Ngược Về Thời Minh

Chương 163: Cải cách của lưu cẩn




Thấy bộ dạng há hốc kinh ngạc của Dương Lăng, Lưu Cẩn càng thêm đắc ý trong lòng. Luận về tâm ý thì gian thần chẳng qua là sự đánh giá của người khác về hành vi việc làm của người đó chứ bản thân gian thần lại không nghĩ như vậy. Sao Lưu Cẩn lại không muốn tạo nên sự nghiệp chứ? Chỉ là...

Dương Lăng cầm lấy bản tấu chương dày cộp từ tay Lưu Cẩn giở ra xem. Phải nói, tấu chương của Lưu Cẩn tuyệt đối không bị mắc phải khuyết điểm vừa dài vừa dở, không vòng vo tam quốc mà đi thẳng vào trọng tâm ngay. Đầu tiên nêu ra sự cồng kềnh của cơ cấu triều đình, chính lệnh không nghiêm, lạm dụng quyền lực để mưu cầu riêng tư, tình hình vi phạm pháp luật vô cùng nghiêm trọng, sau đó đề ra cải cách chính trị nhằm vào những tệ chính này.

Ví dụ: hiện tượng bổ nhiệm người mình, nịnh hót để thăng quan cực kỳ nghiêm trọng, quan viên đã từ lâu không còn tuân theo quy định "quan viên không được nhậm chức ở quê nhà". Sau khi lên ngôi Chính Đức từng dựa theo kiến nghị của Lưu Cẩn và Dương Lăng đề xuất lại việc này, sai bộ Lại chấp hành. Lưu Cẩn rất đắc ý với biện pháp đó, lần này bình mới rượu cũ, lão kiến nghị đưa nó vào điều luật triều đình làm thành một quy định khảo hạch quan viên.

Ví dụ khác, việc kiểm soát tiền lương địa phương xưa nay chưa được triều đình thực hiện một cách kỹ lưỡng cho lắm nên đã xảy ra hiện tượng kỳ lạ là: thuế khoá Đại Minh cực ít, thu nhập của quốc khố cực nhỏ nhưng bá tánh cùng dân lại kham khổ không thôi, nguyên nhân chính là vì triều đình giám sát bất lực để cho bên dưới tầng tầng bóc lột. Thế là (Lưu Cẩn) quyết định đề nghị biến việc quan viên bộ Hộ bất chợt kiểm tra kho lương các nơi thành một quy định mang tính thường xuyên và mỗi năm mười hai lần.

Bên cạnh đó còn có vô số những kiến nghị về coi trọng đo đạc ruộng đất, đả kích thương nhân buôn lậu, chỉnh đốn luật về muối, dùng cực hình trừng trị tham ô, giảm nhẹ gia tăng thuế khoá và lao dịch, quan văn chỉ huy quân đội,... chẳng những nêu lên vấn đề mà còn đề ra các biện pháp tương ứng cho từng vấn đề đó.

Dương Lăng xem kỹ lưỡng, bất giác lấy làm kinh ngạc. Trong đó có rất nhiều quan điểm đã chỉ đúng tệ nạn thực tế, nói đúng vanh vách. Có lẽ bởi vì bản thân Lưu Cẩn xuất thân bần cùng, “cố vấn” của lão lại là một tú tài thi rớt nhỏ nhoi nên rất nhiều vấn đề sau khi đến được triều đình thì đều bị che giấu nhưng không qua mắt bọn họ được.

Lưu Cẩn cười híp mắt nhấp trà nhẫn nại chờ Dương Lăng đọc xong rồi mới hỏi:

- Dương đại nhân, ngài thấy những chính sách này của ta có thể thực hiện được không?

Tuy là lão hỏi Dương Lăng song lại đắc chí chờ Dương Lăng khen ngợi. Có rất nhiều điểm trong sách lược của lão chính xác nhưng để thật sự thi hành thì riêng việc chọn lựa quan viên chấp hành đã là một vấn đề lớn.

