Ngược Về Thời Minh

Chương 190: Cuộc chiến tại Trấn Khương qua




Thành Đại Đồng cao lớn và hùng vĩ, kiên cố và hiểm trở, được trang bị đủ các loại công cụ thủ thành, có thể nói là điển hình cho sự “sống trong yên ổn nghĩ ngày gian nguy” của Đại Minh. Đương nhiên, tính an toàn của nó còn cần phải chờ được thảo luận.

Toàn bộ tường thành Đại Đồng đều được xây trên cơ sở sử dụng đá thanh(*), đá phiến, đá khối và cột đá rồi trét "vữa" gắn kết; bên ngoài lại đắp thêm gạch xanh, loại gạch trung bình một viên nặng 35 cân (khoảng 18 kg). Như vậy, chúng ta có thể thấy được tường thành được xây dựng kiên cố và gian khổ đến chừng nào. (*: loại đá hình chữ nhật dẹp và dài)

Dương Lăng đến dưới chân thành ngửa mặt nhìn lên, không khỏi tán thán: "Hùng vĩ, quả là hùng vĩ! Tường thành hùng vĩ như vậy thực khiến người ta nhìn thấy liền mất hết tinh thần để đánh chiếm! Thật không biết trước đây giặc Thát làm thế nào mà suýt nữa thì đánh chiếm được toà thành lớn như thế này, hại khiến Đại vương phải chạy như bay về kinh thành khóc lóc, kể khổ với vua Hoằng Trị nữa."

Tường chính của thành Đại Đồng cao ba trượng, trên tường chính còn có tường chắn mái, trên tường chắn mái xây thêm tường gạch, lỗ châu mai trong tường gạch là nơi quan sát và là chỗ bắn cung nỏ của tướng sĩ thủ thành. Trên tường thành xây thêm lầu thành, chòi gác, vọng lâu, đứng cách nhau. Mái lầu xây kiểu "cửu tích hiết sơn"(*), bên ngoài có cột mái hiên vây quanh, nhìn thẳng xuống đường cái.

(*: xem hình http://a2.att.hudong.com/34/52/01300...8527826145.jpg)

Những công trình kiến trúc cao thấp chập chùng trên tường thành dựng nên một phòng tuyến đa tầng: quân sĩ có thể quan sát, ẩn náu, di chuyển, bắn tên, tiếp ứng, khống chế từ trên cao; nó cũng cung cấp cao điểm cho tướng lĩnh chỉ huy, điều phối binh sĩ từ trên cao.

Hôm qua Dương Lăng đã phái người thông báo cho vị tuần phủ Đại Đồng là vị quan văn Hồ Toản mà động một tí là đòi sống đòi chết ấy, vì vậy tướng thủ thành trông thấy đại quân của khâm sai đến thì liền vội cho mở rộng cổng thành, thả cầu treo xuống. Đội quân thiết kỵ ào ào chạy ra; Dương Lăng đi giữa đoàn Hỏa Súng doanh.

Tiền quân và trung quân đã ra khỏi cổng thành, hậu quân đang ùn ùn kéo đến. Dương Lăng ghìm ngựa tránh sang một bên, ngoái đầu nhìn vọng lại về phía tường thành nguy nga và đồ sộ. Bên ngoài dãy tường thành hình răng cưa đặc thù đó, y còn trông thấy bốn vọng quân đài(1) đứng lẻ loi và cô độc. Chúng không có lối đi hay thang leo lên, chỉ có thể bắc ván gỗ giữa nóc đài với tường thành để đi lại; có thể dùng để công kích từ sau lưng quân giặc, phối hợp tác chiến và quan sát địch tình. Dương Lăng không khỏi tặc lưỡi cảm thán: "Tường đồng vách sắt có lẽ cũng chỉ thế này mà thôi".

Trong thành, ba trăm đại nội thị vệ đeo phác đao chuôi dài bọc thép và trường cung lợi tiễn đang phóng băng băng về phía cổng thành.

Từ thời Tống đến nay, binh chủng trong quân đội đều được phân định rạch ròi, không giống như quân đội thời Đường: bất kể là trường thương thủ hay đoản đao thủ, ai nấy đều đeo cung tên, bắn xa đánh gần đều được. Còn những binh sĩ mà Dương Lăng chọn ra, cưỡi trên lưng ngựa, đi dưới đất bằng, bắn xa hay đánh gần đều có thể tác chiến, cho nên mỗi người đều mang một cây cung cứng. Những tay đại nội thị vệ này không những võ nghệ tinh thông mà thuật cưỡi ngựa bắn cung càng không phải nói, cho nên bọn họ không chỉ đeo cung trên lưng, mà còn là loại tam thạch cung; đó là một loại cung khá cứng, tên loại cung này có nghĩa là cần phải dùng lực ba thạch (mỗi thạch # 60kg) mới kéo nổi.

Ở phía sau đại quân của Dương Lăng, mấy chục cỗ xe chở những vật phẩm được vận chuyển từ kinh sư và mua ở bản địa để khao thưởng ba quân nối nhau liên miên không ngớt, tốc độ cũng chậm, cho nên lúc này mới vừa ra khỏi cổng thành.

Tì tướng thủ thành còn chưa hạ lệnh đóng cổng thành thì chợt thấy lại có một đội kỵ binh giáp trụ sáng ngời xuất hiện. Trong đội kỵ binh đó có người quát lớn:

- Khoan đóng cổng thành, hậu quân chưa ra hết!

Không để vị tì tướng kịp truy hỏi, ba trăm thiết kỵ cùng hò hét xông qua, tiếng vó ngựa giẫm lên cầu treo vang rền. Ba trăm thị vệ này và những quan binh ở cuối đoàn đều đồng hành cùng nhau đến Đại Đồng, cho nên đã rất quen mặt nhau. Những tay ngạnh nỏ thủ xếp hàng ở cuối không biết chuyện Hoàng đế đang ở trong quân đội, càng không biết Dương Lăng ra lệnh cho ba trăm thiết kỵ đó ở lại, nay trông thấy bọn họ đuổi theo còn tưởng là đại soái thu xếp riêng cho bọn họ áp trận tại hậu doanh, cho nên cũng không hề dị nghị gì.

Tì tướng thủ thành thấy cả bọn ăn mặc và trang bị tương đồng, sĩ tốt hai bên lại quen biết nhau thì không hỏi thêm gì nữa. Đợi kỵ binh xông hết ra khỏi thành hắn mới cho kéo cầu treo lên, cánh cổng thành nặng trình trịch được đóng lại.

