Đại Phong Quát Quá viết
Bản dịch@thinhphonghiendfgg
1.
Phủ Vĩnh Trữ có ngũ tuyệt: Nhất tuyệt Sướng Tư lầu, nhị tuyệt Phu Nhân gấm, tam tuyệt Trướng Trung hương, tứ tuyệt Nhất Ngân Nguyệt, ngũ tuyệt Mạt Thần hồ.
Tiểu thư đồng của chưởng môn Thừa Dự sơn trang Tề Chi Hưng là Tử Nghiên lần đầu cùng chủ nhân đến Vĩnh Trữ.
Tề chưởng môn tuy lần này đến Hàng Châu là để xem tình hình làm ăn của tiệm tơ lụa, vì thuận đường nên đã nghỉ chân ở Vĩnh Trữ nhưng những nơi vui chơi thưởng ngoạn vẫn chưa đặt chân đến lần nào. Tử Nghiên theo chân Tề công tử trước tiên đi mấy vòng quanh lầu Sướng Tư, mua vài ba cây gấm nghe nói thuộc hàng tinh xảo nhất của ba vị phu nhân, rồi lại cầm về hai hộp hương Trướng Trung, sau đó còn đến hồ Mạt Thần ngồi thuyền nhỏ chèo một vòng, nghe vài tiểu khúc du dương trầm bổng. Lúc này đây cả hai đang ngồi trong Nhất Phẩm Trai, trà lâu lớn nhất ở Vĩnh Trữ, vừa nhìn đĩa bánh Nhất Ngân Nguyệt và mấy món điểm tâm tinh xảo khác vừa uống trà.
Hiện tại đương lúc tháng ba mùa xuân, chỗ ngồi trên tầng hai ở trà lâu chủ yếu là những văn nhân nhã sĩ đến đây du ngoạn, thảy đều vừa đang nhấm nháp trà vừa nghe thuyết thư tiên sinh kể chuyện xa xưa. Vị thuyết thư tiên sinh kia cắn vào cây quạt giấy, nước bọt văng tung toé, chừng như đang kể rất hăng say.
"Chư vị ngồi đây đều là những người lần đầu tiên đến Vĩnh Trữ, thiết nghĩ các vị đều đã nghe qua ngũ tuyệt của phủ Vĩnh Trữ rồi, nhưng không biết các vị có biết lai lịch của chúng hay không nhỉ?"
Mọi người đều nhao nhao lắc đầu, càng dỏng tai lên cao hơn. Những người thường hay nghe kể chuyện đều biết, thuyết thư tiên sinh nhất định có tin giật gân muốn kể.
Quả nhiên, vị thuyết thư tiên sinh kia cầm quạt phe phẩy vài cái, rồi phải nhấp một ngụm trà xong mới chậm rãi kể: "Kỳ thực lai lịch của ngũ tuyệt phủ Vĩnh Trữ đều có liên quan đến một vị nữ tử."
Câu nói này đã đánh trúng trọng điểm, làm tất cả mọi người càng thêm nhốn nháo, ánh mắt dồn hết cả vào thuyết thư tiên sinh. Có người nói: "Vị nữ tử đó không cần nói cũng biết nhất định là một mỹ nhân rồi. Tiên sinh bớt vòng vo tam quốc, kể vào chuyện chính đi nào."
Thuyết thư tiên sinh khẽ gật đầu, than thở: "Một chữ đẹp có thể đủ để miêu tả ư? Kỳ nữ tử khắp thiên hạ này sợ rằng có rất ít người sánh bằng vị Phí phu nhân này. Chuyện về vị phu nhân này kể ra thì dài, có lẽ là hơn năm mươi năm về trước."
"Chuyện kể rằng năm, sáu mươi năm về trước, phủ Vĩnh Trữ đã xảy ra một sự kiện náo động cả giang hồ. Mười mấy danh môn chính phái danh tiếng lẫy lừng nhất thời bấy giờ đã liên thủ vây quét tà giáo Hắc Phong bang."
Tề Chi Hưng nhịn không được bật cười: "Cái tên của đám tà giáo này cũng quá nhảm nhí rồi."
"Tục ngữ nói tà không thể thắng chính, chưa kể đến mấy chục cao thủ của mấy chục môn phái lớn cùng xuất ngựa ra tay, đám Hắc Phong bang đó tất nhiên chống đỡ không nổi rồi. Trận huyết chiến kéo dài ba ngày ba đêm, toàn bang bị tiêu diệt. "
Tề Chi hưng cười nói: "Đánh nhau với mười mấy cao thủ của mười mấy môn phái lớn mà còn có thể đánh tới ba ngày ba đêm, quả không hổ danh là tà giáo có tên có tuổi."
