Ngược Về Thời Minh

Chương 377-5: Vận trù (5)




Nhưng với tình thế hiện tại thì không thể như vậy được nữa rồi. Nếu để mất Thanh Hải thì thông đạo hẹp dài hiểm yếu của Cam Túc vùng Tây Bắc ngay lập tức sẽ bị chặn đứng, vĩnh viễn mất đi hy vọng lấy lại Cáp Mật. Cáp Mật là con đường giao thông quan trọng để qua hành lang Hà Tây ra đến Ngọc Môn Quan, là cuống họng của con đường tơ lụa. Muốn kinh doanh thuận lợi với chư quốc Nam Dương thì Mãn Lạt Gia tuyệt đối không thể để thất thủ; muốn thuận lợi cai trị chư quốc Tây vực thì Cáp Mật cũng tuyệt nhiên không được để bị thất thủ.

Chỉ cần cả khu vực Tây Bắc liên kết lại thành một khối với nhau thì Đại Minh ta sẽ mất đi một vùng đất rộng lớn mà rất khó mới có thể lấy lại được, hơn nữa từ đó trở đi sẽ bị phân cách với Tây vực, sẽ không còn hy vọng lấy lại được các vùng đất màu mỡ xung quanh lưu vực trù phú của sông Hoàng Hà. Nơi đó sẽ trở thành biên duyên kiên cố của người Man, bọn chúng có thể xuất binh tấn công Đại Minh bất cứ lúc nào, công kích vào yếu địa của Đại Minh... Ngụy Công công, thế cục Thanh Hải ở ngàn dặm xa xôi kia còn quan trọng gấp trăm gấp nghìn lần nạn giặc loạn Lưu Lục trong yếu địa Trung Nguyên đó.

Ngụy Bân nghe vậy mới giật mình tỉnh ngộ: Chẳng trách Uy Quốc công khi nghe thấy tin Bá Nhan đã đánh vào đến Thanh Hải thì ngay lập tức từ Sơn Đông vội vã trở về Kinh sư. Bách quan trong triều đại đa phần đều là tài tử Giang Nam, nhìn thấy lũ giặc lan tràn tàn phá quê hương của mình, Uy Quốc Công lại không hề thừa cơ mà truy kích, có người thấy thế thì lấy làm phẫn nộ lắm còn nói ông ta cậy công ngạo mạn. Uy Quốc Công mặc nhiên không bận tâm đến những điều đó, ra là vì lẽ này đây.

Nếu như ta đem những chuyện ở đây kể lại cho Hoàng thượng nghe thì ắt hẳn người sẽ khen ngợi ta hiểu biết sâu xa.

Ngụy Bân nghĩ đoạn bèn vội vàng đứng dậy nói:

- Ôi thôi chết, Quốc Công gia, Lý Đại nhân, hai ngài cứ ngồi nói chuyện tiếp nhé. Tiểu nhân chợt nhớ ra là bên phía trường ngựa còn cần phải trồng thêm một ít cỏ, hàng rào tứ phía cũng phải đóng lại cho chặt chẽ hơn một chút để còn nuôi vài con hươu, con gà rừng gì đó, tiểu nhân phải đi trông nom việc này mới được.

Nhìn theo bóng dáng Ngụy Bân đang vội vội vàng vàng rời đi, Dương Lăng ngây người kinh ngạc một hồi lâu rồi mới thở dài một tiếng, cười khổ nói:

- Đây... là xây dựng Am đường sao? Còn xây trường ngựa, còn nuôi động vật? Thật không thể tưởng tượng được, ni cô cưỡi ngựa...

Lý Đông Dương cũng chẳng hiểu được nguyên do sự tình ra sao, ông ta chau mày đáp lại:

- Chuyện ni cô cưỡi ngựa thì cũng chẳng có gì là hiếm gặp đáng ngạc nhiên, chỉ là không phải vội vàng gì mà lại đi xây một khu vườn trong Hoàng am để nuôi ngựa thì quả đúng là có hơi cổ quái. Nhưng... khí thế Hoàng gia mà. Hơn nữa Hoàng thượng cảm thấy có lỗi với Vĩnh Phúc Công chúa nên chắc vì thế mà muốn bù đắp hơn nữa.

Mà chưa biết chừng Hoàng thượng muốn nhân cơ hội này để xây riêng cho mình một khu vườn. Dù sao thì cũng là dùng tiền của đám phú hộ trong Kinh quyên góp để xây dựng, lại tiện đó mang lại công ăn việc làm cho những nạn dân vô gia cư, cũng coi như khống chế được bọn họ không sinh chuyện làm loạn... Chỉ có điều cứ nghĩ đến việc xếp mõ tụng kinh xuất Am đường, mặc áo tu hành mà cưỡi ngựa thì quả thật là khiến cho người khác phải cảm thấy nực cười.

Haizz, lão phu ta tính toán cái chuyện này để làm gì cơ chứ! Quốc Công à, lão phu cho rằng xuất binh đánh Thanh Hải là chuyện không nên. Tầm quan trọng của Thanh Hải thì tất cả chúng ta đều đã biết rồi, nhưng ta tin ngài cũng hiểu rằng hiện này nếu muốn xuất binh tiến Thanh Hải thì cần gấp mười lần số lương thực và tiền bạc để đi diệt giặc Bạch Y Quân, triều đình... hiện không còn khả năng để xuất binh nữa rồi!

