Người Lạ Trong Gương

Chương 21




Bây giờ Toby Temple không chỉ bận rộn bởi chương trình biểu diễn luôn chật kín thời gian mà còn bởi phải tán gẫu với Tổng thống nước này, chơi golf với Quốc vương nước khác, ăn trưa với Nữ hoàng nước nọ, vân vân... nhưng chả ai trong số hàng triệu khán giả ruột của anh chạnh lòng cả, bởi họ biết, mãi mãi anh là người của họ, đứng bên phía họ chế giễu đám tai to mặt bự và các thể chế do đám người đó sinh ra để bảo vệ đế chế của mình.

Trong một vài chương trình riêng, và trong toàn bộ các cuộc trả lời phỏng vấn, anh thường nhắc đến mẹ mình, và mỗi ngày bà càng giống một Nữ Thánh hơn.

Còn cách nào khác để hai mẹ con được chia sẻ với nhau cái vinh quang hôm nay của anh?

Toby chuyển đến sống tại khu Bel Air nổi tiếng, trong một cơ ngơi gồm hàng chục phòng ngủ, có phòng chiếu phim, bể bơi, hầm rượu, nhà riêng cho quản gia, cho khách, và lan can cầu thang bằng gỗ chạm trổ nhập từ Anh...

Anh còn mua một ngôi nhà không kém phần sang trọng ở bãi biển Palm Springs, mua một đàn ngựa đua và thuê, cũng chẳng khác gì mua, cùng lúc ba người hầu, rồi gọi cả ba bằng một cái tên chung: Mac.

Cả ba Mac đều tôn thờ anh như con chiên thờ Chúa. Họ làm mọi việc, không phân biệt lớn nhỏ, chẳng nề hà bẩn sạch, từ cọ rửa nhà, lái xe đến tắm rửa, xoa bóp và kiếm gái cho anh bất kể ở đâu và bất kể thời gian nào. Người ta bảo họ là ba anh hề của Vua Hài, nghe thì bóng bảy nhưng chưa chính xác lắm. Gọi là Thiên lôi chắc đúng hơn.

Anh còn có bốn thư ký mà hai chuyên lo việc đọc và trả lời thư của hàng triệu người hâm mộ anh trên toàn thế giới. Còn thư ký của riêng Toby là một cô gái có tên Sherry, hai mốt tuổi, tóc tai vàng óng, vú vê nảy nở, đít đoi cong veo, hẳn là tác phẩm của một cặp ăn để sông, sông để làm tình tạo ra. Anh lệnh cho Sherry chỉ được mang váy ngắn và không được mang đồ lót, để tiết kiệm thời gian cho cả hai người.

Đêm chiếu ra mắt bộ phim đầu tay của Toby thành công ngoài mong đợi. Vé mời không đáp ứng được đòi hỏi. Có mặt cả Sam Winters lẫn Clifton Lawrence. Xem xong, họ kéo nhau tới một nhà hàng làm vài ly ăn lnừng và tán gẫu.

Toby chỉ gặp Sam Winters sau khi hợp đồng làm phim Chàng trai tìm về miền Tây giữa anh và Pan- Paciflc đã được ký kết. "Anh sẽ khỏi tốn đến chừng này tiền nếu chịu trả lời "những cú điện thoại của tôi". Toby nói rồi vui vẻ kể Sam nghe về việc anh đã cố gắng tìm Sam thế nào. "Thật đen đủi cho tôi". Sam rầu rĩ nói.

Còn bây giờ, sau thành công của Chàng trai tìm về miền Tây, Sam nói với Clifton. "Nếu không buộc phải đổi một bộ phận cơ thể nào, tôi xin ký một hợp đồng liền ba phim với Toby".

"Ngoài cơ thể thì được chứ? Sáng mai tôi sẽ gọi anh". Clifton bảo Sam rồi nhìn nhanh đồng hồ và nói với Toby. "Ngồi chơi tiếp nhé, tôi đi đây".

"Bận gì mà ông chia tay sớm vậy?"

"Một khách hàng đang chờ. Tôi còn nhiều khách hàng lắm, anh bạn ạ".

"Tất nhiên, tôi biết". Toby đáp và nhìn Clifton rất lạ.