Ví dụ như chính sách dùng cực hình để hạn chế tham ô, lúc Dương Lăng đọc đến đó liền cảm thấy buồn cười. Sau khi Lưu Cẩn làm nội tướng thì chính lão đã thu nhận không ít lễ vật, hơn nữa cũng như ngoại đình nghi kỵ nội đình thì chính Lưu Cẩn cũng không hề tin tưởng ngoại đình, nếu để cho đồng minh của mình là Đông Xưởng chấp hành thì thử hỏi một đám lưu manh côn đồ chỉ biết doạ dẫm bắt chẹt dân đen nay làm việc dẹp trừ tham ô sẽ có hiệu quả gì?

Có điều Dương Lăng tán đồng chính sách đổi mới việc đo đạc ruộng đất, dựa vào số lượng điền địa để nộp thuế. Lúc còn ở Kê Minh y từng gặp phải loại chuyện kỳ lạ này: có những hộ gia đình lúc Đại Minh lập nước là địa chủ nhưng nay đã trầm luân thành bần nông thế nhưng số ruộng đất ghi trong sổ sách của triều đình lại vẫn dựa theo cả trăm năm trước rồi cứ thế mà thu thuế, thiếu điều bức con nhà người ta phải thắt cổ tự tử.

Còn chính sách cho phép quan văn lĩnh binh thì Dương Lăng kiên quyết phản đối. Chẳng qua y biết Lưu Cẩn làm vậy là xuất phát từ suy nghĩ bảo vệ quân quyền. Hiện tại Dương Lăng đã không còn là thằng nhóc mới vào kinh không biết gì nữa, y sẽ không tranh cãi kịch liệt với người khác về sự non nớt về quan trường của họ. Sau khi nghe Lưu Cẩn hỏi xong, y trầm ngâm một chốc rồi thở dài nói:

- Phần lý luận này của công công quả thật rất có lý, tuy nhiên... để thực hiện sẽ có điều khó khăn à.

Lưu Cẩn thấy y tán đồng, trong lòng mừng lắm, về phần khó khăn... lão vô cùng lạc quan. Tít mắt cười, lão hỏi:

- Đại nhân, ngài thấy ta trình bản tấu chương này lên cho Hoàng thượng có được không?

Dương Lăng vội vàng ngăn cản:

- Ờm... có vài vấn đề nhỏ. Ví dụ như, công công cho rằng bộ Hộ nên điều tra tiền lương các nơi mỗi tháng một lần. Tần suất này... là hơi nhiều đó. Người sẽ không chịu nổi mệt mỏi dong duổi đường dài, mà tốp quan viên thứ nhất rời kinh còn chưa về thì tốp thứ hai đã phải đi tiếp rồi. Hơn nữa thuế thóc đa phần là thu theo năm, kiểm tra nhiều lần, quan viên địa phương bận lo nghênh đón tiễn đưa nào còn thời gian để xử lý chính vụ?

Lưu Cẩn nghe xong gật đầu lia lịa:

- Phải à phải à, ta quên mất thương khố các nơi không nằm trong kinh. Sửa lại thành một năm hai lần vậy.

Đoạn lão cầm tấu chương lên đánh dấu rồi hỏi tiếp:

- Còn chỗ nào chưa ổn thoả nữa không? Xin Dương đại nhân chỉ giáo thêm.

Dương Lăng chỉ vào chính sách quan văn lĩnh binh và nói:

- Khi còn ở Kê Minh, vị ngự sử đại nhân thân là văn nhân không hiểu việc quân song lại can thiệp vào việc hành quân bố trận, hại khiến đại quân bị vây ở Hồ Lô cốc cuối cùng táng thân trong loạn quân, công công cũng đã cảm nhận tác hại của nó mà. Công công xem, chỗ này nói là cử quan văn quản lý toàn bộ cửu biên: trấn giữ hay tuần tra cũng đều nằm dưới sự quản lý của bọn họ. Quả như giặc Thát lại tới tập kích biên giới lại để một quan văn đứng ra chỉ huy bậy bạ thì đại sự há chẳng hỏng ư?