"Vốn theo ý của trưởng lão Thiếu Lâm Tự là tiêu diệt hết cả gia đình Phí bang chủ của Hắc Phong bang, nhằm diệt trừ hậu hoạ về sau."
Tử Nghiên cũng nhịn không được thấp giọng nói: "Lão hoà thượng này ác thật."
"Nhưng chính lúc đó, đại công tử của chưởng môn kiếm phái Hoàng Sơn là Thuỵ Phong công tử, vì thương xót cho già trẻ lớn bé của Phí gia, đành lòng không đặng nên đã cầu xin các vị trưởng lão. Y bị phụ thân phạt quỳ trên tuyết hai ngày trời mới bảo toàn được tính mạng trên dưới của Phí gia."
"Phí bang chủ có một cô con gái khuê danh Nhược Ngọc, năm đó vừa tròn hai tám, tài mạo song toàn. Lúc công tử Thuỵ Phong bị quạt quỳ trên tuyết, vị Nhược Ngọc tiểu thư này ở tiểu lầu cạnh bên đã mượn khúc đàn để cảm tạ. Nghe nói tiếng đàn ấy đã kéo muôn chim đến nhất tề hót vang, tận ba ngày vẫn không tản."
Tử Nghiên nói: "Giữa trời đông gió tuyết mà vẫn có thể dùng đàn để kéo muôn chim đến à! Thiếu gia, Thất tiểu thư cũng không lợi hại được như thế đâu. Nhưng mà tên của vị công tử đó sao tiểu nhân nghe quen tai quá đi mất."
Tề Chi Hưng bảo: "Nghe tiếp đi."
"Già trẻ Phí gia đã có thể toàn mạng, Nhược Ngọc tiểu thư cảm kích ơn cứu mạng của Thuỵ Phong công tử vô cùng. Hai người sàng tuổi, lại vừa hay trai tài gái sắc, tự nhiên sẽ lưỡng tình tương duyệt, nảy sinh tình cảm. Sau khi Thuỵ Phong công tử quay về, hai người vẫn thường xuyên hồng nhạn đưa thư, trao tình gửi ý với nhau. Thuỵ Phong công tử sai người sửa sang lại tiểu lầu nơi tiểu thư Nhược Ngọc đã đánh đàn, cũng chính là lầu Sướng Tư này đây."
"Không ngờ việc hai người lén lút trao thư với nhau đã bị phụ thân của Thuỵ Phong công tử phát hiện, ông vô cùng tức giận. Nhược Ngọc tiểu thư đã cầu xin chưởng môn Hoàng Sơn lượng giải, suốt mấy ngày đêm không ngủ không ăn để viết những bài trường thi. Cuối cùng chưởng môn cũng cảm động trước tài hoa của tiểu thư, đồng ý cho Thuỵ Phong công tử cưới Nhược Ngọc về làm thiếp. Thế là người đời bèn đổi từ Nhược Ngọc tiểu thư sang Phí phu nhân."
Tề Chi Hưng nói: "Nên gấm trắng có thêu chữ bên trên cũng chính là gấm Phu Nhân nhỉ."
Tử Nghiên thắc mắc: "Ủa? Sao lại cưới thiếp?"
"Lúc đó Thuỵ Phong công tử đã vâng lệnh cha cưới người vợ đầu là Đường thị. Người đàn bà Đường thị đó tính tình hay ganh ghét đố kỵ cho nên Phí phu nhân vẫn sống trong Vĩnhh Trữ Sướng Tư lầu yên tĩnh. Phí phu nhân thích y phục màu xanh ngọc, lại thích mùi hương nhưng chê hương khói bình thường không thơm. Thuỵ Phong công tử bèn sai người ướp hương lên quả lê rồi đem chưng cất, để vào trong màn, toả ra mùi hương ngọt ngào nên gọi là hương Trướng Trung."
"Khi chưởng môn Hoàng Sơn mừng thọ, các nàng dâu đều dâng lên các món ăn. Phí phu nhân dùng củ từ và bột củ sen làm nguyên liệu, khéo léo làm ra một món điểm tâm mới lạ. Cha công tử Thụy Phong ăn mà vui vẻ vô cùng. Có lẽ các vị đã đoán ra, món đó chính là món nổi tiếng của Nhất Phẩm Trai chúng ta, tứ tuyệt của Vĩnh Trữ, Nhất Ngân Nguyệt đấy."