Sáng hôm sau, mục bình phim của các báo lớn nhỏ tràn ngập những lời khen Toby, nhiều hơn khen chính bộ phim nữa. Và những người viết quả quyết anh sẽ là một ngôi sao điện ảnh, như đã từng là ngôi sao sân khấu và truyền hình.

Toby bảo cô thư ký váy ngắn - không đồ lót đọc cho nghe hết các bài báo rồi gọi cho Clifton Lawrence. Ông ta nói. "Xin chúc mừng, anh bạn nhỏ. Đã đọc Reporter và Variety chưa? Cái khó nhất của họ là tìm không ra lời khen cho xứng với ngôi sao mới của Hollywood. Anh còn nhớ tôi đã tiên đoán là sẽ tới ngày anh có cả thế giới trong tay. Ngày ấy đến rồi đó, Toby!" Giọng Clifton không giấu nổi vẻ tự đắc.

Toby không tỏ ra vui mừng đến mức như Clifton nghĩ. Anh nói điềm đạm. "Có việc cần bàn, ông tới đây được không?"

"Tất nhiên. Vài tiếng nữa, khi nào xong việc tôi sẽ…"

"Ý tôi là ngay. Ngay bây giờ!" Có vẻ ngập ngừng ở đầu dây bên kia, Toby nói luôn. "Nếu ông bận thì coi như tôi chưa nói gì hết". Anh dập máy.

Chưa đến phút sau, chuông reo, cô thư ký của Clifton nói. "Thưa ông Temple, ông Lawrence đang trên đường tới gặp ông".

° ° °

"Lạy Chúa, anh biết là không bao giờ tôi bận đến mức để hỏng việc của anh mà", Clifton nói với giọng năn nỉ, hầu như chưa từng thấy ở ông, "trái lại chẳng những việc, mà bất cứ gì liên quan đến anh tôi đều đặt ở vị trí số một. Vừa tối qua mình ngồi với nhau, cả Sam nữa, có thấy anh nói gì chuyện hôm nay gặp nhau đâu, nên tôi mới hẹn người khác…"

Toby cứ mặc cho Clifton phân trần, chỉ đến khi ông nói, "Toby, anh phải tin rằng anh là khách hàng được tôi cưng chíều nhất chứ" thì anh mới lạnh lùng buông ra một câu khiến ông ta sững người ra. "Vậy ư, ông Clifton? Thế mà tôi lại bắt đầu thấy bất an trong lòng".

"Tôi... tôi không hiểu".

"Có được cưng chiều đến mức ông bỏ mọi khách hàng khác chỉ để lo cho mình tôi không?"

"Anh đùa, hay thực sự nghĩ vậy?", ông ta cười cười.

"Ông nghĩ có thể đùa với đề nghị đó ư?" Anh hỏi lại và thấy nụ cười biến khỏi gương mặt Clifton. "Tôi cho là tôi đã có quyền có một đại lý riêng cho mình, và chỉ cho mình mà thôi, và người đại lý ấy sẽ không bao gỉờ phải nói đang bận khi tôi cần đến. So sánh thế nào nhỉ. Cứ tạm hiểu là tôi mới cái đó của tôi khi đã cứng ngắc lên là phải chơi ngay chứ không cần chờ tới lượt mới được như kiểu chơi hội đồng".

Clifton lặng lẽ quan sát Toby. Ông hiểu gốc gác của sự đòi hỏi này. Đâu phải Toby ích kỷ hay lên mặt, nhất là với ông. Nó chỉ xác định lại những gì ông đã quan sát, đặt giả thiết, và giờ ông khẳng định nó gắn với nỗi cô đơn của Toby, cũng như khẳng định Toby là người đàn ông cô đơn nhất mà ông biết tới.

Ông từng thấy Toby "mua" cả tá đàn bà, cũng như bạn bè, bằng những tập đôla dày cộm hoặc những món quà đắt giá. Có mặt Toby thì ở bất kỳ bữa ăn hay cuộc vui nào cũng không ai được phép trả tiền. Clifton đá tận tai nghe một nam ca sĩ bảo Toby, "Anh không cần phải mua sự yêu mến. Tất cả đã đang và sẽ mãi yêu mến anh mà". Rồi ông thấy Toby cười láu lỉnh với anh ta, "Cho nó chắc ăn hơn". Không bao gìờ người ca sĩ đó có mặt trong chương trình của Toby nữa.

