Người Lạ Trong Gương

Chương 7




Dứt chiến, từ châu Âu trở về, Sam Winters thấy mọi việc ở hãng Pan- Pacific như không có gì thay đổi. Anh vẫn ngồi ở vị trí cũ, vẫn làm những công việc cũ. Song chỉ sáu tháng sau, một cuộc cải tổ lớn đã diễn ra. Và Sam đã trở thành một nhân vật quan trọng của Hãng, như báo chí đã đưa tin, dù anh không mưu mẹo và cũng chẳng mưu toan gì. Người ta thấy anh ham làm việc, và được việc, vậy thôi.

Nếu ví von một cách bóng bẩy, Hollywood khi thì từa tựa khoa tâm thần trong nhà thương điên, đầy những kẻ mắc chứng hoang tưởng tự huyễn hoặc mình, khi lại giống trại giáo dưỡng nhân phẩm nhốt giữ nước kẻ ăn cháo đá bát hoặc ăn tàn phá hại. Sam chấp nhận hết, miễn là họ có tài. Chỉ tốt không thôi, anh chẳng biết dùng họ làm gì cả.

Có tiếng gõ khẽ, rồi Lucille Elkins, thư ký của Sam mang vào một xấp giấy tờ, thư từ, và thông báo. "Clifton Lawrence muốn gặp ông, đang chờ ngoài kia!". Lucille là một thư ký đầy năng lực và có lẽ ngoài thư ký không thể làm được nghề gì khác. Sam vốn thích Lawrence, gạt hết giấy tờ sang bên, đứng dậy.

"Mời ông ta vào, Lucille!".

Ở Hollywood, Lawrence là một huyền thoại sống, vừa do tài năng vừa bởi tấm lòng. Tài năng của ông nằm ở sự phát hiện, đào tạo và phương pháp tạo ra danh tiếng còn tấm lòng thì biểu hiện lớn nhất là ở sự chân thành. Khách hàng của Lawrence đều là những tài năng lớn của nghệ thuật biểu diễn, hoặc chắc chắn sẽ trở thành như thế. Nhân viên văn phòng của ông ít đến mức không thể ít hơn, lại phải luôn sẵn sàng khăn gói lên đường phục vụ khách hàng biểu diễn; gần thì New York, Boston, xa thì London, Rome, Paris và nhiều thủ đô khác nữa. Lawrence giao du thân mật với hầu hết các bậc tai mắt của Hollywood, đặc biệt với những người phụ trách sản xuất của các Hãng phim lớn. Năm nào ông cũng thuê hẳn một con tàu biển và "tuyển" vài cô người mẫu - hoặc mơ làm người mẫu - rồi mời mấy vị đứng đầu các Hãng phim đó đi "câu cá" vài ngày. Ông còn có một nhà nghỉ sang trọng trên bãi biển Malibu luôn sẵn sàng cho bạn bè sử dụng. Ông và Hollywood, hai bên đều có lợi khi quan hệ tốt với nhau.

Lawrence bước vào, bộ đồ lớn sang trọng và vừa khít, bàn tay với những chiếc móng tỉa tót chìa ra, thân mật. "Tôi chỉ định ghé qua chào anh. Mọi việc vẫn ổn chứ?".

"Đoạn đầu dài quá, đoạn kết vội vã quá", Lawrence ý tứ, là "theo tôi, nếu bớt đầu và làm lại đuôi thì sẽ có một phim đáng xem".

Sam hớn hở. "Thì chúng tôi đang làm vậy. Hôm nay ông mang tặng tôi ngôi sao nào vậy?"

"Rất tiếc, họ đều đang bận". Sam biết Lawrence không "làm giá". Khách hàng của ông chẳng bao giờ phải ngồi không. Lawrence nói tiếp. "Sam này, thứ sáu gặp nhé. Chào!".

Tiếng Lucille vẳng ra từ đường liên lạc nội bộ, "Dallas Burke đang chờ".

"Xin mời!".

"Và Mel Foss cũng muốn gặp ngay, bảo là có chuyện cần gấp." Đó là Giám đốc phim truyền hình của Hãng Pan -Pacific.

Sam liếc nhanh lịch công việc đặt trên bàn. "Nói Mel sáng mai, tám giờ, tại Plo Luonge".

Chuông reo ở phòng thư ký, Lucille nhấc ống nghe. "Văn phòng Sam Winters".

Một giọng lạ lẫm vang lên. "Xin chào. Con người khổng lồ ấy đang ở văn phòng chứ?"

"Xin lỗi, ai đầu dây?"

"Bảo Sam rằng có Toby Temple gọi. Chúng tôi là bạn từ thời lính tráng và Sam bảo nếu tới Hollywood hãy gọi máy cho Sam".

"Thưa ông Temple, ông Winters đang tiếp khách. Tôi có thể bảo ông ấy gọi lại cho ông được không ạ?".