Dương Lăng hoàn toàn không hề hay biết hậu quân lại âm thầm có thêm hơn ba trăm tinh binh; giữ tin tức bí mật quá đôi khi cuối cùng lại trở thành sơ xuất lớn. Đại quân tiến về phía trước, hơn một canh giờ sau thì đến phụ cận của Trấn Khương bảo (*). (*: những thành trấn hoặc thôn làng có tường đất bao quanh thời xưa đều được gọi là "bảo")

Thám mã tiền quân đưa tin về, báo rằng Bá Nhan Khã Hãn của Thát Đát đang dẫn thiết kỵ chiến đấu với đại quân của Dương tổng chế bên ngoài quan ải. Dương tổng chế hiện không rỗi để trở về, xin đại quân của khâm sai hãy lên trên ải trước để quan sát chiến trận.

Dương Lăng nghe xong liền phấn chấn tinh thần, lập tức hạ lện tăng tốc tiến lên. Trấn Khương bảo cũng là một quan ải được xây dựa vào núi, chung quanh là trường thành uốn lượn như rồng, cứ cách quan ải hơn hai dặm đường lại có một con đường rẽ dành cho quân tăng viện chạy thẳng lên phong hỏa đài trên núi.

Còn chưa kéo đến Trấn Khương quan mọi người đã nghe thấy tiếng chém giết vang trời ngoài núi. Ngay bên hông lại xuất hiện một con đường rẽ đi lên phía phong hỏa đài. Đài này được xây trên mỏm núi hiểm trở, dễ thủ khó công, cho nên giặc Thát không công kích nó, nhưng từ nơi này đã có thể nghe thấy tiếng chém giết đinh tai.

Dương Lăng lập tức xuống ngựa, hạ lệnh cho đại quân ở nguyên vị trí chờ lệnh, còn mình tự dẫn hai trăm thị vệ lên ải. Lên đến phong hoả đài, một bả tổng chỉ huy lật đật chạy đến ra mắt khâm sai. Dương Lăng vội vàng hỏi:

- Tình hình chiến sự thế nào?

Vị bả tổng này cũng đã đánh giặc đến chán chê. Mặc dù rất kính sợ khâm sai và bên tai là tiếng chém giết rền trời nhưng khi nhắc đến chiến sự, gã vẫn điềm nhiên như không:

- Khâm sai đại nhân! Xin ngài chớ bận tâm, cứ cách hai ngày giặc Thát sẽ lại đến đánh một trận. Sấm to mưa rào cỏn con thôi, bọn chúng không công vào được đâu.

Lúc này Dương Lăng và Trương Vĩnh mới yên tâm, bèn vội vàng chạy đến lỗ châu mai nhòm xuống. Lúc này mặt trời lên cao, ánh nắng rọi thẳng xuống mặt đất, tuyết phủ trắng xoá cả dãy núi, soi rõ hẻm núi lớn bằng phẳng trước ải Trấn Khương, từ trên mỏm núi này nhìn xuống có thể thấy rõ hết mọi thứ.

Giữa núi cao hẻm thẳm vang vọng những tiếng thét gào liên miên không dứt, Dương Lăng và Trương Vĩnh không khỏi khiếp sợ sững sờ bởi khung cảnh trước mắt. Không chỉ bọn họ, mà thậm chí là trong hai trăm chiến sĩ thân quân vốn dũng mãnh không sợ chết có những quan binh chưa từng tham gia chiến trận nơi biên ải cùng với Chính Đức lén dắt theo hai mươi thân binh lên núi nằm ghé mắt vào lỗ châu mai đều tròn mắt líu lưỡi.

Đây chỉ mới là trận chiến sấm to mưa rào cỏn con sao?

Trường thành được xây dọc theo dãy núi quanh co uốn khúc, trước ngọn núi hiểm trở này còn có một hòn núi nhỏ khác, dưới nữa là một khe núi vắt ngang, xa hai dặm về phía trước chính là Trấn Khương quan. Trường thành nơi này hơi vòng nhô ra ngoài, cho nên ở đây có thể quan sát rõ mọi thứ trước quan ải.

Tiếng la hét, tiếng binh khí chạm nhau và tiếng ngựa hoà trộn thành một âm thanh vang trời vọng đất bất tận, âm thanh của từng đợt sóng người và binh khí va chạm lọt rõ vào màng nhĩ, mọi thứ như đang diễn ra ở ngay trước mắt. Do thế núi đặc thù, trên này lăn đá xuống cũng không thể nào đập trúng giặc Thát nên quân Minh trên phong hỏa đài chỉ có thể trơ mắt nhìn bọn chúng ồ ạt xông đến cổng thành ở bên phải của mình.

Hàng nghìn hàng vạn nào người nào ngựa, lúc nha lúc nhúc, lớp trước ngã xuống lớp sau tràn lên công kích quan ải, thi thoảng những tia sáng sắc lạnh của binh khí lại lọt vào tầm mắt. Dương Lăng nín thở, chăm chú quan sát mọi thứ, lặng im thật lâu không nói lời nào. Thậm chí Trương Vĩnh lâu nay quen thói khom lưng, miệng cười siểm nịnh giờ đây vẻ mặt cũng trở nên trang trọng.

Chính Đức siết chặt hai nắm tay, tim như muốn nhảy khỏi lồng ngực, thì thầm:

- Đây là chiến tranh sao?

Lâu nay, những câu chữ trong sách binh thư đã dần hình thành trong lòng Chính Đức tâm lý cho rằng chỉ huy thiên quân vạn mã là cực kỳ oai phong, cực kỳ huy hoàng. Nay trước cuộc chiến tàn khốc trước mắt, tâm lý đơn giản này bị rúng động dữ dội. Đó là sự huy hoàng được tô điểm bởi máu tươi và tính mạng, tàn khốc biết dường nào: mấy vạn nhân mã đang chém giết nhau trong hẻm núi và giữa băng tuyết hoang vu ngoài quan ải.

Trên thế giới này, chỉ có loài người là bậc tinh anh trên hết muôn loài mới có năng lực huy động bấy nhiêu sinh mạng, mới có năng lực hủy diệt bấy nhiêu con người. Vậy loài người đáng tự hào hay là đáng thương?

Dưới ải tiếng la hét chém giết inh ỏi, kỵ binh đông nghìn nghịt tung vó rong ruổi, sử dụng thuật bắn tên trác tuyệt không ngừng bắn lên đầu thành, yểm trợ cho đội bắc thang và chiến xa công thành tiến về phía trước.