Clifton còn biết Toby cùng lúc ngủ với cả hai, ba, thậm chí năm, sáu cô gái, tưởng như anh đã tìm ra cách giải toả nỗi thèm muốn đàn bà trong mình. Nhưng đâu phải. Cái anh cần là sự chia sẻ, và chỉ một cô là đủ, nếu thực sự anh tìm được sự chia sẻ ở cô gái đó. Vì không thấy, anh bèn nghĩ ra cách lấy lượng bù chất. Nhưng ăn thua gì đâu. Họ vừa rời khỏi, cô đơn lại ập đến với anh.

Anh cần bạn bè, những người quen biết vây quanh, - như cần khán giả. Nghĩa là không thể không có, ở bất kỳ lúc nào.

Và bây giờ anh cần đến ông, Clifton Lawrence, đại lý của anh, từ ngày anh chập chững vào nghề, không tiền, không tên tuổi. Anh cần ông luôn có mặt bên anh, sống và làm việc vì anh, chỉ vì riêng mình anh thôi.

Clifton là đại lý của hơn chục diễn viên cả sân khấu lẫn điện ảnh nhưng tổng số tiền ông được hưởng từ họ cũng chỉ ngang ngửa với thu nhập của ông từ một mình Toby. Nhưng ông chỉ ngầm so sánh vậy chứ không để tiền bạc tham gia vào quyết định của mình. Nếu như chấp nhận đòi hỏi của Toby thì hoàn toàn là bởi Clifton yêu mến anh và biết anh thực sự rất cần đến ông, ngay cả khi đang ở đỉnh vinh quang này. Và chính ông cũng cần đến Toby nữa. Anh đã làm cuộc đời ông phong phú biết bao, ý nghĩa biết bao và còn bao kỷ niệm họ đã có, đã chia sẻ với nhau.

Khi Toby rót đầy ra hai ly rượu, Clifton nâng một ly lên ngang mặt, chúc. "Cạn chén, cho riêng Clifton và Toby!"

° ° °

Một năm hoàn hảo đối với Toby. Có thể nói như vậy vì anh không chỉ thành công trong các chương trình biểu diễn trên sân khấu, truyền hình và điện ảnh mà còn là người khách luôn được mong chờ ở mọi cuộc vui, dù chủ nhân là nguyên thủ quốc gia hay chỉ là dân thường.

Tại bữa tiệc sinh nhật của nhân vật đã có công sáng lập ra một Hãng phim, ai đó đứng bên bỗng hỏi Toby. "Có thật hôm nay là ngày sinh lần thứ chín mươi nhăm của ông ấy?".

"Tôi không nghi ngờ gì hết", Toby đáp, "vì đã nhận được thiệp mời, năm năm nữa, vào tuổi một trăm, đến dự lễ ông ta cưa đôi mình thành hai phần bằng nhau".

Có một bác sĩ nổi tiếng cả về chuyên môn lẫn về từng chữa bệnh cho nhiều tài tử nổi tiếng, trong một bữa ăn cứ thao thao những chuyện tiếu lâm trước một nhóm diễn viên hài. Toby làm như quỳ xuống trước mặt ông ta, năn nỉ. "Thưa bác sỹ, hãy cứu lấy chúng tôi bằng cách đừng mua vui cho chúng tôi nữa…"

Còn những trò đùa nghịch của Toby thì lan truyền khắp cả nước Mỹ. Có hôm, ngay cả Chủ tịch Thượng viện cũng muốn nghe cho xong câu chuyện về Toby rồi mới tuyên bố khai mạc cuộc họp do ông chủ trì. Đó là chuyện một anh bạn Thiên Chúa giáo của Toby phải vào bệnh viện làm tiểu phẫu. Bệnh tật khiến anh ta bi quan, suốt ngày thở ngắn than dài.

Một hôm, khi đang còn phải nằm ở phòng hậu phẫu, một xơ lạ mặt rất trẻ và rất đẹp bỗng dừng lại bên giường bệnh cầm tay anh ta như xem mạch rồi sờ lên trán anh ta.

"Sắp xuất viện được rồi. Ơ này, da anh mịn quá nhỉ".

"Cám ơn xơ".

Xơ nhoài qua giường, làm như phải kéo lại chăn, vuốt lại gối, và đôi vú nở nang không mang đồ lót của xơ áp lên mặt người bệnh, rồi còn dịch chuyển trên đó nữa. Ốm yếu và bi quan là vậy mà anh ta vẫn cứ thượng cứng lên. Do phải sửa lại chăn nệm, tay xơ vụng về thế nào đụng luôn vào cái của nợ đó. Anh ta xấu hổ chỉ muốn kéo chăn trùm kín đầu.