Lưu Cẩn nghe vậy thì mặt đỏ bừng. Lần đó lão cũng là một trong những kẻ nói bậy nói bạ cuối cùng lại để Hà tham tướng gánh lấy oan ức, trong lòng lão cũng biết kẻ ngoài nghề chỉ trỏ loạn xạ sẽ rất không ổn. Điều khoản này là do muốn biểu thị lòng thành mà tay tú tài đó đã tự chủ trương thêm vào cho lão.

Lưu Cẩn cầm bút gạch chính sách này đi rồi hỏi:

- Đại nhân nói đúng lắm, còn gì nữa?

Dương Lăng chỉ vào chính sách "phạt gạo" (1) nói:

- Việc phạt gạo này, Dương mỗ lo rằng...

Lưu Cẩn không cho là đúng bèn nói:

- Đây la việc cần thiết. Năm Hồng Vũ, tham ô sáu mươi lạng đã bị lột da nhồi cỏ, ta phạt gạo thay cho bạc đã là nhẹ lắm rồi. Trừng trị quan lại hủ bại tất phải dùng hình phạt nặng thôi.

Mặt như cười nhưng không phải cười, Dương Lăng nói:

- Ngoài ra thì không còn vấn đề gì nữa. Nhưng mà... có lẽ công công không nên nóng vội.

Lưu Cẩn nghĩ rằng Dương Lăng có ý tranh công, sợ chính sách của mình có hiệu quả, cho nên nghe vậy chỉ cười cười song lại bỏ ngoài tai lời của y. Dương Lăng biết Lưu Cẩn mới được thăng quan nên khó mà khuyên bảo lão kiềm chế lòng nhiệt tình đó, hơn nữa hiện tại lão đang nắm giữ trung khu nội đình, quyền lực cao hơn mình nhiều nên nếu mình mà tấu lại những điều trên trước mặt Hoàng thượng thì chỉ sợ Lưu Cẩn sẽ càng phản đối kịch liệt hơn.

Dương Lăng nhớ lại năm xưa Hoàng Kỳ Dận vì dâng tấu khuyên cắt giảm quan viên mà rơi vào tình cảnh đáng thương thế là không khỏi liếc mắt nhìn Lưu Cẩn một cách thương hại. Tuy không thể đánh đồng người này với Hoàng Kỳ Dận vốn chỉ là một ngự sử bé cỏn con, nhưng cách làm cấp tiến này của lão nhất định sẽ đắc tội với vô số quan viên. Mặc dù những quan viên đó sẽ không dám chống đối trước mặt, song qua lâu ngày, cát vụn rồi cũng ngưng tụ thành sỏi đá, đến khi đó... Dương Lăng khẽ lắc đầu.

Lưu Cẩn lại nhìn tấu chương trong tay mình một cách yêu thích một chút rồi hỏi:

- Đúng rồi, đại nhân đến tìm ta có phải là chuyện gì quan trọng?

Dương Lăng cười đáp:

- Đúng vậy, Dương mỗ tìm được hai giống cây trồng của dị quốc, chống hạn và sản lượng tốt hơn giống cây hiện tại của Đại Minh, cũng ít bị sâu bệnh hơn. Chỉ là... muốn mở rộng trồng trọt thì phải trồng thử ở một số nơi trước, đồng thời nuôi cấy ra một số lượng hạt giống và đào tạo một đám nông phu biết trồng trọt. Bản quan đã chọn ra ba nơi là Hồ Nam, Tô-Hàng và kinh sư, mỗi nơi một huyện để trồng thử. Thật ra bản quan biết rõ hiệu quả của giống cây trồng này, việc làm này chẳng qua là để cho bá quan trong triều được an tâm. Trước mắt thì loại ngô tạm thời chỉ đủ trồng thử ở vài nơi thế nhưng dây khoai lang lại rất dễ sinh trưởng, một củ khoai có thể nuôi trồng ra mấy mẫu khoai. Thiểm Tây hoang vu mà mười năm thì có hết chín năm hạn hán, năm nào cũng có bá tánh chết đói vì thiên tai, do đó bản quan muốn bàn bạc với Lưu công công cho gieo trồng toàn bộ đất đai tỉnh Thiểm Tây, ngoại trừ ruộng nhất đẳng nhị đẳng vẫn tiếp tục trồng trọt hoa màu cũ thì còn lại đất cằn, đất hoang trên triền núi và đất mới khai hoang đều cho trồng khoai hết, đến lúc đó bá tánh không còn phải chịu cảnh chết đói tất sẽ cảm kích ơn đức của công công. Không biết ý của công công thế nào?

