Ngược Về Thời Minh

Chương 469-5: Không hủy Trường Thành không phải hảo hán (đại kết cục) (5)




Có thể được an ủi chính là, có lẽ Hoàng thượng xuất phát từ tâm lý bồi thường mà cho hắn quyền tự trị tự chủ khá lớn, hơn nữa trong năm năm, lãnh địa của hắn chỉ cần cống nạp thuế phú năm con Hải đông thanh, hai mươi viên đông châu, một trăm bộ áo lông cho triều đình thôi.

Đồng thời, do ở đó dị tộc chiếm phần nhiều, thế lực rắc tới, mà nơi cực bắc cách Kinh sư núi cao sông dài, giao thông bất tiện, cho phép hắn có quyền lợi tùy thời tùy thế mà phát động tiến công bên ngoài, phòng ngự, kết minh, đồng thời có thể điều trước tấu sau đối với quân Nô Nhi Can và quân Liêu Đông.

Có điều nghe nói cái tên kỳ quái Tây Bá Lợi Á này là bởi vì ở đó chạy về phía bắc, là vùng đất cực hàn mà năm đó Tô Võ chăn dê đã đặt cái tên này, đáng thương cho Dương Lăng rửa sạch mối nhục Thổ Mộc Bảo cho Đại Minh, mở mang bờ cõi lập công cực lớn lại bị đày đến nơi đất cằn sỏi đá, đi thống lĩnh một đám người man, đọa dân, di dân hai bàn tay trắng xây dựng vương quốc. Người ta cũng là vương, hắn cũng là vương, làm Vương gia mà làm được tới như vậy thật sự khiến người ta nhỏ lệ cảm thương, đáng thương mà!

Người trong thiên hạ đều tiếc thương cho vị Tây Bá Lợi Á gì gì đó thảm thương này vốn nên yên ổn làm Uy Võ Vương của hắn, vốn nên thưởng trà ngon hưởng phúc nhàn ven hồ Đại Minh Tế Nam, mà lại không biết người đáng thương nhất lại là Chính Đức Hoàng thượng gánh tiếng xấu lần này cho hắn, có điều Chính Đức Hoàng đế ta gánh tiếng xấu, ngươi tạo giang sơn lại không để ý. Y là Hoàng thượng, gánh tiếng xấu thì ai làm gì được y? Phía Thái hậu và ba vị công chúa không biết chân tướng còn có mấy tiếng xấu đang đợi y gánh kia, lợn chết không sợ nước sôi nữa.

Trên chiếu thư của Chính Đức có một chuyện không khiến người khác chú ý, chính là Dương Lăng có đất phong mà không có Vương cung. Vương gia vốn nên lệnh cho Ti Lễ Giám và Công Bộ nhanh chóng xây dựng Vương cung, sau đó Phiên Vương mới có thể khởi hành đến đó, nhưng bây giờ lại ém lại không nhắc đến chuyện xây Vương phủ, chỉ tuyên bố Dương Lăng rất nhanh sẽ trở lại tái ngoại chủ trì việc di trú xây thành của Đóa Nhan.

Nếu là như vậy, thì tòa Vương phủ ở ngoại ô Kinh sư kia vẫn là Vương phủ chính tông, nơi mà Dương Lăng tự mình xây dựng trên đất phong của hắn chỉ có thể gọi là biệt cung. Chỗ đáng nghiền ngẫm trong chuyện này còn quá nhiều, một số triều thần để tâm chú ý đến chuyện này, lờ mờ cảm thấy e rằng vị Tây Bá Lợi Á Vương này sẽ không mất đi lòng vua như thế, cũng sẽ không vị giáng đến tái ngoại không về kinh nữa như vậy.

Chính Đức Hoàng thượng tuyên Dương Lăng lên Kim điện, cơn giận chưa tan mà giáo huấn một phen, tuyên bố bổ nhiệm, sau đó thưởng cho một bức họa, bức họa mà Hoàng thượng chính tay sẽ lấy. Việc này lại trở thành chuyện mà từ văn võ toàn triều đến dân chúng thiên hạ đều cực kỳ tò mò lần nữa.