"Chúa ơi", xơ kêu lên, "anh giấu cái gì trong chăn vậy?" Rồi xơ kéo tuột chăn ra. Anh ta hổn hển những lời xin lỗi khi mà cái đó cứ giần giật.

"Anh có lỗi gì đâu. Mà nom nó hùng dũng thật đấy ". Xơ thản nhiên nói rồi ấp mặt vào cái chỗ mà anh ta cứ chực che đi.

Tới nửa năm sau, khi đã trở lại khoẻ mạnh và vui tươi hoàn toàn, anh ta mới biết chính là Toby đã thuê một gái điếm đóng giả xơ đó.

Lại một hôm, khi đã bước ra khỏi thang máy, Toby chợt quay lại nói với một VIP điệu bộ đầy vẻ quan cách của một Hãng phim còn phải đi tiếp lên tầng trên. "Tôi quên hỏi thăm, Will, cách nào mà ông thoát khỏi vụ án với cô bé mang bầu ấy thế, mách anh em với chứ?" Cửa thang máy khép lại trước gần chục ánh mắt dè bỉu hướng vào VIP đang ngớ người ra.

Toby chi tiêu rộng rãi, rất hay tặng quà nhân viên, bạn bè mà chẳng cần nhân dịp gì hết, từ bật lửa, đồng hồ mạ vàng đến trọn tủ quần áo, đến cả chuyến du hý châu Âu. Anh có thói quen mang theo người rất nhiều tiền mặt, luôn đòi thanh toán mọi thứ bằng nó, kể cả khi mua cùng lúc hai chiếc xe hơi sang trọng bậc nhất: Rolls Royce.

Giầu sang vậy song Toby không quên cái thuở hàn vi ngày nào và luôn chạnh lòng trước đám nghệ sỹ chưa được hưởng cái may mắn như anh hôm nay. Mỗi thứ sáu hàng tuần lại có cả chục con người trong ngành điện ảnh đang sống vất vưởng vì thiếu việc làm đến gặp Toby để nhận từ anh một giúp đỡ nào đó. Song để lợi dụng anh thì lại là điều anh không cho phép. Có lần Toby đã nói thẳng với một diễn viên mà anh thấy thứ sáu nào cũng có mặt. "Kìa, làm gì ở đây vậy? Tôi thấy tờ Variety loan tin là anh mới nhận vai mà?" Có điều hay là anh chàng kia chẳng cáu kỉnh hay giận dỗi gì mà chỉ lầu bầu. "Đểu thế, muốn cắt suất thì cũng nên báo trước hai kỳ cho tôi chuẩn bị chứ"

Giai thoại về Toby thì vô kể, mà phần lớn lại là chuyện thực. Có lần, một người trong nhóm soạn thảo tiết mục đi làm muộn, điều Toby ít khi tha thứ. "Tôi xin lỗi, sáng nay thằng con tôi bị xe chẹt phải". Anh ta nói. Toby lạnh lùng hỏi. "Anh có mang theo chuyện cười không?"

Ai nấy đều sửng sốt. Khi Toby đi rồi, một người lẩm bẩm. "Nhìn hắn trên sân khấu, không ai dám nghĩ lòng dạ hắn băng giá đến vậy".

Nhưng chính Toby đã mua vé máy bay mời một bác sỹ chuyên khoa não giỏi nhất đến mổ cho đứa bé bị thương và trả toàn bộ viện phí cho nó. Anh cảnh cáo bố nó. "Hé răng chuyện này với bất kỳ ai thì đừng vác mặt đến gặp tôi nữa". Chỉ công việc mới mang niềm vui lại cho Toby, giúp anh thoát khỏi nỗi cô đơn. Anh thực sự hạnh phúc và khiến mọi người quanh anh cũng hạnh phúc nếu buổi diễn thành công. Còn nếu nó có gì trục trặc thì tất cả sẽ biến thành địa ngục.

Toby cũng là kẻ mang đầu óc tư hữu. Anh từng chụp lấy đầu Rainger, một trong "Hai tay ấy" ngày nào, và nói với cả phòng. "Cái đầu này của tôi đấy, của riêng tôi thôi".