Lưu Cẩn nghe xong tim đập thình thịch, nếu thật sự có hiệu quả kỳ diệu bậc này vậy sẽ cứu sống được vô số bá tánh quê nhà rồi. Họ Lưu mình còn không trở thành đức Phật sống của vạn nhà sao? Lần này về quê thăm nhà...

Lưu Cẩn nghĩ ngợi một chút, rồi cẩn thận hỏi lại:

- Dương đại nhân, giống cây này thật sự thích nghi để trồng à? Nếu không thu hoạch được, khi đó có trồng những loại cây hoa mầu khác thì mùa vụ đã lỡ mất rồi. Hương thân của cả một tỉnh Thiểm Tây.... sao chúng ta không chọn một nơi trồng thử, chờ xác minh hiệu quả rồi mở rộng cũng không muộn mà.

Dương Lăng bèn giải thích:

- Lưu công công nói vậy không sai. Có điều bản quan biết rất rõ giống cây này, nếu trơ mắt chờ đến năm sau thì chẳng những sẽ có nhiều bá tánh chịu khổ mà đại kế giải cấm thông thương của chúng ta cũng bị ảnh hưởng lây. Huống hồ chúng ta chỉ chọn ra vài vùng đất bần cùng hẻo lánh thu hoạch kém và đất đồi, đất hoang, ảnh hưởng đối với cả tỉnh Thiểm Tây sẽ là rất nhỏ. Bản quan đã có tính qua thu hoạch năm ngoái của những vùng đất cần thay đổi giống cây trồng này. Nếu như công công cho phép, bản quan sẽ thu mua số lương thực tương ứng chuyển về Thiểm Tây, phân phát cho bá tánh chấp nhận trồng trọt giống cây trồng mới trước đã, như vậy bọn họ sẽ không phải lo lắng về sau, như vậy thì không có ai phản đối nữa, đợi đến khi được mùa rồi mới đổi ra lúa gạo để trả lại, công công thấy thế nào?

Lưu Cẩn vừa nghe thấy có biện pháp đảm bảo thu hoạch như vậy thì lập tức tán thành ngay:

- Được, một lời đã định. Nếu đã như vậy mong đại nhân hãy chuẩn bị sớm, chốc nữa ta sẽ thông tri cho Bố chánh sứ của Thiểm Tây là Tào Nguyên, sau khi đại nhân chuyển hạt giống và thợ trồng trọt đến rồi cứ bảo y ra sức phối hợp là được.

Hai người đang bàn bạc trong phòng, bên ngoài chợt có giọng của một tiểu thái giám vọng vào:

- Đây là vị tỷ tỷ của cung nào vậy, sao lại tùy ý xông vào... Ối chết, ối mẹ ơi, nô tài tham kiến Hoàng thượng!

Bên ngoài vang lên một tiếng "bộp" liền sau đó rèm cửa được gạt ra, một người con gái áo hồng rảo bước xông vào, đứng giữa phòng khách, hai tay khoanh trước ngực mắng:

- Tức chết mất thôi, thật không ở được thêm được ngày nào trong cái hoàng cung này nữa. Ai cũng thấy trẫm không vừa mắt, trẫm nhìn người nào... cũng thấy không vừa mắt.

Phát tiết xong, trông thấy Dương Lăng, “mỹ nhân” đó mới phất ống tay áo, cả tiếng nói:

- Dương thị độc đến đây à? Sao không kêu nội thị đi báo với trẫm?

Lưu Cẩn ra vẻ điềm nhiên nhanh nhẹn quỳ xuống đất thưa:

- Nô tài bái kiến Hoàng thượng.