"Nhưng ai mà ngờ được ông trời lại đố kị hồng nhan. Phí phu nhân thân thể yếu ớt, lại phải bôn ba từ Vĩnh Trữ đến Hoàng Sơn, không thể chịu đựng nổi nữa. Kể từ buổi yến thọ đó trở về chỉ nằm suốt trên giường dưỡng bệnh mà thôi. Đại phu nhân của công tử là Đường thị đột nhiên sai người mang thuốc đến. Đường thị vốn là tiểu thư của Đường gia ở đất Thục. Phí phu nhân thiên tính lương thiện, không hề nghi ngờ gì cả. Sau khi uống thuốc hơn mười ngày thì tình hình bỗng nghiêm trọng hơn, hương tan ngọc nát mất rồi."
Các văn nhân nhã sĩ ngồi nghe đến đoạn này ai nấy cũng lắc đầu thở than. Hốc mắt của Tử Nghiên cũng hiện lên sự chua xót đau lòng. Thuyết thư tiên sinh thở dài một tiếng, tiếp tục nói: "Trước khi lâm chung, Phí phu nhân đã cầu xin Thuỵ Phong công tử mang hài cốt đi thiêu, sau đó rải vào hồ nước ở ngoại thành. Không lâu sau đó, công tử cũng buồn bã quá mà qua đời. Người về sau đồn rằng thường hay nghe thấy tiếng đàn của phu nhân ở ven bờ hồ, bèn xây một thần miếu ở cạnh hồ, cung phụng thần chủ phu nhân, gọi là Mạt Thần. Nghe nói vô cùng linh nghiệm. Hồ con ngoài thành từ đấy cũng được gọi là hồ Mạt Thần."
Câu chuyện đã kết thúc, chư vị ngồi đấy đều sụt sùi không thôi, cảm thấy mất mát trống rỗng vô cùng. Tử Nghiên còn đang muốn cảm khái tiếp thì đột nhiên nhìn thấy vẻ mặt khó coi của Tề công tử, nó biết khôn liền kêu tiểu nhị tính tiền. Tề công tử ra khỏi trà lâu, đột ngột sa sầm mặt nói với Tử Nghiên: "Câu chuyện nghe được ở trà lâu hôm nay, về đến nhà ngàn vạn lần không được để bà biết, rõ chưa hả?"
2.
Tề chưởng môn từ Dương Châu trở về ngày hôm đó, trên dưới Thừa Dự sơn trang sớm đã nhận được tin. Mấy vị đương gia đều tập trung ở đại sảnh nghênh đón đại sư huynh. Ai ngờ do thám nói Tề công tử sáng sớm đã vào thành rồi, về nhà trước nghe ngóng tình hình ra sao rồi mới đến. Thế mà chờ đến nửa đêm cũng không thấy bóng dáng tung tích người đâu. Trong lòng mọi người đều cảm thấy kinh ngạc vô cùng.
Sang ngày hôm sau cũng không thấy bóng dáng của Tề đại đương gia đâu. Khi trời gần trưa thì một người mặt mũi bầm dập, thút tha thút thít chạy đến, hoá ra là Tử Nghiên. Gã vừa mới vào cửa đã khóc nức nở: "Thiếu gia không ra khỏi nhà được, bảo tiểu nhân đến thông báo một tiếng."
Nhị đương gia nhìn thấy hai con mắt bầm tím bầm xanh với một cục u khổng lồ trên trán của Tử Nghiên thì sửng sốt vô cùng: "Có phải ngươi và Tề lão đại đi đường gặp kẻ thù không hả? Sao lại biến thành bộ dạng này rồi?"
Tử Nghiên thút thít bảo: "Không phải đâu ạ, mắt trái là lão thái gia đánh con, còn mắt phải là do lão gia đánh. Còn trên đầu, trên đầu là thiếu gia đánh đó."
"Đang yên đang lành sao lại đi đánh ngươi làm gì?"
"Vốn là lúc con đi Dương Châu với thiếu gia, khi uống trà ở trà lâu Vĩnh Trữ thì có nghe thuyết thư tiên sinh kể về lai lịch của năm cái ngũ tuyệt. Thế là thiếu gia dặn con về nhà không được để cho lão phu nhân nghe thấy."
"Là Phí phu nhân gì ấy hở, lúc đi Vĩnh Trữ ta với lão Tam lão Lục cũng có nghe qua. Chỉ là chuyện nhảm nhí thôi mà, kiêng kị thế để làm gì?"
"Vốn con cũng đâu có biết. Lúc về đến nhà, Thị Thư tỉ tỉ bên cạnh phu nhân muốn con kể mấy chuyện nghe chơi, thế là con bèn kể chuyện này. Ai mà biết tỉ ấy lại đem chuyện kể cho Tẩm Hương tỉ tỉ hầu hạ lão phu nhân nghe. Tẩm Hương tỉ tỉ lại học theo, kể cho lão phu nhân nghe. Nghe xong, lão phu nhân đánh nhau với lão thái gia luôn."
