nghe nói Thôi Minh Trí muốn kiện họ tội vu khống, hai người giở trò vô lại.
Giang Quế Phân lăn lộn ngay giữa văn phòng của đồn công an, vừa gào khóc vừa cởi hết quần áo, còn định cứ thế trần truồng lao ra ngoài cổng, mồm mép lu loa: “Cảnh sát đánh dân này! Cảnh sát đánh dân này!”
Ông Lữ trưởng công an vội đóng cổng, nhoài người ghì lấy cái chốt, tiện thể lảng tránh hình ảnh lõa lồ.
Giang Quế Phân xông lên đấm đá lôi kéo, hận không thể phá tan bộ xương già của ông. Hai viên cảnh sát trực ban khác chạy tới chi viện, học theo lãnh đạo quay lưng về phía Giang Quế Phân, dựng lên trước cổng một lớp lá chắn sống.
Giang Quế Phân không mở được cổng, thân hình trần truồng đen trùi trũi chạy loạn khắp sân, giống con lợn Tết chạy rông.
Đám đàn ông không tiện lại gần, đồng loạt quay sang quát mắng Hồ Phong: “Mày cứ giương mắt nhìn mẹ mày xấu mặt thế à? Không bảo bà ấy mặc quần áo vào mau lên!”
Hồ Phong lương tâm móm sạch, còn lu loa theo: “Mẹ tao bị chúng mày ép phát điên rồi, lũ tham quan ô lại chúng mày cấu kết với gian thương bắt nạt người dân thấp cổ bé họng, tao muốn đem chúng mày ra ánh sáng!”
Y nhào tới chiếc điện thoại di động trên bàn làm việc, muốn lên mạng đăng tin giả.
Thôi Minh Trí và Tôn Khải Minh hợp sức đè y lại. Nếu không coi hiện nay là thời đại pháp trị, thật muốn đánh chết tên lưu manh này tại chỗ.
“Chỗ này đâu đâu cũng có camera ghi hình hết, mày bôi nhọ nữa cũng không ăn thua đâu!”
Nói thế thôi, nếu để anh ta đăng bài thật thì cũng là tai vạ. Trên mạng hỗn tạp dễ đục nước béo cò. Kẻ bịa đặt chỉ mấp máy mồm, người đi bác bỏ tin bịa đặt phải chạy rạc cẳng. Vấn đề tham nhũng biến chất vốn dễ kích động cảm xúc dân mạng nhất, lại thêm những kẻ hằn học với người giàu nữa thì Quan Vũ và chính quyền xã Liên Hoa no đòn.
Trưởng đồn Lữ sai người gọi điện ra phố kêu mấy bà mấy chị đáng tin vào, hợp sức bắt lấy Giang Quế Phân, còng tay mụ vào tay Hồ Phong. Ông phủi bộ cảnh phục ướt đẫm, hổn hển răn dạy hai người họ: “Các người đầu tiên là bị nghi ngờ có liên quan đến vụ vu khống người khác, giờ còn làm ảnh hưởng công vụ, gây rối trật tự cơ quan. Tội vu cáo có thành án hay không thì còn chờ tòa phán, nhưng tội kia thì nhất thiết phải giam 5-10 ngày.”
Giang Quế Phân nghe xong lại kích động phát điên lần nữa, liên tiếp đá vỡ mấy cái ghế nhựa.
Mọi người định ngăn mụ ta, trưởng đồn Lữ ngăn mọi người, cao giọng cảnh cáo: “Có giỏi bà cứ đá tiếp, rồi cho thêm cái tội phá hoại tài sản, cho bà ở lại thêm mấy hôm!”
Hồ Phong thấy họ đã liên hệ với trại tạm giam huyện, biết phen này tự chuốc lấy họa, vội khuyên mẹ dừng tay, vài phút sau hai mẹ con bị giải ra xe cảnh sát, đưa lên phố huyện.
Chờ đợi họ sẽ là sự trừng trị đích đáng, nhưng việc nào ra việc đó, nhà họ Hồ không nhả ra, vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn bế tắc. Hồ Phong và Giang Quế Phân bị câu lưu (giam ngắn ngày), cụ Hồ càng bơ vơ, chỉ có thể nhờ chính quyền xã chăm sóc tạm thời.
Thôi Minh Trí dính vào vụ náo loạn đến nỗi mặt mũi xám xịt, chẳng hả hê được mảy may, nửa ngày còn lại tiếp tục đi gặp mấy hộ ngoan cố.
Những người này không cực đoan như nhà họ Hồ nhưng cũng là dạng yếu còn thích ra gió, mạnh miệng vô cùng.
Có một hộ dựng tạm mấy căn lán tranh xiêu vẹo, đòi tính vào diện tích ở, còn có một nhà khác, ông chủ hộ tính toán đâu ra đấy với Thôi Minh Trí.