Dương Lăng nhìn thấy “mỹ nhân” mặc đồ cung nữ áo hồng nhạt đó thì ngẩn ra thật lâu. Vị “cô nương” này có cặp mắt xinh đen láy, má đào mặt trắng, mũi thẳng dọc dừa, eo lưng bó chặt, bộ ngực nhởn nhơ mỹ lệ cao vút, trong lúc nói chuyện cây thoa cài trên mái tóc đen dày đong đưa qua lại, trông có sáu phần giống công chúa Vĩnh Phúc.

“Mỹ nhân” thấy Dương Lăng đứng ngây ra thì không nhịn được mà bật cười rồi khẽ xoay eo giơ ống tay lụa (2) che miệng, “e thẹn” nói:

- Dương đại nhân thật vô lễ quá đi, sao lại nhìn nô gia như vậy?

Dương Lăng nghe mà cảm thấy buồn nôn, lúc này y mới nhận ra vị cô nương xoay người ra vẻ ngượng nghịu chính là hoàng đế Chính Đức cải trang, xem ra hắn còn bỏ rất nhiều công sức nữa; tay áo giơ lên, ánh mắt đong đưa, điệu bộ và tác phong trên sân khấu ấy... oẹ...

Dương Lăng dở khóc dở cười vái lạy:

- Thần Dương Lăng tham kiến Hoàng thượng.

Lúc này rèm cửa lại được vén lên, một người nữa lại xông vào, cất giọng nhu mì như hoàng oanh:

- Hoàng huynh, hoàng huynh, huynh đổi lại y phục...

Chắc người đó cũng thấy có ngoại thần ở đây nên lập tức ngưng lời. Dương Lăng khẽ ngẩng lên, chỉ thấy trước mặt là một chiếc váy màu vàng nhạt dài chấm đất, phía trước thoáng lộ ra hai mũi giày tinh xảo, mũi có thể ngửi được mùi thơm cực phẩm nhàn nhạt.

Dương Lăng thầm nghĩ: "Hoàng huynh? Đây là vị công chúa nào nhỉ?"

Chính Đức "hừ" một tiếng rồi nói:

- Kêu cái gì mà kêu, lâu lâu diễn vở kịch cho vui vẻ một chút thôi mà, có gì mất mặt chứ. Trong nhị thập tứ hiếu còn có người mặc áo màu đùa giỡn làm vui cha mẹ (3), trẫm làm như vậy không phải là diễn cho Thái hoàng Thái hậu và Hoàng thái hậu được vui sao? Dương khanh, đứng dậy đi. Đây là hoàng muội Vĩnh Phúc. Không cần giữ lễ.

Dương Lăng liền vội dập đầu thưa:

- Thần Dương Lăng bái kiến trưởng công chúa điện hạ!

Hai mũi giày đó khẽ rút về sau, ẩn mình vào trong chiếc váy vàng sóng sánh như nước trên mặt hồ. Sau đó một giọng nói mềm mại nhỏ nhẹ cất lên:

- Bình thân.

Đây là lần đầu tiên Dương Lăng quỳ gần nàng ta như vậy. Thường ngày y quỳ với Hoàng đế đều giống như đóng kịch cho người khác xem, hết sức tuỳ tiện nhưng với công chúa người ta thì y lại không dám sơ suất. Dương Lăng lúng túng đứng dậy rồi liếc nhanh nàng ta một cái. Mấy tháng không gặp, Vĩnh Phúc như chồi non đã nhú ra khỏi mặt đất, dáng người thướt tha trông đã cao hơn.

Nàng có vẻ thích mặc đồ màu vàng. Hôm nay vẫn là một bộ cung trang màu vàng óng, tóc mây lượn lờ, mày đậm như tranh, mắt sáng tựa sao, mặt như tranh vẽ nhưng vẻ mặt và khí chất đã dè dặt hơn một chút so với vẻ ngây thơ lúc đầu gặp mặt.

