Người Đọc

Chương 10




Hôm đầu tiên của kì nghỉ Phục sinh, tôi thức dậy lúc bốn giờ. Hanna làm ca sáng. Bốn giờ mười lăm cô đạp xe đến bãi đỗ tàu điện, đúng bốn rưỡi tàu đi Schwezingen. Nghe cô kể là chuyến đó tàu thường vắng. Chuyến quay trở lại thì đông.

Tôi lên xe ở bến thứ hai. Toa sau không có người. Hanna đứng cạnh lái tàu ở toa trước. Tôi ngập ngừng không biết nên ngồi toa trước hay toa sau, rồi quyết định lên toa sau. Hứa hẹn một không khí riêng tư, một vòng ôm, một nụ hôn. Nhưng Hanna không đến. Nhất định cô nhìn thấy tôi đợi ở bến và lên tàu. Tàu dừng lại vì thế. Song Hanna ở lại bên ông lái tàu, nói chuyện và cười đùa. Tôi nhìn thấy hết.

Tàu bỏ hết bến này đến bến kia. Không có người nào đứng đợi. Đường phố không một bóng người. Mặt trời chưa lên, mọi vật nhợt nhạt trong ánh sáng nhợt nhạt – nhà cửa, ô tô đỗ, lá cây mới mọc xanh và hoa nở trong các bụi cây, téc chứa gas và núi non phía xa xa. Tàu điện chạy chầm chậm, chắc vì lịch trình gắn liền với giờ đi và giờ vào bến nên phải kéo dài giờ đi sau khi đã bỏ bến. Đầu tiên tôi ngồi ghế, sau đó tôi đứng ra sàn phía trước toa và chăm chú nhìn Hanna. Cô phải cảm thấy ánh mắt của tôi sau lưng chứ. Một lát sau cô quay lại, thỉnh thoảng nhìn tôi. Rồi lại nói chuyện tiếp với lái tàu. Tàu vẫn đi tiếp. Qua khỏi Eppellheim đường ray không ở trên mặt đường mà chạy ven đường trên nền đá rải trên đê. Tàu đi nhanh hơn, tiếng xập xình đều đặn như tàu hỏa. Tôi biết là tàu chạy qua nhiều khu dân cư rồi mới đến Schwetzinger. Nhưng tôi thấy mình bị hắt hủi, bị bỏ rơi, bị tống ra khỏi thế giới thường nhật nơi mọi người sinh sống, làm việc và yêu nhau. Tựa như bị kết án phải đi vô hướng và vô tận trên một toa tàu trống rỗng.

Rồi tôi thấy một bến dừng, một nhà đợi nho nhỏ giữa đồng. Tôi kéo dây chuông mà soát vé vẫn dùng để báo cho lái tàu đỗ lại hay đi tiếp. Tàu dừng lại. Cả Hanna lẫn lái tàu lúc nghe chuông đều không ngoảnh lại nhìn tôi. Trong lúc lái tàu, tôi cảm thấy họ vừa nhìn theo tôi vừa cười, nhưng tôi không chắc chắn. Tàu chuyển bánh, tôi ngóng theo cho đến khi nó xuống một đoạn dốc rồi biến mất sau một quả đổi. Tôi đứng giữa đê và đường, xung quanh là cánh đồng, cây ăn quả, đằng xa là khu vườn với những nhà kính. Không khí mát lạnh tràn tiếng chim hót. Bầu trời trắng ửng hồng phía trên núi.

Chuyến đi trên tàu điện như một cơn ác mộng. Nếu không nhớ rõ những gì sau đó xảy ra thì có lẽ tôi cố cho đó là một cơn ác mộng thật sự. Đứng ở bến đợi, nghe chim hót và ngắm mặt trời lên giống như tỉnh giấc. Nhưng tỉnh dậy sau một cơn ác mộng không nhất thiết làm ta nhẹ người. Nó còn cho ta cảm nhận rõ hơn những gì khủng khiếp đã mơ thấy, thậm chí chỉ ra sự thật khủng khiếp nào ta đã chứng kiến trong mơ. Tôi lên đường về nhà, nước mắt tuôn trào, đến tận Eppelheim tôi mới thôi khóc.

Tôi đi bộ về nhà. Vài lần toan vẫy xe đi nhờ nhưng không được. Đi được nửa đường thì tàu điện vượt tôi. Tàu đầy người. Tôi không thấy Hanna.

Tôi đợi cô trên bậc thang trước phòng, buồn bã, sợ hãi và căm tức.

“Anh lại trốn học à?”

“Anh được nghỉ. Chuyện gì sáng nay vậy?”

Cô mở khóa, tôi theo chân cô vào nhà đi vào bếp.

“Có chuyện gì sáng nay cơ chứ?”

“Tại sao em làm ra bộ như không quen anh? Anh định…”

“Em ra bộ không quen anh?” Cô quay lại và lạnh nhạt nhìn tôi. “Chính anh không muốn quen em. Anh lên toa sau mặc dù đã thấy em ở toa trước.”