Trên thành dưới đất, cờ quạt vờn bay, quân Thát Đát dùng đủ loại vũ khí công thành: máy bắn đá, xe bắn nỏ,… bắn lên đầu thành những tảng đá, những quả cầu lửa khổng lồ. Chúng đập vào tường thành phát ra những tiếng nổ đinh tai.

Trên thành cũng cho dưới thành 'biết tay': xa thì bắn đá, bắn tên bằng nỏ cứng, bắn hoả pháo, gần thì lăn cây, ném đá. Nhìn từ xa, liên tục có người leo lên được một nửa bức tường thành thì la hét ngã xuống dưới chân thành, biến thành đống thi thể máu thịt bầy hầy. Tản mác khắp nơi là những chiếc thang mây bị phá gãy và xe công thành bị bốc cháy.

Trên quan ải, bọn sĩ tốt đang không ngừng chạy đi chạy lại hoặc vận chuyển khí giới, hoặc bắn tên rồi di chuyển, hoặc hoặc cầm móc câu đẩy ngã thang mây, không ngừng ném cây gỗ và quăng đá tảng. Dưới sự công thủ với hỏa lực dày đặc như vậy, vẫn có từng tốp giặc Thát hung hãn không sợ chết trèo lên đầu thành, nhưng chỉ sau một đợt phản công thì chúng biến thành một đống thịt vụn.

Một chiếc xe công thành to lớn và bền chắc được mấy chục tên sĩ tốt đẩy đến cổng thành. Đầu xe nhô ra một cây cọc nhọn hoắc, dài hơi một trượng, nện vào cánh cổng thành rắn chắn. Trên xe trang bị mái che hình quạt, đá và tên bắn trúng đều không thể tổn thương giặc Thát bên dưới.

Từng cú nện khiến tim Dương Lăng cũng nảy lên theo. Lúc này trên đầu thành ném xuống từng chiếc vại gốm, đập vào nóc xe (công thành) vỡ tan từng mảnh, liền đó một cây đuốc được ném xuống, một tiếng nổ đinh tai phát ra, cả chiếc xe bùng cháy. Do mấy tên giặc Thát đều mặc áo lông thú dày cộm, bị dầu bắn trúng, trong chớp mắt bọn chúng đều biến thành những 'cây đuốc sống', vừa la hét vừa lăn lộn trên mặt đất để dập lửa. Dương Lăng đứng trên tường thành nhìn thấy cảnh đó mà chấn động trong lòng.

Ngay vào lúc này, một cánh quân khác bất ngờ tấn công quân Thát Đát đang hùng hổ công thành.

Nơi đây núi non nhấp nhô chập chùng, trong dãy núi có hai hẻm núi thông đến Trấn Khương quan, một rất rộng và thoáng, rộng ba mươi trượng có đủ, chính là con đường giặc Thát tấn công quan ải. Con đường còn lại chỉ rộng hơn chục trượng, ngoằn ngoèo, dẫn sâu vào trong dãy núi, thông với Trường Thành nhấp nhô trên núi xa; đây hẳn là con đường bên ngoài duy nhất thông với một cửa ải khác.

Trong ải vốn có thể điều quân đi thẳng trên Trường Thành, không cần phải đi qua sơn cốc phủ tuyết trắng xoá. Nhưng lúc này nơi đó lại xuất hiện một cánh quân lớn đang di chuyển cấp tốc, đồng thời nhanh chóng hình thành trận hình công kích dạng góc nhọn.

Là cờ xí của quân Minh! Cánh quân này đa phần là bộ binh, đằng trước chỉ có mấy tay kị sĩ. Đối mặt với dũng sĩ Thát Đát ai nấy đều cưỡi ngựa tác chiến, ý định của bọn họ hiển nhiên là quấy nhiễu quân địch. Trong trận, một viên chiến tướng, quân đánh trống, quân kèn lệnh, quân cồng chiên, và quân cờ lệnh đều đứng đầu hàng ngũ, sau lưng là một cây soái kỳ, trên viết một chữ "Vương".

Bả tổng canh giữ phong hỏa đài mừng rỡ reo lên:

- Vương phó tướng từ Thanh Ngưu lĩnh đến chi viện rồi!

Dương Lăng nghe vậy thì máy động trong lòng, vội hỏi:

- Có phải là vị Vương phó tướng nọ?

Bả tổng đáp:

- Đại nhân, chính là phó tướng Vương Thủ Nhân dưới trướng Dương tổng chế, phòng thủ Thanh Ngưu quan, cách nơi này không quá ba dặm đường núi.

Dương Lăng khẽ ồ, liền vội vịn lỗ châu mai đưa mắt nhìn xuống phía dưới lá cờ chữ Vương. Y thấy rõ một vị tướng quân mặc giáp, khoác áo choàng xanh, điềm tĩnh ghìm ngựa đứng ở trong đội quân, từ xa nhìn không rõ tướng mạo.

Đao thương san sát, chiến sĩ mặc giáp cung kính trang nghiêm. Nhóm cung tiễn thủ được yểm trợ bởi những tấm thuẫn lớn, lắp từng mũi tên dài lên trường cung, mũi tên chìa ra khe hở của những tấm thuẫn như một hàng nanh sói.

Phát hiện có quân Minh tập kích từ sườn bên, đám giặc Thát la hét quay đầu ngựa xông về phía bọn họ đồng thời rút cung lắp tên ra bắn.

Vị tướng quân cưỡi ngựa vẫn bình tĩnh đứng dưới soái kỳ. Loạt tên đầu tiên bay tới cắm bộp bộp lên những tấm thuẫn cao tới đầu người. Toán quân Minh này không có nhiều kỵ binh, bọn họ nấp dưới những tấm thuẫn cao như vậy thì rất khó bị trúng tên tập kích, nhưng nếu để cho kỵ binh kẻ thù tiếp cận thì gần như sẽ trở thành một cuộc chiến nghiêng hẳn về phía địch.

Kỵ binh giặc Thát phi rất đến nhanh. Khi hàng kỵ sĩ đầu tiên cách quân Minh chưa đến hai tầm tên bay, vị tướng quân đột nhiên vung mạnh cánh tay, dường như quát khẽ một tiếng. Một trận mưa tên dày đặc như đàn châu chấu bay trùm tới, tên bắn mạnh, ngựa phi nhanh, hai bên tranh hơn đua kém. Khi kỵ binh phi đến một tầm tên bay thì vừa lúc đón lấy trận mưa tên đầu tiên, nhất thời người la ngựa hí, kỵ binh khiếm khuyết trang bị bảo hộ tốt liền giống như vướng phải dây giăng cản ngựa, lập tức ngã rạp một mảng lớn.