Song không phải là anh yêu quý những soạn giả hài kịch của mình lắm đâu. Đôi khi còn căm ghét họ là khác. Bởi anh không thể không cần đến họ, mà thâm tâm thì anh lại chẳng muốn mình phải thực sự cần đến một ai. Vì vậy, hễ có dịp là anh không thèm giấu thái độ coi thường của mình.

Vào ngày lương, Toby viết séc cho từng người rồi gấp lại thành máy bay giấy và phi cho chúng bay lượn khắp phòng. Anh thẳng tay đuổi họ vì những lý do đâu đâu. Thí dụ như nước da rám nắng của một người chẳng hạn. Khi O Hanlon ngạc nhiên hỏi lý do đuổi anh ta, vì đó là một trong những cây bút khá nhất của nhóm soạn giả thì Toby thản nhiên đáp. "Thời gian đâu để da rám nắng nếu hắn chịu khó ngồi làm việc cho tôi?"

Một người viết khác được Clifton tiến cử đã bị đuổi ngay ở buổi làm việc đầu tiên vì mang theo chuyện khôi hài về các bà mẹ.

Còn nếu vị khách nào tham gia chương trình của Toby mà được khán giả tán thưởng, anh thường vỗ tay to nhất và nói. "Tôi rất vinh hạnh được biếu diễn cùng anh". Nói xong anh nhìn chủ nhiệm chương trình. "Tuần sau nhớ mời anh ấy nhé!" ông chủ nhiệm hiểu rằng người đó sẽ không bao giờ được có mặt trong chương trình của Toby nữa.

Con người anh chồng chất mâu thuẫn. Có chuyện như trên, nhưng cũng lại có chuyện như sau: Vinnie Turkel từng là một danh hài song tuối già đã kéo ông xuống dốc. Rồi ông được thuê, lần đầu tiên, đóng vai trong một vở kịch sẽ được truyền hình trực tiếp. Và ông hy vọng đây sẽ là cơ hội để ông chứng tỏ mình còn khả năng xuất hiện đều đặn trở lại. Hôm ấy, tình cờ đi qua phòng hoá trang, Toby thấy Vinnie say mềm trong đó. Anh hỏi, thì được nghe người đạo diễn chương trình đó tặc lưỡi: "Đành chịu thôi, kể như sự nghiệp ông ấy tiêu rồi".

"Đã xảy ra chuyện gì?"

"Người ta đã quen nhìn Vinme với vẻ hài hước nên bây giờ, khi ông ta cố làm ra nghiêm chỉnh, mọi người lại càng cười nhiều hơn. Và làm ông ta không diễn được nữa. Còn giọng ông ta vẫn tuyệt lắm, tiếc quá".

"Nghe nói Vinnie hy vọng rất nhiều vào vai diễn này?"

"Thì cũng như mọi diễn viên thôi, ai chẳng đặt hy vọng vào vai diễn của mình".

Toby cho đưa Vinnie về nhà, chăm nom, săn sóc như với một người bệnh, rồi ân cần hỏi. "Đây là vai diễn rất quan trọng với ông, định để nó tuột khỏi tay ư?"

Vinnie chán nản. "Tuột mất rồi Toby ạ, vĩnh viễn mất rồi".

"Tại sao?"

"Họ cứ cười tôi. Và tôi nghĩ mình không diễn nổi".

"Họ cười là đúng chứ, vì cả đời ông sống chỉ để làm cho người khác phải cười. Họ vẫn nghĩ ông là danh hài mà. Cười, đâu chỉ có nghĩa là giễu cợt. Giờ đã đến lúc họ phải thấy ông ở một tài năng khác nữa, và họ sẽ còn yêu ông hơn. Hãy bắt đầu đi Vinnie".

Nửa đêm, Toby gọi cho đạo diễn vở kịch, nói rằng không phải lo lắng gì cho Vinnie nữa, mọi sự ổn cả rồi. Anh ta nói luôn. "Còn lo lắng gì nữa, tôi đã kiếm được diễn viên thay cho ông ta ".

"Bỏ đi!", Toby nói như ra lệnh. "Phải dành cho Vinnie cơ hội này".

"Để ông ta lại say xỉn vì rượu và vở kịch của tôi đi đời ư?" Đạo diễn không dễ nhân nhượng.

