Người Giấy

Chương 4: Cậu ấm đi lamborghini






Tôi lọng ngọng nâng gọng kính cao lên, rồi lúng túng cất tiếng chào:



- Hội trưởng!



Trước mắt tôi là một chàng trai mặc đồng phục của trường An Đằng. Trong nắng sớm trong lành, con người ấy toả sáng một nét trong trẻo và thuần khiết vô cùng. Đây chính là hotboy siêu cấp đẹp trai của trường chúng tôi: Dương Hiểu Khiết - Niềm tự hào hàng đầu của con em An Đằng.



Vẫn như mọi ngày, cậu đến trường bằng xe riêng của gia đình - một chiếc Lamborghini thuộc hàng siêu xe. Nghe đồn đâu là Hiểu Khiết là con trai của chủ tịch một tập đoàn rất hùng mạnh, họ có cả vốn đầu tư vào An Đằng, cho nên, mọi sự đối đãi của trường với học sinh Dương Hiểu Khiết cũng rất tử tế.



Cậu ấy là học sinh giỏi toàn diện, xuất sắc cả về ngoại hình lẫn thành tích học tập. Năm ngoái còn đạt giải nhất toàn quốc cuộc thi hùng biện tiếng Anh, và hiện tại đang đảm nhiệm chức vụ Hội trưởng Hội mỹ thuật của trường. Đây chính là chàng trai trong mơ của hàng ngàn cô gái. Đủ chuẩn 4G: Đẹp giai - Nhà giàu - Học giỏi - Ga lăng. Chọp chẹp! Đúng là hàng hiếm!



Thấy tôi cứ mở tròn mắt mà nhìn, Khiết cười tươi tắn, nói:



- Này, sao đứng thộn ra đó? Trễ xe bus chứ gì? Phải không?



Tôi thiểu não gật gật đầu:



- Ừm. Chán ghê!



Cái gương mặt đối diện lúm liếng cười, đôi mắt nâu ẩn sau cái kính cận dày sáng long lanh dưới nắng:



- Tưởng gì! Này Hội phó, đi nhờ không? Nói một câu dễ nghe đi, tớ cho quá giang liền!




Tôi bĩu môi:



- Xuỳ, thích nghe nịnh nọt lắm à? - Vỗ ngực. - Một học sinh chân chính không bao giờ biết nói dối!



Vệt môi cam cam kia cong nhạt, nhướn vai:



- Vậy thôi! - Cậu hắng giọng. - Chú Hoàng ơi, mình đi tiếp đi. Kệ cái con sâu lười ấy đi! Xem cô ta có bị nhốt ngoài cổng không đây!



Rồi cái cửa kính phía sau dần dần đóng lại.



Tôi nóng ruột, nhìn đồng hồ, rồi lại đắn đo nhìn cái mặt tí ta tí tởn của cậu ta đang nhàn nhạt ý trêu. Hết cách. Nước miếng, nước bọt, enzim tự nhiên cơ thể tự tạo, không tốn hao, thôi cứ phun ra đại đi!



Tôi chặn cái kính xe đang đẩy lên quá nửa, hấp tấp:



- Ế nè nè Khiết đẹp trai, Khiết dễ thương, Khiết thông minh, tài giỏi, cậu nỡ bỏ tớ đi bộ thế sao? Thương tình đi mà! Cậu không giúp là tớ không nhận làm áp phích của hội đâu nhé! - Rồi mồm mép phóng tới chú tài xế dễ thương. - Chú Hoàng xem này, có người không lịch sự với con gái tí nào. Ai đó ngồi trong xe hưởng máy lạnh bỏ một cô gái liễu yếu đào tơ lang thang dưới nắng không? Không thương hoa tiếc ngọc gì hết đó! Ha chú!



Làm ra vẻ đáng thương, tôi vận hết nội công ra để nhận được lòng thương hại của chú Hoàng. Dương Hiểu Khiết ngồi ở hàng ghế sau bụm miệng cười, xua xua tay chào thua cái lưỡi kẹo dẻo của tôi.



- Thôi, thôi, thôi nào! Phục cậu thật đấy sâu lười. Lên xe đi!



Chú tài xế cũng cười, sau đó xuống xe, đi về phía sau mở cửa xe cho tôi.



Tôi nịnh:



- Chú Hoàng ga lăng ghê luôn! Ai như...



- Gì? Ai hỏi han cô bị trễ xe hử? Ai cho cô đi nhờ hử? - Khiết phồng má phản biện.



Trong nắng, chiếc xe sáng rực nhờ thứ nước sơn ánh nhũ, bắt cùng với sắc vàng phủ lên nó càng làm cho cả chiếc xe càng thêm nét đẹp đẽ. Không biết đây là lần thứ mấy tôi ngồi vào nó.



Tôi bước vào trong xe. Nội thất trong xe tràn ngập sắc xám và mùi nước hoa ngan ngát. Cái nóng do lao lực thổi bay mất nhờ dàn điều hoà không khí của xe. Tôi ngồi kế bên hội trưởng, tháo ba lô khỏi vai, đặt lên đùi, cười.