Lúc này, đợt mưa tên thứ hai lại ập đến...

Trong hẻm núi chỉ có năm nghìn quân Minh, quân Thát Đát công kích Trấn Khương bảo lại có ít nhất ba vạn người. Mặc dù đội binh này tạm thời chiếm chút thượng phong, nhưng một khi giặc Thát tiến đến gần, bọn họ sẽ bị đồ sát dễ dàng. Dương Lăng không hề phát hiện trong quân có đội trường thương binh cầm trường thương to và dài mấy mét, vả lại khi nãy bọn họ vội vã chạy tới nên hiển nhiên không thể nào bố trí kịp cọc chống ngựa, hố bẫy ngựa lẫn dây cản ngựa.

Từ trên dãy núi nhìn xuống, y thấy một màu trắng mênh mông, gió thổi lồng lộng mãnh liệt. Khe sâu, đồi núi, đồng hoang đều đóng một lớp tuyết, vẫn là cảnh "non uốn phau phau, đồng vươn bàng bạc"(*) khiến lòng người thanh thản mông mênh, thế nhưng trong sơn cốc lại là tiếng ngựa hí người la, chém giết rung trời. (*: trích từ bài Thấm viên xuân tuyết của Mao Trạch Đông, Nam Long dịch)

Một tay thủ lĩnh của Thát Đát chĩa xéo trường thường, chiến mã dưới hông lướt đi băng băng như chớp, một người một ngựa dẫn đầu đội quân Mông xông thẳng vào phía quân Minh. Trường thương trong tay hắn xoay như gió lốc, gạt bay mọi lợi tiễn bắn đến. Quân Thát phía sau tựa như cuồng phong cuốn phăng mọi thứ, như lửa cháy lan khắp cánh đồng. Vó ngựa gầm vang, mặt đất rung chuyển, kỵ sĩ xung phong hò hét dọa người, thanh thế vô cùng đáng sợ.

Thế trận của giặc Thát công thành đã loạn, càng ngày càng bắt đầu có nhiều sĩ tốt tràn về phía miệng hẻm núi chật hẹp. Đội cung tiễn thủ của quân Minh lùi lại, "đoàng! đoàng! đoàng!", một trận khói mịt mù bao trùm cả miệng hẻm núi. Lính mang thuẫn rẽ ra, tiếng hỏa súng vang lên rợp trời, từng khẩu pháo liên châu lớn bắn ra từng loạt đạn lửa chi chít, tạo thành một đợt sóng công kích dày đặc.

Giặc Thát lại ngã rạp một mảng. Khói súng còn chưa tan hết, mọi người đã thấy mấy nghìn nhân mã trong hẻm núi được tướng quân cưỡi ngựa dẫn chạy vào sâu trong khe núi. Quân Thát Đát giận đến phát điên thúc ngựa điên cuồng đuổi theo. Bọn chúng vừa phóng ngựa vào đến sơn khẩu, đã thấy đám quân Minh trước mặt đang “hoảng loạn” chạy trối chết vụt cái đã đều nằm rạp xuống đất.

"Ầm ầm ầm!!!", tiếng đại pháo điếc tai nổ vang, hai mươi khẩu pháo tướng quân to bằng miệng bát, mỗi khẩu bắn ra cả trăm hạt bi sắt. Loại tấn công tầm ngắn này hết sức đáng sợ: mưa đạn che phủ khắp trời, gần bốn trăm tên giặc Thát tiên phong, bao gồm cả tay tướng quân cầm thương cực kỳ kiêu dũng nọ đều biến mất hoàn toàn sau khi loạt đạn pháo quét qua. Chỉ còn mấy thớt chiến mã thân thể đẫm máu chưa chết hẳn đang rên rĩ giãy giụa trên chiến trường rải đầy thi thể.

Trên ải Trấn Khương, tiếng trống trận vang rền, cửa quan ải được mở ra, xe công thành vẫn chưa cháy hết bị đẩy sang một bên, kỵ binh xuất hiện như hồng thủy vỡ đê. Kỵ binh giáp nhẹ bắn ra một loạt mưa tên, mỗi người cứ bắn ba phát tên lại cưỡi chậm lại, tránh sang một bên. Kỵ binh giáp nặng theo sau, đánh thốc tới, nhất tề va chạm với thiết kỵ của giặc Thát.

Từ trên quan ải nhìn xuống, hai đoàn quân như hai làn sóng lớn ập vào nhau trong nháy mắt, thoáng khựng lại, sau đó là người ngã ngựa đổ, máu thịt tung toé, thỉnh thoảng có người bị chém, đâm, máu thịt vương vãi khắp chiến trường. Mỗi một người đều liều mình tiêu diệt một sinh mạng khác; vừa rồi còn mặc sống quên chết đồ sát kẻ khác, lúc này có thể đã là đống thịt nát dưới chân ngựa.

************************************************** ************************************

Lều soái của vua Khả Hãn đủ chứa năm sáu mươi ngồi xếp bằng, nhưng lúc này bên trong lại chỉ có bảy tám người, nhưng bảy tám người này chính là những chúa tể tối cao của cả đại mạc và thảo nguyên. Trên tấm thảm lông lạc đà dày cộm trong góc lều lớn đặt tám chậu than cháy hừng hực, nhưng ở chính giữa lều chỗ mọi người ngồi lại hơi u ám.

Hai con mắt của Bá Nhan Khả Hãn đỏ hằn như máu vì phẫn nộ. Hắn ngồi ở vị trí chủ trì, hai tay chống gối, đầu đội mũ da hươu, người mặc áo da lộn, trợn mắt quát đám người trước mặt:

- Đừng nói thêm nữa, dũng sĩ của chúng ta đến chỗ của người Hán săn bắn, đã uống cạn rượu mạnh trong nhà, ăn sạch dê bò trong nhà. Nay chưa đánh cướp được con mồi nào mà cứ rút lui như vậy thì biết ăn nói thế nào với người trong bộ tộc chúng ta đây?

Bá Nhan Khả Hãn quét cặp mắt hùm, đám người ngồi trước mặt hắn đều khẽ cúi đầu, không dám đối mặt, chỉ có một viên tướng vạm vỡ tuổi trạc tứ tuần, nét mặt phong sương, mắt ưng lẫm liệt khoanh gối ngồi bất động thờ ơ không nói gì.