Nàng đang ôm trong tay bộ long bào và kim quan (mũ vua), ánh mắt vừa chạm với Dương Lăng liền vội rời đi. Nàng quay sang dịu dàng nói với Chính Đức:

- Hoàng huynh, Thái hoàng thái hậu cũng chỉ có ý tốt mà thôi. Huynh là vua của một nước, lên đài diễn kịch đùa vui một lát cũng được thôi, dù sao cũng là ở trong cung. Nhưng huynh lại muốn cải trang làm nữ nhân, đừng nói là Thái hoàng thái hậu nhìn không vừa mắt mà huynh không thấy vẻ mặt của mẫu hậu cũng không vui đó sao?

Chính Đức hậm hực nói:

- Thật là xui xẻo. Lần tới diễn hí khúc trẫm không mời bọn họ đến nữa là được. Cả hoàng hậu và quý phi nữa, không mời ai cả - Y vừa bực bội nói vừa cởi đai lụa quấn eo, cởi bộ cung trang màu hồng nhạt ra. Lưu Cẩn vội vàng bò qua giúp y mặc đồ.

Dương Lăng thấy Chính Đức lấy dây tơ nhiều màu buộc thành hai bó trước ngực, căng lên trông giống như bộ ngực cao vút thì không khỏi ho khan vài tiếng nén cười rồi khuyên nhủ:

- Hoàng thượng, người chẳng qua nhàn rỗi tìm ít trò để giải sầu, đương nhiên không phải là không được, nhưng dù sao người vẫn là thiên tử cao cao tại thượng, nếu để truyền vào tai ngoại đình thì thực sẽ kinh hãi thế tục, đi ngược với đạo lý đó. Hoàng thượng hãy nghĩ thử, đừng nói là người, cho dù là thần nếu cải trang thành con gái rồi mở tiệc diễn kịch trong nhà thì một khi truyền ra e rằng tấu chương hặc tội của bá quan sẽ lập tức được trình lên, không bãi chức quan của thần mới lạ đó.

Chính Đức cười ha hả, sau đó nhìn đánh giá y mấy lượt rồi cười nói:

- Khanh dám làm vậy sao. Ấu Nương... phu nhân người mà không nổi giận thì mới lạ. Có điều... khanh mà cải trang nhất định không xinh đẹp bằng ta.

Công chúa Vĩnh Phúc thoáng liếc Dương Lăng, tưởng tượng bộ dáng ăn mặc trang phục phụ nữ của y nhịn không được liền bật cười rồi lập tức cảm thấy hơi thất thố nên mặt đẹp đỏ bừng.

Dương Lăng dở khóc dở cười phụ họa:

- Phải phải phải, đương nhiên là Hoàng thượng người xinh... à không... người anh tuấn tiêu sái. Không phải vậy sao, người cũng biết vợ thần sẽ nổi giận, vậy người hãy nghĩ xem Thái hoàng Thái hậu, Thái hậu, hoàng hậu và quý phi nương nương làm vậy không phải là vì yêu tiếc thanh danh của người ư?

Nghĩ ngợi một chút, Chính Đức cười xòa, nói:

- Ừm, nghĩ như vậy thì trẫm không giận nữa. Ha ha, Lưu Cẩn, chốc nữa hãy gọi Mã Vĩnh Thành tiến cống vào cung của Thái hoàng Thái hậu và Thái hậu mỗi nơi trăm cuộn lụa tơ, mười cân trà quý, còn chỗ của hoàng hậu và quý phi thì... cũng ban thưởng một chút, giảm một nửa là được.

Chính Đức đã đổi mặc long bào, Lưu Cẩn dìu y ngồi lên ghế và nhanh nhẹn sửa tóc cho y. Thấy trên mặt y vẫn còn son phấn, Dương Lăng liền lấy trong người ra một chiếc khăn tay song vừa lấy ra liền rụt vội về như chạm phải lửa: y sực nhớ ra chiếc khăn tay này là đồ của công chúa Vĩnh Phúc.

Công chúa Vĩnh Phúc tinh mắt, nàng đã nhìn thấy động tác của y, bốn chữ "Vĩnh Phúc Tú Ninh" hình đoá hoa mai thêu ở góc khăn vẫn còn đó, nàng sao không nhận ra. Con tim thiếu nữ của tiểu công chúa lập tức đập thình thịch. Nếu bị hoàng huynh phát hiện thì nguy mất, biết giải thích làm sao đây. Vị Dương đại nhân này thật là... sao y còn cất mang trên người vậy chứ.