Toby nói như mặc cả. "Thế này nhé, hãy để ông ta tập, và khi diễn thử, nếu anh vẫn không chấp nhận Vinnie, tôi sẽ thay vào vai đó và sẽ không lấy thù lao của anh!".

"Anh kể chuyện hài vào lúc nửa đêm này ư?"

"Dám mang cái quần của anh ra cá cược không?". Toby nói giọng nghiêm chỉnh. "Bảo ông già chín giờ sáng mai đến tập nhé!"

Vở kịch được phát trực tiếp trên sóng truyền hình và đặc biệt ăn khách. Báo chí hết lời ca ngợi Vinnie Turkel. Ông già ẵm vô số giải của truyền hình và trở thành diễn viên kịch, một nghề hoàn toàn mới mẻ với ông. Khi Vinnie gửi tặng Toby một món quà rất có giá trị, anh đã gửi trả, kèm theo mảnh giấy ghi hàng chữ "Tôi đâu làm nổi việc đó. Chính là ông!".

Cũng có một Toby như thế.

Nhưng, chữ "nhưng" ở Toby chẳng bao giờ hết cả. Khi được mời diễn trong chương trình của Toby, ông già Vinnie đã vô tình dẫm chân vào một trong những lĩnh vực hài hước của anh và tức khắc, ông ta đã phải nhận đòn trừng phạt cho đến hết đời, thậm chí còn bị Toby làm nhục trước hàng triệu khán giả truyền hình.

Lại có một Toby như thế nữa.

Còn thực sự Toby là người thế nào? O Hanlon nói. "Có bộ phim kể về cuộc gặp giữa vua hề Charlie Chaplin và một triệu phú. Mỗi khi say rượu, nhà triệu phú coi Charlie là bạn, còn khi tỉnh, ông ta tống cổ Charlie ra đường. Temple cũng như nhà triệu phú ấy, chỉ khác là không có rượu".

Có lần, khi gặp các VIP của một Hãng truyền hình, thấy có người im lặng suốt cả cuộc gặp, Toby liền bảo Clifton. "Có lẽ ông ta không ưa tôi."

"Người nào?"

"Cái tay uỷ- viên- không- hé- răng ấy".

"Chẳng ai có thể không ưa anh cả. Tưởng tượng ra điều đó làm gì".

"Ông ta không thèm nói với tôi một tiếng. Đúng là ông ta không ưa tôi". Toby dai dẳng.

Tìm kiếm mãi, cuối cùng Clifton cũng biết ông không- hé- răng đó là ai. Nửa đêm, Clifton gọi điện tới nhà riêng, dựng ông ta dậy hỏi xem có ác cảm gì vớì Toby Temple. Ngạc nhiên, ông ta đáp. "Ác cảm gì? Tôi coi anh ấy là người hài hước nhất đời".

"Vậy hãy làm ơn giúp tôi một việc: gọi điện tới và nói với Toby điều anh vừa bảo với tôi".

"Được để mai. Gọi anh ta lúc nào cho tiện nhỉ?"

"Tiện nhất là ngay bây giờ".

"Bây giờ? Ông biết đang là mấy giờ không? Ba- giờ- sáng? Để mai Toby đưa tôi ra làm trò cười trên truyền hình à?"

"Không có chuyện đó đâu. Toby đang chờ câu nói của ông. Hăy giúp tôi, làm ơn!"

Không thể đừng, ông ta đành làm theo. Chuông vừa reo, bên kia đã có người nhấc máy, và giọng Toby cất lên. "Xin chào!"

Ông ta cố lấy giọng tự nhiên. "Tôi đây, tôi chỉ muốn nói với anh, rằng anh thật… thật tuyệt vời. Tôi rất thích anh".

Toby đáp. "Cám ơn ông bạn". Sau đó là tiếng dập máy.

° ° °

"Băng nhóm" của Toby mỗi ngày mỗi đông hơn: Không ít lần anh chợt nửa đêm gọi điện kêu người này người kia tới uống rượu hoặc dựng dậy O Hanlon và Rainger, tức Hai tay ấy, bàn bạc về các vở diễn.

Anh còn rất hay xem phim tại nhà, suốt đêm với Clifton Lawrence, ba chàng Mac, vàỉ ba diễn viên cùng đám ăn nhờ uống vả nọ.

Càng nhiều người xung quanh Toby càng thấy cô đơn.