Nhớ ngày đó Dương Lăng tìm y khắp cửu thành, công khai kháng chỉ, Hoằng Trị Hoàng đế phạt hắn quỳ gối ở Ngọ Môn, sau khi ân xá lại ban cho một bức tranh chính tay vẽ. Bức tranh kia từng cứu mạng Dương Lăng trên pháp trường, cho nên rất nhiều người biết, thậm chứ đề tự của Hoằng Trị Hoàng đế trên bức tranh đã được lưu truyền ra ngoài từ lâu.

- Sâm sâm thiên trượng tùng, tuy lỗi kha đa tiết mục, dụng chi đại hạ, chung thị đống lương chi tài.

Đó là lời tán dương đến thế nào nha? Hoàng thượng thật sự là miệng vàng lời ngọc mà, Dương Lăng thật sự trở thành rường cột của triều Đại Minh.

Bây giờ, Dương Lăng lại chống lại thánh chỉ, lại đắc tội đương kim Hoàng thượng. Bức tranh mà Hoàng thượng tặng hắn là bức tranh gì đây? Lại là đề tự gì đây?

Không có ai biết, không chỉ Tiêu Các Lão qua lại thân mật với hắn không biết, văn võ trọng thần về sau trở thành tay trái tay phải của Tây Bá Lợi Á Vương, dương danh trời Âu như Dương Thận, Yên Cao Tài, Nghiêm Tung, Vu Vĩnh, Hoàng Kỳ Dận, Ngũ Hán Siêu, Giang Bân, Hà Văn Bính không biết, mà ngay cả các con của Dương gia sau này sẽ lần lượt kế thừa phong hiệu Bắc Anh Vương, Thuận Minh Vương, Tây Bá Lợi Á Vương cũng không biết.

Bởi vì sau khi Dương lăng coi xong thì bỏ bức họa vào trong hòm đồng khóa lại đổ sáp phong kín, từ đó gác xó ở đó, chỉ để lại một mệnh lệnh:

- Trong vòng năm trăm năm, không được mở ra!

Bức họa này cho đến năm trăm năm sau mới do hậu nhân Dương thị và hậu nhân Chu thị phân tán khắp nơi tề tụ lại ở từ đường Dương gia ở Bối Gia Nhĩ Hồ, trước mắt bao người, mời chuyên gia mở văn vật quan trọng này ra, hơn nữa còn được trực tiếp toàn cầu.

Lúc đó Dương gia và Chu gia có rất nhiều danh nhân trong giới chính trị, thương nghiệp, quân sự thậm chí là nghệ thuật ở khắp các nước lớn, sức ảnh hưởng rất lớn, bọn họ tề tựu dưới một mái nhà mở ra bí mật của tổ tiên, dĩ nhiên sẽ khiến thiên hạ chú ý.

Chỉ tiếc, bức họa này mở ra còn dẫn đến một bí ẩn còn lớn hơn nữa. Bức họa do chính tay Chính Đức Hoàng đế vẽ không ai có thể đoán ra có ý gì, rốt cuộc vì sao lại có.

Trên bức họa kia, là một nam tử cao to khuôn mặt anh tuấn, dáng vẻ tao nhã, dung mạo cực kỳ giống với tổ tiên Dương Lăng mà từ đường Dương gia cung phụng. Chỉ thấy trong bức họa chỉ có một người, một ngựa, mặc áo lông chồn, ôm đàn tỳ bà đứng trên Thổ Sơn buồn bã nhìn lại, xa xa là Trường Thành uốn lượn, cứng cáp hùng hồn! Cả một bức tranh Chiêu Quân xuất tái phiên bản Dương Lăng.

Bên cạnh là sáu chữ lớn:

- Dương khanh, cực cho khanh rồi!

Bức tranh và lời bạt đùa giỡn, trêu tức hảo huynh đệ này của Chính Đức Hoàng đế chính là bức “Dương Lăng xuất tái”, cùng với một câu “cực cho khanh rồi” đầy ám muội đã khơi dậy vô số phỏng đoán của đời sau.