"Tất nhiên!". Toby đọc lên số máy và Lucille không thèm ghi lại. Cô lạ gì cái trò núp dưới danh nghĩa bạn bè thời lính tráng này.

Dallas Burke thuộc lớp đạo diễn tiền bối của điện ảnh Hollywood. Phim của ông hầu hết được chiếu ở các trường điện ảnh, được soạn thành giáo trình. Đó là những phim được công chúng và các nhà phê bình đánh giá cao bởi tính thẩm mỹ và sự sáng tạo, trong đó, có tới gần chục bộ được xếp vào hàng kinh điển. Burke đã ngót tám mươi, thân hình vốn to béo nay như xọp đi mỗi ngày, gày gò, nhăn nheo.

"Vui mừng được gặp ông, Burke. Ông vẫn khoẻ?" Sam vồn vã.

"Rất vui được gặp anh bạn trẻ". Burke nắm lấy bàn tay Sam chìa ra rồi hất hàm về người đi cùng ông. "Anh biết người đại lý của tôi chứ?"

"Tôi biết. Khoẻ không, Peter?"

Vừa ngồi xuống, Sam hỏi ngay ông già. "Nghe nói ông có kịch bản dành cho Hãng?"

"Câu chuyện này thì khỏi còn chỗ chê", ông già khẳng định.

"Tôi rất muốn được nghe. Ông kể ngay đi". Sam giục.

Burke nhô người về trước, giọng đầy phấn khích. "Tình yêu là một mặt của đời sống được con người quan tâm hơn cả. Bộ phim này nói về thứ tình cảm cao quý nhất: tình mẹ con. Bối cảnh mở đầu là Long Island, một cô gái mười chín tuổi giúp việc cho một gia đình khá giả. Ông chủ đã có vợ, cũng môn đăng hộ đối, nhưng chưa con cái gì, mà lỗi lại do vợ, anh hiểu không? Ông ta ưa cô giúp việc và cô ta cũng thích ông, dù tuổi tác chênh lệch khá nhiều..."

Hờ hững nghe, Sam băn khoăn thầm hỏi sao mà cứ thấy nó nhang nhác Phố vắng hay Theo dòng đời đến vậy? Giống hay khác, thực ra, đâu quan trọng gì, bởi đằng nào Sam chả phải mua cái kịch bản này. Tất nhiên, mua để đấy chứ đâu để dựng phim. Hàng chục năm nay, còn Hãng nào dám để Dallas Burke đạo diễn nữa. Mà chẳng thể trách họ. Bởi chính anh cũng không dám nữa là, dù rất quý, rất thông cảm với ông giá. Mấy phim cuối cùng của Burke quá cổ, quá tốn kém và thua lỗ nặng. Sự nghiệp điện ảnh của ông giá kể như chấm dứt chục năm nay rồi. Nhưng ông đâu đã chết, về mặt con người, nên Hollywood nói chung, các Hãng từng quan hệ với ông cùng bạn bè thân hữu nói riêng, vẫn phải chăm sóc ông, bởi ông chẳng dành dụm được chút tiền nong của nả nào cho mình. Nhưng Burke từ chối tất cả những gì cho không, thậm chí dành tặng. "Tôi thèm vào cái của bố thí nhục nhã ấy", ông nổi khùng lên, "tôi đã từng là đạo diễn của Fairbanks, Barrymore, Sill, rồi Bill Farnum, các ngươi dám coi người khổng lồ này là kẻ ăn mày ư?"

"...Và đứa trẻ lớn lên, học hành, yêu đương mà không hề biết mặt mẹ mình", ông già vẫn mải mê kể, "còn người mẹ thì không bỏ sót biến động nào trong đời con gái mình. Rồi cô con gái lấy chồng, một bác sĩ giàu có, và tất nhiên, sẽ là một đám cưới linh đình, anh hiểu chứ? Còn cái kết ư? Tuyệt, Sam! Người ta cấm bà mẹ vào dự đám cưới con gái khiến bà phải lẻn cửa sau như ăn trộm, chỉ để nhìn trộm cô dâu. Người xem sẽ không thể cầm nổi nước mắt, Sam. Anh tin vậy chứ?"

Thì ra nó không như Phố vắng hoặc Theo dòng đời mà anh tưởng, nhưng nó lại giống cái gì thì anh cũng đã biết. Peter ngồi bên ông già, bối rối lảng tránh cái nhìn của Sam.

"Mới nghe đã muốn khóc rồi", Sam nói, "đúng là loại phim mà Hãng đang muốn thực hiện. "Peter, anh hãy gọi cho Phòng sản xuất và thoả thuận ký hợp đồng luôn". Peter gật vội đầu.