“Có lý do gì để ngày đầu kì nghỉ anh lại lên tàu lúc bốn rưỡi đi Schwetzinger? Chỉ vì anh định làm em bất ngờ chứ sao, vì anh tưởng là em vui mừng. Anh lên toa sau…”

“Tội nghiệp cậu bé. Bốn rưỡi đã dậy, lại còn trong kỳ nghỉ nữa chứ.” Tôi chưa thấy cô nói mỉa bao giờ. Cô lắc đầu. “Làm sao em biết được anh đi Schwetzinger làm gì. Làm sao em biết lý do anh không muốn quen em. Chuyện của anh, không phải của em. Anh có định đi khỏi đây không?”

Tôi tức không tả nổi. “Hanna, thế thì không công bằng. Em đã biết, em biết là anh đi cùng chỉ vì em. Vậy thì làm sao em có thể tin rằng anh không muốn quen em? Nếu không muốn tỏ ra quen em thì anh đã không đi cùng.”

“Trời ạ, để cho em yên, em đã nói rằng anh làm gì là chuyện của anh, không phải chuyện của em.” Cô đứng bên kia chiếc bàn bếp chắn giữa hai người, ánh mắt, giọng nói và điệu bộ của cô coi tôi là kẻ quấy quả và bảo tôi hãy đi khỏi đây.

Tôi ngồi xuống sofa. Cô đã đối xử không tốt với tôi, và tôi chỉ muốn được cô giải thích. Nhưng tôi không lại gần cô được. Thay vào đó, cô tấn công tôi. Và tôi bắt đầu thấy yếu thế. Có lẽ cô có lý, về khách quan thì không, nhưng chủ quan? Liệu cô có thể hoặc bắt buộc phải nhiểu nhầm tôi? Liệu tôi có xúc phạm cô mà tôi không chủ ý hoặc đi ngược với chủ ý, nói cho cùng là vẫn xúc phạm?

“Xin lỗi, Hanna, mọi chuyện đều sai cả. Anh không định làm em phiền lòng, nhưng hình như…”

“Hình như? Anh định nói là hình như anh đã làm em phiền lòng? Không, anh không thể làm em phiền lòng. Bây giờ anh có đi khỏi đây không thì bảo? Em đã làm việc, em muốn tắm, em muốn nghỉ ngơi.” Cô nhìn tôi thôi thúc. Thấy tôi không đứng dậy, cô nhún vai quay đi, xả nước vào bồn và cởi quần áo.

Giờ thì tôi đứng dậy và đi. Tôi nghĩ là tôi sẽ bỏ đi hẳn. Nhưng nửa tiếng sau tôi lại đứng trước cửa phòng. Cô để tôi vào, và tôi nhận hết về mình. Tôi đã hành động không suy nghĩ, không để ý đến ai, không tình cảm. Tôi nhận ra là cô không phiền lòng. Tôi nhận ra là tôi không thể làm cô phiền lòng, song cô cũng không thể cho phép tôi cư xử như thế. Cuối cùng thì tôi sung sướng thấy cô thú nhận là tôi đã xúc phạm cô. Nghĩa là cô không phải lạnh lùng và vô cảm như cô đã tỏ vẻ như vậy.

“Em tha lỗi cho anh?”

Cô gật đầu.

“Em có yêu anh không?”

Cô lại gật đầu. “Bồn tắm đầy nước đấy. Lại đây, em tắm cho anh.”

Về sau tôi tự hỏi, có phải cô xả nước vào bồn vì cô biết là tôi sẽ quay lại. Có phải cô cởi quần áo là vì biết tôi không quên hình ảnh đó và nó sẽ kéo tôi quay lại? Có phải cô muốn giành phần thắng trong trò chơi đọ sức? Sau khi chúng tôi làm tình và nằm bên nhau, và tôi kể cho cô tại sao tôi leo lên toa sau chứ không lên toa trước thì cô trêu tôi. “Trên tàu điện mà anh muốn làm chuyện ấy với em à? Cậu bé ơi là cậu bé!” Có vẻ như lý do để chúng tôi cãi cọ chẳng có ý nghĩa gì.

Nhưng hậu quả thì có ý nghĩa. Tôi không chỉ thua lần cãi nhau này. Tôi đã đầu hàng sau một cuộc chiến ngắn ngủi khi cô dọa sẽ xua đuổi tôi, không thèm dính dáng đến tôi. Trong những tuần tiếp sau thậm chí tôi cũng chẳng có lấy một cuộc chiến ngắn. Cô cứ dọa là tôi đầu hàng vô điều kiện. Tôi nhận những lỗi lầm mà tôi không phạm phải, những chủ ý mà tôi không ấp ủ. Khi cô tỏ ra lạnh lùng và cứng rắn, tôi xin cô hãy tử tế với tôi, hãy tha thứ, hãy yêu tôi. Có lúc tôi cảm thấy rằng cô cũng đau khổ khi lạnh lùng và cố chấp. Tựa như cô mong tìm hơi ấm của lời tạ tội, hứa hẹn và thể thốt. Có lúc tôi nghĩ đơn giản cô đã thống trị được tôi. Nhưng dù thế nào chăng nữa, tôi không có sự lựa chọn nào khác.