Bá Nhan Khả Hãn tuổi hơn ba mươi, đương là độ trẻ trung khỏe mạnh. Hắn khó chịu duỗi thân hình khôi ngô vạm vỡ của mình, bất mãn liếc người đàn ông ngồi chống gối không tỏ vẻ gì, hỏi:

- Nhân mã quân Minh và chúng ta ngang nhau, bọn chúng phải chia quân trấn giữ, chúng ta lại chỉ tấn công một điểm của chúng. Tuy bọn chúng có quan ải hiểm yếu để phòng thủ nhưng nhân mã công thành của chúng ta lại đông hơn, địa điểm và thời gian công thành lại do chúng ta chọn. Thế mà hiện tại đánh nhau đã mấy chục trận lớn nhỏ mà chúng ta vẫn không hề chiếm được một chút lợi thế là thế nào?

Người đàn ông mắt ưng trông cao ngạo kiên cường nọ miễn cưỡng quay đầu lại. Bá Nhan quét cặp mắt hùm, lạnh lùng hỏi:

- Hỏa Sư, ngươi có nhận định gì?

Người đàn ông mắc ưng thờ ơ đáp:

- Đại Hãn! Người của chúng ta thiếu ăn thiếu mặc, ngay cả chiến mã cũng không còn sức lực thì làm sao có thể phát huy sức chiến đấu của bọn họ đây?

Một gã nãy giờ cúi đầu lặng thinh lập tức ngẩng đầu cười khẩy nói:

- Quân Minh giao chiến với chúng ta, các nhóm bộ lạc đều tổn thất nặng nề, chỉ có nhân mã của ngươi không hề bị tổn thất gì. Hình như quân Minh sợ cái tên 'Hỏa Sư vũ dũng' của ngươi, ai nấy đều tránh không dám đánh nhau với ngươi cả. Hỏa Sư là người anh hùng ân oán phân minh, nhận giò đương nhiên phải thò lại chai rượu rồi.

Hỏa Sư tím mặt quát:

- Mông Lực Khắc! Ngươi nói vậy là ý gì? Lúc chiến đấu với quân Minh, nhóm bộ lạc(2) của ta chưa từng đứng sau kẻ nào, đã bao giờ có lòng riêng?

Bá Nhan trừng mắt lườm hắn một hồi, rồi bật cười thật lớn, quát:

- Mông Lực Khắc đừng nói bậy! Hỏa Sư là anh hùng thảo nguyên chúng ta, là đại tướng bản Hãn tin yêu nhất, sao có thể mang lòng riêng mà thỏa hiệp với quân Minh để bảo vệ thực lực của mình cơ chứ?

Gã thủ lĩnh có tên Mông Lực Khắc nọ chỉ cười khẩy mấy tiếng rồi không nói gì nữa. Khuôn mặt Hỏa Sư tái lại. Ngay vào lúc này, một gã mặc áo da thú vén lều rảo bước tiến vào. Bá Nhan trông thấy người đó không khỏi mừng rỡ hỏi:

- Khất Khắc Nông! Ngươi về rồi à, có phải đã gặp được người của bọn họ?

Khất Khắc Nông nhìn quanh lều một lượt, thấy mọi người đều là nhân vật đầu não của các nhóm bộ lạc Thát Đát, bèn yên tâm thưa:

- Dạ! Đại Hãn, tôi đã gặp hộ pháp của bọn họ.

Đoạn gã bước lên khom người thi lễ, sau đó thuật lại tin tức do Du hộ pháp của Di Lặc giáo thông báo cho mọi người. Mọi người có mặt nghe xong liền chấn động tinh thần. Bá Nhan hít một hơi thật sâu, rồi đứng bật dậy, nghiêm nghị lạnh lùng:

- Bất luận thế nào, chúng ta phải tiếp tục kiên trì. Mục tiêu hiện tại của chúng ta là Chính Đức chứ không phải cố tranh đoạt thắng bại như trước nữa!

- Thiên tử người Hán chỉ giống như một con gà con, trông thấy bóng dáng hùng ưng bay liệng liền sẽ sợ đến phát run, trốn vào lòng gà mẹ. - Bá Nhan ngửa mặt lên trời cười lớn một tràng dài đoạn vung tay - Ra lệnh cho đại quân rút lui, tạo hiện trường giả là đại quân ta muốn từng bước rút khỏi chiến trường trở về thảo nguyên. Hoa Đáng không phải là ngốc, hắn sẽ không chui vào trong túi triều đình nhà Minh. Chúng ta phải chừa cho hắn một địa phương an toàn để gặp mặt triều đình nhà Minh bàn chuyện kết liên. Bỏ Trấn Khương bảo, đưa quân về hướng Bình Thuận, Hồ Quan.

Mỉm cười nói xong, hắn quay sang bảo Hỏa Sư:

- Hỏa Sư, người nhóm bộ lạc của ngươi sẽ đoạn hậu. Một mặt ngăn cản quân Minh truy kích, một mặt chờ Di Lặc giáo đưa tin đến xong sẽ phái một tốp tinh binh cướp bóc lương thảo, kiềm chân khiến quân Minh phải đóng giữ ở nơi này, tránh phải lưỡng bề thọ địch!

Hỏa Sư cười khẩy trong bụng. Bá Nhan nói đường hoàng như vậy nhưng rõ ràng là đã không còn tín nhiệm mình lắm. Chỉ có điều xem ra hắn ta chỉ nghi ngờ mình vì bảo tồn thực lực nên đã có thỏa thuận ngầm với quân Minh, chứ không nghi ngờ mình đã nương nhờ vào triều đình nhà Minh. Cho nên hắn ta mới giữ mình lại đơn độc chiến đấu với quân chủ lực của nhà Minh, bức mình phải đánh một trận với quân Minh, bằng không thì đã không giữ mình lại phía sau để đoạn hậu.

Vả lại Hỏa Sư cũng không nguyện chạy đi làm tiên phong cho Bá Nhan đánh trận chiến ngu ngốc và hèn nhát này nên bèn vừa cung tay vâng lệnh, vừa âm thầm tính toán làm thế nào tránh quyết chiến cùng quân Minh, chỉ thừa cơ cướp đoạt chút lương thảo lắp đầy bụng binh sĩ của mình thôi.