Đại Minh Võ Tông Hoàng đế anh minh cơ trí, hùng tài đại lược trong lịch sử đứa ánh mắt ra xa nhìn từ trên xuống, phái đệ nhất trọng thần Dương Lăng bên cạnh viễn chinh tái bắc, từ đây gây dựng cường quốc có bản đồ lớn nhất, thực lực mạnh nhất, đến nay vẫn sừng sững trên đỉnh thế giới. Hai nhân vật truyền kỳ trong truyền kỳ như vậy rốt cuộc có quan hệ không ai biết nào đây, bức họa này rốt cuộc có quỷ dị gì đây?

Bao nhiêu học giả chuyên gia nghĩ đến bạc đầu cũng đều không biết, đủ dạng phỏng đoán lan truyền khắp nơi, đám chuyên gia học giả ở một đảo quốc thích tự ti nào đó từng khảo chứng nghiêm túc, kết luận cho ra là Chính Đức Đại đế anh minh thần võ và Tây Bá Lợi Á Vương Dương Lăng không phải người Hán, mà là người của quốc gia của bọn họ.

Có điều do lý do quá mức gượng ép hoang đường, căn cứ buồn cười viết đủ cả hai quyền dày cộp còn chưa quay lại, hơn nữa còn chưa ai có thể nhìn cho kỹ thì hậu nhân hai nhà Chu Dương nhất trí quyết định: bọn họ muốn xem tổ tiên của mình là tổ tiên thì mặc bọn họ đi, lười tính tóa với bọn họ.

Một đảo quốc khác lấy AV làm thương phẩm xuất khẩu chủ yếu trên toàn cầu cũng không chịu cô đơn, mấy đầu sỏ chủ yếu của các ngành điện ảnh truyền hình, tin tức, xuất bản trò chơi thống nhất mang tâm lý dơ bẩn mà tạo ra một câu chuyện thu hút ánh mắt toàn cầu, cho rằng một đế một vương này là một đôi tình nhân đồng tính vì đại nghiệp giang sơn mà bỏ qua tư tình nam nhi, đồng thời còn tuyên bố muốn quay một bộ phim sử thi lớn.

Truyền thuyết đồng tính gây xôn xao khắp nơi, lần này chọc phải đại họa. Phỏng đoán này khơi dậy bất mãn mãnh liệt của hậu nhân Dương thị và hậu nhân Chu thị, dưới sự chèn ép của hai nhà liên thủ, những đầu sỏ thương nghiệp chế tạo phim truyền hình h, trò chơi h, hoạt hình h lần lượt đóng cửa, khiến kinh tế quốc gia này chịu tổn thất nặng nề.

Từ đó, cũng không còn ai dám nói toạc ra phỏng đoán này nữa, mọi người chỉ lén lút nói đến câu chuyện đồng tính này ở sau lưng thôi.

Chính Đức bái tế Thái Sơn.

Tháng mười hai, tập hợp Thái Sơn, văn võ bá quan, nghi trượng theo hầu, Hoàng hậu dẫn theo mệnh phụ nội ngoại, xe bái tế liên miên trăm dặm, còn cò các sứ tiết và tù trưởng của Nam Dương, Tây Vực, các nước phương đông đi theo nữa.

Ở dưới chân núi bốn trăm dặm phía nam có xây một đàn tế hình gò, trên đó trang trí bằng đất năm màu, hiệu là “Phong Tự Đàn”, trên đỉnh Thái Sơn lại xây dựng một đàn, rộng năm trượng, cao chín xích, bốn mặc đều có bệ, hiệu là “Đăng Phong Đàn”, trên núi Xã Thủ xây dựng đàn vuông ở tám góc, hiệu là “Hàng Thiện Đàn”.

Dựa theo trình tự nghi lễ mà Lễ Bộ định ra, trước tiên Hoàng thượng phái tế trời ở “Phong Tự Đàn” dưới chân núi, ngày kế thì đi lên đỉnh núi, phong Ngọc sách ở “Đăng Phong Đàn”, ngày thứ ba thì đến “Hàng Thiên Đàn” núi Xã Thủ tế thần đất. Hoàng đế dâng lễ hoàn tất, Hoàng hậu lên đàn dâng lễ, sau khi kết thúc bái tế thì phải nhận chầu mừng của quần thần.