May thay Chính Đức không hề phát hiện. Y vừa ngửa đầu cho Lưu Cẩn sửa tóc vừa hỏi:

- Dương thị độc, hôm nay vào cung trễ như vậy có phải là có chuyện muốn nói với trẫm không?

Dương Lăng bước tới một bước đáp:

- Dạ phải. Hai loại cây trồng mà thần từng bẩm tấu với Hoàng thượng dễ sinh trưởng vô cùng, có điều bá quan trong triều vì cẩn thận nên đã kiến nghị trồng thử ở vài nơi trước. Thần đã chọn được vài địa phương nên khi nãy đã bàn bạc với Lưu công công...

Y vừa nói vừa giấu tay ra sau lưng lắc lắc. Công chúa Vĩnh Phúc mím môi, nhón chân, rón rén gót ngà rồi thò tay chụp nhanh đoạt lấy chiếc khăn đó về.

Dương Lăng báo với Chính Đức về việc chuẩn bị trồng thử tại hai vùng nam bắc nơi có hoàn cảnh khí hậu bất đồng, kết hợp tập trung trồng thử ở vùng đất cằn và triền núi ở Thiểm Tây, do Nội xưởng cung cấp vốn riêng và bảo hộ thì ngón tay sau lưng thoáng giật lên, cảm giác như chiếc khăn lụa mềm mại đó đã bị người ta kéo mất, Dương Lăng không khỏi âm thầm thở phào nhẹ nhõm.

Liền sau đó y chợt thấy gót chân mình bị người ta đá một cái. Y ngẩn ra, bên cạnh thoảng qua một làn gió thơm, tiểu công chúa Vĩnh Phúc đã thướt tha uyển chuyển đi đến bên cạnh Chính Đức, xoay người đứng im, sắc mặt như cười nhưng không phải cười, hàm răng trắng tinh thấp thoáng sau cặp môi anh đào, ánh mắt dịu dàng song lại không liếc y lấy một cái.

Dương Lăng thoáng có một cảm giác kỳ quái. Vẫn tưởng vị tiểu công chúa này thanh tao nho nhã mà hoá ra thiếu nữ trên thế giới ai nấy đều có tính cách như vậy, cho dù cô nàng có là con gái của vua.

Chính Đức nghe Dương Lăng nói được một nửa liền bị cái gì mà ươm giống, trồng cây, cái gì mà thổ nhưỡng nước nôi sâu bệnh làm cho váng cả đầu. Tuy rằng lên làm hoàng đế thì hắn cũng từng ‘canh tác’ khi tiến hành tế Trời tại Thiên Đàn nhưng thật ra ngay cả hoa mầu và cỏ dại hắn còn không phân biệt được thì sao có hứng thú với mấy chuyện này. Có điều hắn rất tín nhiệm Dương Lăng và Lưu Cẩn, nếu như hai người này đều đã đồng ý vậy thì còn có gì để nói nữa.

Chính Đức bèn khoát tay bảo:

- Được, vậy cứ theo các khanh. Lưu Cẩn soạn chỉ bảo Bố chánh sứ Thiểm Tây đảm nhiệm đi, đưa ra triều đình nghị luận chỉ tốn thời gian cãi vã.

Dương Lăng vui mừng khôn xiết. Cấp sự trung bộ Hộ đổi thành Trương Thái, Đường quan bộ Hộ là Nghiêm Tung. Một khi thánh chỉ được hạ thì lập tức được truyền đạt đến Thiểm Tây, đến lúc đó ván đã đóng thuyền, bốn mươi con ngựa cũng đừng hòng đuổi kịp.

Lưu Cẩn thấy thế cũng thừa cơ thượng tấu:

- Hoàng thượng, nô tài có đề xuất một ít kiến nghị nhằm vào chính sách, chế độ hủ bại trong triều, khi nãy có mời Dương đại nhân xem qua. Nôi tài tính sửa đổi một chút rồi sẽ giao cho người thi hành. Hoàng thượng cầm quyền trị quốc, cũng nên có chút thay đổi mới được.