- Hì! Lanh mồm ghê ha. Tớ nói "Ai như..." chứ có nói cậu đâu nà. Tự nhận mình kém ga lăng hả?



Cậu bạn nâng gọng kính của mình lên, quay trở về với công việc trên tay.



- Mặc kệ. Làm ơn báo oán. Không thèm nói nữa.



Bây giờ, tôi mới chú ý đến thứ trên tay cậu bạn. Khiết đang cầm một tập tranh vẽ kí hoạ của mình, ngắm nghía. Tôi ghé mắt nhìn, cậu che đi, chặn ánh mắt của tôi lại.



- Hàng cấm! Không cho cậu xem đâu! - Rồi Khiết đưa tay vuốt vuốt trên tóc tôi, phì cười. - Hì, không muốn làm sâu nữa, chuyển sang làm quạ phải không?



Tôi sượng sùng vuốt lại quả đầu rối bời của mình, biện hộ rằng do chạy quá nhanh. Sao nào? Ừ, tôi là sâu đấy. Cậu thế nào? Cũng là con rùa kính cận thích trêu ghẹo người khác thôi!




Cụ thể là tên bạn đáng ghét đó đang cười hô hố lên vì nghe được "tiếng lòng" của em bao tử của tôi. "Ẻm" cứ "rọt rọt" rồi "ọt ọt" nãy giờ. Cả đêm đến sáng bụng trống rỗng, hai thành dạ dày cọ xát vào nhau, tôi cảm thấy thứ dịch vị chua lòm đang muốn trào ra vì đói. Bụng tôi đang rất đói.



- Nghe đâu đây như tiếng thác vang gầm... Và "tiếng lòng"...ai đang "réo rắt"...



Tôi đỏ mặt, ngượng muốn đào lỗ trốn, quẳng cái ba lô vào cậu, lườm:



- Cậu muốn chuyển sang là Hội trưởng Câu lạc bộ Văn thơ à?



- Tớ...tớ rất muốn! Há há! - Cậu vẫn cười, rồi quay qua bên cạnh lấy cái cặp của mình. - Cho nè! Ăn đi! - Trong cặp có một bịch bánh mì tươi to ú. Là quà vặt của Khiết chứ gì. Cậu lại san sẻ cho tôi.



Tôi thiểu não, từ chối (trong bụng thì kêu "Ăn đi! Ăn đi"):



- Thôi, giữ lại ăn đi. Tớ không đói.



Hiểu Khiết cau mày, la tôi:



- Này cô! Khách sáo với đứa bạn học chung từ thời mầm non đó à? Tôi tin không nổi đó nha! Bây giờ nói đi, muốn tôi nghe tiếng "lòng" hay toàn bộ lớp 11B nghe?



- Tớ ăn chùa hoài. Ngại lắm!



- Mô Phật! Châu Hạ Anh! Hôm nay trước khi ra khỏi nhà cậu có té ở đâu không? Hay đại loại tin gì quá shock đến nổi thay đổi tính tình không? - Khiết rờ trên trán tôi. Lo lắng.



Phải đấy! Sáng giờ tôi đang bị khùng đấy! Khiết ơi, cứu với! Tớ bị bệnh tâm thần rồi! Oá oa oa! Tớ điên mất! Cậu... Cậu biết tớ đang ức chế thế nào không?



Thấy tôi im im, đôi mắt nâu ấy lắng xuống, nhẹ giọng:



- Đồ ngốc! Sáng nào cũng nhịn đói thế ấy. Tớ chuẩn bị bánh cho cậu đấy. Không biết tự lo thân gì hết! - Rồi cậu đặt cái bánh vào tay tôi, dịu dàng. - Sống một mình phải tự biết chăm sóc cho bản thân, đừng có tiết kiệm quá mà bỏ ăn sáng hoài nha!



Tôi nhìn bạn của mình, cảm kích, tiếng cảm ơn nho nhỏ như tràn đầy thật tâm. Tôi quen cậu từ hồi học chung mẫu giáo, từ bé đến lớp luôn học chung một trường, tuy khác lớp. Năm lớp 10, tưởng Hiểu Khiết sẽ đi du học, ai ngờ lại thi vào An Đằng - ngôi trường chuyên lớn nhất nhì của thành phố, và lại thế, năm nào tôi hạng nhất thì Khiết xếp ngay phía sau trong top học sinh giỏi nhất trường và ngược lại. Trong khi cậu biết rất rõ về tôi, thế mà tôi chỉ biết vỏn vẹn vài điều về cậu: Tên đầy đủ là Dương Hiểu Khiết; thuộc chòm sao Thiên Yết; hình như là nhà rất giàu (nhưng không ai rõ là giàu tới đâu, chỉ đánh giá qua mấy đời xe mà cậu đã đi, nào là Lexus, BMW, Limoushine, và giờ là "em Láng-bóng" (Lamborghini).); sở thích là vẽ và bơi lội; màu sắc thích nhất là vàng; thích ăn kimbad; dị ứng với khói thuốc lá và rượu; ghét nấm, hành, tỏi; và... Sợ ma (?!). Xong. Chấm hết.