Dallas Burke nói thêm. "Bảo họ là phải trả cho xứng đáng, nếu không tôi sẽ bán cho Warner Brothers". Ông quay sang Sam. "Tôi kể anh nghe đầu tiên vì quý mến anh nhất, anh hiểu không?"

"Tôi hiểu, và rất trân trọng".

Anh mở cửa, tiễn họ ra, và bỗng buồn. Thực tế là anh không được tuỳ tiện dùng tiền của Hãng để làm từ thiện như vậy. Nhưng biết làm sao được. Không có Dallas Burke và những người như ông thì đã không có Hollywood, và có thể, không có cả điện ảnh nữa.

Sáng hôm sau, dừng xe trước Beverly Hills, đúng tám giờ, Sam bước vào Polo Lounge như đã hẹn với Mel Foss. Anh ta đã giữ được chiếc bàn ở góc cuối, cạnh chỗ cửa sổ mà họ quen ngồi. Đi ngang qua phòng, Sam liên tục phải chào hỏi, bắt tay bạn bè, người quen biết, và cả các đối thủ cạnh tranh của các Hãng khác. Một thông tin không chính thức nhưng khá chính xác nói rằng số hợp đồng được ký trong phòng ăn này vào cả ba bữa sáng, trưa, và tối còn nhiều hơn ở văn phòng cả ba hãng cộng lại. Mel Foss đứng dậy khi Sam bước tới.

"Vui vì được gặp anh, Sam".

Họ bắt tay rồi cùng ngồi xuống, đối diện nhau. Gần một năm trước, Sam nhận Mel về trông nom Xưởng phim truyền hình của Hãng Pa- Pacific. Đó là một đứa bé mới sinh ra trong ngành thông tin giải trí, song nó lớn đến chóng mặt, khiến những Hãng phim thoạt đầu coi thường nhưng đã sớm nhận ra sai lầm của mình và lập tức xông vào.

"Cho nghe những điều tốt đẹp, Mel?" Sam nói ngay.

"Sợ không như anh hy vọng, Sam. Chúng ta có rắc rối đấy." Mel cũng chẳng cần vòng vo. "Họ không chịu phát sóng Những kẻ trấn lột".

"Họ không biết đó là phim đang ăn khách ư? Dễ gì mà có được nó. Để tôi bảo họ". Sam không ngạc nhiên như Mel tưởng.

"Vấn đề là ở Jack Nolan chứ không ở phim!". Mel giải thích. Nolan là vai nam chính của phim và ngay từ ngày đầu công chiếu đã được người xem cùng giới phê bình khen ngợi.

"Anh ta đã làm chuyện gì?" Sam nôn nóng. Cái bọn nghệ sĩ, hễ có tiếng là có chuyện ngay".

"Anh đọc tờ Peek tuần này chưa?"

"Tôi chẳng đọc tuần nào cả, toàn những chuyện ngồi lê đôi mách. Sao, nó cho Nolan lên thớt à?"

"Thằng lại cái đã đánh cả bộ váy đăng tên đi dự tiệc, và bị chụp ảnh, rồi bị đưa lên Peek".

"Dư luận phản ứng sao?" Sam hỏi như thói quen chứ anh lạ gì cái phản ứng này.

"Hết nổi. Chẳng ai còn muốn dính tới cái thằng đồng tính không khảo mà xưng ấy, kể cả những phim có mặt hắn, dù là tuyệt tác đi nữa".

Lại cái, đồng cô đúng hơn là đồng tính. Sam nhận định, chứ không phải bênh gì Nolan. Những kẻ trấn lột bị tẩy chay thực sự là một đòn chí tử đối với anh.

Nếu như anh cứu được nó?

Lucille đón anh ở cửa văn phòng, tay chìa ra tờ điện tín, lại còn nói thêm. "Nhiều người đợi ông. Nhiều việc gấp".

Sam xua tay. "Để lại hết. Cho tôi gặp William Bill Hunt đã".

Giây lát sau Sam đã trò chuyện với giám đốc Hãng truyền hình IBC. Họ quen nhau từ vài năm trước, hoàn toàn tình cờ, và cứ cho bởi cảm tính, Sam thấy quý ngay người bạn tình cờ ấy. Hunt xuất thân là một luật sư cố vấn để bây giờ là người nắm quyền cao nhất Hãng truyền hình IBC. Họ ít liên hệ chuyện làm ăn vì Sam không dính dáng nhiều đến truyền hình, để lúc này anh mới thấy tiếc. Biết là Sam gọi, Hunt không giấu vẻ mừng rỡ. "Lâu rồi nhỉ, Sam. Anh gọi thật hay quá".

"Lâu thật rồi, Bill. Ta rủi ro lao vào cái nghiệp này, chẳng mấy khi được rảnh rỗi chuyện trò với người mình ưa thích".

"Biết vậy, nhưng đã là nghiệp rồi, bỏ sao nổi". Hunt thực lòng.