Bá Nhan lại nói:

- Ra lệnh cho nhân mã công kích quan ải lập tức rút lui, cứ để quân Minh đắc ý thêm mấy ngày nữa đi.

Thủ lĩnh các nhóm bộ lạc khác nghe thấy mình có thể tránh được hai ôn thần Dương Nhất Thanh và Vương Thủ Nhân khiến người ta nhức đầu đó, kéo nhau đến những huyện chưa bị đánh cướp để kiếm bữa cơm no thì cũng rạng rỡ mặt mày, vội vã đứng dậy tuân lệnh thi hành.

Đợi mọi người cáo từ ra hết, nụ cười trên mặt Bá Nhan mới dần dần tắt. Hắn thả người ngồi xuống chiếc ghế lớn lợp nhung, thở dài mệt mỏi. Màn trướng bỗng vén lên, một thiếu nữ yểu điệu vận áo quần màu trắng lặng lẽ bước vào. Trong lều hơi âm u, cô nàng rón rén đi đến trước hai ngọn đèn mỡ bò treo thòng phía trước vương tọa, rút bên hông ra một cây loan đao nhỏ khơi nhẹ hoa đèn.

Ngọn lửa cháy cao hơn, trong lều sáng sủa hơn rất nhiều. Phần lớn người Mông Cổ có vóc dáng cao to vạm vỡ, nhưng thân thể yêu kiều của cô nàng lại rất là thon thả lả lướt. Ngọn đèn sáng tỏ soi rõ khuôn mặt cô nàng; chiếc cằm trơn nhẵn mịn màng đón lấy ánh đèn, gò má cong cong bên sáng ngời bên u ám phác họa nên một vẻ thanh tú cùng mỹ lệ bất phàm.

Hai gã thị vệ đứng bên Bá Nhan vội chắp tay trước ngực, cung kính thưa:

- Sát Tất Khả Đôn!

Trong tiếng Mông Cổ, "Sát Tất Khả Đôn" để chỉ Hoàng hậu, chỉ có chánh phi của Đại hãn hoặc Vương gia mới có thể xưng là Sát Tất Khả Đôn. Người đời đều biết lúc bảy tuổi Bá Nhan đã cưới bà thím họ hàng xa là Mãn Đô Hải Tư Cầm làm vợ, nhờ bà phò tá và lời hiệu triệu với thân phận hậu duệ trực hệ của gia tộc cao quí Thánh Cát Tư Hãn mới trở thành vua của thảo nguyên.

Thế nhưng người thiếu nữ thanh tú trước mặt lại trông chưa tới đôi mươi, tuyệt không thể là hoàng hậu Mãn Đô tuổi phải tới lục tuần. Sự thật thì sau khi Bá Nhan thành niên, Mãn Đô Hải Tư Cầm đã dần biến mất khỏi tầm mắt của mọi người, và người ta cũng rất tránh nhắc đến nơi ở của bà.

- Các ngươi lui xuống đi!

Bá Nhan vung tay cho hai gã người hầu lui xuống, rồi âu yếm nói với người thiếu nữ:

- Tái Lý Mộc Trác Nhĩ của ta, đến đây cho ta ôm nào.

Thiếu nữ áo trắng cười ngọt ngào, bước nhẹ nhàng đến bên hắn, được hắn ôm lấy liền nhảy lên ngồi trên đùi phải của hắn. Vị Hoàng hậu trẻ tuổi mỉm cười nói:

- Đại Hãn của thiếp, chiến sự không thuận lợi thì chúng ta rút về thảo nguyên là xong, cớ chi phiền não vậy? Chẳng phải là người Hán đã bị chàng dọa sợ đến nỗi không dám ló ra khỏi ải sao?

Bá Nhan cười ha hả, ôm ấy tấm eo thon của cô nàng:

- Trác Nhĩ à, xưa nay ta chưa hề lo lắng về triều đình nhà Minh, mà là lo về những bộ lạc dưới quyền ta. Lúc đánh thắng, cướp được dê bò và nô lệ về thì ai nấy đều nói cười rạng rỡ; nếu thua trận, mọi tù trưởng đều tính toán lợi ích cho riêng mình, kẻ có dị tâm nào chỉ một mình Hỏa Sư?

Tái Lý Mộc Trác Nhĩ dịu dàng vòng tay ôm lấy cổ, hôn lên khuôn mặt săn chắc của hắn, khẽ cười nói:

- Đừng lo lắng, đại vương của thiếp! Dưới sự trông coi của con hùng ưng như ngài, còn có ai dám nảy lòng bất tuân chứ?

Bá Nhan cười to, luồn một bàn tay to tướng vào trong người cô nàng, bóp lấy bầu vú mềm mại mà đầy đặn, kề tai nói nhỏ:

- Nói rất phải, cho nên... mặc kệ hiện tại phải tổn thất bao nhiêu nhân mã, mặc cho cái đám hèn hạ đó bàn tán sau lưng, ta sẽ làm theo chủ định của ta.

Bị hắn sờ nắn đùa bỡn, vị hoàng hậu trẻ tuổi nằm trong lòng hắn giảy nảy như cá mắc cạn, thở dốc không nói được gì. Hai người lăn từ trên ghế xuống thảm nhung, đai lưng được cởi ra, từng tấm y phục bị vất trên mặt đất; rất nhanh, một thân thể cường tráng màu đồng trùm lên một tấm thân trắng trẻo và mềm mại...

Hơi thở nóng hừng hực của Bá Nhan phà lên bộ ngực cao vút và căng tròn của cô nàng. Hắn cúi đầu nhìn đôi gò tuyết lê đầy đặn mịn màng, thấp giọng nói:

- Giết xong Chính Đức, đoạt được Liêu Đông, Cam Túc và Thanh Hải, kế đó sẽ đoạt cả thiên hạ, xây dựng lại Đại Đô! Hoàng hậu của ta, nàng sẽ theo ta đánh thẳng đến thắng lợi!

Ưm một tiếng, cặp đùi săn mẩy và mềm mại liền kẹp lấy hông hắn. Bá Nhan hừm khẽ rồi mạnh mẽ "đánh" vào...

************************************************** ***********************************

Trên tường thành, Dương Nhất Thanh mỉm cười sánh vai bước đi cùng Dương Lăng và Trương Vĩnh, quan binh đứng nghiêm trên quan ải Trường Thành, trải dài không thấy điểm cuối. Khói súng vẫn chưa tan, mùi máu tanh vẫn còn rất nồng, nhưng nhuệ khí binh sĩ dâng cao. Đối với bọn họ, có thể thắng trận, có thể sống sót trở về chính là điều hạnh phúc nhất.