“Nhà tôi một năm có thể trồng được 800 cân lúa, các anh không động vào, một hai trăm năm sau đất vẫn là của nhà tôi, đời đời con cháu đều thu hoạch được lương thực, anh tính xem như thế thì phải đổi bao tiền? Nếu để các anh lấy, đời sau nhà tôi không có đất trồng trọt, đồng ý cho các anh đền bù hai triệu là tính rẻ rồi.”
Thôi Minh Trí thử gỡ bỏ cái logic gà đẻ ra trứng trứng nở ra gà vớ vẩn này, bình tĩnh phân tích: “Thôn này trông vào trồng trọt thu nhập hằng năm cao nhất cũng chỉ được 4000 bạc, mười năm 40 ngàn, trăm năm 400 ngàn. Bây giờ chúng tôi không chỉ đền bù cho bác nhà tầng mới, còn trả trước cho bác thu nhập 100 năm. Bác đi nơi khác hỏi thăm xem, đền bù GPMB ở nông thôn rất ít có tiêu chuẩn cao như vậy.”
Lý lẽ đầy đủ thái độ chân thành, tiếc rằng bên kia điếc có chọn lọc, tin tưởng vững chắc rằng phòng ốc rách nát nhà mình là của báu, chuyện thành bại trong đời ở cả trong việc này, thề muốn đem nghị lực như bảo vệ non sông ra gìn giữ.
Mặt khác, lần trước thôn Liên Diệp có người tham gia vụ hôi của từ chuyến xe Quan Vũ chở hàng đi cứu trợ dân nghèo, người trong hai nhà chứa chấp tang vật đã bị khởi tố, có chủ hộ đến nay vẫn còn đang ngồi tù. Có ba hộ ngoan cố vừa hay là họ hàng gần của mấy kẻ phạm tội kia nên họ coi Quan Vũ như kẻ thù lớn, thề muốn đấu tranh với công ty đến cùng.
Thôi Minh Trí liên tiếp vấp phải trở ngại, trán bị các hộ ngoan cố kia xỉa thành tổ ong, bàn bạc trao đổi với đám cán bộ xã đến 1h sáng mới kiệt sức về lại Thước Châu.
Mây dông cuộn trào, đảo lộn sáng tối, kính chắn gió của chiếc xe như một vòi sen vô hình, được phủ một lớp màng nước dày khiến hai cần gạt nước làm việc mệt nghỉ.
Người lái xe vất vả tìm hướng di chuyển trong tầm nhìn mờ mịt, và không thể không khuyên can những người ngồi phía sau.
“Ninh tổng, mưa to quá, hay là chúng ta dừng xe chờ mưa ngớt chút hãy đi tiếp ạ.”
Đường vào núi đã được cải tạo hoàn toàn, mặt đường trải nhựa rộng rãi bằng phẳng, nhưng đằng trước có nhiều khúc cua, lái xe trong mưa rất nguy hiểm.
Soái Ninh trầm tĩnh như vực thẳm, từ lúc rời khách sạn, cô vẫn luôn giữ vẻ lạnh lùng tàn khốc đáng sợ này, không chịu ăn sáng, giục bọn họ chạy gấp lên xã Liên Hoa.
Tài xế đợi mãi không thấy cô trả lời, rón rén nhìn sang vệ sĩ Trần Kiệt đang ngồi cạnh ghế lái. Từ sau sự việc mạo hiểm bị xe cóc đuổi theo hôm trước, Soái Quan Vũ yêu cầu Soái Ninh hết sức tránh đi xã Liên Hoa. Nếu bắt buộc lộ mặt thì phải đem theo ít nhất ba vệ sĩ.
Lúc này có hai tay vệ sĩ khác ngồi kèm hai bên Soái Ninh giống như hai con mãnh thú trấn giữ.
Trần Kiệt cũng không muốn mạo hiểm lên đường, quay lại xin ý kiến: “Ninh tổng, nếu không thì cứ dừng xe trú mưa trước đi, có lẽ cũng không muộn mấy đâu ạ.”
Trên mặt Soái Ninh gợn lên một làn sóng ác, giọng còn lạnh hơn mưa.
“Sợ phiền phức thì xuống xe, để tự tôi lái.”
Uy thế át hết những lời bàn lùi, ô tô giống như con nhện nước lao qua vùng mưa, mây đen ngộn lên trong lòng mỗi người.
Lát sau, điện thoại của Trần Kiệt đổ chuông, là Thôi Minh Trí gọi.
“Trần ca, mọi người đi đến đâu rồi?”
(Hết phần 86, xin mời đón đọc phần 87. Nếu muốn đọc các phần trước, xin mời click vào dòng chữ Album Tiểu thuyết “Người nối nghiệp chân chính” phía trên!)
Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang (FB/VerandadeJulia)