Đường Quý phi đang có mang nên không đi theo, ba vị công chúa lại đến đông đủ không sót ai. Sau khi bái tế thì Dương Lăng phải đi tái bắc, nhưng mùa xuân năm tới hắn sẽ quay về Vương phủ thành thân, sau đó mới đón cả nhà về đến thành mới. Có thể cùng người trong lòng bên nhau lâu dài, Vĩnh Phúc, Tương Nhi và Phù Bảo đều tràn đầy vui sướng.

Vĩnh Thuần cũng rất vui sướng, mặt mày hớn hở líu ríu giống như một con chim khách vui vẻ vậy. Có một tỷ phu có bản lĩnh như vậy thật hay, hoàng huynh đã đồng ý ngày xuân sang năm khi tỷ tỷ xuất giá, nàng có thể theo cùng đến tái bắc du ngoạn quan ngoại. Có một lần rồi thì dễ làm, lúc trước công chúa xuất cung không có được cái cớ tốt, sau này muốn ra ngoài chơi, chỉ một lý do tỷ muội tình thâm thì đủ rồi, tái ngoại kia chẳng phải là muốn đến thì đến sao?

- Trời nóng thì đến tái ngoại, trời lạnh thì trở lại, cảnh tuyết không tồi nha, tuyết ở quan ngoại nhất định càng đẹp nha? Nếu ta thích, mùa đông cũng có thể đến tái ngoại.

Vĩnh Thuần sung sướng tính toán.

Đỉnh Ngọc Hoàng, Đăng Phong Đàn.

Chỉ có trời bên trên, không có núi đứng cùng, ngẩng đầu thái dương cận, quay đầu mây trắng thấp, đó là dấu hiệu thế nào đây?

- Dĩ ngoại trung lễ toàn, hàng thiện vân thủy, ngũ ngọc ký tập, vạn phương tư lại. Thiên hạ chi tráng quan, vương giả chi phi nghiệp, phục duy Đại Minh Chính Đức hoàng đế bệ hạ, dĩ thiên phúc chi đại, địa dung chi hậu

Thanh âm lanh lảnh, đọc lên sách của trời, mọi lễ hoàn tất, một mình Chính Đức bước lên Đăng Phong Đàn, bỏ thư vào trong đàn, bá quan văn võ đứng trang nghiêm ngoài trăm thước, giương mắt nhìn trời, quét mắt nhìn mây, một mình trong trời đất, đây mới là cửu ngũ chí tôn. Không biết thế nào mà Chính Đức đứng rất lâu, lại chỉ có cảm giác cô đơn giá lạnh nơi cao.

- Tuyên, Dương Lăng bước lên.

Ngây ngốc nhìn ngọc sách hoàng biểu được bày ngang dưới đàn, Chính Đức đột nhiên hạ lệnh.

Đỗ Phủ dưới đàn vội cao giọng tuyên chỉ, Dương Lăng lạnh đến đỏ bừng cả mũi bước nhanh ra khỏi hàng, đi đến dưới Đăng Phong Đàn.

Dưới đàn là một cái bàn dài, trên bàn phủ một tấm lụa vàng dài bảy xích, trên án đặt một ngọc điệp, bên cạnh là một cây bút, nếu thiên tử có nguyên vọng cá nhân gì muốn cầu nguyện với thượng thiên thì có thể viết xuống ngọc điệp, sau đó bỏ vào Đăng Phong Đàn, rồi phong kín trên đỉnh Thái Sơn.

Chính Đức bước xuống Đăng Phong Đàn, chóp mũi y cũng lạnh đến đỏ bừng, sắc mặt có chút trắng bệch, có điều khí sắc vô cùng tốt, Chính Đức đến trước bàn dài, đoạn nói:

- Dương khanh, tiến lên.

Quan lại văn võ, mệnh phụ, hoàng thân và vọn thị vệ thái giám từ xa trông lại, lại không biết trên ngọc điệp khắc cái gì.

Ngón tay nhẹ nhàng xoa rìa đá ngọc bóng loáng, Chính Đức chậm rãi mở ngọc điệp buộc tơ vàng, cười nói:

- Dương khanh, khanh tới xem.