Dương Lăng nói với Dương Nhất Thanh:

- Dương tổng chế! Nghe báo đại quân thắng trận, Hoàng thượng rất ư vui mừng thanh thản. Trước tiên ngài hạ thánh chỉ phong Dương đại nhân làm Tổng chế tam biên, sau lại ra lệnh cho bản quân đích thân vận tải một ít vật phẩm để ủy lạo quân sĩ. Mọi thứ như gạo mì, thịt rau, trái cây, cá trứng, chăn mền quần áo; các loại thuốc men phòng chống và chữa trị các loại bệnh sương lạnh, ôn dịch, đau bụng thổ tả; dầu mỡ, bao tay, than củi để chống rét sưởi ấm đều có. Chúng tôi đều đã đưa mỗi thứ một ít đến, hiện đang để dưới ải, vẫn xin đại nhân phái người kiểm nhận.

Trương Vĩnh cũng cười bảo:

- Còn có ngân lượng ban thưởng cho ba quân, bạc và một ít nhu yếu trợ cấp cho sĩ tốt thương tật. Cũng xin đại nhân mau chóng liệt kê danh sách, bảo quan thư ký thẩm tra rồi báo lên. Hoàng thượng rất hài lòng với lần đại thắng này và chiến sách tiêu hao quân Thát Đát, khiến chúng không trộm được gà còn mất gạo của đại nhân. Đúng rồi, sao không thấy Miêu công công đâu?

Trương Vĩnh thích cầm quân, Miêu Quỳ cũng mê đánh trận, hai người này một người nắm Ngự Mã giám, một kẻ giữ Binh Doanh, tính tình cũng khá hợp nhau. Tuy Miêu Quỳ lần đầu đốc chiến gặp xui nên phải đoái công chuộc tội, song vẫn đảm nhiệm chức giám quân của ba quân, theo lý thì lão nên có mặt trên quan ải mới phải.

Không ngờ Dương Nhất Thanh nghe hỏi lại hơi sững người rồi mới đáp:

- Bản quan đã cho trạm dịch quân đội đưa tin về kinh. Với tốc độ của bọn họ, hẳn là Hoàng thượng nhận được từ lâu rồi chứ, chẳng lẽ Hoàng thượng chưa thông báo cho hai vị khâm sai sao?

Trương Vĩnh và Dương Lăng trố mắt nhìn nhau. Dương Lăng lắc đầu bảo:

- Việc đó... hẳn là trên đường bị trì hoãn, chúng tôi chưa từng nhận được công báo trong kinh.

Đáp xong, y hơi chột dạ. Hoàng đế đang ở trong quân, tấu chương được đưa vào kinh cũng chỉ có ba đại học sĩ mới được xem. Chính Đức lại bí mật lẻn đi, để tránh tiết lộ tin tức, e rằng trừ phi là chuyện vô cùng khẩn cấp, ba đại học sĩ cũng không dám phái người đưa tấu chương đến trình lên Hoàng đế.

Dương Nhất Thanh nói:

- Ồ! Miêu công công cùng với Tổng binh Hứa Thái đã..., - nói đến đây hắn chợt ngưng lại, thấp giọng - Đợi vào trong quan lầu(3) hẵng nói. Quân vụ mà Miêu công công và Hứa Thái chấp hành hết sức cơ mật, không nên để quá nhiều người biết.

Dương Lăng hiểu ý gật đầu. Trông thấy dưới cửa ải sĩ tốt vẫn đang bận bịu dìu đỡ thương binh và dọn dẹp chiến trường, Dương Lăng lại nói:

- Dương tổng chế! Mục đích chia rẽ Bá Nhan và Hỏa Sư và tiêu hao lương thảo của bọn chúng đã đạt được, sắp đến đây hẳn sẽ tăng cường thế tiến công, đánh đuổi chúng về. Áng chừng một hai tháng nữa là xuân ấm tuyết tan, trăm họ cũng phải cấy cày, không thể kéo dài tiêu hao chiến với chúng ở đây.

Dương Nhất Thanh gật đầu đáp:

- Dương khâm sai nói rất đúng! Bản quan cũng đang lo nghĩ chuyện này, có điều tạm thời vẫn phải kìm chân bọn chúng thêm mấy ngày. Về phần nguyên nhân, ha ha, nó cũng có liên hệ với chuyện ban nãy. Bản quan thấy mấy ngày nữa hẳn là sẽ có tin tức trở về rồi, kéo dài thêm nữa thì bản quan cũng chịu không nổi đâu.

Mấy trăm vạn nhân khẩu ở vùng biên giới, còn hơn mười vạn đại quân; lương thảo chiến mã sử dụng càng lớn hơn nữa. Thảng như chiến sự kéo dài, nếu không có đồn điền quân binh mà chỉ dựa vào quân nhu lương thảo của triều đình, e rằng triều đình sẽ gánh không nổi, quân dân cũng sẽ bị đói. Đó là chuyện lớn!

Dương Nhất Thanh thân là Tam quan tổng chế, không chỉ phụ trách chiến sự, mà còn phải phụ trách công việc có liên quan đến quân chính, đồn điền. Mỗi năm đồn điền quân binh có thể giải quyết được một số lượng khẩu phần khá lớn, tầm quan trọng của nó không kém gì tác chiến.

Dương Nhất Thanh nói đến đây thì không nén được thở dài. Hắn là Tam quan tổng chế, binh mã dưới tay là do binh lính từ các trấn Đại Đồng, Thái Nguyên và Tuyên Phủ tập hợp mà thành, những kiêu binh mãnh tướng lâu năm trấn thủ biên thùy nào có dễ nghe lời.

Mấy năm trước Tổng binh Đại Đồng ngược đãi sĩ tốt, đám quân binh đánh trận không sợ chết này nào biết kính sợ quyền uy là gì, bèn nổi loạn làm thịt luôn gã Tổng binh, gây loạn một hồi. Triều đình muốn bắt kẻ đầu têu gây rối nhưng cũng không thể lần ra.

Tuy Dương Nhất Thanh xuất thân từ quan văn nhưng đã gia nhập quân đội từ lâu nên biết rõ quân đội là một tổ chức tương đối độc lập. Trong quân đội coi trọng nhất là uy danh, lai lịch, địa vị, hoặc là chiến công to lớn, hoặc là sự từng trải đủ lâu; nói chung là phải trấn áp được tình hình, bằng không sẽ rất khó điều khiển quân đội hay bố trí công thủ theo ý muốn.