Mọi thông tin khác được khai thác từ "xóm nhà cháy" trong trường nên tôi không chắc là nó đúng. Thế đấy, tuy mang mác con nhà giàu nhưng mà Khiết rất hoà nhã với mọi người, chưa bao giờ thấy cậu tỏ ra kiêu căng, hách dịch. Cũng chính cái điểm dễ ưa đó mà tôi mới làm bạn với cậu đến ngày hôm nay. Lẩm nhẩm đếm thì chúng tôi làm bạn cũng được 12 năm rồi, thời gian nhanh thật đấy!



Nhận lấy cái bánh, tôi bẽn lẽn ăn, trong khi đó cậu lật tập hồ sơ dự án của hội mỹ thuật lên xem xét.



Hội trưởng Dương Hiểu Khiết xoa xoa cằm, chốc lại nhìn tôi, rồi bảo:



- Cậu nghĩ tới cuối tuần này cả hội làm kịp núi công việc này không? Tớ lo không kịp tới ngày kỉ niệm 20 năm thành lập trường quá!



Tôi đang nhóp nhép nhai bánh, đưa ngón tay phủi vụn bánh trên môi, nuốt hết bánh, mới nói:



- Nếu tụi mình ráng hết tốc lực sẽ kịp!



- Trưa nay Anh ghé hội, bảo Mai tới cùng nữa. Chia nhau lo xong cái vụ đó!



Tôi gật gật đầu:




- Tất nhiên!



Động cơ xe xịn êm ru, lướt phăng phăng trên mặt đường thẳng tắp. Đôi khi, nó ngập ngừng dừng lại để nghỉ mình ở một trụ đèn giao thông có ngọn đèn đỏ, chặn lại ngay cái sự chuyển động hấp tấp của dòng xe cộ giờ cao điểm buổi sáng. Có lúc, theo quán tính của phanh xe, tôi với Khiết cận cũng chúi người về phía trước.



- Này rùa! - Tôi khều anh chàng đang than ngắn thở dài với đống công việc chất chồng. - Sang năm, nghe nói cậu đi Rome hả?



- Ừm, tớ sẽ du học ở đó.



Tôi hỏi là vì sao cậu không đi ngay từ năm trước. Cậu chỉ cười, nói đợi ai đó. Đợi ai mới được? Tên này vốn kín miệng kinh khủng.



Trong buổi sáng, bụng tôi thoáng lấy đầy bởi cái bánh của người bạn tử tế. Nắng hắt qua lớp kín xe. Rất ấm. Như là đâu đó trên bầu trời trong veo kia đang giấu một máy sưởi khổng lồ. Cứ nhẹ nhàng lan toả một thứ cảm giác ấm ngọt, như là đang vuốt ve, ôm ấp dịu dàng. Sao hôm nay ngày đẹp quá chừng! Và tôi thấy rùa cũng đẹp trai hơn mọi khi. Bao lâu rồi tôi mới phát hiện cậu đã cao hơn mình? Tên bạn ngày nào chỉ đứng tới vai mình, hay bị đám con trai quậy phá bắt nạt giờ rắn rỏi biết nhường nào. Lâu lâu, tựa như tôi và cậu mới biết nhau, vì đứa nào cũng lớn nhanh vèo vèo, mỗi năm nhìn nhau lại lạ lùng hơn. Thật kì lạ!



Khiết bỏ tập hồ sơ xuống, chớp chớp mắt:



- Sao cậu nhìn tớ kì thế?



Tôi quay mặt qua cửa, thoáng nét bối rối, lảng đi:



- Tại cậu xí trai quá mà!



Khiết bĩu môi.



- Con gái là chúa nói ngược, tớ nghĩ bụng dạ Hạ Anh đang khen tớ quá đẹp trai. Phải hông nà?



- Xuỳ! - Tôi nguýt. - Nằm mơ đi nha!



Nói vậy, mà không hiểu sao má mình đang nóng bừng. Biết bản thân là sắc nữ, nhưng tôi đâu thể thèm thuồng luôn rùa kính cận này được. Có lỗi lắm!



Thôi đi, thôi đi! Nghĩ vớ vẩn. Để lừa Khiết quên đi chuyện này, tôi lảng sang chuyện khác vui hơn. Rồi chúng tôi "tám" rôm rả, tiếng cười vang cả xe, vui lây tới chú tài xế.



Cảnh vật cứ lùi về sau, xe băng trên con đường thẳng nuột. Tôi cũng dìm mấy cái chuyện bực tức, xui rủi hồi sáng trôi đi mất. Để giờ thấy lòng nhẹ tênh.



Rồi không lâu sau, xe dừng trước cổng trường An Đằng. Tôi với Hiểu Khiết chào tạm biệt chú Hoàng rồi lẹ làng chạy vào trong, khi chuông của trường vừa reo xong. May quá! Xém trễ thôi!



Theo đúng dân football mà nói: "Khiết đã cứu tôi một bàn thua trông thấy!". Thật là cảm kích cậu quá đi! Dương Hiểu Khiết tốt bụng nhất trên đời!