"Việc này con làm nô tài cũng không rõ, nhưng lão thái thái nghe xong liền đến thư phòng của lão thái gia quậy tưng bừng. Nói gì mà lão thái gia lừa bà ấy mấy chục năm, còn có bao nhiêu nợ phong lưu nữa. Lại nói lão thái gia, lão thái gia...có lỗi với bà, không có lương tâm, làm mấy chuyện phong lưu còn làm mất hết danh dự của lão thái thái. Bà còn hăm sẽ đầu độc chết lão thái gia rồi quăng xuống hồ Mạt Thần làm ông chồng quỷ. Lúc con đứng kế bên xem, lão thái gia liếc thấy con thế là đấm con một cái."
"Lão gia và phu nhân đều chạy đến khuyên can lão thái thái. Lão thái gia nói muốn đi san bằng phủ Vĩnh Trữ, lão thái thái liền nói lão thái gia nhớ nhung tình cũ, thế là lão...lão thái gia ngất xỉu luôn. Lão thái thái cũng khóc lóc đến ngất đi luôn. Lão gia nhìn thấy con, thế là lại đấm cho con một cái."
"Lão thái thái tỉnh dậy liền bảo Tẩm Hương tỉ tỉ thu dọn đồ đạc, bảo là muốn về nhà mẹ ở đất Thục, còn muốn lên núi Nga Mi xuất gia. Bảo Tôn tổng quản chuẩn bị hành lý cho lão thái gia, còn Vương tổng quản thì đến hồ Mạt Thần xây cái nhà cho lão thái gia ở. Lão gia, phu nhân, cả thiếu gia đều khuyên không nổi lão thái thái. Lão gia tức giận quá thế là xách đầu thiếu gia ra đánh một trận. Thiếu gia liền kêu con lại, đánh con một trận, rồi bảo con qua đây báo tin."
"Thế giờ đã khuyên nhủ được lão thái thái chưa?"
"Con không biết, lúc con đi thì lão thái gia đang cầm bảo kiếm gia truyền đứng trước mặt Quan Đế gia gia thề, cả đời ông chỉ đi qua phủ Vĩnh Trữ hai lần, đến người nào đó họ Phí cũng chưa từng nghe nói đến. Nô tài không dám nhìn nữa liền chạy qua đây."
Năm ngày sau, Nhất Phẩm Trai của Vĩnh Trữ bị sát nhập vào Thừa Dự sơn trang.
Hơn mười ngày sau, phủ Vĩnh Trữ cho in "Vĩnh Trữ phong tục khảo", kèm theo lời chứng của thân sĩ đồng hương Vĩnh Trữ. Chứng thực Vĩnh Trữ không có nhà nào họ Phí, chuyện về Phí phu nhân chỉ là tin vịt, cấm không được nhắc đến. Trướng Trung hương, Nhất Ngân Nguyệt suy cho cùng chỉ là chuyện ít người biết đến nên bị Lý hậu chủ, Mạnh hậu chủ mượn cớ gán ghép.
Ngũ tuyệt của Vĩnh Trữ thất truyền từ đấy.
3.
Xuân năm nay lại là một mùa tốt cho cây cỏ đâm chồi chim oanh ca hót. Tam đương gia Nhiếp Trường An của Thừa Dự sơn trang mang theo nô bộc xuống Giang Nam, đi qua Vĩnh Trữ. Những người du sơn ngoạn thuỷ vẫn đông đúc như xưa. Nhiếp Trường An ngẫu nhiên vào một trà lâu, chọn một chỗ ngồi xuống. Chư vị ngồi phía trái phần lớn là những người nơi khác đến chơi, đều đang nín thở tập trung lắng nghe một vị thuyết thư tiên sinh kể chuyện.
Vị thuyết thư tiên sinh kia vung quạt giấy một cái, nướt bọt bay tứ tung, nom kể chuyện rất hăng say.
"Nhớ lại năm ấy, nghe truyền rằng lai lịch của lục bảo Vĩnh Trữ đều có liên quan đến một vị nữ tử. Nghe bảo một trăm năm mươi, sáu mươi năm về trước, phủ Vĩnh Trữ xảy ra một sự kiện trọng đại vô cùng. Mấy chục cao thủ của mười mấy danh môn chính phái chốn giang hồ đã liên thủ vây quét Chu gia của tà giáo Hoàng Phong gia. Trận quyết chiến kéo dài suốt ba ngày ba đêm..."
[Hết]
---
Phong nguyệt đàm: nghĩa đen là nói chuyện gió trăng, nghĩa bóng ý chỉ việc...nhiều chuyện:)))