Sam làm như tình cờ. "Này, ngó qua bài báo đơm đặt trên tờ Peek chưa?"

Sam nhẹ nhàng. "Chẳng cần trả lời anh cũng biết là tôi đã đọc nên mới ngưng vụ Những kẻ trấn lột lại. Bỏ nó đi". Hunt nói bằng giọng không thể bàn cãi.

"Bill, anh nghĩ sao nếu tôi khẳng định Nolan bị gài bẫy?"

"Tôi sẽ nghĩ anh đang nhân vụ đó viết một kịch bản phim. Tôi xin mua liền". Hunt cười to.

"Tôi biết chắc", Sam vẫn giữ vẻ nghiêm nghị, "bởi tôi hiểu Nolan. Không bệnh hoạn gì đâu, bình thường như tôi và anh vậy. Đó là bức ảnh chụp tại vũ hội hoá trang. Nolan mặc váy nhân ngày sinh nhật cô bồ để cô ta cười vui". Vừa nói dối Sam vừa tự mắng mình. "Tôi tin Nolan, và vẫn quyết định dành vai chính trong phim cao bồi Laredo cho anh ấy".

Nghe rõ tiếng thở mạnh bên kia đầu dây. "Không đùa chứ? Anh biết là giữa chúng ta chưa bao giờ phải thủ đoạn với nhau, Sam".

"Tôi dám đùa với một bộ phim tiêu tốn vào triệu đôla ư? Nếu thực sự Nolan đồng tính luyến ái anh ta có còn dám nhận, tôi có còn dám mời, và bộ phim có còn khán giả nào xem không?"

Hunt lộ rõ vẻ lưỡng lự. "Vậy thì..."

"Bill này, chúng ta sẽ không để một tờ chuyên đăng chuyện bậy bạ như Peek làm tan vỡ sự nghiệp của một diễn viên tài năng chứ. Riêng anh có thích Những kẻ trấn lột không?"

"Phim hay. Tôi rất thích. Nhưng còn các nhà tài trợ..."

"IBC là của anh cơ mà, và tôi đoán số lượng nhà tài trợ cho nó còn nhiều hơn cả số giờ phát sóng của nó nữa. Chúng tôi đã giới thiệu với anh một series phim ăn khách, đừng dại dột bỏ qua cơ hội này. Mà Mel Foss đã khoe anh về kế hoạch làm tiếp phần hai phim Những kẻ trấn lột của Hãng chưa nhỉ?"

"Chưa. Mà vẫn với Nolan vai chính hả?"

"Tất nhiên. Còn Mel chưa nói, theo tôi, là muốn dành cho anh một bất ngờ. Bởi vẫn nói Nolan, song còn thêm nhiều cái tuyệt vời nữa, so với phần một. Nếu Những kẻ trấn lột không đứng vị trí số một của năm nay thì có lẽ tôi đã làm sai nghề".

Im lặng giây lâu, ròi Hunt nói. "Bảo Mel gọi cho tôi. Có lẽ cũng cần xem xét lại tờ Peek".

"Chắc chắn Mel sẽ gọi cho anh". Sam khẳng định, rồi thêm. "Tuần tới hai ta ăn trưa nhé?"

"Rất vui. Đầu tuần tôi sẽ gọi lại cho anh. Chào!".

"Chào!". Họ cùng gác máy.

Sam buông mình xuống ghế, rã rời. Gã Nolan chết tiệt lắm trò ma mãnh quá. Vậy mà cái bọn dở điên dở khùng đó lại hầu như nắm giữ tương lai, sự nghiệp của anh. Thì ai bảo anh đã chọn cái nghề quản lý đám điên khùng đó. Mà giờ có cho tiền anh cũng dám chắc sẽ bỏ nó không. đã gọi là nghiệp rồi mà...Anh uể oải nhấc máy gọi cho Mel. "Những kẻ trấn lột vẫn được phát sóng", rồi bỏ mặc tiếng kêu kinh ngạc của Mel mà không giải thích, nói tiếp. "Hãy gọi ngay cho Nolan, bảo hắn nếu còn tái diễn những trò tương tự , tôi sẽ đích thân lôi hắn ra khỏi Hollywood, áp tải đến tận Fire Island quê hắn. Bảo hắn rằng, chính tôi nói, nếu thèm mút miếc cái gì đó thì hãy kiếm lấy quả chuối, càng xanh càng tốt".

Đặt máy xuống anh mới nhớ là chưa nói Mel biết câu chuyện anh bịa ra với Bill Hunt về bộ phim mang cái tựa là Larendo. Vừa định nhấc máy gọi lại Mel thì cánh cửa bật mở, gương mặt thất sắc của Lucille thò vào, giọng hốt hoảng. "Ông hãy đến trường quay số 10. Ai đó đã đốt cháy nó".