- Ta biết điều đó, lần này trên đường vội vàng trở về Kinh ta đã nghĩ đến chuyện này rồi.

Dương Lăng cũng chau mày lại nói tiếp:

- Nhưng thế cục chiến sự không nhất định phải phát động chiến tranh để mà giải quyết. Hiện tại vẫn cần phải dốc sức nhanh chóng giải quyết nội loạn Bạch Y Quân, còn về Thanh Hải... Ta muốn dùng một cách khác để đuổi Bá Nhan đi.

Dương Lăng uống ngụm trà rồi nói tiếp:

- Thanh Hải trên danh nghĩa là thuộc về Đại Minh, nhưng trên thực tế thì người thực sự sử dụng mảnh đất đó lại bao gồm rất nhiều các dân tộc du mục. Bá Nhan chiếm cứ Thanh Hải, lấy thân phận Đại Hãn Mông Cổ của mình xưng chủ thì nhất định sẽ khiến cho những quốc gia Tây vực như Cáp Mật, Biệt Thất Bát Lý, Tát Mã Nhĩ Hãn, Hỏa Thổ Lỗ, Vu Điền, Thất Lạt Tư, An Đô Hoài v.v... phải ngấm ngầm dè chừng.

Ngoài ra thì còn bao gồm rất nhiều những du mục dân vùng Thanh Hải, những bộ lộc Mông Cổ không còn chịu sự thống trị của Thát Đát hoặc Ngõa Lạt. Bọn họ chúng là những người lo sợ bị Bá Nhan thâu tóm nhất. Đồng thời tuy là Bá Nhan đột kích Thanh Hải, nhưng đại bản doanh của y vẫn còn đang ở trên thảo nguyên Thát Đát. Sau khi dẫn đại binh mã đến đánh Thanh Hải, đại quân lưu lại làm nghi binh đã nhanh chóng trở về thảo nguyên.

Nhánh quân này đã trúng mai phục của đám Hoa Đương thừa cơ xuất binh thảo phạt, một vạn kỵ binh hoặc thiệt mạng hoặc buộc phải đầu hàng. Nghe nói vị Hoàng hậu mà y sủng ái nhất cũng đã bị rơi vào tay của Hoa Đương. Nỗi nhục đó đối với một kể cao ngạo như Bá Nhan thì y sao có thể chịu được cơ chứ. Đồng thời Bá Nhan cũng không cam tâm từ bỏ mảnh đất thảo nguyên rộng lớn phương Bắc. Dù biết rằng sự lựa chọn sáng suốt nhất vẫn là ở lại Thanh Hải, nuôi quân tích lương nâng cao năng lực chiến đấu, thì nhất định y cũng sẽ có ý định dẫn bộ tộc của mình quay lại thảo nguyên quyết chiến một phen.

Nếu đã vậy thì chúng ta tung ra đòn hiểm, buộc Bá Nhan rời đi, chưa biết chừng chẳng cần đổ một giọt máu, mất một tên lính nào mà vẫn có thể tạm thời giải quyết được vấn đề ở Thanh Hải, khiến cho chúng ta có tinh lực để tập trung đối phó tiêu diệt bọn đạo tặc Bạch Y Quân.

Ánh mắt Lý Đông Dương rực sáng lên một cái, vuốt râu nói:

- Thượng binh phạt mưu, không đánh mà khuất phục được kẻ địch mới là thượng sách. Chỉ có điều chẳng hay Uy Quốc công có kế sách gì hay chưa?

Dương Lăng đáp lời:

- Chiều nay ta sẽ đi bái kiến Hoàng thượng, thuyết phục Hoàng thượng để cho người mời những Mật tông Pháp vương, Phật sống, những Đại A Bạc Môn đức cao vọng trọng của Hồi Giáo đến trao đổi một chút. Sẽ chở những vị Pháp vương, Phật sống, A Bạc Môn này về Thanh Hải, nơi đó dân du mục rất sùng đạo, sức ảnh hưởng của những người này không thể thua kém người đứng đầu các bộ tộc.

Dương Lăng lại nói:

- Đó mới chỉ là vệ mặt chính trị, còn về mặt kinh tế mà nói thì giao dịch thông thương ở khu vực phía Tây vực luôn thịnh vượng đông đúc. Sau khi phương Bắc mở cửa, phía Tây lại càng trở nên tự do hơn nữa về mặt kinh tế. Tơ lụa, đồ sứ, lương thực, đồ sát, trà bánh, muối dầu, rượu ngon lại còn có cả đồ đạc nạm vàng nạm ngọc từ Trung Nguyên thông qua Thanh Hải mà vào tới Tây vực. Giá cả của vải vóc, muối ăn, trà bánh và những nhu yếu phẩm hàng ngày khác sẽ theo đó mà thụt giảm xuống, người dân Tây vực sẽ trục lợi được không ít.

Đám gia súc trâu, ngựa, dê, lạc đà của bọn họ sẽ lũ lượt được bán về Đại Minh. Những món đồ khác nào là da thú, thịt gia súc, lông gia súc, thảm dệt thủ công đều phụ thuộc vào sức mua của Đại Minh. Chẳng những đám Vương công quý tộc ở đó được hưởng lợi ích hậu hĩnh mà ngay cả bách tính lê dân cũng trở nên giàu có hơn.