Dẫn lính, cầm binh, điều khiển, tác chiến đều chú trọng đến quan hệ, tín nhiệm và ủng hộ của tướng sĩ, nếu chỉ dùng hình phạt nghiêm khắc sẽ không thể trấn áp được đám người lăn lộn trong đống xác chết này. Nếu không có cơm ăn, đó thực sẽ là chuyện lớn.

Cuộc chiến lần này đã kéo dài quá lâu. Tuy rằng Bá Nhan bị tổn thương lớn hơn, nhưng chẳng lẽ tiền bạc và lương thực mà Đại Minh đã tiêu hao mất lại không phải là vấn đề lớn?

Dương Nhất Thanh khẽ thở dài, nói tiếp:

- Nơi đây núi nhiều đất ít, ruộng đất cằn cỗi, nếu gặp thêm nạn hạn hán hay nạn châu chấu, thu hoạch mùa màng sẽ giảm súc nghiêm trọng. Tam quan có đông quân dân, nhiều chiến mã súc vật như vậy, một khi thiếu lương thực thì lòng quân lẫn lòng dân đều sẽ không yên. Bản quan đang cân nhắc sang xuân mất mùa sẽ cho quan binh bổ núi khai khẩn thêm ít ruộng núi. Có điều là... chút muối bỏ bể, có còn hơn không mà thôi.

Chợt máy động trong lòng, Dương Lăng liền mừng rỡ nói:

- Nếu như những mảnh đất cằn cỗi này khó xơi như gân gà, không ảnh hưởng mấy đến việc chuẩn bị lương thực thì bản quan có vài giống cây trồng cho sản lượng rất cao, không biết Dương tổng chế có bằng lòng cho trồng thử không? Trước hết sẽ cho trồng thử trong quân điền, năm sau nếu được mùa, sẽ tặng giống ấy cho trăm họ, tam quan cũng có thể trở thành kho lương của Tây Bắc vậy.

Dương Nhất Thanh ra vẻ xúc động, vội hỏi:

- Có giống cây trồng như thế ư?

Dương Lăng gật đầu đáp:

- Phải! Bản khâm sai có thể đảm bảo mấy giống cây trồng khoai lang, khoai tây, ngô từ Tây dương mà bản quan tiến cử. Hiện tại lúa mạch trồng trên một mẫu đất cằn đất cỗi, cho dù ông trời nể mặt giúp cho mưa thuận gió hoà thì cố lắm cũng chỉ có sản lượng từ ba đến năm trăm cân là cùng, còn loại khoai lang này có thể đạt đến ba nghìn cân trở lên. Tuy chỉ là ít lương thực phụ, nhưng là thứ cây trồng rất tốt để lót dạ lót dày, lại không tranh ruộng tốt với lúa mì lúa mạch. Dương tổng chế thấy thế nào?

Dương Nhất Thanh nghe xong thì kinh ngạc vô cùng, vội đáp:

- Một mẫu cho ba nghìn cân? Thực không dám nghĩ, thực không dám mơ! Ở cái địa phương này, nếu không tranh ruộng tốt, không phải để ý sắc mặt ông trời, một mẫu cho được nghìn cân đã đủ khiến bản quan cảm ơn trời đất rồi. Còn về phần lương thực phụ, bà mẹ nó chứ, người đói còn gặm cả rễ cây, ai còn đi so đo mấy thứ đó?

Dương Lăng nghe vị danh tướng có xuất thân tiến sĩ này thốt ra một câu thô tục như vậy thì không khỏi bật cười. Lúc này ba người đã đi đến cạnh thành lầu phía trên cửa quan của bảo Trấn Khương, Dương Nhất Thanh dừng bước cười nói:

- Nơi đây rất đơn sơ nhưng dẫu sao cũng có thể che chắn gió tuyết. Xin mời hai vị khâm sai vào!

Dương Lăng cười nói:

- Tổng chế đại nhân khách sáo rồi.

Đoạn y quay đầu lại ra lệnh cho hai trăm thân quân thị vệ:

- Các ngươi không cần phải chờ ở đây, cứ xuống quan ải giúp đỡ quân thủ vệ mang gạo mì thịt để ăn... ăn... ăn...

Lúc y xoay lại, một bóng người đứng sau đám đông chợt vội vã nấp vào sau lưng mấy tay thị vệ. Có điều người này y quá quen thuộc đi, nên y chỉ mới liếc sơ qua liền khiếp đảm đến trợn tròn hai mắt, thiếu chút nữa thì lòi cả tròng.

Vẻ kỳ lạ của Dương Lăng khiến toàn bộ sĩ tốt đều quay đầu lại nhìn, trên cổng thành nhất thời lặng ngắt như tờ. Tay "tiểu hiệu úy" đó đứng nấp sau lưng một thị vệ cao to một chốc, rồi lại rì rì lấp ló đi ra.

Dương Nhất Thanh và Trương Vĩnh vừa trông thấy, sắc mặt cũng lập tức trắng bệch. Ba người cùng trố mắt nhìn hắn, nhất thời không dám tin vào mắt mình. Theo ánh mắt của ba vị đại nhân, đám thị vệ liền dạt sang hai bên, dẹp đường cho viên tiểu hiệu úy khôi ngô tuấn tú nọ.

Tuy Chính Đức đi đến đâu là vạn cặp mắt đều dồn về phía đó, nhưng chưa từng có nhiều người dám trợn tròn mắt nhìn hắn chằm chằm như vậy, khiến hắn cũng cảm thấy không thoải mái.

Chính Đức ngại ngùng cười vẻ xấu hổ với ba người, rồi chậm rãi bước tới, lúng ta lúng túng như một đại cô nương, tướng đi hệt như một con búp bê rối.

(

Chú thích:

1) còn được gọi là "khống quân đài", dùng để quan sát, bắn ngang, phối hợp tác chiến, đề phòng quân giặc xuất hiện nơi điểm mù, lại có thể quan sát sự biến hoá của địch tình mà mau chóng áp dụng lấy biện pháp ứng biến phù hợp. Xem hình (http://img.niwota.com/album/images/2...5/56851318.jpg)

(2) nguyên văn là "minh", trỏ nhóm các bộ lạc Mông Cổ gộp lại thành một liên minh, tạm dịch chung là "nhóm bộ lạc".

(3) lầu quan sát trên thành