- Thần tuân chỉ!

Dương Lăng chắp tay tiến lên, lóe mắt nhìn sang, trên ngọc điệp là từng hàng từng hàng chữ to lấp lánh ánh vàng:

- Trẫm kế vị từ thời niên thiếu, gánh vác mọi thứ trên đôi vai non nớt, hết sức lo lắng, chăm lo việc nước, tuần cửu biên, mở đường biển, cải cách chính trị, chấn hưng công thương, trấn áp nịnh ngông, thi hành văn trị, phong phú lưu loát, há chỉ vạn lời. Lúc mới trị quốc, trên theo ý trời, dưới xét dân tình, có thần tử trung hiền phò trợ, một diệt giặc Oa Đông Hải, hai hàng Tây di nam cương, ba thu phục người man Tây Thục, bốn trừ Bạch Y Trung Nguyên, năm bình loạn phiên nghịch, sáu bình định thảo nguyên tái bắc, với sáu chiên công, vinh quang mở rộng bờ cõi, thắp sáng triều đường Thái Miếu, báo với thiên địa quỷ thần!

- Trẫm lấy lễ hành sự, lấy nghĩa tu thân, làm trọn đạo hiếu, dạy dân bằng nhân, chỉ mong trong bốn việc, đều thực hiện khắp quận huyện; tứ di bát man, cống nạp đảm nhiệm, vô cực với trời, nhân dân sung tú, mãi được lộc trời. Trụ thần của nước Dương Lăng, vấn vương vì nước, cúc cung tận tụy, thay thiên tử tuần thú thiên hạ, chấn hưng oai danh quốc gia với man di, văn thành võ đức, công với xã tắc. Trẫm và Dương Lăng, nguyện đối đãi thành thật, cùng vui cùng buồn, thành kính bẩm báo thượng thiên!

- Hoàng thượng!

Xem đến đây, trái tim Dương Lăng ấm lên.

Chính Đức chợt mỉm cười, đoạn nói:

- Ngọc điệp này của trẫm là công tích mà trẫm bẩm báo với trời đất, cũng là bằng chứng nói rõ tình nghĩa quân thần chúng ta với trời đất, sau đó sẽ phải niêm phong cất vào Đăng Phong Đàn, vĩnh viễn để lại trên đỉnh Thái Sơn, trẫm muốn cùng khanh chấp bút trên đây.

Cảm xúc của Dương Lăng sục sôi, đủ mọi tình cảnh từ khi quen biết Chính Đức đến nay vụt qua trước mắt. Mắt thấy Chính Đức Hoàng đế khép lại sách ngọc mà nhấc bút, Dương Lăng đột nhiên nói:

- Hoàng thượng chậm đã, thần nguyện chấp bút vì Hoàng thượng!

Chấm bút vào trong phấn vàng được đặc chế, một hàng chữ to màu vàng thoáng hiện như nước chảy mây trôi:

- Đại Minh Chính Đức Hoàng đế bệ hạ.

Viết đến đây, hắn đột nhiên nhớ ra khi mình từ Tỉnh Kính Dịch diệt trừ Di Lặc Giáo chủ Lý Phúc Đạt hồi kinh thì nhìn thấy tiểu Hoàng đế bộc lộ tính tình thật trong tửu lâu kia, không khỏi khẽ cười, nhấc bút chấm vào phấn vàng viết tiếp:

- Đến đây du ngoạn!

Chính Đức Hoàng đế nhìn thấy thì đầu tiên là kinh ngạc, sau đó thì hiểu ra, trong ngoài vây khốn khi đó, phẫn uất bi thương khi đó đồng loạt xông lên, y thở một hơi thật dài, thở ra chua xót từng trải qua, chợt nhận lấy bút, soạt soạt soạt viết ra một hàng chữ lớn rồng bay phượng múa:

- Đại Minh Tây Bá Lợi Á Vương Dương Lăng, đến đây du ngoạn!

Chính Đức viết xong ném bút cười to, dần dần, Dương Lăng cũng bật cười, tiếng cười theo gió thét gào trên đỉnh Thái Sơn!