Chính Đức cả mừng, vỗ bàn khen:

- Hay lắm, có thế chứ! Có các khanh san sẻ lo âu, trẫm sao còn phải lo ôm đồm mọi việc?

Dương Lăng nghe vậy thì biết đã hỏng bét. Phương châm của bộ biến pháp này còn cấp tiến hơn cả mình, hơn bốn mươi chính sách này một khi được đề xuất thì triều đình không bùng nổ mới lạ đó. Ôi chao, mới vừa yên ổn được có mấy ngày.

Dương Lăng liền vội tâu:

- Hoàng thượng, thần muốn chuẩn bị mầm giống, đào tạo nhân viên nên trong khoảng thời gian này e sẽ không thể lên triều được nữa.

Chính Đức cảm thấy hơi thất vọng, trong ánh mắt của công chúa Vĩnh Phúc đang đứng bên cạnh cũng thoáng hiện sự mất mát. Chính Đức vừa định mở lời, Dương Lăng lại nói:

- Hoàng thượng, Nội xưởng đang nghiên cứu chế tạo ra một loại súng mới. Nếu thành công thì tốc độ bắn của nó sẽ lợi hại hơn hoả khí trước đây rất nhiều. Thần nhất định sẽ mau chóng chế tạo ra, đến khi đó mời Hoàng thượng đích thân bắn thử.

Câu này đã khơi gợi lên sự hứng thú của Chính Đức, hắn liền nói:

- Được, vậy khanh hãy đi làm việc của mình đi. Nếu cần điều nhân thủ từ cục Quân khí thì cứ nói với trẫm.

Dương Lăng dạ một tiếng, rồi mỉm cười liếc nhìn Lưu Cẩn đang xun xoe muốn ra sức, thầm nói: "Lưu đại quan nhân, các người cứ đi chịu khổ đi, hiện tại vẫn chưa phải lúc tôi đây xuất hiện, theo lành tránh dữ là hơn."

Chú thích:

(1) Theo sử chép, Cẩn không phải là loại bất tài. Ông ta đã đưa ra một số cải cách về chính trị. 'Phạt gạo' là một trong những chính sách nằm trừng phạt quan lại tham ô hoặc không làm tròn trách nhiệm, tính theo đơn vị bổng lộc; nặng thì năm trăm thạch (30 tấn), nhẹ thì ba trăm (18 tấn) trở xuống, nếu đã bãi quan thì giảm một nửa. (theo http://baike.baidu.com/view/28371.htm)

(2) Nguyên văn "thuỷ tụ", là loại tay áo may bằng lụa dài thường gặp trong các hí kịch truyền thống Trung Quốc. Vì khi múa tạo thành hình sóng nước nên có tên này. Xem hình http://a2.att.hudong.com/51/61/01300...16014102_s.jpg

(3) Nguyên văn "thái y ngu thân" (hay "hý thái ngu thân" 戲彩娛親). Trích trong "Nhị Thập Tứ Hiếu" truyện. Truyện rằng Lão Lai Tử sanh vào đời Xuân Thu, ông phụng dưỡng song thân rất chu đáo. Tuy Lão Lai Tử đã trên bảy mươi tuổi nhưng cha mẹ ông vẫn còn sống, ông không bao giờ nói là mình già vì còn cha mẹ thì không xưng là già, "Phụ mẫu tại hỗ ngôn bất xưng lão." Lão Lai Tử tìm mọi cách cốt ý để làm cho cha mẹ lúc nào cũng vui vẻ trong lòng. Ông cải trang, mặc áo sặc sỡ năm màu và múa hát trước mặt cha mẹ mình. Lại có khi Lão Lai Tử bưng nước hầu song thân, ông giả vờ bị trượt té rồi ngồi khóc oa oa như trẻ nít lên ba. Cha mẹ ông vui cười trước sự ngộ nghĩnh của con mình.